Cảm nhận Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời - Kertész Imre

Chim Cụt

đang cố gắng dài ra
Gà về hưu
Tham gia
4/12/13
Bài viết
14.361
Gạo
1.000,0
Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời (1).jpg

(Ảnh: Chim Cụt)

SỨC MẠNH CỦA RỪNG CÂU DÀI MIÊN MAN

Hồi nhỏ, nếu bất chợt được nghe những con chiên của Chúa đọc kinh, một nỗi sợ hãi không tên cứ chạy khắp người làm tui lạnh tóc gáy, như thể vừa bị một sức mạnh vô hình bủa vây. Vì họ phát ra những âm thanh tui thắc mắc liệu nó có phải tiếng mẹ đẻ - tui đã nghĩ Chúa dạy họ ngôn ngữ riêng của Người. Vì họ đọc liền tù tì tui không biết nên nghỉ chỗ nào để nghe tiếp hay thậm chí để họ hít thở. Vì, quan trọng hơn cả, họ tạo nên bầu không khí dâng tràn sự thiêng liêng và đức tin.

Quyển Kinh này khiến tui cũng sợ vậy, sợ đến phát mệt, mệt đến phát nản, nản đến phát chửi rủa bản thân khi thời gian gần đây toàn đọc phải những quyển sách chả lôi cuốn gì mấy ở những lần giở trang đầu tiên.

Đến con số 69 rồi nhưng tui không chắc (thật ra là hoàn toàn không) hiểu được những gì đã đọc, chẳng biết phải đến con số bao nhiêu mới gặp được dấu chấm kết câu tiếp theo, và hơn hết, chả rõ tình trạng này sẽ còn kéo dài đến bao nhiêu phần của quyển sách, hay có lẽ đến tận con số cuối cũng nên.

Imre trồng một rừng câu dài miên man trong quyển Kinh.

Có lúc, tui muốn quẳng nó sang bên, phản bội lòng tin dẫu có dở đến đâu quyển sách cũng sẽ có điểm sáng trước giờ của mình. Nhưng ông là tác giả đoạt giải Nobel Văn Học. Hãy đọc đi, hãy cố đọc đi! Nếu mày không phù hợp với mọi cái gắn với tính từ hàn lâm thì hãy vì tên của quyển Kinh mà đọc. Hãy tìm kiếm điều mày không thấy ở Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra của Oriana Fallaci.

Khi chưa đến được khúc cua tiếp theo của rừng câu này, tui lại động viên mình.

Như giờ đây ngộ ra, đọc kinh là nhắc lại những lời răn của Chúa với tốc độ nhanh hơn bình thường và lặp lại với số lần cần thiết trong tâm trí hòa nhập và dâng hiến, thì tui cần đọc nhanh để chóng hiểu ý nghĩa của xuất phát điểm ông muốn nói, hay có khi là cái ông muốn nói nhưng lại không nằm ở rừng chữ hiển hiện trước mắt, chứ không nên hoặc chưa phải lúc dừng lại phân tích từng câu từ - thói quen đọc sách trước đây, nguyên nhân khiến tui (tạm nhận) là con mọt mang họ rùa - để rồi đến cuối câu cũng quên luôn ông ấy mở đầu đoạn văn (tui cá nó không phải câu văn, có lẽ ông tác giả đã ngủ gật giữa chừng và ngỡ rằng mình đã đặt dấu chấm trước đó nên mới viết tiếp) với mục đích gì; nhưng đồng thời cũng phải đọc đi đọc lại nhiều đoạn (không dám nói là cả câu, vì nào biết phải lùi lại mấy trang để bắt gặp, ơn trời, dấu kết câu trước đó) để nhắc nhở bản thân hãy nắm bắt điều Imre gửi gắm đâu đó trong đoạn mà tui đã lướt qua theo triết lý rởm đọc nhanh chóng hiểu vì bất lực với cái tài múa bút vẽ câu của ông.

Khỉ gió thật, ai nói dài nói dai nói dại chứ tui thấy ông tài lắm! Tui mệt muốn đứt hơi khi cũng bày đặt múa bút vẽ câu như ông.

Không thể tin được là rừng câu này mọc từ trang 15 đến tận 143 trong độ dài (hoặc dày) 193 trang mới (hoặc lại) đưa tui quay về với đoạn mở đầu ở trang thứ mười lăm: ... những bản năng của chúng ta hoạt động chống lại những bản năng của chúng ta, có thể nói những phản bản năng của chúng ta hoạt động thay cho những bản năng của chúng ta... Đó là rừng câu dài nhất và kia là câu (thật ra chỉ là một ý) được lặp lại nhiều nhất, nếu trí nhớ tui có thể tạm sử dụng được (vốn nó rất tệ, mà khi đọc quyển này thì tui nhận ra nó còn tệ hơn tui tưởng) thì đó là bốn lần.

Bốn lần đã là gì!

Vợ, vợ tôi, vợ cũ tôi, đã từ lâu không còn là vợ tôi, giờ đã là vợ cũ, khi đó còn chưa là vợ tôi... cùng với những dấu ngoặc đơn đóng - mở rơi rớt trên trang giấy như lá rụng vào mùa. Sang đông, tưởng bước chân đi không còn ngập ngụa trong lá cây (hay câu) nữa thì lại vấp phải những hòn đá (hay dấu phẩy thân thiết của Imre - đôi bạn quấn quýt nhau với tần suất cao bất thường đến làm dấu chấm kết câu phải phát hờn), mà sau nó là những cơn mưa như trút nước tôi nói, tôi viết, tôi nói với vợ tôi, vợ tôi nói...

Bốn lần đã là gì! Không đếm được mới thật sự nhiều. Nào ai đếm được lá rụng, nào ai đếm được hạt mưa?

Chợt nhớ đến câu nói để đời của cụ cố Hồng trong Số đỏ, tui những muốn hét lên: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Tui biết ông ở hiện tại đang nói về vợ cũ của ông rồi, hay ông ở quá khứ đang nói về vợ tương lai của ông rồi. Tui biết ông đang nói hay đang viết mà, vì tui đang nghe và đang đọc đây mà. Tui biết vợ ông đang nói mà, vì ngoài ông và bà ra thì còn ai vào đây nữa đâu mà.

Khỉ gió thật, tui biết mà, đừng nhắc mãi như thế!

Khỉ gió thật, rốt cuộc, ông cũng dừng múa bút vẽ câu!

Khỉ gió thật, người ta đọc kinh như thế nào thì ông viết Kinh y chang thế đó và tui đọc Kinh y chang thế đó!

Nói cách khác, tinh thần quyển Kinh của Imre đã phản ánh đúng tên của nó (hay phải nói cái tên rất phù hợp với tác phẩm) và phần nào đó các buổi đọc kinh cùng Chúa - dài không điểm dừng, nhanh không kịp thở, lặp lại nhiều đến thuộc theo quán tính. Và đương nhiên, có thiêng liêng. Và đương nhiên, có đức tin. Của một người làm chồng. Của một người không làm cha.

Tui nói mà, quyển sách dẫu có dở đến đâu cũng có điểm sáng. Hoặc nói là tui có tối dạ đến đâu thì cuối cùng cũng được khai sáng.

Thì ra là như vậy.

Do Thái!

Chối bỏ nguồn gốc Do Thái!

Chối bỏ bản tính Do Thái!

Chối bỏ hệ lụy Do Thái!

Chối bỏ đứa con Do Thái!

Tui hiểu rồi, thật ra ông cũng bị một sức mạnh bủa vây.

Nỗi sợ Do Thái!

Con không muốn làm một người Do Thái!

Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời.jpg

(Ảnh: Chim Cụt)
Tác phẩm: Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời
Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Kích thước: 13x20.5cm
Số trang: 193
Xuất bản và phát hành: NXB Lao Động, Công ty VH&TT Nhã Nam
Năm xuất bản: 2011
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Haiiro

Gà BT
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.021
Gạo
9.000,0
Re: Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời - Kertész Imre
Em cũng thấy đau đầu dần rồi đây. Sao tác giả tên Imre mà có vẻ lại chả phải người thích im re thế nhở. :))
Thế cuối cùng chị đã tìm được điều chị muốn tìm trong cuốn này chưa?
 

Chim Cụt

đang cố gắng dài ra
Gà về hưu
Tham gia
4/12/13
Bài viết
14.361
Gạo
1.000,0
Re: Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời - Kertész Imre
Em cũng thấy đau đầu dần rồi đây. Sao tác giả tên Imre mà có vẻ lại chả phải người thích im re thế nhở. :))
Thế cuối cùng chị đã tìm được điều chị muốn tìm trong cuốn này chưa?
Chị nóng lòng tìm cuốn Không số phận để đọc coi đây có phải là văn phong của tác giả hay không nè. :))

Chị cũng không tìm thấy cái gì lay động lòng người ở đây. Quyển này tác giả nói về mình là chủ yếu. Chị đọc mà cứ thỉnh thoảng nhớ đến tên sách rồi tự hỏi coi khi nào thì ông tác giả mới nói về đứa trẻ. Có thể do khá mệt vì bị ổng thôi miên với tỉ tỉ câu dài nên chị không nắm bắt cũng không nhớ được nội dung trước trang 143. Có lẽ chị nên tìm đọc các bài viết về quyển này để được khai sáng. :D

Cũng có thể chị đang áp đặt cảm xúc của mình trong các tản văn đã viết vào quyển Kinh cũng như Lá thư nên mới không tìm thấy. :|
 
Bên trên