Chương 3: Những ngày đầu vào giảng đường.
Trước ngày nhập học, Hoài nôn nao khó tả, tự nhiên cô thấy hơi hối hận vì đã chọn trường xa quá. Mấy đứa bạn thân thì học gần nhà, mỗi tháng còn về được vài ba bận. Còn cô cách nhà cả mấy trăm cây số, có nhớ nhà cũng khó mà về được. Nghĩ vậy cô thấy tủi thân quá, nước mắt ứa ra, cô không muốn xa cái tổ ấm quen thuộc của mình. Cô sợ cái cảm giác xa cách, sợ cái lạ lẫm, ồn ào nơi thành phố, sợ nó sẽ phá vỡ cái bình yên trong tâm hồn cô.
Cô miên man suy nghĩ rồi thiếp đi lúc nào không hay. Cô cảm thấy một làn gió nhẹ lướt qua tóc, như có bàn tay ai đó lùa vào tóc cô, cảm giác thư thái lạ thường. Cô mở mắt ra, vẫn nụ cười ấy đang nhìn cô âu yếm:
- Em lo lắng lắm phải không?
Cô bất ngờ quá chỉ kịp thốt lên:
- Anh! Có phải anh không?
- Ừ, là anh đây – Giọng anh nhẹ nhàng.
- Em nhớ anh lắm, anh biết không? Mấy hôm nay ngày nào em cũng nghĩ đến anh. Sao anh không về thăm em? Anh không nhớ em sao?
- Anh biết chứ, giờ anh về thăm em đây. Em đừng lo lắng gì cả, anh sẽ luôn bên cạnh em mà.
- Nhưng em sợ lắm anh ơi! Em chưa bao giờ đi xa cả. Em sẽ nhớ bố mẹ, nhớ các em và nhớ anh lắm!
- Anh biết, mọi người sẽ luôn bên cạnh em, cả anh nữa. Lúc nào anh cũng bên cạnh em hết. Mạnh mẽ lên nào, cô giáo của anh!
Anh cười dịu dàng hôn lên tóc cô, cô đắm chìm trong mơn man hạnh phúc. Cô với tay định ôm lấy anh thì bất chợt thấy mình hụt hẫng, cô mở mắt ra choàng tỉnh dậy. Thì ra đây chỉ là một giấc mơ. Cô thẫn thờ một lúc rồi ngồi dậy xếp chồng thư của anh cẩn thận vào chiếc hộp giấy nhỏ xinh – Món quà đầu tiên anh tặng cô.
Ngày cô lên đường làm thủ tục nhập học, có cả mẹ, cậu và hai em trai cô đưa chân ra bến xe. Họ ra rất sớm nhưng bến xe đã rất đông người, chủ yếu là những bạn tân sinh viên như cô. Hầu như các bạn đều đang khóc thút thít, gần cửa xe cô còn thấy một đôi nam nữ đang ôm nhau khóc. Cô gái khóc như mưa, chàng trai cũng sụt sùi an ủi:
- Thôi nào, ít hôm nữa anh lại ra thăm em.
Cô gái không nói gì chỉ càng khóc to hơn. Hoài cũng cố dằn lòng không được khóc, cô sợ mẹ nhìn thấy con gái mình yếu đuối. Cô không dám nhìn vào đôi mắt mẹ, cô sợ khi nhìn vào đó cô sẽ không nén được lòng. Cô lên xe, cậu thì khệ nệ xách một va li đồ đi theo anh lơ xe bỏ vào cốp. Mẹ lên xe cùng Hoài dặn dò bác tài cho cô ngồi đằng trước vì cô bị say xe. Bác tài cười nhìn mẹ:
- Bác cứ yên tâm, đường bây giờ đẹp rồi, không sóc đâu mà sợ say xe.
Anh chàng lơ xe trẻ tuổi gần đó cũng trêu chọc:
- Có gì cháu chăm sóc em nó cho, bác đừng lo nhé!
- Thằng này khôn nhỉ? Con gái người ta mới vừa chân ướt chân ráo ra ngoài này mà mày đòi chăm sóc luôn cơ à? Định chăn nghé từ bây giờ luôn à?
- Thời đại bây giờ phải thế bác ơi. Chứ con gái thời nay ở quê ngoan hiền như nai là thế lên thành phố mấy hôm là thành cáo thành tinh luôn đấy ạ. Đến lúc đó thì không có cửa cho mình đâu bác – Anh chàng lơ xe tỏ ra hiểu đời.
Anh ta cũng đang là sinh viên, tranh thủ nghỉ hè đi lơ xe kiếm chút tiền tiêu vặt. Có lẽ tiếp xúc nhiều với cuộc sống sinh viên, lại đi đâu đi đó nhiều nên anh ta có vẻ rất có kinh nghiệm. Cái miệng thì dẻo quẹo chắc là biết cua gái lắm.
- Ở nhà là Mít là Na, lên phố mấy bữa gọi là Trà My hết. Thế còn em tên là gì vậy? – Anh chàng láu cá vẫn không chịu buông tha cho Hoài.
Mấy người gần đó nghe thấy thế đồng tình phá lên cười cổ vũ. Hoài hơi đỏ mặt, cô vội giục mẹ:
- Con không sao đâu, mẹ về đi nhé!
- Nhớ ăn uống giữ sức khỏe nha con. Khi nào nhớ nhà thì gọi điện về cho mẹ. Nhớ đừng thức khuya nữa đấy!
- Dạ, con biết rồi mà! Mẹ yên tâm nhé!
Mẹ cô bùi ngùi xuống xe, ánh mắt mẹ vẫn không rời khỏi Hoài. Cô không dám nhìn vào mẹ nữa cho đến khi xe chạy được một đoạn, cô mới dám ngoái đầu nhìn về đằng sau, mẹ cô nhìn chỉ còn như một chấm đen. Nước mắt cô chảy dài, cô chẳng buồn kìm nén nữa, để mặc kệ nó tuôn ra thành dòng xuống cả cổ áo.
***
Hoài khệ nệ xách chiếc va li to đùng đi vào xóm trọ đã được người quen liên hệ trước. Buổi chiều các anh chị sinh viên đã đi học về, rồi đang chuẩn bị nấu cơm chiều. Khu trọ gồm hai dãy, ở giữa là lối đi vào, phía cuối dãy đặt một cái bể nước to tướng xây bằng bê tông là nơi giặt giũ, tắm rửa. Một chị đang rửa rau thấy Hoài liền gọi lớn:
- Em là Hoài phải không?
- Dạ, vâng ạ !
- Chị Hà dặn chị khi nào em đến nơi thì chỉ phòng cho em. Chị chờ mãi chẳng dám đi chợ nữa này. Cái phòng có viết số 07 là của em đấy. Em mang đồ vào đấy trước đi, tí chị vào phụ cho.
Chị Hà là sinh viên khóa trước cùng quê với Hoài vừa mới ra trường năm nay, giờ đang ở quê chờ xin việc. Khi biết tin Hoài thi đỗ vào trường của chị, mẹ cô đã lân la hỏi thăm rồi đến nhờ chị liên hệ tìm chỗ trọ cho cô trước. Chị ở xóm trọ này bốn năm đại học liền, thấy an ninh cũng tốt, gần trường học, giá cả lại bình dân nên gọi điện nhờ mấy đàn em khóa sau giữ phòng cho Hoài. Thế là bước đầu tiên Hoài gặp thuận lợi, không phải mất công xách va li đi tìm xóm trọ như mấy bạn sinh viên mới.
Cùng khóa với Hoài cũng có ba bạn nữa vào trọ cùng xóm. Toàn là nữ nên các anh sinh viên khóa trên náo nức lắm, tranh nhau ra đón tiếp các em rồi còn xách đồ hộ, cười nói rôm rả làm cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Đến nỗi bác chủ nhà phải chạy ra dẹp loạn.
Buổi tối ra mắt xóm cũng huyên náo không kém. Sau màn chào hỏi giới thiệu của các tiền bối khóa trên là màn tự giới thiệu của các hậu bối bọn Hoài. Chủ yếu xoay quanh một vấn đề chính là có người yêu hay chưa. Mấy bạn kia thì xấu hổ không trả lời. Mãi mới lí nhí được một từ “chưa”. Chỉ có mỗi mình Hoài là trả lời đầu tiên “Em có rồi ạ” làm mọi người bất ngờ. Ai cũng nghĩ Hoài là cô bé trông ngoan hiền thế kia, chắc chỉ là con mọt sách thôi chứ không ai ngờ cô lại có người yêu sớm nhất hội.
Những ngày đầu nhập học, Hoài cảm thấy hơi thất vọng và chán nản. Trong đầu cô hai chữ đại học nó khác lắm, đẹp đẽ hơn nhiều. Nhưng thực tế thì cô thấy nhiều chuyện không hay ho tí nào. Cách dạy ở đại học thì không khác phổ thông là mấy. Có mấy môn chung học chán ngắt, các thầy cô toàn cho bài tự về nhà nghiên cứu rồi lên lớp tự trình bày. Các môn triết học hay lịch sử văn minh thì lại còn buồn hơn, học mà cứ mơ màng muốn ngủ gục luôn trên lớp ấy. Tệ nhất là cách các bạn chạy điểm thi cho qua học phần. Rủ nhau lên thăm nhà thầy cô lấy lòng, có bạn còn một mình lên nhà riêng của thầy cô bộ môn đưa thẳng phong bì trắng trợn. Thế là môn thi của bạn gói gọn trong năm câu và sẵn đáp án. Thành ra học chẳng ra sao mà điểm thì cao ngất ngưởng. Cái sự học hành mà cứ như cuộc mua bán trao đổi ngoài chợ vậy. Hoài thấy nản và thất vọng vô cùng. Hết tiết học cô thường đi tản bộ quanh trường, quanh bờ hồ hoặc ra công viên cho đến tận chiều. Đi như vậy cô mới cảm thấy đầu óc nhẹ nhõm một chút, để mình không phải nghĩ về những vấn đề tiêu cực nữa. Nhiều khi cô mải miết đi cho tới tận tối mới kịp nhớ mình còn chưa về nhà.
Vừa về đến xóm trọ Hoài đã nghe thấy tiếng chị Lan gọi:
- Em đi đâu mà về muộn thế? Vừa nãy có bạn lớp trưởng lớp em đến tìm em đấy.
- Bạn ấy nói có chuyện gì không chị?
- Chị cũng có hỏi có gì không để chị nhắn cho, cậu ấy nói chỉ đến chơi thôi. Người yêu em đấy hả?
- Dạ, không phải đâu chị, bạn cùng lớp em thôi – Hoài vội vàng phân bua.
- Ừ nhỉ, em nói là có người yêu rồi mà. Chắc cùng quê, cái anh chàng mà em hay nói chuyện điện thoại đấy hả? Yêu xa thế phải coi chừng đấy em ạ.
Chị Lan vừa nói vừa lấy tay giũ giũ quần áo vắt lên dây phơi:
- Như chị đây này, yêu nhau thắm thiết ba năm trời, đến khi anh ấy ra trường, mới có một năm thôi đã vội vàng lấy vợ. Mà có xa xăm gì lắm cho cam. từ trường về nhà chị có vài trăm cây số chứ mấy. Thế nên không tin được đàn ông bây giờ đâu em ạ.
Anh Nghĩa đang đá bóng gần đó cũng nói chen vào:
- Đúng đấy em ạ, đừng nên yêu xa. Mà cả cái tên lớp trưởng hồi nãy nữa, anh thấy mặt nó đểu đểu kiểu gì ấy.
Chị Lan chọc vào:
- Thế yêu anh Nghĩa cho chắc, ý ông muốn nói vậy chứ gì?
Anh nghĩa ngừng lại :
- Bà muốn bắt trái bóng này không?
- Tôi chả đủ sức đâu. Mà ông để dành sức mà chăm sóc cho em nó.
Hoài ngượng ngượng, không đỡ nổi mấy anh chị này nữa rồi nên xin phép vào phòng. Chị Lan nói vọng theo:
- Ông làm em ý xấu hổ rồi đấy.
Hoài đi vào phòng mở mail tìm đề cương ôn tập của cậu bạn lớp trưởng vừa gửi hồi sáng nay. Vừa mở ra đã thấy ngay mail của Nam. Mặc dù ngày nào cũng gọi điện hay nhắn tin cho Hoài nhưng thỉnh thoảng Nam cũng gửi mail cho cô. Có mail viết đến năm trang A4. Cậu sợ cô buồn và nhớ nhà nên hay viết thư động viên cô. Nhiều lúc cô thấy Nam như anh trai cô vậy, quan tâm cô hết lòng. Cô cũng biết ơn Nam lắm, vì nhờ có cậu cô mới vượt qua được những cảm xúc tiêu cực, những chán nản thất vọng của những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng bên cạnh đó cô cũng rất ái ngại cho Nam, cô biết cậu vẫn còn giữ lời hứa ngày chia tay cuối cấp. Cô biết trong lòng Nam vẫn dành cho Hoài một chỗ đứng quá lớn, cậu vẫn chờ cô, vẫn mong được một ngày thay thế hình bóng anh trong trái tim cô. Nam như một con ong chăm chỉ, cần mẫn từng ngày đi hút mật về xây tổ với một niềm hi vọng tràn đầy. Chính vì thế Hoài càng sợ mình làm cho Nam thất vọng nhiều hơn bởi trong trái tim cô, hình bóng anh vẫn còn ngự trị lớn lắm. Chưa lúc nào và chưa bao giờ cô thôi nhớ đến anh, ngay cả trong những giấc mơ.