Cuộc sống thật sự có những điều vi diệu không sao đoán trước. Y như một bộ phim, hay một cuốn tiểu thuyết giả tưởng huyễn hoặc nào đó. Nó xảy ra ngay trước mắt tôi khiến tôi thấy mọi thứ như một giấc mơ.
Thằng bạn thân của tôi bị tai nạn giao thông. Lẽ ra nó đã chết nhưng lại nhập hồn vào thân xác của một đứa con gái. Mà đấy lại không phải một đứa con gái bình thường. Đó là Trần Thu Huyền, đứa con gái duy nhất của một gia đình giàu có, những người sở hữu một chuỗi các nhà hàng mang thương hiệu “Hồn Việt” nổi tiếng trên khắp đất nước. Cô ấy vốn dĩ sẽ trở thành người thừa kế của cái gia tài khổng lồ ấy. Nhưng một căn bệnh kì lạ đã làm cô ấy phải trở thành người thực vật suốt bốn năm.
Bỗng một hôm, cô gái ấy tỉnh dậy, và vùng chạy khỏi bệnh viện, mất tích suốt hơn một tháng trời. Không một ai biết được cô ấy đã đi đâu. Cả nhà họ Trần cho người đi tìm. Họ vô cùng đau khổ khi lạc mất đứa con gái.
Dĩ nhiên, đó là những điều tôi “nghe” được từ những cái miệng của các mẹ, các thím vẫn hay buôn đủ thứ chuyện trong nhà ngoài ngõ. Chỉ có một mình tôi biết sự thật xảy ra với cô gái kia.
Nhưng vậy thì sao? Giây phút cô ta lên chiếc xe ô tô đó và trở về với thân phận của một đứa con gái nhà giàu, cô ấy đã không còn cũng một thế giới với tôi nữa rồi.
Tôi không biết mình cư xử có kì lạ hay không. Kể từ sau hôm đấy, tôi hay ngồi thơ thẩn nhìn vòm me xanh mát với những tia nắng lấp lánh ẩn hiện qua kẽ lá. Tôi thở dài nhiều hơn, số lần tôi ngồi thừ người ra nhiều hơn và lâu hơn so với trước kia. Cả bố mẹ và ông bà đều không hiểu tôi bị làm sao.
Tất cả, ngoại trừ một người. Đó là anh tôi.
“Mày với cái Ly có chuyện gì vậy? Sao dạo này nó không sang đây nữa, cũng nghỉ việc ở quán rồi?”
Thấy tôi không nói gì, cứ cắm mặt xuống tỉ mẩn cắt cỏ, anh chỉ thở dài.
Tôi không nhớ mình đã như thế bao lâu. Cho đến một buổi chiều, khi cả nhà tôi đang ở ngoài vườn chăm vườn rau – những người ở chung cư này tận dụng những mảnh đất vẫn chưa được quy hoạch phía sau chung cư, rào lại và bổ luống trồng thành những vườn rau xanh mơn mởn. Anh tôi đang hái những ngọn mồng tơi, nhờ vào mùa mưa mà lên xanh tốt, còn tôi đang ở trong nhà rửa bát.
Căn hộ gia đình tôi ở chỉ có bố mẹ tôi và tôi, một phòng còn lại cho chị gái. Còn anh trai tôi ở với ông bà ngay căn hộ bên cạnh. Trong căn hộ này, cạnh chỗ đun nấu và rửa bát có một cái cửa sổ to, nhìn thẳng xuống vườn rau nhà tôi trồng.
“Cần thêm nước nữa không?” Tôi vươn người đến cái cửa sổ, gào lên với mọi người bên dưới.
Đúng lúc đấy có tiếng một chiếc ô tô chạy qua, đỗ ngay gần đó.
Tôi nhận ra nó và người đàn ông mặc vest đen kia, tim như ngừng đập.
Người đàn ông đó nói gì đó với anh tôi. Anh ngước lên nhìn tôi. Rồi lại cúi xuống nói gì đó với người mặc vest đen.
Tôi vội vàng quay lại rửa nốt bát đĩa. Nhưng không sao tập trung được. Họ đến đây làm gì? Và tại sao tôi phải vội vàng tránh mặt? Tôi sợ cái gì chứ? Tiếng vòi nước vẫn chảy ào ào. Mãi đến tận khi nước đã ngập cả bồn và những đầu ngón tay tôi đã nhăn nheo lại hết cả, tôi mới bừng tỉnh mà dứt khỏi những dòng suy nghĩ.
Khi anh tôi lên nhà, sự thắc mắc của tôi cuối cùng cũng có lời giải đáp.
“Có một người vừa nãy đến hỏi anh có biết ai tên là Phạm Quyết Thắng hay không. Anh không biết họ đến từ đâu, cũng không biết họ với em có vấn đề gì, nên nói rằng em không có nhà. Nhưng họ gửi cho anh cái này.”
Anh tôi đưa cho tôi một phong thư. Tay tôi run run mở nó ra. Đập vào mắt tôi là những dòng chữ đẹp mắt trên một loại giấy đắt tiền.
“Chào cậu Thắng,
Tôi là mẹ của Thu Huyền, tôi nghe con bé kể đã được cậu giúp đỡ rất nhiều trong thời gian vừa qua. Chúng tôi rất lấy làm biết ơn về điều này. Con bé luôn miệng nhắc đến cậu và nói muốn gặp cậu. Chúng tôi rất mong cậu có thể đến chơi cùng con bé.
Vì cậu là bạn của con gái tôi nên cậu cũng là bạn của chúng tôi. Chúng tôi rất mừng nếu cậu có thể đến thăm. Bây giờ Thu Huyền đang nằm tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tầng ba, khoa Thần Kinh.”
Một lá thư đầy vẻ khách sáo và xa cách. Có vẻ họ vẫn nghĩ “thằng Cường” bị mất trí nhớ thật. Nhưng điều đó với tôi không quan trọng. Chỉ cần có thể được gặp lại nó, và được ở cạnh nó như ngày xưa, dù có bất cứ điều khó khăn nào xảy ra đi nữa, tôi cũng sẵn sàng đối mặt.
***
Tôi mua một bó hoa hồng viền trắng mang đến- theo như lời mẹ tôi nói khi phải mang cái gì đó đến thăm người bệnh, mặc dù tôi biết rõ là nó không bệnh, và cũng chẳng thích thú gì hoa cỏ, nhưng vẫn phải mua. Tôi không hề biết rằng sự chọn bừa của tôi lại là một điềm báo trước.
Khi tôi mang bó hồng đến bệnh viện, hỏi phòng bệnh của bệnh nhân Trần Thu Huyền, rất nhiều ánh mắt của các cô y tá nhìn tôi khiến tôi cực kì khó chịu. Họ thì thầm điều gì đó tôi không biết rõ. Một cô y tá đánh bạo hỏi tôi:
“Anh là gì của cô ấy vậy?”
“Tôi là bạn.”
“Vậy anh không biết hôm nay cô ấy phẫu thuật ư?”
“Phẫu thuật?”
“Đúng vậy. Bệnh nhân này rất kì lạ, lúc trước điều trị ở đây trong tình trạng người thực vật suốt bốn năm liền, đột nhiên một hôm tỉnh dậy lại không nhận biết một ai cứ thế bỏ trốn khỏi bệnh viện. Một tháng nay đưa vào viện điều trị, được chẩn đoán là bị mất trí nhớ. Nhưng hôm qua tự dưng cô ấy hôn mê rồi ngất đi, bác sĩ cấp cứu thấy cô ấy có khối u ở não nên hôm nay đã tiến hành phẫu thuật.”
Nghe những lời đó, mặt đất dưới chân tôi như chao đảo, tôi lao đến phòng phẫu thuật, không mảy may bận tâm đến tiếng gọi và sự ngăn cản của các bác sĩ.
“Anh không thể vào được. Hiện giờ bệnh nhân đang phẫu thuật.”
“Anh hãy bình tĩnh, cuộc phẫu thuật sắp kết thúc rồi.”
Làm sao tôi có thể bình tĩnh được cơ chứ? Người bạn của tôi đã từng chết một lần, liệu rằng lần này cậu ấy có bỏ tôi mà ra đi mãi mãi không? Tôi không thể biết. Tôi sợ hãi. Nhưng tôi lại chẳng thể làm được gì. Bây giờ tôi không phải là người thân của cậu ấy, càng không phải là người yêu. Chỉ là một kẻ chả liên quan.
Tôi đã ngồi đó, bao lâu tôi không nhớ. Dường như tôi có thể nghe thấy tiếng cơn mưa đột nhiên ùa đến, rơi nặng hạt ngoài hành lang trắng xóa, giữa những khoẳng đệm lộ thiên ở bệnh viện này.
Cửa phòng phẫu thuật mở ra. Những người thân của bệnh nhân ào vào hỏi bác sĩ, vỡ òa khi thông báo ca mổ thành công. Còn tôi vẫn len lén nhìn họ. Tôi đã phải mất rất lâu để có đủ dũng cảm bước vào đấy, cố gắng nở một nụ cười.
Nhưng đôi mắt tôi mong chờ kia lại chỉ nhìn tôi với ánh nhìn của một kẻ xa lạ.
“Cuộc phẫu thuật rất thành công, con bé đã lấy lại được những kí ức.” Bà mẹ cô gái hớn hở nói với tôi.
“Con nói đi, con là ai?” Bố cô gái hỏi.
“Con là Trần Thu Huyền.”
Rồi ánh mắt kia chiếu thẳng vào tôi, trong một giây phút đó, sức sát thương của nó đối với tôi còn mạnh hơn cả dao súng.
“Anh là ai?”
***
Tôi đi lang thang một mình trong cơn mưa. Bó hồng viền trắng đã rơi đâu đó. Tôi không hề quan tâm đến nó. Tôi chỉ để tâm đến cảm xúc của tôi hiện giờ, nỗi hối hận và sự mất mát cùng cực mà tôi phải chịu, mặn chát hòa lẫn với những giọt mưa cuối mùa.
Nhiều năm sau đó, tôi đã đi tìm “thằng Cường”, thằng bạn thân của tôi, gần như lục tung mọi ngóc ngách. Cứ mỗi lần có tai nạn nào, tôi lại đến bệnh viện, hay những đứa trẻ sắp chào đời, tôi vẫn cố gắng tìm trong chúng ánh mắt kia, ánh mắt của một người tôi thân thuộc. Vì Trần Thu Huyền cũng có thể hồi sinh lại, vậy nghĩa là linh hồn của cậu ấy chỉ ở đâu đó mà thôi, chứ không phải hoàn toàn biến mất đúng không?
Tôi đã nghĩ, nếu lần này tìm thấy cậu ấy, cho dù cậu ấy lại trong hình hài của đàn ông, hay một đứa bé, thậm chí là ông già bà lão đi chăng nữa, tôi cũng không quan tâm. Chỉ cần đó vẫn là “thằng Cường” của tôi, ánh mắt và nụ cười ấm áp tôi đã quen từ hồi thơ bé, tôi sẽ bất chấp mọi thứ để giữ cậu ấy lại bên cạnh. Nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô vọng.
Nỗi tuyệt vọng của tôi lớn tới mức, tôi đã nhờ nó mà thi đỗ trường Y và trở thành bác sĩ. Chỉ vì cái hi vọng nhỏ nhoi là sẽ tìm thấy cậu ấy giữa muôn vàn những con người xa lạ ngoài kia, ánh mắt với thứ cảm xúc ngày nào vẫn giành cho tôi.
Ngày tôi cầm trong tay mảnh bằng “Cử nhân trường đại học Y”, mặc áo choàng và đội mũ tốt nghiệp về nhà, sau khi được bố mẹ ông bà tíu tít chúc mừng, tôi bước vào phòng mình dọn dẹp lại những quyển sách. Chợt, ánh mắt tôi chạm đến một cái hộp, phủ đầy bụi bặm và vứt chòng queo trong góc nhà. Tôi cầm lên, nhớ ra rằng đây chính là món quà cuối cùng thằng Cường tặng tôi hôm sinh nhật.
Tôi đã chẳng đủ dũng cảm để mở nó ra. Tôi sợ sau khi mở nó, những kỉ niệm lại ùa về và khiến tôi đau khổ hơn trước. Cái cảm xúc mà tôi đã rất vất vả để có thể vượt qua. Bạn biết đấy, tôi luôn sống trong sợ hãi, và bởi vậy, tôi đã mất đi rất nhiều thứ quý giá.
Nhưng hôm nay, tôi quyết định đối mặt với nó.
Những lớp bụi đã làm mờ đi cả hoa văn trên giấy gói món quà, mờ cả nét chữ trên tấm thiệp, nhưng món quà thì vẫn không bị hư hại gì. Mở nó ra, bên trong là một đôi giày Nike có màu sắc mà tôi thích nhất. Tôi đã ao ước nó suốt những ngày học cấp ba. Thật không ngờ là tôi đã có nó từ lúc đó.
Bên dưới đôi giày mới cóng, là một tờ giấy màu hồng được gấp rất cẩn thận. Những dòng chữ chả thể gọi là đẹp, nó nghuệch ngoạc như gà bới, làm tôi phải khó khăn lắm mới đọc được, nhưng lại ẩn chứa nét cứng cỏi, mạnh mẽ của một thằng con trai.
“Gửi Thắng,
Hôm nay sinh nhật mày, tao chúc mày thêm một tuổi mới, ăn tàn phá hại và ngu bất tận hơn xưa. Vốn muốn tặng mày một trăm quả đấm, nhưng nghĩ chắc chẳng còn ở với mày lâu, nên tao “nhân tính trỗi dậy” làm một việc thiện để tích đức. Tao mua đôi giày này tặng mày bằng tất cả, ý nhầm chỉ 2/3 thôi tiền lương tao kiếm được. Mày đã thấy thằng bạn nào tốt như tao chưa?
Mày đừng có chửi tao, từ lâu tao đã thấy bản thân tao khác lạ rồi. Tao biết mình còn có thể tiếp tục sống đúng là một phép màu. Nhưng chắc chắn sẽ có một ngày, tao sẽ phải ra đi. Tao không thể cứ như vậy chiếm lấy cơ thể một người khác. Rồi cũng sẽ đến lúc, tao phải trả lại thôi.
Dạo gần đây tao thấy mày nhìn tao với ánh mắt khác lắm. Bản thân tao cũng thấy mình khang khác. Nhưng mày ngu quá, nên tao thử kiểu gì cũng chẳng ăn thua cả.
Nhưng cũng may là mày ngu như thế, nếu không tao chả biết mình phải làm thế nào cả. Tao cũng sẽ vờ như chẳng biết gì, và chúng ta sẽ mãi mãi là bạn thân như xưa.
Thằng bạn tốt của mày.
Cường.”
Nước mắt tôi rơi từng giọt to tướng xuống tờ giấy, làm nhòe đi màu mực xanh Thiên Long của những con chữ. Nước mắt của nỗi hối tiếc muộn màng. Hai tay tôi bịt chặt miệng mình. Tôi không muốn khóc, tôi không được khóc. Nhưng nước mắt vẫn chảy. Tôi biết chỉ cần mình bật thành tiếng, mọi nỗi niềm trong tôi sẽ vỡ òa, và cái vỏ cứng rắn tôi cố tạo ra cho mình, sẽ nứt toạc.
Mảnh giấy màu hồng ấy, run run nằm trong tay tôi, như cánh diều đứt dây, chao đảo thất lạc trong một buổi chiều đầy gió. Cũng giống như bó hồng viền trắng loang lổ những giọt máu, tan tác dưới cơn mưa chiều hôm đó. Chúng lẽ ra phải là những thứ tôi nên trân trọng, nhưng bởi sự ngu ngốc của tôi, đã lạc đâu mất khi tôi còn đang ngổn ngang và luẩn quẩn với những cảm xúc của riêng mình. Tôi cứ co mình lại, vật lộn trong cuộc tranh đấu vô nghĩa của bản thân, không hay biết rằng cái tôi thực sự cần đơn giản hơn nhiều so với những gì tôi suy nghĩ.
Bức thư trên tờ giấy màu hồng ấy, đến giờ tôi vẫn còn giữ. Đến tận nhiều năm sau, ngay cả khi vợ tôi nhìn thấy nó và lên cơn ghen. Tôi vẫn giữ chỉ cho riêng mình xem. Nó nhắc tôi về những kí ức tuổi mười bảy, những tháng ngày còn nguyên hương vị thanh xuân. Những ngày đó, tôi cũng đã biết rung động như bao người khác, biết bối rối, biết ngập ngừng, biết hờn dỗi, biết ghen tuông.
Những ngày đó, có hai cậu bé luôn luôn dính bên nhau như hình với bóng.
Những ngày đó, những ngày của những cơn mưa mùa hạ, có một cô gái đứng trước cửa nhà tôi, một cô gái đeo kính với bộ đồ ướt sũng.
Những ngày đó, có một cậu con trai đứng trên cây cầu khi mưa đã tạnh, nước đã rút, cậu hét thật to những điều sâu thẳm trong lòng cậu, những điều đã không thể đến được với người cậu muốn nói.
Phải, đó là ba từ: Tôi yêu em.