Lá thư không gửi - Cập nhật - lathukhonggui1989

Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
Tên truyện: Lá thư không gửi
Tác giả: lathukhonggui1989
Tình trạng sáng tác: Hoàn thành
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: 2 chương/tuần
Thể loại: Học đường
Độ dài: 4 chương
Giới hạn độ tuổi đọc: Không
Cảnh báo về nội dung: Không
Giới thiệu: Truyện kể về những tình cảm đầu đời của Quang. Hồi mới vào lớp mười, Quang được xếp ngồi cạnh Mai. Lúc đầu Quang cứ tưởng Mai hiền lành, dễ bắt nạt nhưng sau đó nó biết rằng cô bạn nó không đơn giản chút nào. Mai liên tục làm nó khó chịu. Nhưng qua thời gian, Quang bị Mai "chinh phục" dần dần, rồi nó thích Mai. Đến cuối lớp mười hai nó quyết định viết thư cho Mai thổ lộ lòng mình, nhưng rồi vào ngày nó quyết định đưa thư lại xảy ra một chuyện khiến nó hoàn toàn bất ngờ.
Mục lục:
Chương 1.
Chương 2 - Phần 1.
Chương 2 - Phần 2.
Chương 2 - Phần 3.
Chương 2 - Phần 4.
Chương 2 - Phần 5.
Chương 2 - Phần 6.
Chương 2 - Phần 7.
Chương 3 - Phần 1.
Chương 3 - Phần 2.
Chương 3 - Phần 3.
Chương 3 - Phần 4.
Chương 4 - Phần 1.
Chương 4 - Phần 2.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
CHƯƠNG 1

Câu chuyện này đã xảy ra từ rất lâu.
Một ngày tháng tư năm 2007.
Giữa tháng tư mà trời chưa hết lạnh, những cơn gió từ phương bắc thổi xuống thỉnh thoảng vẫn khiến cho người đi đườngrùng mình. Trong trường THPT Hoàng Thủy,mọi cánh cửa đều khép kín, vừa để tránh gió vừa để ngăntiếng ồn từ con đường tỉnh lộ truyền vào. Cửa lớp 12A4 cũng vậy, nơi căn phòng được chiếu sáng trưng bởi mấy bóng đèn tuýp chỉ có tiếng giảng bài thao thao bất tuyệt của ông thầy giáo già. Thực ra với khối mười hai chương trình học kết thúc lâu rồi, thời gian này bọn học trò đến lớp là để ôn thi sáu môn tốt nghiệp, hôm nay lớp 12A4 ôn thi môn văn.
Thằng Quang nhìn đồng hồ, đã hơn mười một giờ trưa, trên bục thầy Bình vẫn đang nói hăng say, nghe giọng nói sang sảng của thầy chẳng ai nghĩ ông sắp bước sang tuổi sáu mươi. Dưới lớp có đứa ngồi im nghe thầy giảng, có đứa hí hoáy ghi chép bài. Giống mấy đứa bạn,thằng Quangngồi im rất nghiêm túc, nhưng nó chẳng nghe được chữ nào vào đầu cả. Chủ yếu do tất cả mọiđiều thầy nói nó đã thuộctừ lâu, nó thi khối D nên những lời thầy đang giảng nó chẳng xa lạ gì. Một phần nữavì trong lòng nó đang canh cánhchuyện khác. Chuyện về lá thư trong cặp.
Nghĩ đến lá thư thằng Quang liếc nhìn lên bàn đầu, chỗ Mai đang ngồi, xong nhè nhẹ thở dài. Đây không biết là lần thứ mấy nó thở dài trong ngày hôm nay.Xưa ông Xuân Diệu viết thư tình thì "mãi trăm lần viết lại mới đưa đi", còn thư tình của nóchỉ viết lại có 2 lần, mà trăm lần đưa đi vẫn chưa đưa đi được. Nguyên nhân trước hết vì nó vốn… nhát gái. Mớinghĩ đến lúc mình phải đưa thư cho Mai nó đã run lập cập, sao dám làm thật.Quan trọng hơn, nó sợ bị từ chối. Cứ tưởng tượng đến cảnh nhìn thấy là thư của nó, Mai lắc đầu nói "xin lỗi, tớ không nhận đâu, Quang cầm về đi, tớ chỉ coi Quang là bạn thôi", bao nhiêu dũng khí của nó bay sạch sẽ. Chưa kể mấy con mụ chuyên buôn dưa lê của lớp, nếu thấy nó đưa thư cho Mai chỉ sợ hôm sau cả huyện đã biết chuyện, khi ấy dù thành hay bại nó cũng ngại lắm. Nghĩ cẩn thận hơn, nếu thành công còn đỡ, mấy đứa bạn có trêu vụ thư từ của nó thì một thời gian sau đâu sẽ vào đấy. Nhưng nếuthất bại, nó buồn chẳng nói làm gì, chỉ sợ nó còn trở thành đề tài đàm tiếu của bạn bè, thầy cô, thậm chí của cả học sinh khóa sau. Lúc đó nó còn mặt mũi nào mò ra đường, mặt mũi nàođi thi tốt nghiệp. Cứ nghĩ đến đây là thằng Quang không dám tiếp tục nghĩ thêm.
Thực ra, thằng Quang đã tínhtới vàicách vừa gửi được thư đến tay Mai, buộc Mai phải nhận, đem về đọc- mà không phải trực tiếp nói chuyện với “nàng”,đỡ ngại, lại tránh để “nàng” có cơ hội từ chối, vừa giữ được bí mật với lũ bạn lắm mồm.Cách đầu tiên là vào một chiều đẹp trời sẽ đến trường chờ cho lớp học chiều học xong về hết, nó sẽ để thư vào ngăn bàn của Mai; sáng hôm sau Mai tới lớp nhận được thư, xong. Nhưng sau đó lại thấy không ổn, nhỡ đâu có đứa nào đến trước nhìn thấy thư thì sao? HoặcMai đến, thấy bức thư lôi ra giơ lên hỏi “cái gì đây nhỉ"?Vậy cũng hỏng. Dù dính phải trường hợp nào, lá thư vẫn sẽ rơi vào tay đội quân "bà Tám" của lớp và không cần nghĩ thằng Quang thừa biết những diễn biến tiếp theo.
Cách thứ hai liều lĩnh hơn. Nó sẽđi học sớm một chút, chờ Mai trên đường, lúc Mai đi qua sẽ đưa cho Mai rồi… té, khi đó Mai không nhận không được. Cách này lúc đầu nghĩ rất khả thi, vì Mai đi học cùng đường với nó (có điều nếu đi từ trường về thì cách cổng trường khoảngba cây số cái Mai rẽ trái để về nhà còn nó sẽ đi thẳngbốn ki-lô-met nữa). Nhưng khi thực hiện lại thất bại hoàn toàn, bởi Mai thường đi học với bốn năm đứa con gái khác, mấy lần nó chờ trên đường để đưa thư đều thất bại toàn tập. Lúc về Mai còn đi cùng một nhóm đông hơn, nên kế hoạch giữa đường đưa thư của thằng Quang tan ngay từ trong trứng.
Nónghĩ tới việc gửi qua bưu điện. Nhưng thư tình mà gửi qua đường bưu điện nó thấy hơi…buồn cười, mất hẳn vẻ lãng mạn, chưa kể tới việc lá thư có khả năng rơi vào tay các bậc phụ huynh nữa chứ. Cách này cùng với cách tỏ tình qua yahoo, thằng Quang xác định sẽ chỉ cân nhắc dùng đến khi cùng đường bí lối, khi không nghĩ ra cách nào khác. Dù sao thì đâu phải đã hết thời gian.
Quanh quẩn mãivẫn chẳng có cách nào hay, làm thằng Quang ngày càng nản chí. Mà dạo này không hiểu Mai bận gì, đến lớp thì muộn,học xonglại vội vội vàng vàng phóng ra rất sớm. Có hôm trống truy bài một lúcmới thấy Mai xuất hiện, hết tiết năm vừa chào thầy cô xong nàng liền ào ra cửa. Không hiểu thu dọn sách vở khi nào nhanh thế, đến nỗi lúc thằng Quang xuống tới nhà xe đã thấy Mai dắt xe khỏi cổng. Điều này càng khiến cơ hội gửi thư của thằng Quang nhỏ hơn, và nó lại chỉ biết thở dài. Hôm nay cũng vậy, trống tan trường vừa vang lênđã chẳng thấy Mai đâu. Thằng Quang ủ rũ thu dọn sách vở, vác cặp đi về. Lúc xuống tới sân trường nó loáng thoáng nghe thấy con My ngồi bàn thứ hai hỏi cái Nhã bàn đầu :
- Bố con Mai đỡ chưa mày?
- Thấy nó bảo đỡ rồi, hôm qua bác ấy ngồi dậy được rồi.
Cái Nhã trả lời. Cái Thoa đi cùng đấychêm thêm vào:
- Rõ khổ cho con Mai, sắp thi đến nơi còn phải chạy đôn chạy đáo hết nhà lại viện, thế thì thi cử gì nữa.
Thằng Quang nghe đến đấy liền sấn tới vọt miệng hỏi:
- Nhà Mai xảy ra chuyện gì vậy mấy bà?
Ba cái đầu, sáu con mắt quay lại nhìn nó, đoạn con My thủng thẳng:
- Ông này, bạn bè cùng lớp mà chẳng quan tâm gì đến nhau thế.
-Mấy bà ngồi bàn đầu, tôi ngồi tít cuối, ai nói cho tôi gì đâu. Mấy hôm nay thấy Mai cứ vội về, giờ lại nghe mấy bà nói đây tôi mới biết mà hỏi. Trách gì nữa.
Thằng Quang cười khổ, hình như nó rất không thích ai nói nó không quan tâm đến Mai. Con My ra vẻ suy nghĩ, đi một đoạn mới nói:
- Đúng nhỉ. Là thế này, mấy hôm trước bố con Mai lái xe trở gạch cho ai đó dưới Thanh Đông. Trên đường đi bị một cái xe tải to lắm đâm phải, làm xe bố nó lao xuống dệ đê. Giờ bố nó bị gãy đùi, đang nằm trên bệnh viện huyện mình.Mấy hôm nay mẹ nó ở trên viện chăm bố nó suốt.Rõ khổ cho con Mai, vừa phải chăm bố mẹ trên viện, vừa phải trông nhà trông em, lại còn học hành nữa chứ. Sắp thi cử đến nơi, mấy hôm nay trông nó oải lắm.
Thằng Quang nghe xong mới hiểu, bảo sao dạo này Mai tất tả như vậy. Hoàn cảnh nhà Mai nó biết khá rõ. Bố mẹ Mai đều đã ngoài bốn mươi tuổi. Bố Mai có một chiếc xe tải khoảng mười - mười lăm tấn, hàng ngày nhận chở hàng trong huyện. Mẹ Mai mở một hiệu may nhỏ ở nhà, kiếm thêm chút thu nhập. Mai còn một đưa em trai, đang học lớp bảy. Thu nhập gia đình chủ yếu trông vào bố Mai, giờ chú ấy nằm đấy biết tính sao. Chưa kể chuyện bố Mai nằm việncòn kéo theo bao nhiêu vấn đề liên quan, sắp thi cử đến nơi rồi, kiểu này Mai sẽ vất vả lắm đây. Thằng Quang chợt nhớ đến lá thư trong cặp.Tình hình này còn nói gì đến chuyệnthư với chả từ. Dẫu có gửi đượcđến tay người nhận e rằng người nhận cũng chẳng thèm ngó qua, có khi còn bị Mai ác cảm vì hoàn cảnh nhà mình đang như thế mà ai đó lại bày đặt tỏ tình vớ vẩn. “Hầy, kiểu này mày cứ nằm đấy thôi thư ạ”, thằng Quang ủ rũ nghĩ thầm.
 
Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
Chương 2.
Chương 2 - Phần 1.
Tận bây giờ, thằng Quang vẫn không thể tin được rằng mình thích Mai nhanh đến như vậy. Hồi mới quen nó chẳng ưa gì Mai, thậm chí ghét nữa là khác. Thế mà chỉ mấy tháng sau, mọi thứ quay ngoắt một trăm tám mươi độ, nó say Mai như điếu đổ, tốc độ “cảm nắng” nhanh đến nỗi chính nó phải bất ngờ.
Lúc mới nhập học do xác định mình sẽ theo khối D nên khi nhà trường cho thi tuyển lớp chọn văn, thằng Quang đăng ký ngay lập tức. Trường nó không phải trường chuyên nên không có những lớp chuyên theo kiểu chuyên toán, chuyên văn. Nhưng để tiện cho việc bồi dưỡng học sinh, khóa nào nhà trường cũng tổ chức thi tuyển ra hai lớp chọn, lớp chọn văn cho người theo khối C,D và lớp chọn toán cho người theo khối A,B. Nó thi đỗ vào lớp văn. Ngày đầu đến nhận lớp, nó ba chân bốn cẳng lao xuống bàn cuối xí chỗ. Nó làm vậy do trước giờ nó ngồi bàn cuối đã thành quen, nó vốnthuộc loại cao ráo. Nhưng quan trọng hơn, kinh nghiệm bao năm mài đũng quần cho nó biết ngồi cuối làm gì cũng tiện từ nói chuyện, làm việc riêng đến… quay bài. Song, không phải mình nó nhận ra điều này nhận ra nên buổi hôm ấy támthằng con trai còn lại đứa nào đứa nấy chen chúc nhau ngồi ở hai bàn cuối của hai dãy. Tất nhiên cô giáo chủ nhiệm không thể để thế, cô tách chín đứa con trai ra, xếp mỗi đứa một bàn. May cho thằng Quang, nó không bị đổi chỗ, vẫn ngồi bàn cuối, ngồi cùng nó là ba đứa con gái lần lượt có tên Mai, Hiền,Tuyết. Mới nhìn qua ba đứa đềucó vẻ hiền hiền. Thằng Quang nghĩ thầm trong bụng: “Ngồi cùng con gái càng tốt, càng dễ bắt nạt”.

Nhưng chỉ mấy hôm sau nó đã biết mình sai hoàn toàn. Hóa rabọn con gáinhìn hiền lành không đồng nghĩa với dễ ăn hiếp. “Trông mặt mà bắt hình dong” rất dễ mắc sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng.

Hôm ấy đến phiên bàn nó trực nhật, buổi trực nhật đầu tiên của bàn trong năm học mới. Lịch trực nhật nó biết từ đầu tuần nhưng hôm ấy vẫn đi học khá muộn. Nó đến muộn không phải vì muốn trốn trực nhật mà đơn giản vì nó quen ngủ dậy trễ, và quan trọng hơn nó muốn để xe ngoài cùng, lúc về dễ lấy. Thế nên, lúc nó bước vào lớp, mọi công việc đã xong cả. Lớp đã sạch sẽ, bảng đã được lau, khăn lau bảng đã được giặt, nước rửa tay của thầy cô đãđầy chậu. Thằng Quang hơi ngại,lần đầu trực nhậtnó lại chẳng làm gì. Thôi kệ, ai bảo bọn con gái đi sớm quá làm chi. Nó bước tới, để cặp lên bàn, cười sởi lởi:

- Ba bạn bàn mình đến sớm quá nhỉ.

Nói xong định biến ra ngoài, ai dè nó chưa kịp quay người thì Mai lên tiếng:

- Lần sau bàn mình trực nhật Quang đi sớm hơn nhé, sao hôm nay đến muộn như vậy?

Biết mình sai nên thằng Quang nhũn nhặn trả lời:

- Ok, tại hôm nay không nhớ bàn mình trực nhật nên đến hơi muộn, mấy bà thông cảm.

- Hôm qua tớ đã nhắc cả bàn rồi, sao Quang lại không nhớ?

Chết, hôm qua đúng là Mai đã nhắc cả bàn vụ trực nhật, giờ bảo quên thật không ổn chút nào. Thằng Quang vội lấp liếm:

- Được rồi, lần sau tôi đi sớm là được chứ gì, có mỗi việc trực nhật mà nói lắm thế. Buổi sau cứ để đấy cho tôi, mình tôi làm loáng một cái là xong.

Thằng Quang định chuồn ngay vì thấy bọn bạn bắt đầu để ý đến bàn nó. Dù sao để cả lớp biết nó trốn ngay ở buổi trực nhật đầu tiên thật không hay, nhất là khi lớp nó toàn con gái, chỉ có vẻn vẹn chín thằng con trai. Nhưng Mai không chịu buông tha:

- Tớ nhắc Quang không phải vì đây là công việc nặng nhọc gì mà vì đây là việc chung, mọi người đều có trách nhiệm. Hơn nữa bàn mình có cái Tuyết bị bệnh lẽ ra phải được miễn thế mà vẫn đến sớm quét lớp, trong khi bạn là con trai duy nhất của cả bàn vậy mà bây giờ mới đến.

Thằng Quang liếc nhìn Tuyết, nó biết Tuyết bị tật ở chân trái, đi đứng khó khăn. Hình ảnh Tuyết tập tễnh đi đi lại lại quét lớp hiện lên trong đầu làm nó bỗng thấy xấu hổ ghê gớm. Nhưng xấu hổ thì xấu hổ, nó vẫn điên tiết khi nghe Mai nói nó không có tinh thần trách nhiệm. Bao nhiêu người xung quanh thế này, Mai nói như thế chẳng khác nào đang mắng nó vô trách nhiệm.Đúng là nó đi muộn nhưng cơ bản vì nó dậy muộn chứ không phải nó muốn trốn(dù trốn được cũng hay). Nếu Mai chỉ nói chuyện riêng với nó thì thôi nó cho qua, nhưng lại ngồi nói bô bô giữa lớp, sao chấp nhận được. Còn lôi chuyện con trai con gái ra nữa, đài báo chẳng nói giờ là thời đại nam nữ bình đẳng à. Nam nữ có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau sao còn phân biệt nam hay nữ. Thằng Quang định nói những điều nó nghĩ ra nhưng vừa muốn mở miệng nó lại nuốt ngược trở lại vào bụng, vì nó chợt thấy nói thế hình như hơi cùn.Đàn ông cãi nhau với bọn con gái bất kể thắng thua đều chẳng vẻ vang gì. Huống chi đến chính nó cũng thấy nói như nó vừa nghĩ là cãi cùn, cãi cùn là thua, còn mong gì thắng lợi. Bí quá hóa… khùng, nó cầm cặp lên vứt bịch xuống bàn rồi bảo:

- Được rồi, để lần sau mình tôi đi sớm làm hết cho.

Nói xong đùng đùng bỏ ra ngoài, bỏ lại sau lưng ba đứa con gái và ánh mắt tò mò của lũ bạn trong lớp.

Cả ngày hôm ấy nó không nói chuyện với Mai, việc này kéo dài tới hôm sau. Hôm sau nữa nó định tiếp tục “bơ” Mai không ngờ Mai lại bắt chuyện với nó, nhưng chẳng phải cô bạn xin lỗi làm lành mà ngược lại, Mai tiếp tục phê bình nó, lần này ở một lỗi khác.

Chuyện là thằng Quang ngồi đầu bàn cuối dãy ngoài, đầu bàn áp chót dãy trong là một thằng con trai khác tên Kiên. Thằng Kiên vốn học cùng trường cấp hai với nó dù khác lớp nên giờ hai đứa khá thân. Thằng này có một sở thích khá kỳ quặc, ngồi trong giờ học cứ ném giấy sang cho nó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mà những chuyện này giờ ra chơi chẳng thấy nó đả động gì đến. Kỳ quặc hơn, thằng Quang lại khoái trò này. Thế là trong giờ học hai thằng thư từ cho nhau tới tấp, có lúc bàn về bộ phim “thiên long bát bộ” chiếu tối qua, lúc lại nói về trận bóng tuần trước, khi thì thằng Kiên hỏi nó mấy lệnh trong game “đế chế”. Việc này Mai vốn biết nhưng không thấy nói gì. Đến hôm ấy hình như vẫn chưa hết bực vụ cãi nhau lần trước, vừa ra chơi đã quay sang nó nói:

- Lần sau Quang với Kiên đừng ném giấy cho nhau trong giờ học nữa nhé.

Thằng Kiên bên kia vừa loáng thoáng nghe thấy tên mình liền đứng dậy, vươn vai và… bước thẳng ra cửa. “Thằng mất dạy, rõ toàn là mày khơi chuyện trước mà bây giờ chạy tóe cả khói. Lần sau đừng hòng ông nói chuyện với mày”.

Nhìn theo bóng thằng bạn, thằng Quang tức tối nghĩ thầm. Đoạn quay sang Mai thong thả nói:
- À, tại nó cứ hỏi bài vở tôi đấy chứ, trao đổi bài thì đâu có sao.
- Giờ nào việc nấy, mà có trao đổi bài hay không thì hai bạn tự biết. Hôm nay tớ thấy thầy giáo để ý đến hai bạn rồi, lần sau còn tiếp tục tớ sẽ báo cô chủ nhiệm.
Giờ lại lôi cô giáo chủ nhiệm ra dọa nữa, nghĩ nó sợ chắc. Ơ mà… nó hơi sợ thật. Ai chứ cô chủ nhiệm nó hắc xì dầu lắm, cô mà biết chuyện này chắc không chỉ mắng nó với thằng Kiên thôi đâu. Mai còn bảo lúc nãy thầy giáo để ý đến hai đứa nó rồi không biết là nói thật hay chỉ hù dọa đây. Thằng Quang càng nghĩ càng tức, nhưng lần này vẫn là nó sai nên lạirơi vào thế yếu. Chẳng biết làm thế nào, nó vứt quyển vở vật lý xuống bàn kêu “bạch” rõ to, đứng lên nói: “Biết rồi”. Xong bỏ ra ngoài hiên. Đến cửa nó thấy thằng Kiên đang ôm thằng Chiến cười đùa gì đó, chẳng nói chẳng rằng nó đi tới vỗ thật mạnhvào mông thằng bạn làm bạn nó thét lên chói tai cả trường nghe thấy. Chết, lúc này thằng Quang mới nhớ hôm kia thằng Kiên than thở với nó về việc mông mình tự nhiên lên một cái mầnto làm bạn nó đứng ngồi đều bất tiện. Không lẽ cú đánh vừa rồi đã…

Từ đó nó không còn chút ấn tượng tốt đẹp nào với Mai. Trên lớp người nào có việc người nấy làm, không ai động chạm đến ai. Khimuốn mượn bút chì, thước kẻ… nó quay sang con Liên dãy bên kia chứ đồ của Mai dù ở ngay trước mặt, nó cũng chẳng thèm xớ rớ.
Đúng vào khi thằng Quang nghĩ rằng mọi thứ sẽ mãi tiếp diễn như vậychẳng dè xảy ra một chuyện. Chuyện này khiến nó từ “không thích” Mai chuyển sang “ghét”, và lần đầu tiên nó biết cảm giác ghét một người là như thế nào.

Chẳng là hôm thứ tư có giờ kỹ thuật nông nghiệp, một môn học phụ. Vấn đề không phải đây là môn chính hay phụ mà là sau giờ kỹ thuật nông nghiệp là tiết sinh học. Từhôm qua lúc xem lịch học thằng Quang đã có cảm giác hôm nay sẽ bị gọi lên bảng kiểm tra miệng môn này. Mà không phải nói phét, linh cảm của nó ít khi sai lắm. Nhưng linh cảm thì linh cảm, tối hôm trước nó vẫn đi ngủ sớm để rạng sáng hôm sau dậy xem champions league. Nó nghĩ để sáng mai đến lớp học. Đen cho nó,bỏ cả giấc ngủ để dậy sớm cổ vũ nhưng đội của nó vẫn thua mới đau.Sáng hôm sau nó mangtheo cảm giác buồn bực và đôi mắt đỏ lừ đến lớp, tuy vậy nó vẫn nhớgiờ sinh sáng nay khả năng rất cao sẽ bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Thế là từ lúc vào lớp nó lôi quyển vở sinh ra học. Cũng may tiết thứ hai mới tới môn sinh, chứ ngay tiết đầu là chết chắc. Giờ kỹ thuật nông nghiệp, đúng lúc nó đang say sưa học… sinh học thì Mai đưa một mảnh giấy qua. Thằng Quang đoán ngay chắc cô bạn nhắc nó không được giờ nọ việc kia. Quả không sai,Mai viết: “Quang cất vở đi, cô giáo nhìn mấy lần rồi đấy”. Nó liếc lên trên bục, thấy cô giáo vẫn đứng nói thao thao, trong bụng nghĩ: “Định dọa mình đây”; rồi vứt mảnh thư đi, ung dung học tiếp. Thấy vậy Mai đưa sang một mảnh giấy khác, nó nhìn thấy nhưng chẳng thèm động đậy. Mai đẩy đến gần hơn, nó bực mình đẩy trả. Chẳng ngờ cô bạn vẫn bướng bỉnh một lần nữa đẩy giấy về phía nó. Nó càng tức giận, vẫn không thèm cầm lên đẩy lại chỗ cô bạn.Đúng lúc nó sắp điên tiết bỗng nghe cô giáo nói:

- Anh ngồi bàn cuối đang làm gì đấy?

Nó giật thót, chưa kịp có phản ứng cô giáo đã đi nhanh xuống, vừa đi vừa nói:

- Anh giấu cái gì trong ngăn bàn, lôi ra xem nào.

“Chết rồi, hình như cô giáo nhìn thấy thật”. Nghĩ vậy nhưng nó chẳng kịp làm gì, đành lấy quyển vở sinh ra đưa cho cô. Cô giáo rất tức giận, nói như mắng:

- Hóa ra anh không coi môn tôi dạy ra gì phải không, lúc tôi giảng bài lại đi học môn khác.

Thằng Quang định giải thích nhưng chẳng biết mở miệng thế nào vì…đúng như cô giáo nói. Nếu giờ là môn học chính, nhất là ba môn thi đại học của nó, nó sẽ không làm như thế này. Cô giáo hầm hầm đi về bục giảng, cầm luôn quyển vở theo. Cuối giờ tên nó nằm chình ình trong sổ đầu bài còn lớp bị giờ trung bình, ngoài ra cô giáo còn khuyến mại thêm cho nó con 0 to tướng vào ô điểm miệng. Khỏi phải nói thằng Quang sợ thế nào. Bao nhiêu năm đi học, lần đầu tiên nó bị ghi sổ đầu bài, lần đầu tiên ăn trứng ngỗng, chưa kể tới việc nó làm cả lớp liên lụy dính giờ trung bình. Lớp nó dù mới nhập học nhưng trước giờ ngoan có tiếng, rèn luyện vốn luôn đứng đầu trường, tuần này không biết sẽ tụt xuống hạng mấy. Cứ nghĩ đến cô chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt cuối tuần, nó rùng hết cả mình. Cô Giangnghiêm lắm, không biết sẽ xử nó thế nào đây. Càng sợ nó càng tức con bé ngồi cạnh. Nó dùng ánh mắt căm thù hết mức có thể nhìn sang, ngay từ lúc cô giáo cầm vở đi lên nó đã lườm rồi, khi ấy Mai chỉ cúi đầu không nói gì. Giờ nó lườm sang Mai chẳng quay đi mà ngược lại như chờ đợi nó nhìn từ lâu, mở miệng nói ngay:

- Cô giáo để ý bạn từ trước rồi, tớ nhắc nhưng không kịp.

Còn nói thế nữa, định rũ hết trách nhiệm đây. Thằng Quang tức lắm. Nếu Mai không nhiều chuyện thì nó đâu có giằng co, nếu không giằng co thì cô giáo đâu có để ý đến nó. Giờ chỉ một câu nói con bạn định phủi sạch tất cả. Mặt nó tím lại:

- Im đi. Tất cả là tại bà. Nếu bà không lắm chuyện thì tôi đâu có bị bắt. Lần sau bà mà còn can thiệp vào chuyện của tôi nữa là tôi không nể đâu đấy.

Lần đầu tiên trong đời nó muốn đánh người, trong khi người đó là một đứa con gái, bấy nhiêu đủ thấy nó tức giận thế nào. Nhưng tất nhiên nó không làm vậy, con trai ai lại đi đánh con gái. Vả lại thâm tâm nó biết người sai là mình,nó không làm sai trước cô giáo kia làm sao phạt nó được. Biết vậy nhưngnó vẫn cứ tức giận. Có lẽ lúc ấy mặt mũi nó ghê lắm nên Mai có vẻ sợ, mấy lần muốn mở miệng nói lại thôi. Thằng Quang chẳng đợi Mai nói, vụt đứng dậy phăm phăm phóng ra ngoài, vừa đi vừa hít một hơi thật dài.

Đen cho thằng Quang, hôm ấy nó không những bị ghi sổ đầu bài mà đến giờ sinh cũng chẳng được gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Nó nản quá, thế là mất cả chì lẫn chài. Giá hôm ấy cô giáo sinh gọi nó lên kiểm tra miệng nó còn đỡ khó chịu, đằng này…

Sau này thằng Kiên nói cho thằng Quang biết, buổi hôm ấy cô giáo kỹ thuật nông nghiệp đã sớmđể ý đến nó. Trước đó, thấy cô giáo nhìn nó mấy lần; thằng Kiên còn không hiểu lý do vì sao. Đến khi thấy nó thập thò quyển vở trong ngăn bàn, thằng Kiên hiểu ra, định nhắc nhưngkhông kịp. Thực ra sau khi bình tĩnh lại, thằng Quangbiết rằng không phải Mai làm mình bị bắt, cứ nghe cô giáo nói là rõ. Đâu phải xuống đến nơi cô giáo mới biết nó giấu quyển vở sinh trong ngăn bàn, ngay khi ở trên bục cô giáo đã biết trong ngăn bàn nó có gì đó. Nếu vì màn giằng co với Mai thì cùng lắm nó chỉ bị gọi đứng lên, cô giáo còn kiểm tra ngăn bàn làm gì. Còn nếu nói việc thằng Quang cự cãi với Mai làm cô giáo chú ý sauđó phát hiện thêm nó giở trò lén lút dưới ngăn bàn lại càng không hợp lý vì ngay khi cô giáo nhắc nó xong đã xuống bắt quả tang nó ngay, có dừng lại chút nào đâu. Thậm chí hình như cô còn chẳng biết nó ngọ nguậy là vì đang cãi nhau với đứa bạn, bởi cô chẳng nhắc gì đến bạn nó cả. Đến mảnh thư Mai đưa, thằng Quang không thèm xem đang để trên bàn, chưa kịp giấu đi, cô còn chẳngngó qua nữa là. Tất cả đủ cho nó hiểu dù có Mai hay không nó vẫn ngồi vào sổ đầu bài như thường.Nhưng nó vẫn giận Mai lắm.Phải có ai chịu trách nhiệm cho việc này, và người đó tất nhiên không phải là nó, ít nhất nó nghĩ như vậy. Phải có ai đó để nó chút giận chứ. Hơn nữa nó vốn chẳng ưa gì Mai, sự việc lần này càng là lý do hợp lý để nó coi cô bạn ngồi cạnh là kẻ thù không đội trời chung.

Buổi sinh hoạt cuối tuần cô Giang chủ nhiệm mắng thằng Quang tơi tả. Cô giận là phải, từ hôm nhập học đến giờ đã gần hai tháng, lần đầu tiên lớp bị giờ trung bình. Thời gian qua,dù mới nhập trường nhưng mọi tuần lớp nó đều đứng đầu trường về mặt rèn luyện, giờ nó gây ra chuyện này chẳng hiểu sẽ tụt xuống hạng mấy đây.Thằng Quang vừa xấu hổ vừa tức tối. Xấu hổ vì bị cô giáo mắng, vì khiến lớp liên lụy dính giờ trung bình. Vừa mới nhập học đã thành gương xấu cho cả lớp không xấu hổ mới lạ. Còn tức tối đương nhiên là tức người ngồi cạnh rồi. Thằng Quang hậm hực liếc sang bên cạnh, lần thứ n trong ngày hôm nay, lần nàocũng bắt gặp Mai đang nhìn trộm nó và vội quay mặt đi.

Khi ấy thằng Quang không biết rằng lòng Mai đang rất áy náy, dù chính Maichẳng hiểu sao mình lại áy náy. Mai biết mình không sai, càng biết không phải mình khiến bạn bị bắt nhưng khi gặp ánh mắt của bạn, Mai vẫn thấy ngại. Vì ngại nên mỗi lần thằng Quang nhìn sang, Mai liền quay đi chỗ khác.
Thâm tâm Mai biết cậu bạn ngồi cạnh mình không xấu, chỉ có điều tính tình hơi tùy tiện; khi được nhắc nhở, nếu nhận ra đúng là mình sai cậu ta sẽ sửa đổi. Hồi mới nhập học Mai nhắc cậu ta đến sớm hôm nào bàn làm trực nhật, lần sau quả nhiên cậu ta đến sớm thật, thậm chí có hôm đi sớm hơn cả Mai. Rồi lần Mai nhắc cậu ta không được thư qua thư lại với cậu Kiên ngồi dãy bên kia trong giờ học, dù lúc đó cậu bạn cự cãi nhưng về sau tần suất thư từ đã giảm hẳn. Mai còn biết bạn mình là một học sinh giỏi, xét riêng về môn tiếng anh cậu bạn này không nhất thì nhì lớp, vấn đề là cậu ta chỉ chú tâm học ba môn thi đại học của mình các môn khác dù không bỏ hẳn nhưng học rất lời phời. Maichẳng biết như thế là đúng hay sai nhưng Mai không học như vậy. Mai thi khối C nhưng những môn học khác Mai vẫn học khá chăm chỉ. Mai nghĩ mới lớp mười, học được bao nhiêu cứ học, đến lớp mười hai hãy tính có bỏ môn nào hay không; nhưng có lẽ do khả năng có hạn nên kết quả không được như kỳ vọng. Đôi khi Mai cảm thấy hơi tiếc cho Quang, nếu cậu ta chú ý tới các môn khác dù chỉ bằng một nửa toán- văn - anh thôi thì cuối năm khả năng được học sinh giỏi sẽ rất cao. Mai vốn định tìm dịp nào đó nhắc nhở cậu bạn, may ra cậu ta có thể hiểu ra gì đó, nhưng bây giờ xem ra đó là chuyện không thể rồi.Mai lại nhìn sang bên cạnh,nhè nhẹ lắc đầu.
Giờ sinh hoạt kết thúc với quyết định của cô Giang chủ nhiệm: Sẽ cho thằng Quang hạnh kiểm trung bình tháng này và sẽ là cả học kỳ một nếu thằng Quang mắc thêm bất kỳ lỗi nào nữa. Thực ra mọi chuyện có thể tệ hơn khi cô giáo định gọi bố mẹ nó lên để nói chuyện. May cho nó, chẳng biết cô giáo quên hay vốn ban đầu chỉ định dọa mà cuối cùng không thấy nhắc đến việc này, làm nó được phen hú hồn hú vía. Không sợ sao được, giả như bố mẹ biết nó ngồi trong sổ đầu bài ngay mấy tháng đầu nhập học, nó chỉ có nước ăn đòn nát đít. Nhưng buổi trưa, trên đường đạp xe về nhà thằng Quang vẫn hơi chán vì như lời cô giáo nói - cả học kỳ này cao lắm nóchỉ được hạnh kiểm khá thôi.


Chương 2 - Phần 2.


Có một điều lạthằng Quang không khó để nhận ra, từ sau buổi sinh hoạt ngày hôm đó, thái độ của Mai với nó bỗng thay đổi hẳn. Trên lớp thỉnh thoảng Mai mượn nó vở bài tập tiếng anh hay vở soạn văn để xem nó chuẩn bị bài về nhà thế nào. Thấy nó đang chờ con Liên kẻ xong để mượn thước kẻ, Mai liền hào phóng: “Quang dùng của tớ này", làm hôm ấy thằng Quang vừa kẻ vừa nghĩ: “Đừng tưởng cho mượn thước kẻ là tôi bỏ qua cho bà". Thậm chí có lần quay sang chỗ Mai thằng Quang còn bắt gặp Mai đang nhìn mình, thấy nó nhìn sang liền cười với nó rồi mới chịu quay đi, làm thằng Quang giật hết cả nảy. Mà công nhận con bạn nó cười trông xinh phết. Nó đoáncó lẽ Mai cảm thấy ngại vì nghĩ hôm ấy tại mình bạn mới bị bắt nên giờ tỏ ra thân thiện coi nhưđang chuộc lỗi. Thực ra thằng Quang không phải người thù dai đến vậy. Nó chỉ bực mấy hôm đó thôi, đến hết buổi sinh hoạt tuần đấy bực dọc cũng vơi dần. Hơn nữa nó biết người sai là mình và dù có Mai hay không, cuối cùng nó vẫn sẽ bị bắt. Nó đã không còn giận Mai, nhưng nó không nói cho Mai biết điều đó đâu vì dù sao cứ để Mai mang cảm giác tội lỗi như thế... khoái trá hơn. Cứ coi như đây là sự trả thù của nó với cô bạn ghê gớm này. Với lại nếu so sánh Mai bây giờ với Mai dạo trước, nó thích Mai của hiện tại hơn nhiều, lỡ nói ra mình đã hết giận cô bạn này trở về vẻ… đanh đá trước kia thì sao? Thằng Quang chẳng dại.
Mọi chuyện cứ êm đềm trôi qua như vậy cho đến giờ kiểm tra sử hôm ấy. Đúng vào khi thằng Quang nghĩ Mai đã thay đổi và sẽ không can thiệp vào chuyện của nó nữa thì bạn nó lại làm nó bất ngờ.
Số là hôm thứ năm có giờ kiểm tra một tiết môn lịch sử. Tối hôm trước thằng Quang đã mất cả đêmđể học sử nhưng vì kiến thức cần học quá dài nên nó chỉ học tủ mấy câu quan trọng thôi. Thực ra với những môn học thuộc lòng thằng Quang vẫn luôn làm thế, may cho nó, từ ngày lên cấp ba nó đều ôn trúng tủ hai - ba câu mỗi khi kiểm tra một tiết mấy môn thuộc lòng, đủ để đạt điểm trên trung bình, với nó thế là đủ. Nhưng hôm nay không phải như vậy. Đề có ba câu song nó chẳng ôn trúng câu nào, nên tất nhiên nó ngồi tắc tịt. Loay hoay một lúc nó chẳng biết làm sao. Thật ra nó chỉ cần nhìn sang bên cạnh và chép sẽ ổn ngay vì Mai đang làm bài ầm ầm kìa, hơn nữa cô bạn chẳng có ý định che bài gì cả. Nhưng thằng Quang thấy làm như vậy cứ sao sao ấy, trên danh nghĩa nó vẫn đang giận Mai, bây giờ vì chép bài mà đổi giận thành vui có vẻ thật không có chí khí.

Giằng co một hồi nó quyết định... quay bài. Từ ngày lên cấp ba đây là lần đầu tiên nó quay bài nhưng những ngày học cấp hai nó đã sớm thành thạo vụ này. Những ngày ấy thằng Quang nhớ mình ngồi gần thằng Bằng, ngồi cùng suốt bốn năm luôn. Nghĩ lại nó không rõ mình và thằng Bằng bắt đầu quay cóp từ bao giờ, hình như từ năm lớp tám. Nó cũng chẳng nhớ thằng nào quay trước nhưng rốt lại cả hai thống nhất sẽ cùng hợp tác quay bài, tất nhiên chỉ quay lúc nào bí quá không nặn ra chữ nào làm bài, chứ nó và thằng bạn chưa to gan đến mức ngang nhiên quay cóp thường xuyên. Thường thằng Bằng quay còn nó sẽ canh gác, vì như lời nó nói,thằng Bằng mắt kém không quan sát thầy cô cẩn thận được. Nói thật,đây chỉ là điều thằng Quang phịa ra.Lý do thực sự khiến nó cứ nhận nhiệm vụ canh gác là bởi nó sợ bị bắt. Nếu bị bắt tội nặng sẽ ở thằng quay, thằng gác cùng lắm bị liên đới thôi,có khi còn chẳng việc gì nếu thầy cô không biết hai thằng học trò hợp tác với nhau qua mặt mình. Nhưng có nhiều khi thằng Bằng một mực bắt thằng Quang quay đểmình canh gác. Những lúc ấy dù nằng nặc từ chối nhưng cuối cùng thằng Quang vẫn phải bất dĩ gánh trọng trách, bạn nó hóa ra không ngu như nó nghĩ.Giờ nó chẳng lạ gì việc quay cóp; và những khi khó khăn như thế này,nó lại nhớ thằng bạn mình da diết. Không biết lúc này, ở lớp 10A2, bạn nó có nhớ nhung gì nó không. Ước gì bây giờ nó và thằng Bằng vẫn bên cạnh nhau như xưa.

Nhìn sang cô bạn đang hý hoáy viết bên cạnh, thằng Quang đành liều mình quay bài dù trong lòng nó run lắm, hạnh kiểm khá đã đeo trên cổ, lần này bị bắt là cầm chắc hạnh kiểm trung bình luôn, có khi còn phải mời các bậc phụ huynh lên thăm trường nữa, song nó đâu thể nộp giấy trắng được.Đành liều ăn nhiều. Lúc đầu nó còn sợ Mai ngăn cản nhưng khi thấy Mai chỉ im lặng nhìn nó lôi quyển vở sử dưới ngăn bàn ra, nó liền yên tâm làm nhà quay phim một mạch đến hết giờ. May cho nó đây là lớp chọn văn nên cô giáo không chú ý coi thi lắm, cả buổi chỉ ngồi trên bàn ghi ghi chép chép gì đó, nếu không nó chẳng thể quay cóp thuận lợi như vậy. Nộp bài xong nó thở phào nhẹ nhõm. Đến giờ ra chơi vẫn không thấy Mai nói gì, thằng Quang hài lòng lắm, nghĩ bụng: "Chắc lần trước bị mình chỉnh cho sợ rồi”. Vừa nghĩ như vậy nó vừa thong dong huýt sáo bước ra cửa chém gió với bọn thằng Kiên.
Nhưng cuộc đời không ai học được chữ ngờ. Đúng vào lúc thằng Quang tự sướng rằng Mai vì sợ uynó mà không dám can thiệp vào chuyện của nó nữa thì Mai lại làm ngược lại, tiếp tụcxen vào chuyệnngười khác. Càng buồn cười hơn, khi thằng Quang nghĩmình đã khuất phục đượcMai cũng là lúc nó bị Mai thu phục hoàn toàn.
Sau giờ ra chơi môn sử, vừa bước vào bàn, thằng Quang liền thấy Mai đưa sang một mảnh giấy. Dù hơi ngạc nhiên nhưng thằng Quang đoán ngay chắc liên quan đến vụ quay cóp vừa nãy, quả nhiên tờ giấy viết: “Lần sau Quang đừng quay bài nữa nhé".

"Lại xía vào chuyện của mình". Thằng Quang chưa đọc hết mảnh giấy máu nóng đã bốc lên đầu. Nó vốn nghĩ sau lần bị mắng trước con bạn sợ rồi, lúc nãy còn tự sướng vềuy phong của mình nữa chứ. Nghĩ đến đây thằng Quang vừa tức vừa xấu hổ, đang muốn phát tác không ngờ Mai đưa mảnh giấy khác qua. Nó không định xem đâu nhưng nghĩ thế nào lại mở ra, trong đó Mai viết: “Quay sang đây tớ cho chép, quay bài bị bắt là nguy đấy". Đọc xong thằng Quang há hốc mồm. Nó phải chớp mắt mấy lần vì nghĩ mình nhìn nhầm. Sau một hồi chớp mắt, đọc đi đọc lại hai lần, thằng Quang mới dám khẳng định mình không nhìn sai, Mai đang gạ gẫm cho nó chép bài thật. "Thế này thì tốt quá còn gì", thằng Quang thầm nghĩ, "tưởng nó không cho mình quay bài, ai dè nó gạ cho chép bài, càng nhàn chứ sao". Nhưng thằng Quang cứ cảm thấy có gì đó sai sai. Dù mới học chung hai - ba tháng nay, nhưng thằng Quang biếtMai là loại học sinh gương mẫu. Loại học sinh này cho đến trước khi gặp Mai thằng Quang nghĩ đã sớm tuyệt chủng. Mai không chỉ nghiêm túc trong học tập mà việc của lớp, của đoàn cũng rất nhiệt tình. Nhưng học sinh nghiêm túc ấy bây giờ thấy nó quay bài chẳng những không phản đối, không ý kiến ý cò hay lôi cô giáo ra dọa như mấy lần trước; ngược lại đang gạ gẫm nó từ bỏ con đường tội lộ cũ để đi vào con đường tội lỗi khác, và con đường này - với nó - dễ đi hơn hẳn. Không giống bạn nó chút nào. "Hay đang có âm mưu gì đó", ý nghĩ ấy xoẹt qua đầu thằng Quang. Nó liền quay sang chỗ Mai định hỏi "sao hôm nay tốt thế", chẳng ngờ bắt gặp Mai vẫn đang nhìn nó hơi mỉm cười, thấy nó quay sang liền nháy mắt một cái.
Cho đến rất lâu, rất lâu về sau, thằng Quang vẫn nhớ như in giây phút ấy. Lúc Mai nghiêng đầu về phía nó nháy mắt và mỉm cười, nó dám thề rằng cả không gian, thời gian hình như đều dừng lại. Bạn bè xung quanh, bức tường lớp màu trắng, bàn ghế trong phòng, đều trở nên mờ ảo. Cả tiếng còi xe ngoài đường, tiếng mấy đứa bạn huyên thuyên bên cạnh, mọi thứ trở nên xa xôi như vọng đến từ một nơi nào đó xa lắm. Chỉ còn lại gương mặt của Mai, rất gần. Đôi mắt tinh quái trong veo đang nhìn nó. Gió từ cửa sổ thổi vào, những cơn gió cuốithu mát rượi, làm bay bay mấy sợi tóc mai của Mai. Cả nắng nữa. Nắng xuyên qua khung cửa, rơi trên bờ vai, mái tóc và khuôn mặt Mai. Mọi thứ diễn ra như trong một đoạn phim quay chậm, và trong đoạn phim đó nổi bật lên trên tất cả là hình ảnh Mai đang nghiêng đầu nhìn nó, đôi mắt hấp háy ý cười. Tất cả rất gần mànhư rất xa. Trong ánh nắng thu nhàn nhạt vàng, thằng Quang chợt nhận ra rằng hóa ra cô bạn nó xinh như vậy, sao trước giờ nó không để ý nhỉ. Ý nghĩ ấy làm trái tim hơn mười sáu năm chưa một lần đập sai nhịp của thằng Quang bỗng nhảy tưng tưng trong lồng ngực. Tim nó đập mạnh đến nỗi nó phải kín đáo hít sâu một hơi dài để lấy lại bình tĩnh. Và cũng từ khoảnh khắc đó thằng Quang chợt thấy hình như mình không còn bé nữa.
Ngày xưa, ông Xuân Diệu nói: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có khó gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...”. Nói thật, trước kia thằng Quang chẳng hiểu nhà thơ nói vậy là nghĩa làm sao, nhưng sau ngày hôm đó nó thấy ông này nói đúng thật. Chỉ có điều tình yêu chiếm tâm hồn nó vào buổi sáng chứ không phải buổi chiều. Còn lại đều đúng cả. Có nắng, có mây, có gió. Nhưng quan trọng hơn cả là có Mai. Nếu không có Mai, đừng hòng tình yêu chiếm được hồn nó. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành hơn, ngồi nhớ lại những tình cảm đầu đời của mình năm lớp mười thằng Quang chỉ biết mỉm cười. Đến tận lúc ấy nó vẫn không hiểu sao mình “yêu” Mai nhanh như vậy, trong khi rõ ràng một phút trước đó nó còn đang ghét Mai. Hay là thực ra nó vốn không ghét Mai như nó tưởng, vốn đã có cảm tình với Mai từ trước mà không biết; hay tại nụ cườitỏa nắng của Mai khi ấy. Bao nhiêu khả năng được nó đưa ra nhưng cuối cùng vẫn không tìm được đáp án, nó đành bất lực. May cho thằng Quang, phảirất lâu sau nó mới thắc mắc vấn đề này, còn vào năm lớp mười câu hỏi “vì sao mình lại “yêu” Mai nhanh thế” không hề tồn tại trong đầu nó; nếu không chắc nó sẽ khổ sở lắm, khổ sở vì phải đi tìm câu trả lời. Để rồi khi nó mười sáu tuổi nó “chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”.
Từ sau buổi sáng đó, đầu thằng Quang cứ vẩn vơ ý nghĩ "mìnhyêu rồi à" hay "thế này có gọi là tình yêu không nhỉ?". Thằng Quang không biết thứ tình cảm trong lòng mình có phải tình yêu hay không, nhưng nó đoán nếu không chắc mười phần thì tám - chín phần là như vậy. Chứ còn gì nữa? Nếu nó không “yêu” Mai tại sao từ sau hôm ấy cứ nhìn thấy cô bạn lòng nó lại chộn rộn một cảm giác hồi hộp khó tả, trái tim cứ đập thình thình như đánh trống trong ngực? Tại sao mỗi lúc nói chuyện với Mai, được nghe giọng nói ấy, được thấy Mai cười, nó lại vui như thế? Và nhất là nếu không “yêu” Mai, tại sao khikhông được gặp cô bạn này nó lại nhớ đến vậy? Nhiều khi đang học bài nó chợt nhớ đến Mai, đang ăn cơm chợt nhớ đến Mai, đi ngủ cũng nhớ, để rồi Mai theo nó cả vào trong những giấc mơ không đầu không cuối. Đến như vậy mà vẫn không phải “tìnhyêu" thì thế nào mới gọi là "yêu"? Nhưng dù thế nào, dù đó có phải “tình yêu" hay không, thằng Quang vẫn hiểu rằng từ giờ Mai đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của mình.

Đôi khi thằng Quang tự hỏi mới lớp mười đã sa chân vào tình yêu liệu có sớm quá không. Và sau một hồi suy nghĩ, nó tự trấn an rằng chẳng có gì sớm cả. Ngày xưa thi sĩ Hoàng Cầm mới tám tuổi đã yêu,mà yêu bà những mười lăm - mười sáu tuổi, hơn nhà thơ bảy - tám tuổi liền. So với ông ấy nó phải gọi là “yêu” muộn chứ sớm sủa gì, với lại nó “yêu” người bằng tuổi chứ đâu có yêu chị như ông ấy. Nó còn thua Hoàng Cầm xa lắm.


Chương 2 - Phần 3.


Thầy cô và các bậc phụ huynh thường dạy rằng đang đi học mà dính vào yêu đương sẽ dẫn tới học hành sa sút, thậm chí yêu tuổi này là hư đốn, là ăn chơi. Thằng Quang lại nghĩ chưa chắc đã như vậy, ít nhất với nó thì không phải như vậy. Từ khi có tình cảm với Mai nó tốt hơn hẳn đấy chứ.
Trước kia nó là đứa tùy hứng và có phần luộm thuộm, đến giờ đi học mới vội vàng thay quần áo, vuốt mớ tóc rối rồi nhảy lên xe, đạp thẳng đến trường. Giờnó dậy sớm hơn, giũ quần áo phẳng phiu, trải đầu tóc gọn gàng, soi gương chỉnh trang mấy lần mới ung dung tới lớp. Trước kia một bộ quần áo nó mặc hai - ba ngày, mẹ nó giục thay mới chịu đi thay; bây giờ ngày nào nó cũng thay quần áo, tự mình giặt giũ, phơi phóng sạch sẽ xong cất vào tủ, mấy ngày sau mới mặc lại. Mẹ nó không khỏi ngạc nhiên. Có lần đứng từ xa nhìn thằng con mình đang hì hục giặt cái áo cánh trắng, bà phải chép miệng nhủ thầm: “Thằng này dạo này làm sao thế nhỉ?".
Hôm nào bàn mình trực nhật, thằng Quang đi học từ sớm tinh mơ. Thực ra, sau khi bị Mai "dạy dỗ" nó đã đến trường sớm hơn vào ngày trực nhật. Nhưng từ ngày "cảm nắng" Mai, thằng Quang còn đến sớm hơn nữa. Không chỉ một lần,lúc nó cất xe đạp xong, nhìn cả khu để xe mới có lèo tèo mấy cái. Nó đến lớp sớm nhất; quét dọn, giặt khăn, lau bảng, múc đầy chậu nước rửa tay của thầy cô xongbọn Mai, Hiền,Tuyếtmới đến. Khỏi phải nói cũng biết ba đứa bạn ngạc nhiên thế nào. Mà đâu phải chỉ ngạc nhiên, cả buổi học hôm ấy cái Hiền, cái Tuyết cứ luôn miệng khen nó ga-lăng suốt, làm nó sướng rơn. Không ngờ chăm chỉ một chút có nhiều cái hay như vậy. Và từ đó một quyết tâm to lớn bùng cháy trong lòng thằng Quang. Nó quyết tâm phải cưa đổ Mai, quyết tâm khiến Mai phải si mê nó giống như nó đang si mê Mai. Từng ngày trôi qua, quyết tâm ấy cứ lớn dần, lớn dần từng chút một.
Nhưng nhờ quyết tâm ấy, thằng Quang hiểu rằng bấy nhiêuvẫn chưa đủ. Muốn chiếm được cảm tình của Mai nó cần phải cố gắng nhiều hơn,cần thay đổi nhiều hơn. Trong những cái “nhiều hơn” đó, nó nghĩtrước hếtcần thay đổi thái độ học tập của mình. Nói thế nào nhỉ? Mai là một học sinh gương mẫu, đạo đức tốt, học hành chăm chỉ. Một cô gái như thế chắc sẽ thích những thằng học hành giỏi giang, rèn luyện nghiêm túc, nói chungphải là học sinh gương mẫu. Nó nghĩ thế chẳng biếtđúngkhông nhưng nếu có sai chắc cũng chẳng sai bao nhiêu, nên nó quyết tâm trở thành một thằng con ngoan trò giỏi, như thế mới khiến Mai để ý được chứ. Thế đấy, tình yêu tuổi học trò cũng có mặt tích cực mà, đâu phải chỉ toàn tiêu cực như các thầy cô thường nói.
Tiết sinh học hôm đó là viên gạch đầu tiên xây nên con đường đi đến trái tim cô bạn tên Mai của thằng Quang. Nghĩ thật buồn cười, vì môn sinh học nó đã từng cãi nhau to một trận với cô bạn, nay lại từ môn sinh học nó bắt đầu công cuộc chinh phục trái tim cô bạn ấy. Hình như nó và Mai có duyên với môn sinh thì phải. Cả buổi học, thằng Quang "khoanh tay trên bàn, mắt nhìn lên bảng, nghe cô giáo giảng ngoan thật là ngoan". Trước kia nó chẳng bao giờ ngoan ngoãn như vậy, không thư từ với thằng Kiên thì ngọ nguậy cái này, cái kia. Kể cả với ba môn khối D luôn được thằng Quang coi trọng, cũng chẳng mấy khinó ngồi im ắng. Nói thế để thấy nó đã quyết tâm thế nào.
Giờ ra chơi, lúc nó liếc sang chỗ Mai thì hơi bất ngờ vì cô bạn ngồi cạnh đang nhìn nó chằm chằm, ánh mắt có vẻ kỳ lạ, giống như người trái đất nhìn thấy UFO. Chẳng hiểu sao thằng Quang hơi chột dạ, buột miệng hỏi:
- Có chuyện gì à Mai?
Mai không trả lời mà hỏi ngược lại nó:
- Quang bị ốm à?
Thằng Quang ngạc nhiên, sao tự dưng cô bạn này lại nghĩ nó bị ốm:
- Không, có ốm đau gì đâu, sao tự nhiên lại hỏi vậy?
- Chẳng biết nói thế nào, nhưng mà tự nhiên thấy Quang hôm nay lạ lắm.

Mai trả lời vẫn bằng giọng nói nghi hoặc. Thằng Quang cười thầm trong bụng, hóa ra Mai thấy nó nãy giờ ngồi im, không cựa quậy gì lại thấy lạ, thấy lạ nhưng chưa nhận ra lạ ở chỗ nào. Kể cũng phải, xưa nay trong giờ học có mấy dịp nó hiền lành như vừa nãy. Bảo sao Mai chẳng ngạc nhiên. Nó liền đáp lại Mai bằng giọng nói nửa đùa nửa thật:
- Bà này hay thật. Lúc tôikhông nghiêm túc thì bà nhắc nhở. Bây giờ tôi học hành nghiêm túcbà lại ý kiến ý cò à?
Mắt Mai sáng lên như vừa nhận ra điều gì. Cô bạn gật đầu, vội vàng nói:
- Ừ ha, ra là hôm nay Quang ngồi im quá. Mà mình có ý kiến ý cò gì đâu, mình chỉ nói là thấy lạ thôi mà.
Thằng Quangvừa cười vừa nói:
- Thế thì từ bây giờ, Mai sẽ thấy lạ nhiều nữa đấy.
Nói xong nóđứng dậy đi ra ngoài, bỏ lại sau lưng ánh mắt khó hiểu của cô bạn.
Người thứ hai bị nó làm cho bất ngờlà thằng Kiên. Trong giờ hóa học thằng này ném sang cho nó một mảnh giấy, nội dung chẳng có gì lạ,hỏi sáng nay nódậy xem champions league không; sáng nay đội của thằng Kiên thắng to lắm, đang muốn khoe khoang với bạn thân. Thằng Quang đọc xongviết trả ngay. Thằng Kiên nhận giấy khấp khởi mừng thầm, chẳng mấy khi được khoe khoang với bạn. Ai dè, vừa mở mảnh giấy ra đọc, miệng thằng này đã há hốc, to hết cỡ, nhét vừa cả một nắm đấm; mắtgần như lòi ra ngoài. Trong thư thằng Quang viết: "Ngồi im học bài đi mày, tí nữa ra chơi nói chuyện". Nhìn bộ dạng thằng Kiên, thằng Quang vừa tức vừa buồn cười, việc nó làm học sinh ngoan khiến bạn bè ngạc nhiên như vậy à. Lúc nãy làMai bây giờ là thằng Kiên. Hình như khi nó tỏ ra là một thằng nghiêm chỉnh thì mọi người đều không tin được. Nó đâu có xấu như vậy, nó cũng ngoan mà, chậc.
Sau vụ ấy hình như thằng Quang bị thằng Kiên giận. Trong giờ học thằng Kiên không còn hó hé gì tới thằng bạn ngồi dãy bên kia. Nhưng ra chơi nó vẫn ôm vai bá cổ, chém gió với thằng Quang bình thường. Có hôm trong giờ ra chơi, thằng Quang nhìn đứa bạn dò hỏi:
- Chú có gì giận anh à?
Thì thấy thằng Kiên cười nhếch miệng, trả lời cụt ngủn:
- Hừ, có gì mà giận.
Trả lời xong liền nhìn đi chỗ khác. Thằng Quang định thăm dò thêm nhưng nghĩ thế nào lại thôi, lòng thầm nhủ: “vậy là chú giận anh, còn nói cứng". Biết vậy nhưng thằng Quang chẳng thèm giải thích tại sao mình làm như thế. Nhỡ đâu nói chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia, lộ tẩy hết thì chết dở, nó chẳng dại. Cứ để vài hôm thằng Kiên sẽ hết giận thôi, coi như đang giúp thằng bạn trở thành học sinh ngoan hơn vậy, vì sau vụ này biết đâu thằng Kiên sẽ bỏ được tật làm việc riêng trong lớp. "Hầy, đành âm thầm làm người tốt một lần”. Thằng Quang nghĩ thầm.
Thái độ học hành đã thay đổi, thử thách đầu tiên tạm coi là qua, nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thành tích học tập không tăng lên. Muốn gây ấn tượng với Mai, quan trọng nhất, phải để Mai thấy rằng nó cũng là một thằng học tốt, một học sinh giỏi. Việc này vốn đã khó. Và sẽ càng khó hơn bội phần khi đồng thời với việc nâng cao điểm số nó phải bỏ hẳn thói quay bài, chuyện nó vốn khá thành thạo xưa nay. Điểm số cao mà quay bài thì còn nói làm gì, huống chi Mai lại ghét chuyện quay cóp. Song việc này chắc chắn không dễ dàng, thằng Quang hiểu rõ điều đó. Trước nay thằng Quang chỉ chú ý học ba môn khối D, những môn còn lại dù không bỏ hẳn nhưng học rất lời phời, đặc biệt là mấy môn học thuộc lòng; khi nào kiểm tra mới học tủ mấy câu, đề trúng thì tốt, không trúng thì đành phải liều mình làm nhà quay phim, đâu còn cách nào khác. May cho nó, từ ngày lên cấp ba nó đều ôn trúng một,hai câu mỗi lần kiểm tra,đủ để trên điểm trung bình nên không cần giở mánh ra. Giờ phải khác, dù kiểm tra môn nào, thằng Quang không những không được quay bài mà còn phải đạt điểm thật cao, càng cao càng tốt. Khó. Quả thật rất khó.
Môn địa lý là chướng ngại đầu tiên kiểm tra quyết tâm của nó. Để chuẩn bị cho lần kiểm tra một tiết địa vào thứ năm, ngay từ cuối tuần trước tối nào nó cũng lôi môn địa ra tụng cho tới mười giờ mới chuyển sang môn khác. Đúng là buồn ngủ thật, chẳng mấy khi nó học khuya thế. Trời không phụ lòng người, bài kiểm tra địa nó làm ngon lành. Thực ra cũng có lúc bí;những khi như vậy nó lại kín đáo liếc sang chỗ Mai dòm trộm một chút, Mai đâu có che bài bao giờ, khi đã nhớ ranó lại quay về hí húi làm bài của mình (cách này được thằng Quang áp dụng suốt những năm tháng ngồi cạnh Mai, thấy hiệu quả rõ rệt). Về phần vẽ biểu đồ nó làm ngon lành, thực ra đây là phần thằng Quang thích nhất khi học địa lý. Hôm ấy nó còn làm bài xong trước Mai. Sướng nhất là sau lúc thu bài, nó liếc sang Mai lại thấy Mai đang nhìn trộm nó, lần này nó đã biết tỏng lý do vì sao, nhưng vẫn vờ mang vẻ mặt ngây thơ hỏi:
- Sao lại nhìn tớ ghê thế?
Một tia tinh quái xẹt qua mắt Mai, cô bạn cười cười trả lời:
- Thích nhìn đấy, không được à?
Thằng Quangkhẽ cười, không đáp đứng lên đi ra ngoài. Dĩ nhiên Mai không thể biết rằng trong lòng đứa bạn mình đang nghĩ: "Được chứ, nếu Mai thích cả đời này của tớ sẽ chỉ để cho Mai nhìn thôi". Thật sến sụa.
"Vạn sự khởi đầu nan", khi đã qua giai đoạn "khởi đầu", gian nan cũng bớt dần đi. Từ sau buổi kiểm tra địa lý, thằng Quang nhận ra học mấy môn thuộc lòng không đến nỗi khó như nó tưởng, quan trọng nhất là phải chăm chỉ một chút, với lại bên cạnh nó còn có Mai, lúc nào bí có thể liếc sang dòm, nhớ ra lại quay lại làm bài. "Liếc một tí không thể tính là nhìn bài được" - thằng Quang luôn tự nhủ như vậy.

Kể từ ngày đó Mai không bao giờ thấy thằng Quang quay bài nữa. Không chỉ thế điểm số của thằng Quang ở những môn học thuộc lòng ngày càng cao lên, điểm bảy, điểm tám ngày càng nhiều, thậm chí còn có những điểm chín; không như trước kia, điểm tám, chín chỉ tập trung ở ba môn khối D của nó. Với các môn tự nhiên như lý, hóa; mọi chuyện với thằng Quang đơn giản hơn. Thực ra ngày trước nó cũng học tạm tạm những môn này. Mãi đến cấp ba khi đã xác định mình thi khối D nó mới bỏ, chỉ học đối phó, may là mới vào lớp mười mấy tháng, học lại vẫn còn kịp, có điều... mệt thôi. Và cũng như mấy môn thuộc lòng, điểm lý, hóa của nó tăng lên trông thấy.
Không chỉ cố gắng trong các bài kiểm tra, trong giờ học thằng Quang cũng tích cực phát biểu ý kiến xây dựng bài hơn hẳn, đặc biệt là với những môn khối C của Mai. Có lần cô giáo Sử hỏi một câu rất khó để kiểm tra bài cũ, cả lớp không đứa nào dám giơ tay, kể cả mấy đứa đội tuyển sử vừa thi học sinh giỏi xong. Nó theo kiểu "nghé non không sợ cọp" liền xung phong lên bảng, mà không hiểu chém gió lung tung thế nào lại trúng mới hay chứ lị. Cô giáo cho nó mười điểm, điểm mười sử duy nhất trong cuộc đời học sinh của nó. Khỏi phải nói mấy đứa bạnlác mắt thế nào. Ba đứa con gái cùng bàn nhìn nó với ánh mắt thán phục, rồi cứ khen nó suốtbuổi học. Thằng Kiên trong giờ ra chơi vỗ vai nó trầm trồ:
- Không ngờ chú mày khá vậy, anh phục quá đấy.


Chương 2 - Phần 4.


Sự thay đổi của thằng Quang khiến rất nhiều người bất ngờ, trong đó bất ngờ nhất hẳn nhiên là Mai. Học chung mấy tháng đủ giúp Mai hiểu sơ sơ về thằng Quang. Và chính vì hiểu nên cô bé không thể đoán được lý do gì khiến bạn mình thay đổi nhiều đến như vậy, từ một cậu học trò tùy hứng, ham vui, có phần vô kỷ luật thành một anh chàng gương mẫu, học giỏi. Rất nhiều lý do được Mai đưa ra, cuối cùngMai chốt lại hai khả năng cao nhất: Khả năng đầu tiên là bạn mình đang tự ái. Ai làm cậu ta tự ái? Đương nhiên là… mình. Mai đoán rằng việcmình gạ cho cậu bạn chép bài đã chạm đến tự ái của cậu ta. Ai chứ ông Quang này tự ái cao lắm, Mai đoán có thể lúc mình gạcho Quang chép bài, cậu ta chẳng những không thích thú gì mà trong đầu còn đang nghĩ: “Tôi mà phải chép bài của bà à? Bà nghĩ tôi kém bà chắc, khinh tôi à? Để xem ai hơn ai, từ giờ tôi không thèm quay bài mà điểm vẫn hơn đứt bà cho xem".Nếu đúng như vậythật oan uổng cho Mai, hôm kiểm tra địathật lòng Mai không có ý nghĩ này. Thật ra, khi nhìn thấy cậu bạn thập thò quyển vở dưới ngăn bàn Mai đã định lên tiếng ngăn cản ngay vì chưa cần nói đến chuyện thích hay không thích, đúng hay sai; bây giờ nếucô giáobắt được cậu bạn mình cả lớp sẽbị liên lụy,cả lớp sẽ dính giờ trung bình, thậm chí yếu như chơi. Nhưng cuối cùng Maidừng lại kịp. Lúc ấy trong đầu cô bé nghĩ: “Mìnhnói dẫu có ngăn được lần nàychưa chắc sẽ ngăn được lần sau, mà chắc gì đã ngăn được.Vả lại nếu ngăn cản, Quang sẽ càng giận mình thêm, mâu thuẫn càng khó hóa giải,hai đứa sợ rằng sẽ thành… kẻ thù của nhau”. Hơn nữa trong đầu Mai vừa lóe ra một ý tưởng khá hay ho nên rốt cục Mai không nói gì. Đến giờ ra chơi Mai tiếp tục ngồi suy nghĩ về ý tưởng lúc nãy và thấy nó rất khả thi. Mai định sẽ “gạ gẫm” cậu bạn chép bài của mình để cậu bạn ấy bỏ thói quay bài. Mai nghĩ Quang sẽ đồng ý thôi vì so sánh giữa chép bài với quay bài rõ ràng chép bài dễ dàng hơn nhiều, lại đỡ phần nguy hiểm và khó bị phát hiện hơn. Rồi sau một thời gian, Mai sẽ khuyên nhủ, thậm chí là khích bác sao đó để bạn mình chăm chỉ học mấy môn thuộc lòng hơn, bớt chép bài của mình đi. Ý định ban đầulà vậy. Theo những hiểu biết của Mai về bạn mình, cô bé thấy khả năng thành công rất cao nên Mai mới viết giấy cho thằng Quang.Ai dè đọc xong tờ giấy thằng Quang lại chẳng nói gì, chỉ nhìn Mai đăm đăm xong quay đi. Thật khó hiểu. Mai tự hỏi phải chăng cậu bạn đang tự ái,rồi từ tự ái chuyểnsang giận. Nếu vậy, cơn tức giận này lớn lắm đây.

Nhưng nghĩ kỹ, Mai thấy không giống cho lắm. Lúc đọc xong tờ giấy Mai đưa thái độ cậu bạn vẫn có vẻ bình thường. Mai biết cậu bạn này giậnsẽ thể hiện ra mặt ngay, không có chuyện loanh quanh, giấu giếm đâu. Hơn nữa từ hôm ấy về sauQuang vẫn trò chuyện với Mai, thậm chí còn nhiệt tình hơn trước. Nên cô bé cho rằng lý do Quang đang tự ái là không ổn.
Nguyên nhân thứ hai Mai nghĩ đến là ở nhà Quang đã gặp chuyện gì đó, kiểu như bố mẹ Quang đã giao chỉ tiêu cho cậu ta năm nay phải đạt học sinh giỏi chẳng hạn, hay chuyện gì đó giống giống như vậy, vì thế nên Quang buộc phải phấn đấu. Song đây chỉ là suy đoán thôi còn có phải vậykhôngchỉ có chínhQuang mới trả lời được. Đã nhiều lúc Mai định hỏi thằng Quang, hỏi rằng "tại sao dạo này Quang khác thế?”. Nhưng rồi lại thôi. Bởi vì có lần lời nói sắp ra đến miệng, một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu Mai: "Hỏi làm gì, quan trọng là Quang đã thay đổi, lý do đâu có gì quan trọng". Nghĩ thế nên Mai không hỏi nữa. Và Mai nhận ra mình thích Quang bây giờ hơn Quang trước kia nhiều.
Không chỉ Mai bất ngờ, người bất ngờ còn có thằng Kiên. Trong một lần ra chơi, thằng Kiên giả vờ nhìn thằng Quang từ trên xuống dưới rõ lâu, rồi làm bộ nói: “Không ngờ mình đang đứng cùng một thiên tài mà không biết". Nghe giọng cà khịa của thằng bạn thằng Quang chỉ cười trừ không nói gì.
Cuối học kỳ một năm lớp mười điểm tổng kết củaMai được 7,7; còn thằng Quang được 7,9; chỉ kém 0,1 nữa là đạt học sinh giỏi. Thằng Quangchẳng thấy tiếc nuối gì vì giờ nó học là để thi đại học chứ đâu phải vì cái danh học sinh giỏi toàn diện; với lại xưa nay trừ mấy năm cấp một, có bao giờ nó được học sinh giỏi đâu. Trước đây nó đã không để ý, bây giờ càng chẳng bận tâm. Nhưng Mai cứ tiếc mãi. Suốt mấy buổi học cứ luôn miệng xuýt xoa: “Tiếc quá, tí nữa Quang được học sinh giỏi rồi, chậc chậc, tiếc quá". Thế là để Mai khỏi tiếc nuối, học kỳ hai của năm họcnó quyết tâm lao vào cày bừa để đạt học sinh giỏi, để cho Mai khỏi tiếc. Nghĩ cũng thật buồn cười, bố mẹ, thầy cô giục giã học hành anh chàng Quang bỏ cả ngoài tai; vậy mà cô bạn ngồi bên nói mấy câu đã khiến cậu chàng lao vào sách vở, quên trời quên đất. Ôi, sức mạnh của tình yêu.
Trời không phụ người có tâm, cuối kỳ hai nó được 8,1; tổng kết cả năm lớp mười được trên 8,0; đủ để đạt học sinh giỏi. Ngày biết điểm tổng kết nó vui vì đạt học sinh giỏi thì ít mà vui khi thấy Mai cười toe toét cả buổi thì nhiều, cứ như Maiđược học sinh giỏi vậy. Điều đáng tiếc duy nhất là Mai vẫn không được tiên tiến xuất sắc, điểm tổng kết cả năm của cô bạn nóđược 7,8 - còn thiếu 0,2 nữa. Nhưng thằng Quang chẳng thấy cô bạnbuồn, cả buổi ngày hôm ấy chỉ ngồi khen và chúc mừng nó. Mai còn đòi nó khao nữa. Được thôi, ai chứ với Mai thằng Quang sẵn sàng khao cả năm. Nhưng nghĩ lại,thấy không ổn lắm, vì chẳng lẽ khao Mai mà không khao cả bàn, khao cả bàn chẳng lẽ bỏ qua thằng Kiên, rồi nếu khao thằng Kiên lẽ nào không khao cả lớp. Mà khao cả lớpnókhông đủ kinh phí. Đấy là chưa kể nếu nó khao thì mấy đứa được học sinh giỏi khác cũng phải khao, mà biết được bọn đấy có muốn khao hay không, có khi nó lại bị mấy đứa đấy nói là học làm sang không chừng. Với lại nó thấy mới chỉ được học sinh giỏiđã bày đặt khao với khiếc cứ làm sao ấy, hồi đầu năm cả nó và Mai đều đạt giải học sinh giỏi tỉnh nhưng có khao ai đâu, ngày đấy không khao bây giờ chẳng lẽ lại khao. "Chắc Mai chỉ tiện mồm trêu mình thôi" -thằng Quang nghĩ thầm. Quả nhiên từ hôm ấy không thấy Mai nhắc gì đến chuyện này, nhưng thằng Quang vẫn luôn tâm niệm: “Chờ đó Mai ạ, sẽ có ngày tớ cho Mai ăn bim bim mệt nghỉ luôn”.

Vì tình yêu nóđã thay đổi rất nhiều, nhưng những thay đổi ấy đủ để gây ấn tượng với Mai chưa,chỉ có chính Mai mới trả lời được. Hơn một lần, thằng Quangđịnh quay sang cô bạn hỏi: ”Tớ tốt hơn trước nhiều rồi, bây giờ Mai thích tớ chưa?”.Song tất nhiên nó không dám. Nó đành tự động viên mình: ”Cố gắng lên, cứ thế này Mai không thích mình mới lạ”.Đúng vậy, vấn đề có lẽ chỉ là thời gian thôi.
Đã có lúc thằng Quang nghĩ rằng mọi thứ sẽ mãi diễn ra như vậy. Nó sẽ mãi ngồi cạnh Mai, mãi được thấy Mai cười gần trong gang tấc, được mượn thước kẻ, bút chì của Mai, được dòm chộm bài của Mai chút chút, được Mai nhắc nhở khi nói chuyện riêng trong giờ học... Nhưng cuộc đời nhiều khi không diễn ra như ta mong muốn. Càng lớn lên nó càng hiểu rõ điều này, song năm lớp mười nó chưa biết được, nên lúc mọi thứ xảy ra nó mới bất ngờ đến thế.
 
Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
Chương 2 - Phần 5.


Mùa hè năm đóvới thằng Quangtrôi qua lâu thật là lâu. Trước kia, nó đi học mà chỉ chờ đến nghỉ hè, vì nghỉ hè đồng nghĩa với những buổi chiều đá bóng mệt nghỉ với bọn thằng Toản,đá xong sẽ nhảy xuống sông tắm thả phanh đến gần giờ cơm mới mò về nhà. Nghỉ hè đồng nghĩa với những giấc ngủ trưa trời trưa trật mới mò dậy mà không lo bị mẹ đánh thức, với những buổi tối xem phim đến khuya lơ khuya lắc mới đi ngủ. Nhưng bây giờ nó không thích nghỉ hè nữa. Nói không thích thì không phải nhưng rõ ràng bây giờ thằng Quang không ráo riết mong chờ nghỉ hè như xưa kia. Nó vẫn thích đá bóng, vẫn thích tắm sông, vẫn thích ngủ nướng nhưng đã không còn hào hứng, say mê như khi còn nhỏ; bởi vì bây giờ nó đã lớn, bởi vì bây giờ nó đã… có Mai.
Nghỉ hè nghĩa là nó không được gặp Mai mà không được gặp "nàng" nó sẽ nhớ lắm. Nỗi nhớ ấy làm những thú vuinó say sưa trước kia nhạt nhẽo đi nhiều. Ngày xưa các cụ nói "nhớ ai bổi hổi bồi hồi/như đứng đống lửa như ngồi đống rơm". Trước đây nó không hiểu "bổi hổi bồi hồi", "đứng đống lửa, ngồi đống rơm" là như thế nào, bây giờ nó hiểu rồi.Nhớ quá nênđã có lần nó định gọi điện thoại cho Mai, nó biết số nhà Mai, nhưng suy đi tính lại một hồi cuối cùng nó không gọi. Vì gọi đến nó biết nói gì đây, nói "tớ nhớ Mai quá” à? Thôi xin, có cho vàng nó cũng chẳng dám. Còn nếu là để hỏi thăm sức khỏe của Mai, hỏi xem dạo này Mai thế nào có vẻ lộ liễu quá. Mai thông minh lắm, hỏi han kiểu như thế cô bạnsẽ nhận ra nó có vấn đề ngay. Bi kịch của một thằng nhát gái là vậy đấy, nó thích Mai nhưng lại sợ Mai nhận ra điều đó. Thế là kế hoạch gọi điện bị hủy bỏ và thằng Quang đành ôm mối sầu tương tư suốt kỳ nghỉ hè oi ả.
May cho thằng Quang, lên cấp ba nghỉ hèkhông còn dài như hồi cấp hai, chỉ hơn một tháng sau ngày nghỉ bọn nó đã tập trung ôn thi đại học. Có điềuthằng Quang cũng không gặp được Mai nhiều như kỳ vọng. Nó thi khối D còn Mai thi khối C, cả hai chỉ học chung khi ôn thi môn văn thôi. Mà không chỉ vậy, gặp ít đã đành, trong những buổi học ấy nó đâu được ngồi gần Mai. Đây là học thêm, ai thích ngồi đâu thì ngồi; hôm nay chỗ này mai chỗ khác đều không bị cấm. Mai chắc chẳng nhớ thương gì nó nên trong những buổi học chẳng đoái hoài gì đến nó, cô nàng chỉ chăm chăm ngồi cùng với con Bích, cái Tuyết, mấy cạ cứng của mình. Thỉnh thoảng trong giờ ra chơi, lúc nó nhìn sang lại thấy lũ bạn bấm nhau cười rinh rích, chẳng biết là đang nói chuyện gì. Chỉ khổ cho thằng Quang phải ngồi cùng chiến hữu tên Kiên, suốt ngày nghe nó lải nhải về mấy bộ tiểu thuyết trinh thám không biết cu cậu kiếm ở đâu ra. Nhưng rồi thằng Quang tự nhủ được gặp Mai, được nhìn thấy Mai là tốt rồi; và thỉnh thoảng nó có được nói chuyện với nàng đấy chứ, dù chỉ là những câu nói không đầu không cuối kiểu như "Mai đi học sớm thế" hay "trời hôm nay nắng quá nhỉ". Những lần nói chuyện vô thưởng vô phạt ấy dù sao cũng giúp trái tim nó dịu hơn trong những ngày hè oi ả, giúp những đêm thao thức, mất ngủ vì… nhớ thương của nó ít dần đi. Và mùa hè đầu tiên của thằng Quang trong những năm cấp 3 đã trôi qua như thế đó.
Ngày khai giảng đến sau bao mong mỏi của thằng Quang, hình như từ bé đến giờ chưa khi nào nó mong chờ khai giảng như vậy. Cái thằng, được cái càng lớn càng hiếu học. Nhưng trong buổi học chính thức đầu tiên, buổi học mà nó mất bao công sức mong chờ, lại xảy ra một chuyện khiến nó choáng toàn tập, choáng đến nỗi phải mất mấy hôm sau nó mới chấp nhận được sự thật đã xảy ra.

Hôm đó là buổi học đầu tiên của năm học mới. Thằng Quang vui lắm, sau bao chờ đợi mòn mỏi cuối cùng nó đã danh chính ngôn thuận ngồi cạnh Mai, từ giờ mấy đứa con Bích, con My đừng hòng cướp Mai khỏi tay nó được. Đang tự sướng thì nó thấy cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp. Không chỉ thằng Quang mà cả lớp đều ngạc nhiên vì chẳng mấy khi cô Giang xuất hiện trong giờ truy bài. "Chắc có chuyện gì rồi" - bọn thằng Quang thầm nghĩ. Và đúng là có chuyện thật, hóa ra cô đến lớp để đổi chỗ ngồi, và người được đổi chỗ là... Mai. Khỏi phải nói thằng Quang choáng như thế nào,lúc nghe tin Mai bị đổi chỗ đầu nó hiện lên bao câu hỏi: "sao Maibị đổi chỗ", "là Mai xin đổi hay cô giáo tự mình chủ trương đổi", "cô giáo biết nó thích Mai hay sao mà đổi chỗ Mai"... Vô số ý nghĩ quay mòng mòng trong đầu làm thằng Quang đơ mất mấy giây, không kịp phản ứng gì cả. Nhưng nó chẳng phải thắc mắc lâu, ngay sau đó cô giáo đã giải thích. Hóa ra vụ đổi chỗ này là do chính Mai đề nghị. Hè vừa rồi, do thấy mắt hơi mờ, Mai đi khám mới biết mình bị cận; dù độ cận không cao - chỉ 0,5 thôi - và sắm cả kính rồi nhưng Mai vẫn xin cô giáo chuyển lên bàn trên cho dễ nhìn, để độ cận khỏi tăng. Nên cô giáo cho chuyển thật, chuyển lên tận bàn đầu luôn; từ bàn cuối Mai chuyển vọt lên bàn đầu nhưng phải ngồi trong cùng vì Mai vốn cao ráo. Lúc đi Mai mới rút kính ra đeo và đến khi ấy thằng Quang mới biết Mai bị cận thật.
Khi cô giáo nói xong và Mai lục tục thu dọn sách vở, thằng Quang vẫn đơ ra như một khúc gỗ, đầu nó đang quay cuồng trong bao suy nghĩ, nó chưa kịp phản ứng gì cả. Phải đến khi Mai chào: “Mình đi nhé mọi người", nó mới sực tỉnh. Và nó bỗng giận Mai ghê gớm. Càng lúc càng giận. Trong khi nó chờ đợi từng tháng từng ngày, từng phút, từng giây để được gặp Mai thì Mai lại bỏ nó đi chẳng thèm suy nghĩ. Hơn nữa Mai bỏ đi vì một lý do, mà theo nó, nhỏ như cọng cỏ. Bị cận. Bị cận đã có kính rồi, ngồi đâu chẳng được, bộ ngồi lên bàn trên Mai sẽ hết cận à; lúc ấy nó đã nghĩ như vậy. Nhưng đâu chỉ có thế, thằng Quang càng tức giận vì Mai đi mà không nói trước với nó một lời, đi với thái độ chẳng có chút gì tiếc nuối. Thằng Quang đau đớn nhận ra rằng hóa ra với Mai nóchỉ giống như cái Hiền, cái Tuyết, chỉ là một người bạn bình thường; trong khi với nó Mai là cả bầu trời, và bây giờ sẽ là một bầu trời thương nhớ. Giá như trước khi chuyển đi - dù chỉ nửa phút - Mai nói cho nó biết thì nó còn đỡ khó chịu. Hoặc tốt hơn nữa trước lúc đi Mai nói cho nó và bảo thêm rằng Mai chẳng muốn đi chút nào, Mai chỉ muốn ngồi cùng nó, nhưng vì để khỏi cận nặng hơn Mai buộc phải đổi chỗ; thì nó chẳng những không giận mà còn thoải mái nhìn Mai ra đi, dù trong lòng vẫntiếc nuối.Nhưng đằng này...
Nhìn theo bóng lưng của Mai đang xa dần thằng Quang muốn chạy lên nắm lấy tay Mai lôi về chỗ cũ. Nhưng tất nhiên có cho thêm một lá gan nó cũng chẳng dám làm như vậy, nhất là khi mọi chuyện đã được cô Giang quyết định, ván đã đóng thuyền. Thằng Quang cảm thấy miệng đắng chát. Nó muốn hét lên thật to nhưng không thể, chưa bàn đến truyện nó có dám hay không mà thực sự nó không thể hét được, cổ họng nó nghẹn bứ lại. Nếu ai nhìn vào mặt thằng Quang lúc này sẽ thấy mặt nó đỏ bừng đến tím tái và không chừng sẽ đưa nó xuống phòng y tế vì tưởng nó... bí thở.
Và khi cơn tức tối nguôi dần, nó bỗng thấy buồn, buồn tê tái. Thế là bao cố gắng, nỗ lực của nó trở về con số 0; cuối cùng Mai vẫn bỏ nó đi chẳngmột chútđắn đo hay lưu luyến. Buồn quá. Sự tức giận khi nãy bay sạch, thay thế vào đó là nỗi buồn bã và nó nhận ra rằng đối với một thằng con trai mới lớn, nỗi buồn đau còn đáng sợ hơn sự tức giận gấp nhiều lần. Những gì khiến nó tức khi nãy giờ lại khiến nó buồn. Nó buồn vì Mai sẵn lòng bỏ nó đi, buồn vì Mai đi chẳng thèm nói trước một lời, buồn vì từ giờ nó cô đơn lẻ bóng.Nhưng điều khiến nó buồn nhất là sau bao nỗ lực, bao công sức của mình, nó vẫn không thể mở cửa trái tim Mai. Cuối cùng Mai cũng chỉ xem nó như một người bạn bình thường như bao đứa bạn khác.
Từ buồn bã nó chuyển sang chán nản. Giống như một người đã bỏ bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu công sức leo lên một ngọn núi để rồi một ngày khi ngẩng đầu lên anh ta chỉ thấy toàn mây là mây, còn đỉnh núi thì vẫn xa tít mù tắp tận nơi nào vậy. Nhìn theo bóng lưng xa dần của cô bạn, thằng Quang chẳng muốn chạy lên giữ lại như trước mà chỉ thấy mệt mỏi, cả người rũ xuống. Nó muốn gục xuống bàn nhưng không dám, sợ bọn bạn nghi ngờ, nên đành ngồi đấy, trơ như phỗng đá nhìn Mai xa dần, xa dần, xa dần.
Những cảm giác khác lạ, khó chịu vẫn không buông tha cho thằng Quang kể cả khi nó về đến nhà. Buổi tối ngồi vào bàn học, cảm giác cồn cào ruột gan lại xuất hiện nhưng giờ không phải là tức giận, buồn nản như hồi sáng nữa mà là thất vọng. Nó thất vọng vì mình quá kém cỏi, vì mình đã bỏ bao công sức nhưng vẫn chẳng giữ được Mai, vì Mai quá thờ ơ, vô tâm. Cảm giác ấy cứ lớn dần trong tim khiến nó vô cùng khó chịu. Nó nghĩ về những ngày xưa, nghĩ về bao nỗ lực của mình, nghĩ về thái độ dửng dưng của Mai lúc chia tay, thế là càng thất vọng hơn nữa. Cuối cùng thằng Quang quyết định tắt điện đi ngủ vìbiết rằng có ngồi tiếp cũng chẳng học hành được gì. Đêm ấy, trong giấc mơ, thằng Quang lại thấy Mai, cô bạn vẫn ngồi cạnh nó không đi đâu cả để nó mượn thước kẻ, bút chì và... dòm bài kiểm tra mỗi khi bí.
Phải đến mấy hôm sau thằng Quang mới quen được sự vắng mặt của Mai ở chỗ nó ngồi. Thực ra trong thời gian này thằng Quang đã tìm ra rất nhiều lý do giải thích cho việc Mai xin đổi chỗ để tự an ủi mình. Nào là Mai bị cận thì phải lên bàn trên chứ nếu không để cận nặng hơn à; nào là Mai đâu biết tình cảm của nó, nếu biết khéo có đuổi Mai cũng chẳng đi ấy chứ... Nhưng những lý do này chuẩn được mấy phần có lẽ chỉ Mai mới trả lời được. May là dù không ngồi cùng nhau nữa nhưng thái độ của Mai với nó vẫn rất thân thiện, thoải mái. Gặp nhau trên đường hay nhà để xe vẫn nói chuyện với nó gần gũi, tự nhiên như lúc xưa. Trong giờ ra chơi bắt gặp nó đi qua bàn mình Mai vẫn ban cho nó nụ cười tươi rói để rồi nó vội vàng cười lại rất là... vô duyên. Tự an ủi bản thân như thế là đủ rồi, thằng Quang thấy mình phấn chấn lên chút ít. Với lại thằng Quang nghĩ rằng mình còn học cùng Mai tớihai năm nữa, kiểu gì trước khi ra trường nó cũngsẽ tán đổ Mai.


Chương 2 - Phần 6.


Có người đi ắt phải có kẻ đến. Việc Mai chuyển chỗ đã dẫn theo chuỗi phản ứng dây chuyền khiến nhiều đứa bạn phải đổi chỗ theo; đứa ngồi bàn đầu chuyển xuống bàn thứ hai, đứa ngồi bàn thứ hai chuyển xuống bàn thứ ba, đứa ngồi bàn thứ ba chuyển sang bàn thứ tư dãy bên kia... cuối cùng ngồi vào chỗ Mai bỏ lại là con Quyên kều. Trước kia thằng Quang không chơi cùng con Quyên nênkhông hiểu con bạn lắm, nhưng vì học chung nên nó có biết sơ qua, và nó biết con Quyên là một đứa nói nhiều. Trải qua mấy buổi ngồi cùng nhau, thằng Quang sớm biết hóa ra trước giờ nó không hiểu đúng về con Quyên, con bạn nó không phải là đứa nói nhiều mà là… nói rất nhiều. Hôm đầu chuyển đến, con Quyên đã làm thằng Quang choáng toàn tập vì thằng Quang không hiểu bạn mình lấy đâu ra sức để nói lắm thế. Chẳng để ý mình là ma mới hay cái gì gọi là "nhập gia tùy tục", ngay từ ngày đầu tiênloa phóng thanh của con Quyên đã mở suốt từ tiết đầu đến lúc trống hết tiết năm vang lên báo hiệu giờ về. Trước giờ thằng Quang đã quen ngồi cạnh Mai, vốn không phải là người nói nhiều dù nói chẳng ít, con gái mà - làm gì có người ít nói; nhưng Mai chỉ nói trong giờ ra chơi hoặc lúc mới đến lớp với mấy cạ xung quanh. Còn con Quyên nói suốt ngày, từ lúc đến lớp đến lúc đi về. Điều này làm thằng Quang khó chịu vô cùng. Trong giờ học nó vẫn không chịu yên. Quay sang thằng Quang nói, thấy thằng Quang có vẻ hờ hững chỉ ừ hử cho qua, nó liền quay sang cái Hiền mở máy. Cái Hiền, Tuyết hình như đã sớm biết tính bạn mình nên thường đáp lại khá hứng thú, chẳng biết hai đứa này hứng thú thật hay giả nữa. Đôi khi thằng Quang thấy Hiền cười trừ vẻ không thoải mái lúc con Quyên quay sang nhưng rất nhanh cả ba đứa con gái bị cuốn vào câu chuyện của con Quyên. Những lúc ấy thằng Quang chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu, trong bụngnghĩ: “Đúng là đàn bà, đứa nào đứa nấy cầm tinh con khướu cả".
Chủ đề những câu chuyện của con Quyên vô cùng phong phú và đa số đều là mấy chủ đề thằng Quang chẳng mấy quan tâm như là mấy anh Hàn Xẻng đẹp trai, mấy bộ phim tình cảm dầm dề đang chiếu trên truyền hình... thậm chí có lần thằng Quang còn nghe con bạn ngồi cạnh nói về việc Mỹ sắp tấn công Triều Tiên, ặc. Nhưng thỉnh thoảng những câu chuyện của con Quyên cũng hấp dẫn được sự chú ý của thằng Quang. Chẳng hạn như trong giờ địa lý hôm thứ năm khi cô Thi dạy thay thầy Thuật bị ốm, khi thằng Quang vừa hý hoáy ghi bài xong thì con bạn quay sang thì thầm:
- Cô Thi sắp lấy thầy Hải đấy.
Thầy Hải là giáo viên dạy bọn nó môn thể dục. Thằng Quang nghe thế liền hỏi lại:
- Sao bà biết? Tôi có thấy ai nói gì đâu.
Quyên trả lời ngay, giọng chắc nịch:
- Thì tôi nghe phong phanh thế, nhưng mà chuẩn xác đấy, mấy tuần nữa cưới rồi.
Thằng Quang nghe vậy không hỏi thêmdù trong lòngtràn đầy nghi hoặc. Lúc đi học về nó thuận miệng kể cho mấy đứa bạn đi cùng nghe, đứa nào đứa nấy tỏ vẻ ngơ ngác. Ai dè chục hôm sau mọi việc xảy ra đúng như con Quyên nói thật, cô Thi lấy thầy Hải trong niềm vui của toàn trường và trong sự bất ngờ của riêng thằng Quang. Bất ngờ không phải ở chuyện hai thầy cô ấy lấy nhau. Bất ngờ ở chỗ con Quyên nói đúng toàn bộ sự việc. Làm sao con bé này biết trước tài thế? Thằng Quang đem câu hỏi này đặt ra với con bạn thì nhận được câu trả lời là bạn nó nghe ngóng xung quanh nên mới biết; hỏi nghe ngóng từ ai thì con Quyên đáp là từ bạn bè, thầy cô. Thằng Quang hơi bực vì kiểu trả lời chung chung của con Quyên, trả lời kiểu đấy khác gì không trả lời. Nó không thèm hỏi thêm. Nhưng từ đó nó không dám nghi ngờ những tin tức phát ra từ thông tấn xã con Quyên. Về sau còn vài lần con bạn báo cho nó biết những thông tin kiểu như thầy A đang yêu cô B, cô C sắp cưới thầy D, trường mình sắp có giáo viên mới chuyển đến hay thậm chí cả chuyện thằng này lớp A2 đang thích con này lớp A3... và tất cả đều chuẩn trăm phần trăm mới kinh chứ. Thằng Quang càng ngày càng phục tài tọc mạch của đứa bạn, phục đến nỗi có lần nó hỏi Quyên:
- Bà có biết được đề kiểm tra môn Hóa cuối tuần này không?
Con Quyên đáp, vẻ khó khăn:
- Vụ này hơi khó, chắc phải một thời gian nữa tôi mới biết trước được những tin kiểu như vậy.
Thằng Quang vội hỏi tiếp với vẻ hồi hộp:
- Một thời gian nữa là bao lâu?
- Thì chắc khoảng vài chục năm nữa. Lúc nào tôi làm hiệu trưởng của trường mình ông muốn biết trước đề kiểm tra môn gì cứ báo trước một tiếng là Ok ngay. Tôi đưa trước đề cho ông cả một tuần luôn.
Con Quyên vừa nhìn thằng Quang vừa cười ranh mãnh đáp.
Thằng Quang nghe xong biết mìnhmắc lỡm con bạn nên tức và ngượng lắm. Tự nhiên nó thấy mình hơi ngu khi hỏi như vậy. Con Quyên là ai chứ, nếu nó biết cả những chuyện này, nó đâu phải hỳ hục chép bài của thằng Quang hay cái Hiền trong giờ kiểm tra. Từ đó về sau thằng Quang không bao giờ hỏi con Quyên những câu kiểu như vậy.
Có đôi khi thằng Quang thấy hơi tiếc cho... thằng Kiên. Giá mà thằng Kiênngồi cùng con Quyên chắc hẳn hai đứa này sẽ rất hợp nhau. Con Quyên lắm mồm và thằng Kiên nói đâu có ít, trong số những thằng con trai trong lớp thằng Kiên là đứa nói nhiều nhất. Dù rằng đề tài mà bọn nó quan tâm có đôi chút khác biệt kiểu như đứa thì thích nói về những ô-pa Hàn Quốc, đứa thì thích nói đến những danh thủ túc cầu; nhưng đây đâu phải chuyện gì lớn, nhất là khi có khá nhiều vấn đề mà cả hai đứa này cùng quan tâm. Nếu chuyện đó xảy ra thì bây giờ thằng Quang đã thoát cái cảnh vừa phải ngó thầy cô vừa phải viết giấy trả lời thằng bạn trong giờ học. Từ lần bị nó từ chối phũ phàng, bẵng đi một thời gian, không còn thấy thằng Kiên thư từ với nó. Nhưng rồi ngựa quen đường cũ hay thói xấu khó chừa, mấy tháng sau thằng Kiên lại ném giấy sang cho chiến hữu, dù không còn nhiều như trước kia. Thằng Quang chẳng hiểu sao ngày xưa nó lại khoái cái trò vô vị này, ngồi gần Mai đã thế giờ Mai chuyển đi nó vẫn thấy trò này thật nhạt nhẽo. Nhưng nó không dám không trả lời vì sợ thằng bạn giận, thằng này mắc bệnh tự ái vặt thì phải, đúng là đồ đàn bà. Nên lúc thằng Kiên đưa giấy sang thằng Quang vẫn phải ngoan ngoãn trả lời dù đó chỉ là những câu trả lời nhát gừng vô cùng ngắn gọn như "ừ", "vậy à", "thế à"... những mong thằng bạn sớm chánmà dừng lại. Nhưng chẳng biết thằng bạn nó ham vui hay ngu để rồilần sau vẫn ném giấy sang. Nản. Giá như con Quyên sang kia ngồi cạnh thằng Kiên. Không may cho thằng Kiên và cho cả nó, con Quyên lại ngồi bên này cạnh nó. Vậy là ngày ngày nó vẫn phải nghe con bạn huyên thuyên và trả lời thư của thằng bạn chí cốt. Ôi, những ngày tháng thế này càng khiến thằng Quang nhớ khoảng thời gian được ngồi với Mai trước kia. Da diết.
Chuyện không dừng ở đó. Con Quyên không chỉ hóng hớt, nói nhiều; nó còn là đứa rất thích ăn quà vặt. Về mặt nàycon Quyên khác hẳn Mai, Mai chưa bao giờ mang đồ ănđến lớp, càng không có chuyện để mồm miệng tóp tép trong giờ học. Nếu có ai mời mọc nhiệt tình quá, đến giờ ra chơi Mai mới ăn. Ngược lại, không hôm nào đến lớpcon Quyên không mang theo một thức quà gì đó trong cặp, không biết nó lấy đâu ra tiền để mua quà ghê thế. Khi là gói bim bim, bỏng ngô, khi là bịch ngô cay, hạt hướng dương, khi là mấy thanh kẹo béo, kẹo bạc hà... và mồm nó thì nhai suốt không kể giờ ra chơi hay đang trong tiết. Lúc đầu cái Hiền, cái Tuyết có vẻ không khoái vụ nàynhưng vì ăn quà là bản năng của đàn bà nên rất nhanh hai nàng đã bị lây thói xấu từ con Quyên. Từ đó đến lớp con Quyên thứ gì cũng mang theo hai gói, hai gói bim bim, hai gói ngô cay... một để bên ngăn bàn Hiền, một để bên ngăn bàn... thằng Quang,và suốt cả buổi học ngồi nhóp nhép. Có lần bực mình quá thằng Quang hỏi:
- Sao để bên ngăn tôi mà không để bên bà? Tôi đâu có ăn.
Con bạn trả lời tỉnh khô:
- Để bên ông đi, để bên tôi sợ lắm, thầy cô bắt được thì chết.
Thằng Quang nghe xong tí nữa hộc máu mồm, nó vừa nghiến răng trèo trẹo vừa đáp:
- Bà sợ bị bắt, tôi không sợ chắc. Thầy cô túm được kiểu gì tôi chẳng bị liên lụy, lần sau nhớ để sang chỗ bà, không là tôi ném bỏ đấy.
Con Quyên nghe thế liền dịu giọng:
- Thôi mà, để chỗ ông đi, tôi sợ lắm. Ông không ăn những đồ này để mai tôi mang kẹo bạc hà cho ông ngậm.
Thằng Quang nghe mấy tiếng đầu điên quá, đang định phát tác thì nghe thấy câu sau,đành nuốt vội cục tức và những lời muốn nói xuống bụng. Nó không thích ăn bim bim hay ngô cay nhưng nó mê kẹo bạc hà của con Quyên tít thò lò. Kẹo bạc hàngậm vào thấy cay cay, mát mát, tỉnh hết cả người. Biết vậy ngày xưa ngồi gần Mai nó đã dành tiền thủ sẵn mấy phong kẹo trong túi lúc đến lớp để trong giờ giáo dục công dân hay lịch sử đỡ phải gục lên gục xuống, đấm đùi, tát mặt vì buồn ngủ. Nó khoái mấy thanh kẹo này lắm. Con Quyên biết ý nên mỗi lần thường cho nó nhiều kẹonhất, có lần cho cả thỏi. Giờ con Quyên lấy kẹo ra dụ chính là điểm đúng chỗ yếu huyệt của thằng Quang. Vì mấy thanh kẹo thằng Quang đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy. Đúng là chim chết vì mồi, người chết vì miếng ăn.
Thế là từ ngày con Quyên chuyển xuống, bàn thằng Quang trở thành tụ điểm ăn chơi của cả lớp, không, phải nói là tụ điểm ăn quà mới đúng. Hai đứa Hiền, Tuyết ngày xưa ngồi cùng Mai ngoanthế, giờ rất nhanh đã đi vào con đường sa ngã, chén nhiệt tình chẳng kém ai. Thỉnh thoảng hai đứa này còn thay nhau mang đố ăn đến lớp để ba đứa cùng liên hoan. Có lẽ tại bọn nóngại, đâu thể nào ăn không của con Quyên mãi được. Riêngthằng Quang cứ vô tư chén kẹo của con Quyên ngày này qua tháng khác chẳng một chút ngại ngùng. Đơn giản bởi nó nghĩ giữa nó với con Quyên là mối quan hệ qua lại, nó cho bạn mượn chỗ, bạn cho nó kẹo ăn, hai bên cùng có lợi, đâu có chuyện ai nợ ai. Nhưng thằng Quang nhận racon Quyên chuyển đến đã mang theo nhiều thói xấu tới bàn nó rồi.


Chương 2 - Phần 7.


Nếu con Quyên chỉ tọc mạch, nói nhiều, thíchăn quà thì cũng thôi đi, vì dù sao nhờ sở thích quà bánh của con bạn này thằng Quang mới có kẹo bạc hà chén mỗi ngày mà chẳng mất tiền mua. Điều khiến thằng Quang khó chịu nhất ở con Quyên là ngoài những tật xấu vừa kể nó còn… vô cùng lười học.

Thật ra, nói con Quyên lười học không đúng lắm, bởi vì giốngthằng Quang ngày xưa, với những môn thuộc khối thi của nó - nó vẫn học hành khá chăm chỉ. Giống thằng Quang, con Quyên là dân khối D nên với ba môn Toán, Văn, Anh, con Quyên có chú tâm học tập. Nhưng khác thằng Quang ở chỗ, nếu như ngày xưa với những môn không thuộc khối D, thằng Quang dù học lớt chớt nhưng chưa bao giờ dám bỏ hẳn, thỉnh thoảng nó vẫn mở sách vở những môn ấy ra xem một chút. Hôm nào kiểm tra mấy môn thuộc lòng thì trước đó nó cố học tủ mấy bài trong phạm vi cô giáo giới hạn sao cho đủ đạt điểm năm, sáu; bí quá mới tìm mánh khác. Hơn nữa, nó khoái môn Lý nên dành thời gian cho môn này khá nhiều dù môn này của khối tự nhiên. Còn con Quyên, nó chỉ học ba môn của nó thôi, những môn khác nó bỏ hẳn. Bỏ hẳn là không học tí gì, sách vở không thèm sờ vào ấy; bất kể lý, hóa hay sử, địa. Để rồi mỗi lần kiểm tra mấy môn này con Quyên lại quay sang... chép bài thằng Quang. Thằng Quang chẳng khó khăn gì, bạn muốn chép thì nó cho chép, có phải cho con bạn chép làm bài của nó bị hạ điểm đâu. Nhưng nó bực ở chỗ nếu như ngày xưa lúc nào bí chỉ cần nhìn sang bên cạnh, một lúc sau đầu óc đã thông; không chỉ với những môn thuộc lòng đâu, với lý, hóa nhiều khi cũng như vậy. Còn bây giờ, lúc nào bí nhìn sang nó chỉ thấy con Quyên đang ngồi nhìn nó lom lom chờ đợi. Một lúc sau thấy nó ngồi nhăn nhó không làm tiếp, con Quyên mới thì thào hỏi:
- Ông bí rồi à?
Con này ngu thật, không bí sao phải ngồi im thế này. Thằng Quang hơi tức mình, song vẫn khẽ hỏi lại:
- Bí rồi, bà có nhớ được đoạn sau không?
Con Quyên nhún vai, vẻ điềm nhiên trả lời:
- Chịu, có học gì đâu mà nhớ.
Thằng Quang nghe vậy vừa bực vừa nản. Nó đang loay hoay nghĩ cách làm sao bỗng chợt nghe con Quyên rủ rỉ:
- Để tôi chép của con Hiền xong ông chép của tôi nhé.
Thằng Quang quay sang, thấy Hiền đangnhìn bọn nó mỉm cười. Cười nghĩa là đồng ý, hơn nữa nụ cười kia còn mang ý... mời chào nữa, kiểu như "hai người chép bài của tôi đi, cứ chép thoải mái". Điều nàychẳng có gì lạ. Từ ngày con Quyên chuyển xuống mang theo những gói bim bim và ngô cay, ba đứa con gái cạnh nó đã sớm trở thành cạ cứng của nhau.Vả lại trước giờ nó vẫn có quan hệ tốt với Hiền, Tuyết, giờ nó bí hai đứa bạn sẵn sàng cho chép bài là chuyện dễ hiểu thôi. Chỉ có điều xưa nay vốn ngồi cạnh Mai, mà Mai vốn không thích chuyện chép bài nên thằng Quangkhông dám chép của ai, bí quáchỉ dám liếc bài của Mai một chút chút. Lâu dần thành quen, đến nỗi bây giờ bí nó chỉ ngồi nghĩ nát cả óc chứ chẳng dám nhìn sang bên cạnh. Giờ được cái Hiền mời mọc, tội gìkhông chép. Với lại Mai đi rồi, cố gắng cho ai thấy nữa. Nghĩ vậy nó liền yên tâm chép bài của con Quyên, à không, là bài của Hiền mới đúng. Từ ngày đó một liên minh huyền thoại được thành lập bởi con Quyên. Sở dĩ nói con Quyên thành lập liên minh này vì nó là người đầu tiên nêu ra ý tưởng. Ý tưởng của Quyên là khi nào kiểm tra tiếng anh, toán, nó và thằng Quang sẽ chocái Hiền,Tuyết chép bài; khi nào kiểm tra sử, địa, Hiền, Tuyết cho bọn thằng Quang chép. Những môn khác ai làm được gì phải cho những người còn lại chép. Nói tóm lại cả bàn sẽ chép bài của nhau. Nếu là lúc trước - khi Mai vẫn ngồi ở đây - sáng kiến này chắc chắn thất bại, nhưng giờ khi Mai đã chuyển đi, sáng kiến này lại được thông qua nhanh chóng. Và liên minh này đã hoạt động bền bỉ đến tận khi bốn đứa bọn thằng Quang ra trường. Thỉnh thoảng con Quyên vẫn nhắc đến việc thành lập liên minh huyền thoại trên với vẻ hiu hiu tự đắc, rằngkhông có nóliên minh kia sẽ không được ra đời và ba đứa còn lạicòn phải khốn khổ trong những giờ kiểm tra.

Thằng Quang từ đó chẳng chăm chỉ học những môn ngoài khối D như hồingồi cùng Mai. Nó nghĩ trong bụng: “Không có Mai học cho ai xem". Nóquay trở về con đường tội lỗi ngày xưa, chỉ học những môn thuộc khối thi của mình, những môn khác chỉ lời phời cho trên điểm trung bình, có gì lại quay sang chép bài của con Quyên - mà thực chất là của hai đứa Hiền, Tuyết. Con Quyên có bao giờ học bài ở nhà đâu, chép của nó để móm à. Nhiều khi với những môn tự nhiên như lý, hóa, sinh, ba đứa bọn con Quyên còn phải quay sang chép bài của thằng Quang ấy chứ; tất nhiên những lúc như vậy nó vô cùng thoải mái, các bà thích chép cứ chép, được bao nhiêu điểmcác bà chịu, đừng có hỏi tôi.
Vấn đề ở chỗ không phải lúc nào bọn Hiền, Tuyết đều thuộc hết những nội dung thầy cô đã giới hạn với mấy môn thuộc lòng. Điều này khác hẳn Mai ngày xưa, Mai chưa bỏ sót bài thầy côgiới hạn bao giờ; dù là sử, địa hay giáo dục công dân, có khihọc thêm cả những bài khác luôn. Cái Hiền, cái Tuyết trước kia chắc cũng dùng bài của thằng Quang, lúc nào bí thì nhìn sang bài Mai, hoặc có khi quay sang chép luôn không chừng. Nay Mai chuyển đi, bên cạnh là chúa lười tên Quyên, biết chép của ai. Hơn nữa với những môn phụ không thuộc khối thi của đứa nào như giáo dục công dân, kỹ thuật nông nghiệp... dù bốn đứa đã chia nhau ra học nhưng thỉnh thoảng có lúc đứa này, đứa kia bí. Đặc biệt với con Quyên, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, rất nhiều lần bị tập thể phê bình nhưng không chịu sửa đổi. Những lúc như vậy cả bốn đứa lại ngồi nhìn nhau, chẳng biết xoay kiểu gì. Với thằng Quang chuyện này chẳng sao, trước giờ nó luôn tâm niệm chỉ cần học tốt mấy môn thi đại học, những môn khác đạt điểm trung bình là ổn, và nó ước lượng bài của mình trên trung bình rồi đấy chứ. Trước kia ngồi với Mai thằng Quang học cho Mai vui, lại lấy le với Mai nữa; giờ lấy le với ai, con Quyên à? Nó chẳng ham. Nhưng bọn con gái không nghĩ như vậy. Bọn này lạ thật đã lười học lại thích điểm cao, đặc biệt là con Quyên, lười chảy thây lúc thầy cô gọi điểm lại chỉ thích hô tám, chín. Nên sau mấy lần ngồi nhìn nhau trong giờ kiểm tra một tiết, ba đứa con gái đã ngồi họp hội nghị Diên Hồngvà đi đến quyết định sẽ... quay bài, tất nhiên chỉ quay khi nào bí thôi. Thằng Quang lúc đầu biết tin nàychẳng có ý kiến gì, mấy đứa con gái thích quay cứ quay, có khi nó còn tranh thủ chép thêm được một tícàng hay. Vấn đềở chỗ, ba đứa con gái họp riêng với nhau đi đến quyết định quay bài và thống nhất một trăm phần trăm người quay bài sẽ là... thằng Quang. Thằng Quang sau khi nghe con Quyên nói điều nàyvừa tức vừa buồn cười, quay sang con Quyên nói với vẻ bực mình:
- Mấy bà thíchcứ quay, lôi tôi vào làm gì, tôi không làm đâu. Mấy bà tự đi mà quay.
Con Quyên nghe xong liền giở giọng thỏ thẻ chó sói đội lốt cừu non nói:
- Ban đầu định thế, nhưng mà bọn tôi toàn đàn bà con gái chân yếu tay mềm, nhát gan, chậm chạp, quay bài chắc chắn bị bắt. Cả bàn chỉ có mỗi ông là con trai sức dài vai rộng, lại gan góc, nhanh nhẹn, ôngquay thì chắc chắn trăm phát trăm trúng. Với lại ông cứ quay đi, mỗi lần ông quay tôi sẽ đưa ông một thanh kẹo bạc hà, thế nào?
Thú thật thằng Quang chẳng hiểu vụ chân yếu tay mềm với gan góc, nhanh nhẹn có liên quan gì tới việc quay cóp, nhưng được nghe con Quyên nịnh hót lòng nó vẫn sướng lâng lâng. Quan trọng ở chỗ, nếu đúng như con Quyên nói, đồng ý quay bài thằng Quang sẽ ăn no kẹo bạc hà, có khi ăn kẹo thay cơm luôn, mà chẳng phải bỏ một xu. Nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp ấy thằng Quang thầm chảy nước miếng. Với lại quay cóp với nó xưa nay chẳng có gì to tát cả, bây giờ Mai đâu còn ngồi cạnh nó nữa, giữ gìn cho ai thấy.Nhưng vừa ban nãy nó đã thẳng thừng từ chối, bây giờ vừa nghe đến mấy thanh kẹo liền gật đầu đồng ý thật không ổn lắm, sợ rằng bọn con gáibảo nó cầm tinh con hợi mất. Thằng Quang nghĩ như thế, ra vẻ đắn đo nói:
- Quay bài thìchẳng vấn đề gì đâu, nhưng lâu rồi tôi không quay giờ tái xuất giang hồ dễ bị bắt lắm.
- Yên tâm Quang cứ quay đi, bọn tớ sẽ canh chừng cho.
Người nói câu này không phải là con Quyên mà là cái Hiền. Thằng Quang quay sang nhìn Hiền trong lòng thấy hơi buồn cười. Ngày xưa lúcMai ngồi đây có bao giờ thấy Hiền và cả Tuyết dính líu gì đến mấy vụ quay cóp đâu, giờ Hiền lại mở miệng động viên thằng bạn quay bài. Thế là thằng Quang càng khẳng định suy nghĩ của mình; trước kia ngồi gần Mai hai đứa này chắc chắn đã dùng chiêunó hay dùng, tức là lúc nào bí sẽ quay sang dòm bài Mai, bí quá thì chép luônkhông biết chừng, giờ Mai chuyền đi, bổn cũ không thể soạn lại được. Với lại các cụ vẫn nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Trước kia Hiền, Tuyết ở cạnh bóng đèn cao áp, giờ bóng đèn ấy bị rời đi, thay vào chỗ cũ là một thùng mực tàu bự chảng, không đenmới lạ. Ngồi với Mai, hai đứa bạn này không muốn, không dám hoặc không thèm quay bài; giờ ngồi cùng Quyên, một đứa lười học, nói nhiều, ăn lắm, đã không trông cậy gì được còn bị lây tính lười, tất nhiên phải giở mánh thôi. Cái tốt khó học, cái xấu dễ lây là thế. Thằng Quang ngao ngán thầm thở dài, hóa ra không chỉ mình nó thoái hóa, biến chất khi Maira đi. Tất cả suy cho cùng chỉ tại con Quyên. Không, tại cô giáo mới đúng, mà cũng không phải, tất cả đều tại Mai.Mai không chuyển đi thì đâu có chuyện gì xảy ra. Không biết bây giờ ở nơi xa xôi kia, biết được sự ra đi của mình khiến bao người "sa ngã" liệu Mai có ân hận không, liệu Mai còn muốn ra đi hay không? Và cả cô Giang nữa; nếu biết hậu quả tai hại hôm naycô có chuyển Mai đi không?
Thằng Quang đang mải suy nghĩ, chợt nghe tiếng con Quyên:
- Đúng đấy, bọn tôi sẽ canh cho.
Hóa ra con bé này tưởng thằng Quang vẫn đắn đo, do dự nên lên tiếng động viên. Thấy giả vờ đã đủ, thằng Quang giả bộ bất đắc dĩ nói:
- Thôi được để tôi vậy.
Từ buổi đó thằng Quang"lối cũ ta về" - trở thành thợ quay phim của cả bàn. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, đến khi sắp ra trường nó chưa bị bắt lần nào, nhưng không phải không có những lần thót tim. Chẳng hạn như hồi mới hợp tác, có lần kiểm tra một tiết giáo dục công dân, thằng Quang đang hý hoáy quay bài ngẩng lên đã thấy cô Huyền phăm phăm đi xuống. Nó giật thót mình, “chẳng lẽ cô biết mình quay bài, con Quyên canh kiểu gì vậy, chẳng thấy báo động gì cả". Thằng Quang liền liếc vội sang đứa bạn, thấy con Quyên mặt mũi cũng tái mét. May cho bọn thằng Quang, cô Huyền chỉ đi tuần thôi chứ không phải xuống bắt tại trận bọn nó.Tới giờ ra chơi nó sạccon Quyên một hồi; nónói cả Hiền và Tuyết dù chẳng mấy khi nó nóng với hai đứa này. Nhưng hôm nay nó giận thực sự. Ba đứa ngồi canh gác thế mà cô giáo xuống tận nơi chẳng có ai báo động làm suýt nữa nó chiến tử sa trường. Lúc ấybị bắt chỉ có nó xơi trứng chứ bọn kia có việc gì đâu. Bọn con gái biết sai nênngồi im nghe nó lên lớp, một lúc sau con Quyên mới thỏ thẻ:
- Xin lỗi ông nhé, tại bọn tôi mải chép quá, nhưng tôi thề lần sau không có chuyện này nữa.
Thằng Quang định nói tiếpsong thấy mấy bộ mặt ủ rũ, ra vẻ ân hận của đámcon gái nên thôi; với lại con Quyên vừa đưa cho nó hẳn hai phong kẹo bạc hà liền, con này không biết lấy đâu ra tiền để suốt ngày mua kẹo thế. Nhưng nó đưathằng Quang phải nhận thôi, không nhận lại mang tiếng khách sáo hay giận dai thì giở. May là từ đó những vụ như thế này không xảy ra nữa.
Thời gian cứ thế trôi qua, ngoảnh đi ngoảnh lại bọn thằng Quang đã học xong lớp mười một, rồi hết lớp mười hai và sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong suốt những năm tháng đó, tình cảm nó dành cho Mai vẫn nguyên vẹn như xưa, chẳng có chút gì suy suyển. Hình như tình đơn phương khác tình yêu đến từ cả hai phía ở chỗ, tình yêu đơn phương dù âm thầm, lặng lẽ nhưng thường bền vững qua năm tháng, không mấy khi thay đổi. Còn tình yêu từ hai phía dù say đắm, nồng nàn nhưng lại dễ đổi thay. Thằng Quang chẳng biết nghĩ như vậy có đúngkhông, càng chẳng biết thứ tình cảm nó dành cho Mai có phải là tình yêu hay không. Nó chỉ biếtba năm qua tình cảm ấy như một dòng sông nhỏ chảy êm đềm qua ngày tháng, không dữ dội, ồn ào nhưng cũng chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ấy thế nhưng, điều khiến thằng Quang buồn là trong suốt những năm tháng gần Mai nó vẫn không làm sao để cô bạn hiểu được tình cảm của mình. Nó vẫn ở cạnh Mai, nói chuyện với Mai, chơi thân với Mai; nhưngchỉ đến vậy thôi, không có gì hơn cả. Nókhông dám nói ra mối thâmtìnhtrong lòng, vì thế chẳng biết được tình cảm Mai dành cho mình ở mức độ nào. Đã có lúc, vào dịp thuận lợi, lời tỏ tình đã đến miệng, thằng Quang lại đành nuốt lại. Nó không dám nói. Những lần như vậy làm nó vô cùng khổ tâm. Thật vất vả cho những thằng…nhát gái.
Rồi ngày thi sắp đến, thằng Quang nghĩmình phải viết thư cho Mai bày tỏ lòng mình. Nó tự nhủkhông dám nói mồm thì phải viết thư. Tình cảm của nó dù sâu đậm mấy mà không thổ lộ thì làm sao Mai hiểu được. Hơn nữa, biết đâu đấy, lỡ Mai đang thích nó mà không dám nói trước không chừng. Vậy nó càng phải ngỏ lời, nếu không sẽ tiếc lắm. Với lại nó là con trai mà, phải nói tiếng yêu trước chứ. Nghĩ vậy thằng Quang liền viết thư cho Mai. Trong thư nó chỉ dám nói rằng nó rất quý Mai, rất rất quý; rất nhớ những ngày tháng được ngồi cùng Mai, rằng đó là những ngày tháng đẹp nhất trong cuộc đời học sinh của nó. Nó còn nói cho Mai biết mình đã buồn như thế nào khi Mai chuyển đi, đã nhớ Mai như thế nào. Cuối cùng nó chúc Mai thi đỗ vào trường mình đăng ký, và nó mongmình sẽ mãi mãi được là bạn của Mai, mãi mãi được ở cạnh Mai. Mãi mãi. Thằng Quang không đả động gì đến tiếng "yêu" hay "thích". Một phần vì nó không dám, đến giờ phút này nó vẫn thấy ngại khi nhắc đến hai tiếng ấy với cô bạn; nhưng phần nhiều hơn là vì nó thấy không cần thiết. Nóviết rõ ràng như thế, đầu Mai làm bằng đất mới không hiểu tâm tư của nó, mà Mai tất nhiên không phải loại đầu đất rồi. Lá thư không dài, chỉ hết một tờ phi-đúp nhưng thằng Quang mất hai đêm thức trắng mới viết xong. Nó phải cân nhắc từng từ, từng chữ để sao cho dù không nói thẳng ra nhưng khi đọc xong thư Mai vẫn hiểu được tấm chân tình của nó. Thư đã hoàn thành, cứ tưởng chỉ cần đến gặp cô bạn đưa là xong, ai dè khó đến vậy. Đã mấy lần thằng Quang hạ quyết tâm hôm nay sẽ đưa thư cho Mai, nhưng khi nhìn thấy Mai những quyết tâm ấy lại chạy đi đâu hết cả. Để đếnhôm nay lá thư vẫn im lìm nằm trong cặpnó.
Sau khi nghe con My kể chuyện của Mai, thằng Quang càng cảm thấy buồn rũ rượi, chẳng biết là buồn cho Mai hay buồn cho nó. Đạp xe về cùng mấy thằng bạn nhưng nó chẳng nghe rõ lũ bạn nói gì. Lòng nó đang nghĩ về lá thư trong cặp và thở dài tự hỏi bao giờ lá thư này mới được gửi đi đây?


Chương 3.


Chương 3 - Phần 1.



Buổi chiều hôm ấy là một chiều đẹp trời. Đã bước sang tháng năm, những cơn gió không còn lạnh nữa nhưng cái nóng của mùa hè vẫn chưa kịp bao phủ không gian. Thời tiết khá dễ chịu. Nơi phòng học của mình, thằng Quang đang hỳ hục giải mấy đề tiếng anh trong quyển sách luyện thi đại học. Bên cạnh nó cái quạt máy được bật số nhẹ nhất đang chậm rãi quay đều đều.
Mấy hôm nay tuy lấn cấn về chuyện lá thư nhưng thằng Quangbiết phân biệt nặng nhẹ, biết chuyện nào quan trọng hơn chuyện nào. Với nó bây giờ quan trọng nhất là hai kỳ thi sắp tới đặc biệt là thi đại học, năm nay nghe nói thi tốt nghiệp sẽ khó khăn nhưng tốt nghiệpvẫn là tốt nghiệp, kiểu gì chẳng qua, chủ yếu là thi đại học kìa. Còn chuyện lá thư dù có khó nhưng không gửi nay thì gửi mai, nó đã tính đến cả trường hợp xấu nhất rồi mà. Cứ để đấy đã. Vả lại không để đấycũng đâu biết làm sao.
Thằng Quang đặt bút xuống bàn khẽ vươn vai, nhìn đồng hồđã gần bốn giờ. Nó đứng dậy định lên nhà uống cốc nước, chợt nghe tiếng dép loẹt quẹt ngoài sân; ngoảnh ra cổng nó thấy thằng Toản đang phờ phạc đi vào. Thằng Toản là bạn chí thân của thằng Quang, sinh cùng năm với nó, nhà ở sát đường, cách nhà thằng Quang khoảng hơn hai chục mét. Hai thằng học cùng lớp từ nhỏ; suốt hồi cấp một, cấp hai chẳng khi nào thằng Quang đi họcmà thiếu thằng Toản và ngược lại. Nhưng đến trung học phổ thông do mỗi đứa thi một khối khác nhau nên khôngtiếp tục học chung được, thằng Quang thi khối D nên vào A4, thằng Toản học khối A nên vào A8. Giống thằng Quang, dạo này thằng Toản đang cày ghê lắm. Trước kia cứ chiều đến, thằng Toảnlại xuống nhà thằng Quang rồi hai thằng chạy ra bờ sông đá bóng đến gần sáu giờ mới về cơm nước, nhưng mấy tháng gần đây chuyện đókhông còn xảy ra,thằng nào thằng nấy cắm đầu vào ôn thi. Hôm nay chẳng hiểu sao thằng Toản lại ủ rũ dẫn xác xuống. Nó bước vào đặt mông lên bàn học của thằng Quang, nói với vẻ mệt mỏi:
- Ra sông đá bóng đi mày, học mãi mệt quá, xả hơi tí, tối về cày tiếp.
Nghe vậy tự nhiên thằng Quang thấy… hơi mệt vàngứa ngáy tay chân, mấy tháng nay nó và thằng Toản không được sờ vào quả bóng.Hôm nay chắc oải quá, thằng bạn mới xuống rủ nó đi chơi. Nhìn xuống quyển sách, nó tặc lưỡi:
- Ừ đi, tối về ôn tiếp.
Nhưng thằng Quang vừa thu dọn sách vở xong, dợm đứng lên thì tiếng mẹ nó từ trên nhà vọng xuống:
- Thằng Quang xuống chợ Xuân La mua cho mẹ bó rau, chiều hết rau ăn rồi.
Thằng Toản nghe vậy liền nhìn thằng Quang nhún vai sau đó chạy thẳng ra cổng. Thằng mất dạy, vừa nãy rõ ràng nó lù đà lù đù bây giờ lại chạy nhanh thế, có ai nhờ nó đi hộ đâu. Thằng Quang vừa nghiến răng chửi theo cái bóng xa dần của thằng bạn, vừa ủ rũ dắt xe máy ra sân.

Trước giờ, đi chợ vốn là việc độc quyền của mẹ nó. Nhà toàn đàn ông nên mẹ nó chẳng biết nhờ ai, cũng không thèm nhờ. Mẹ nó bảo đàn ông không biết gì vào chợ dễ bị lừa, đã mua đắt lại dễ dính đồ lởm, nên mẹ nó không bao giờ nhường việc đi chợ cho ai. Khổ nỗi hôm kia đi làm về lúc lái con su-pơ cúp vào cổng chẳng biết vòng xe kiểu gì, chắcvòng sát quá hay sao đó, bàn chân phải mẹ nóva vào cổng chảy bao nhiêu máu, móng chân út còn suýt bung ra. Nên hai hôm nay mẹ thằng Quang phải nghỉ làm, ở nhà, chợ búa không đi được, toàn phải nhờ mấy bà chủ hàng đưa đồ đến tận nơi hoặc gửi người quen đi chợ mang về hộ. Chỉ có rau cỏ vẫn phải đi mua, mẹ nó bảo rau trên chợ xã nó không ngon nên trước giờ toàn chờ đến chiều xuống chợ Xuân La mua của mối quen. Giờ mẹ thằng Quang đau chân bởi thế việc rau cỏ giao cho nó nhưmột lẽ dĩ nhiên, chợ Xuân La khá xa đâu thể bảo người ta mang lên hay gửi ai được. May là mẹ nó đã điện thoại cho mối quen dặn kỹ rồi, thằng Quang chỉ việc xuống lấy rau rồi trả tiền chứ không phải chọn lựa gì cả, chứ không chắc nó đem về toàn rau dại mất.
Thằng Quang phóng ào xuống chợ trong lòng vẫn nghĩ đi ù cái xong về ra bờ sông đá bóng với bọn thằng Toản. Nhưng cuộc đời không ai nói trước được chữ ngờ. Quang không biết rằng chỉ mấy phút sau, nó lại muốn chuyến đi hôm nay kéo dài thật dài và nó chẳng còn nhớ gì đến đám bạn đang quần nhau ngoài sông.
 
Tham gia
21/11/19
Bài viết
2
Gạo
0,0
Cảm ơn tác giả đã cho mình được sống lại những kí ức tuổi học trò. Mình thấy đâu đó khung cảnh lớp học của mình, những người bạn của mình trong câu chuyện của bạn. Mong tác giả đăng nốt những phần sau để mạch cảm xúc của mình được trọn vẹn nhé. Thân ái
 
Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
Chương 3 - Phần 2.


Thằng Quang trả tiền rồi vội vàng đi ra cổng, trên tay lủng lẳng túi ni-lông to chứa mấy bó rau muống bên trong. Nó nhẩm tính bây giờ trận bóng mới chỉ bắt đầu; chiều nay nó quyết “bỏ học”, phởn một bữa, tối về tính sau. Nhưng vừa sang đến chỗ gửi xe nó chợt khựng lại. Khựng lại vì lúc liếc sang bên kia đường, chỗ cổng một vào chợ, nó chợt trông thấy một bóng dáng quen quá; càng nhìn càng thấy quen. Nó chớp chớp mắt nhìn lại.Dáng người cao cao,mái tóc ngắn, giống thật.Nếu thay bộ quần áo công nhân xám màu bằng bộ đồng phục học sinh áo trắng quần đen và cái mũ mềm màu xanh bằng cái mũ le màu trắng thì đúng là người ấy rồi. Với lại thiếu cái kính trên mũi nữa. Nhưng mà không chắc, bình thường người ấy chỉ đeo kính trong giờ học, ngoài giờ học có bao giờ đeo đâu. Thằng Quang đang ngần ngừ không biết có nên đến gần để nhìn rõ hơn không, bất chợt người ấyquay lại phía nó, và cả hai cùng khẽ giật mình. Hóa ra đúng là Mai. Tự nhiên nó thấy vui vui trong lòng, vội băng qua đường rảo bước về phía Mai, nó chưa kịp mở miệng hỏi han, Mai đã lên tiếng trước:
- Bạn Quang đảm đang quá, đi chợ mua bao nhiêu rau thế này.
Nhìn túi rau muống trong tay thằng Quang, Maimỉm cười nói đùa.

Thằng Quang cười, giơ túi rau muống lên,hỏi lại Mai:
- Mai đi đâu mà lại đứng xớ rớ ở đây?
Mai đưa cái rổ tre to bự trong tay ra trả lời nó:
- Tớ đi bán mấy quả xoài của nhà trồng được. Xoài nhiều quá ăn không hết, cho hàng xóm vẫn không hết, bỏ thì phí nên mang xuống đây bán, kiếm thêm chút tiền. Đầu giờ chiều tớ theo chị hàng xóm bán hàng khô xuống đây, chị bán đằng kia kìa, tớ bán xong rồi nhưng phải chờ chị tí nữa mới về được. Tại gần đây chỉ có mỗi chợ Xuân La họp chiều nên tớ phải xuống đây mới bán được.
Nhìn cái rổ trong tay Mai và bộ quần áo công nhân Maimặc trên người, tự nhiên thằng Quang thấy phục Mai quá. Nó bằng tuổi Mai thế mà nó ăn chưa no lo chưa tới, cả ngày chỉ có việc học thôi cũng chưa nên; hôm nay nếu mẹ không đau chân ra nghiêm lệnhlàm gì có chuyện nó xuống chợ mua rau. Trong khi đó Mai vừa ôn thi, vừa chăm bố trên viện, vừa biết làm thêm phụ giúp gia đình. Nghĩ đến đây nó chợt thấy tình cảm mình giành cho Mai bỗng…lớn thêm một ít. "Cứ như thế này trái tim của tớ không đủ để chứa Mai đâu Mai ơi", thằng Quangcười thầm trong lòng. Đoạn nó giả vờ tiếc rẻ nói:
- Tiếc quá, biết vậy tớ xuống sớm hơn một tí có khi xin được Mai quả xoài.
Mai hình như tưởng thật, nhìn nó cười cười:
- Có gì đâu, để mai tớ mang cho Quang mấy quả thật to, chỉ sợ bạn không ăn nổi thôi.
Thằng Quang lại hỏi Mai:
- Mai đi chợ này nhiều chưa, sao mấy lần trước tớ xuống không gặp?
Thực ra đây mới là lần thứ hai nó đi chợ thay mẹ nhưng mặc kệ, nó cứ hỏi như đã đi nhiều lần lắm. Trong lòng thằng Quang thực sự tò mò xem Mai có hay phải chợ búa kiểu này không, Mai trả lời:
- Mới là lần thứ hai thôi, lần trướccách đây mấy hôm. Tại xoài nhiều quá, cho hàng xóm không hết, bỏ thì phí nên tớmang xuống đây bán. Hôm nào xoài chín nhiều lại thu xếp được việc nhà tớ mới dám đi bán.
Ra vậy, hai hôm nay thằng Quang mới đi chợ thay mẹ, bảo sao không gặp Mai. Đang nói chuyện thằng Quang chợt nảy ra một ý, nó quay sang Mai hỏi với vẻ hồi hộp:
- Hay là để tớ đưa Mai về, được không?
Mai nghe nó nói liền ra vẻ nghĩ ngợi. Thực ra thâm tâm Maimuốn đồng ý ngay; lần trước dù bán hết xoài từ bốn giờ nhưng cô bé phải chờ chị Xuyến bán hàng xong mới về cùng được thành ra sáu giờ kém mới về đến nhà. Về nhà rồi còn phải lợn gà, dọn dẹp nhà cửa, tắm táp, cơm nước, cho em ăn cơm, xong đâu đó mới mang cơm lên cho bố mẹ trên viện, nên lúc mang cơm đến nơi đã gần bảy rưỡi đêm. Giờ ngheđề nghị của thằng Quang Mai suýt chút nữa gật đầu luôn nhưng lại thôi vì sợ làm phiền bạn, lỡ thằng Quang đi xe đạp mà phải ì ạch chở Mai vềthì bở hơi tai mất, dẫu hai đứa có thay nhau đạp nhanh lắmphải chiều tối Quang mới về đến nhà. Biết tính Mai từ trước nên vừa thấy bạn ra vẻ ngần ngừ thằng Quang đã nói ngay:
- Mai đừng ngại. Tớ đi con siêu cúp của mẹ tớ, phóng ào cái là tới ngay.
Nghe vậy Mai liền vui vẻ đồng ý,nói với thằng Quang:
- Vậy nhờ bạn nhé, chờ tí để tớ báo với chị Xuyến một tiếng rồi mình đi.
Nói xong Mai chạy vào nói gì đó với chị hàng xóm đang ngồi trong chợ còn thằng Quang tất tả chạy ra chỗ gửi xe, trong lòng khấp khởi mừng thầm.
Trên con đê dài chạy dọc theo sông Đà chiều hôm ấy có một chiếc honda super cub tám mốt màu xanh thong thả chạy. Trên xe trở hai người. Ngồi đằng sau là một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi, dáng người cao cao. Bộ quần áo lao động đang mặc trên người không làm mất đi vẻ đáng yêu, xinh xắn của cô gái mà ngược lại làm cho vẻ xinh đẹp ấy thêm phần khỏe khoắn, mạnh mẽ. Gió từ ngoài sông thổi vào làm tung bay mái tóc ngắn của cô, khiến cô bé ấy thỉnh thoảng phải đưa tay giữ lại chiếc mũ trên đầu sợ nó bay đi theo gió. Cô gái ngồi im, mắt nhìn phía trước, sâu trong đôi mắt đen láyhình như ẩn chứa một sự lo lắng, một nỗi buồn man mác.
Ngồi đằng trước là một thằng con trai cũng tầm mười tám tuổi. Nó đội mũ le, áo phông trắng, quần ngố màu xám, đi dép lê màu đen. Khác với cô gái phía sau, thằng này có vẻ đang cực kỳ phởn phơ, khoái chí. Nó mangbộ mặt rất kỳ lạ, như cười mà không phải cười; nói đúng hơn là muốn cười, cười thật to nhưng phải cố nín lại không cười thành tiếng. Phải, đó chính là thằng Quang còn ngồi sau lưng nó đương nhiên là Mai. Thằng Quang đang sướng lắm. Nó học cùng Mai ba năm nay, thích Mai bằng ấy năm nhưng đây mới là lần đầu tiên nó được có không gian riêng với Mai, có cơ hội được một mìnhở cạnh Mai. Bình thường khi thằng Quang gặp Mai, xung quanh lù lù một đống người, ì à ì ầm. Còn bây giờ trời xanh mây trắng, gió thổi hiu hiu, giữa không gian bao la rộng lớn như vậy chỉ có nó với Mai và Mai đang ngồi ôm nó. Thực ra là Mai ôm cái rổ, và cái rổ đặt giữa nó với Mai, tì vào lưng nó nãy giờ, nhưng đâu có sao, thế là Mai đang gián tiếp ôm nó còn gì.Bấy nhiêu quá đủ để khiến thằng Quang muốn cười, nhưng thằng Quang không dám cười. Đơn giản vì lỡ đâu cười xong Mai hỏi vì sao nó cười, nó biết trả lời sao. Hoặc tệ hơn Mai không hỏi mà nghĩ trong đầu "ông này chắc bị điên, tự nhiên cười sằng sặc". Nếu chuyện ấy xảy ra, nó chỉ có nước lao xuống đê cho bớt nhục, khi đó nó sẽ… đi về nơi xa lắm, tất nhiên Mai nhiều khả năng sẽ đi theo nó. Thằng Quang không muốn như vậy nên nó không cười.
Suy nghĩ này qua đi, thằng Quang lại ước gì con đườngcứ dài mãi, dài mãi, dài một vạn tám ngàn dặm như đường đi lấy kinh của Đường Tam Tạng càng tốt. Khi ấy nó sẽ được đưa Mai về, được ở bên Mai lâu thật lâu. Nhưng rồi thằng Quang thấy ước như vậy không ổn lắm vì nếu đường dài như thế... xăng đâu mà đi, chạy vài tiếng nữa sợ rằng nó và Mai phải xuống dắt bộ mất, lúc đấy người dắt người đẩy còn gì lãng mạn. Vậy là thằng Quangước thêm con cub này có thể chạy mãi không cần nhiên liệu. Sau cùng nhận thấy mấy điều ước của mình thậtvớ vẩn, nó lắc lắc cổ, xua những ý nghĩ kỳ lạ khỏi đầu.

Gió vẫn từ dòng sông Đà lướt qua cánh đồng lúa mênh mông thổi vào phía trong đê mát rượi. Bên kia sông, dãy núi Ba Vì trong một ngày quang mây hiện lên rõ mồn một, in bóng hình xanh thẳm giữa trời chiều bao la. Thằng Quang muốn mở miệng nói chuyện với Mai nhưng tự nhiên chẳng biết nói gì. Lạ một cái, khi chỉ có một mình, không có Mai bên cạnh, nó đã nghĩ ra bao nhiêu điều để nói với Mai nếu có ngày được gặp riêng Mai; nhưng bây giờ đây giữa không gian bao la, rộng lớn, chỉ có cánh đồng, dòng sông, chỉ có nó và Mai, nó lại chẳng biết mở miệng thế nào. Thôi, thế này cũng được, chỉ cần nó được một mình ở cạnh Mai là tốt rồi, nhiều khi im lặng còn có giá trị hơn vạn lời nói. "Mai hiểu lòng tớ mà, phải không Mai"- thằng Quang đành tự an ủi mình như vậy.
Đúng lúc thằng Quang tự sướng đến cao trào bỗng nó thấy Mai vỗ vai mình đồng thời giọng nói cô bạn vang lên bên tai:
- Phải không Quang?
Thằng Quang giật mình, vội hỏi lại:
- Mai hỏi gì?
Mai cười, trả lời:
- Đầu óc nghĩ đi đâu đấy? Tớ hỏi mấy lần mà im re.
"Nghĩ đến Mai chứ nghĩ đi đâu", đương nhiên đây chỉ là điều thằng Quang nghĩ trong lòng thôi chứ đâu dám nói ra. Nó cười lấp liếm, nói cho qua:
- Tại gió to quá, Mai vừa hỏi tớ gì à?
Mai vui vẻ hỏi lại:
- Tớ hỏi là bạn có hay đi chợ thế này không?
Thằng Quang đáp ngay không cần suy nghĩ:
- Thỉnh thoảng thôi, lúc nào mẹ tớ bậntớ đi thay.
Thằng này nói phét mà mặt không đổi sắc. Nếu mẹ nó không bị đau chân, dù bà ấy có cầm dao dọa nó thà chạy mất dép chứ nhất quyết không đi, huống chi nếu chân không đau thìchẳng bao giờ có chuyện mẹ nhờ nó đi chợ. Nhưng có ai đánh thuế nói phét bao giờ, nhất là khi ở đây chỉ có nó với Mai, chẳng ai biết nó nói phét, nên nó cứ thoải mái chém gió thôi.
Mai vỗ vai nó:
- Quang giỏi quá.
Thằng Quang nghếch mặt lên trời:
- Chuyện.
Rồi như chợt nhớ ra, thằng Quang hỏi:
- Tình hình bố Mai thế nào rồi? Bácđỡ nhiều chưa?
Mai trả lời, giọng có phần vui vẻ:
- Đỡ nhiều rồi bạn ạ, bố tớ ngồi dậy ăn uống được rồi. Bác sĩ bảo nếu cứ tiến triển tốt như thế này thì sẽ sớm cho về nhà tự tập phục hồi, thỉnh thoảng sẽ có người trên viện xuống kiểm tra.
Thằng Quang nghe Mai trả lời, lây luôn niềm vui của bạn. Nó hỏi thêm:
- Mai có thường xuyên lên viện chăm bác không?
Mai trả lời:
- Lúc nào không đi học tớ lên viện với bố, hàng ngày tớ vẫn nấu cơm mang lên cho bố mẹ mà. Cơm trên đấy nấu khó ăn lắm, bố tớ đang yếu không ăn được. Tí nữa tớ lại nấu cơm mang lên cho bố. Đến tốibố mẹ bắt tớ về học bài rồi trông em, không cho ngủ lại buổi nào cả.
Thằng Quang buột miệng:
- Mai vất vả quá, nhưngvẫn phải chú ý học nhé. Việc quan trọng của Mai bây giờ vẫn là học, bố Mai đã đỡ nhiều rồi, một thời gian nữa sẽ khỏe thôi. Mai mà thi đỗ đại học bác ấy vì vui mừng mà càng nhanh khỏi bệnh.
Mai đập tay vào vai thằng Quang:
- Khiếp, nói như người lớn. Tớ biết rồi, bố mẹ vẫn dặn vậy mà. Tớ vẫn thức đêm cày suốt có dám bỏ hôm nào đâu.
Thằng Quang mỉm cười:
- Thì tớ cứ nói thế.
Những câu chuyện giữa hai đứa khiến quãng đường vốn không dài càng trở nên ngắn ngủi, loáng một cái đã đến nơi. Dù học cùng nhau ba năm nay nhưng đây là lần đầu tiên thằng Quang đến nhà Mai. Đó là một ngôi nhà mái bằng nhỏ, quét vôi trắng, trước và sau nhà đều có khoảng vườn rất rộng rãi. Thằng Quang thấy vườn trước nhà Mai trồng rất nhiều cây, có hồng xiêm, có na, có cả mấy khóm hoa nữa nhưng không thấy cây xoài nào; chắc trồng ở đằng sau. Mai bước xuống xe mở cổng, sau đó nói với bạn mình:
- Quang vào nhà chơi đã.
Thằng Quang mừng húmđịnh gật đầu bỗng chợt nhớ ra lúc nãy Mai bảo lát nữa phải lên viện đưa cơm cho bố nên dù trong lòng tiếc hùi hụi ngoài mặt vẫn phải tươi cười đáp:
- Thôi, Mai vào dọn dẹp, nấu nướng đicòn lên viện với bố mẹ. Biết nhà rồi, lúc nào tớ vào chẳng được.
Mai cười:
- Ừ, vậy hẹn bạn dịp khác. Cảm ơn bạn đưa tớ về. Tạm biệt nhé.
Mai nói xong vẫy tay với nó. Thằng Quang quay xe, trước khi phóng đi còn quay lại nói:
- Chuyện nhỏ mà, bye nhé.
Thằng Quang đimột đoạn khá xa mới sực nhớ ra mình chưa hỏi xem chiều mai cô bạn có đi chợ không để nó xuống đón đưa về. Nó định ngày mai đến lớp sẽ hỏi nhưng rồi lại thấy không cần thiết vì trong một thời gian nữa ngày nào nó chẳng phải thay mẹ xuống chợ mua rau. Nếu Mai có đi chợ Xuân La thì thoát sao khỏi bàn tay của nó. Nó nghĩ thế, miệng nở nụ cười… gian xảo.
Buổi tốihọc bài, rồi tận khi đi ngủ trong lòng thằng Quang vẫn ấp ủ một niềm sung sướng lâng lâng. Nó vui vì chiều nay được gặp Mai, được đưa Mai về, được biết nhà Mai. Lần đầu tiên nó và Mai ở riêng với nhau lâu như vậy; không bị làm phiền, không bị trêu trọc bởi mấy cái mỏ quạ trên lớp. Lần đầu tiên nó gần Mai như thế, chỉ có mình nó và Mai, không một người thứ ba. Bấy nhiêu thứ đủ để khiến thằng Quang rạo rực trong người, trằn trọc không ngủ được dù lúc nó học xong trời đã khuya lắm. Người ta thường nói "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Dẫu nó và Mai chẳng cách nhau "thiên lý", nhà nó chỉ cách chợ Xuân Laba cây số, nhà Mai cũng chỉ cách đó gần chục cây, nhưng nếu không có duyênlàm sao hai đứa gặp nhau được. Nếu nó và Mai không có duyên thì chiều nay Mai đã gặp người khácchứ đâu phải nó, càng đáng nói hơn nếu bố Mai và mẹ nó không đau ốm đúng dịp này thì sao có chuyện nó gặp được Mai. Đến như thế vẫn không có duyên vậy thế nào mới là có duyên nữa? Thằng Quang chắc mẩm như vậy và trong lòng khoan khoái lắm, cứ như chắc chắn sau này nó với Mai sẽ thành một đôi vậy. Điều duy nhất khiến thằng Quang nuối tiếc là chiều nay có cơ hội thuận lợi như thế mà nó vẫn chưa gửi được lá thư của mình cho Mai, nhưng không thể trách nó vì nó đâu biết mình sẽ gặp Mai để chuẩn bị trước. Không lẽ lúc đi qua nhà mình nó lại dựng xe bảo Mai chờ tý rồi vào lấy thư à? Chuyện vớ vẩn. Song thằng Quangchẳng tiếc lâu vì nó đoán chắc từ giờ đến lúc thi mình sẽ gặp Mai ở chợ và đưa Mai về vài lần nữa, lúc ấy muốn gửi bao nhiêu thưchẳng được.


Chương 3 - Phần 3.



Sáng hôm sau thằng Quang đến lớp với niềm rạo rực khó tả, cảm giác giống hệt hồi nó mới thích Mai.Thâm tâm thằng Quang coi buổi chiều hôm qua làcột mốc đánh dấu mối quan hệ giữa nó với Mai đã chuyển qua một giai đoạn mới, dù chuyển từ giai đoạn gì sang giai đoạn gì nó chẳng nói ra được. Nhưng Quang biết từ giờ nó và Mai sẽ khônggiống như xưa, kiểu như sẽ thân thiết hơn, sẽ gắn bó hơn vậy. Nó muốn xem hôm nay khi gặp mình Mai có phản ứng như thế nào, có gì khác những ngày qua không. Nhưng thằng Quang đến lớp một lúc lâu vẫn chẳng thấy Mai đâu. Dù biết dạo này Mai thường đến muộn nhưng trong lòng nó không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. Mãi đến khi gần truy bài Mai mới bước vào lớp. Vừa vào Mai lập tức nhìn về phía nó mỉm cười làm nó vội cười theo, đoạn cô bạn cúi xuống lục cái gì đó trong ba-lô rồi bước xuống bàn nó. Khi Mai đến gần hơn thằng Quang mới nhìn rõ Mai đang cầm trong tay một quả xoài to chín vàng, nó còn chưa hiểu đâu vào đâuMai đã đưa quả xoài về phía nó và nói:
- Cho Quang này, hôm qua Quang bảo tớ không phần cho Quang, hôm nay tớ mang cho bạn quả to nhất vườn luôn.
Thằng Quang mừng lắm, hôm qua nó chỉ nói đùa bâng quơ không ngờ Mai để tâm như vậy, thế nàyquá đủ chứng minh trong lòng Mai có tên nó. Nó run run cảm động đang muốn cầm lấy, ai dè con Tình nãy giờ chém gió ở bàn bên kiađứng phắt dậy cướp lấy quả xoài trong tay Mai, giơ lên trước mặt nói:
- Ôi, một quả xoài này, quả xoài to bự.
Con này chắcbệnh quá, nó nói cứ như là lần đầu tiên nhìn thấy xoài. Thằng Quang điên máu lắm, định mở miệng đòi, lại nghe con Liên, lớp trưởng,ngồi ngay đấy nói:
- Mai, sao hôm nay mày lại mang xoài choQuang, của bọn tao đâu? Mà hôm qua hai đứa hẹn đi chơi riêng với nhau hả?
Thằng Quang quay sang, giật mìnhnhận ra bao ánh mắt tò mò, nghi ngờ đang hướng về nó và cô bạn. Hóa ra nãy giờ hai đứa đã trở thành trung tâm chú ý mà không biết, cả mấy thằng con trai nãy giờ đứng ở ngoài cửa cũng ghé đầu nhìn vào. Nó bỗng hơi run, tự nhiên nó có cảm giác chuyện mình thích Mai đã bị cả lớp phát hiện,đang muốngiải thích nhưng Mai đã nói hộ nó:
- Thì tại hôm qua Quang đi chợ Xuân La gặp tao đang bán xoài ở đó nên đưa tao về. Quang bảo thích ăn xoài mà hôm qua tao bán hết rồi nên hôm nay tao mang lên cho bạn ấy một quả, thế thôi. Chúng mày muốn ăn á, xuống nhà tao mà hái, đừng tưởng bở tao mang lên cho.

Mai nhún vai trả lời đứa bạn. Không biết lúc ấy Mai có hồi hộp như nó không nhưng nếu có mà Mai vẫn đối đáp trôi chảy như vậy thì nó thật sự phục bạn quá. Sau này nghĩ lại thằng Quang chẳng hiểu vì sao khi ấy nó phải sợ; Mai đi chợ, nó gặp Mai và đưa về, Mai muốn cảm ơn nên mang xoài tặng nó, chỉ vậy thôi, có gì to tát đâu. Thế mà khi ấy thằng Quang tưởng như cả lớp đã biết mối thâm tìnhnó dành cho Mai. Nhưng nghĩ kỹ nó thấy hơi buồn. Phải chăng Mai tỉnh khô như vậy vì thực sự Mai chẳng có tình cảm gì với nó, phải vậy chăng?
Liên vẫn nhìn Mai với ánh mắt nghi ngờ hỏi lại:
- Chỉ thế thôi
Mai nhún vai:
- Chỉ thế thôi.
Con Liên lúc này mới chuyển ánh mắt từ Mai sang quả xoài, nói tiếp:
- Thôi được tao tạm tin mày, nhưng để phạt mày tội không mang xoài cho bọn tao, tao quyết định tịch thu quả xoài này, bổ cho cả lớp ăn, mày có ý kiến gì không?
Ý kiến gì nữa, lớp trưởng nói thế là mọi chuyện coi như xong. Mai nhìn thằng Quang cười bất lực, thằng Quang chỉ biết cười lại chứ biết làm sao. Câu chuyện kết thúc bằng việc con Tình lăng xăng đi tìm dụng cụ gọt xoài. Mà công nhận bọn con gái này tài thật, chúng nó kiếm mãi mới được một cái lưỡi lam thế mà vẫn gọt vỏ được quả xoài, bổ ra những miếng nhỏ bằng nhau chằn chặn. Con gái đúng là đứa nào đứa nấy đều có năng khiếu về đường ăn uống. Rồi bọn nó chia nhau, quả xoài khá to nên đứa nào muốn ăn đều được một phần, dù nhỏ thôi. Bọn nó chia cho cả thằng Quang nhưng tất nhiên thằng Quang không ăn, nhìn quả xoài Mai vốn dành riêng cho mình bị chia năm xẻ bảy nó còn lòng dạ nàoăn với chả uống. Điều lạ là con Quyên cũng không ăn. Từ ngày biết con Quyên đây là lần đầu tiên thằng Quang thấy nó chê đồ ăn, nhất là khi mấy đứa bạn xung quanh đang nhai ngấu nghiến món đồ ăn ấy. "Chắc nó không thích xoài", thằng Quang nghĩ bụng. Quay lại nhìn mấy đứa con gái đang túm tụm ăn uống, thằng Quangcàng tiếc đứt ruột, lời cảm ơn của Mai với nó không ngờ chui tọt vào bụng lũ bạn như vậy. Trong khi nó thậm chí chưa được chạm vào quả xoài. Đang khó chịu chợt nó nghe tiếng con Quyên:
- Tiếc nhỉ.
- Lại chẳng tiếc.
Thằng Quang cau có đáp.
- Tiếc quả xoài hay tiếc người cho xoài?
Con Quyênhỏi tiếp.
Thằng Quang nghe vậyquay phắt sang nhìn bạn, thấy con Quyên đang nhìn nó với ánh mắt tinh quái. Nó hơi giật mình, tự hỏi nãy giờ mình có sơ hở gì khiến con bạn chú ý chăng? Nó thấy không phải, nãy giờ nó vẫn cư xử bình thường, cả Mai nữa, đâu có gì khác lạ khiến người khác để ý. Những ý nghĩ ấy lướt nhanh qua đầu thằng Quang, sau đó nó thầm hít sâu một hơi nhìn con Quyên nói:
- Hỏi lạ. Đương nhiêntiếc quả xoài, nhìn ngon lành thế kia. Mai có ăn được đâu mà tiếc.
Con Quyên nghe thằng Quang nói thế vẫn lom lom nhìn thẳng mặt thằng bạn như muốn tìm kiếm xem trên gương mặt hết sức bình thản kia có chút giả trá nào không. Sau một hồi dò xét có vẻ như chẳng tìm thấy chút gì khả nghi, con Quyên nhún vai quay lại với quyển vở trước mặt nhưng trước khi quay đi còn nói:
- Ai biết, Mai không ăn được nhưng nhớ được, thương được.
Thằng Quang nghe xong điếng người, may cho thằng Quang, con Quyên đã quay sang chỗ khác, nếu không nó sẽ dễ dàng nhận ra sau khi nó nói câu ấy mặt thằng bạn ngồi cạnh có phần tái đi. Thằng Quang yếu ớt đáp:
- Bà này nói gì lạ thế.
Nhưngkhông thấy con Quyên trả lời, con bạn này lại chú tâm vào quyển sách trước mặt. Thằng Quang lúc ấy mới thở phào một hơi, trong lòng tiếp tục tự hỏi phải chăng mình đã để lộ sơ hở để người ngoài nhận thấy, haycon Quyên đã nhìn ra điều gì đó ở Mai. Sau một hồi suy nghĩ thằng Quang vẫn không tìm ra được câu trả lời, nên nó tự trấn an chắc con bạn này chỉ mới nghi ngờ và đang thăm dò thôi. Nó tự nhắc lần sau phải cẩn thận hơn mới được, nếu con Quyên biết gìsợ rằng hôm sau cả trường đã biết. Nó không muốn chuyện tình cảm của mình trở thành đề tài bàn tán của cả trường đâu. Dù gần đây con Quyênít nói, ít soi mói hơn xưa nhiều, nhưng cẩn thận chưa bao giờ thừa cả.

Nhắc tới vụ này thằng Quang mới thấy lạ. Từ đầu năm họccon Quyên bỗng dưng ít nói hơn hẳn. Chẳngthấy nó hào hứng tám chuyện trường lớp, bạn bè hay mang bánh kẹo, hoa quả lên lớp ăn nhiều như trước, mấy tháng gần đây dừng hẳn làm thằng Quang không khỏi tiếc nuối vì không còn kẹo bạc hà ăn nhiều thả ga nữa. Cả khi thằng Quang quay bài cho bọn con gái chép xong, con bạncũng không đưa kẹo ra như thỏa thuận trước kia. Có lần nó nhắc đến chuyện này, con Quyên đáp tỉnh bơ:
- Ông không quay thì thôi, tất cả cùng ăn trứng đâu phải riêng gì tôi.
Thằng Quang nghe vậy dù bực mình nhưng đành ngậm tăm. Từ ngày lên lớp mười hai, hai đưa Hiền, Tuyết, noi theo gương thằng Quang, chỉ học ba môn thuộc khối thi của bọn nó thôi còn lại bỏ cả. Thế nên dù sử, địa không phải lo nhưng các môn khác cả bốn miệng ăn đều phải trông chờ vào tài quay cóp của thằng Quang. Thằng Quang không quay thì thằng Quang chếttrước. Con Quyên biết vậy nênđem hiệp ước ngày xưa vứt vào xọt rác, thằng Quang đành phải chịu. Nhưng thằng Quang chẳng để ý chuyện đó, bây giờ là năm cuối cấp, các thầy côbiết chúng nó phải lo hai kỳ thi phía trướcnên không khó khăn như xưa, việc quay cópdễ dàng hơn nhiều. Nó chẳng ngại quay bài, nó chỉ thấy lạ vì con Quyên thay đổi nhiều quá. Không tám chuyện, không ăn quà, không khoái quay cóp. Thằng Quang đã mất mấy hôm suy nghĩ xem lý do gì khiến con bạn mình thay đổi. Đương nhiên nó không dám trực tiếp hỏi thân chủ, sau cùng nó đưa ra kết luận sự thay đổi này đến từ việc con bạn mình đã… lớn. Chứ còn gì, bạn nó đã mười tám tuổi, như ngày xưa đã lấy chồng từ lâu. Con Quyên đương nhiên chưa muốn lấy chồng và chưa thể lấy chồng nhưng rõ ràng nó không như trước kia, đã ra dáng thiếu nữ lắm. Con gái thường trưởng thành sớm hơn con trai mà. Vì lớn rồi nên con Quyên hết khoái mấy trò trước kia vốn được nó đam mê.Đôi lúc thằng Quang nghĩ bạn mình thay đổi như vậy là để gây ấn tượng với một anh chàng nào đó, giốngnhư nó đã từng thay đổi để gây ấn tượng với Mai. Càng nghĩ thằng Quang càng thấy khả năng này rất cao. Nhưng thôi đây là chuyện của con Quyên, sau khi đã nghĩ thông,nó liền đem chuyện này bỏ ra khỏi đầu và không kể lể, thảo luận với ai cả. Dù vậy các cụ vẫn nói "giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời". Con Quyên có thay đổi thế nào, bản tính nói nhiều, buôn chuyện của nókhó mà mất sạch được. Nếu nó biết thằng Quang thích Mai chỉ sợ hôm sau cả trường không ai không biết. Thế nên từ khi con Quyên nói mấy câu thăm dòtrên, thằng Quang lo đến mất ngủ. Nó dặn mình phải luôn luôn đề phòng tránh mọi cạm bẫy của đối thủ. May là từ sau hôm đó không thấy con bạn nhắc gì đến chuyện ấy nữa, trong lớp không thấy lời ong tiếng ve gìxuất hiện. "Chắc con Quyênchưa biết gì đâu", mấy ngày sau thằng Quang thở phào, tự trấn an như vậy.
Kể từ buổi chiều gặp Mai, thái độ của thằng Quang với việc đi chợ thay mẹ trở nên khác hẳn. Nếu trước kia là miễn cưỡng thì bây giờ là tình nguyện, nếu trước kia là ngán ngẩm thì bây giờ là mong chờ, thậm chívô cùng mong chờ. Có lần vì thương con trai đang vất vả ôn thi mà ngày ngày vẫn phải đi chợ thay mẹ, vào một buổi chiều, mẹ thằng Quang nói với con trai:
- Tí nữa để mẹ đi chợ cho, mày cứ ở nhà ôn bài. Chân mẹ dạo này đỡ nhiều rồi.
Bà tưởng thằng con mình nghe vậy sẽ thích lắm, ai dè vừa nghe xong thằng Quang đã nhảy dựng lên:
- Không được, không được, cứ để đấy con đi cho.
Rồi nhận thấy ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ mình, thằng Quanggãi đầu nói với vẻ ngượng ngập:
- Mẹ cứ nghỉ thêm cho khỏi hẳn, bây giờđi lỡ chân lại chảy máu thì sao. Cứ để con đi cho, coi như nghỉ xả hơi giữa giờ ấy mà.
Mẹ thằng Quang nghe vậy liền không nói gì thêm, nhưng trong lòng bà cảm động lắm. Bà nghĩ thầm: "Thằng này được cái càng lớn càng thương mẹ". Tội nghiệp. Không hiểu nếu mẹ thằng Quang biết thằng con bà ngày ngày cần cù đi chợ chẳng phải vì thương bà mà vì thương người khác, bà sẽ cảm thấy thế nào? Chắc bà sẽ buồn lắm.
Nhưng kể từ hôm đầu tiên gặp Mai dù sau đókhông ngày nào thằng Quang không xuống chợ song nó chỉ gặp Mai thêm hai lần, tất nhiên hễ gặp là nó đưa bạn về. Trong hai buổi hiếm hoi đó thằng Quang đã khéo léo dò hỏi xem Mai đi chợ vào những ngày cụ thể nào,và câu trả lời làm nó hoàn toàn thất vọng. Hóa ra chính Mai chẳng biết được hôm nào mình sẽ đi chợ. Theo lời Mai nói hôm nào thấy xoài chín nhiều vàmình thu xếp được việc nhà, khoảng hai rưỡi chiều Mai sẽ đi nhờ chị Xuyến xuống Xuân La bán xoài, chứ chẳng hề có lịch cụ thể gì hết. Thằng Quang nghe xongthầm thở dài buồn bã. Nó buồn không phải vì nó không biết được lịch của Mai để mà xếp lịch của mình, nó buồn vì cứ như Mai trả lời thì chỉ thỉnh thoảng Mai mới xuống Xuân La thôi, nghĩa là chỉ thỉnh thoảng nó mới được đưa Mai về. Chứ thời khóa biểu của thằng Quang dạo này ngày nào chẳng như ngày nào, dù có gặp Mai hay không, chiều đến nó vẫn sẽ xuống chợ thay mẹ, chân mẹ nó thế sao để bà đi được. Nó không dám nhận mình ngoan nhưng chắc chắn đâu phải đứa bất hiếu chỉ biết có tình yêu đâu.
Điều an ủi cho nó là trừ hôm đầu tiên, hai lần sau Mai đều dúi cho nó một túi xoài đem về. Sau đợt trước có vẻ Mai hiểu bạn mình sẽ chẳng còn hột xoài để gặm nếu mình mang đến lớp. Thằng Quang vốn không thích xoài nhưng xoài Mai cho phải khác chứ, nó từ chối lấy lệ mấy câu nhưng cô bạn ép quá nên "đành" phải nhận. Nó mang về để trên bàn học ngắm cả buổi chiều, mãi đến tối mới tiếc nuối đưa cho mẹ bổ, dù sao hoa quả đâu để lâu quá được. Mẹ thằng Quang hỏi xoài lấy ở đâu, nó đáp bừa xuống chợ gặp đứa bạn bán xoài nên được cho mấy quả. Đương nhiên nó dấu nhẹm việc mình chạy xe hơn chục cây số để đưa đứa bạn ấy về tận nhà, không phải nó sợ mẹ cản nhưng với nó đây là việc riêng, nó không muốn mẹ biết. Mẹ thằng Quang vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon làm thằng con sướng rơn, cứ như xoài này do chính tay nó trồng vậy. Tình yêu đôi khi kỳ lạ như vậy đấy.
Mọi việc rất suôn sẻ nhưng vẫn có điều làm thằng Quang lấn cấn, đó chính là lá thư tình vẫn nằm trong cặp nó bấy lâu nay. Những lần đưa Mai về sau lần gặp đầu tiên, lần nào lần nấy thằng Quang đều thủ sẵn lá thư trong túi quần ngố, và bao lần trong hai dịp đưa Mai về thằng Quang định đưa thư cho bạn nhưng cuối cùng nó vẫn không làm được. Không hiểu sao dù chắc mẩm Mai có cảm tình với mình nhưng nó vẫn không dám đưa bức tâm thư. Hình như thâm tâm thằng Quang vẫn sợ, sợ rằng Mai không thích nó. Nếu Mai không thích nó thì khi nhận được thư, biết đâu đấy, Mai sẽ thay đổi thái độ với nó để nó khỏi hiểu lầm, khỏi mơ mộng. Và khi ấy Mai sẽ không để nó đưa về mỗi khi Mai đi chợ Xuân La,có nghĩa là nó không có dịp đi riêng với Mai nữa, gặp nó trên trường Mai cũng dửng dưng coi như người xa lạ... Mai làm như vậy không phải vì Mai ghét nó, mà là để chứng tỏ cô bạn không có tình cảm gì với nó cả. Vô số khả năng được thằng Quang nghĩ ra,lạ là tất cả những khả năng ấy đều có kết thúc buồn cho khổ chủ,vì thế nó vẫn cứ chần chừ chưa dám gửi lá thư. Mỗi lần định đưa thư, thằng Quang lại nghĩ: "Thôi để sau, còn nhiều dịp mà". Vậy nên bây giờ lá thư tình vẫn ngoan ngoãn nằm yên trong cặp nó.
 
Tham gia
18/11/19
Bài viết
9
Gạo
0,0
Chương 3 - Phần 4.



Đồng hồ chậm rãi chạy từng nhịp tích tắc tích tắc trên bàn học của thằng Quang. Nó nhìn sang, kim ngắn đã chỉ số ba, còn kim dài đang dừng ở số mười. Thời tiết hôm nayhơi oi, cái oi bức đặc trưng của mùa hè, nhưng thỉnh thoảng vẫn có gió làm cho con người ta chưa đến mức khó chịu. Khác với mọi ngày, chiều nay trong phòng học thằng Quang có hai thằng con trai; một là nó, đứa còn lại đương nhiên là thằng Toản. Lúc nãy, thằng Quang đang luyện đề thì thằng Toản, rũ rượi như con ma ngày, đi vào. Nó bước tới ngồi thụp xuống ghế và lại than vãn mệt mỏi với thằng Quang.Thế là thằng Quang phải xếp bút nghiên để tiếp chuyện thằng bạn, dù trong lòng nó đang chửi thằng này vô duyên, hễ cứ mệt là xuống phá bĩnh công cuộc ôn thi của nó. Nói một hồi, thằng Toản rủ nó tí ra sông đá bóng xả hơi nhưng thằng Quang từ chối vì lát nữa phải xuống chợ mua rau cho mẹ và đưa Mai về tuy rằng cũng chẳng biết có gặp Mai không. Toản biết mẹ thằng Quang đang bị đau chân nên không nài ép, chỉ nói thêm:"Nếu về sớm nhớ ra đá bóng với bọn tao", rồi tiếp tục chém gió. Đang tâm sự đến hồi cao trào thằng Quang chợt nghe tiếng gọi ngoài cổng:
- Quang ơi, Quang.
Vừa nghe thấy tên mình thằng Quang liền đứng bật dậy lao ra cổng. Nó vội vì nó nhận ra đó là giọng của Mai. Nó hơi ngạc nhiên, hôm nay sao Maibán hết sớm vậy, mới chỉ hơn ba giờ. Mà ai đưa Mai lên đây nhỉ, tất nhiên Mai không thể đi bộ được. Nó đã chỉ cho Mai nhà mình trong lần đầu tiên đưa Mai về nên không ngạc nhiên khiMai biết nhà nó. Thằng Quang chạy ra, quả nhiên nhìn thấy Mai đứng ở cổng trong bộ quần áo công nhân và cái rổ trống không trên vai. Nó mừng rỡ tiến lại hỏi:
- Ủa, Mai. Hôm nay bán hết sớm thế, ai đưa Mai lên đây đấy?
Mai vừa nhìn nó cười vừa trả lời:
- Hôm nay may lắm, tớ vừa ngồi bán đã có bà vào mua hết cả rổ luôn. Xong tớ ra cổng ngồi chờ định nếu Quang đi chợ thì nhờ Quang đưa về, đang ngồi lại gặp một chị đi chợ về, nghe chị nói chuyện biết chị nhà ở mạn trên này nên đi nhờ chị lên đây. Quang chẳng mời tớ vào nhà Quang chơi còn gì, đúng không?
Thằng Quang nghe nói xong mừng húm cười nói:
- Còn gì nữa, Mai vào đây.
Rồi rất tự nhiên nó tiến đến cầm lấy tay Mai dẫn vào. Thực ra khi ấy trong lòng thằng Quang chẳng nghĩ gì cả, thậm chí nó còn không để ý là mình vừa nắm tay Mai; lòng nó đang rất vui vì hôm nay Mai đến thăm nhà nó. Thấy cậu bạn nắm tay mình, Mai không giằng ra, chỉ mỉm cười. Đến khi vào gần đến phòng học của thằng Quang, nhìn thấy có người ngồi trong đó cô bé mới rụt tay lại, lúc này thằng Quang mới nhận ra nãy giờ mình vẫn cầm tay Mai. Nó hơi ngại, đang định mở miệng nói gì đó chợt nghe thấy người trong mộng kêu lên vẻ bất ngờ:
- Ủa, Toản.
Kể từ lúc dắt tay Mai vào, thằng Quang đã bức xúc vì sự xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ của thằng bạn. Bao nhiêu hôm không xuống, chờ đúng hôm nay mới mò xuống làm kỳ đà cản mũi, không lẽ đuổi nó về lấy chỗ tâm sự với Mai. Lúc nãy thằng Toản đến phá đám thằng Quang chẳng thấy thế nào vì nó biết thằng bạn đang oải, cần tìm chỗ giải tỏa. Nhưng giờ chứng kiến thằng bạn thấy sự xuất hiện của Mai vẫn cứ ngồi im, chẳng có ý định đứng dậy ra vế, còn trố mắt nhìn, nó tức lắm, chỉ muốn đá vào mông thằng bạn vô duyên. Vừa rồi nghe thấy Mai gọi tên đứa bạn, thằng Quang liền chuyển từ tức giận sang ngạc nhiên. Ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu nó là sao Mai biết thằng Toản? Hai đứa học khác lớp, lạikhác khối thi nghĩa là không học thêm cùng, sao mà biết nhau được? Nghĩ đến đây một tia sáng xẹt qua trí óc thằng Quang và nó khẽ "à" một tiếng. Thằng Quang chợt nhớ ra hồi lớp mười một, Mai có làm bí thư chi đoàn của lớp nó nhưng đến lớp mười hai phải nghỉ theo chính sách mỗi năm đổi cán bộ lớp một lần của cô Giang chủ nhiệm; còn thằng Toản bao năm nay vẫn làm bí thư đoàn lớp A8. Thằng này chẳng được nết gì ngoài mỗi cái đẹp trai, học giỏi với lại hát hay. Chắc nó và Mai biết nhau khi cùng làm cán bộ đoàn dịp này. Quả đúng như thằng Quang đoán, thằng Toản sau một hồi ngớ ra khi có người gọi tên mình vội nói như reo:
- A, Mai à. Đi đâu lại ăn mặc như thế này? Từ hồi Mai không làm bí thư chi đoàn nữa bây giờ mới gặp lại, tí nữakhông nhận ra.
Thằng Quang nghe bạn nói chỉ khẽ hừ mũi. Thằng này cứ làm như lâu lắm rồi không nhìn thấy Mai vậy, Mai không làm bí thư nữa nhưng vẫn đi học suốt, làm gì có chuyện nó không gặp Mai.
Trái với thằng Quang, nghe xong câu hỏi của thằng Toản, Mai cười và vui vẻ giải thích:
- Dạo này tớ xuống chợ Xuân La bán xoài, hôm nay hết sớm nên lên đây chơi.
Thằng Toản là một thằng thông minh, nghe hai tiếng "dạo này" đầu nó lóe lên một ý nghĩ, rồi nó nhìn thằng Quang gật gù:
- Dạo này Mai hay xuống Xuân La à? Thảo nào gần đây thằng Quang chịu khó đi chợ thế.
Nghe vậy Mai chỉ cười không nói gì còn thằng Quang mặt mũi cứ tỉnh bơ. Ai chứ thằng Toảnnó chẳng ngại, thằng nàybiết chuyện của nó có khi lại hay. Thằng Quang định lấy ghế mời Mai ngồi nhưng vừa đưa tay ra Mai đã nói:
- Bố mẹ Quang có ai ở nhà không, cho tớ lên chào một câu.
Thằng Quang lúc này mới nhớ ra vẫn chưa đưa Mai lên nhà chào mẹ, nó liền gật đầu:
- Mẹ tớ đang ở trên nhà, Mai đi cùng tớ.
Mẹ thằng Quang đang làm việc trên nhà. Mẹ nó thường chỉ bận rộn vào buổi sáng, buổi chiều dù có đến cơ quan nhưng thường về sớm nên bà mới có thời gian xuống chợ Xuân La mua hàng. Dạo này do bị đau chân nên bà chỉ đi làm sáng, đi nhờ chị cùng cơ quan, còn buổi chiều ở nhà. Sáng nay, đi làm về mẹ thằng Quang còn mang theo một đống sổ sách giấy tờ dầy cộp. Lúc thằng Quang dẫn Mai lên, mẹ nó đang ngồi làm việc bên cái bàn uống nước ngoài phòng khách,ấm chén được xếp sang một bên, sổ sách bày la liệt trên bàn. Mai đứng cạnh thằng Quang khẽ nói:
- Cháu chào cô ạ.
Mẹ thằng Quang ngẩng lên, tháo cặp kính trên mũi ra, nhìn Mainói:
- Ừ, chào cháu.
Bà hỏi tiếp luôn:
- Đi đâu về mà ăn mặc thế này?
Mai trả lời:
- Cháu đi chợ Xuân La bán xoài, hôm nay về sớm nên tạt vào thăm Quang một chút ạ.
Giống như thằng Toản, nghe xong câu trả lời của Mai, mẹ thằng Quang chợt hiểu ra nhiều điều, huống chi bà còn nhớ đến mấy túi xoài ngon lành không rõ nguồn gốc mấy lần thằng con bà mang về cho mình ăn. Mẹ thằng Quang nghĩ trong đầu: "Thế màlâu nay cứ tưởng nó đi chợ vì thương mẹ"; bà cười thầm nhận ra thằng con trai mình đã lớn thật rồi.
Còn thằng Quang, chứng kiến bộ dạng của mẹ nó nãy giờ nó chợt thấy lúng túng, đưa tay lên gãi đầu sồn sột. Bộ dạng của mẹ nó vừa rồi giống y hệt thằng Toản lúc nãy. Thằng Toản nó chẳng ngại, tính thằng này nó biết, dù có hiểu ra được gì cùng lắm thỉnh thoảng thằng này sẽ trêu nó vài câu thôi; chứ không đi rêu rao ra ngoài đâu. Nhưng với mẹ nó lại khác, nó sợ lúc này mẹ nó đang nghĩ hóa ra thằng con mình đi chợ là vì người khác chứ chẳng phải thương xót gì mình thì oan cho nó quá. Thằng Quang luôn khẳng định nguyên nhân quan trọng nhất khiến nó ngày ngày xuống Xuân La là do mẹ nó bị đau chân; đưa Mai về chỉ là tiện đường, dẫu Mai có đi bán xoài hay không, nó vẫn sẽ nhận công việc đi chợ về mình. Thằng Quang đang lúng túng gãi đầu lại nghemẹ nó nói:
- Giỏi quá nhỉ, còn ít tuổiđã biết phụ giúp gia đình. Chẳng bù cho thằng Quang nhà cô, chỉ có ăn với học còn chẳng nên.
Mai cười:
- Đâu có cô, Quang vừa ngoan vừa học giỏi nhất lớp cháu đấy cô ạ.
Mẹ thằng Quang và Mai còn nói với nhau vài câu nữa xong thằng Quang đưa Mai xuống phòng học cho mẹ nó làm việc. Xuống đến nơi nó điên tiết thấy thằng bạn chí cốt của mình vẫn đang ngồi chình ình giữa phòng. Thằng này không biết là giả ngu hay ngu thật mà không đứng dậy đi về từ nãy cho nó và Mai rảnh rang tâm sự, nhất là khi thằng bạn này đã lờ mờ đoán được tình cảm nó dành cho Mai. Nếu Mai không có ở đây thằng Quang đã túm cổ thằng Toản xách vứt ra ngoài cổng ; nhưng nghĩ lại nếu không có Mai,nó chẳng có lý do gì để làm như vậy. Thằng Quang càng tức tối hơnkhi rõ ràng Mai đến chơi nhà nó vậy mà cô nàng nói chuyện với nó thì ít trong khi nói chuyện với bạn nó thì nhiều; đã vậy thỉnh thoảng còn che miệng cười khúc khích, dù theo nó những câu chuyện của đứa bạn mình nhạt thếch, chẳng có vị gì, làm nó càng điên tiết hơn. Nhưng sau này ngồi nghĩ lại, về khoản nói chuyện với con gái,các cụ gọi giản dị là "tán gái" ấy, nó phải học hỏi thằng bạn mình nhiều lắm. Thằng Toản nói bao nhiêu là chuyện, chẳng chuyện nào liên quan đến chuyện nào ấy thế mà Mai cứ cười suốt buổi. Lần đầu tiên thằng Quang nhận ra thằng bạn mình ăn nói có duyên như vậy, bảo sao nó làm bí thư lớp suốt bao năm nay. Mãi đến gần bốn rưỡi thằng Toản mới đứng dậy cáo từ để, theo như lời nó, về phụ bố mẹ việc cơm nước, rồirông thẳng. Thằng bạn nói thế nhưng thằng Quang thừa biết bạn mình chẳng về nhà phụ ai làm gì hết ráo, thực chất giờ này nó chạy ra sông phụ mấy thằng trong xóm lập đủ đội hình quần nhau với quả bóng da. Thằng mất dạy, chỉ được cái chém gió là giỏi. Nhưng thôi nó biến là được rồi còn đi đâu là việc của nó, thằng Quang không quan tâm. Thằng Quang đang khấp khởi mừng thầm vì cuối cùng đã được ngồi riêng với Mai, chợt nhìn thấy cô bạn mình vừa liếc nhanh cái đồng hồ để trên bàn. Lúc này thằng Quang mới nhớ sắp đến giờ Mai chuẩn bị cơm nước mang lên cho bố mẹ. Thế là dù chẳng muốn chút nào nó vẫn phải tỏ ra hết sức tươi tỉnh đứng lên nói:
- Mai phải về rồi đúng không, để tớ đưa bạn về.
Trái ngược với vẻ tươi tỉnh giả tạo của thằng Quang, Maitỏ ra lưỡng lự nói:
- Hay là Quang cứ đi chợ trước đi. Để tớ ra cổng chờ, lúc nào Quang vềhẵng đưa tớ về nhà.
Thằng Quang nghe vậy cười, đáp:
- Đây mới kia chứ gì. Tớ đưa Mai về xong còn thoải mái thời gian đi chợ.
Lúc này Mai mới gật đầu:
- Vậy nhờ Quang nhé.
Trên con đê chiềulộng gió, trong lúc thằngQuang đang hậm hực chửi thầm thằng bạn vô duyên đã phá bĩnh buổi "hẹn hò" của mình với người đẹp, người đẹp ngồi sau lưng lại vỗ nhẹ vai nó,nói:
- Đây là lần cuối cùng Quang phải đưa tớ về như thế này. Từ giờ tớ sẽ không đi chợ Xuân La nữa đâu.
Thằng Quang nghe xong giật mình như người tỉnh dậy sau giấc mộng, quay hẳn đầu lại hỏi với đôi chút thảng thốt:
- Hả, vậy à. Sao Mai không đi nữa?
Mai vừa cười vừa trả lời:
- Bố mẹ tớ không cho đi, bảo phải ở nhà ôn thi. Với lại bố tớđỡ nhiều rồi Quang ạ, bác sỹ bảo mấy hôm nữa sẽ cho về nhà tự tập phục hồi, thỉnh thoảng cho người xuống kiểm tra. Tớ phải ở nhà để giúp bố tập tành chứ.
Thằng Quang nghe xong mới hiểu, thuận miệng nói:
- Bố Mai sắp về à, vậy là chú ấy khỏe lên nhiều rồi đấy. Chúc mừng Mai nhé. Mai ở nhà chăm bố nhưng nhớ phải chú ý ôn thi, Mai cứ đỗ đại học là bệnh gì của chú cũng khỏi hết.
Mai cười:
- Biết rồi, lại giở giọng người lớn ra đấy.
Thằng Quang nghe bạn nói vậy bèn cười xòa. Thực lòng nó rất mừng cho Mai, giờ mọi chuyện trong gia đình Mai đã dần dần ổn định, như thế cô bạn này mới tập trung học hành được. Chứ cứ như dạo gần đây, Mai phải cáng đáng bao nhiêu việc, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hết nhà, đến trường, rồi đến viện,chưa kể tới việc hàng họ chợ búa; tâm lý thì lo lắng, không thoải mái, thếcòn nói gì tới chuyện ôn luyện.Bây giờ, ít nhất mọi thứ đang tiến triển thuận lợi với cô bạn nó.
Nhưng sâu trong lòng thằng Quang vẫn gợn lên một nỗi buồn man mác. Nó buồn vì từ giờ sẽ không được đưa Mai về, không được một mình ở bên cạnh Mai giữa chiều hè lộng gió. Giá mà bố Mai vẫn cứ ra viện, Mai vẫn cứ yên tâm tập trung học hành và nó vẫn được đưa Mai về sau mỗi buổi chiều Mai xuống Xuân La bán xoài nhỉ. Tiếc thật. Song suy nghĩ này chỉ thoáng lướt qua đầu thằng Quang rồi vụt tan đi ngay như những cơn gió mát giữa chiềuhè oi ả. Rốt lại, nó rất mừng cho cô bạn, mừng vì từ nay cô bạn nó đã bớt phần vất vả.
Sau đó xảy ra một chuyện khiến thằng Quang lấy làm lạ, trong quãng đường còn lại Mai hỏi thăm về thằng bạn nó, thằng Toản, khá nhiều. Dù thằng Toản là bạn thân của nóvà Mai chỉ hỏi những câu vô thưởng vô phạt như “Quang chơi thân với Toản không?”, “nhà Toản ở đâu?”, “Toản thi trường nào?”…, nhưng thằng Quang vẫn thấy không thoải mái. Làm gì có đứa con trai nào vui được khi người con gái mình thích hỏi thăm mình về một thằng con trai khác.May mà Mai chỉ hỏi một chốc rồidừng, loại thằng Toản ra khỏi câu chuyện của hai đứa. “Chắc Mai chỉ hỏi cho có chuyện để nói thôi”, thằng Quang bâng quơ nghĩ thầm.
Lúc thằng Quang đưa Mai đến cổng, Mai liền nhảy xuống, chạy vào nhà lấy ra một túi xoài to bự đưa cho nó. Tất nhiên thằng Quang lại từ chối và lại cầm về như mấy lần trước. Nhưng lần này nó mất hẳn hào hứng. Trên đường về nhà nhìn túi xoài treo lủng lẳng ở yếm xe, nó lại thấy buồn buồn. Chắc đây là túi xoài cuối cùng Mai cho nó, thế là chấm dứt những lần nó được đưa Mai về, chấm dứt những buổi chiều nó được tâm sự thoải mái với Mai. Hóa ra hôm nay Mai đến nhà nó chơi vì đây là buổi chợ cuối cùng của cô bạn. Nghĩ đến chỗ này thằng Quang thêm điên tiết với thằng bạn nối khố, buổi hẹn riêng tư cuối cùng của nó với Mai không ngờbị thằng này xuất hiện phá đám, đúng là thằng mất dạy. Đang cố nặn ra mấy từ thật nặng nề để chửi thằng Toản, bất chợt thằng Quangđạp phanh sau kít lại, nó phanh gấp đến nỗi suýt chút nữa cháy mặt đường nhựa cũng nên. Thằng Quang chống hai chân xuống đất, mắt nhìn về phía trước thất thần. Bỗng nhiên nó đưa tay phải lên vả vào mặt mình một cái, xong đưa tay trái lên vả thêm phát nữa bất chấp ánh mắt ngạc nhiên của người đi đường. Thằng Quang định tát thêm nhưng vì thấy hai má rát rát nên đành dừng lại; vả lại nếu nó tự tát thêm, người đi đườngtưởng nó bị điên hè nhau xúm vào đưa nó đi Châu Quỳ thì khổ, nó chưa thi tốt nghiệp đâu. Nó đành thở dài ngán ngẩm. Không ngán ngẩm không được vì nó vừa nhớ tới lá thư tỏ tình mình đã dày công chuẩn bị bấy lâu nay. Hôm nay có cơ hội thuận lợi như thế, Mai vào tận nhà nó chơi, nó ngồi riêng với Mai cả chục phút đồng hồ thế mà nó lại quên béng mất việc đưa cho bạn lá thư. Thằng Quang càng tiếc hơn khi từ bây giờ Mai sẽ nghỉ việc chợ búa,thời gian riêng tư cho hai đứa không còn, nghĩa cơ hội gửi đi bức tâm thư của nó càng nhỏ đi bội phần. Càng nghĩ thằng Quang càngđau, càng thấy tức chính bản thân mình, đến nỗi nếu bây giờ có cái ô-tô nào đi qua chắc nó dám lao đầu vào gầm xe quá, lao xong chắc nó mới hết tức giận vì lúc đấy còn biếtquái gì mà tức. Nhưng may cho thằng Quang, khi ấy không có cái xe nào đi qua cả và nó đành rồ ga phóng về nhà mang trong lòng niềm tiếc nuối vô biên.
Buổi tối, lúc thằng Quang đang học bài chợt có tiếng dép loẹt quẹt từ trên nhà đi xuống. Biết là mẹ, nhưng nó vẫn ngồi yên giả vờ đang chăm chú học không để ý xung quanh, đứng sau lưng nó một lúc mẹ nó mới lên tiếng:
- Con bé chiều nay là con Mai đấy à?
Thằng Quang lúc này mới quay lại đáp:
- Vâng, là Mai đấy mẹ.
Mẹ nó chép miệng:
- Con bé này ngoan quá nhỉ, ít tuổiđã biết vừa học vừa phụ giúp gia đình, còn chăm bố trên viện nữa chứ.
Thằng Quang biết chiều nay mẹ nó đã hỏi thăm Mai về gia đình của Mai. Ngoài ra nó từng kể cho mẹ nghe việc bố Mai bị tai nạn trong một lần thuận miệng lúc ăn cơm, mẹ nó biết chuyện nhà Mai chẳng có gì lạ. Giờ nghe mẹ nói thế nó đế theo luôn:
- Mai ngoan lắm mẹ ạ, vừa hiền vừa học giỏi nhất nhì lớp con đấy.
Giọng thằng Quang vui vẻ. Trước giờ hễ nghe thấy ai khen Mai, trong lòng nó lại thấy thoải mái cứ như người ta khen mình vậy, huống chi người đang khen Mai lúc này là mẹ nó. Nghe giọng háo hức của thằng con, mẹ thằng Quang cười thầm trong bụng, bà ra vẻnghiêm nghị nói:
- Nó giỏi thì đúng rồi nhưng mà anh đừng có dốt đấy. Việc của anh bây giờ là học, tập trung vào ôn thi đi, thi cử xong rồi hãy nghĩ đến chuyện khác. Anh cứ liệu hồn, thi cử không ra gì khác được với tôi.
Thằng Quang nghe mẹ nói, bụng cứ giật thon thót. Nó thừa hiểu mấy câu vừa rồi của mẹ có nhiều ý lắm. Hồi chiều khi thấy mẹ nó nói chuyện với Mai, nó biết mọi thứ đã bị mẹ nắm trong lòng bàn tay. Buổi gặp gỡ chiều nay đủ để mẹ nó hiểu được tình cảm của thằng con trai mình với cô bạn của nó. Bao lâu nay mẹ vẫn luôn nói với thằng Quang rằng đang đi học chớ có dính vào yêu đương vì dính vào sẽ trở nên hư hỏng, sẽ học hành sa sút; và như để minh chứng cho nhận định của mình, mẹ nó dẫn ra bao nhiêu tấm gương vốn là con em mấy cạ của bà từ ngoan ngoãn, giỏi giang trở thành hư đốn, học tập sa sút vì… sa vào tình trường. Giờ mẹ nó nói vậy rõ ràng mang ý cảnh cáo. Dù ngay từ chiều đã biết sẽ có buổi nói chuyện này nhưng bây giờ nghe mấy câu của mẹ - thằng Quang vẫn thấy hồi hộp, không thoải mái. Nó cốchống chế:
- Mẹ này nói lạ, con vẫn học hành nghiêm chỉnh đây, có biết đến chuyện gì khác đâu mà phân với chả tâm.
Mẹ thằng Quang vẫn lừ mắt nhìn nó, nói tiếp:
- Thì mẹ cứ dặn trước. Mẹ biết giờ màylớn rồi, nhưng việc quan trọng nhất của mày giờ vẫn là học, với con Mai cũng thế. Cứ chờ thi cử cho tốt xonghãy nghĩ đến chuyện khác, đừng để những chuyện linh tinh ảnh hưởng đến mình, đến bạn, rồi uổng công học hành bao nhiêu năm nay.
Thằng Quang im thin thít nghe mẹ giảng. Thực tâm nó muốn cãi mấy câu nhưng chẳng biết cãi thế nàobởi mẹ nói đúng quá, chẳng có chỗ hở để chen vào. May cho thằng Quang, mẹ nó chỉ nóibấy nhiêu xong đi lên nhà, nghe tiếng dép của mẹ xa dần nó thở phào một hơi. Thằng Quang biết xưa nay mẹ mình vẫn như vậy, không phải người nói nhiều. Gặp việc mẹ nó mới nói và chỉ nói đủ chứ không dằng dai, nhắc đi nhắc lại. Nếu là bà mẹ khác gặp chuyện như hồi chiều chắc tối nay đã tra hỏi đủ thứ, sau đólôi một đống giáo điều quy chuẩn ra giảng giải không biết chừng, nhất là khi trước mặt thằng con có hai kỳ thi quan trọng, nhưng mẹ thằng Quang không làm như thế. Vả chăng thằng Quang nghĩ mẹđủ hiểu nóđể tin tưởng nó. Thâm tâm bà tin con trai mình là đứa biết phân biệt nặng nhẹ, biết rằng việc quan trọng nhất với nó lúc này là thi đỗ đại học còn những việc khác chỉ là chuyện nhỏ. Nên bà mới hành xử nhẹ nhàng như vừa rồi. Thằng Quang thoáng nghĩ thế xong tiếp tục vùi đầu vào đống sách vở trước mặt.


Chương 4.


Chương 4 - Phần 1.



Hơn một tuần tuần trước hôm thi tốt nghiệp môn đầu tiên, nhà trường cho bọn thằng Quang nghỉ ở nhà tự ôn. Vừa hôm trước nghỉ, hôm sau lớp 12A4 đã tổ chức liên hoan chia tay. Chia tay những ngày tháng học cùng nhau, cũng là những ngày tháng cuối cùngngồi trên ghế nhà trường phổ thông của bọn nó. Tổ chức liền sau ngày nghỉnhưng bọn lớp 12A4 không hề cập rập,đơn giản bởi mọi thứđã được chuẩn bị trước cả tháng nay rồi. Lịch họcđược thông báo từ sớm nên bọnthằng Quang đã có sự lo liệu trước, chỉ chờ đến ngày là tiến hành. Buổi liên hoan được tổ chức ở nhàHiền, nhà Hiền trên mạn ngược cách trường khoảng bảy cây số, nghĩa là từ nhà thằng Quang lên đấy khoảng mười lăm, mười sáu ki-lô-met.Buổi sáng, thằng Quang xuất phát từ khá sớm, đó là một ngày nắng đẹp nhưng đến trưa khả năng sẽ oi bức. Trên đường đi nó gặp mấy đứa cùng lớp và cả bọn lớp khác đang tung tăng đến điểm hẹn giống mình, có vẻ khá nhiều lớp tổ chức liên hoan ở mạn trên này,nên cả lũ nhập bọn chung chém gió tưng bừng suốt quãng đường. Thằng Quang lấy làm lạ, mấy đứa này nó đều biết mặt biết tên cả,biết rõ bọn nó học lớp nào; ngược lại bọn nó chẳng lạ gì thằng Quang, học cùng khóasuốt ba năm, muốn lạ chẳng được; trước kia gặp nhau trên đường đi đi về về chẳng ai thèm để ý đến ai, cùng lắm chỉ gật đầu chào nhau rồi thôi. Nhưng hôm nay đi cùng đường cả bọn tỏ ra thân nhau đến lạ, ồn ãsuốt một quãng dài. Hình như việc sắp rời xa mái trường phổ thông, rời xa quãng đời học sinh khiến bọn nó tiếc nuối. Chúng nó trò chuyện với nhau đơn giản để có thêm kỷ niệm mà nhớ, để tạm quên đi hôm nay là buổi liên hoan chia tay, là những ngày cuối cùng được sống vô ưu, vô lo trong cuộc đời học sinh ngắn ngủi.
Lúc bọn thằng Quang đến nhà Hiền mới chỉ hơn sáu rưỡi. Từ nhà, nó chắc mẩm mình thuộc tốp đi sớm, ai dè đến nơi đã thấy rất nhiều đứa có mặt, đứa lo việc bếp núc, đứa khiêng bàn ghế, đứa thì chỉnh loa đài. Mai đến từ sớm, đang hý hoáy trong bếp. Mấy hôm nay bố Mai đã xuất viện về nhà tự tập phục hồi dưới sự theo dõi của bác sĩ, có lẽ vì vậy nên dạo này Mai vui vẻ hơn, nói cười nhiều hơn. Phải nói là trong cái rủi cũngcó cái may.Mai từng kể với thằng Quang hôm xảy ra tai nạn bố Mai lái xe hoàn toàn đúng luật, người sai là ông tài xế xe tải kia. Nên theo thỏa thuận giữa hai bên, ông tài kia sẽ chịu toàn bộ viện phí và tiền sửa chữa ô-tô của bố Mai, ngoài ra ông taphải đền bù cho gia đình Mai một số tiền. Nhờ vậy gia đình nhỏ bé ấy có thể trụ vững qua cơn sóng gió, để đến bây giờ cô bạn thằng Quang mới bớt phần vất vả. Hôm nay, nghe bọn bạn nói Mai đến sớm nhất, và giờ vẫn đang tất bật chạy tới chạy lui.
Thằng Quang tất nhiên chẳng dám ngồi không, nhưng vì chẳng thạo việc gì nên nó chạy lăng xăng chỗ này một chốc, chỗ kia một chốc, ai kêu gì làm nấy; nhìn chung thái độ khá tích cực. Hôm nay gia đình cái Hiền đều tránh đi nơi khác, đểtoàn bộ tư gia cho bọn thằng Quang phá phách. Từ mấy hôm trước mấy đứa cán bộ lớp A4 đã thuê phông bạt căng mắc tử tế, giờ chỉ đợi giờ đẹp để tiến hành phá cỗ. Chỉ đáng tiếc một điều, do bận con mọn nên hôm nay cô Giang chủ nhiệm không thể đến dự buổi tiệc được, mặc cho cả lớp thằng Quang năn nỉ gãy lưỡi. Còn lại có đủ bốn mươi tám mạng không thiếu mạng nào. Ai nỡ bỏ liên hoan chia tay chứ.
Sau một hồi chuẩn bị mướt mồ hôi, đến khoảng chín giờ ba mươi buổi liên hoanbắt đầu. Mấy hôm trước thằng Quang cứ nghĩ trong ngày chia tay hôm nay sẽ không thiếu những màn khóc lóc, ỉ ôi của bọn con gái, đểmấy thằng con traiphải đứng cạnh vừa an ủi, dỗ dành vừa sụt sùi muốn khóc theo. Hay ít nhất sẽ được chứng kiến những gương mặt u buồn, thảm não của mấy đứa đa sầu đa cảm trong lớp. Nhưng không phải vậy. Buổi liên hoan diễn ra rất sôi nổi, ai nấy vui vẻ, nhiệt tình; lũ bạn liên tục cười đùa, trêu chọc nhau. Có thể bọn nó vui thật hoặcchúng nó cố tỏ ra như thế để che dấu nỗi buồn sâu kín trong lòng, tránh cho buổi tiệc mất vui, để những giờ phút cuối cùng có đủ mặt cả lớp là những giờ phút vui vẻ nhất.
Chín đứa con trai trong lớp đều uống bia.Bọn con gái có đứa uống bia, có đứa uống nước ngọt. Bọn thằng Quang không thiếu bia, chúng nó đã đặt sẵn cả chồng két bia trên hè. Bọn nó không uống nhiều, mấy đứa con gáichỉ uống hơn một cốc là cao thủ,nhưng bia vẫn hết sạch. Vì thằng Kiên bày ra trò lấy tay bịt miệng chai lại rồi xóc mạnh sau đó bỏ tay ra để bia bắn tung tóe như pháo hoa,thấy hay bao nhiêu đứa học theo, xóc hết chai này đến chai khác cho đến khi không còn chai nào. Gần mười một giờ, trên bàn, bia đã hết, thức ăn đã vơi, bọn thằng Quang đã đùa đến phát mệt, không khí mới bắt đầu chùng xuống. Nhưng cũng chẳng được lâu vì ngaytiếp đó đến màn hát karaoke. Một dàn loa to bựđặt sẵn trong sân sẵn sàng phục vụ từ đầu buổi,giờ mới được hoạt động. Không biết dàn loa này là của nhà cái Hiền hay cán bộ lớp thuê về. Đầu tiêncon My, cây văn nghệ của lớp, lên đài. Bình thường nó hátkhá hay, hay nên mới thành cây văn nghệ chứ. Nhưng do lúc nãy con bé này là một trong số ít những đứa con gái uống bia - lại uống không ít - nên bây giờ hình như đã phê, hát cứ líu ra líu ríu. Nó hát bài "tình thơ" mà nghe chẳng ai nhận rabài gì. Lúc nó hát xong, trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của khán thính giả, Liên, lớp trưởng, phải chạy lên dìu về bàn gần nhất vì con Mycó dấu hiệu kiệt sức, lảo đảo muốn ngã. Con Liênphải đứng vuốt lưng cho bạn một hồi mới thấy con My dần dần lấy lại hơi thở bình thường và chính thức… gục xuống bàn. Sau My mấy đứa vốn hay hát hò của lớp lần lượt lên góp giọng. Có cả những đứa như thằng Chiến do say chẳng biết gì nên chạy lên thể hiện mình nhưng chưa hát xong đã li-vơ-phun một đống giữa sân khấu làm mấy thằng con trai mất công xúm vào đưa về còn bọn con gái phải nhanh chóng thu dọn hậu quả. Nhận ra thời cơ của mình, thằng Quang liền tu một hơi hết nửa chai bia còntrên bàn, xong hùng hổ đi lên sân khấu cầm lấy micro. Trước ánh mắt chăm chú của cả lớp, nó lấy hết dũng khí nói:
- Hôm nay chắc là ngày cuối cùng lớp chúng ta có mặt đầy đủ bên nhau như thế này, sau này thi cử xong, ra trường dẫu có họp mặt e rằng chẳng thể được đầy đủ như hôm nay. Nhân dịp này mình xin gửi tới các bạn bài hát "hạ thương" của ca - nhạc sỹ Ngọc Sơn với lời chúc tới tất cả lớp sẽ có những kỳ thi sắp tới thật tốt và đừng bao giờ quên nhau, quên lớp 12A4 này, quên ngày hôm nay. Sau đây mình xin bắt đầu.
Thằng Quang nói xong cả lớp liền vỗ tay nhiệt liệt, có mấy đứa bày trò hò hét ầm ĩ khiến nó tự tin hẳn lên. Vừa rồi tuy chỉ nói vẻn vẹn mấy câu nhưng đó là công sức chuẩn bị của thằng Quang suốt cả tuần nay, không hay mới lạ. Lúc đầu nó định đưa thêm vào mấy câu kiểu như "bài hát này tớ xin dành tặng riêng cho một người, một người con gái rất quan trọng trong lòng tớ, lời bài hátlà những gì tớ muốn nói với người ấy...",song lúc mở miệng nókhông dám. Đến giờ này nó vẫn ngại mấy đứa bạn. Quan trọng hơn, nó vẫn ngại với người ấy, nên cuối cùng đành nuốt những lời gan ruột xuống dạ dày. Nhưng trong lúc hát thằng Quang luôn nhìn về phía Mai nhiều nhất, đặc biệt là khi nào hát đến đoạn "anh sẽ trở về trong mùa phượng vĩ đơm hoa, anh em vui tuổi ngọc ngà, ta bỏ đi nỗi buồn ngày qua", dù rằng không dám nhìn lâu và phải nhìn về phía khác nữa. Lòng nótự nhủ: "Tớ hát cho Mai nghe đấy, Mai ạ".
Thằng Quang nhập tâm lắm, hát như lần cuối cùng được hát. Lúc nó hát xong cả lớp vỗ tay ầm ĩ khiến nó sướng rơn. Chẳng biết Mai có hiểu bài hát vừa nãy nó dành tặng cho Mai không nhưng cô bạn chính là một trong những người vỗ tay to nhất. Thằng Quang lúc này ngoài sự sung sướng ra còn có đôi phần tiếc nuối, tiếc vì nó hát hay thế, mà đến hôm nay nó mới biết. Giá nó biết sớm hơn ít nhất nó đã có thêm một vũ khí để chinh phục trái tim Mai. Gì chứ cứ thỉnh thoảng trong giờ sinh hoạt nó đứng dậy hát vài bài tình ca; hoặc liều lĩnh hơn hôm nào lớp mình trực tuần chào cờ, nó mạnh dạn lên trình bày giọng ca của mình trước toàn trường trong phần mấy tiết mục văn nghệ đầu giờ các lớp trực bắt buộc phải có, kèm theo mấy lời to gan như "bài hát này tớ xin đặc biệt dành riêng một người...", bấy nhiêu chắc quá đủ để nó… chiếm giữ trái tim Mai. Những ý nghĩ tươi đẹp lướt qua đầu thằng Quang làm nó càng tiếc nuối bội phần, tài năng được khai quật muộn thật thiệt thòi quá xá. Nó cứ đinh ninhvậy, không hề biết tràng pháo tay vừa nãy chủ yếu mang ý nghĩa động viên. Mai và lũ bạn vỗ tayđể sau này có dịp nó cứ mạnh dạn lên hát; đừng vì giọng hát như thế mà tự ti, mặc cảm, không dám thể hiện bản thân. Ý nghĩa thực sự của tràng pháo tay là vậy. Mãi một thời gian sau thằng Quang mới biết sự thật đau đớn này. Từ đó người ta không bao giờ thấy thằng Quang hát nữa.
May mắn cho bọn lớp 12A4, trong lúc thằng Quang vì sung sướng do được hoan nghênh nhiệt liệt, định… hát thêm vài bài bỗng đâu có một bà nhà ngay gần nhà Hiền sang nhắc nhở bọn nó giữ gìn trật tự cho hàng xóm nghỉ ngơi, đã mười hai giờ trưa.Thằng Quang đành ngậm ngùi cất mic đi. Bây giờ mới nghetiếng khóc sụt sùi cất lên ở chỗ này, chỗ kia. Có mấy đứa con gái không biết do nhịn đã lâu giờ không thể nhịn tiếphay bây giờ bia mới thấm, cứ hồn nhiên ngồi khóc tu tu. Trong đó khóc to nhất thật lạ chính là cái Hiền. Hiền vốn ít nói, ít thể hiện cảm xúc, nhưng hôm nay có lẽ do tiệc tổ chức ở nhà mình, một nơi quen thuộc chẳng có gì đáng ngại, hơn nữa lúc nãy con bạn này uống rất nhiều bia vìỷ thế chủ nhà không phải đi về, nêngiờ vừa say vừa buồn cứ ngồi ôm con Quyên khóc thảm thiết.Song điều đó chưa khiến thằng Quang ngạc nhiên bằng thái độ của con Quyên lúc này. Nó vừa ngồi vỗ vai, dỗ dành bạn vừa mếu mếu máo máo như sắp khóc theo đến nơi. Hình ảnh trước mặt khiến thằng Quang thậm chí có phần thảng thốt. Xưa nay con Quyên trong mắt nó luôn là một đứa tọc mạch, lắm chuyện, nhiều lời, thích ăn quà và cả nghịch ngầm nữa. Suốt ngày thằng Quang thấy con bạn mình nói nói cười cười, chưa bao giờ thấy buồn chứ đừng nói khóc, song giờ đây con Quyên đang sắp sửa khóc thật. Chứng kiến cảnh tượng này bất chợt thằng Quang cảm thấy buồn cười, buồn cười vì lần đầu tiên được nhìn thấy bộ dạng thảm hại này ở conQuyên, nhưng đến khi nụ cười sắp ra đến miệng, nólại chẳng thể nào mở mồm ra cười nổi. Học cùng nhau ba năm, giờ sắp mỗi đứa một nơi không buồn mới lạ. Mà đâu chỉ có thế, hôm nay còn là ngày chúng nó chia tay quãng đời học sinh mười hai năm không dài không ngắn. Bao nhiêu kỷ niệm những ngày nghịch ngợm, ngây thơ, sôi nổi đã ở lại sau lưng. Sau này dù có đi học đại học hay ra đời bươn chải, bọn thằng Quang đâu thể tìm được những ngày tháng hồn nhiên, vui vẻ như thế này. Khi ấy chúng nó đã thành người lớn,dẫu là lớn chưa trọn vẹn. Thế nên, nó không cười. Xung quanh nó, mấy thằng con trai cũng mang bộ mặt đưa đám, song ít nhất không có thằng nào… rơi lệ cả.
Nhưng lũ con trai không khóc không có nghĩa là ngăn được mấy đứa con gái còn lại không khóc, đứa con gái nàolúc nãy chưa khóc giờ bắt đầu sụt sịt. Đúng vào lúc thằng Quang tưởngcon gái cả lớp sắp đồng loạt tuôn mưa nước mắt đến nơi, thằng Kiên chợt hô to:
- Anh thợ ảnh quay lại kìa.
Anh thợ ảnh này tên Kim nhà cách nhà Hiền khoảng vài trăm mét. Lớp 12A4 thuê anh hôm nay đến chụp cho bọn nó mấy tấm hình kỷ niệm. Anh Kim đến từ mười giờ nhưng thấy bọn thằng Quang cứ mải mê đánh chén, hát hò nên khoảng mười một giờ anh xin về nhà ăn cơm và hứa sẽ quay lại ngay. Mấy đứa con gái muốn giữ anh lại ăn cùng nhưng anh nằng nặc từ chối rồi lủi mất. Giờ anh Kim quay trở về thật đúng lúc quá, muộn thêm vài phút nữa nhà Hiền chắc… ngập mất.

Thằng Quang thấycon gái lớp nó thật kỳ lạ, rõ là vừa nãy đứa nào đứa nấy không khóc lóc thì mặt mũi méo xệch. Vậy mà giờ anh thợ ảnh quay lại vẻ mặt bọn nó liền biến thành hý hửng, nỗi buồn bị vứt đi nhanh chóng; bọn nó ôm nhau chạy ra bãi đất chống bên cạnh cổng ôm vai bá cổ để chụp mấy tầm ảnh tập thể đầu tiên, ai nấy cười thật tươi, đứng thật đẹp như sợ mình thua chị kém em. Lũ con trai lúc này chỉ biết ngồi nhìn nhau và nhìn lại bọn con gái bằng ánh mắt khó hiểu. Hầy, bảo sao người ta nói phụ nữ là giống loài hay thay đổi.
Anh Kim luôn tay bấm máy, luôn miệng điều chỉnh bọn lớp A4 sao cho có những góc chụp đẹp nhất. Sau khi chụp xong ảnh tập thể lớp, ảnh tổ và chụp cả hình với chín đứa con trai, thằng Quang đứng ra ngoài xem lũ bạn xông vào tranh nhau chụp ảnh, có đứa đòi chụp riêng, có đứa chụp chung với cạ. Lúc này nó chợt muốn chụp với Mai một tấm ảnh làm kỷ niệm. Bây giờ nó ngỏ lờiđương nhiên Mai đồng ý ngay nhưng nếu làm vậy e rằng khó tránh khỏi sự chú ý của cả lớp. Điều đó vẫn khiếnnó ngại, khiến nó sợ. Sợhơn bốn chục mạng trong lớp, đồng thờingại cô bạn mình. Nhưng các cụ nói“cái khó ló cái khôn”, đang bí rì rì chợtđầu thằng Quanglóe ra một sáng kiến. Nó vỗ tay đánh đét, chạy ngay đến chỗ mấy đứa con gái đứng.
Ý tưởng của thằng Quang chẳng có gì cao siêu nhưng vô cùng kín kẽ, không ai có thể thắc mắc gì cả. Nó bảo muốn chụp riêng với mấy đứa ngồi cùng bàn mỗi đứa một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Chụp với ba đứa con gái đang ngồi với mình xong thằng Quang tiếp tục bảo muốn chụp chung cả với Mai vì Mai từng ngồi cùng nó. Mấy đứa con gái trong lớp thấy vậy cứ tấm tắc khen thằng Quang giàu tình cảm, màđâu biết rằng thằng Quang chỉ giàu tình cảm với riêng Mai thôi. Tất nhiên Mai đồng ý. Lúc đứng cạnh Mai, thằng Quang rất muốn đưa tay sang ôm vai bạn hoặc không kém phần liều lĩnh là nắm lấy tay Mai song tất nhiên đó chỉ là ý định trong đầu chứ bố bảo nó cũngchẳng dám làm thật. Thế là trong bức ảnh ấy thằng Quang đứng thẳng cực kỳ nghiêm chỉnh, hai tay đút túi quần, đầu nghiêng về phía người trong mộng và… mỉm cười. Mai đứng bên trái nó, hai tay để ra phía trước, tay trái ôm lấy khuỷu cánh tay phải đang duỗi thẳng, đầu hơi nghiêng về phía thằng Quang nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thật đẹp. Sau này vào đại học thỉnh thoảng thằng Quang vẫn lôi tấm hình đó ra xem và thắc mắc không biết bây giờ Mai sống thế nào, có nhớ nó như nó nhớ Mai không? Thâm tâmnó còn thương Mai nhiều lắm.


Chương 4 - Phần 2.


Buổi tối trước ngày thi tốt nghiệp môn đầu tiên thằng Quang không ôn tập nữa, chỉ ngồi thu dọn sách vở, chuẩn bị đồ cho buổi thi sáng mai. Nó nghĩ ôn bấy nhiêuđủ rồi, mới thi tốt nghiệp chứ đã phải thi đại học đâu. Thật ra chẳng cần chuẩn bị nhiều vì sáng mai thi môn văn. Thi văn trước giờ chỉ cần có cái bút là đủ, đâu cần ê-ke, com-pa để chuẩn bị trước; nhưng nghĩ một lúc, nó vẫn nhét vào cặp mấy quyển vở và sách tham khảo dẫu biết sẽ chẳng giở ra đọc, bởi chẳng lẽ mang hai bàn tay trắng đi thi. Lục tục một hồi thằng Quang chợt chú ý vào bảng thời khóa biểu trước mặt, thời khóa biểu học kỳ hai lớp mười hai của nó, xong khẽ thở dài. Thời gian trôi qua nhanh thật, loáng một cái nó đã học hết ba năm trung học phổ thông và sắp thi đại học. Nó nhớ hình nhưhồi còn học lớp hai, có lần nó hỏi mẹ:
- Bao giờkhông phải đi học nữa hả mẹ?
Mẹ nó trả lời:
- Cứ học đi, còn lâu. Hết lớp mười hai mới xem có được đi học nữa không.
Thằng Quang nghe vậy nản lắm, hết lớp mười hai mới có khả năng không phải tiếp tục đi học trong khi bây giờ nó mới học lớp hai, còn tận mười năm nữa lận. Mà mẹ nó nói "mới xem có được đi học nữa hay không", cần gì phải ai xem, được nghỉ là nóở nhà luôn, dẫu có người đến mời nóchẳng chịu đi choấy là được mới chẳng không được. Tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ của một thắng nhóc lớp hai, càng lớn thằng Quang càng ý thức được tầm quan trọng của việc học hành, bây giờ ngồi nhớ về những suy nghĩ của mình hồi nhỏ nó thấy thật buồn cười. Quanhquẩnmột hồi thằng Quang chợt nhớ đến Mai, rồi trong lòng lại ẩn hiện một nỗi buồn man mác. Nhưng nỗi buồn chưa kịp thành hình, nó bỗng phì cười vì trong đầu vừa thoáng qua ý nghĩ: không hiểu nếu mẹ nó biết buổi tối trước ngày thiđầu tiên thằng con trai bà chẳng thèm mở sách vở ra xem lại mà đang ngồi ngẩn ngơ nghĩ đến một người con gái, bà sẽ phản ứng như thế nào? Có lấy cán chổi đập vào mông nó giống khi xưa không? Câu hỏi này khiến thằng Quang thật sự thắc mắc, cứ ngồi cười mất một lúc. Song nóthấy thật oan uổng nếu bị mẹ đánh vì vấn đề này. Nó đâu muốn nghĩ đến Mai, tại Mai cứ từ đâu bay đến chui vào đầu nó đấy chứ, nó chẳng đuổi đi được, huống chi nó không hề muốn đuổi. Hết Mai nó lại nghĩ sang lá thư trong cặp. Mấy hôm nay thằng Quangxác định sẽ đưa lá thư tình của mình cho Mai khi thi xong môn cuối cùng, lần này quyết phải gửi bằng được nếu vẫn không được thì... thôi. Nó sẽ lựa một ngày đẹp trời trước khi thi đại học, hoặc cùng lắm là sau khi thi xong, đến tận nhà gửi cho Mai. Dù đã nghĩ đến thế nhưng nó vẫn dặn mình phải cố gắng gửi cho Mai trong ngày thi cuối để đầu óc khỏi vướng víu chi nữa.
Hai ngày thi đầu trôi qua khá suôn sẻ với thằng Quang. Năm nay coi thi rất nghiêm ngặt, vụ mang tài liệu vào phòng thi bị cấm tiệt chứ không dễ như mọi năm. Song việc trao đổi bài vẫn khá thuận lợi dù không đến mức thoải mái như mấy năm trước, nên các môn nó đều làm được, hoặc không làm được cũng chép được. Chỉ còn lại hai môn thi cuối cùng là Toán và Tiếng Anh. Đây là hai môn tủ của thằng Quang vì vậy nó không lo lắm. Bốn môn trước nó đều làm tốt, chờ thi xong hai môn này điểm thi của nó sẽ khá cao cho xem.
Buổi tối trước hôm thi cuối, thằng Quang lấy lá thư mình viết cho Mai ra đọc lại, lần đọc thứ n của nó. Đọc xong nó không cất đi ngay. Nó cầm trên tay xoay đi xoay lại một lúc, người cứ thừ ra ra chiều suy nghĩ ghê lắm; một lúc sau mớicất thư vào cặp. Hình như trong đầu nó lúc này chỉ có một tâm niệm: “Ngày mai, nhất định ngày mai phải gửi bằng được".

Sáng hôm ấy nó đến trường khá sớm nhưng lúc dắt xe xuống nhà gửi đã thấy Mai đứng chờ ở đó. Đúng là một cơ hội thuận lợi, nhất là khi nhìn xung quanh thằng Quang chỉ thấy lác đác vài đứa đang dựng xe giữa cả khu lán rộng thênh thang. Bây giờ không đưa thư còn chờ lúc nào. Nhưng thằng Quang chưa kịp lên tiếng, Mai đã vẫy tay,vừa đi về phía nó vừa cười nói:
- Hôm nay Quang đi sớm thế.
Thằng Quang tươi tỉnh trả lời:
- Không sớm bằng Mai mà.
Nó chưa kịp nói thêmMai đã vội cướp lời:
- Chiều nay thi xong Quang đừngvề ngay nhé, chờ tớ cùng về với, tớ có chuyện muốn nói với Quang.
Đầu thằng Quang chợt oong lên một tiếng như vừa va phải một quả chuông to bự. Nó đứng đực tại chỗ, trong đầu lóe lên bao suy nghĩ. Những câu hỏi "tại sao Mai lại hẹn gặp riêng mình", "chuyện Mai muốn nói với mình là chuyện gì", "điều Mai muốn nói với mình có giống điều mình muốn nói với Mai không"... lướt qua trí óc thằng Quang nhanh như điện xẹt. Bất chợt nó mỉm cười. Đúng rồi, hóa ra Mai thích nó, hóa ra bao lâu nay Mai cũng chẳng dám nói ra và giốngnó, Mai chọn ngày hôm nay để nói rõ tất cả. Không chừng Mai đã có sẵn một lá thư y hệt lá thư của nó trong cặp, chiều nay Mai sẽ đưa cho nó. Những ý nghĩ ấy làm thằng Quang sướng râm ran trong bụng. Nhìn bộ dạng kỳ lạ của thằng bạn, Mai cất tiếng hỏi:
- Được không Quang?
Thằng Quang lúc này mới sực tỉnh, nó nhớ ra mình đang nói chuyện với Mai, liền vội đáp:
- Được chứ, tất nhiên là được rồi.
Lúc này Mai mới mỉm cười, cùng nó bước đến phòng thi. Thằng Quang nhận ra hôm nay Mai đi sớm hơn hẳn mọi ngày. Mấy hôm thi này nó luôn đi sớm rồi, còn Mai từ đợt bố bị gãy chân thường xuyên đi học muộn do phải quán xuyến việc gia đình. Hai hôm thi trước nó thấy Mai đến khá muộn, thế mà hôm nay lúc nó đến nơi đã gặp cô bạn đủng đỉnh chờ ở lán xe từ bao giờ. Nghĩ đến đây thằng Quang trộm nhìn Mai đang đi bên cạnh xong lại khẽ nở nụ cười kín đáo. Hóa ra Maiđang sốt ruột chẳng kém gì nó, chắc chắn hôm nay Mai chủ định đến sớm để gặp nó nhằm nói ra cuộc hẹn chiều nay.Nghĩ thế thằng Quang quyết định thay đổi chiến thuật;chiều nay cứ để Mai nói trước, Mai nói hết nó mới nói rõ lòng mình sau đó đưa lá thư ra. "Đúng vậy, chiều nay phải làm như thế mới được", nó tự nhủ.
Buổi chiều thi xong thằng Quangvội vàng thu dọn bút thước để phóng xuống nhà xe, nó biết giờ này Mai đang đợi ở đó. Hôm nay thi hai môn tủ nên nó làm tốt, tốt nghiệp coi như xong, giờ tập trung chuẩn bị thi đại học.Trước hết phải giải quyết xong chuyện của nó với Mai. Nhưng nó vừa trực lao đi chợt có tiếng gọi:
- Quang!
Thằng Quang quay lại nhận ra người vừa gọi mình là con Quyên. Phòng thi này chỉ có bốn đứa lớp 12A4 gồm nó, con Quyên, thằng Sơn và cái Sinh; tiếc là bốn đứa thì mỗi đứa một góc, ai nấy phải tự thân vận động, không đứa nào giúp được đứa nào. Song hình như ba đứa kia đều làm được bài, chiều hôm qua lúc thi xong hỏi han nhau thấy ai nấy cười toe toét. Mà đâu chỉ riêng bọn thằng Quang, phòng thi này đứa nào thi xong cũng thấy thoải mái cả, chỉ cần một người làm được là cả phòng làm được thôi. Nhưng những chuyện ấy giờ không nằm trong phạm vi quan tâm của thằng Quang, điềunó quan tâm lúc này là người đang đợi mình dưới nhà xe kia kìa, vậy nên nó cất tiếng hỏibạn bằng giọng không mấy kiên nhẫn:
- Gì vậy bà nội?
Trái với vẻ nóng vội của thằng Quang, con Quyên ngồi yên nhìn nó không trả lời. Đôi mắt con bạn ra vẻ sâu xa, mồmcứ mấp máy như muốn nói gì đó nhưng mấy lần sắp ra đến miệng lại thôi. Nhìn bọn bạn cứ lướt qua mình đi ra cửa thằng Quang càng nóng ruột, đúng vào lúc nó sắp nổi cáu hét toáng lên với đứa bạn thì con Quyên đang nhìn nó lom lom đột nhiên mỉm cười nói:
- Hì, không có gì. Thôi, ông đi về đi.
Thằng Quang nghe xong tức nổ đom đóm mắt, đã vội còn bị con bạn chơi trò cù nhây. Chắc con nàynhận ra nó đang gấp nên bày trò chơi nó đây. Nếu là bình thường nó sẽ không dễ dàng bỏ qua vụ này đâu nhưng giờ đang vội nên đành ghi hận. Thằng Quang lườm con bạn một cái tóe lửa rồi phóng ào ra sân.
Con Quyên vẫn ngồi im. Nhìn theo bóng dáng đứa bạn xa dần, nó khẽ thở dài. Cả phòng thi rộng rãi giờ chỉ còn mình con Quyên ở lại. Nó cứ ngồi đó, chống tay lên cằm, đôi mắt lộ vẻ trầm tư; vẻ trầm tư ít thấy ở một đứa con gái hoạt ngôn, hiếu động, hay vui cười. Lúc nãy suýt nữa nó đã đưa cho thằng Quang,nhưng khi nhìn thấy vẻ nóng vội trong mắt thằng bạn kết hợp với những gì nó nghe lỏm được trong cuộc nói chuyện giữa hai đứa Quang - Mai dưới nhà xe hồi sáng và cả những suy luận bấy lâu nay của nó về quan hệ mờ ám của hai đứa bạn, nó chợt thấy mình không nên nói gì cả. Bởi vì nói có lẽ chẳng để làm gì. Chỉ đáng tiếc cho bao công sức của nó... Con Quyên chợt mở ba lô trong tay, ngay ngăn khóa đầu tiên có một lá thư màu hồng xinh xắn nằm gọn ghẽ... Chỉ đáng tiếc và cả đáng thương nữa cho lá thư này. Nó đã thức trắng mấy đêm để viết ra những dòng tâm sự của mình. Bây giờ những dòng ấy biết cho ai xem đây?
Lúc thằng Quang xuống đến nhà xe đã gặp Mai đang chờ ở đó. Nhìn thấy nó Mai nhoẻn miệng cười. Nó cười đáp lại sau đó không ai bảo ai hai đứa cúi xuống vờ buộc cặp, sửa xe, chờ bọn bạn ra hết. Lúc mấy đứa bạn đi ngang qua rủ về, cả nó và Mai đều chỉ ừ hử rồi vờ lúi húi để kéo dài thời gian. Điều khiến thằng Quang thắc mắc là khi con Quyên đi ra cổng, rủ Mai về xong,quay sang nó, con bạn vừa cười vừa nháy mắt rất mờ ám. Thằng Quang tự hỏi cái nháy mắt kia có ý gì? Phải chăng con bạn đã nhận ra điều gì đó nên lúc nãybày trò cù nhây bây giờ lại nháy mắt? Nhưng thôi kệ, thitốt nghiệp rồi, con Quyên hay ai biết chuyện của nó chẳng sao, trước hết cứ tập trung lo việc giữa nó với Mai đã.
Thấy bọn bạnra hết, nhà xe chỉ còn vài người, thằng Quang vớiMai mới thong thả đi ra cổng.
Trên suốt quãng đường về hai đứa chỉ im lặng. Thằng Quang lấy làm lạ,Mai bảo có chuyện muốn nói, sao nãy giờ nín thinh,lẽ nào Mai đang ngại giống nó? Nghĩ thế,nó cố liếc sang khuôn mặt Mai và thấy đúng là khuôn mặt ấy đang đỏ lên thật, vừa lúc đó Mai quay qua định nói gì nhưng thấy nó liếc nhìn nên vội quay đi. Nó cười thầm trong lòng, Mai vốnbản lĩnh lắm thế mà giờ cũng lúng túng, xấu hổ, nửa muốn nói nửa không như vậy. Chẳng thể trách cô bạn được, nó là con trai còn không biết mở miệng thế nào huống chi Mai là con gái định tỏ tình trước. Thằng Quang muốn lên tiếngchợt nghe thấy Mai hỏi:
- Hôm nay chắc Quang làm bài tốt lắm nhỉ?
"Bắt đầu rồi đấy"; ý nghĩ ấy lóe lên trong đầu thằng Quang. Nó mau mắn trả lời:
- Ừ, tạm tạm. Còn Mai thì sao, chắcổn chứ?
Mai mỉm cười:
- Cũng ổn, may mà ngồi ngay cạnh tớ có bạn học khối D, làm được bao nhiêu đều cho tớ chép cả nên chắc chẳng có gì đáng lo.
Nói xongMai tiếp tụclặng im. Nó bắt đầu sốt ruột vì đã sắp đến chỗ rẽ về nhà Mai. Kiểu này nó phải nói trước thôi, xem ra Mai không thắng được sự ngại ngùng trong lòng mình. Nhưng đúng lúc nó định mở miệng, cô bạn lại nói tiếp:
- Quang chơi thân với Toản lắm phải không?
Lần này nghe Mai hỏi thằng Quang chẳng thấy thoải mái hơn, ngược lại càng trở nên sốt ruột. Mai sắp rẽ rồi, quanh quẩn mấy câu hỏi vớ vẩn này làm gì, vào thẳng vấn đề chính đi. Chỉ cần Mai nói trước một câu, chín câu còn lại cứ để nó nói. Hoặc không cô bạn này cứ ngồi imđể tự nó phát ngôn, đằng này lại nói nhăng quậy linh tinh chỉ tổ tốn thời gian; thằng Toản có liên quan gì ở đây, cớ gì nhắc đến nó? Dù vậy, thằng Quangcố làm ra vẻ bình tĩnh đáp:
- Ừ, bọn tớ lớn lên cùng nhau mà.
Nghe vậy Mai hơi thở phào. Mai vươn tay ra đằng giỏ xe mở khóa ba-lô, lôi ra một phong thư màu xanh nhạt đưa cho thằng Quang đoạn nói nhanh:
- Vậy nhờ Quang đưa cho Toản lá thư này nhé, mấy lần tớ định đưa nhưng chẳng gặp Toản ở đâu cả. Quang cứ nói là thư của Mai A4 nhờ gửi. Từ giờ đến lúc thi đại học không biết có gặp lại Quang không, tớ chúc Quang thi đại học đạt kết quả thật cao nha.
Nói xong và đợi thằng Quang cầm lấy lá thư, Mai guồng chân đạp mạnh cho xe lao xuống dốc chỗ ngã ba, phóng đi rất nhanh. Chắc Mai đang xấu hổ lắm, mấy câu nói vừa nãycó lẽ đã lấy hết dũng khí của cô bénày.
Mai lao đi, không hề quay đầu lại, nếu quay lại chắc hẳn Mai sẽ rất ngạc nhiên vì khi ấy sẽ được chứng kiến cảnh bạn mình đứngnhư tượng, mồm há ra, mắt đăm đăm nhìn lá thư cầm trên tay. Mấy chiếc ô-tô tải đi qua cuộn lênđám bụi lớn bao quanh người thằng Quang nhưng nó mặc kệ, cứ đứng im, không thèm quay mặt tránh. Những cơn gió từ dòng sông Đà lướt qua cánh đồng lúa mênh mông thổi vào phía trong đê mát rượi, giống hệt buổi chiều hômthằng Quang đưa Mai về từ chợ Xuân La, nhưng giờ thằng Quang chẳng cảm thấy gì cả. Nó vẫn một chân trên bàn đạp, một chân chống đất, mắt nhìn chăm chămbức thư. Hình như từ lúc nhận thư Mai trao, thằng Quang vẫn giữ nguyên tư thế này không chút thay đổi. Bao nhiêu suy nghĩ lướt qua đầu nó. Nó nhớ lại thái độ của Mai khi gặp thằng Toản ở nhà mình, nhớ tới những câu hỏi thăm dò lúc nó đưa Mai về chiều hôm ấy.Bất chợt nó nhếch miệng cười, cười như mếu. Hóa ra là vậy, hóa ra từ hôm đó Mai đã có tình cảm với thằng Toản. Không, phải sớm hơn thế, có lẽ ngay từ những ngày cùng công tác ở văn phòng đoàn Maiđã thích thằng Toản. Lần gặp nhau ở nhà nó chỉ củng cố thêm tình cảm của Mai thôi. Và hôm nay Mai viết thư cho bạn nó. Thằng Quang nhìn phong bì xanh nhạt xinh xắn đang cầm, bêntrongđựnglá thư khá dày. Chắc Mai có nhiều điều muốn nói với thằng Toản lắm đây.Lúc nãy Mai nói dối, hồi sáng dù không đi cùng nhưng lúc ngồi ở ghế đá sân trường rõ ràng nó thấy thằng Toản đứng đấu khẩu hăng say với mấy thằng lớp A6. Thằng Toản đi thi suốt ba hôm nay, đâu bỏ buổi nào, làm gì có chuyện Mai không gặp. Càng nghĩ càng thấy khi nhờ nó đưa thư cho thằng Toản làMai muốn dùng một mũi tên… bắn chết hai con chim; vừa khéo léo từ chối tình cảm của nó, tránh cho nó tự ái, buồn bực, vừa thông qua nó chuyển thư tình đến tay thằng Toản, khỏi phải gặp trực tiếp bạn nó, đỡ xấu hổ, lúng túng.Cô bạn nó thông minh thật.

Lòng thằng Quang nhẹ tênh và trống rỗng. Thâm tâm nó lúc này lẫn lộn bao cảm xúc. Có thất vọng, có đau đớn, có tức giận, và…buồn, buồn tê tái. Tự nhiên nó muốn vứt lá thư đi quá, nhưng cuối cùng nó không làm. Mai là bạn nó, thằng Toản cũng là bạn nó. Nó không thể có lỗi với Mai, càng không thể có lỗi với đứa bạn chí cốt của mình. Nó cứ đứng im nhìn xuống lá thư cầm ở tay. Một lúc sau mới thở dài, cấtthư vào túi, nhấn pê-đan đạp xe đi. Bóng nó đổ dài trên con đê chiều. Tiếng còi tàu chợt hú vang làm nó giật mình quay ra sông; giữa dòngnước lấp loáng ánh mặt trời, ba chiếc ca-nô chở đầy cát nối đuôi nhau hối hả chạy. Bên kia sông, dãy núi Ba Vì trongmột ngày nhiều nắng ít mây hiện lên rõ mồn một. Đúng vào lúc đó, chẳng hiểu sao thằng Quang bỗng buột miệng lẩm bẩm: “Tớ sẽ gửi hộ Mai lá thư này thôi. Nhưng còn lá thư của tớ, ai sẽ gửi hộ tớ đây? Mai ơi!".

Hết.
 
Tham gia
21/11/19
Bài viết
2
Gạo
0,0
Mình đã đọc ngấu nghiến nốt câu chuyện khi biết bạn đăng nốt. Bạn biết không, khi đọc truyện, mình đã lôi tấm ảnh cũ ngày chia tay lớp, mình chụp với cô bạn thân ra để ngắm. Hình như đã quá lâu rồi mình không nhớ về những năm tháng học trò bởi bộn bề cuộc sống. Cảm ơn bạn một lần nữa đã gợi nhớ cho mình bao kỉ niệm tuổi hồng. Mình đã bật cười, đã hồi hộp theo cảm xúc của Quang. Xuyên suốt câu chuyện mình luôn ngóng chờ xem Quang sẽ thổ lộ tình cảm với Mai ra sao, gửi bức thư tình cho Mai như thế nào nhưng suy nghĩ kĩ thì tác giả đã đặt tựa đề là " lá thư không gửi" nên mình cũng lờ mờ hiểu được cái kết. Mình đồng ý với cái kết mà tác giả đặt ra bởi vì hãy cứ để tình yêu tuổi học trò trong sáng, ngây thơ như vậy. Hãy cứ để Mai và Quang là đôi bạn tốt của nhau, được chia sẻ niềm vui trong cuộc sống cho nhau một cách tự nhiên nhất. Đó chẳng phải là một cái kết viên mãn ư? Một câu chuyện nào cũng sẽ có một vài hạt sạn, mình mong muốn nhận đượcbpharn hồi của tác giả để mình góp ý riêng nhé. Tuy nhiên, mình rất thích câu chuyện này. Chúc tác giả có thật nhiều sức khỏe vsf ra thêm nhiều tác phẩm ý nghĩa nhé. Thân ái!
 
Bên trên