Hoàn thành Lụa - Hoàn thành- Cam

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Lụa
Tác giả: Cánh Cam
Tình trạng sáng tác: Hoàn
Thể loại: Phóng tác
Giới hạn độ tuổi: Không
Cảnh báo về nội dung: Không

hjhj.jpg


Tóm tắt nội dung tác phẩm gốc Quan Âm Thị Kính:
Truyện kể về cuộc đời Thị Kính. Lấy chồng thì bị nghi oan tội giết chồng. Nàng phải trở về nhà cha mẹ, sau lại cải trang thành con trai rời khỏi nhà. Nàng đến chùa Vân xin đi tu với tên gọi là tiểu Kính Tâm.
Trong làng có Thị Mầu mang tiếng lẳng lơ, lên chùa gặp tiểu Kính Tâm bèn trêu ghẹo nhưng Kính Tâm thờ ơ và tránh né. Sau đó Thị Mầu mang thai đổ tội cho tiểu. Tiểu Kính Tâm bị làng tra khảo nhưng không nhận tội. Sư chùa Vân thương tình nộp tiền lãnh tiểu về.
Ít lâu sau, Mầu sinh một con trai, bèn đưa cho Kính Tâm nuôi dưỡng. Khi Kính Tâm mất mọi người mới biết Kính Tâm là phụ nữ, nỗi oan của nàng được tháo gỡ. Kính Tâm siêu thăng thành Phật Quan Âm.


Giới thiệu về tác phẩm phóng tác:
... Nàng không để tâm đến những lời dèm pha.
Nàng chẳng màng những đau khổ mình phải chịu.
Nàng chỉ cần người mình thương hiểu được nàng.
Vậy là đủ.


Mục lục:
Chương 1 -- Chương 2 -- Chương 3 -- Chương 4 -- Chương 5 -- Chương 6 -- Chương 7 -- Chương 8 -- Chương 9 -- Chương 10
 
Chỉnh sửa lần cuối:

bupbecaumua

gà luộc
Nhóm Biên tập
Tham gia
9/12/13
Bài viết
3.401
Gạo
6.529,0
Mai là 31, hạn cuối rồi. Bạn đăng truyện nhanh cho đủ 1/2 hoặc hoàn truyện nhé.
Tui mừng rớt nước mắt ra ấy, những ngày cuối rồi mà truyện dài lên nhiều quá. cuteonion58
 

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 1

Mặt trời đương đuổi ngọn tre.

Người ta đã kéo nhau ra đồng cả. Các bà, các chị cũng đã quang gánh, thúng giỏ ở ngoài chợ buôn bán.

Cái giờ này cơm trưa hãy còn quá sớm để thổi, ấy thế mà, bếp nhà ông phú Lục vẫn đương đỏ lửa từ sớm tinh mơ. Công chuyện buôn bán làm ăn ông phú đều gác lại hết để tận tâm tiếp đón khách quý. Chuyện là: Gia đình ông lý trưởng mang trầu cau đến hỏi cô con gái ông phú cho thằng con trai út nhà họ.

Khói bếp vươn mình qua từng viên gạch đỏ, vờn nhau trên mái ngói và chỉ chịu biến mất khi đã vượt qua được tán lá sậm màu của cây mít già.

Nơi cửa nhà bếp, một cái đầu đen lộ ra ngoài hướng lên nhà trên. Thị Mầu dính sát cả người vào tường, vươn cái cổ dài trắng ngần chỉ ló mỗi cái đầu, đôi mắt mở lớn, đôi tai căng ra nghe ngóng. Dáng vẻ lén lút như phường trộm cắp.

Mặc cho đau nhức hai mắt và cứng cả cổ, Mầu vẫn chẳng tỏ tường ở trên đang diễn ra sự gì. Những tiếng nói cười từ trên nhà truyền xuống bếp cũng chỉ còn là âm thanh rì rầm không rõ nghĩa. Mầu thất vọng quay trở lại ngồi bên cạnh con Nếp. Nàng với lấy que củi ngay gần chân mình rồi khều ra từ đám than trong bếp một củ khoai lang mà mới nãy mình mới vùi. Con bé Nếp liếc mắt, môi dưới của nó hơi trề ra có vẻ rất bất mãn. Mầu không hề hay biết, nàng hết chọc chọc đám than lại quay ra chọc chọc vào củ khoai.

Rốt cục con Nếp không thể chịu nổi nữa, củ khoai qua tay cô Mầu giờ thực thảm. Nó lấy cái gắp bằng tre đã mòn vẹt hai đầu chẳng cần xin phép gì đã đem khoai từ chỗ cô vùi vào đám than hồng một lần nữa.

Cái hành động này của một đứa ở đối với chủ bị xem là hỗn lắm nhưng với con Nếp thì quá đỗi bình thường. Ở cái nhà này con Nếp ai cũng sợ chỉ duy cô Mầu là nó chẳng sợ. Mà cũng chẳng phải riêng mình nó, người ở trong nhà này, chẳng ai e ngại cô Mầu. Thế nên con Nếp mới có cái điệu bộ và hành động sỗ sàng như vậy.

Nồi nước vừa hay sôi, con Nếp dụi tắt lửa, gắp thêm than sang bếp bên để nướng khoai. Lúc nó quay ra đã lại thấy cái tướng giống quân trộm cắp của cô Mầu ở cửa bếp. Nó nghĩ bụng: Đương lúc bận rộn như vậy mà cô Mầu còn bắt mình nướng khoai. Mà đã nướng cô còn phá ngang. Dì Dần lâu không thấy mình khéo lại quở cơ mà giờ đi thì khoai nướng không ai xem lại cháy khét ra.

Con Nếp băn khoăn lắm nó không biết nên ngồi ở đây hay là ra giúp dì Dần. Rồi nó gọi cô Mầu, gọi đến lần thứ hai cô mới đáp lại. Mặt nó xụ xuống, cái miệng nó làu bàu:

- Cô Mầu, tí nữa thể nào cô chả lên trên ấy, cô cứ đứng đấy làm gì. Mà sao cô còn bảo con nướng khoai chứ? Cô có ăn ngay được đâu. Mà sao cô không ở nhà ngang cho sạch sẽ, xuống dưới bếp này làm gì, bẩn váy áo bà lớn lại trách con. Dì Dần lâu không thấy con ra giúp lại cũng mắng con cho mà xem.

Cái giọng điệu này mà có ở một đứa ở chắc chắn đã bị nọc cổ ra đánh rồi bị tống đi ngay rồi. Nhưng ở nhà ông phú Lục, không chỉ riêng con Nếp ai cũng chẳng kiêng dè điều gì khi nói chuyện với cô Mầu. Và theo như con Nếp thấy cô Mầu cũng chẳng để tâm đến điều này lắm, miễn là không quá hỗn hào thì cô đều chịu.

Mầu đã lại gần cái Nếp, trông thấy khuôn mặt sốt sắng của nó liền sẵng giọng, ngón trỏ gí vào cái trán nhỏ nhưng chẳng mang chút sức nào cả.

- Mày sợ chị Dần hơn sợ cô hử? Ở đây, nướng khoai cho cô. Nướng chín mới được đi, nghe chưa.

Thú thực, so với cô Mầu với con Nếp nó sợ dì Dần hơn hẳn. Nó đương muốn nói với cô chủ mình phải đi giúp dì chuẩn bị mâm cơm mời khách thì lúc ấy có tiếng bước chân vội vã. Cả Mầu và con Nếp đều trông ra ngưỡng cửa. Anh Tịu đã đứng ở đó, bộ dạng hớt ha hớt hải. Từ nhà trên xuống bếp mà anh ta làm như phải chạy tận ba quãng đồng vậy.

- Hóa ra là cô ở đây, tôi còn nghĩ cô ở nhà ngang. Cô Mầu, ông cho gọi cô đấy ạ.

Mầu mỉm cười, ừ một tiếng. Con Nếp trong đầu tính rằng đợi cho cô Mầu lên nhà thì mình sẽ đi tìm dì Dần. Thế nhưng Mầu như biết tỏng con Nếp nghĩ gì, liền trừng mắt với nó.

- Ở đây nướng khoai cho cô. Nướng chín đi đâu thì đi. Mày không để lời cô vào tai hử?

Con Nếp mặt méo xệch đưa ánh mắt bất đắc dĩ nhìn chú Tịu. Cô Mầu đã nói thế nó nào dám trái.

- Nhà đang có khách nên cô để con Nếp đi với tôi còn chuẩn bị cơm rượu cho nhanh. Khoai cứ để đấy một lúc là chín ấy mà. Cô lên nhà kẻo mọi người lại mong ạ. – Anh Tịu lễ phép.

Mầu vuốt nhẹ lớp vải hai bên sườn cho phẳng phiu. Giọng điệu không nặng không nhẹ nói với con Nếp:

- Ở đây, nướng khoai cho cô. Còn anh Tịu, mình anh không làm được thì cứ lên nhà gọi tôi, tôi sẽ xuống làm giúp.

Anh Tịu hơi cúi người, vội nói:

- Tôi nào dám thưa cô. Thôi, xin cô lên nhà trên kẻo ông bà sốt ruột.

Bấy giờ, Mầu mới ra khỏi bếp. Anh Tịu cũng chào nàng, không đi gian nhà chính mà vội ra vườn. Mầu thấy vậy nói ở phía sau:

- Anh cứ từ từ, làm gì mà phải vội.

Lời của Mầu còn chưa dứt đã không thấy bóng dáng anh Tịu. Miệng nàng lại lẩm nhẩm:

- Chắc gì người ta đã ở lại xơi cơm.

Nắng đã leo lên tận giàn trầu, Thị Mầu khoan thai bước từng bước lên trên nhà.

Hôm nay, ngày Bính Tuất, tháng Giáp Ngọ, thuận cho việc lễ chùa, cầu tài lộc, giải hạn.

Kỵ việc cưới hỏi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 2

Cúi chào lần lượt thầy mẹ cùng những người khách quý Mầu mới lại gần chỗ mẹ cả lễ phép đứng cạnh. Cha của Mầu – ông phú Lục gật đầu, đôi mắt nheo lại thành một sợi chỉ ra đều ưng sự lễ phép của nàng lắm, rồi sai người hầu lấy cho Mầu một cái ghế để nàng ngồi.

Ông phú từ tốn uống một ngụm trà rồi mới trông đến ông lý đối diện cũng vừa hay đặt chén xuống. Bấy giờ ông mới nghiêng mình kính cẩn thưa chuyện.

- Hôm nay, ông bà cùng cậu đến chơi với nhà chúng tôi thật quý hóa quá. Cậu út Lạc đây tướng mạo chỉ nhìn thôi đã biết là dòng giống công phượng. Nếu con Mầu nhà tôi mà được làm dâu con cho nhà ông bà quả thật là không gì mừng vui hơn.

Bà vợ cả ngồi bên cạnh ông phú cũng gật đầu phụ họa, miệng cười sơn sớt:

- Vâng, đúng thế, đúng thế. Cậu Lạc đây muốn tài có tài, muốn đức có đức. Con Mầu đúng là phải tu mấy kiếp mới có thể được làm dâu con nhà ông bà đấy ạ.

Ông lý cười khiến khóe mắt đầy những nếp nhăn, cái đầu gật gù, bàn tay vuốt chòm râu đã lốm đốm những sợi bạc của mình ra đều ưng lời của ông bà phú lắm. Bà lý không nói chi, rất ý tứ mà dùng chiếc quạt lụa che đi nửa khuôn mặt, tuy vậy ai ở trong nhà đều nhìn ra đuôi mắt đã cong lại không giấu được vẻ vui sướng của bà. Cậu út Lạc thì đầy kiêu ngạo, cậu vốn rất xem thường những lời khen này dành cho mình, cậu nghe nhiều đến mức thấy chúng nhàm lắm rồi. Vậy nên cậu chỉ khẽ nhếch một bên khóe miệng, khuôn mặt hếch lên trên, còn đôi mắt đảo vài vòng trên người Mầu, trông thế nào cũng giống người phải gió.

Sau đó, lại là lời ông bà phú ca tụng công đức của ông lý trưởng đối với dân làng, tài năng tướng mạo tót vời của cậu út Lạc, cùng những cái gật đầu, cái lim dim mắt đắc ý của ông bà lý và cái mặt kênh kiệu phải gió của cậu út Lạc. Đám hỏi mà lại giống như một cuộc nịnh bợ.

Mầu chỉ im lặng, cười nụ, đôi mắt đong đưa hết chỗ ông lý đến chỗ cậu út Lạc. Mỗi khi hai người cất lời là nàng như chuyên chú lắm, coi những từ những chữ ấy như là vàng, là ngọc.

Mỗi lần bắt gặp ánh mắt họ, Mầu không thẹn thùng cúi mặt hay quay đầu nhìn đi chỗ khác mà đôi mắt nàng lúng liếng khẽ chớp rồi mỉm cười duyên dáng với họ.

Bà lý ngồi ở bên kia đã nhíu đầu mày, ý cười trong mắt hoàn toàn tắt ngấm. Bà phú ngồi ở bên kia nghiến răng, kín đáo véo vào hông Mầu. Nàng nhịn đau, coi như không có chuyện gì cái miệng càng tươi cười.

Hết một tuần trà, Mầu đứng dậy váy áo thướt tha tự tay rót chén nước. Nàng mời ông lý, bà lý với giọng ngọt ngào.

Lúc nhận lấy chén trà kia, ông lý đã thất thần vì trông thấy nụ cười như hoa lan của Mầu, ngửi thấy mùi hương còn thơm hơn cả trà ướp hoa sen mà ông phú tán thưởng không thôi. Cả đôi mắt lúng liếng kia khiến lòng ông nhộn nhạo. Bộ dạng thướt tha, uyển chuyển trước mặt khiến ông lý có phần thất thố, nhìn không chớp mắt, giữ chén trà mãi trên tay mà không uống hay là đặt nó xuống.

Đến khi Mầu kính chén trà cho cậu Lạc cũng tràn đầy tình ý. Đôi mắt nàng cười, khóe miệng nàng cong lên, đôi má đỏ hây hây. khuôn mặt mang dáng vẻ e ấp của thiếu nữ nhưng dáng người lả lơi kia lại cực kỳ thành thục.

Mầu đã hớp hồn được cậu út Lạc.

Bà lý mặt đanh lại, hơi thở phập phồng lửa giận. Bà nắm chặt cái chén trong tay, khẽ hừ một tiếng. Ngay từ đầu bà đã e ngại điều tiếng của Mầu, thế nhưng lời bà mối lại khiến bà đổi ý. Bà lý tức nghĩ không khéo con mụ mối lái kia ăn được của nhà ông phú không ít bạc tiền mới đi nói mấy lời tốt đẹp cho con Mầu. Loại con gái lẳng lơ trơ cái mặt này thực khiến bà sôi máu. Ngay trước mặt thầy mẹ nó, trước bao nhiêu con mắt vậy mà nó dám liếc mắt đưa tình, đong đưa, õng ẹo như sắp ngã vào người chồng bà. Nó mà về nhà bà, chả mấy mà nó cắm đôi sừng to tướng lên đầu con trai bà. Còn lão chồng bà, kẻ háo sắc nhất nhì cái làng này không khéo còn góp công, góp sức mà cắm cái sừng ấy vào đầu chính con trai mình cũng chưa biết chừng.

Loạn, thế thì loạn hết!

Bà thiết nghĩ không phải con Mầu thì vẫn còn đầy ra những đứa con gái để cho con trai bà lấy làm vợ. Chứ bà quyết rồi, nhất định không thể rước đứa con gái lẳng lơ, trắc nết này về được.

Chén trà chưa kịp uống đã rơi xuống đất, bà lý vờ ôm đầu, kêu lên một tiếng. Mọi người ai nấy đều giật mình cuống quýt cả lên. Cậu út Lạc bên cạnh vội đỡ lấy tay mẹ, ông lý tạm hoãn việc thưởng trà và gái đẹp rất sốt sắng hỏi vợ đau yếu nơi đâu.

Bà lý yếu ớt tựa vào người con trai, miệng lại nhanh nhảu nói với ông bà phú:

- Ôi chao, cái đầu tôi. Chứng đau đầu này của tôi xem ra tái phát không phải lúc rồi. Mà tôi lại xem thường không đem theo thuốc nữa chứ, thật là.

Ông lý cùng con nhìn bà lý. Bà ấy một năm chỉ một, hai lần ốm vặt, mạnh mẽ như sư tử lấy đâu ra chứng bệnh đau đầu kinh niên phải dùng đến thuốc. Tuy thấy bà lý trả vờ nhưng hai người không ai nói tiếng nào tiếp tục sắm vai người chồng, người con tốt. Còn riêng ông lý, bàn tay nắm tay vợ của ông càng thêm chặt hơn vì ông cảm thấy chột dạ, xem ra dáng vẻ mê gái của mình đã quá lộ liễu rồi.

Bà lý tiếp tục:

- Chuyện qua lại giữa thằng út nhà tôi với con gái ông bà đành để lần sau nói. Tôi xin phép ông bà về sớm còn mời thầy lang xem bệnh.

Bà lý đã viện đến lý do như vậy, kiên quyết như vậy thì ông bà phú còn biết nói thêm gì để giữ khách ở lại. Ông lý tiếc lắm nhưng cũng biết làm gì khác, cậu út Lạc muốn ngắm người đẹp thêm nữa cũng chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối trong lòng.

Rồi bà lý yếu ớt kéo tay con trai đứng dậy. Ông lý lật đật xỏ đôi giầy gật đầu với ông bà phú bước vội theo sau.

Cuộc nói chuyện vui vẻ là vậy, chỉ sau lần mời trà của Mầu mà bóng dáng ông bà lý cùng con trai út biến mất trong nháy mắt.

Gian phòng chính giờ chỉ còn ông bà phú và Thị Mầu.

Bà cả nhìn Mầu nửa con mắt, bắt đầu kể tội:

- Ông xem con gái ông kìa, tìm được một đám tốt như vậy mà bị nó phá hỏng.

Thị Mầu rất vô tội mà thưa:

- Mẹ cả, sao mẹ lại nói vậy? Tại sao con lại đi phá hỏng chuyện cả đời của mình chứ. Mẹ nói vậy thật oan con quá.

Bà cả cười khẩy:

- Lại còn ở đấy mà vờ vịt.

Mầu ấm ức, hết nhìn thầy mình rồi lại nhìn mẹ cả giãi bày:

- Nếu thầy mẹ đã trách tội thì con xin chịu. Nhưng con thực sự không biết mình làm sai điều gì. Mong thầy mẹ chỉ dạy.

- Mày không làm gì, mày thật không biết mình đã làm gì? – Bà cả nhướn mày.

- Dạ. – Mầu lễ phép đáp, xong rồi ngoan ngoãn rót cho hai người chén nước. Vừa đưa chén trà cho thầy mẹ vừa nhỏ nhẹ:

- Ban nãy mọi người còn nói cười vui vẻ, là bà lý kêu đau đầu cáo lỗi xin về. Chuyện cưới hỏi đã ai nói không được đâu ạ?

- Lại còn muốn để cho người ta nói thẳng vào mặt là không cưới. Mày xem nhà họ đi. Là họ không thuận mắt mày nên mới ra về đấy.

Đương định nói tiếp thì ông phú ngắt lời vợ. Hai cái giọng chua như chanh vắt cứ léo nhéo bên tai làm ông đau đầu.

Bà cả đã nói sướng miệng đâu, bà còn chưa dạy dỗ con Mầu một phen, còn chưa kể tội em hai không dạy được con mình nên mồm còn ngứa ngáy. Nhưng khi thấy khuôn mặt của chồng bà liền im bặt.

Bà cả thực bực, trông cái bản mặt vờ ngây thơ vô tội của Mầu chỉ muốn đánh. Nó cũng giống hệt con mẹ nó, gian giảo như cáo. Hễ nhìn con Mầu là bà lại nhớ mẹ nó, nhớ đến cái thời mình bị chồng ghẻ lạnh và những uất ức mà mẹ con nó đã đem đến cho bà. Chính mẹ con nó đã cướp đi hạnh phúc bao nhiêu năm mà đáng ra bà phải được hưởng.

Tức giận là vậy đồng thời bà cũng hả hê lắm, vì đám hỏi con Mầu một lần nữa không thành. Cái sự lẳng lơ của con Mầu hôm nay bà đã thấy chứ không còn là lời đồn. Nó sẽ mang tiếng xấu cả đời, nó nào sánh được với con gái bà, và mẹ nó chắc sẽ thấy ê chề lắm. Thế là bà cả dự định ngay tối nay sẽ đi “thăm” em hai - mẹ ruột của Mầu. Mới nghĩ thôi mà bà đã thấy sướng lắm rồi, để xem ả ta còn có thể tỏ ra thanh cao nữa hay không khi đẻ ra một đứa con gái lẳng lơ mất nết như vậy.

Vì thế, bà cả trở về phòng trong niềm hân hoan khôn tả.

Ông phú vẫn ngồi một chỗ, chưa nói câu nào. Trong lòng ông còn hậm hực bà vợ ông lý. Bà ta diễn cũng thật quá hời hợt, người bệnh gì mà đi nhanh khiếp hại ông thiếu chút nữa là ngã sấp mặt ở ngoài thềm, chạy theo ra cổng tới hụt hơi. Nếu không vừa lòng mối hôn sự này kiếm cái cớ là xong. Đều là người hiểu biết, bà ta đã muốn về ông chả nhẽ lại mặt dày nài nỉ nhà bà ở lại.

Ông phú Lục nghĩ chuyện đám hỏi này chắc không thành. Ông tiếc lắm. Làm thông gia với nhà quyền thế ai chẳng muốn. Cơ mà ông đâu phải là chưa có. Người ta không ưng con gái ông còn ông cũng chẳng ưa tính bà lý chút nào. Trách con Mầu kiểu gì? Trong khi nói năng phải phép, chẳng động chạm ông lý hay con trai ông ta. Ngẫm lại, bà lý không vừa mắt con Mầu một phần cũng vì cái thói háo sắc của ông lý. Người gì đâu thấy gái là mắt sáng lên. Nói con Mầu lẳng lơ, phóng đãng? Chỉ dựa vào cái đon đả lúc nó mời nước ư? Như vậy, cũng chả khác gì tự tát vào mặt ông rằng làm cha mà không dạy được con. Còn cái điệu bộ thướt tha của nó? Ai bảo dáng vóc nó đẹp, ai bảo nhà ông quần áo đều là nhung là lụa. Mà người đẹp vì lụa. Trách nó thì mình cũng có tội, cái tội giàu có.

Ông phú lại nghĩ lan man sang chuyện mình giàu. Những năm này, con Mầu giúp ông không ít việc. Nó có công nhiều lắm. Vụ mùa cùng buôn bán năm nay tiền thu về chắc là đếm mỏi tay. Tâm trí ông đã không dừng ở chuyện cưới hỏi của Mầu nữa, thay vào đó là hình ảnh của những đồng tiền.

Ông híp mắt cười, uống cạn chén trà của mình. Trông thấy chén của bà cả vẫn còn đầy bèn với lấy uống một ngụm cạn sạch. Hành vi thô lỗ khác hẳn vẻ đạo mạo khi trước.

Uống xong ông tấm tắc: Đúng là trà ngon. Mình bỏ tiền buôn loại trà này quả không sai.

Thị Mầu lại rót cho thầy mình thêm một chén nữa, nàng ngồi bên cạnh ông dáng vẻ nhu thuận.

Ông phú tâm trạng không tồi phất tay ý bảo Mầu lui ra. Không kết thông gia thì thôi, ông với ông lý vẫn là chỗ thân quen nhiều năm chẳng nên vì chuyện nhỏ này mà trở mặt. Còn con Mầu, mình chỉ cần kiếm cho nó mối khác là được.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 3

Cuối tháng giêng, Thị Mầu vừa tròn đôi tám. Nàng đã đến tuổi trâm cài lược giắt, cái tuổi phải suy tính chuyện chồng con. Mầu thực chưa nghĩ đến việc lấy chồng, nàng hy vọng mình có thể ở nhà thêm vài năm nữa chăm sóc cho mẹ nhưng sự đời không phải nàng muốn là được, người mối mai đã tìm đến tận cổng.

Đường tình duyên của Mậu ngẫm lại thật lận đận. Biết bao nhiêu đám hỏi mà chưa đám nào thành.

Người đầu tiên có ý định dạm hỏi nàng là anh chàng cùng làng con ông đồ Bích Ngọc. Qua lời giới thiệu hết sức nhiệt thành của bà mối thì chàng là một người rất am hiểu văn chương, lễ nghĩa cái gì cũng thấu. Nhà Thị Mầu đều hiểu mấy người làm việc kết duyên này đã nhận tiền của bên nhà trai lời nói hoa mỹ mười phần cũng chỉ nên tin ba, bốn là nhiều.

Mặc dù là chuyện cưới xin cả đời của Mầu nhưng quyền quyết định lại là do thầy mẹ. Vốn mẹ nàng là người vợ thứ hai của ông phú Lục lại thêm mấy năm gần đây bị bệnh chẳng ra khỏi cửa nên ông phú một tay liệu hết. Mà ông phú từ chối trầu cau đem đến vì ông chê nhà ông đồ Bích Ngọc nghèo không xứng với gia đình ông.

Sang tháng ba, cửa nhà Mầu có người tới gõ cửa. Lần này, ông phú Lục mới nghe tên gia đình bên kia đã thấy ưng lắm. Bà mối nhanh chóng hẹn ngày để cha mẹ bên nhà trai đem lễ vật trầu cau đến nhà nàng xin đính ước. Sau khi bà mối về, trên môi ông phú luôn nở nụ cười, nhìn Thị Mầu yêu thương đến mức khiến nàng nổi cả da gà.

Đó là một gia đình dòng dõi thư hương: Ông tú Thân ở làng bên cạnh có cậu con trai năm nay hai mươi ba tuổi. Còn trẻ nhưng đã đỗ kì thi hội, được người làng gọi là cậu nghè Văn Quang.

Thị Mầu vẫn nghe từ trong những cuộc buôn chuyện với đám chị em trong làng có nhắc đến tên cậu. Bọn con gái luôn có ước ao được nâng khăn sửa túi cho cậu, mơ về cái danh cô nghè. Mầu cười xem họ nói còn thực tâm nàng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ lấy người như cậu. Nàng còn chưa gặp cậu bao giờ, không có tình cảm thì cần gì ước ao?

Ngày thầy mẹ cậu nghè Văn Quang cùng cậu đến nhà Mầu. Đó là lần gặp đầu tiên giữa hai người. Cậu nghè là một người hiểu lễ nghĩa, mọi lời nói đều chỉn chu, từng cử chỉ đều hết sức tao nhã, đẹp mắt.

Ông phú Lục mới nghe lời bà mối thì đã ưng cái bụng, được gặp người thật bằng xương bằng thịt thì càng ưng hơn. Miệng cười đến mức không khép vào được. Lòng ông vui sướng lắm, nói chuyện với người có cả bồ chữ như thế làm ông cũng thấy mình cao giá hẳn.

Nhận lễ trầu cau coi như Thị Mầu cùng cậu nghè Văn Quang đã có đính ước. Hai nhà bắt đầu năng đi lại để bàn tính đến chuyện chính thức ăn hỏi sau này.

Vậy nhưng hai tháng sau người sánh đôi bên cậu nghè Văn Quang lại không phải là Thị Mầu. Cô em gái Thị Hồng - cũng chính là con gái của bà cả mới là con dâu của nhà ông tú Thân, là vợ của cậu nghè.

Chuyện đính ước ban đầu như gió thoảng mây trôi.

Mầu thực tâm không muốn lấy cậu nghè nhưng nàng không biết làm thế nào để từ chối mối hôn sự này. Đến ngày nhận trầu cau đính ước Mầu coi như cam chịu, thuận theo số trời. Chẳng ngờ, bà cả thấy mối nhân duyên quá tốt lại rơi vào người Mầu thì khó chịu không thôi. Khi ấy ông trời đã giúp bà có được một cơ hội tốt để nhục nhã Mẩu rồi sau đó bà ta tốn không ít công sức phá hoại mối lương duyên của Mầu, còn chi không ít tiền bạc mua được một lời của thầy số, để mà làm thay đổi chủ ý bên nhà trai.

Kết quả là một đám cưới linh đình được diễn ra, con gái bà ta trở thành cô nghè, còn Mầu bị mang tiếng xấu. Trong mắt người khác, Mầu thảm thương lắm, đã có thật nhiều câu chuyện được thêu dệt nên như Thị Mầu bị bắt gặp có hành vi không đoan chính với thằng mõ nên bị cậu nghè ghét bỏ. Rồi cô Thị Hồng – em gái Mầu đẹp người, đẹp nết nên cậu nghè văn Quang đem lòng yêu thương, nào là bát tự cậu nghè với cô Mầu không hợp…

Khi đó, Mầu buồn song chẳng phải vì hôn sự không thành mà vì mình bị mẹ cả dựng cho cái tiếng xấu. Nàng chưa trải hết sự đời mà đã thấy lòng người thực bạc. Người trong một nhà không giúp đỡ nhau còn có thể rắp tâm hãm hại, bà cả khiến lòng Mầu lạnh đi. Và dẫu vui cho em Hồng đã thành đôi với cậu nghè Văn Quang thì nàng cũng chẳng thể chúc phúc cho họ được. Hạnh phúc ấy được đánh đổi bằng thanh danh của nàng.

Cho đến đám hỏi thứ ba này, Mầu càng không hề mong muốn. Vì người hỏi không phải ai xa lạ là cậu út Lạc con ông lý trưởng.

Nhắc đến tên cậu út Lạc người trong làng không ai không biết. Cái tiếng của cậu cũng đã lan sang tận làng trên xóm dưới và nó vốn chẳng thơm tho gì. Người ta tránh cậu như tránh đống phân trâu nhìn thấy trên đường, còn nếu không tránh được trong lòng đã khấn vái đức Phật ngàn lần để cậu không vô cớ trút giận lên mình. Quả thật cái đức độ của cậu út Lạc đã hỏng bét, cậu thích đánh người, chòng ghẹo đám đàn bà con gái, vô cớ sinh sự… Nhưng cậu là con nhà quyền thế, những kẻ thấp cổ bé họng ai dám làm gì cậu, cậu Lạc được thể lại càng càn quấy.

Cậu út Lạc đã có một đời vợ, nhưng chung sống chưa được nửa năm thì vợ cậu đã rời dương gian. Người nhà ông lý trưởng nói nàng bị cảm mà chết còn người trong làng vẫn rỉ tai nhau rằng nàng bị cậu út Lạc đánh cho đến chết. Chính con ở trong nhà ông lý nói vậy, giờ thì nó bị điên rồi nên chẳng có ai mà đối chứng. Và cậu út Lạc vẫn nhởn nhơ, coi việc kiếm chuyện gây sự làm thú vui tiêu khiển qua ngày.

Cậu út Lạc vẫn còn trẻ mà ăn không có chừng chơi không có độ khiến ông bà lý rất phiền não. Rồi ông bà định tìm cho cậu một cô vợ vì họ đều nghĩ có vợ rồi chắc thói xấu ở cậu sẽ đỡ hơn.

Thế rồi ông bà lý đã cho vời bà mối sang nhà ông phú.

Cái tin nhà ông lý muốn hỏi mình cho cậu út nhà họ khiến Mầu kinh sợ.

Mẹ của Mầu tuy quanh năm ngày tháng ở trong nhà nhưng sự tình ngoài kia thì vẫn biết rõ, lo cho con bà không quản việc ốm đau bắt Mầu dìu đi tìm gặp chồng.

Mầu đã hy vọng mẹ có thể làm cho thầy mình thay đổi ý định song việc này là không thể khi nàng nhìn thấy bà cả cũng ở cùng ông. Ai chẳng biết bà cả không ưa gì mẹ con nàng, bà ta sẽ tìm mọi cách để mẹ con Mầu không được như ý nguyện.

Sự thật quả đúng như Mầu lo nghĩ, mẹ nàng mới nói được đôi câu đã bị bà cả cướp lời. Giọng bà đon đả, một câu em hai câu em vô cùng thân thiết:

- Em à, chúng ta đều là người một nhà. Chẳng lẽ lại hại lẫn nhau? Con Mầu cũng là con của chị. Lo được tấm chồng cho nó thì chị mới an tâm. Em đừng nghe người ta nói nhảm. Chỉ là tin đồn mà thôi. Như cái Mầu đây này, chả biết thế nào mà có người nói nó lẳng lơ, mất nết. Chứ thực thì có phải thế đâu, em nhỉ? Người ta ghen tức với tài đức của cậu út nên mới đơm đặt toàn điều không hay, chứ cậu ấy là một người rất được. Hai đứa này chắc chắn là một đôi rất xứng. Con Mầu mà được gả vào nhà ấy thì không cần lo lắng gì, ngồi mát ăn bát vàng, tha hồ hưởng vinh hoa phú quý. Em hai ạ, em cứ yên tâm mà dưỡng cho khỏe. Em chỉ cần nằm chờ đến ngày cưới con Mầu thôi em. Còn những chuyện khác không cần phải lo lắng.

Mẹ của Mầu nghe vậy bảo làm sao mà không giận cho được. Cái tin đồn con gái bà lẳng lơ, mất nết ấy chả phải do bà cả dựng nên hay sao. Dầu vậy, giờ không phải lúc đôi co được mất với bà cả, chuyện của con gái bà mới là quan trọng nhất. Vì thế mẹ của Mầu rất điềm đạm quay ra nói chuyện với chồng.

Bà cả thấy mình bị làm lơ càng khó chịu. Mẹ Mầu mới nói được một câu thì bà ta đã chen vào cả mười câu.

Vốn mẹ nàng không hề yếu trong khoản ăn nói nhưng sức bà lại không đủ để đấu với bà cả, nên chỉ đành ngồi đó chờ bà ta nói hết mới có thể tiếp tục.

Mầu đứng bên cạnh mẹ, trong đầu đã lóe lên suy nghĩ táo bạo. Rồi nàng trao cho mẹ mình một nụ cười để bà an tâm, lễ phép thưa gửi người đàn ông duy nhất trong phòng rằng chuyện cưới hỏi xin nghe theo lời ông quyết định. Ông phú thấy Mầu hiểu chuyện thì ưng lắm và vì lòng ông cũng đang hướng đến hôn sự này. Làm thông gia với nhà quyền thế ông chả đi đâu mà thiệt cả. Còn con Mầu lấy chồng theo chồng, nó sướng hay khổ đó là số kiếp của nó.

Lúc trở về, Mầu nói ra chủ ý của mình làm bà hai lo lắng. Đã đứng bên kia con dốc cuộc đời, đã trải qua sinh ly tử biệt, đã có lúc trong cảnh thập tử nhất sinh bà càng thấu sự đời, càng hiểu điều gì là quan trọng. Từ khi bị bệnh, bà biết mình không thể là chỗ dựa cho Mầu, người cha của nàng lại càng không, trái lại nàng phải gánh trọng trách trên vai là chăm sóc và bảo vệ mẹ cùng em trai. Nếu không khôn khéo, biết lo liệu thì không chỉ Mầu mà cả những người nàng yêu thương cũng bị phiền lụy theo. Đến khi con trai đã rời nhà theo bác lên kinh đèn sách, gánh nặng trên vai Mầu chính là một người mẹ ốm đau như bà. Bấy giờ bà hai lại chỉ mong con gái mình có thể tìm được một người chồng tốt biết thương yêu như thế là bà có thể an lòng rồi. Mối hôn với cậu nghè Văn Quang bà những tưởng như trút được muộn phiền vậy mà sự đời khó đoán. Con gái bà thương yêu bị hủy hôn còn mang tiếng xấu. Người làm mẹ như bà nói sao mà không đau sót.
Dẫu có lo lắng cho việc Mầu sẽ làm song bà hai cũng chẳng nghĩ ra được cách nào khác. Hai mẹ con ngồi trên giường, bà hai khẽ thở dài cầm lấy tay Mầu không nói gì coi như ngầm đồng ý.

Để không phải làm vợ cậu út Lạc Mầu đã có một cách. Cái cách của Mầu nảy sinh khi nghe lời bà cả nói chuyện. Đã bị mang tiếng xấu là lẳng lơ nàng cũng không ngại dùng nó để gạt bỏ đám hỏi này. Dù thanh danh nàng bị hủy hoại, thà ở vậy suốt đời Mầu cũng không muốn lấy con ông lý làm chồng.

Ngay từ việc Mầu phải làm gì, làm như thế nào khi hai nhà gặp nhau, khi rót nước mời trà, khi nói chuyện, khi tiễn khách ra về Mầu đã nghĩ đến, đã tập luyện trước bao nhiêu lần nàng không nhớ rõ. Chỉ biết rằng, cái hôm nhà ông lý đến, nàng đã diễn tròn vai của mình, thậm chí diễn đến xuất thần.

Kết quả là hai ngày sau khi hai gia đình gặp mặt, người nhà ông lý đến nhà ông phú Lục lần nữa. Họ nói rằng có đi xem một thầy tướng số tài giỏi lắm, ông ta phán rằng tuổi cô Mầu và cậu út nhà họ xung khắc nhau. Vì vậy không nên bàn chuyện cưới gả tránh họa rơi xuống đầu cả hai nhà.
Đám hỏi cứ vậy mà không thành.
Lúc Mầu nghe được tin này từ miệng con Nếp, nàng đương ở khoảng đất trống phơi lụa. Cơn gió thoảng qua, những dải lụa nhẹ nhàng lay động. Lòng Mầu trút được gánh nặng, nhẹ nhàng như lụa.

Thị Mầu đã tránh được một cuộc cưới gả nàng không mong muốn, thế nhưng nàng chẳng thể biết mình có thể tránh được bao nhiêu đám hỏi không mong đợi khác nữa trong tương lai.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hân Suzy

Gà con
Tham gia
3/7/16
Bài viết
4
Gạo
0,0
Câu văn của bạn quá đẹp và quá hay đi! Lối dẫn chậm mà gợi hình ảnh, mình đọc mà tưởng đang xuyên không vào truyện, chạy chỗ này chỗ kia mà xem mọi người sinh hoạt vậy. Post tiếp đi bạn. Mình thì rất ấn tượng qua các vở Thị Mầu, hi vọng sự lí giải cho cái thói lẳng lơ của Thị sẽ tạo được đột phá. ^^
 

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
1.249,0
Ô không biết nhận xét sao nữa, nhưng mà lúc bắt đầu đọc cảm giác đã lắm, cảm giác ấy nó cứ theo tới từng chương. Thể loại này Ô cực kì thích. (Không phải thể loại phóng tác, mà là thích đọc về thời phong kiến, nửa phong kiến ấy ^^).
 

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 4

Ông phú Lục có ba người vợ và chín đứa con cả thảy. Mẹ của Mầu là người vợ thứ hai của ông phú. Bà sinh được hai người con: Mầu là chị, còn một người em trai tên Bính.

Khi Mầu mười hai tuổi, mẹ nàng mang thai đứa con thứ ba nhưng chuyện sinh đẻ lành ít dữ nhiều. Người ta mang được nửa cái mạng của mẹ nàng thoát khỏi cửa tử, còn đứa bé thì không may mắn như thế.

Sau đó, mẹ nàng cứ yếu dần đi. Vài ba thầy lang đã đến xem bệnh, bốc thuốc kê đơn song bệnh tình chỉ không trở nặng chứ chẳng tốt lên được chút nào. Thuốc thang mãi không khỏi, ông phú nhìn vợ cũng thực phiền lòng. Dần già số lần ông đến thăm vợ thưa dần, lời nói cũng kiệm lại. Rồi, ông phú cho ba mẹ con Mầu từ nhà chính chuyển sang căn nhà tách biệt ở phía cổng sau. Ông nói với mọi người để cho bà hai có chỗ yên tĩnh mà dưỡng bệnh nhưng nguyên do thực sự là lo sợ vía vợ quá nặng lại ở nhà hướng cổng chính sẽ chặn đường phát tài của ông.

Mầu biết chuyện chỉ thấy lòng chua xót cùng thương mẹ.

Mẹ của Mầu vốn là con gái ông đồ, năng đọc sách nên hiểu biết nhiều điều. Đến khi làm vợ ông phú với sự khéo léo và tài hoa của mình, bà được ông phú thương yêu nhất mực.

Vật đổi sao dời, bà hai từ chỗ được thương yêu lại bị ghẻ lạnh. Biết bệnh tật của mình, bà lo lắng cho hai đứa con còn non dại. Thế nên, bà dạy dỗ Mầu thật khác so với những người mẹ khác.

“Đất có bồi có lở

Người có dở có hay

Coi theo thời mà ở

Chọn theo cỡ mà xài.”

Bà chỉ cho Mầu cách đối nhân xử thế, đối với mỗi hạng người cần phải mềm dẻo như nước đem cái có lợi về mình, để không phải chịu thua thiệt, chứ không chỉ cho nàng về tam tòng tứ đức hay những món cầm kỳ thi họa mà bà từng được dạy.

Ông phú Lục là người tính tình cổ quái, vui buồn thất thường. Song có điều chắc chắn rằng ông coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa. Ai có thể làm lợi cho ông thì chính là người thân của ông. Mẹ của Mầu đã chẳng thể giúp ông điều gì, cho nên Mầu phải nỗ lực thật nhiều để lấy được lòng ông. Có vậy cuộc sống mới đỡ cực.

Lời mẹ dạy, Mầu luôn ghi nhớ trong lòng. Nàng hiểu được trong cái nhà này, người nàng có thể dựa vào chính là bản thân nàng chứ không phải ai khác. Mẹ nàng ốm yếu, em trai nàng còn nhỏ đương nhiên cũng phải dựa vào nàng. Vì vậy, Mầu phải mạnh mẽ, phải đủ kiên cường để có thể bảo vệ họ.

Mầu tuy là con gái ông phú nhưng từ năm mười hai nàng đã làm lụng chẳng khác gì những người có gia cảnh bình thường.Trong đám con gái, Mầu là đứa nhanh nhẹn được việc nhất. Nàng chịu khó, không hề làm biếng thế nên rất được ông phú tin tưởng sai bảo.

Của nhà giàu có nọc, những kẻ làm thuê hay đứa đi ở kiếm được đồng tiền từ nhà giàu thực cực khổ. Còn Mầu được ăn cơm thịt, ở nhà ngói, tường gạch cũng chẳng sung sướng gì. Ngày ngày không chỉ làm việc chân tay mà còn phải đấu trí với mẹ cả cùng các anh chị mình.

Đó chính là cuộc sống của nàng.

Trở lại với thực tại, đã qua hơn một tháng chuyện của Mầu với cậu út Lạc. Trời vài ngày này chưa có mưa, tiết trời nóng bức ngột ngạt. Những cơn gió náu mình thật kỹ chỉ trực chờ thời cơ khi mưa xuống góp thành bão lớn.

Cứ hễ trước cơn giông bão là bà hai lại thấy khó ở. Như đêm nay, bà đi nghỉ từ rất sớm mà trằn trọc mãi không sao ngủ được. Cảm tưởng như có hàng nghìn hàng vạn con mối đang gặm nhấm xương cốt của bà. Nặng nề thở ra, bà hai cố nhấc người dậy, sau vài lần quờ quạng trong bóng tối ngọn đèn dầu trên quang cũng được thắp sáng.

Trống canh ngoài điếm điểm bốn tiếng. Bấy giờ Mầu mới trở về phòng. Lúc bà hai thấy Mầu liền đặt quyển sách đương đọc dở ra cái bàn cuối giường, vẫy tay gọi Mầu lại.

- Canh tư mới chịu về. Con gái tôi chăm chỉ quá đấy.

Mầu mỉm cười biết mẹ lo cho mình chỉ ngồi xuống bên cạnh bà thả lòng người, tận hưởng bàn tay vỗ về của mẹ.

- Con dệt nốt cái cửi còn dở, xong rồi lại giúp chị ba nên giờ mới về.

Mầu che miệng ngáp một cái, rồi ngồi thẳng người lại, vốn nàng đã làm xong việc định về sớm với mẹ vì biết trong người bà không thoải mái. Thế nhưng chị ba cứ bám nàng không tha nên Mầu đành phải ở lại giúp chị ta xong xuôi mới trở về được.

- Mẹ nằm xuống đi con thoa bóp chân tay cho dễ chịu.

Vừa nói Mầu vừa lấy từ đầu giường một cái lọ nhỏ. Trong đêm, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn sắp cạn dầu, hai mẹ con tỉ tê tâm sự, nói với nhau những điều vụn vặt, không đầu không cuối.

- Chị ba bán vải lỗi cho khách nên bị người ta bắt đền mẹ ạ.

- Có nhiều không?

- Ba tấm thôi ạ.

- Tắt đèn nằm nghỉ đi con, mẹ đỡ nhiều rồi.

- Để con nặn cho mẹ thêm lúc nữa.

- Muộn rồi, xem mắt con kìa, có quầng thâm kia kìa.

- Kệ chứ. – Mầu dẩu môi, chẳng để tâm đến điều mẹ nói tiếp tục việc xoa bóp của mình.

- Xấu xí xem ai thèm lấy con.

Mầu nghiêng đầu nhìn mẹ thấy bà cười hiền với mình.

Mới đó mà đã được một tháng, hôn sự của Mầu với cậu Lạc bị hủy. Cuộc sống của Mầu vẫn diễn ra như thường chỉ là số lần người ta nói xấu nàng ngày càng nhiều lên. Có khi họ cũng chẳng ngại mà để nàng nghe thấy. Họ háo hức chờ xem liệu người như nàng ai thèm rước về không. Nếu có chắc cũng chả phải của tốt đẹp gì.

Mới đầu, khi nghe thấy những lời đơm đặt về mình Mầu còn buồn đến độ bỏ bữa, mất ngủ. Thế rồi nghe miết thành quen, nàng học được cách cho qua, chẳng cần bận tâm điều họ nói.

Nhưng đêm nay, từ câu nói đùa của mẹ Mầu lại nhớ đến mấy lời châm chọc, trù ẻo kia. Lòng vướng bận, nàng có chút thẫn thờ, nhỏ giọng như hỏi chính mình:

- Chẳng biết có ai còn muốn lấy con không?

Bà hai thấy sắc mặt con gái không được tốt, kéo nàng nằm xuống bên cạnh. Mầu ngoan ngoãn nằm xuống, rúc người vào lòng bà giống như những ngày trước kia khi mình còn bé.

Bà nhẹ vuốt tóc Mầu, giọng nói đầy thương yêu:

- Con gái mẹ đẹp như thế này, tốt như thế này ai chẳng muốn lấy về làm vợ chứ.

- Mẹ khen con thêm nữa đi ạ. – Mầu ở trong lòng mẹ lém lỉnh đáp, sự ủ dột ban nãy như rất nhanh đã tan biến

Bà hai cười khẽ, cốc đầu con gái. Mầu khúc khích cười, vòng tay ôm eo mẹ thật chặt.

- Con gái mẹ đẹp như lụa vậy. Ai mà không thương cho được. Cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi, còn chăm chỉ tháo vát nữa chứ.

Mẹ lại nhỏ to với Mầu thêm điều gì nữa mà nàng không nghe rõ. Vì thực ra lòng dạ nàng vẫn đương héo như bầu đứt dây.

Khi có những lời bàn tán không hay về Mầu, mẹ từng an ủi nàng rằng: Không cần phải để ở trong lòng việc người khác nói gì. Miệng lưỡi thế gian vốn dĩ đã rất hà khắc, họ chỉ không đụng vào đức Phật trong chùa chứ chẳng chừa một người thường nào cả. Nàng không làm điều trái luân thường đạo lý, gây ác cho ai thế nên hãy cứ vui vẻ mà sống.

Mầu không để tâm đến miệng lưỡi thế gian, nhưng vẫn có lúc chạnh lòng như lúc này đây. Nàng khiến mẹ cười chỉ vì để bà yên lòng.

"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Ngồi cành trúc, tựa cành ma
Đông đào tây liễu lấy ai bạn cùng"​

Hình ảnh những dải lụa thấp thoáng hiện ra trong đầu của nàng, chúng đẹp thật mà sao khiến lòng nàng chua xót thế.

Sinh ra làm thân con gái thực khổ. Đẹp đẽ, tài hoa mà để làm gì trong khi hạnh phúc cả đời không thể tự mình quyết định. Có thương ai cũng phải đắn đo mà nâng lên đặt xuống bao lần. Trong lòng luôn thấp thỏm không yên chỉ vì bản thân chẳng định trước được chuyện ngày sau, chỉ đành phó mặc số phận vào tay ông trời.

Đèn dầu đã cạn, chút ánh sáng yếu ớt trong phòng vụt tắt. Hai mẹ con Mầu không nói câu nào mà chỉ lặng yên nằm. Ngoài kia bắt đầu có tiếng gió rít lên rùng rợn, mưa ào xuống nhanh và mạnh như ông trời muốn trút bỏ cơn giận dữ của mình xuống nhân gian.

Tiếng sấm ầm ầm, mưa rào nặng hạt.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Canhcam15

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/5/15
Bài viết
63
Gạo
0,0
Chương 5

Con Nếp mới từ chỗ cô Hồng trở về. Lúc đến nhà, bữa tối đã sớm xong. Nó phải đến phòng bà cả nói hết sự tình của cô Hồng cho bà nghe rồi mới được tha cho đi để kiếm cái gì bỏ bụng, may cho nó là trong bếp vẫn còn cơm. Con Nếp ngồi hì hụi vét nồi được lưng bát con cơm, kiếm được mấy hột lạc rang nó đem trộn hết vào bát, rưới thêm ít nước tương ăn ngon lành. Cơ mà ăn xong nó vẫn còn thấy đói. Nó nghĩ tới lúc hầu cơm cô Hồng. Một bàn cơm thịt đề huề cô ấy chỉ hẩy đũa ăn vài miếng. Nhìn lại mình con Nếp cảm thấy thật tủi, kẻ giàu người nghèo khác nhau thế đó.

Cô Hồng bữa trước gặp phải bọn cướp đường, tiền bạc cùng nữ trang bị mất tuy vậy vẫn còn may là người chỉ xây xước nhẹ. Bà cả biết được mới sai con Nếp sang hầu chuyện giúp vui cho cô. Trong cuộc đời vẫn còn ngắn tũn của con Nếp, nó chưa từng gặp bọn trộm cướp bao giờ. Đến hôm qua hầu cô Hồng nó mới biết rằng đó là một chuyện rất khiếp. Cô Hồng khuôn mặt ủ rũ lại dễ bị giật mình, ăn không ngon thậm chí uống nước cũng thấy đắng miệng. Ai trông cũng xót. Con Nếp thương cô Hồng lại chẳng muốn trông thấy bộ mặt lúc nào cũng đeo sầu của cô. Nó làm con Nếp buồn theo. Chẳng như khi ở với cô Mầu, cô hay cười, mặt thì tươi như hoa nên con Nếp thấy thoải mái lắm.

Mới đi có vài ngày mà con Nếp đã nhớ cô Mầu vô cùng. Hôm nay được về nhà, lòng con Nếp vui sướng, tay xách cái bị quần áo nó nhảy chân sáo đi tìm cô.

- Cô Mầu, cô làm thạch ạ. – Giọng con Nếp như reo khi thấy Mầu đang đặt cái bát lớn xuống chiếc ghế gỗ ở hiên nhà.

- Đã về rồi hả. Lên chào bà trước đi.

Con Nếp vâng lời lon ton bước lên thềm, nó chỉ đứng ngoài lễ phép chào bà hai một tiếng chứ không vào hẳn trong. Cất xong cái bị quần áo con Nếp quay ra chỗ cô Mầu, mắt dán vào nồi thạch nhỏ cùng bát nước đường vẫn còn bốc hơi nghi ngút bên cạnh cô, nó hỏi:

- Tối mà cô còn làm món này ạ.

Mầu cười nửa thật nửa đùa nói với con Nếp:

- Biết mày về nên cô mới làm đấy, thích không?

Con Nếp không thèm tin chuyện cô Mầu biết mình hôm nay về song nó gật đầu lia lịa để biểu thị cái sự thích của mình với món ăn của cô.

Sự thực là sáng nay Mầu có hái nắm lá tiết dê nhưng bận rộn cả ngày không dịp nào làm được. Đợi đến tối mới nhớ đến chúng, tiếc công mình hái mà món này ăn ngày nóng cũng rất hợp nên Mầu mới lụi cụi đi làm. Chứ chuyện con Nếp về khi nào nàng không hề tỏ.

Ở cái làng này, khéo con Nếp là đứa ở duy nhất có được cái vinh hạnh được ngủ cùng với chủ. Ở nhà ông phú được hơn hai năm thì cũng là hơn hai năm con Nếp ngủ cùng cô Mầu. Với nó, cô Mầu đã không còn là cô chủ mà như mẹ, như chị gái của nó vậy.

Trong khi đợi nước nguội, Mầu cùng con Nếp trải chiếu ra trước hiên nằm. Trăng đã lên, con Nếp thấy nó tròn và sáng tựa chiếc đĩa sứ quý hiếm của ông phú trưng ở nhà trên. Ngày hôm qua trăng cũng tròn nhưng sao nó chẳng hình dung ra chiếc đĩa sứ và thấy đẹp như lúc này. Nó ngốc nghếch không rõ trăng ở chỗ cô Mầu có phải khác trăng chỗ nhà cậu nghè hay không.

Mầu nằm bên canh phe phẩy chiếc quạt nan, nhẹ giọng hỏi con Nếp.

- Em Hồng vẫn tốt chứ?

- Ngày đầu con đến cô ủ rũ lắm ạ. Cô còn hay bị giật mình nữa, giờ thì đỡ hơn ạ.

- Ừ. Em Hồng ăn uống được không?

- Cô Hồng ăn như mèo ấy ạ. Cậu phải dỗ mãi mới chịu ăn thêm.

Con Nếp chợt nhớ đến điều gì, nó tự vỗ đầu mình:

- A, cậu Văn Quang có hỏi con về cô, còn hỏi những mấy lần ạ.

Trái tim Mầu thót lại, đương yên lành hỏi thăm nàng làm gì. Ngộ nhỡ đến tai bà cả thì phiền. Mầu nghĩ đến đây vội hỏi con Nếp.

- Lúc về, mày có gặp bà cả không?

- Dạ, đương nhiên. Con phải bẩm lại mọi thứ về cô Hồng cho bà nghe nữa.

Mầu gấp gáp:

- Thế có nói chuyện cậu Văn Quang hỏi về cô không?

- Dạ, không. Chuyện gì về cô Mầu con đều không nói cho bà cả hết ạ.

Mầu thở ra một hơi, thấy con Nếp khẳng định một cách chắc nịch trong lòng nghĩ ngợi: Từ khi nào mà mình lại có một một tay chân đắc lực, hiểu chuyện như thế này vậy?

Mầu vừa lòng, tay cầm quạt lại phe phẩy thêm vài cái. Nàng không có ý định hỏi con Nếp chuyện cậu Văn Quang nhưng con Nếp đã nhanh nhảu kể:

- Cậu hỏi con rằng cô sống tốt không?

- Thế à. – Mầu nói nhẹ tênh, rất không hề có hứng thú muốn nghe tiếp.

- Con nói cô tốt lắm. Rồi kể cho cậu nghe hàng ngày cô làm những gì. Cậu hỏi nhiều về cô nhưng giờ con không nhớ hết được.

Mầu ngừng quạt, không biết nên khóc hay cười với sự ngây ngô của con Nếp. Nó không nói với bà cả nhưng người khác hỏi thì nó lại kể cho bằng hết.

Con Nếp hệt bà cụ non quả quyết thêm với Mầu.

- Con thấy cậu rất quan tâm đến cô, cô ạ.

- Bậy nào, lời này không được nói lung tung biết chưa. - Mầu gõ nhẹ cái cán quạt vào trán cảnh cáo con Nếp.

- Con chỉ nói cho cô thôi mà.

- Tốt nhất là không được nói.

Con Nếp vâng một tiếng. Mầu xoa đầu nó rồi ngồi dậy mỉm cười:

- Ngoan lắm, cô đi lấy bát thạch thưởng cho mày.

- Dạ.



Mầu không thể ngờ gặp được cậu Văn Quang ngay sau hôm con Nếp trở về mà còn làm cả món thạch cho vợ chồng cậu nữa.

Sớm hôm ấy, vợ chồng cậu Văn Quang về nhà ông phú. Bà cả mừng lắm, sai người chuẩn bị cơm rượu từ sớm. Sau vài câu thăm hỏi ông bà nhà bên, bà cả kéo con gái về phòng tâm sự, còn cậu nghè cùng ông phú ở lại uống trà nói chuyện.

Lúc Mầu đi làm cỏ trở về thì trông thấy thầy mình cùng cậu Văn Quang người trước, người sau bước ra hiên nhà.

Có chút bối rối trên khuôn mặt Mầu, nàng chào hai người rồi vội xin phép đi. Ấy thế nhưng ông phú đã gọi lại và bảo với nàng đưa con rể quý của mình đến chỗ bà hai để thăm hỏi. Mầu miễn cưỡng dạ thầy một tiếng.

Thị Mầu muốn nhanh chân trong khi cậu Văn Quang lại rất khoan thai cất bước nên nàng phải chậm nhịp theo cậu. Đoạn đường không tính là xa thành thử đi lâu hơn hẳn.

- Nàng mới ngoài đồng về hả?

Trên danh nghĩa cậu Văn Quang đã là em rể của Mầu, gọi nàng một tiếng chị mới hợp lẽ thường, đằng này làm như hai người chẳng phải mối quan hệ chị vợ - em rể, mà còn thân thiết gọi là nàng. Thị Mầu hơi nghiêng đầu, đương định nhắc nhở cậu về cách xưng hô này vậy mà bắt gặp ánh mắt kia nàng chỉ lí nhí đáp, chẳng dám nhìn thêm nữa.

Đôi mắt chan chứa tình cảm ấy không nên xuất hiện ở một người đã có vợ như cậu.

Cậu nghè Văn Quang vẫn luôn cảm thấy có lỗi đối với người con gái bên cạnh. Đáng nhẽ nàng đã là vợ của mình. Chỉ vì mấy lời đồn thổi vô căn cứ mà thầy mẹ cậu cương quyết bỏ đi đám này. Cậu không tin những lời đồn nhưng thầy mẹ cậu lại khác. Và để giữ đạo hiếu cậu đành thuận theo ý của họ.

Nghe con Nếp kể chuyện về nàng, sự áy náy cùng thương hại của cậu nghè lại tăng lên gấp bội. Và hôm nay, khi trông thấy cái dáng điệu nàng tất tả cắp thúng, vầng trán mướt mồ hôi, cái tà váy dù đã gột nước vẫn còn vệt bùn đất của Mầu, cậu nghè không nhịn được mà hỏi han nàng vài câu. Giọng cậu gần gũi tựa như một người chồng tốt quan tâm đến vợ.

- Có vất vả lắm không? Chỉ có mình nàng làm thôi hả? Không ai giúp nàng sao?

- Tôi không vất. – Mầu đáp gọn lỏn, đồng thời sải bước dài đi trước. Thái độ như vậy chắc cậu nghè phải hiểu nàng đang cố phân rõ khoảng cách giữa hai người nhỉ. Thế nhưng đó chỉ là suy nghĩ của Mầu, còn cậu nghè lại cho rằng là nàng tủi phận, xấu hổ nên mới muốn tránh mặt, bỏ cậu phía sau.

Bà hai có hơi bất ngờ vì cậu nghè Văn Quang đến tận đây thăm hỏi mình. Đối với người con rể này bà không thể nào niềm nở cho được.

- Trong nhà không trà chỉ có nước vối thết khách, cậu nghè bỏ quá cho mẹ con tôi nhé.

Vốn có thể gọi con xưng mẹ với cậu Văn Quang, thế nhưng bà hai rất đúng mực xưng tôi gọi cậu. Câu nói thể hiện sự ái ngại của bà hai khi không thể thết đãi khách chu đáo, coi trọng khách và tự hạ mình vài phần. Song giọng điệu nói ra khách khí cùng kiêu ngạo, tưởng thân thiết lại thực ra rất xa cách, lạnh lùng. Chỉ cần cách xưng hô kia thôi bà hai đã phân định rạch ròi quan hệ của hai bên thực sự chỉ là người lạ. Một câu của bà hai khiến cậu nghè ái ngại cho hoàn cảnh của hai người, quan trọng hơn là chàng thấy mình như mang tội với hai người.

Nước cũng đã uống, sau mấy lời hỏi thăm sức khỏe, cậu nghè nói với bà hai việc mình gặp em Bính đợt lên kinh thăm vài người bạn.

Nghe đến tên em Bính, Mầu mới ngẩng đầu nhìn cậu nghè Văn Quang, đôi mắt lóng lánh tràn đầy mong đợi. Cậu nghè nghĩ quả nhiên đây là tin tức hai người bọn họ muốn nghe, cậu kể rất tỉ mỉ về cuộc sống, về chuyện học hành, lại còn miêu tả dáng người đã trổ mã của em Bính.

Kể từ ngày thằng Bính đi, bà hai lo lắng biên thư rất nhiều cho nó. Còn thằng Bính, thư gửi về ngắn gọn, lại còn nói chị với mẹ đừng có thư nhiều cho nó làm gì. Mầu đã trách em mình nhưng đến lúc nhận được hồi âm, trái tim Mầu thổn thức, đọc thư mà nước mắt lưng tròng.

Lá thư đó của em Bính rất dài. Trong thư, nó kể mấy ngày đầu lên kinh, đêm nào cũng khóc vì nhớ mẹ và chị. Nhưng là đàn ông con trai, nó quyết không khóc. Thế mà, đọc thư từ nhà gửi nó lại vẫn khóc như thường. Rồi nó kể chuyện sống cùng bác cả, chuyện đi học hàng ngày.

Đó là lần đầu cũng là duy nhất em Bính biên một lá thư dài cho mẹ và chị gái. Hiểu nỗi lòng nó, hai mẹ con ở nhà chỉ căn dặn đôi điều, sau cũng biên thư ít đi.

Thế nên, có người nói tình hình em Bính, Mầu cùng mẹ vui mừng lắm. Bà hai lúc này thực tâm rất áy náy khi chỉ tiếp được cậu nghè bằng thứ nước vối bình thường mà không phải loại trà thượng hạng.

Câu chuyện đương vào khúc hay thì em Hồng cùng con Nếp đến.

Căn phòng khi nãy không khí vui vẻ bỗng trở nên gượng gạo.

Cũng may em Hồng đến trước là chào mẹ hai, chuyện chính vẫn là gọi chồng đi nhà trên nên không nán lại lâu. Mầu cũng theo bọn họ đi nhà bếp giúp chuyện cơm nước.

Lúc đoàn người gồm vợ chồng em Hồng, Mầu cùng con Nếp đến gian nhà chính thì gặp chị Dần, anh Tịu đi làm đồng về.

Sau câu chào hỏi, chị Dần cất tiếng nói với Mầu:

- Cô Mầu về sớm thế ạ. Bọn tôi mãi giờ này mới xong việc. Hai người làm bên đồng Lang mà lại chẳng bằng mình cô làm bên Lộng gì cả.

Nghe qua thì tưởng khen, mà ngẫm ra là chị Dần đang bóng gió Mầu lười biếng, trốn việc.

Cậu nghè giận thay cho Mầu, người ở mà lại có thể nói với cô chủ của mình như vậy, dám so với chủ kiểu đấy làm sao mà được, còn có trên dưới nữa hay không? Mầu lại không hề biết giận, kiểu nói bóng gió này đâu phải nàng mới nghe được một lần. Chị Dần dù sao cũng là chân tay của bà cả, cũng học được cách bóng gió xa xôi mà rỉa rói nàng rồi. Thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, nàng chẳng buồn đôi co với hạng người này.

Cậu nghè đương muốn ra oai dạy bảo người ở nhà vợ một phen thì con Nếp đã lanh chanh nói trước:

- Cô Mầu từ lúc gà chửa kịp gáy đã ra đồng làm rồi dì Dần. Cô bảo với con làm xong sớm thì nghỉ sớm nên sáng nay lúc cả nhà vẫn còn đương ngủ thì cô đã đi rồi. Cô bảo như thế vừa được việc lại tránh được nắng, không mệt người. Chứ sức cô Mầu làm sao bằng dì với chú Tịu được chứ.

Con Nếp nói với cái bản mặt rất hồn nhiên, nó chỉ kể lể chuyện mình nghe được lại thành ra giải thích cho cô Mầu, nàng thực ra là một người chăm chỉ và có suy nghĩ rất sáng.

Trước mặt vợ chồng cô Hồng, chị Dần có ý muốn chê trách Thị Mầu nhưng lại bị cái con Nếp không hiểu chuyện phá ngang. Ả rất tức lại không thể tỏ ra mặt, đành ôm lấy hậm hực.

Thị Mầu cứ nghĩ đoạn đường ngắn này mình sẽ không bị phiền nữa nhưng vừa mới đi thì cậu nghè lại vô tình quan tâm đến thứ lá mà Mầu mang về. Nàng lại miễn cưỡng trả lời. Em Hồng bấy giờ cũng lên tiếng, giọng quá đỗi ngọt ngào:

- Chàng không biết đâu chứ chị Mầu làm món thạch từ lá găng này rất ngon. Ngày trước em ở nhà được chị làm cho ăn nhiều lắm. Giờ nghe tên lá thôi đã thấy thèm rồi này

Em Hồng quay ra thân thiết nói với Mầu:

- Chiều nay chị làm thì thêm phần vợ chồng em nữa nhé.

Mầu miễn cưỡng nở nụ cười, gật đầu một cái.

- Làm cho cả nhà sao lại thiếu phần hai vợ chồng em được.

- Số vợ chồng mình đúng là số hưởng. – Em Hồng quay ra nắm cánh tay chồng ngọt ngào.

Mầu đã lùi lại sau đi cùng con Nếp, nàng bĩu môi, trong lòng giẫm đạp lên cái từ số hưởng kia mấy lần. Họ số hưởng còn nàng thì là cái số gì đây?

Vợ chồng em Hồng về nhà với Mầu chắc chắn không phải là một sự tốt.

Từ ban trưa cho đến khi trời sẩm tối, cậu nghè cứ lén nhìn Mầu nhiều lần. Mầu không biết nhưng con Nếp đã nói cho nàng. Cả ngày nay, nàng thấy thực phiền. Cậu nghè cứ vậy chỉ có nàng là phải gánh hậu quả.

Rồi khi Mầu gặp cậu nghè ở cạnh vườn ao, nàng mới nhận ra cái đứa mình tưởng là thân cận đã bị mua chuộc tự đời nào rồi. Con Nếp nhận lời cậu nghè lừa Mầu đến đây.

Nàng lo lắng nhỡ bị ai bắt gặp, có mười cái miệng cũng chẳng thể nào mà giải thích nổi, vội vàng trở lại phòng mình. Thế nhưng cậu nghè đã nhanh hơn, bắt lấy được tay nàng.

Mầu quýnh quáng, muốn la to mà không được, tay muốn giằng ra lại vì sức yếu đấu không lại với cậu nghè. Nàng đành nghiêm nét mặt, nói nhỏ:

- Cậu làm trò gì thế? Cậu mau bỏ tay ra.

Cái giọng của Mầu nghe thế nào lại giống như người con gái đang làm nũng, chẳng chút gì uy hiếp.

Cậu nghè nắm chặt tay Mầu, giọng chân thành tha thiết:

- Là ta có lỗi với nàng. Xin nàng đừng như vậy.

Trong cơn lo lắng đến độ tim đập như trống bỏi, Mầu còn nổi da gà vì những lời của cậu nghè.

- Hãy để ta chuộc lỗi.

Mầu ngơ ngẩn, nàng không oán trách, cũng chẳng muốn điều gì ở cậu. Nhưng cậu nghè Văn Quang nói mấy lời này là ý gì khi mà nàng giờ đã là chị vợ của cậu, quan trọng hơn nàng và cậu đâu có tình cảm sâu đậm với nhau. Mầu cảm thấy thật nực cười, nhếch miệng hỏi:

- Như thế nào?

- Ta sẽ xin cưới nàng. – Cậu nghè đáp chắc chắn. Quyết định này của cậu không phải hôm nay mới có, nó đã thành hình và cậu rất thực lòng muốn như vậy.

Mầu không tin vào tai mình, đôi mắt trừng lớn. Cậu Văn Quang bị điên sao mà lại nói ra những lời đó? Lại còn muốn nàng cùng diễn vở hai chị em thờ chung một chồng nữa à. Đến lúc này thì Mầu không nhịn thêm được. Người hủy hôn là cậu, hủy xong rồi giờ lại nói muốn lấy nàng. Cậu nghĩ mình là ai? Cậu coi nàng là gì? Nàng cũng đâu có cần.

Lấy hết sức lực Mầu vùng thoát khỏi tay cậu nghè. Nàng nghiến răng phun ra từng chữ:

- Tôi không nói hai lời nên cậu nghe cho kĩ đây: Chúng ta vô duyên vô phận. Ngày trước, bây giờ và sau này đều thế. Cậu thử nói chuyện cưới xin nữa đi, tôi sẽ chết cho cậu xem. Xin cậu tự trọng đừng bao giờ đến tìm tôi nữa.

Mầu dứt khoát xoay người bỏ lại cậu nghè đứng thẫn thờ ở đó.

Có người tiến đến bên vườn ao, là vợ cậu cùng chị Dần. Cô Hồng nhận thấy chồng mình có điểm khác thường. Sự mất mát, tiếc thương vẫn còn trên đôi mắt cậu. Cô Hồng lo lắng hỏi, cậu chỉ qua loa kiếm cái cớ rồi cùng vợ trở về. Dù cậu không nói cô Hồng cũng biết, cái dáng người vừa nãy ở cùng với chồng cô chính là Thị Mầu. Nàng thực khinh thường, thèm trai đến độ cả em rể cũng đi quyến rũ cho được. Thật đúng cho câu:

“Chỉ đâu mà buộc ngang trời

Thuốc đâu mà chữa cho người lẳng lơ”​

Người chị này xem không cách gì cứu vãn nữa rồi. Còn chồng mình, sau này nếu không phải chuyện gấp thì sẽ không cùng chàng về nhà mẹ đẻ nữa.

Mầu chạy chối chết như thể đằng sau mình có ma đuổi. Đến tận khi ngồi ở trên giường, tim nàng vẫn đập điên cuồng.

Đêm ấy, trong nhà ông phú có vài người không ngủ.

Cậu nghè không ngủ được vì sự không thành, cậu chẳng ngờ Mầu lại quyết liệt từ chối như vậy. Còn đem cái chết dọa cho cậu sợ.

Cô Hồng lo lắng chồng mình bị khẻ khác cướp mất, nàng tức giận vì sự lẳng lơ trơ tráo của Mầu đến độ chẳng thể nào ngủ được.

Ở gian nhà cổng sau: Con Nếp bị Mầu dạy bảo một phen, nó tưởng giúp cô Mầu thành đôi với cậu nghè là một chuyện tốt ai dè lại là hại cô. Giấc ngủ của nó chập chờn vì nỗi sợ bị cô Mầu ghét bỏ. Mầu nằm bên cạnh một đêm này cũng chẳng an giấc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên