Cảm nhận Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh

conruoinho

Gà ăn mày
Nhóm Chuyển ngữ
Gà về hưu
Tham gia
10/1/14
Bài viết
1.952
Gạo
4.000,0
LoPorasitus1.jpg

(Nguồn ảnh: Facebook Legend of Porasitus)
Từ dạo đọc xong hơn 500 chương của truyện Đạo Tình (thật ra tôi nói hơi quá, truyện chưa nhiều chương đến vậy nhưng lúc đọc sao thấy nó dài đến thê lương, đọc hoài đọc mãi hoài mà không hết), tôi không còn có hứng đọc những truyện tranh đấu quyền lực đấm đá yêu đương thế nữa. Thế mà, cuối tuần rồi tôi lại nổi hứng lên đọc Huyền thoại Porasitus, bộ truyện tôi mua chủ yếu vì muốn ủng hộ các tác giả Việt trẻ có tiềm năng, chứ lúc mua cũng chưa biết nó có hay có dở chỗ nào. Bộ sách gần cả ngàn trang, tuy nội dung không hề giống với Đạo Tình, nhưng cái cảm giác khi đọc một truyện dài lê thê thì nó cũng như nhau: Đọc đến mệt mỏi nhưng không ngừng lật trang, cứ mỗi khi có tình tiết mới xảy ra là tôi càng muốn biết… những cuộc chiến đẫm máu bao giờ mới kết thúc? Chuyện gì sẽ xảy ra giữa Ana, Prang và Yusan?

Huyền thoại Porasitus, một câu chuyện dài, cốt truyện không mới, nhân vật xuất chúng nhưng không đặc sắc, kết thúc mang tính tất yếu chứ không bất ngờ, nhưng đó lại là một câu chuyện không nhàm chán chút nào. Thật lòng mà nói là tôi thật khâm phục Thảo Dương đã kiên trì gần cả mười một năm để viết hết câu chuyện, nghe đâu Thảo Dương bắt đầu viết truyện này khi chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi. Nếu được biết đến Huyền thoại Porasitus từ khi nó là một truyện dài kì trên mạng, một hai tuần hay thậm chí cả tháng mới được đọc một chương, chưa biết tôi có theo đuổi nổi để đọc hay không chứ đừng nói là viết được nhiều như thế, nhất là đối với thể loại tình yêu, chiến tranh huyền thoại tham quyền vọng bá như thế. Truyện có hoành tráng như Chúa tể những chiếc nhẫn, Trò chơi vương quyền, Tam quốc diễn nghĩa… hay không? Xin thưa là không. Nhưng truyện có đáng đọc hay không? Xin thưa là có.

Có lời bình nói, các chương đầu viết có vẻ còn non tay, nhưng tôi thấy Thảo Dương viết rất khỏe và những tình tiết cũng gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Đọc Huyền thoại Porasitus, đôi khi tôi có cảm giác như Thảo Dương đang tường thuật trực tiếp những cuộc chiến, đi guốc trong bụng từng nhân vật một đến nỗi câu từ miêu tả từng trận đánh, từng vẻ mặt, từng lời tiên tri, thậm chí chỉ cả những lung lay nhẹ của làn gió cũng được diễn tả rất tinh tế, rất mượt mà. Đến nỗi chính tôi cũng cảm nhận được những khắc khoải của mỗi nhân vật trôi vật vờ theo trong cơn gió, “Gió sa mạc đêm nay lạnh quá. Gió nhẹ nhàng ve vuốt những nỗi buồn triền miên của bao con người cô độc, đáng thương chốn nhân gian này. Rồi lại rời bỏ con người đi xa mãi về nơi đường chân trời xa thẳm.” Thỉnh thoảng trong lúc đọc, tôi cũng buông sách xuống để đón lấy một cơn gió lùa qua cửa sổ. Đôi khi, tôi cũng thấy những hành động, những phản ứng của Ana trong những cuộc chiến quá thật quá… máu lạnh, không biết cô gái mười chín hai mươi nào mà tàn độc giết người không gớm tay như thế? Cơn gió ấy, xin hãy cuốn trôi đi những hận thù đẫm máu trong lòng cô công chúa trẻ - Ana.

Nói đến sự hoành tráng của tác phẩm, tôi muốn nói đến những tình huống chiến sự và cách giải quyết mà Ana đã đưa ra trong trận chiến Wandy hay trận chiếm đóng Dahlia, hay cả những tài năng thiện nghệ của những nhân vật khác trong truyện chỉ mới mười sáu mười bảy đã khiến tôi không ngừng thán phục Sự thán phục đó dành cho trí tưởng tượng quá phong phú của tác giả hơn là dành cho các nhân vật, bối cảnh truyện, thậm chí cả lịch sử và truyền thuyết đều rất được sáng tạo rất tài tình. Trên bìa sách có nói, Thảo Dương chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc từ học thuyết Lão Trang. Tôi không biết (và cũng chưa có hứng tìm hiểu) học thuyết Lão Trang hướng con người đến những suy nghĩ nào, nhưng có lẽ nó đã làm cho Thảo Trang già dặn hơn khi viết về những tư tưởng chính trị của Prang về một đất nước thống nhất nhiều dân tộc. Khi người dân nghe những lời tàn độc đó được phát ra từ miệng của một người lãnh đạo dũng mãnh đầy hào quang thì dù nó sai cũng có thể trở thành đúng, hay dân chúng sống trong hạnh phúc quá ngu muội nên không nghĩ đến chuyện hạnh phúc của mình được vun đắp bằng máu của dân tộc khác? Đó là sự mị dân, và nó còn kinh khủng hơn cả sự đàn áp giết chóc. Điều này làm tôi nghĩ đến một chủ đề được đề cập trong quyển Kẻ trộm sách, vũ khí tàn độc nhất của Hitler là lời nói của ông ta: những lời nói, những quân lệnh khiến người khác tay nhuốm đầy máu mà không thấy tự kinh tởm. Nhưng như Ana nói về chính mình đó, “Tên giết người nào cũng là quỷ dữ thôi. Chỉ cần tay nhuốm máu một lần sẽ không dừng lại được.”

Nếu muốn nói đến sự non nớt, tôi nghĩ có lẽ non nớt nhất là cách Thảo Dương viết về tình yêu. Những tình yêu trong truyện, tôi cảm thấy đều có thể so sánh như dạng, nếu không tương tự chuyện Mị Châu Trọng Thủy lừa qua gạt lại trong âm mưu chính trị, thì cũng Romeo & Juliet chàng chàng thiếp thiếp hai bên đối lập không thể đến với nhau. Dù rất bị cuốn hút vào câu chuyện và muốn biết các nhân vật giải quyết chuyện tình cảm của mình thế nào, rất nhiều lần tôi không tránh khỏi cảm nhận rằng tình cảm của họ thật… ba xàm vớ vẩn. Không biết đó là vi khi viết tác giả chỉ là cô bé tuổi teen chưa yêu nhiều, hay do khi đọc tôi đã quá tuổi yêu đương để hiểu. Nói chung là tôi không hiểu làm thế nào mà Ana lại có thể yêu Prang đến lên trời xuống biển, khi cả hai lần đầu gặp chỉ nói vài câu thế là đã yêu? Khi họ chưa từng trao nhau dù chỉ một cái nắm tay hay một nụ hôn (mãi đến gần cuối truyện) thế là đã thương nhớ? Khi chàng giết cả dân tộc nàng nhưng nàng vẫn vì chàng mà đi giết những dân tộc khác để tìm cơ hội tiếp cận chàng? Không hiểu tâm hồn họ kết nối nhau ở cái chỗ nào, hay đó chỉ là những mê đắm của tuổi trẻ chỉ ham muốn những cái mình không thể có được? Thế rồi thỉnh thoảng Ana lại ghen tuông vì tưởng nhầm Yusan có hôn thê, đau buồn vì sợ Benjin phản bội, mong muốn Jacken trung thành với mình… Ừm, đó có phải là tâm sự tình yêu của cô gái trẻ, hình như hơi quá teen? Nhắc đến Benjin, tôi nghĩ tình yêu của anh còn chín chắn và hợp lý hơn tình yêu của những nhân vật khác, dù không được đáp lại nhưng khi hiểu rõ về con người thật của Reven anh vẫn chấp nhận rời bỏ ngôi vị đế vương Ohlan để chết ngoài sa trường vì Reven. Hay ấn tượng hơn, tôi nghĩ là tình yêu thầm lặng giữa thái tử Leo và nàng Editia. Tôi tiếc nuối mãi vì không được nghe thêm câu chuyện của họ.

Tôi không biết nên nói thế nào về kết thúc câu chuyện, khi tất cả những nhân vật đều… chết, cách này hay cách khác. Nhưng tôi nói đó là kết cục tất yếu là vì sao? Sự chọn lựa giữa một người mình yêu thương và một mối thù dân tộc, có bao giờ dẫn đến kết cục tươi đẹp? Chỉ có thể nói, đứng giữa những sự chọn lựa đó “không chết cũng bị thương”. Như Ana hay nhân vật nào trong truyện đã nói đó, “Chiến tranh là sự trừng trị cho cả kẻ chinh phạt và kẻ bị chinh phạt.” Dân tộc hùng mạnh nào cũng suy tàn, không ai sống mãi được, không ánh sao nào không sáng rồi vụt tắt. Có lẽ suy cho cùng thì đó cũng là kết cuộc có hậu cho Ana và Prang, ít ra họ còn có quyền chọn lựa cách ra đi. Có lẽ đó là cách duy nhất để họ giữ mãi những điều tốt đẹp về nhau. Còn với tôi, thật tình mà nói, có lẽ một thời gian ngắn thôi tôi cũng sẽ sớm quên đi cốt truyện này hoặc sẽ không bao giờ đọc lại lần thứ hai, nhưng tôi không thấy tiếc mấy tiếng đồng hồ đã bỏ ra để đọc nó chút nào, dành chút thời gian đắm chìm theo những cảm xúc của các nhân vật cũng không sao.

LoPorasitus2.jpg

(Nguồn ảnh: Facebook Legend of Porasitus)​

Tái bút: Có một điều mà tôi chú ý nhất đến trong truyện là những cái tên. Không phải vì nó lạ, mà vì những cái tên… khiến tôi thấy phân tâm khi đọc biết nhường nào. Tôi có xem chú thích của Thảo Dương trên trang web giải thích nguồn gốc khi đặt tên nhân vật, nhưng những giải thích đó cũng không làm tôi bớt cảm thấy rằng những cái tên không phù hợp đó làm mất đi phần nào tính cách của nhân vật, đặc biệt là một số nhân vật cần có sự oai phong ngay cả trong cái tên. Thế nhưng đầy trong truyện nào là phu nhân Karma (karma: nghiệp chướng); nào là Huyền vũ Abalone (abalone: bào ngư); nào là công nương Nemesis (nemesis: nữ thần báo ứng, nhưng nghĩa thông dụng hơn là kẻ thù không đội trời chung); nào là tì nữ Syringa (syringe: ống tiêm, ống xi lanh… có lẽ vì cô này bắn cung giỏi?); nào là tướng quân đầy kinh nghiệm Cinnamon (cinnamon: quế, cái tên khá là con gái); nào là Canary Citron (Canary: chim hoàng yến, nghĩa thông thường trong games là những người tiên phong. Citron: quả thanh yên, nhưng nghĩa thông dụng hơn thường được dùng để chỉ các loại chanh quýt. Canaray Citron: Người Tiên Phong Chanh Quýt, có lẽ các bạn cũng hiểu tâm trạng của tôi khi đọc cái tên này.); và đôi khi những cái tên đọc ra có hơi hướm lai Tàu hay Nhật (Reven Ping, Yusan, Hasan, Chisan, Kun,… ừm thì, Hasan nghe cũng có vẻ đến từ Vùng Vịnh Ba Tư một chút) trong một ngữ cảnh truyện mà tôi hình dung rằng nó mang tính Tây Âu hay Trung Á, từ cái tên của nhân vật chính Anatasia của Porasitus. Nói chung, dù yêu thích các nhân vật, tôi cũng không thích những cái tên ấy chút nào. Nhưng cũng không có nghĩa là tôi muốn nói Thảo Dương nên thay đổi chúng, cu Tí hay cu Tèo cũng đã thành những nhân vật khá thân quen sau cả trăm chương truyện. Đó là lý do lời bình này trong phần tái bút, hy vọng không ảnh hưởng đến những độc giả khác cũng yêu thích Huyền thoại Porasitus.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mắt nắng

Gà BT
Tham gia
5/8/14
Bài viết
1.252
Gạo
1.000,0
Re: Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh
map-small.jpg

Bản đồ các vương quốc trong “Huyền thoại Porasitus” – Họa sĩ: Ting Xu (2010)​

Tr: Huyền thoại Porasitus – "bản kinh cầu hồn cuối cùng được cất lên giữa bầu trời u ám sắc đông thanh, là câu chuyện được kể lại trong một cuốn sách xa xưa về một truyền thuyết đầy máu và nước mắt, là khúc bi ca về chiến tranh và tình yêu bất tử

Một vì sao bao trùm ba số mệnh.

Truyền thuyết xa xưa ấy đã trở thành huyền thoại được viết bởi máu kẻ đã chết và nước mắt sám hối muộn màng của người còn đang sống… để khổ đau."

*Trailer của “Huyền thoại Porasitus” – Thảo Dương
Dài quá cô đọc, rồi ngừng, rồi đọc, đến nay thì bỏ lên kệ rồi R.
 

conruoinho

Gà ăn mày
Nhóm Chuyển ngữ
Gà về hưu
Tham gia
10/1/14
Bài viết
1.952
Gạo
4.000,0
Re: Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh
Ui trời, bất ngờ quá xá, cô Mắt nắng cũng đọc tác phẩm này à? :)) Không ngờ còn có cả trailer nữa chứ. :-o:-o
Đúng là hơi dài, đọc cũng cần nhiều sự kiên nhẫn mới đọc được hết. :D
Mà sao lại nói là 3 số mệnh chứ R thấy Yusan quá mờ nhạt. :-/
 

Mắt nắng

Gà BT
Tham gia
5/8/14
Bài viết
1.252
Gạo
1.000,0
Re: Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh
cũng đọc tác phẩm này à?
Cô đọc cuốn này là vì cái bạn Trinh trong nhóm R e a d i n g ~ c a f e viết giới thiệu đó R. Đọc được cuốn 1 thì cô bỏ vì đúng là không hợp gu, nhưng đám trẻ nhà cô thì hăng say mổ xẻ và tám lắm, cô đọc để có vốn cải lộn với chúng ở bàn ăn cho xôm tụ :D. Thị trường sách VN phải ăn mừng vì VN có cây bút đáng tự hào này :x.
 

conruoinho

Gà ăn mày
Nhóm Chuyển ngữ
Gà về hưu
Tham gia
10/1/14
Bài viết
1.952
Gạo
4.000,0
Re: Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh
Đúng á cô. R có sang reading cafe của Thảo Dương thấy có nhiều bài bình sách khá hay. :x
R cũng chủ trương muốn chê sách cũng phải đọc mới được phép chê. :D
 
Chỉnh sửa lần cuối:

ngocnungocnu

Gà trùm
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
11/9/14
Bài viết
5.251
Gạo
1.500,0
Re: Huyền thoại Porasitus - đắm chìm theo những chiến binh
Chị Ruồi làm em tò mò rồi há. Em chưa đọc truyện này, nhưng có vẻ hợp gu của em rồi. Hì hì.
 
Bên trên