Cảm nhận Một nốt trầm của tuổi thơ - Tuổi thơ im lặng

Lạc Tâm Vũ An

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/2/14
Bài viết
762
Gạo
80,0
Lâu thật lâu trước đây, trong một kì nghỉ hè về nhà ngoại tôi lục tìm được cuốn sách này. Là cuốn Tuổi thơ im lặng - Duy Khán được xuất bản năm 1996 khá là cũ kĩ. Giấy đã ngả màu ố vàng.

Tuổi thơ im lặng – cũng im lặng như cái tên của nó. Cuốn sách là câu chuyện về tuổi thơ của chính tác giả. Nhưng với tôi có lẽ nó cũng là câu chuyện tuổi thơ của thế hệ trước – của những con người đã từng nghèo khổ. Những nốt trầm bổng của tuổi thơ – một chặng đường của con người cứ như vậy lớn dần lên trong tâm trí tôi. Mảnh đất Bắc Ninh tưởng chừng như xa xôi lắm nay cũng trở nên thân thuộc dưới những con chữ của nhà văn đất quan họ. Từ cái cổng chùa đã chuyển đi từ đời nảo đời nào, chẳng còn một dấu vết gì cho đến cái vườn nhà cằn cỗi. Tất cả như một bức tranh vẽ lên trong tâm trí tôi.
Cây mít ở vườn nhà xanh tốt là thế "Nhưng mỗi tội: Cái việc chính của nó, nó không làm. Ấy là ra quả. Phải ra quả!"
Đấy, cây mít mà cứ cứng đầu cứng cổ mãi thế...
Mai, thổng buổi, thằng Thả leo lên, u lấy chày đập vào gốc. U hỏi: "Mùa này mày ra mấy quả?". Thả giả lời: "Hai quả" nhá!
Đến mùa, nó ra bao nhiêu quả. Cả nhà mừng. Nhưng rồi rụng, chỉ còn một quả. Quả rất chóng lớn. Nó chín thơm. Cả nhà được bữa thòm thèm! Mùa sau nó lại tịt ngóp. Mùa sau nữa nó lại tịt.

Giữa cái đói, cái khổ cây đu đủ cũng bị tiện sát gốc để ăn chống đói. Ấy thế mà cũng ngon cũng đậm hơn cơm củ chuối. Đọc đến đây tôi lại nghĩ lại mình - cái đứa kén ăn này nọ nếu là mấy chục năm trước chắc tôi sớm chết vì đói rồi.
Cái Lao xao vì những trận ẩu đả trên không của chèo bẻo - chim cắt cứ làm tôi tò mò mãi. Đơn giản, chính tôi cũng chưa từng thấy chúng bao giờ. Những thứ quà dân dã bình dị, đậm chất làng quê tôi cũng chưa từng biết đến. Tác giả - qua câu chuyện tuổi thơ đưa mọi người đến với phong tục, lễ hội của quê hương mình. Những ngày Hội làng rộn ràng trong tiếng pháo giòn tan, tiếng guốc sơn trên các sân gạch. Con giai lớn tuổi mặt hồng vì rượu. Con gái vì giầu cay, môi đỏ như son đỏng đà đỏng đảnh. Những đêm diễn Kiều, diễn tích "Lã Bố hí Điêu Thuyền" hay tiếng trống vật, đánh đu... đậm chất làng quê Bắc Bộ.
Thế rồi vì nhà nghèo, gia đình đông con, Khán phải đi làm con nuôi. Tôi thấy thương khi Khán nhất định đòi về với thầy u. Tôi cũng thế nếu phải đi làm con nuôi rời xa bố mẹ chắc tôi cũng chẳng chịu nổi.
Những đêm hè sau trận bão đi bắt cò xáo măng rồi tiện tay bẻ luôn măng của nhà người ta. Ăn cơm trong tiếng cò kêu và ngọn đèn dầu. Măng muối mọi lần ngon thế. Lần này nó vừa nồng vừa cay, nó vừa chua vừa chát đến nghẹn cổ.
Cuốn sách dẫn dắt cảm xúc của tôi, ban đầu nó là niềm vui của những cái nhìn xa lạ, những điều mới mẻ mà tôi chưa hề biết đến, cũng chưa từng được ai kể cho nghe cuối cùng khi gập trang sách, nước mắt lặng lẽ chảy. Thầy đi tìm mộ của anh Thả - bị giặc bắn chết. Thầy vượt một quãng đường xa thế, nguy hiểm thế, qua chỗ đồn địch để đem anh về nhà. Mẹ mất, thầy phải gánh gạo đến nơi con trọ học, dúi tiền vào tay con rồi dặn ăn dè con nhé. Nỗi vất vả ấy của thầy làm sao không rơi nước mắt cho được. Khán quyết định đi tòng quân.
Sớm, mưa giăng trắng rừng Hoàng Vân như sương mù. Chiếc bị cói tản cư ngày nọ, u vá cho bốn miếng vải đen bốn gốc vẫn còn, cái mũ "cát" bật vành; bộ quần áo nâu, chiếc áo sợi cộc tay mới mặc ra ngoài cùng. Chiếc gậy cây rừng. Chân vẫn đi đôi dép trắng "con hổ" từ đời nảo đời nào, tôi lấy dây vải buộc chằng chịt trên quai.
Sắp lên đường thầy ngắm mãi, đôi mắt Người đỏ lên, gật gật: - Con đi! Con đi đi!
Vượt khỏi cánh rừng, đến đồi thông Sơn Ca, tôi đứng lại nhìn. Tôi bất ngờ thấy bóng thầy ở cửa rừng, mờ trong mưa in như một pho tượng. Phía quê, khói ùn ùn. Đại bác nổ ập ình.

Cuốn sách trên giá ngày càng cũ đi, chữ mờ đi và phai màu đi. Nhưng biết làm sao được, tôi vẫn nhớ như in từng dòng chữ ấy. Duy Khán nặng tình với quê hương, với tuổi thơ nơi vùng đất quan họ, chỗ chôn rau cắt rốn của mình. Còn tôi, tôi cũng nặng tình lắm với tuổi thơ của những con người đã từng nghèo, đã từng chật vật vì đói...
 

Gió đông

Gà con
Tham gia
1/7/14
Bài viết
8
Gạo
0,0
Re: Một nốt trầm của tuổi thơ - Tuổi thơ im lặng
Tuổi thơ- cái mà ai cũng có nhưng thường hoang phí rồi lại khát khao. Có thể vì thế mà khi đã lớn tuổi, mình thường tìm đọc những câu chuyện về tuổi thơ như một cách để hoài niệm, để trải nghiệm những kỷ niệm của những đứa trẻ khác, ở những thời đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau như một cách sống lại tuổi thơ của chính mình.
Đã từng đọc rất nhiều những tuổi thơ trong văn Việt Nam, mình vẫn nhớ đã từng sống rạo rực và lý trí với tuổi trẻ trong "Tuổi thơ dữ dội", trải qua những phút mơ màng và kích thích trong những chuyến phiêu lưu trong "Đất rừng phương Nam", cảm nhận những cảm xúc trong trẻo và hồn hậu trong "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", lắng đọng với những cay đắng của một mảnh đời cơ cực trong "Những ngày thơ ấu"...
Cảm ơn bạn đã giới thiệu thêm một câu chuyện về tuổi thơ, tuổi trẻ rất đáng đọc để thêm một lần sống dậy những ngày xưa thơ bé.
 
Bên trên