Thỉnh thoảng đọc trúng một quyển sách mà có cảm giác như mình bị lừa. Quyển này là một, quyển kia là Rừng Na Uy (nhưng để nói về quyển ấy khi khác). Nếu ai có dự định đọc quyển này, tốt hơn hết đừng nên đọc phần giới thiệu trên bìa trước và bìa sau của sách. Nó khiến người đọc (là tôi đây) nghĩ rằng mình đang đi vào một câu chuyện huyền bí ma quái nào đó, nhưng thật ra chỉ là một câu chuyện trinh thám đơn thuần, thậm chí không có gì ghê gớm. Lời tựa của sách cho rằng đây là một câu chuyện khiến người ra rùng mình, vì những con người vì đồng tiền bán rẻ linh hồn nhìn vào gương mà không nhận ra mình nữa, vân vân mây mây nói chung là phê phán rập khuôn. Thật ra tôi chẳng thấy quyển sách có những thông điệp nào như thế cả. Nói đúng hơn là khách quan nhìn nhận thì cũng có sơ sơ, nhưng nếu muốn cảm ra những cảm xúc ấy thì cảm không ra dù chỉ một giọt.
Miyuki Miyabe là một tác giả tài năng. Bà viết nhiều thể loại, nhưng có lẽ tài đặc biệt của bà là viết những câu chuyện phiêu lưu dành cho thiếu nhi như Brave Story hay ICO Castle in the Mist, v.v. chứ không phải trinh thám tâm lý. Kasha có lẽ cũng bắt nguồn từ những giai thoại như thế, như bìa trước sách có ghi:
(Phần này không đến nỗi quá spoiler nên bạn cứ đọc thoải mái)
Truyện dân gian Nhật Bản kể rằng, có một loài yêu quái gọi là Kasha, cứ ở đâu có người chết thì nó cưỡi mây gõ sấm bay tới, thấy đã chôn thì nạy bật quan tài, chưa chôn thì thẳng tay cướp xác, để ăn, để bêu, để làm những việc gì mà nó muốn.
Kasha còn có nghĩa là cỗ xe lửa, do âm binh đẩy, lọc cọc, lọc cọc, đưa các linh hồn tội lỗi đến ngục hình mà hành hạ.
Câu chuyện này, bắt đầu từ hai hình ảnh đó…
Thế đấy, nghe cũng ghê rợn quá chứ, nhưng câu chuyện chỉ xoay quanh một cuộc điều tra, lần theo dấu vết của những bằng chứng. Đoạn cuối khi “hung thủ” xuất hiện và kết thúc câu chuyện thậm chí có phần hơi vội vã. Thật ra, phải khen ngợi sự tỉ mỉ đưa ra những bằng chứng và khả năng suy luận của Miyuki Miyabe, nhưng tôi vẫn không thích lắm. Trong bất cứ một vụ án nào, tôi cũng muốn được nghe từ hai phía. Nhưng câu chuyện này, mọi thứ chỉ từ một phía, ngay khi kết thúc thì tưởng chừng như mọi chuyện chỉ mới bắt đầu, ngay cả những cảm xúc hoa mỹ miêu tả trên trang bìa cũng chưa kịp hình thành. Nên tôi cảm thấy hụt hẫng như bị gạt, như thể câu chuyện chưa viết hết? Hung thủ chưa có dịp phân bua giải bày thì đã bị kết án.Kasha còn có nghĩa là cỗ xe lửa, do âm binh đẩy, lọc cọc, lọc cọc, đưa các linh hồn tội lỗi đến ngục hình mà hành hạ.
Câu chuyện này, bắt đầu từ hai hình ảnh đó…
Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng đây là một quyển sách đáng đọc. Sách được viết vào năm 1992, tức cách đây 23 năm, kể về một câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1990. Nghe có vẻ xa vời quá phải không? Nhưng không, câu chuyện kể về một xã hội tài chính, thực dụng đang cuốn xoáy con người vào dòng chảy tiền bạc bằng những miêu tả rất chi tiết về tín dụng, hộ khẩu, quản lý tài chính và kinh tế. Tôi giật mình, nước Nhật đi trước Việt Nam sớm đến thế ư? Ngay cả những loại hình phạm tội cũng đã sớm tinh vi hơn? Khi chúng ta còn chưa sử dụng rành thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng cho từng cá nhân chỉ mới phát triển những năm gần đây, thì ở nước khác họ đã biết đánh cắp nhân thân (identity theft) từ những thông tin bán hàng qua mạng lưới từ lâu… Thậm chí nghĩ đến lý do phạm tội của những tội ác này cũng thật khó mà tưởng tượng ra: phạm tội chỉ vì muốn trở thành một người khác.
Thông tin sách:
Công ty phát hành IPM & NXB Văn Học
Xuất bản tháng 9, 2014
Kích thước: 14 x 20.5 cm, 472 trang
Tác giả: Miyuki Miyabe
Người dịch: Mai Hương
Giá bìa: 109.000 đồng
Đánh giá của tôi: ∗∗∗*/5