Nguyễn Đình Thi từng nói: “Người viết tiểu thuyết là một tiểu hóa công vì viết tiểu thuyết là sáng tạo ra cả một thế giới.” Như vậy, Thái Bá Lợi là một tiểu hóa công và đến với “Minh sư” là ta đang bước vào một thế giới đậm đà màu sắc lịch sử.
![1278603607_Minh_Su-Chuyen_Nguyen_Hoang_mo_coi2.jpg](/proxy.php?image=http%3A%2F%2Fwww.ued.edu.vn%2Fkhoavan%2Ffile.php%2F1%2F1278603607_Minh_Su-Chuyen_Nguyen_Hoang_mo_coi2.jpg&hash=356653cbfe90a2f53ae5658cee426714)
Năm 1558, để tránh thảm họa cho gia tộc Nguyễn trước những âm mưu của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê Anh Tông, được sự đồng ý của Trịnh Kiểm vào trấn thủ Thuận Hóa. Thay vì tống khứ đi một địch thủ thì Trịnh Kiểm lại giao cho địch thủ ấy cả một cõi riêng.
413 trang tiểu thuyết Minh sư viết về chuyện Nguyễn Hoàng đi mở cõi về phương Nam. Một hành trình mở cõi bi tráng và đầy trắc ẩn đã đồng hành với lịch sử, mở đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam với 9 đời chúa và 13 đời vua.
Những diễn biến cuộc đời của một nhân vật lịch sử vẫn còn để lại nhiều cách nhìn khác nhau như một bài toán còn nhiều lời giải.
Những màu sắc văn hóa của một dải đất dài nhất trên bản đồ địa lí Việt Nam thưở còn hoang sơ với những nét đặc thù của nhiều vùng đất và những tính người, tình người đặc biệt, sâu sắc.
Tất cả đều được tái hiện sống động qua tiểu thuyết “Minh sư” của tác giả Thái Bá Lợi.
***
Nhân vật Đoàn Minh Thành đang nghiên cứu về đề tài sử học có bối cảnh chính là xứ Thuận Hóa – Quảng Nam vào thời đoạn Nguyễn Hoàng (1525-1613) trấn nhậm. Những mảng hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ với thực tại của hai nhân vật Tư Trà và Thành – những năm 2004-2009 gần đây – cũng chỉ là những đoạn xen kẽ, có tính chất dẫn truyện. Vì thế, mặc dù đang chuyện trò hay cùng đi với chị Tư Trà ra Hà Nội tìm người cùng cảnh ngộ là vợ liệt sĩ bộ đội cùng đơn vị, Thành luôn bị ám ảnh bởi đề tài nghiên cứu.
Sự đan xen lẫn nhau giữa quá khứ và hiện tại, giữa hồi ức và thực tại, giữa những suy tư của nhà sử học với câu chuyện mở cõi thuộc về quá vãng chính là kết cấu của cuốn tiểu thuyết“Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”.
Trong“Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, ở bình diện lịch sử “mở cõi”, hầu như Thái Bá Lợi đã dồn hết tâm sức để tái hiện nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng và ba nhân vật hư cấu khác, cùng thuở bấy giờ: Đỗ Chiêu, Phạm Dữ và Nguyễn Thiệu. Nhưng ở bình diện thực tại hiện nay, nhà văn chỉ thỉnh thoảng nhấn nhá vẽ nên hai nhân vật hư cấu là Thành và chị Tư Trà. Sức nặng của cuốn tiểu thuyết chủ yếu dồn vào thời đại Nguyễn Hoàng, tập trung xây dựng sự nghiệp mở cõi về phía Nam bi tráng và đầy trắc ẩn. Thời hiện tại chỉ đứng bên cạnh với vị trí phụ.
Về nhân vật chính Nguyễn Hoàng, ấn tượng chung, Thái Bá Lợi tạo ra trong trí tưởng người đọc, đó là một con người đức độ, có tài năng chính trị lẫn quân sự, luôn bình tĩnh, sống chan hòa với mọi người, kể cả thuộc cấp và nhân dân. Chính nhờ những ưu điểm đó, nên Nguyễn Hoàng chinh phục được quan tướng, sĩ dân Thuận – Quảng và danh tiếng còn vang lừng trong mọi tầng lớp ở Đàng Ngoài.
“Một con người mà lịch sử không thể một sớm một chiều, một thập kỉ đến hàng nhiều thế kỉ đánh giá hết được những điều đúng sai của ông. Phe phái này kính trọng và cảm phục đức độ, tài năng của ông, phe phái khác lại ganh tị và muốn trừ khử ông. Nhưng chắc rằng ngay cả kẻ thù cũng phải nể trọng ông.” (Trích “Minh sư”)
Bởi từ một cái làng nhỏ nghèo nàn, trống trải bốn bề còn là cát trắng mang tên Ái Tử, Nguyễn Hoàng đã lập ra thủ phủ của một vùng đất mà từ đó đẻ ra cả một vương quốc trong tương lai, nơi đặt chân của một con người mà về sau người ta còn bàn luận nhiều về những toan tính, những ứng xử, những hành động trong quá trình mở nước, trong việc tìm không gian sống cho dân tộc này, làm suy yếu rồi đồng hóa cả một dân tộc khác.
Nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng được xây dựng thành một hình tượng văn chương đúng nghĩa nhưng không thoát li sử kí. Với những nét cá tính riêng biệt, Nguyễn Hoàng của Thái Bá Lợi đã chinh phục một người đọc như tôi. Khi đối diện với nhân vật này, tôi nảy sinh cảm giác ngưỡng vọng, cảm phục, khiêm cung, sinh động như được diện kiến một bậc minh quân thực, tự thấy mình bé nhỏ trước cái uy của một bậc trượng phu mở cõi.
Có một câu chuyện nhỏ lồng trong tiểu thuyết làm tôn ấn tượng sâu sắc. Đó là thời bé của Nguyễn Hoàng, năm lên chín tuổi, một buổi chiều, ngài đang ngồi vọc đất ở góc vườn, Thái Phó cầm hai nắm đất, một nắm đất thịt và một nắm đất cát hỏi ngài, đất nào thấm nước nhanh hơn. Cậu bé chín tuổi ấy lấy mấy hạt cát giơ lên ngang tầm mắt, nhìn kĩ vào những hạt cát rồi lễ phép trả lời: “Thưa cậu, cát không thể thấm nước được”. Khi Thái Phó đổ nước vào nắm đất thịt, nước không rút ngay, còn nắm đất cát hút nước nhanh, nhưng Nguyễn Hoàng vẫn cứ khăng khăng cát không thể thấm nước được. Lúc ấy, Nguyễn Hoàng đã có một câu nói làm Thái Phó sửng sốt. Sự suy luận của cậu bé Nguyễn Hoàng ngày ấy đã nói lên một triết lí rằng “Phải đi vào cái lõi của sự việc. Phải xét từng hạt cát chứ không phải một nắm cát. Xét được một hạt cát thì biết được hết thảy nắm cát”. Tư chất sắc bén, kiên định, tinh anh được bộc lộ ngay trong suy luận của cậu bé chín tuổi ngày ấy hẳn cũng chính là tinh thần để Đoan Quận Công sau này mở cõi thành công.
Những nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ hẳn đã được Thái Bá Lợi sáng tạo nhằm phản ánh tình hình cõi biên địa, qua các chuyến vào ra Thuận – Quảng của họ để vận động, góp phần vào công cuộc an dân, gồm cả hòa giải các xung đột giữa các sắc dân Chiêm – Việt – Thượng, cùng với việc dẹp cướp, trị các thứ phỉ vốn là tàn dư của quân binh nhà Mạc. Ba nhân vật Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ là các hình tượng có tính cách rõ nét, độc lập. Tôi ấn tượng với một Đỗ Chiêu tinh tường, có mắt nhìn người, trải đời. Tôi ấn tượng với một Nguyễn Thiệu gốc Chiêm Thành cốt cách gia giáo và lòng trung thành sắt son. Tôi ấn tượng với một Phạm Dữ mạnh mẽ, dũng mãnh, kiên cường, chí lớn.
Những hình tượng được Thái Bá Lợi xây dựng trong thời đoạn Nguyễn Hoàng mở cõi đều hiện lên sắc rõ với những nét cá tính riêng biệt, sinh động, đầy màu sắc.
***
Song, tiểu thuyết này của nhà văn Thái Bá Lợi được đánh giá cao không chỉ ở bình diện nội dung mà còn ở những đặc sắc nghệ thuật:
Sự cách tân thể hiện trước hết ở nghệ thuật trần thuật. Nhà văn đã phá vỡ lối trần thuật truyền thống theo kiểu tuyến tính, không để sự kiện đi theo trật tự thời gian logic trước sau mà trong mỗi phần của tác phẩm luôn có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa quá khứ gần và quá khứ xa.Chính nhờ kĩ thuật này mà các tuyến cốt truyện lồng vào nhau hài hòa, khiến mạch thời gian giãn nở linh hoạt, các chiều không gian cổ xưa và hiện đại hiện lên song trùng.
Bên cạnh đó, sự cách tân của Thái Bá Lợi ở tác phẩm này còn được thể hiện qua nghệ thuật viết đi chênh vênh giữa sự thật lịch sử và hư cấu. Thái Bá Lợi đã rất khéo khi không khẳng định Minh Sư là tiểu thuyết (ngay trong bìa sách không ghi thể loại của tác phẩm).
Nghệ thuật miêu tả vừa mang tính sự thật vừa mang tính hư cấu đã tạo nên sự xóa nhòa lằn ranh thể loại. Đồng thời, cách viết này cũng khiến cho câu chuyện trở nên huyền thoại, độc giả có thể tin hoặc không tin. Minh sư đã tạo nên trạng thái bất tín nhận thức, đây cũng là tiêu chí của văn học hậu hiện đại.
Song, tựu trung, đọc “Minh sư” đối với tôi cũng chính là hành trình đi tìm “Minh sư” trong câu chuyện lịch sử trên và trong cuộc đời thực. “Minh sư” tức là người thầy thông tuệ, sáng suốt. Theo Thái Bá Lợi, Minh sư là ai?
Thái Bá Lợi đã để cho Nguyễn Hoàng tôn vinh hai người lính của mình là Minh sư, rót nước trà mời họ uống. Minh sư là người thầy sáng suốt. Ai là người thầy sáng suốt đó? Trong tác phẩm, nhân vật Nguyễn Hoàng xem những người lính, cả kẻ thù của mình là Minh sư: “Không phải chỉ có những người gần gũi ta, những người nói hợp với lòng ta, mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều…” .
Vì họ đã cho chúng ta cái nhìn phản tỉnh, tiếng nói phản biện. Đưa cuộc đối thoại của hai người lính về chuyện đánh giá hành động của Nguyễn Hoàng trước đây là một cách tạo nên tiếng nói đa thanh cho tác phẩm. Ở bình diện này, có thể nói, “Minh sư” đã đạt đến tiêu chí bình đẳng trong tiếp nhận văn học của văn học hiện đại. Cái nhìn của tác giả, của nhân vật và cả người đọc được đặt ngang nhau, đúng như nhận định của nhà lí luận văn học người Nga Khrapchenco: “Tác phẩm văn học là chiếc máy thu thanh có nhiều dải tần”, và đó cũng giống như một điểm trên mặt phẳng, mà qua đó, người đọc chúng ta có thể kẻ ra vô số những đường thẳng cảm nhận khác nhau. Nếu xem đây là yếu tố cốt tử đánh giá sự tồn vong của một tác phẩm trong lòng năm tháng thì “Minh sư” chính là chiếc lá xanh mà Thái Bá Lợi đã thả trôi trên dòng thời gian.
Minh sưlà câu chuyện của Nguyễn Hoàng thời mở cõi, nhưng Minh sư ở đây hẳn nhiên không phải là Nguyễn Hoàng. Điều băn khoăn nhất đối với người đọc tiểu thuyết này là không rõ Minh sư là ai?
Vâng, với riêng tôi, trong đường đời tôi từng gặp những người thầy, những bậc cha chú anh chị, những người bạn, thậm chí những người nhỏ tuổi hơn mà từ họ tôi học được nhiều điều thì tôi coi đó là Minh sư. Minh sư chính là những người nói đúng sự thật và dạy cho chúng ta nhiều lẽ đời, giúp ta thấu suốt cuộc đời này.
***
Đồng hành cùng với thế giới nghệ thuật “Minh sư”, tôi nhận ra đằng sau những hình tượng, những chi tiết, những không gian, những cuộc trò chuyện hay những dòng tâm trạng của nhân vật,… là sự trăn trở, suy tư đầy tâm huyết của người cầm bút, thể hiện rõ nhất qua hình tượng nhân vật Tư Trà. Hẳn rằng, nhà văn đã hoài thai nhân vật này bằng tư tưởng hướng đến sự hòa giải những mối xung đột vốn âm thầm ăn sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của nhiều sắc tộc, và Tư Trà ra đời như một sứ giả của hòa bình, nối kết lại những chia rẽ vô hình. Tuy nhiên, sức nặng tư tưởng đó vốn chỉ manh nha trong nhân vật này chứ chưa hoàn toàn trở thành một sự giải quyết dứt khoát, rạch ròi cho những xung khắc mà nhà văn đặt ra. Nhân vật vẫn còn là một điểm chênh vênh chứ chưa thực sự kết thúc sứ mệnh trọn vẹn như những nhân vật khác. Phải chăng, điểm chênh vênh ấy sẽ trở thành một duyên cớ để nhà văn tiếp tục cầm bút và thai nghen những tác phẩm mang chiều sâu tư tưởng về sau?
Thú thật, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người có chung một cảm nhận rằng lịch sử là một lĩnh vực khá khô khan, khó gây hứng thú. Ban đầu, khi tiếp cận cuốn sách, tôi chưa có niềm hứng thú thực sự. Nhưng, kì thực, khi chìm vào thế giới nghệ thuật bi tráng và đầy trắc ẩn này, tôi đã bị thu hút cho đến trang cuối cùng. Bởi lối kể chuyện của tác giả “Minh sư” thật sinh động và hấp dẫn, khiến cho những sự kiện lịch sử đã học nhiều lần nhưng khó nhớ đi vào đầu tôi tự nhiên. Chuyện về Nguyễn Hoàng, hẳn ta đã được thầy cô dạy nhiều lần, song, khi đến với tác phẩm này, tất cả dựng lên trước mắt qua ngôn từ kể tả linh hoạt, đầy chất hiện thực. Thật đến độ những gì hư cấu cũng sống động và lôi cuốn không kém gì những trang sử bi tráng, hào hùng. Khó có cuốn tiểu thuyết nào khai thác về đề tài lịch sử lại gây ấn tượng và lôi cuốn người đọc đến thế. Thiết nghĩ, các bạn ở đây, ai cũng nên một lần trải nghiệm thế giới nghệ thuật đầy màu sắc của “Minh sư”, các bạn sẽ được sống trong lịch sử một cách trọn vẹn cùng những cung bậc cảm xúc đa dạng, phong phú.