Truyện ngắn Khắp cả thế gian

amethysttran

Gà con
Tham gia
16/6/16
Bài viết
1
Gạo
0,0


ea2d68b10ce6e7ce6b890acb91cb31a5.jpg


Khắp cả thế gian
Người viết: Khanh.
Thể loại: Tình cảm.
Đã hoàn thành.

Nhiều khi thương cũng chỉ là một cái cớ. Một cái cớ để được ở cạnh nhau…

1.
Đứng từ chỗ tôi nhìn xuống, cả thành phố chỉ be bé như một ổ bánh mì, tưởng chừng đặt chân đi mấy bước là cụt đường ngay. Mà cũng có thể là tôi nghĩ quá, có thể là thành phố không bé đến vậy. Minh chứng cho điều này là Trân cứ liên tục khen ngợi thành phố của chúng tôi rộng và đẹp nhường nào.

Chúng tôi đáp xuống lúc 9 giờ 25 phút tối. Tôi về cùng bố và em gái, đề nghị Trân đi cùng nhưng cô ấy không chịu. Trân nói mình muốn tự đi về để hít thở không khí cho dễ chịu, cô ấy bảo mình nhớ cái mùi khói bụi, nhớ tiếng còi xe, tiếng rồ ga điên đảo của nơi này lắm rồi. Thế là tôi về, chỉ kịp quăng lại một câu “Cậu là đồ dở người!” cho Trân rồi lên xe.

Một tuần trước, Trân chìa hai vé đi Hải Phòng ra trước mặt tôi. Tôi giật hai cái vé, nhìn một hồi rồi hoạt động đầu óc. Cô bạn tôi có lẽ mắc chứng dở người mãn tính, khi không lại rủ tôi đi Hải Phòng trong cái thời gian bận rộn thế này cơ đấy.

“Không phải đi Hải Phòng đâu.” Trân cười khúc khích.

“Vé ghi Hải Phòng rành rành thế này?”

“Ừ thì không phải. Mình chỉ ở tạm đấy thôi, để còn đến nơi khác.”

Tôi nhún vai, mắt lại lia xuống hai tấm vé. Chẳng phải do tôi ngại, và tôi cũng luôn để dành tiền cho những cuộc đi chơi thế này. Chỉ có điều lần này đột ngột quá, sáng mai máy bay đã cất cánh rồi.

“Đây này. Nếu đi được thì sáng mai ghé sớm. Không thì giữ vé làm kỷ niệm, tuyệt đối đừng cho ai.”

Trân dúi tấm vé vào tay tôi rồi ra về. Để mặc chàng trai trẻ đứng ngây ngốc với những suy nghĩ ngang dòng bủa vây từ tứ phía.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, xách một túi đồ rõ lớn đặt lên phía trước xe rồi rồ ga sang nhà Trân. Sáng sớm mát lạnh, Trân đứng trước cửa nhà, tàn tàn với chiếc áo ba lỗ đen, khoác thêm một sơ mi màu xanh rêu dài rộng cùng quần jean rách. Trân cứ như biết tôi sẽ đến, tỉnh lụi bảo tôi mau dắt xe vô nhà để cô ấy khóa cửa lại. Chúng tôi bắt xe buýt, đi qua một loạt những con đường quanh co, trông mềm èo như những sợi Spaghetti đan xen nhau trong thành phố. Phải tới khi làm thủ tục và ngồi trong phòng chờ, tôi mới ý thức được rằng mình sắp rời thành phố này.

2.
Tôi bấm *105*, bấm số của Trân, bấm thêm một dãy số và kết thúc bằng một dấu thăng rồi bấm gọi. Máy hiện lên dòng chữ báo yêu cầu gọi lại của tôi đã được chuyển đến máy của Trân. Nhưng cô ấy chẳng gọi lại. Tôi đảo qua đảo lại chiếc điện thoại, thèm được nghe giọng của Trân kinh khủng, bụng tôi cứ nôn nao, như thể có hàng chục con bướm đang bay loạn xạ trong dạ dày. Đứng giữa đường đông nghẹt vào một buổi tối chủ nhật, điện thoại hết tiền và túi cũng chẳng còn một đồng cắc. Tôi chỉ thèm được nghe chất giọng dịu êm của cô sinh viên cùng khóa, cô gái mà có lúc tôi ước cô ấy sẽ bỏ mặc cả thế giới để gói trọn tôi vào quỹ đạo của cô ấy.

Sau chuyến đi, cả hai chúng tôi đều lao đầu vào những dự án, những bài luận. Có lẽ đủ mệt để chẳng còn ai nhận ra rằng đối phương từng nằm trong quỹ đạo của nhau. Tôi thọc tay vào túi áo khoác. Trời Sài Gòn mùa này chẳng lạnh, vậy mà tôi cứ tự mình lùng sục những cái nắm tay tưởng như chẳng bao giờ đến trong túi áo giữa vô thức. Đối với những người đã tự nhận mình cô đơn và còn lười biếng mở lòng như tôi thì bất kể mùa nào cũng cảm thấy thiếu vắng. Sự thiếu vắng ấy khó nói thành lời, có khi chỉ đơn giản như một cú rơi, nhẹ hẫng đến rất lạ.

Bốn giờ sáng, một cơn mưa đi vào thành phố. Đi nhẹ và khẽ, ập xuống trong giấc ngủ. Tôi bịt tai lại, toan lơ đi tiếp tục quay mình rúc vào chăn, nhưng cơn buồn ngủ cứ trôi tuột đi mất. Tôi ngồi dậy, mò điện thoại rồi soạn một tin nhắn thật dài gửi cho Trân. Bốn giờ sáng, có khi cô ấy còn thức, đang rúc mình trong một chiếc chăn ở đâu đó đón bình minh lên. Hoặc tự đốt lửa trại, húp sùm sụp ly trà nóng sau một đêm ngắm sao và chuẩn bị chìm vào giấc ngủ. Trân trong mắt tôi là vậy, thích tự đi, tự vui, tự buồn. Đôi lần trong những khoảng lặng tưởng như của riêng ấy, còn có cả hình ảnh một thằng tóc tai bù xù, mặc áo phông trắng quần jean, lề mề xốc chiếc balo sau lưng là tôi.

Điện thoại rung lên một tiếng thật khẽ rồi tắt ngủm. Trân nhắn tin cho tôi điện chỉ của một nơi nào đó cách chỗ tôi không quá xa. Tôi gấp chăn, đánh răng rửa mặt rồi ra khỏi nhà thật khẽ, dắt theo chiếc xe đạp thể thao màu xanh lá cây rồi khóa cổng chắc chắn. Đường chẳng có ai. Tôi đạp chầm chậm, nhưng đường vắng và gió mát cứ đẩy bánh xe lăn nhanh hơn ban đầu. Đến một ngã tư, tôi dừng đèn đỏ. Ngước cặp mắt của một thằng kì lạ dừng đèn đỏ khi mà xung quanh chẳng có lấy một bóng người lên chiếc đèn đang nhấp nháy. Tự hỏi mình có ngớ ngẩn hay không khi ra khỏi nhà lúc bốn giờ sáng và ra khỏi nhà vì cái gì.

Vì Trân, vì tôi hay vì điều gì đó bất chợt thôi thúc tôi chăng ?

Trân ngồi trong một cửa hàng tiện lợi mở 24/24, nơi có bảng hiểu màu xanh lục, chiếu sáng cả một khoảng đường trống hoắc. Tôi dựng xe đạp phía trước, cầm tờ giấy ghi số xe mà anh bảo vệ còn ngái ngủ đưa rồi mở cửa bước vào, tiếng chuông cửa rung lên, như làm cho nhân viên trong cửa hàng trực tỉnh giữa một ca làm việc chẳng mấy vui vẻ.

“Mỳ ở đằng kia kìa, cậu cũng nên làm một ly đi.” Trân nói, thổi phù phù vào ly mỳ còn nóng hổi trước mặt.

Tôi lấy một ly mỳ cay, đưa cho nhân viên, tranh thủ mua thêm hai chai nước suối rồi bưng ly mỳ ra ngồi cạnh Trân. Chúng tôi quay mặt ra lớp kính, nhìn con đường vắng lặng, loang lổ ánh đèn vàng pha lẫn xanh lục. Cửa hàng bắt đầu bật Beautiful To Me của Shane Filan, tôi nghe lòng mình êm lại dần dần so với lúc đạp xe trên đường. Trân bắt đầu kể cho tôi chuyện của cô ấy.

“Hôm qua Trân ngủ cả buổi chiều, đầu cứ ong cả lên. Tối thì ra công viên, nướng bạch tuộc, uống bia rồi nằm trên bãi cỏ ngắm sao. Cậu phải thử Nhật ạ, thử uống bia một lần. Thử thứ mà cậu ghét, có khi lại yêu nó không chừng. Tớ cũng từng ghét nhiều thứ, nhưng rồi thử xong tao lại đâm ra nghiện. Như cái chuyện suốt ngày rong ruổi ngoài đường, rồi cả chuyện làm phiền Nhật như thế này nữa.”

Trân nói, rồi hì hụp ăn mỳ. Tôi cũng ăn, mỳ cay xé, nóng hổi làm hai đứa nước mắt nước túi tè le. Cô nhân viên xinh xắn, đeo chiếc tạp dề trắng tới đưa cho hai đứa khăn giấy để lau miệng, mỉm cười một cái thật tươi. Trân cũng cười, nói “Cảm ơn chị!” rồi cầm khăn giấy. Chúng tôi cứ ngồi một hồi lâu như vậy, rồi Trân đi ra chỗ quầy, mua hai bịch khô bò, hai lon bia đặt lên bàn.

“Cái này mua về dự trữ.”

“Chia Nhật một nửa đi.”

“Thế cũng tập uống bia thật cơ à? Đúng rồi, đàn ông con trai là phải thế!”

Trân vỗ bụp lên vai tôi rồi xin một cái bịch khác, bỏ một bịch khô bò và một lon bia vào, đưa cho tôi. Tôi và Trân ra về lúc bảy giờ hơn một chút, chúng tôi đi chung, đến đoạn ngã tư mà tôi từng dừng đèn đỏ thì hai đứa quẹo hai ngả, khuất bóng nhau.

3.
Những ngày ở Hải Phòng lạnh se, tôi và Trân thuê chung một phòng trong một nhà nghỉ gia đình hai sao nằm sâu trong con hẻm vòng vèo, muốn ra đường lớn là phải đi bộ một đoạn dài. Hằng sáng, chúng tôi bắt xe đi Thái Bình. Nhà ông bà nội của Trân ở thị xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Chúng tôi đi từ sáng sớm, gần trưa là tới nơi. Quê Trân trông giản đơn, thái bình như đúng cái tên nó mang theo mình. Trân luôn tới đúng giờ chợ mở buổi trưa, hôm thì mua rau, hôm thì mua nghêu rồi đem về nhà nội. Nhưng chỉ đặt vào trong cổng qua khe cửa lớn, đứng đến khi con chó trong nhà thấy có bóng người, sủa oang lên rồi đi. Suốt một tuần đó, chẳng ai trong xóm nhỏ biết Trân là ai, hay vô tình thấy Trân đem đồ đến, kể cả ông bà nội. Có đôi lần người ngoài chợ hỏi cô này là con cháu nhà ai về, vì trông cái mặt không phải người ở đây. Trân chỉ cười bảo về thăm ông bà, nhưng không nói ông bà là ai. Rồi người ta cũng chẳng nhiều chuyện, hỏi chút lại quên.

Buổi chiều, chúng tôi đi dạo theo mấy con đường nhỏ, quanh co vắng người. Hai bên là nhà gạch cũ, mấy cây chuối và ao hồ. Thỉnh thoảng có mấy con vịt, gà nhảy bổ ra giữa đường, không thì trâu, bò. Ấy thế mà thứ theo bước chân chúng tôi nhiều nhất vẫn là rơm, rơm ở mọi ngõ, mọi bước chân. Đến ngày thứ tư, Trân dẫn tôi đi lên đê, ra xem biển nổi sóng ầm ầm giữa mùa lạnh. Cô ấy bảo biển chẳng đẹp, nhưng cô ấy thích ngắm nó nổi sóng giữa một lớp sương mờ ở phía chân trời. Trân bảo, chân trời nhìn từ nơi quê hương là đẹp nhất, đẹp hơn những dải cực quang. Chẳng cần sao, cầu vồng hay trăng sáng đêm rằng, chỉ cần là bầu trời nhìn từ quê hương, tự khắc đã là đẹp nhất rồi.

Ngày cuối, sau khi mua một bao thóc, một con gà mái béo ịch được cột chân rồi đặt trước cổng nhà nội, Trân dẫn tôi đi thăm đình làng, nơi có một cây đa to phía trước cổng. Tôi cứ ngỡ mấy cây đa trước đình làng thế này chỉ còn nằm trong sách giáo khoa lớp một, lớp hai. Hóa ra tại đây vẫn còn một cây đa to, già đến thế này. Trân đứng phía bên kia đường, đối diện với đình, nhìn chếch sang hướng một trường tiểu học cũ. Lũ học sinh đang giờ nghỉ trưa, ào ra khỏi lớp như ong vỡ tổ. Đứa lớn chơi nhảy dây, đứa nhỏ thì ríu rít bám chân cô giáo, tụi nhỏ mặc áo ấm màu vàng, hệt mấy chú gà con lông vàng lúc nhúc bám chân gà mẹ. Chúng tôi còn đi thêm vài vòng, tôi chụp vài tấm hình, dừng lại ăn bánh ướt nóng ở quán mà Trân kể ngày trước về ăn Tết ở quê vẫn hay được mua cho làm đồ ăn sáng. Bánh mềm, dai và nóng hổi, ăn kèm với chả chiên nóng và nước mắm, tôi ăn liền tù tì hai đĩa lớn. Chẳng còn biết trời đất gì, chỉ biết trời đất chắc tất cả đã chui vào bụng tôi, làm nó no cứng. Bác chủ quán còn đưa cho tôi và Trân mỗi người một ly trà nóng, bảo uống vô đi cho thêm ấm bụng.

Chiều, tôi với Trân đón xe sớm để chuẩn bị cho chuyến bay buổi tối. Trân còn ghé qua nhà ông bà lần nữa, xem đã có ai khênh giúp bao thóc vào chưa. Chẳng thấy bao thóc, con gà đâu, chỉ thấy ngoài cổng nhà đã khóa, có một rổ trái cây vườn, quả nào quả nấy đỏ mọng, xanh mướt, được lót trên một lớp rơm mỏng chắc để giữ ấm. Trong rổ còn có tờ giấy, ghi hai chữ Cảm ơn bằng bút chì. Trân ôm rổ, vừa đi ra khỏi con hẻm nhỏ vừa khóc. Cứ thế đến lúc lên xe, Trân ngủ gục bên cạnh tôi, tay vẫn còn ôm rổ.

4.
“Nó tên là Măng Tây, gọi nó là Măng thôi cũng được. Đây là thức ăn, thuốc phòng khi cần.”

Quá nửa đêm, Trân gọi điện cho tôi ra mở cửa rồi trao cho tôi con chó con mà cô ấy vừa nuôi gần một tháng trước.

“Đi đâu thế?”

“Đi chơi chút thôi. Vẫn sẽ về đấy, nên Nhật chăm nó hộ tớ cho đàng hoàng vào.”

“Đã chuẩn bị đồ đạc hết chưa?”

“Rồi, giờ ra bến xe luôn. Đi trong đêm, như chạy trốn. Nghe kinh điển nhờ!”

Trân cười rồi xốc balo sau lưng, giờ tôi mới để ý chiếc xe chờ phía bên kia đường đang thả vào khoảng không tối phía trước hai luồng sáng từ chiếc đèn xe. Trân dặn dò tôi thêm vài thứ, rồi đứng nhìn tôi lặng thinh. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ muốn giữ tay Trân lại, bảo cô ấy đừng đi. Ít nhất là đừng đi vào lúc này, hãy chờ tới sáng mai, rồi chúng tôi sẽ cùng nhau đi tiếp, tới bất cứ nơi nào Trân muốn. Nhưng Trân luôn nhanh hơn tôi trong mọi thứ, sắp xếp cho một chuyến đi trong đêm, như một chuyến đào tẩu đã được lên kế hoạch rõ ràng. Một kế hoạch mà tôi đóng vai trò rất mờ nhạt. Tôi biết mình không muốn để Trân đi một mình, không phải chỉ sau khi về quê cùng cô ấy mà còn là trước đó nữa, tôi đã luôn trông trừng Trân. Tôi sợ nếu mình chỉ cần chậm một bước, thoắt cái Trân sẽ biến mất, bởi đó là sở trường của Trân.

Tôi một tay bế Măng Tây, một tay nắm lấy tay Trân. Trân không rụt lại ngay, cô ấy lại gần, nhón chân vươn mặt tới sát mặt tôi, đưa tay xoa má rồi luồn tay ra sau mái tóc rối xù của tôi, đoạn Trân áp má vào má tôi. Má Trân nóng hổi, tôi ngửi được mùi thơm lạ, rồi cô ấy nhẹ rút tay ra quay người chào tạm biệt.

***​

Mỗi tuần tôi đều nhận được một bức thư của Trân. Lúc thì kể về thời tiết, lúc thì kể về những công việc làm thêm, đôi lúc kèm theo vài câu than thở. Tôi cứ mải miết nghĩ, giá như trong đó có một chút nhớ tôi thì những lá thư này đã hoàn hảo hơn rồi. Tôi đến trường đều đều, về đến nhà là tranh thủ dẫn Măng Tây đi bộ, nó lớn nhanh như thổi, thức ăn Trân đưa tôi đã hết từ đời nào. Tôi vẫn hay ra cửa hàng tiện lợi ăn mỳ ly, đôi lần dẫn theo Măng Tây vào lúc bốn giờ sáng. Tìm được một công việc ngắn hạn tại cửa hàng bánh kẹo cho thiếu nhi, bọn trẻ có vẻ khoái Măng Tây, chúng cứ bám lấy cu cậu chẳng rời. Chẳng trách mỗi lần đi làm về nhà cả tôi và nó đều mệt lử, rồi cả hai chẳng còn thiết làm gì, chỉ muốn lên giường đánh một giấc sâu.

Khi Măng Tây đã cao đến đầu gối tôi, những lá thư ngừng gửi. Tôi gọi điện cho Trân để kiểm tra hai ngày một lần, nhưng lúc được lúc không. Trân bảo tôi cô ấy gặp trục trặt về giấy tờ, sẽ cố giải quyết sớm nhất để có thể tiếp tục gửi thư. Vậy là chúng tôi chuyển qua liên lạc bằng điện thoại, nhờ vậy mà Trân được dịp nghe thấy mấy tiếng tru tréo của Măng Tây mỗi lần dỗi chủ. Trân cứ trách tôi:

“Là do cậu chiều quá, nó sinh hư rồi!”

Chiều chủ nhật, được hơn năm tháng từ khi Trân đi, tôi lại nhận được thư. Thư ngắn, chỉ ghi vỏn vẹn vài dòng không kèm ngày tháng năm.

Nhật này.

Tớ đã tính đi lâu hơn, xa hơn nữa. Nhưng rồi tớ bị mất giấy tờ, người ta sẽ phải giải quyết vất vả mới tìm ra nó. Nhưng khi tìm ra rồi, tớ lại chẳng tài nào tiếp tục đi.
Tớ đã gặp nhiều người, làm nhiều thứ. Nhưng khi nhận được những cuộc điện thoại, nghe giọng cậu, tớ muốn trở về kinh khủng. Tớ nhớ cậu, nhớ Măng Tây và những buổi ngắm sao. Nếu có thể, tớ muốn đi cùng cậu, đi đâu cũng được. Vì tớ nghĩ: À, thì ra mình cũng cần một người ở bên.
Vậy cậu nghĩ sao? Nếu tớ nói rằng tớ không thích cậu. Nhưng tớ muốn cùng cậu đi khắp cả thế gian.
Người viết

Trân
.

Tôi gấp bức thư, đặt trên bàn. Măng Tây bỗng nhiên phấn khích lạ lùng, nó chạy ra phía cổng, sủa ầm cả khu. Tôi nhìn chiếc balo bị vứt xó từ khi Trân đi, tự thì thầm.

“Sẽ ra sao nếu tớ nói rằng tớ cũng không thích cậu, nhưng tớ vẫn muốn cùng cậu đi khắp cả thế gian?”
 
Bên trên