“Tôi tin rằng ai đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn, đều khó có thể rời bỏ nó mà không lưu luyến, vấn vương. Nó không đơn thuần là một mảnh đất, nó là ký ức, là ước mơ, là hoài bão của rất nhiều người. Nhưng, tôi cũng tin rằng những ai sống ở Sài Gòn, cũng đã từng có một lần khóc giữa Sài Gòn…” - Nguyễn Ngọc Thạch.
Tôi muốn thử hỏi những người đã và đang sinh sống tại Sài Gòn, có ai đã và từng đọc qua quyển sách này và tìm thấy "mình" trong những trang sách - nhân vật đó chưa?Lý do tôi viết vì tôi muốn tìm sự đồng cảm, một mối liên kết nào đó giữa những con người đang sống ở đất Việt, mặc dù chúng ta chưa lần nào nói chuyện với nhau, chưa từng quen nhau, cũng như chưa hề gặp mặt. Nhưng tôi vẫn muốn tìm đâu đó, một người chút cảm xúc, chút suy nghĩ, chút tâm trạng chênh vênh giữa cuộc đời giống với tôi, nhất là sau khi đọc quyển tiểu thuyết "Khóc giữa Sài Gòn."
Sài Gòn thật xa hoa, lộng lẫy. Thành phố vừa diễm lệ lại vừa huyền bí. Một bức tranh thật đẹp, hòa nhịp với cuộc sống "người đông đất hẹp". Ấy thế, đất "Sài Gòn" còn hay cái tên là đất "Cơ hội", dù nó có chật chội vì người đi chen chúc nhưng lúc nào đó cũng là phần tâm điểm đắt giá cho bất cứ ai muốn đổi đời, mượn sự lạ lẫm từ những góc phố xa lạ để thay đổi mình, kiếm chát cho sự mưu sinh nhọc nhằn.
"Khóc giữa Sài Gòn" được cảnh báo 16+ cho sách, cũng như câu khuyến cáo “Không đọc sách lúc cô đơn, buồn chán” không ít thì nhiều cũng mang đến sự ngạc nhiên cho các bạn trẻ khi lần đầu tiên cầm quyển sách này. Thật đấy, bạn không thể tưởng tượng rằng cuộc đời của ngoài xã hội hiện thực kia, bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu thăng trầm cảm xúc, cùng với những tham vọng, đam mê từ các nhân vật được gầy dựng qua mỗi trang sách đã thực sự phân trần, lột tả "tất tần tật" về mọi thứ.
"Đâu là tham vọng mù quáng, khi vô tình dẫn Phan chàng trai trở về từ phương xa với tham vọng đạt được các vị trí cao trong xã hội. Đó là Mễ, người đàn bà nghiên cứu tâm lý người ta để rồi giật mình hoảng sợ chính những thứ mình tìm ra được. Đó là Tú, gã tác giả nhìn đời bằng con mắt dửng dưng, chán nản nhưng thực tế, lạnh lùng. Là Ân, cô gái cô đơn đến nghẹt thở giữa chốn đông người, phải bám víu vào thế giới ảo. Là Thụy, chàng trai tỉnh lẻ cứ mãi chơi vơi giữa hai bờ giới tính. Và đó là Nam, vẫn còn mãi lạc trong miền đau xa xăm nào."
Đất Sài Gòn tuy rất rộng nhưng thật hẹp đối với những ai có mắc nối rối như tơ vò, có những lúc muốn tâm sự nhưng lại không biết trải lòng cùng ai. Người ta thường gọi đó là "cô đơn, lạc lõng". 6 số phận riêng biệt, 6 con người hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng nhau sống chung trên mảnh đất Sài Gòn này, đã đọng lại trong tôi rất nhiều điều, là hồi chương cảnh tỉnh sau một giấc dài chìm đắm trong ngộ nhận... Đâu ai nói cứ "đông" là sẽ không "cô đơn" bao giờ? Cuộc đời của họ thật vô thường, tưởng chừng như không hề ghép nối hoàn chỉnh, nhưng đâu đó giữa những con người xa lạ này lại có sợi dây liên kết đem họ mắc xích tạo thành một vòng tròn xoay quanh giữa cuộc đời, và vô tình đẩy họ vào cám dỗ để khi 6 người họ kịp lúc bừng tỉnh lại thì cũng đã quá trễ. Một người phải từ giã chốn "phồn thị" để rốt cuộc cũng vĩnh viễn trở về sự "yên bình" rời xa khỏi cõi đời này, một người phải vào chốn tù giam, một người phải rời khỏi Sài Gòn để đi tìm đam mê thật sự của chính mình... Đó mới chính là tư vị của cuộc đời, một mùi riêng của đất Sài Gòn, dung tục phàm trầm.
"Sài Gòn của tôi có rượu, có thuốc lá, có nước mắt, có cả ê chề, đắng cay… Có những đêm người ta đầy hoang dại bên nhau, ngẩng mặt nhìn ra thấy lấp lánh ánh đèn không bao giờ tắt. Có những lúc, người ta giấu đi lệ biệt ly ở một bến xe khách lúc hai, ba giờ sáng.
Sài Gòn của tôi, có những người dám chết vì nhau, dám sống vì nhau, và dám khóc vì nhau.” - Nguyễn Ngọc Thạch.
Họ gặp nhau, mang lại niềm vui, nụ cười và cả chia ly, để lại cho nhau nỗi đau cùng nước mắt. Nhưng dẫu như thế họ vẫn thấy Sài Gòn đẹp, tim họ vẫn một lòng say đắm, yêu vì vẻ hòa nhoáng của mảnh đất đông người này. Để rồi sau này họ có ngã sang một con đường khác, theo hướng bước chân dẫn lối mới đi nữa, thì họ vẫn hi vọng rằng, nơi đâu đó giữa chốn xa lạ này, một lần nữa họ sẽ lại được gặp nhau và... "Khóc giữa Sài Gòn".
Mấy ai đủ cuồng nhiệt và mạnh mẽ để sống thật giới tính, thực hiện niềm đam mê gần như đã nuốt sâu con người bạn? Những ai có đủ niềm tin vững vàng để theo phong cách riêng, đánh bật đi cái "tôi", bỏ lại những tai tiếng sau lưng để hoàn thiện lại bản thân mình... lần nữa? Hỡi những con người trẻ tuổi nơi đây, chúng ta còn trẻ thì đừng nên lãng phí, từ những con người của "Khóc giữa Sài Gòn" tôi đã có cái nhìn mới hơn về đời sống, tận mắt "đọc và ngẫm" những hành động bồng bột của những con người trẻ ấy, cùng với sự xô đẩy của dòng đời, của xã hội này. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn, vì chí ít tôi vẫn còn có quyền được lựa chọn.
Ai nói đọc sách rất nhàm? Ai nói đọc sách chỉ là chuyện rảnh rỗi? Ai nói đọc sách là rất vô vị? Thật xấu hổ, sách chính là nhịp đập của bất cứ ai đã và đang yêu sách, hơn ai hết họ hiểu sách có tầm ảnh hưởng lớn đến thế nào với họ nói riêng và cuộc sống nói chung.“Khóc giữa Sài Gòn” - Đợt cảm xúc dai dẳng vẫn không thể nào nguôi ngoai trong tôi, trước giờ tôi chưa từng lưu luyến trước một quyển sách nào như thế, nhưng thật lạ, lần này tôi lại da diết đến bất thường. Có lẽ vì tôi tìm được chính mình đâu đó giữa những trang sách, tiếng "khóc" của hồi ức cô đọng từ mảnh đất quen thuộc, Sài Gòn. Những con đường, quán hàng nước, xe trên phố, hoa đèn treo khắp nơi và con người lướt qua vẫn cái nụ cười xã giao ấy... tất cả ngày một càng tô điểm thêm cho thành phố, ra sức đánh bóng cho bức tranh đất Việt.
Cảm ơn - "Khóc giữa Sài Gòn" đã cho tôi phút ngậm ngùi với chính mình.
Chỉnh sửa lần cuối: