Dã Sử Một trường oanh liệt - Cập nhật - Y Tịch

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Một trường oanh liệt
upload_2022-6-27_18-12-51.jpeg
Tên truyện: Một trường oanh liệt

Tác giả: Y Tịch
Tình trạng sáng tác: Chưa hoàn thành
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: các ngày 5-10-15-20-25-30 hàng tháng
Thể loại: Dã sử
Độ dài: 20-25 chương (khoảng 50.000 từ)
Giới hạn độ tuổi đọc: 13+
Cảnh báo về nội dung: Mặc dù truyện chủ yếu dựa trên các sự kiện lịch sử có thật, nhưng những diễn biến và chi tiết cụ thể được viết dựa trên sự tưởng tượng và hư cấu của tác giả. Truyện không có giá trị tham khảo về mặt lịch sử.

Giới thiệu
Truyện lấy bối cảnh Việt Nam những năm 549-571.
Năm 547, Triệu Quang Phục nhận ủy thác của Lý Nam Đế lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương, trước lực lượng đông đảo của quân Lương, Triệu Quang Phục phải rút quân lui về giữ tại đầm Dạ Trạch.
Năm 548, sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục tự xưng Triệu Việt Vương, cuộc chiến chống lại chế độ cai trị của phương Bắc sẽ được tiếp tục như thế nào, nghĩa vua tôi, tình cha con, và trên hết là lòng tự tôn dân tộc sẽ được thể hiện ra sao dưới góc nhìn của tác giả? Mời các bạn cùng đón đọc.

Mục lục:
Chương 1: Giấc mơ kỳ lạ
Chương 2: Mũ đâu mâu gắn móng rồng
Chương 3: Thiên thời
Chương 4: Chuẩn bị
Chương 5: Khai chiến
Chương 6: Phao chuyên dẫn ngọc
Chương 7: "Đất này là của người Việt!"
Chương 8: Việt Vương đấu Dương Sàn
Chương 9: Bắt cóc Cảo Nương
Chương 10: Mạng đổi mạng
Chương 11: Đầu đuôi sự việc
Chương 12: Đến pháp trường
Chương 13: Tỉ thí
Chương 14: Giết Quách Đồ
Chương 15: Nghỉ ngơi (1)
Chương 16: Nghỉ ngơi (2)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 1: Giấc mơ kỳ lạ
Chương 1: Giấc mơ kỳ lạ
Kỷ Tỵ (năm 549), mùa xuân, tháng giêng.

Vương choàng mở mắt giật mình tỉnh lại. Một giấc mơ kỳ lạ. Bên ngoài trời vẫn tối om om, chỉ có ánh đèn leo lét xuyên qua những khe cửa, tiếng côn trùng kêu lít rít và tiếng ếch nhái kêu ộp oạp quen thuộc, thỉnh thoảng chèn thêm mấy tiếng sột soạt của lính canh gác bên ngoài. Không biết đã thiếp đi được bao lâu mà giấc mộng vừa nãy như thật dài. Vương toan dậy uống một ngụm nước nhưng chợt cảm thấy cả người ê ẩm. Có lẽ do ban ngày làm lễ mệt quá. Vương trước nay chẳng thích những nghi lễ rườm rà, cũng không tin vào truyền thuyết hay thần thánh. Nếu không phải do cái ý kiến hoang đường của lão Mạc Chí nhận được quá bán số người ủng hộ thì Vương đã chẳng phải chịu cải cảnh thân mệt rã rời như thế này. Thà là ra trận giết ngàn tên địch còn hơn bày một trận lễ nghi. Nào là phải đứng lên, ngồi xuống, nào đi ra, đi vào, nào quỳ vái lạy trời đất, lại còn phải đọc hết ba mươi sáu trang sớ thỉnh cầu thiên địa, cũng may là bản sớ ấy chia làm ba phần cho ba lần đọc, chứ đọc thẳng tuột một lượt cả ba mươi sáu trang chắc cổ họng đã sưng phù lên rồi. Còn tại sao mà cổ họng sưng lên được thì chính là vì mỗi khi đọc phải đọc thật to, cho vạn quân nghe thấy, cho cả Thượng Đế trên cao cũng nghe thấy. Ban ngày đã phải nói to, tới chiều tối còn phải đãi tiệc rượu nên tới giờ cổ họng vẫn còn hơi nóng rát. Tiệc nhỏ thôi, giữa các quan tướng với nhau, và rượu thì chỉ đủ nhâm nhi.

Nguyên do có cái ngày tế lễ ấy chính là vì cuộc chiến đang ngày càng sa lầy, nghĩa quân buộc phải chôn chân trong khu đầm này. Mà lý lẽ của lão Mạc Chí ấy cho rằng đất vùng này là đất thiêng, là đất của thánh, chỉ cần thành tâm khẩn cầu sẽ được thần linh phù hộ, kháng chiến nhất định thắng lợi. Cái lẽ ấy cũng không phải không có lý, bởi nơi đây tương truyền chính là nơi mà Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay lên trời gần một ngàn năm trước, đầm Nhất Dạ Trạch mà nay gọi là Dạ Trạch.

Vương nhổm dậy được nửa chừng thì bỗng khựng lại. Một vật sáng ánh vàng lấp lánh nằm ngay mép giường từ bao giờ. Vương ngồi thẳng dậy cầm lấy vật lạ mà bất chợt rùng mình. Đây chính là vật mà vị tiên kỳ lạ đã đưa cho người trong mộng. Cái móng rồng. Cái móng có dạng chóp, dài chừng nửa bàn tay, đáy rộng chừng ba ngón tay, nhọn và cong dần về phía đỉnh, bên trong rỗng. Nó hẳn không phải làm bằng vàng, nó nhẹ và sáng hơn kim loại, ánh vàng tỏa ra dìu dịu, càng nhìn lâu không những không lóa mắt mà càng bị thu hút bởi sự cao quý và uy nghiêm của nó. Vương nhìn cái móng không chớp mắt, trong đầu loạn lên những suy nghĩ.

Chợt bên ngoài có tiếng xì xào của nam và nữ. Là Huệ Nương đang nói gì đó với lính canh. Tiếng bước chân tới gần cửa, Vương vội nhét cái móng vào trong chăn rồi dậy rời khỏi giường. Huệ Nương mở cửa bước vào, một tay cầm đèn lồng một tay khép cửa, nàng thoáng ngạc nhiên khi thấy Vương đang loay hoay làm gì trên giường rồi nàng mỉm cười, nói:

- Thiếp còn tưởng chàng phải mệt lắm mà ngủ rồi chứ. Chàng hãy còn làm gì vậy?

- À! Ta ngủ rồi nhưng khát nước quá nên dậy định uống ngụm nước.

- Là do ngày phải nói nhiều quá hay sao? – Nàng vừa nói vừa hiện ý cười rồi gác đèn lồng lên giá, nàng không định thắp đèn.

- Sao giờ này nàng còn tới đây? Đã là canh mấy rồi?

Vương bước tới rót một chén nước uống cạn, lại rót thêm uống liền mấy chén nữa.

- Đang canh ba, sắp qua canh tư rồi. Chàng không hay ngủ ở thư phòng, thiếp không yên tâm nên qua xem sao. Ở đây lạnh hay là về phòng ngủ thì hơn.

- Ta ở đây ngủ rất ngon, chỉ là khát nước nên mới thức dậy, lại vừa lúc nàng tới. Ban ngày mới làm lễ xong vẫn cứ nên tuân thủ quy tắc thì hơn. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Nghe đến đây Huệ Nương không nhịn được mà bật cười:

- Không ngờ mới chỉ sau một ngày mà thái độ của chàng với những chuyện tâm linh này đã hoàn toàn thay đổi rồi. Mới đêm hôm trước còn than chuyện này là phiền phức.

- Thì chuyện gì thì chuyện, không làm thì thôi, mà đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Mà biết đâu chừng lại có linh nghiệm. – Ngừng một lát nhìn Huệ Nương đang sắp lại mấy quyển sách ngổn ngang trên bàn, Vương tiếp. – Cảo Nương hôm nay có quấy không? Cả ngày nay ta không gặp nó.

- Con hôm nay ngoan lắm. Chơi cả ngày với Bảo Nương ở bên ấy. Còn đọc sách, luyện chữ nữa. Nó có vẻ thích hai anh em nhà họ Tinh lắm. – Nàng đáp.

- Vậy cũng tốt. Tinh gia vốn là gia đình quan văn, Cảo Cảo ở bên đó chịu khó cùng Bảo Nương và Tinh Hiệu học chữ nghĩa, cho nó bớt hiếu động đi. Thân là con gái mà còn nghịch ngợm hơn cả con trai, chẳng biết là giống ai.

Tinh gia chính là gia đình của Tinh Thiều, ông từng giữ tới chức Thượng thư – đứng đầu quan văn – dưới thời Lý Nam Đế. Sau khi ông hy sinh trong một trận chiến với quân Lương mấy năm trước, con trai là Tinh Văn tiếp tục theo nghiệp cha phò tá Nam Đế, sau được Nam Đế phái đi cùng Vương tiếp tục cầm quân chống Lương, khi đó Vương hãy còn là Đại tướng quân dưới trướng Nam Đế. Bảo Nương và Tinh Hiệu là hai con của Tinh Văn, Tinh Hiệu là anh năm nay lên mười, Bảo Nương kém anh ba tuổi và bằng tuổi Cảo Nương.

- Là con của chàng thì chàng bảo nó còn giống ai nữa. – Huệ Nương tiếp lời.

- Hừmm… Đúng là cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Thôi không nói nữa, nàng mau về đi kẻo con nó thức lại tìm không thấy mẹ. Sách đó xếp lại ngày mai mất công ta lại phải bày ra. – Vương hơi giục.

- Chàng đúng là lạ quá. Cái gì mà “trời sinh tính” chứ. Chàng mau lên giường đi, để thiếp còn mang đèn về.

Vương bước về giường ngồi rồi vẫy tay với Huệ Nương ý bảo nàng về được rồi. Người đã đi khỏi, Vương mới lấy ra chiếc móng rồng và sắp xếp lại suy nghĩ. “Thật sự trên đời có thần tiên sao? Vị tiên trong mơ là một người Việt, người đó cưỡi rồng tới và tự xưng là Đồng Tử, ăn mặc kỳ quái, thân dưới chỉ đóng một cái khố nhưng đầu lại đội mũ trụ. Truyện về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung ai cũng biết, nhưng đó chỉ là truyền thuyết truyền miệng. Nhưng nếu không phải thần tiên thì ai có thể vào phòng ta mà đặt chiếc móng ở đây? Nếu có người lẻn vào thì lính canh bên ngoài không thể không ngăn lại, vả mình lại càng không thể không biết nếu hắn tới ngay cạnh giường. Kỳ lạ nhất là vật này chính là vật ở trong mơ được Đồng Tử tận tay đưa cho. Hay trên đời lại có người có thể thao túng giấc mơ người khác hay sao?” Vương cầm cái móng trên tay, hết nằm xuống lại ngồi dậy, cả đêm không thể ngủ được.

Sáng hôm sau, Vương chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng mở cửa. Là Chân Nương, nàng bưng nước rửa mặt tới. Trời đã sáng rõ, ánh nắng bên chang chang chói mắt, mặt trời hẳn đã mọc từ lâu. Thấy Vương đã thức, Chân Nương lên tiếng:

- Thiếp muốn để chàng ngủ thêm chút nữa, nhưng e là không được nên đành phải vào thức chàng dậy. Các quan đã đợi chàng một canh giờ rồi. Nửa canh giờ trước Phùng đại nhân có tới tìm, nhưng thiếp đã bảo ngài ấy về đợi rồi.

Vương giật mình, vội hỏi lại:

- Phùng Kim tới à? Ta ngủ say quá, sao nàng không thức ta sớm hơn. Đã là giờ nào rồi?

- Sắp tới giờ Tỵ rồi. Chàng ngủ say khướt, thiếp tới hai lần mà chàng không hề hay biết gì. Việc tế lễ hôm qua khiến chàng mệt đến vậy hay sao? – Nàng vừa nói vừa dấp ướt chiếc khăn rửa mặt rồi đưa cho Vương.

Vương lau mặt xong mới đáp lời:

- Đúng là rất mệt. – Nói rồi Vương đứng lên đi tới rót một chén trà súc miệng.

- Đây là cái gì? Đẹp quá! – Chân Nương đang dọn giường thì thấy vật lạ rơi từ trong chăn ra.

Nàng cầm nó đưa trước mặt, đang còn mải ngắm nghía thì đã bị Vương lấy lại. Vương nhẹ giọng nói nhỏ:

- Cái này không phải đồ chơi được đâu. Nàng không được nói cho ai đấy, biết chưa?

Chân Nương hơi nhíu mày nghi hoặc nhìn Vương. Nàng chưa bao giờ thấy Vương tỏ ra vẻ bí ẩn như vậy, lại còn như đang làm gì lén lút.

- Cả hai chị cũng không được nói à? Đó là gì vậy? – Nàng hỏi lại.

Hai chị chính là Huệ Nương và Thục Nương. Ba người tuy chung chồng nhưng thân thiết và yêu mến nhau như chị em ruột.

- Tạm thời ta cũng không biết chắc nó là gì. Ta cần xác minh cho rõ rồi sẽ cho các nàng biết sau.

Vương nói rồi vội sửa soạn quần áo để thượng triều, chẳng bận tâm tới mấy món điểm tâm trên bàn nữa. Vương khoác hoàng bào lên rồi bỏ chiếc móng rồng cất kỹ vào trong ngực áo. Dù đã xưng là Vương đứng đầu một nước, nhưng hoàng bào thực ra chỉ là chiếc áo khoác ngoài màu vàng sẫm, hoa văn là cỏ lá bình thường chứ không có thêu văn thập nhị chương như long bào của hoàng đế. Vẫn còn đang trong thời loạn chiến, có đâu ra thời gian và tiền của mà phung phí vào những tiểu tiết ấy. Nếu là vua thời bình, hàng ngày sẽ phải thượng triều bàn chuyện trị nước an dân. Nhưng bấy giờ, nước làm gì đã có mà trị, thân vua còn phải lo từng ngày thì sao mà an được tới dân. Đánh giặc mà nơi đóng quân chỉ là giữa một cái đầm nước lớn, ở đây dân chúng thì ít mà đến tám chín phần người ở là binh sĩ. Hơn hai vạn người ở trong đầm, xung quanh bốn bề đều là rạch nước chằng chịt, cái ăn chưa đủ, giặc ở ngoài có thể đánh tới bất cứ lúc nào, còn lắm cái phải lo thì làm sao mà an bình cho được. Còn cái việc gọi là thượng triều nghị sự ấy nói đúng hơn là tới hội họp cùng các quan và tướng bày kế đánh địch. Nếu đêm trước nghĩa quân có trận đánh thì hôm sau tổng kết lại, bắt giết được bao nhiêu địch, ta bị hi sinh bao nhiêu người, đã cướp được bao nhiêu lương thực và vũ khí của chúng… Rồi bàn xem trận sau sẽ đánh thế nào và đánh vào đâu. Ấy chỉ là những kế sách đối phó tình thế trước mắt, còn chiến lược lâu dài hãy còn phải tính kỹ bàn lâu hơn nữa.

Nghĩa quân lui về thủ trong đầm này đã lâu, đất ẩm ướt mà lắm cây cối và lau sậy, không thể trồng trọt được, không tự túc được lương thực thì cầm cự lâu không phải thượng sách. Thủ trong đầm, đánh úp và cướp lương thảo của địch chỉ có thể gọi là trung sách. Ấy chính là nguyên cớ chính để lão Mạc Chí – một lão thích ngâm cứu triết lý Đạo gia, cũng là một mưu sĩ của nghĩa quân – bày ra cái việc lập đàn tế để cầu Trời và thần tiên phù hộ. Ôi chao! Ban đầu Vương đã cho rằng đây đúng là hạ sách trong những hạ sách. Thế mà mới ban ngày tế lễ, đến đêm đã liền có ứng nghiệm. Vương gặp được Chử tiên và được người ấy trao cho móng rồng… trong mộng. Một kế tưởng là hạ sách và dám lắm lại hóa ra thượng sách.

>> Chương 2
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 2: Mũ đâu mâu gắn móng rồng
Chương 2: Mũ đâu mâu gắn móng rồng

Vương sửa soạn xong rồi đi nhanh tới phòng nghị sự. Gọi là phòng nhưng nó chỉ là một căn nhà được xây riêng để bàn việc quân. Một căn nhà vách đất mái tranh, rộng vừa đủ chứa vài ba chục người, núp lùm dưới tán cây rậm rạp. Mọi người đều đã chờ ở đó từ lâu, có người tụm thành nhóm nói chuyện dưới tán cây, người thì tự tách mình tranh thủ luyện thêm mấy đường quyền. Thấy Vương đến, tất cả dừng chuyện đang làm lại, tới chắp tay chào. Vương vào trong trước, mọi người nhanh chóng theo vào sau. Trong nhà rất mát và thoáng, mùi đất thoang thoảng dễ chịu. Bên trong chỉ có một tấm bảng lớn treo bản đồ, hai cái bàn, chiếc bàn lớn ở giữa phủ đầy đất chính là bản đồ mô phỏng địa hình, chiếc bàn nhỏ cạnh đó đặt ít giấy, bút, nghiên mực, một bình nước lớn và mấy chiếc cốc, bên cạnh là hai chiếc ghế, phía góc tường còn xếp mấy chiếc ghế nữa nhưng chẳng thường dùng tới. Vương có bàn ghế và trà riêng, nhưng ít khi ngồi, người thường đứng cùng với mọi người hơn. Thường lệ, cuộc nghị sự chỉ trong nội một buổi sáng, nhưng hôm nay bắt đầu muộn nửa buổi nên phải kéo dài tới quá trưa.

- Tinh Văn, Mạc Chí, Đinh Bính, Trương Hống, Phùng Kim và Trịnh Hải, sáu người ở lại, còn lại giải tán được rồi.

Trong khi chờ những người khác rời khỏi, Vương rót một chén trà thong thả uống. Mọi người đã về hết rồi, Đinh Bính lên tiếng trước, một lão tướng khoảng năm mươi tuổi, thống lính hơn năm ngàn quân, giữ chức Đại tướng quân:

- Bẩm Đại Vương, chẳng hay người còn có việc gì cần phân phó chúng tôi?

- Đừng vội, chúng ta đi ăn cơm trước đã rồi hãy nói sau. Đi thôi, tới thiện phòng của ta. – Vương nói.

Thiện phòng là nơi ăn uống riêng của Vương, ngày thường Vương sẽ cùng gia đình ăn trưa và tối ở đó. Hôm nay thiện phòng đã chuẩn bị trước bàn ăn cho bảy người, là hồi sáng Vương đã dặn Chân Nương chuẩn bị. Sáu người bọn Đinh Bính ban đầu còn có vẻ hơi ái ngại, nhưng rồi cũng đành ngồi xuống. Trước đây khi Vương còn là Đại tướng quân dưới trướng Nam Đế, người vẫn thường ăn chung ở chung cùng binh quân. Tinh Văn và Trịnh Hải chính là hai người đã từng ăn ở cùng Vương thời ấy – khi còn cùng sát cánh bên Nam Đế kháng Lương. Tinh Văn có cha làm tới chức Thượng thư, còn Trịnh Hải cha hắn đương chức Tả tướng quân, đều là những cận thần bên cạnh vua. Tinh Văn hiện giờ không có chức quan cụ thể nhưng là một mưu sĩ quan trọng của Việt Vương, còn Trịnh Hải đương chức Thiếu úy nắm hơn hai ngàn quân, cả hai người Văn, Hải đều lớn hơn Vương vài tuổi. Sau khi Nam Đế mất, Vương mới tự xưng là Triệu Việt Vương, nối tiếp Nam Đế thống lĩnh nghĩa quân tiếp tục chống Lương. Người chỉ xưng Vương chứ không xưng Đế ấy là vì sự tôn kính dành cho tiên đế, chữ Vương thấp hơn chữ Đế một bậc, và dù cũng là người đứng đầu một nước nhưng Vương không nhận tôn xưng là Bệ Hạ mà chỉ nhận xưng Đại Vương, ấy là vì hai chữ Bệ Hạ mà trước đây người gọi Nam Đế hãy còn nặng trong lòng lắm.

Vương vốn là người phóng khoáng, không thích những tiểu tiết lễ nghi nên mọi người ngồi ăn với nhau rất thoải mái, vui vẻ. Món ăn không có sơn hào hải vị gì đặc biệt, chỉ toàn những món rau cá bình thường cả. Ở thời điểm này có thức để mà ăn đã là rất tốt rồi. Ăn xong mọi người tới thư phòng nghỉ ngơi, uống trà. Trà này không phải được pha từ lá chè, lấy đâu ra chè ở đất này, đó là lá một loại cây gỗ chỉ có ở đây. Cây thân gỗ, lá gần giống lá chè nhưng to hơn một chút, không ai biết gọi tên nó là gì, chỉ biết nước pha từ lá đó uống được, nước rất thơm, mới uống đắng nhẹ nhưng hậu vị ngọt. Vì cây này có ít nên nó chỉ giành cho Vương và các quan. Vương từ nhỏ đã cùng cha đi khắp các nơi, chẳng có nơi nào ở vùng Ô Diên này mà Vương không biết, kể cả đầm Dạ Trạch này, thế nên người mới tự tin lui quân về đây thủ.

Mọi người ngồi quanh bàn trà nhỏ được đan bằng thân sậy đã hơi cũ cùng tán chuyện phiếm. Vương hỏi Mạc Chí về vài chuyện thần tiên ly kỳ, lão có vẻ tâm đắc lắm nên thao thao bất tuyệt một tràng, hết chuyện trên trời tới chuyện dưới đất. Tinh Văn nhạy bén nhân lúc Mạc Chí vừa dừng nói thì nhanh cắt ngang:

- Đại Vương, ngài giữ chúng tôi ở lại không phải chỉ để tán gẫu chuyện thần tiên đó chứ. Rốt cuộc là cậu có chuyện gì?

- Đúng thực là tôi có một chuyện lạ cần mọi người cùng xét thử. – Vương nói.

- Ngài mau nói rõ là chuyện gì? – Trương Hống ngạc nhiên.

Vương thuật lại sự tình đêm qua cho mọi người nghe rồi móc trong ngực áo ra cái móng rồng đưa tới trước mặt mọi người. Tất cả đều kinh ngạc nhìn chiếc móng vàng rồi quay sang nhìn nhau, mỗi người một suy nghĩ, kể cả Mạc Chí, chuyện lạ đã nghe nhiều nhưng chưa từng gặp bao giờ. Trương Hống cầm lấy chiếc móng trong tay Vương, lật ngang xoay dọc, nhìn thật kỹ rồi lên tiếng:

- Đây không phải vàng.

Trương Hống là một võ tướng rất am hiểu về kim loại và binh khí, trong quân ngoài việc thống lĩnh ba ngàn binh sĩ còn phụ trách thêm việc rèn đúc vũ khí. Nghe Trương Hống nói xong những người còn lại càng kinh ngạc hơn.

- Liệu có phải là đồng hay sắt được mạ vàng không? – Tinh Văn nói.

- Cũng không phải. Ta đã thử qua rồi, vật này rất cứng và nhẹ hơn vàng, không phải được mạ vàng lên. Nếu là kim loại thì nó gọi là gì? Còn nếu không phải kim loại thì vật gì lại cứng và sáng được như vậy? – Vương đáp.

Tất cả lại trầm ngâm nhìn thứ vật lạ. Phùng Kim lên tiếng phá vỡ sự im lặng:

- Có khả năng vật này được ai đó đem tới không? Đại Vương, tại sao hôm nay người lại tới họp muộn như vậy? Lúc tôi tới gọi người thì Chân Vương phi bảo người vẫn còn đang ngủ.

Phùng Kim là người trước nay không tin vào những chuyện hoang đường. Bởi điểm này mà cậu và Vương rất hợp nhau. Cậu nói rồi lia con mắt một vòng quanh căn phòng như muốn tìm manh mối chứng minh điều mình nghi vấn. Nhưng ngay lập tức lại bị Vương gạt đi:

- Khả năng này ta cũng nghĩ qua rồi. Có kẻ lạ tới gần mà ta lại không biết hay sao? Giả dụ như là có thì giải thích thế nào về giấc mơ của ta, trên đời liệu có người có thể thao túng giấc mơ người khác hay sao? Và giả dụ như là có người như vậy đi chăng nữa, thì hắn ở trong quân doanh của chúng ta hay là người ngoài lẻn vào đây?

- Bốn phương tám hướng xung quanh đều được canh gác nghiêm ngặt, người nào ra vào đều phải báo cáo, mấy hôm nay không hề có ai ra ngoài, bên ngoài còn có quân Lương bao vây, người lạ vào được đây lại càng khó. – Đinh Bính nói.

Thấy mọi người còn hoài nghi, Mạc Chí bèn lên tiếng:

- Bẩm Đại Vương, tôi lại thấy đây quả thực là thần vật mà thần tiên ban tặng cho người. Từ cổ chí kim, những chuyện báo mộng như vậy không phải là hiếm. Con người sống trên đời thường gần gũi với nhau cho nên khi một người chết đi vẫn dễ kết nối được với người sống, đấy là người chết báo mộng. Còn thần với người thì nào có thân thiết như thế, thân phận người – thần vốn là cách xa như đất với trời, thần tiên hiếm khi can dự vào cuộc sống dưới phàm, lại càng hiếm xuất hiện ở nhân gian, chỉ trừ khi có việc gì thật rất hệ trọng, thần tiên mới ra tay. Các vị ấy ở cõi tiên thấy con cháu nước Việt chịu cảnh lầm than suốt bao lâu nay, giờ có người tài xuất hiện, chính là Vương người đây đứng lên dẫn binh khởi nghĩa, trong lúc gặp phải khổ cảnh đã sai sứ giả đến trao tín vật, chẳng phải ngụ ý sẽ phù hộ cho con dân nước Việt, sẽ ngầm giúp đỡ chúng ta hay sao. Nếu ta còn cứ mãi bán tín bán nghi chẳng phải sẽ khiến thiên nhân phật lòng hay sao.

Mạc Chí thường hay dài dòng lắm lời nhưng lời hắn vừa nói không phải hoàn toàn không có lý. Tất cả gần như đã bị thuyết phục rồi, nhưng cũng chỉ im lặng chờ Vương lên tiếng. Vương vẫn trầm ngâm không nói. Trịnh Hải đành lên tiếng phá vỡ bầu không khí trầm mặc:

- Đại Vương, theo tôi thấy vật này dù là thần hay là người đem đến thì cũng đều mang điềm lành cả. Nếu là thần thì không cần phải nói. Còn nếu là người thì chắc chắn không phải là người thường, hắn có thể đưa vật này tới mà không ai hay biết thì hắn cũng có tài diệt được hết chúng ta, nếu hắn là địch thì sao không ra tay thẳng luôn, sao phải lén lút đưa vật này tới, rườm rà như vậy làm gì. Có những chuyện chúng ta thà tin là có vẫn hơn là không tin. Các vị có đồng ý với tôi không?

- Anh nói rất đúng. Có những chuyện ta thà tin là có hơn là không tin. – Vương cất tiếng.

- Người thật sự tin là thần tiên báo mộng sao? – Phùng Kim nói.

Vương không đáp lại câu hỏi của Phùng Kim, chỉ nhìn cậu rồi nhẹ gật đầu. Tinh Văn nhìn mọi người qua một lượt rồi nói:

- Nếu cậu đã quyết định như vậy, cậu định dùng vật này thế nào?

- Mọi người có ý gì không? – Vương nhìn mọi người hỏi.

- Chử tiên không nói với ngài vật này dùng thế nào hay sao? – Mạc Chí hỏi lại.

- Không hề nói một lời nào. – Vương lắc đầu.

- Có thể làm chuôi đoản đao hay không? – Trịnh Hải đề xuất.

- Chú có thấy loại đao nào hình tròn chưa? Làm cái đó vô dụng thôi. hông biết nó là kim loại gì nên không thể rèn được.– Trương Hống bác bỏ ngay.

- Ngài thử nhớ kỹ lại xem có điểm nào khả nghi hay không, cả trong giấc mộng và mọi việc xung quanh. Có thể sẽ nhận ra manh mối hay dụng ý nào đó. – Phùng Kim nói.

Vương tay chống cằm đi qua đi lại ngẫm nghĩ. Tinh Văn bổ sung thêm:

- Tương truyền, Chử Đồng Tử xuất thân gia cảnh bần hàn, hai cha con chỉ có một tấm khố chung, hễ ai ra đường thì mới được mang. Khi cha Đồng mất, cậu đã chôn tấm khố theo cha, từ đấy cậu không còn gì để che thân nữa. Cho tới một hôm gặp du thuyền của Tiên Dung công chúa đi qua…

- Ta nghĩ ra rồi! – Vương nắm tay vỗ vào lòng bàn tay kia cắt ngang lời Tinh Văn, ánh mắt như phát ra tia sáng nhìn về phía bộ giáp trụ đang treo trên giá.

Mọi người cùng ồ lên, dù chưa rõ ràng đó là gì nhưng trong lòng vẫn lóe lên sự vui mừng.

- Là mũ. – Vương nói rồi tiến nhanh tới lấy chiếc mũ đang treo trên giá.

Vương mang chiếc mũ đặt lên bàn, lấy chiếc móng rồng chụp lên đỉnh mũ, giọng vui mừng:

- Các ngươi thấy thế nào?

- Kỳ vật kỳ diệu! Thần vật đặt trên đầu chính là thể hiện lòng cung kính với đấng bề trên. Trời cao có mắt mang thần vật tới phù người Việt ta đánh đuổi ngoại bang. Bề tôi này xin chúc mừng Đại Vương! – Mạc Chí nhanh miệng chắp tay chúc mừng.

- Chúc mừng Đại Vương! – Năm người còn lại cũng chắp tay cúi đầu cùng nói.


Chương 3: Thiên thời

Chương 1<< >> Chương 3
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 3: Thiên thời
Chương 3: Thiên thời

Kể từ đó, từ khi chiếc móng rồng xuất hiện, mọi chuyện dường như trở nên dễ dàng hơn, đánh một trận thắng một trận, đánh hai trận thắng hai trận, đánh trận nhỏ thắng trận nhỏ, đánh trận lớn thắng trận lớn, lương thảo cướp được rất nhiều, đủ cho mấy vạn người được no đủ ba bữa và còn có của để dự trữ. Dần dần, trong quân bắt đầu xuất hiện những tin đồn. Có người đồn rằng có tiên nhân ban cho Việt Vương vật may mắn cầu gì được nấy. Có người đồn có rồng thần ẩn mình phò tá Việt Vương. Lại có người đồn Việt Vương vốn là con của kim long trên trời hạ phàm, nay được thiên nhân ngấm ngầm giúp đỡ. Chẳng biết lời từ đâu ra và chẳng có lời nào là đúng, bởi nào có ai biết được sự thực, trừ Vương và sáu người hôm đó, vì chiếc mũ gắn móng rồng chưa từng xuất hiện. Có lần, một viên đội trưởng tên Hoàng Phúc đã hỏi Vương về lời đồn, người không khẳng định cũng không phủ nhận, người cứ để tin đồn tự nhiên lan truyền, dần càng có thêm nhiều dị bản. Trong những tin đồn và cả truyền thuyết luôn có một phần là sự thật, chỉ là khi được truyền qua nhiều người, nhiều đời, người ta không còn biết được phần nào là thật, phần nào là giả.

Cũng nhờ những lời đồn đó mà lòng quân lại càng bừng lên niềm tin và ý chí mạnh mẽ. Họ tin rằng thần linh luôn đứng về phe chính nghĩa, họ được thần linh giúp đỡ tức là điều họ đang làm là đúng, họ đang đứng lên đấu tranh đánh đuổi ngoại bang phương Bắc, giành lại mảnh đất thuộc về tổ tiên họ. Sông núi này là của người Việt, là lãnh địa thuộc về dòng dõi Kinh Dương Vương, cha Lạc Long, mẹ Âu Cơ, là con cháu Hùng Vương mấy ngàn năm trị vì.

Những trận thắng lớn đem về càng nhiều chiến lợi phẩm, không chỉ lấy được lương thực mà còn tịch thu cả binh khí, giết được không chỉ lính tốt mà có lần còn giết được cả một viên phó tướng của địch. Lương thực thu được nhiều dựng kho dự trữ, binh khí được chế tác lại cho hợp với cách dùng của ta. Binh sĩ thay phiên nhau ngày luyện võ, đêm đem thuyền độc mộc ra tập kích đánh địch. Tất cả đều được thực hiện tuyệt đối bí mật. Ban ngày khói lửa từ bếp nấu nướng không được để lộ, ban đêm không đốt lửa ngoài trời. Những nơi trọng yếu thì đắp thành bảo vệ. Quân Lương bao vây bên ngoài không cách nào tiến vào được.

***

Nửa năm sau.

- Trận này tuy nói là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng so với lần trước thì có vẻ kém hơn đấy Phùng Thiếu úy. – Vương ngồi trên ghế cạnh thư án vừa nghe báo cáo vừa xem lướt qua bản thống kê chiến lợi phẩm thu được đêm qua.

- Hổ thẹn, hổ thẹn. Nhưng thưa Đại Vương, thần chuyến này có được một tin rất quan trọng. – Phùng Kim chắp tay nghiêm nghị nói.

Vương rời mắt khỏi tờ giấy đang cầm trên tay, ngước lên nhìn Phùng Kim. Nếu là tin tức bình thường thì không cần phải thêm ba chữ “rất quan trọng”, tin mới thì sau mỗi trận đều có.

- Là tin gì? – Vương hỏi.

- Đêm qua thần lẻn vào sâu trong doanh trại của quân Lương phát hiện có mấy xe ngựa lớn bên cạnh soái trướng, tra khảo một tên tù binh thì biết được chủ soái của chúng đang chuẩn bị về Bắc. – Phùng Kim đáp.

Mọi người nghe thế liền xì xào bàn tán.

- Ổ! – Vương ngạc nhiên – Trần Bá Tiên về Bắc à? Tin này có xác đáng không? Hay là hắn lại muốn bày trò gì đây.

- Khả năng rất cao là thực. Thần đã phái người theo dõi dò la thêm. Sẽ mau có tin tức thôi. – Phùng Kim đáp.

Tinh Văn cũng lên tiếng nói thêm:

- Bẩm Đại Vương, sinh thời thân phụ thần từng tới Kiến Khang xin bổ làm quan, lúc đó kết quen được với gia đình họ Dương là người nước Lương đến nay vẫn còn giữ quan hệ tốt. Tháng trước thần nhận được thư của họ nói rằng kinh đô nước Lương mấy năm nay rất loạn, Hoàng đế bị phản quân chèn ép, binh lính đi cướp bóc rất nhiều, người chết đói đếm không xuể, nhà họ Dương đã chạy xuống Nam đến ở tại Phiên Ngung rồi. Trần Bá Tiên nếu về Bắc thực thì cũng không lạ, nhưng hắn phải về thì hẳn nơi ấy tất phải có loạn lớn lắm.

Vừa lúc đó có tiếng hô ở bên ngoài:

- Khởi bẩm Đại Vương, có tin cấp báo!

- Cho vào đây! – Vương hạ lệnh.

Một thanh niên ăn vận như nông dân bước vào, trên quần áo còn dính ít bùn đất nhưng mặt và tay chân rất sạch sẽ, nom dáng người hơi nhỏ nhưng tác phong nhanh nhẹn, thần sắc cho thấy là một người thông minh. Người này đi tới cách sau Phùng Kim ba bước thì quỳ xuống chắp tay nói rõ:

- Khởi bẩm Đại Vương, thuộc hạ là Đinh Khải phụng mệnh Phùng Thiếu úy đêm qua ở lại theo dõi trại quân Lương. Sáng sớm hôm nay đoàn xe ngựa mười hai chiếc đã cùng lão chủ soái họ Trần rời doanh trại đi về phía bắc. Lão còn đem theo hai người, hình như là hai tì tướng thân cận và mấy ngàn quân nữa đi cùng.

- Ngươi có chắn chắn đó chính là Trần Bá Tiên? Còn hai tì tường đi cùng hắn là ai? – Phùng Kim hỏi người thuộc hạ.

- Bẩm Thiếu úy, thuộc hạ chắc chắn, trước đây thuộc hạ đã từng nhìn thấy lão vài lần, sáng nay chính mắt thuộc hạ thấy lão ngồi trên xe ngựa rời khỏi, mấy người đi cùng thuộc hạ cũng chắc chắn đó là Trần Bá Tiên. Còn hai tì tướng đó thuộc hạ không biết tên, chỉ xem cách ăn vận mà đoán ra. Hai người đó cưỡi ngựa một đi trước một đi sau xe của lão họ Trần, một người thân hình lực lưỡng, mặc giáp đỏ, râu quai nón đen rậm, cầm kích, người kia trẻ hơn mặc giáp bạc, mặt láng, mang theo trường đao. – Người thanh niên dõng dạc đáp.

- Bẩm Đại Vương, người cầm kích chính là Lữ Trác, người còn lại hẳn là Chúc Dung Hào Kiện, cả hai đều là hai phó tướng bên cạnh Trần Bá Tiên. – Đinh Bính nghe xong liền nói.

Vương gật đầu, hỏi tiếp người thanh niên:

- Các ngươi còn dò la được tin tức gì nữa không?

- Hồi bẩm Đại Vương, còn một chuyện, người sẽ thay lão họ Trần làm thống soái tên là Dương Sàn, cũng là một tì tướng của lão. Tin tức có được chỉ có bấy nhiêu, bọn thuộc hạ vẫn cho người âm thầm theo dõi đoàn xe ngựa, phòng chúng có âm mưu gì khác.

- Được rồi, cho ngươi lui. Có tin tức mới lập tức báo lại cho ta. – Vương nói.

Người thanh niên nói vâng mệnh rồi lui ra ngoài. Vương lúc này mới đứng lên, đi tới trước tấm bản đồ lớn treo trên bảng. Tấm bản đồ này Vương đã nhìn cả ngàn lần, đã sớm ghi nhớ từng nét chữ, từng dấu mực trong trí óc rồi. Mọi người phía sau vẫn còn bàn tán về tin tức vừa nãy, có người lại trầm ngâm suy nghĩ.

Qua một lúc, Vương vẫn đứng im lặng không nói gì, Tinh Văn bèn lên tiếng:

- Đại Vương, Dương Sàn tuy là tì tướng của Trần Bá Tiên, nhưng võ nghệ cao hơn hẳn chủ tướng của hắn, tính tính người này lại nóng nảy, ngộ nhỡ hắn liều mình bất chấp dồn binh tiến công vào đây thì quân ta chắc chắn sẽ gặp nguy, chúng ta phải thật đề phòng.

Mạc Chí bên cạnh nghe vậy cũng góp ý:

- Đại Vương, Trần Bá Tiên về bắc đem theo hai tướng dũng mãnh bậc nhất là Lữ Trác và Chúc Dung Hào Kiện, hẳn là phải có sự việc hệ trọng, mà việc đó chắc phải liên quan đến việc binh đao, chiến sự. Vả lại, đêm qua quân doanh mới bị tấn công mà sáng sớm nay đã vội vã lên đường, chứng tỏ việc ở đây không hệ trọng bằng việc kia. Còn Dương Sàn, theo thần thấy hắn thiện chiến có thừa nhưng mưu trí lại không bằng lão tướng họ Trần. Chúng ta có thể lợi dụng điểm này của hắn.

Trong khi đó, mấy vị tướng võ cũng thảo luận nhỏ với nhau. Trương Hát nói với anh là Trương Hống:

- Tôi đã từng hai lần giao chiến với tên Lữ Trác, lão thực rất khỏe, võ nghệ hơn tôi chừng nửa bậc. Lão ta đi rồi đúng là bớt cho chúng ta một phần áp lực.

Trương Hống gật đầu, tiếp lời:

- Ừm. Ta lại chưa từng đánh với ai trong số hai người họ Lữ và Chúc Dung này. – Trương Hống như chợt nhớ ra quay sang nói với Phùng Kim. – À đúng rồi, Phùng Kim, ta từng thấy cậu đấu với một tên dùng đại đao, đó có phải kẻ họ Chúc Dung kia không?

Trương Hống là Tả tướng quân, chức cao hơn Phùng Kim một bậc, tuổi tác lại lớn hơn gần một giáp. Phùng Kim đang trầm ngâm nghe thấy liền quay ra gật đầu đáp:

- Đúng là người đó. Hắn cũng rất mạnh, khoảng ngang tuổi tôi nhưng so về võ nghệ thì hắn vẫn kém tôi một bậc. Mấy lần giáp mặt hắn đều thua tôi cả.

Cả Hống và Hát nghe thế đều gật gù tán thưởng.

- Chỉ có lão Dương Sàn là chúng ta chưa từng giao đấu, hắn ít khi xuất trận không biết là trình độ hắn thế nào, chỉ được nghe danh lão ta còn dũng mãnh hơn cả Lữ Trác. – Trương Hát nói.

- Có Đại Vương đã từng đấu qua với hắn đấy. – Đinh Bính cũng tham gia vào cuộc nói chuyện của thuộc hạ, ông giữ chức Đại tướng quân, chức thống lĩnh cao nhất hiện tại.

- Kết quả thế nào? – Hai anh em Hống, Hát cùng lúc lên tiếng.

Đinh Bính ngầm đưa mắt liếc nhanh qua người mặc hoàng bào đang nghiêm nghị đứng im như phỗng đối mặt với tấm bản đồ, ông ngừng một nhịp mới nhẹ giọng nói:

- Sau đó chúng ta mới về ở đây.

Bọn Trương Hống nghe vậy chỉ đành nhìn nhau gật gù im lặng, không ai nói thêm gì nữa. Tất cả những gì mọi người nói Vương đều nghe thấy hết nhưng không hề có phản ứng gì, người vẫn đứng tại chỗ như tượng. Thua thì thua, đấu võ hay đánh trận thắng thua là chuyện thường, chẳng có gì to tát. Dù là thua nhưng thua một cách đường đường chính chính, chẳng có gì phải xấu hổ. Thua keo này ta bày keo khác. Chỉ cần thắng một chiến dịch lớn, thua một trận thì có xá gì đâu.

Thời gian đã trôi qua gần hai khắc mà Vương vẫn chưa nói gì, Tinh Văn lần nữa đành phải lên tiếng:

- Đại Vương, người định tính toán thế nào?

Vương lúc này mới xoay người lại, nói:

- Đúng như Mạc Chí nói. Trần Bá Tiên đi rồi, mang theo hai bộ hạ dũng mãnh nhất, lại rút thêm mấy ngàn quân về theo, điều này sẽ có lợi nhiều cho chúng ta. Còn Dương Sàn, mưu trí của hắn thế nào ta chưa thể biết rõ, nhưng chắc chắn một điều, sức mạnh và võ công của hắn đứng đầu trong các tì tướng của Trần Bá Tiên. Ta từng đấu với hắn trong trận công thành Long Biên khoảng hai năm trước. Khi đó ta đánh không lại hắn. Bây giờ theo ý ta, tạm thời chúng ta nghỉ ngơi một thời gian để thăm dò thêm, ta phải biết được con người Dương Sàn và cách dùng binh của hắn rồi mới tìm cách đối phó. Từ hôm nay tăng cường canh gác phòng bị, tuyệt đối không được để tin tức nào bên trong lọt ra ngoài. Việc này giao cho Đại tướng quân phụ trách.

- Tuân lệnh Đại Vương! – Đinh Bính chắp tay nhận lệnh.

Chương 2<< >>Chương 4
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 4: Chuẩn bị
Chương 4: Chuẩn bị

Suốt mấy tháng sau đó, nghĩa quân vẫn duy trì chiến lược cũ, ban ngày ẩn mình, ban đêm đánh úp. Nhưng, nếu trước đây đánh vào khó, rút lui dễ, thì bây giờ ngược lại, đánh vào dễ mà rút lui khó. Quân Lương dưới quyền Trần Bá Tiên phòng thủ cực kỳ nghiêm ngặt, các quân doanh đóng gần nhau để tiện tiếp viện khi bất ngờ bị tấn công. Còn nay, vì quá nhiều lần bị đánh cướp trắng trợn, Dương Sàn đã cho dời kho lương về phía sau trại chính, cách xa đầm Dạ Trạch, các khu doanh trại cũng cho giãn cách hơn trước. Quân doanh của chúng bố trí rời rạc dễ để lộ sơ hở, nghĩa quân càng dễ dàng đột nhập tấn công. Dương Sàn tức lắm, nhiều lần cho truy binh bám đuổi hòng lấy lại những thứ bị cướp. Chúng lấy cả thuyền độc mộc đuổi theo vào trong đầm, nhưng khổ nỗi, trời tối, đường lối phức tạp, chúng không những không cướp lại được mà còn tổn thất thêm. Chúng chèo thuyền không thạo, đi qua chỗ nước hẹp thuyền tròng trành quay ngang mắc vào đám sậy hai bên bờ, có lúc lại đi qua chỗ cây cỏ rậm, cành lá rủ xuống khiến sào bị vướng không chèo được. Nghĩa quân mai phục sẵn ở đấy, giết và bắt được rất nhiều. Trước đây Bá Tiên không dám đuổi theo là vì thế.

Buổi nghị sự hôm nay mọi người đều phấn khởi với thành quả lớn trận đêm qua.

- Đại Vương, ngài không nói đùa đó chứ? Đánh ra ngoài? – Trương Hát ngạc nhiên hỏi lại.

- Đúng vậy. Ta đã suy nghĩ chuyện này rất lâu rồi. Phương Bắc còn nắm quyền cai trị nước ta ngày nào, dân ta còn khổ ngày đấy. Chúng ta ở đây đã mấy năm, không thể cứ mãi chơi trò mèo vờn chuột với bọn chúng. Đánh lén, cướp lương sống qua ngày chỉ là cách đối phó tạm thời, lại chẳng phải vẻ vang gì. Chúng ta có thể ở đây thêm vài năm, nhưng có thể ở đến vài chục năm hay sao? Chúng ta đang lúc binh hùng sĩ tráng nhưng chúng ta không có tiếp viện, lẽ nào sau mấy năm nữa những người ở đây không già yếu đi ư? Chỗ này tuy an thủ tốt, nhưng khí văn ẩm ướt, mấy tháng nay đã có vài người bắt đầu nhiễm bệnh lạ, lang y nói do thủy thổ không hợp cư ngụ lâu dài. Còn địch ở bên ngoài tha hồ tự do, quân lương dễ tiếp ứng. Lúc này, tại sao chúng ta không nhân lúc bọn chúng đang suy yếu, quân ta sĩ khí đang dâng cao mà phá vây ra ngoài. Phương Bắc có loạn lớn, triều đình lung lay, trước Vũ Đế bị gian thần ám hại, tân đế thì nhu nhược để loạn thần lộng hành, triều đình sẽ chẳng còn tâm nào mà để ý tới chiến sự ở chốn xa xôi này. Nếu đợi thêm mấy năm nữa, phương bắc dần yên ổn, lại phái binh tới chẳng phải càng bất lợi cho ta hay sao? Bây giờ chính là thời cơ tốt nhất để chúng ta khởi binh. – Vương dõng dạc nói.

- Bẩm Đại Vương, ngài nói rất phải. Quân Lương ở bên ngoài đang ngày càng yếu thế, bọn chúng đang rất nôn nóng đánh bại chúng ta, bằng chứng là mấy trận gần đây chúng truy đuổi ta rất ác liệt khiến chúng ta rút lui khổ sở. Lão Dương Sàn kia cũng hành động hấp tấp, nóng nảy. Chưa tới bốn tháng mà quân của hắn đã thiệt đi mấy ngàn, hẳn là ruột gan hắn đang nóng như lửa đốt. Ta lợi dụng điểm này, đánh một trận lớn phân định thắng bại, thu quan ván cờ. – Mạc Chí đồng tình.

- Thuộc hạ đồng ý với chủ ý của Đại Vương. Thuộc hạ cũng đã chờ ngày này lâu lắm rồi. Ngày được quyết một trận sống mái với quân địch. Thật sảng khoái. Haha! – Trịnh Hải cũng nêu ý kiến.

- Chứ không phải Trịnh Thiếu úy đang nhớ mong con gái và đại phụ nhân đang ở bên ngoại đó chứ? – Vương nhìn Trình Hải, cười cười trêu đùa. Thân phụ hai người đều là cận tướng của Nam Đế nên hai người đã thân nhau từ lâu, Hải lớn hơn Vương một tuổi.

Trịnh Hải biết Vương đang cố ý châm chọc chỉ hơi ngượng đưa tay lên đầu gãi gãi, ấp úng:

- Cũng… cũng một phần. Hì hì…

Mọi người thấy thế đều bật cười. Như để cho Trịnh Hải khỏi xấu hổ, Vương tiếp tục việc chính:

- Lần này ta muốn một trận chắc thắng, tốc chiến tốc thắng, các ngươi có cao kiến gì đề xuất ta nghe thử.

***

Tại một nơi cách đầm Dạ Trạch hơn hai dặm về phía bắc, một đôi vợ chồng trẻ đang rảo chân nhanh trên lối đi nhỏ. Họ gầy đét, thân hình như bơi trong bộ quần áo rộng thùng thình, bẩn thỉu. Người vợ chùm mình kín mít, đội một chiếc mũ lá cũ rách đi nép bên cạnh người chồng. Người chồng vừa đi vừa dìu vợ, nách đeo cái tay nải nhỏ. Bất chợt đằng trước có ba tên lính lương đi tuần ngang qua, hai người toan rẽ hướng khác nhưng đã bị chúng phát hiện.

- ĐỨNG LẠI! – Một tên hô lớn bằng tiếng Hán.

Đôi vợ chồng giật mình khựng lại, người chồng run rẩy cố cười một nụ cười méo xệch, chắp tay vái chào. Ba tên lính tiến lại, tên vừa nãy tiếp tục lớn giọng tra hỏi một tràng:

- Các ngươi là ai? Định đi đâu? Sao lại đi tới đây? Không biết đây là cấm địa không được vào sao?

- Bẩm… Bẩm… tâu ba vị quan gia, phu phụ chúng tôi trên đường đi tìm đại phu chữa bệnh… chẳng may đi lạc tới đây… không biết đây là đất cấm. Các ngài đại đức đại lượng bỏ qua cho chúng tôi, tha cho chúng tôi một lần. – Người chồng vừa run run vừa cố rặn ra từng chữ Hán đáp lại.

Dù người Việt bị người Hán thống trị đã mấy trăm năm, chúng bắt người Việt học chữ Hán, nói tiếng Hán, nhưng mấy đời người Việt nào có chịu khuất phục, nào chịu bị đồng hóa, hàng ngày người ta vẫn dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau. Trừ những nho sinh học hành mong cầu làm quan, dân chúng bình thường biết sõi tiếng Hán rất ít.

- Phàm là người ngoài đi vào cấm địa đều phải giết. – Tên lính kia gằn giọng – Tìm đại phu à? Khỏi mất công. Để bổn lão gia đây ban cho các người một đao, các ngươi không cần phải chịu bệnh tật nữa, kiếp sau đầu thai làm một người khỏe mạnh hầu hạ bổn lão gia. Thấy sao hả? Còn không mau đa tạ ta.

Người chồng vội quỳ sụp xuống vái lạy cầu xin, người vợ bên cạnh cũng quỳ sụp xuống lạy theo, mặt cúi gằm.

- Ấy! Mỹ nữ này, nàng sắp trở thành quả phụ rồi, hay là nàng chịu theo bọn ta, ta sẽ tha chết cho hắn. Ở quân doanh bọn ta, ăn no mặc ấm, nàng chẳng phải lang thang bôn ba khắp nơi. Nàng thấy thế nào? – Tên lính kia tiến tới đưa tay nhấc cằm người vợ lên, giật phăng tấm vải che mặt ra. Hắn giật mình vội lùi lại. – Cô ta… Cô ta… Đây là bệnh quái quỷ gì?

- Khởi… Khởi bẩm đại quan! Không giấu gì đại quan, chúng tôi sống lâu ở nơi ẩm ướt, không hợp thủy thổ, tiện nội chẳng may nhiễm phải đậu mùa, trong làng không có đại phu nào dám chữa, phu phụ chúng tôi đành phải đi nơi khác cầu y. Đại quan… ngài rủ lòng từ bi tha cho bọn tiểu nhân. – Người chồng khóc rống lên van nài.

- Trương Vũ, ngươi tránh xa bọn ta ra, đừng có lại đây! – Hai tên lính phía sau vội lùi lại mấy bước rồi nói.

- Các ngươi đáng chết! Dám lây bệnh cho ta. – Trương Vũ tức giận đùng đùng, rút đao toan chém đôi vợ chồng nọ.

Người chồng thấy tên kia lao tới liền liều mạng nhào vào hắn chống trả. Người này có lẽ đã từng luyện võ, dù thân thể gầy yếu nhưng động tác rất nhanh lẹ, tránh đòn như vụng mà lại khéo, mỗi lần tránh được lại lao tới định ôm lấy kẻ đang tấn công mình. Trương Vũ chém hụt vài lần, lại thấy kẻ kia cứ nhằm thân mình mà chồm tới, hắn sợ bị lây bệnh nên càng thêm tức. Hai tên lính còn lại không dám tới hỗ trợ, chỉ lùi đứng cách xa nhìn hai người kia quần ẩu như điên. Qua một hồi giằng co, người chồng vẻ như đã đuối sức, loạng choạng bị Trương Vũ nắm được tay nải, người chồng biết không giữ được đành bỏ lại tay nải, nhanh kéo theo người vợ bỏ chạy. Trương Vũ ném tay nải qua một bên lập tức đuổi theo. Một đuổi hai chạy mãi tuốt rời khỏi ranh giới vùng cấm. Hai tên lính Lương ở lại vẫn đứng tại chỗ, nhìn nhau mặc kệ.

- Lão Hoa! Vàng kìa! – Một tên vỗ vai người bên cạnh, tay chỉ chiếc tay nải.

Người được gọi là lão Hoa nghe thế liền nhìn theo hướng tay chỉ, thoạt đầu bất ngờ sáng mắt lên, nhưng vẫn can lại:

- Lão Tứ ơi lão Tứ, của người bệnh đậu mùa đó, ngươi không sợ chết à?

- Không chạm tay vào là được. Mang đổi luôn lấy bạc. Lâu rồi chúng ta chưa được một bữa no say. – Nói rồi hắn xé một mảnh áo, bọc lấy mẩu vàng nhỏ. Hắn lục kỹ thêm trong chiếc tay nải xem còn gì không. – Này, huynh lại đây xem. Đây là cái gì? – Hắn gọi lão Hoa khi thấy một tấm da lạ.

Lão Hoa tò mò vội ngồi xuống nhìn.

- BẢN ĐỒ! – Cả hai cùng lúc nói ra.

- Huynh nói xem liệu có phải đôi phu phụ kia là từ trong đó đi ra? Bọn chúng nói sống lâu ở chỗ ẩm ướt, lại rõ ràng từ hướng đó đi tới, mà hướng đó chính là… – Lão Tứ suy đoán.

- Toàn là ký hiệu ta xem không hiểu, đông tây nam bắc chẳng biết hướng nào. – Lão Hoa nói.

- Xem thế này. – Lão Tứ xoay chiếc bản đồ. – Phía tây có con sông lớn. Trước đây khi Trần tướng quân còn ở, đệ từng được vào soái trướng của ngài ấy đã nhìn thấy tấm bản đồ, đệ nhớ rõ lắm. Chính là thế này.

- Vậy tốt quá rồi. Chuyến này chúng ta lập công to, phen này phải được thăng lên ít nhất là quản giáo, bổng lộc gấp đôi, từ nay không phải nghe lời tên Vũ Sinh hách dịch kia nữa, cậy chức cao mà ra vẻ, ta nhẫn nhịn tên oắt con ấy lâu lắm rồi.

Đến đây cả hai tên lính cùng bật cười ha hả mang theo chiến lợi phẩm đi về, không mảy may nhớ đến sống chết của ba người kia nữa.

Đôi vợ chồng nọ chạy nhanh lạ thường khiến kẻ phía sau không thể nào bắt kịp. Chạy một mạch hơn hai dặm, đôi vợ chồng dừng lại tựa vào một gốc cây to nghỉ lấy hơi. Trương Vũ đuổi tới cũng dừng lại, tay chống gối thở hồng hộc hướng về phía hai người kia muốn chửi nhưng không ra tiếng. Chốc lát lấy lại đủ hơi, hắn đứng thẳng dậy toan chạy tới tấn công hai kẻ cố ý lây bệnh cho hắn. Nhưng bỗng nhiên hắn đổ người úp mặt xuống đất. Sau gáy cắm một mũi tên ngắn. Một bóng người từ phía xa chạy tới, rất nhanh, tới gần mới thấy rõ người này đeo nỏ và tên hai bên hông. Ba người gặp nhau, mừng rỡ. Người vợ lên tiếng trước:

- Sư huynh, sao rồi?

- Đại công cáo thành! – Người sư huynh tươi cười, nói. – Hai em chịu khổ rồi.

- Chỉ là chuyện nhỏ không đáng nói. – Người chồng đáp lại, rồi hất cằm về phía tên lính đang nằm sấp. – Chúng ta làm gì với hắn đây?

- Mọi người đã đi trước rồi, hẹn gặp ở bờ sông Phú Lương, chỗ đó cách đây cũng không xa lắm, mang hắn trôi sông tránh để lại dấu vết. – Vị sư huynh nói.

- Thật tốt quá, em đang muốn rửa ráy một chút, bôi thứ này khó chịu quá. – Người vợ vui vẻ nói.

- Ừm! Nhưng chúng ta không thể dừng lại quá lâu. Phải nhanh chóng chuyển tin tới các vị hùng trưởng. Quân Lương đã có được bản đồ, nếu chúng tiến công ngay thì e sẽ không kịp. – Vị sư huynh nói.

- Nhưng chúng ta đã sửa mấy chỗ trong đó rồi. Đại Vương chắc chắn cũng đã chuẩn bị đâu vào đó xong xuôi. – Người vợ nói.

- Cẩn thận vẫn hơn Mơ ạ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. – Người chồng ôn tồn bảo.

Chương 3<< >>Chương 5
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 5: Khai chiến
Chương 5: Khai chiến

Trong thời gian này hai bên ít đụng độ hẳn. Nghĩa quân ít chủ động đánh úp hơn trước, tần suất ít dần, cho tới một tháng nay thì ngừng hẳn. Có hai lý do chính, một là để giành nhân lực và sức lực chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công, hai là bày kế tung hỏa mù dụ địch. Đinh Bính là Đại tướng quân vừa phụ trách tăng cường canh gác phòng bị, vừa cùng với Trương Hát củng cố thành cũ, đắp thêm thành mới ở ngoại biên. Trương Hống phụ trách rèn vũ khí, đao, thương, trường giáo, làm thêm tên, nỏ, lao, chuẩn bị cả mùng tơi và mũ cỏ ngụy trang. Phùng Kim phụ trách tạo và bày bẫy các nơi, từ ngoài vào trong, càng vào sâu bên trong bẫy càng nhiều, bẫy dưới đất, bẫy trên cây, đặt cả bẫy trong nhà. Các lang y bào chế thuốc. Tổ chức thêm một đội chuyên nuôi và huấn luyện độc vật. Những ai giỏi bơi lập thành một đội thủy quân do Trịnh Hải phụ trách. Mọi sự chuẩn bị trong ba tháng đã gần như hoàn tất.

Bước cuối cùng chính là vờ để tấm bản đồ rơi vào tay Lương quân. Dương Sàn có được tấm bản đồ ấy, rất nhanh thôi chúng sẽ khởi binh đánh tới. Nhưng cũng chưa chắc bọn chúng dám đánh trước, chúng hẳn đã biết nghĩa quân xây thêm tường thành để trấn thủ và biết cả trong đầm có dịch đậu mùa. Vương đặc biệt cho dựng một căn nhà lớn ở phía nam, nơi có dòng nước chảy về phía doang trại quân Lương gần đó. Tất nhiên là để che mắt quân do thám của địch. Trong nhà đó thực ra là nơi nuôi độc vật. Hàng ngày phân công vài người giả bệnh nằm ở ngoài cửa, thỉnh thoảng trong nhà lại có người xách thùng đi ra đổ một thứ nước vàng đục xuống dòng nước. Đó thực ra chỉ là bùn mà thôi. Xung quanh căn nhà bố trí hai vòng canh giữ nghiêm ngặt, Lương quân muốn tới gần hơn do thám cũng không có cách nào.

- Bẩm Đại Vương, doanh trại phía nam của quân Lương đã rút hơn một nửa về trại bắc rồi. Các quân doanh đông tây nam bắc của chúng đều đã bắt đầu tăng cường canh gác mấy ngày nay. Chúng thuộc hạ không thể thăm dò thêm được tình hình bên trong. – Một viên trinh sát bẩm báo.

- Ừm! – Vương gật đầu với vẻ hơi căng thẳng, rồi quay sang nhìn qua một lượt những tướng lĩnh trước mặt. – Còn tất cả các ngươi đều đã chuẩn bị xong rồi chứ?

- Hồi Đại Vương, tất cả đã chuẩn bị xong. Chỉ còn chờ ngài hạ lệnh, chúng ta lập tức khai chiến. – Trương Hống đại diện lên tiếng.

Tất cả im lặng chốc lát, Đinh Bính lại nói thêm:

- Nếu người chưa yên tâm, hay là đi kiểm tra lại lần nữa.

- Không cần. Ta mỗi ngày đều kiểm tra, ta rất tin tưởng giao những việc còn lại cho các ngươi đấy. – Vương nói.

- Đại Vương, về ba vị hùng trưởng là Trần Đắc Vi, Mai Nhu và Võ Thị Lan đều đã chuẩn bị ổn thỏa. Trần Đắc Vi mang ngựa tới một trăm năm mươi con, Mai Nhu mang tới năm mươi con cá sấu, Võ Thị Lan đem theo hai trăm võ sĩ. Còn lão Lý Nguyên mấy năm nay già yếu đi nhiều, lại hay đau ốm nên không thể tới, chỉ thác cho con gái là Lý Thị Diên dẫn theo hai trăm tùy tùng tới phụ trợ. Bọn họ đều đã tới cả, sẵn sàng đợi lệnh của Đại Vương. Còn các địa phương ở xa cũng đều ủng hộ, chỉ cần nhận được tin báo sẽ lập tức nổi dậy đánh vào phủ huyện nha đánh đuổi quan viên người Hán. – Đinh Bính bổ sung thêm.

Vương không nói chỉ gật đầu rồi quay sang hỏi Mạc Chí:

- Mạc Chí, ông xem ngày nào khai chiến thì thích hợp?

- Dạ, bẩm Đại Vương, mấy hôm nay trời nhiều mây không thể quan sát tinh tượng. Vẫn là như thần đã nói lúc trước, ngày mười lăm tháng này là tốt nhất.

- Vậy là còn những tám ngày nữa. Ta e là Dương Sàn sẽ tiến công trước ngày đó. Dù chúng ta đã chuẩn bị, nhưng để bị động là tối kỵ trong chiến trận.

- Vậy thần sẽ tính toán lại xem liệu có ngày nào sớm hơn không, hôm nay trời đã thưa mây rồi. Được sớm ngày nào hay ngày đó, tránh đêm dài lắm mộng.

Vương chỉ đáp lại một tiếng “Ừ” coi như đồng ý.

***

Ngày mồng mười, chạng vạng tối, trăng bán nguyệt đã lên một quãng lơ lửng giữa trời, lờ mờ ẩn sau màn mây xám. Bây giờ là thời gian người ta thường ăn bữa tối. Quan quân nhà Lương đang say sưa ăn uống. Bữa cơm của chúng có vẻ đầy đủ hơn trước, có thể nói là thịnh soạn hơn nhiều. Là vì chúng không còn bị cướp lương nữa, hay là bởi chúng đang chuẩn bị cho một trận chiến cuối cùng? Có lẽ là cả hai. Chúng đứng ngồi la liệt bên ngoài doanh trướng, chỉ có một số ít ngồi cạnh đống lửa, chỗ nấu canh, nơi nướng thịt. Chúng có cơm trắng, có thịt và cả rượu. Rượu ư? Binh sĩ đánh trận mà lại uống rượu? À, mỗi người chỉ được uống một bát, là rượu pha nước, đã nhạt lại còn lờ lợ. Bọn chúng có người uống, có người không, có kẻ húp một ngụm rồi lập tức phun phì ra, nhưng dù uống hay không thì chúng đều thốt ra vài câu chửi mắng. Chúng chê rượu nhạt, nói đây không phải rượu. Có kẻ toan định đánh người mang rượu tới nhưng quản giáo ở đấy, chúng chỉ đành hậm hực, hùng hổ ra ngồi chỗ khác ăn tiếp bát cơm đang dở.

Hai vạn nghĩa quân đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Việt Vương mặc áo giáp da, đội mũ đâu mâu móng rồng, bên cạnh là Phùng Kim dẫn đầu quân tiên phong tiến công chính diện vào doanh trại phía bắc Lương quân. Việc Vương đích thân tiên phong có hai ý đồ. Một là, khiến cho địch nghĩ rằng nghĩa quân thực sự đã lâm vào cảnh khốn nên quyết tâm muốn phá vây ra ngoài. Hai là, thấy kẻ đầu sỏ quân phản loạn ngay trước mắt, chúng sẽ càng kích động đuổi bắt cho bằng được.

Đoàn thuyền độc mộc từ từ tiến ra khỏi đầm, chừng hai dặm phía trước chính là quân doanh của bọn Dương Sàn, nơi chúng tập trung nhiều tinh binh nhất. Đoàn quân năm ngàn người đổ bộ lên bờ, hướng thẳng mục tiêu mà tiến. Tiếng trống quân nổi lên rần rần ở phía trước, quân Lương đã phát hiện có kẻ tấn công. Chúng dồn dập thúc giục đội quân tập hợp, tiếng bước chân dậm ầm ầm trong quân doanh, sau đó là những tiếng đồng thanh khí thế.

Còn cách chừng nửa dặm, tiếng trống đã ngừng, chợt đằng xa có tiếng vù vù, âm thanh đó rất nhanh biến thành tiếng vun vút sượt qua ngay bên tai, hàng trăm mũi tên rơi xuống, như mưa, nghĩa quân hai người một khiên vừa chắn vừa không ngừng tiến về phía trước. Từng mũi tên dài lao như xé gió, mũi nào mũi nấy đều từ trên cao giáng thẳng xuống như sẵn sàng xiên thủng bất kỳ thứ gì cản đường nó. Trống quân lại lần nữa nổi lên ầm ầm, to hơn, vang hơn, khí thế hơn. Cổng doanh trại mở toang, một đốm sáng lớn dần dần ló ra, sau đó trải dàn sang ngang hướng thẳng về phía nghĩa quân, theo sau là một đoàn quân lớn dậm rầm rầm đổ ra, kỵ binh trước, bộ binh sau.

Tiến được một đoạn, đoàn binh tách ra một đường ở giữa, một tốp chừng hơn chục người cưỡi ngựa phóng ra phía trước. Tất cả đều mặc mũ giáp sáng loáng dưới ánh lửa phản chiếu, vũ khí cầm trên tay, giắt trên người những đao, trường thương, rìu, kiếm. Một kẻ uy vệ đi trước nhất dơ cao tay ra hiệu, lát sau tiếng trống dừng hẳn. Hắn chính là Thống soái Dương Sàn, vũ khí của hắn là hai cây đao lớn giắt hai bên thắt lưng, bộ giáp đỏ với chiếc choàng bào đen thắt trên vai, mũ sắt trùm kín đầu với chỏm ngù lông đỏ trên đỉnh đầu, ngựa của hắn đeo một chiếc mặt nạ sắt, móng cũng bọc sắt. Hắn không phải là người đô con nhất trong số những tướng lĩnh, nhưng so với người bình thường đã là cường tráng hơn nhiều, râu ria ngắn mà rậm, vừa dày vừa đen, vểnh ra trông dữ tợn, không rõ là bình thường hắn đã mang cái mặt đấy hay vì lúc này hắn đang tức giận.

Quân Lương mang rất nhiều đuốc, nhiều nhất là ở hàng tiên phong, ánh lửa sáng choang cả một vùng, có thể soi rõ cả nghĩa quân phía đối diện cách đó mấy chục thước. Nghĩa quân đã tập hợp lại, hàng lối đều tăm tắp, không có kỵ binh. Việt Vương hiên ngang đứng lên hẳn phía trước đối diện Dương Sàn, chiếc móng rồng ánh thêm ánh lửa mờ càng thêm sáng lấp lánh. Dương Sàn thét lớn:

- Triệu Quang Phục, có phải nhà ngươi đã hết cơm ăn rồi hay không? Lại tới đây đúng giờ cơm của bọn ta. Các ngươi thống minh thì mau mau đầu hàng, ta chẳng những tha chết mà còn đãi cho các ngươi một bữa thật no. Thế nào hả?

Vương dõng dạc đáp lại, nhấn rành mạch từng chữ Hán một:

- Hôm nay ta chính là muốn cùng ngươi đánh một trận cuối cùng phân định thắng bại. Để xem là ta hết cơm ăn hay là các ngươi không còn miệng để mà ăn.

Dương Sàn hơi tức giận nhưng vẫn cười lên một tiếng lớn, mấy tên thuộc hạ bên cạnh cũng cười theo:

- Hahaha…! Triệu Quang Phục ơi là Triệu Quang Phục. Ngươi trở nên mạnh miệng như vậy từ bao giờ vậy? Có phải là đang cố gượng lấy chút oai phong trước khi chết không hả? Ngươi trốn trong đó bao nhiêu lâu, bây giờ mới dám ló mặt ra. Ai da! Ngươi xem lại mình xem, mấy năm không gặp mà nhà ngươi gầy đi nhiều quá. Ngày trước ngươi đánh không lại ta, thì nay ngươi có được mấy phần thắng chứ hả?

Vương chẳng hề để ý những lời khích tướng dông dài của hắn, càng không muốn đấu khẩu qua lại:

- Đừng phí lời nữa. Hôm nay chính là ngày giỗ của ngươi.

- Được! Họ Triệu kia! Ngươi đã muốn chết như vậy thì hôm nay ta cho nhà ngươi toại nguyện. Ta không băm dằm tên nhãi phản loạn nhà ngươi thì ta không phải họ Dương. – Hắn gằn giọng, thét lớn. – Các huynh đệ, cùng giết hết bầy loạn tặc, lập công báo quốc.

Toàn bộ binh lính phía sau cùng hô “Giết! Giết! Giết!”, âm thanh vang vọng khi thế tạo thành làn sóng lớn động tới từng chiếc lá, ngọn cỏ.

- XÔNG LÊN!!!

Chương 4<< >>Chương 6
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 6: Phao chuyên dẫn ngọc
Chương 6: Phao chuyên dẫn ngọc

Trống trận lại nỏi lên đùng đùng. Đạo quân tiên phong của hai bên cùng tiến lên giáp chiến. Tiếng trống rền, tiếng người la hô, tiếng vũ khí va vào nhau, tất cả cộng hưởng lại rung chuyển đất trời. Địch ta lẫn vào nhau mà chém, mà đâm, dưới ánh sáng lờ mờ của đuốc lửa lan tới, và cả ánh sáng yếu ớt, lạnh lùng của mặt trăng đang dần lẩn mình sâu vào lớp mây xám ngoét. Nghĩa quân chết, Lương quân cũng chết, nghĩa quân chết nhiều hơn.

Dương Sàn đứng ở phía sau không tham chiến, hắn nhếch một bên mép lên như là cười, như là khinh bỉ và coi thường những con người nhỏ bé hơn kia đang liều mạng chống trả, bằng một cách mà hắn cho là vô nghĩa.

- Triệu Quang Phục! Biết điều thì mau buông đao đầu hàng đi. Ta ban cho ngươi được chết toàn thây. – Hắn vận sức hô lớn.

Nhưng ở nơi chiến tuyến kia liệu có ai nghe thấy? Trong cảnh thập tử nhất sinh, ai mà còn tâm trí để ý tới những thứ thừa thãi ấy. Không có hồi đáp. Hắn quay sang tên tì tướng bên cạnh, hất cằm về phía chiến tuyến. Người kia gật đầu, lệnh cho đội kỵ binh rẽ sang hai phía trái phải. Chúng định vây đánh hai bên tả hữu và cả chặn hậu, hòng cắt mọi đường rút lui của nghĩa quân. Nhưng đâu có dễ dàng như vậy, Việt Vương đã tính sẵn, phía sau còn đội quân tinh nhuệ hơn đang mai phục, phụ trách dọn đường rút lui.

Nửa canh giờ trôi qua, mấy ngàn nghĩa quân tiên phong đã hy sinh tới hơn một nửa, Việt Vương hạ lệnh rút quân. Lương quân thấy thế sĩ khí càng lên cao, lại nghe Dương Thống soái lệnh ai bắt được hoặc giết được Việt Vương sẽ thăng quan ba cấp, con cháu ba đời không phải tòng quân, chúng ai nấy lại càng thêm hưng phấn, bám riết truy đuổi.

Bầu trời hoàn toàn tối mịt, trăng đã lẩn sâu vào những lớp mây, biến mất. Việt Vương đã lên thuyền lui vào trong đầm, thong thả. Mục đích Vương thân chinh chuyến này chính là để dụ quân địch đánh vào. Qua một lúc, ngoài kia yên ắng dần, chúng không dám tiến vào ư? Bọn chúng không tiến cũng không rút binh, chúng đang định làm gì? Nhưng dù có làm gì thì trong ngoài đầm Dạ Trạch này đều là cửa tử đối với chúng. Bẫy và mai phục khắp nơi, hễ có địch tới sẽ lập tức tấn công không cần đợi lệnh của Vương.

***

Trên bờ bên kia, quanh Dương Sàn đã có thêm mấy người nữa, họ như đang cãi nhau. Họ chia thành hai phe: tiến và không tiến. Một lão già râu tóc đã bạc, mặc áo gấm đang ra sức phản đối tiến công, lão cho là trong đầm nhất định có bẫy nguy hiểm. Lão hẳn là quân sư của Lương quân, tên Quách Đồ - một tay trợ thủ đắc lực của Trần Bá Tiên. Một lão tướng khác trông trẻ hơn lão quân sư đôi chút, lão nhất quyết muốn đánh vào. Hắn đang hưng phấn tới nỗi như là nôn nóng. Hắn đã gần năm mươi mà mãi vẫn chỉ là một Hiệu úy cấp thấp, nếu lần này lập công, hắn sẽ được thăng ba cấp, hoặc giả như hắn có chết thì ba đời hậu nhân của hắn sẽ không phải tòng quân, đáng cho hắn liều một phen lắm.

Dương Sàn dường như bị lão tướng ấy nhiễm cho sự hưng phấn. Dương Sàn hắn đã theo Trần Bá Tiên tới cái nơi quỷ quái này mấy năm mà không có kết quả gì. Một nơi khí hậu ấm áp hơn phương bắc, ấm áp đến nỗi phát điên. Mùa xuân thì mưa dầm, không khí nồm ẩm, quần áo phơi mãi không khi nào khô, mùa hạ thì nắng gắt, đã bức lại còn oi, nóng như cháy da cháy thịt. Đã thế đất này lại có lắm côn trùng, cứ hễ tới chiều tối hay sau mưa là đám muỗi lại xông ra bu lấy bu để, đêm ngủ còn nghe tiếng ô ô bên tai dù đã mắc màn cẩn thận. Quái, cái giống gì thân thì bé tí mà tiếng kêu to thế, mà bé ấy là so với người, chứ muỗi ở đất này so với muỗi ở phương bắc to gấp mấy lần, cánh to cẳng dài, nếu không vì có cánh và biết bay thì còn tưởng chúng là nhện. Đúng là hãi. Đám ngựa mang từ phương bắc tới cũng khổ sở không kém, mùa lạnh còn đỡ chứ cứ hễ trời ấm lên một chút là ruồi nhặng lại tới bâu bám đầy khắp mình ngựa, khắp cả chuồng, cứ phải vệ sinh cho chúng luôn luôn. Thế mà cũng chẳng ăn thua. Ruồi vẫn bâu lấy mình chúng, nhất là vào mùa hè, thời tiết oi bức, chúng nó khó ở nên cứ quấy suốt đêm, có lúc còn chực phá chuồng mà thoát ra. Mấy phen như thế còn tưởng bọn phản loạn tới đánh úp. Nước nôi chứa trong thùng lúc nào cũng có đám loăng quăng bơi lúc nhúc khiến cái ăn, cái sinh hoạt khổ không thể tả. Mới năm ngoái, khi ấy đang là giữa hạ, lúc Trần Bá Tiên được lệnh trở về bắc, hắn đã hy vọng sẽ được cùng chủ tướng rời khỏi, ấy thế mà hắn lại là người phải ở lại. Hắn bực lắm nhưng được cái chức Thống soái nên cũng đỡ. Mùa thu và mùa đông có lẽ là hai mùa dễ chịu nhất đối với hắn, hắn thích thời tiết độ cuối thu đầu đông, lúc ấy thời tiết khô ráo, mát mẻ, không khí trong lành, tính khí của hắn lúc ấy là thoải mái nhất.

Nghĩ tới những cực khổ ở chốn này lại khiến hắn như muốn phát khùng phát điên. Hôm nay là ngày mười tháng Tư, còn mấy ngày nữa là tới tiết Tiểu Mãn, lại một mùa hè nóng rực lửa nữa tới. Hắn lại phải trải qua thêm một mùa hạ ở đây nữa ư? Biết đâu là nhiều hơn. Hắn không muốn thế. Hắn muốn thật nhanh dẹp xong loạn tặc, dương dương trở về lĩnh thưởng, rồi nhận nhiệm vụ mới, làm gì cũng được, trừ việc ở cái đất Giao Châu này ra. Hắn thà tới biên giới Đông Tấn, hay Tây Tấn cũng được, đất ở đó dễ sống hơn ở đây.

Hắn suy nghĩ, và kết luận. Đúng, như lời của tên họ Triệu Quang Phục nói, hôm nay chính là thời điểm tốt nhất để hai bên phân định thắng bại. Hắn có trong tay bản đồ đầm Dạ Trạch, mọi đường mòn lối nhỏ trong đó hắn đã nắm rõ, sao phải sợ. Người trong đó mắc dịch bệnh, chắc chắn không chống nỗi binh lính khỏe mạnh đầy đủ mũ giáp, sao phải sợ. Hắn nắm trong tay tổng cộng hơn hai vạn quân, hai mặt đông tây mỗi bên bốn ngàn, mặt nam có hơn hai ngàn, còn lại ở mặt bắc, chính là chỗ này đây tập trung hơn một vạn, còn đối phương chỉ có khoảng hai vạn chưa trừ bệnh nhân, sao phải sợ. Hắn đã chuẩn bị rồi, hắn đã lên kế hoạch tiến công rồi, sao bây giờ lại lưỡng lự. Bốn phương tám hướng xung quanh hắn đều đã bố trí, chỉ cần gặp kẻ khả nghi lập tức giết ngay, đảm bảo không một người có thể ra vào trong ấy. Hắn quyết định thuận thủ khiên dương. Bây giờ, dù là Triệu Quang Phục hay là Triệu Việt Vương thì cũng chỉ là ba ba trong rọ mà thôi, nhưng dù là ba ba trong rọ thì vẫn phải thò tay vào thì mới bắt được, không vào hang hổ sao bắt được cọp con. Hắn nghĩ thế rồi lập tức hạ lệnh cho quân tiến công, mắc sức lão quân sư kịch liệt ngăn cản.

Đội thuyền của quân Lương đã được huấn luyện, chúng nhanh chóng đem thuyền tới rồi dễ dàng tiến vào. Nghĩa quân bên trong giả vờ chống cự yếu ớt, vừa đánh vừa lui dụ chúng vào sâu hơn. Một ngàn, hai ngàn, năm ngàn, Lương quân tràn vào từ khắp các ngả. Chúng đã tới ụ đất lớn giữa đầm, chính là nơi Việt Vương đóng quân, chúng đổ bộ lên ào ào như tới một nơi không người. Các bẫy bắt đầu khởi động. Loạt tên từ đâu lao tới, vừa nghe tiếng “vút” “phập” đã có một người ngã xuống, mũi tên cắm vào đầu, vào thân, vào tay chân những kẻ xâm phạm. Tên có độc. Ban đầu chúng ngứa ngáy chỗ vết thương, sau đó khắp người lạnh toát, rồi tứ chi uể oải, mềm nhũn không thể cử động, cuối cùng là nằm xuống chờ chết. Số lượng tên có hạn nên chỉ ngăn cản được những kẻ tới trước. Đội quân tới sau càng hùng hậu hơn, chúng lên được bờ càng hưng phấn, càng tàn bạo. Chúng táo tợn lùng sục khắp nơi tìm kẻ địch để mà chém, mà giết. Nhưng chúng nào có giết được ai, trái, phải, trước, sau, trên dưới dường như đâu đâu cũng có bẫy. Trời tối mịt, cây cối um tùm làm cho chúng khó di chuyển, chỉ có những đuốc lửa leo lét miễn cưỡng sáng được một khoảng. Chúng mải đề phòng xung quanh thì chân dẫm phải hố chông, hố sâu tới gần một trượng, đáy hố toàn là chông nhọn và rắn. Chúng cẩn thận dưới chân thì bị lưới gai từ đâu bay tới tóm lấy, lưới gai thắt toàn những dao sắc quấn lấy những kẻ không may mắn.

Một trong số chúng phát hiện phía xa có bóng người lấp ló khuất sau gốc cây to, hắn đi tới, nhanh lẹ đâm một thương vào người ấy, đâm trúng rồi lại nhảy bổ tới chém thêm một đao nữa vào cổ cái “phịch”, cái đầu rơi bịch xuống đất lăn lông lốc. Hắn cảm giác không đúng, không có máu, nhưng đến khi hắn nhận ra thì đã muộn. Những tiếng vo ve rời rạc dần biến thành tiếng “ô ô” đều đều, đàn ong dồn dập kéo tới tấn công kẻ đã phá hủy hang tổ của chúng. Là ong vò vẽ. Kẻ kia chạy tán loạn kéo theo đàn ong tấn công cả những người khác. Không chỉ một chỗ ấy mà năm mười chỗ khác cũng đã đánh trúng tổ ong. Đàn ong tới cả vạn con bay vũ bão thi nhau đuổi đốt những kẻ chốn chạy. Những đốm lửa đuốc yếu ớt chẳng mảy may làm đám ong đang trong cơn giận dữ hoảng sợ. Những kẻ bị ong đốt chạy thục mạng tìm nơi trốn tạm. Chúng xông đại vào một căn nhà, nhưng ối giời ơi, trong nhà toàn những rết là rết bò ngồm ngoàm trên đất, con nào con nấy to tướng, thân đen xì, đầu và các chân đỏ chót, có con to bằng ngón hai ngón tay, dài tới nửa thước. Đám rết cảm thấy rung động lập tức náo loạn, bò loạn xạ khắp nơi tìm cách tấn công đối tượng mà chúng coi là kẻ thù, có con từ trên mái nhà rơi xuống vướng vào đầu, vào vai những kẻ đang vội trốn đàn ong. Bọn Lương quân định phóng hỏa, nhưng nào có được, mái nhà ướt sũng nước, xung quanh lại toàn là cây tươi đất ẩm. Bọn họ muốn sống không được, muốn chết chẳng xong thực là khốn khổ.

Một số người định rút lui. Chúng chạy ra tới thuyền rồi, nhưng cảnh tượng ở đó cũng hỗn loạn không kém. Rắn đâu ra mà nhiều thế, chúng trườn bò khắp trên bờ đến bơi tung tăng dưới nước, thấy người chúng ngóc cái đầu lên dựng thẳng đứng, xòe đôi mang ra ngắc ngứ, nhe cặp răng nanh ra kêu khì khì. Lại còn có cả đỉa. Những đàn đỉa đen ngòm, to tướng vắt vẻo trên thuyền, và cả dưới nước nữa, chúng nườm nượp uốn lượn dưới nước như mở hội. Nhiều kẻ liều mình bất chấp vung đao vung kiếm chém tan bầy rắn cản đường, nhưng lên tới thuyền rồi cũng thật là khổ sở, đỉa nhiều quá, chúng bám trên thuyền và và sào nữa, chúng cảm nhận được nguồn thức ăn dồi dào đang ở ngay gần, chúng tìm cách tiếp cận, chúng nhướn mình lên trườn vào trong ủng, bám lên quần lên áo, có con may mắn bắt được phần thịt hở nơi giày rách, quần rách, hay dễ dàng hơn là chạm được tới bàn tay trần nhẵn, chúng bám ghì lấy, dính chặt, ôm khư khư không buông ăn cho no nê món ăn yêu thích, máu. Nhưng đó chưa phải cái khổ nhất, đám rắn độc luồn từ dưới nước trèo lên thuyền, nhe răng lăm le chực cắn, tuyến nọc độc đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ có cơ hội chạm tới kẻ thù là phun độc ra ngay trong tích tắc. Bỗng có thuyền bị lật, tiếng người kêu la oai oái. Đàn cá sấu mai phục ở đấy từ lúc nào, quân Lương không hề biết tại sao ở đây lại có cá sấu.

Cuộc chiến của người và súc sinh ác liệt chẳng kém cuộc chiến giữa người với người. Mấy ngàn quân Lương tiến vào đầm chưa có ai rời khỏi thành công. Có mấy kẻ đã bị trúng độc rắn ngã xuống, có kẻ xui rủi rơi xuống nước làm mồi cho cá sấu và đám đỉa. Một số người cố gắng tìm một lối khác để thoát, nhưng hỡi ôi, xung quanh đều là tường thành cao mấy trượng, nơi nào không có tường thì đều bị chặn bởi rắn độc, đỉa và cá sấu. Bọn Lương quân kêu trời, nơi này mà là Dạ Trạch đầm ư, Địa Ngục đầm thì có, nơi chỉ có vào mà chẳng có ra.

Chương 5<< >>Chương 7

 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 7: "Đất này là của người Việt!"
Chương 7: "Đất này là của người Việt!"

Dương Sàn đứng bên ngoài căng mình chờ động tĩnh bên trong đầm. Bỗng phía xa xuất hiện một vầng sáng lớn, không phải ở một chỗ mà trải khắp một vùng. Quân lính phía sau ồn ào khiến Dương Sàn phải quay lại xem. Là doanh trại của chúng đang cháy. Trước khi cháy thì hẳn phải có khói, mà trời lại quá tối, chỗ Lương quân đang tập kết cách doanh trại đến tận hai dặm nên không ai phát hiện, ấy thế mà cũng chẳng có ai tới báo cáo, kể cả một tiếng báo động cũng không. Trong doanh trại vốn còn khoảng mấy ngàn quân ở lại cơ mà, lẽ nào đã chết sạch hết rồi. Dương Sàn nổi giận đùng đùng, vì sợ bị tập kích, hắn hạ lệnh phái ba ngàn quân quay trở về tiếp viện.

Đã quá nửa đêm mà trong đầm vẫn không có tin tức gì, không một lính tốt hay tướng lĩnh nào ra báo cáo. Dương Sàn càng thêm phát cáu. Hắn thét vào mặt một tên thuộc hạ cạnh đó, lệnh dẫn người vào trong xem tình hình. Sau chừng một khắc mấy tên lính vừa nãy đã quay lại với sắc mặt tái mét. Chưa kịp để chúng mở miệng, Dương Sàn đã vội hét lên:

- Tình hình sao rồi?

- Bẩm… Bẩm tướng quân, không… không ổn lắm. Chúng ta đã trúng mai phục, quân ta chết hết, thây nằm chất trên thuyền và cả trôi dưới nước, nhiều thân thể không còn nguyên vẹn, thuyền thì ngổn ngang chắn hết đường, bọn thuộc hạ không thể vào trong xem rõ. Dưới nước còn có rất nhiều rắn và đỉa. Xem chừng bên trong tình hình không được tốt cho lắm.

Hắn cau mặt, hừ một tiếng rồi đạp mạnh vào giữa ngực mấy tên thuộc hạ đang quỳ trước mặt, vừa chửi:

- Đúng là lũ phế vật, ăn hại!

Nói rồi hắn vùng vằng hướng thẳng tới một chiếc thuyền độc mộc đang đỗ gần bờ, quay lại chỉ:

- Ngươi, ngươi, ngươi, các ngươi nữa đi cùng ta. Ta muốn xem thử rốt cuộc tên nhãi họ Triệu đang bày quỷ kế gì.

- Tướng quân, ngài đừng nên đi thì hơn. Hãy chờ tin tức từ bên trong trước. Lưu hiệu úy chắc chắn có cách truyền tin ra cho chúng ta. – Một tên lính can lại. Lưu hiệu úy chính là lão võ tướng nôn nóng muốn tiến công lúc trước, hắn đã tiên phong dẫn quân xâm nhập vào trong đầm, đến giờ chưa rõ sống chết.

Dương Sàn nào có để lọt tai những lời ấy, hắn nhất quyết muốn đi. Vừa toan bước xuống thuyền thì đột nhiên dưới nước phóng lên một cái đầu rắn. Con rắn khè một tiếng, xòe mang há miệng, thè lè hai nhánh lưỡi ngúng nguẩy hù dọa, cả thân nó đen óng, to gần bằng cổ tay người lớn, bụng trắng bệch, nửa thân sau của nó đang uốn éo trong nước. Dương Sàn hơi giật người lùi lại như phản xạ, con rắn xuất hiện thình lình không khiến hắn sợ mà chỉ làm hắn thêm tức mình. Hắn nhanh chóng rút đao ra chém con rắn làm hai khúc. Máu vương trên bờ cỏ, loang cả xuống nước, lúc này hắn mới để ý thấy đám đỉa phóng thân tới bu lấy chỗ máu loang lổ. Phía xa còn mấy con rắn nữa đang bơi tới phía hắn. Chưa kịp nhìn kỹ dưới nước có bao nhiêu rắn và đỉa thì phía trời nam bỗng lóe lên một tia sáng, là pháo hiệu khẩn cấp chỉ dùng khi bị tập kích bất ngờ và cần cứu viện. Dương Sàn lúc này mới nghĩ đây quả thực là một cái bẫy, hắn không còn hy vọng gì vào mấy ngàn quân ở trong đầm nữa: “Chúng giả vờ đánh nghi binh dụ ta rời khỏi doanh trại, rồi đốt doanh trại để đánh lạc hướng và phân tán binh lực của ta, cuối cùng tẩu thoát theo hướng nam, hướng mà ta bố trí ít binh lực nhất. Hừ! Đúng là một lũ thỏ đế xảo quyệt.”

Hắn ưỡn ngực đứng thẳng, cố nén cơn nóng giận đang sùng sục sôi trong máu. Hắn nhìn một thoáng vào cái nơi tối thăm thẳm trước mặt, rồi quay lại nhìn về vầng hỏa quang phía xa. Hắn đang đứng giữa hai nơi ấy, như bị cô lập, không một tin tức nào truyền tới. Rốt cuộc kẻ họ Triệu đó đang ở đâu, ẩn trong cái đầm đen hút hút đó, đang ăn mừng lửa trại đằng kia, hay là đã cao chạy xa bay về hướng nam. “Hướng nam, chắc chắn là hướng nam, hắn đã chạy về hướng đó”, hắn nghĩ thế rồi quay phắt sang một tên phó tướng, lệnh dẫn theo ba ngàn quân tiếp viện doanh trại phía nam. Đội quân cứu viện đã lên đường, hắn cũng toan rút binh trở về trại bắc, nhưng còn chưa kịp leo lên ngựa, hai quả pháo hiệu như cùng lúc được phóng lên sáng chói giữa khoảng trời đen kịt, là từ hai phía đông và tây. Cả trại đông và trại tây đều bị tấn công bất ngờ. Không cần nghĩ nhiều, hắn gừ gừ kêu lớn lệnh hai tên phó tướng nữa dẫn binh đi cứu viện.

Hắn không muốn ở lại đây thêm nữa, liền leo lên ngựa dẫn binh trở về. Nhưng còn chưa kịp đi được mấy bước, phía sau hắn nghe có tiếng nhốn nháo. Nghe kỹ mới thấy tiếng ô ô lẫn trong tiếng kêu oai oái của đám người rối loạn. Hàng không ra hàng, lối không ra lối, ai cũng chen chúc nhau tranh chạy tán loạn hòng thoát khỏi đám ong hung dữ. Ong từ đâu ra mà nhiều thế? Rồi không chỉ người mà tới ngựa cũng bắt đầu rối loạn, mấy con ngựa tự dưng nhảy chỗm lên, con thì tung vó trước, con thì đá hậu, kỵ binh không khống chế được, có người đã bị hất văng xuống đất. Thì ra là chúng bị rắn cắn. Rắn này nhỏ và không có mang, con thì màu nâu, con màu xanh, con màu đen lẫn trong đất, trong cỏ. Nhưng ở đâu ra mà lắm rắn thế? Dương Sàn gần như phát điên, hắn chỉ hận không thể băm vằm lũ người man di ra thành trăm mảnh. Hắn ra lệnh nhanh chóng rút quân, rồi hắn hùm hoằm thúc ngựa phi nhanh đi trước, mặc kệ phía sau.

Đúng lúc này, hai cánh tả hữu của đám quân Lương cùng bị tấn công, loạt tên từ đâu bay tới khiến binh sĩ ngã như ngả rạ. Ở đây không rậm như rừng nhưng cũng không thoáng đãng như thảo nguyên, có thể mai phục được nhưng kẻ địch tới từ lúc nào và tới nhiều như thế ư? Tên tiếp tục phóng tới từng đợt liên tục không ngớt, ai trúng tên không chết ngay thì cũng bắt đầu ngứa ngáy không yên. Tên có độc. Toán quân cầm khiên chạy tới che chắn rồi theo hướng mũi tên mà tiến lên tìm kẻ đánh lén. Tên lập tức ngừng bắn, tiếng hô ô ô rất to từ hai bên tới ngày một gần, nghĩa quân chớp nhoáng đã xuất hiện dưới ánh sáng mờ mờ của đuốc lửa Lương quân. Mấy ngàn nghĩa quân như sinh ra từ bóng tối, như từ mặt đất chui lên, dũng mãnh như vũ bão. Không cần trống trận, không cần chiêng mõ hay đèn đuốc, họ cứ thế nhào thẳng vào quân địch mà anh dũng chiến đấu.

Hai phe địch ta đã hòa vào nhau mà chém, mà đâm quyết liệt. Máu văng tung tóe vương vãi trên đất, máu bắn vào kẻ sống, máu đọng lại trên xác người chết, không còn phân biết được đâu là máu người Việt, đâu là máu người Hán. Đám rắn đánh hơi thấy mùi máu, vừa cảm thấy rung chấn rầm rầm xung quanh nên càng thêm kích động, chúng trườn bò loạn xạ khắp nơi, chẳng biết chúng đang muốn tìm đường lẩn trốn khỏi nơi thị phi hay là đang tìm kẻ thù để tiêu diệt, khi bất ngờ gặp người chặn đường, nó há miệng to hết cỡ khì khì chực cắn. Nhưng chỉ có Lương quân là bị rắn cắn, nghĩa quân mỗi người đều bôi bột hùng hoàng khắp chân nên đám rắn đều không dám tới gần.

Qua hơn một canh giờ, đoàn binh ong và rắn đã rút lui từ lâu, chỉ còn người hai phe Lương – Việt vẫn đánh chém ác liệt. Quân Lương đã sắp không trụ nổi, Dương Sàn vội hạ lệnh rút quân rồi thúc ngựa chạy trước. Chạy được một đoạn, ngựa của hắn đột ngột hí lên một tiếng thất thanh rồi bất ngờ tung hai vó trước khiến hắn suýt nữa thì rơi xuống. Con ngựa không chịu chạy nữa mà cứ giẫy mình loanh quanh, mặc kệ chủ nhân của nó đang cố sức ghì cương trấn an. Nó bị trúng một mũi tên vào chân trước. Chỉ trong một cái chớp mắt, một mũi tên khác chợt sượt qua ngay trước mặt hắn, hắn nhìn quanh dáo dác tìm kẻ đánh lén.

- Là kẻ nào đánh lén. Có bản lĩnh thì đường đường chính chính tới đối diện Dương gia đây. – Hắn thét lớn.

- Ta ở đây! – Một âm thanh dõng dạc vang lên.

Một bóng người ngựa từ từ hiện ra trong bóng tối đằng xa với ánh hoàng quang hút mắt trên đỉnh đầu. Hắn nhận ra giọng của kẻ địch.

- Thì ra là con rùa rụt đầu nhà ngươi. Ta tưởng người đã chết ở cái xó xỉnh nào rồi, tới bây giờ mới dám ló mặt ra. – Hắn buông giọng mỉa mai pha lẫn tức giận.

Vương thúc ngựa tiến tới trong khi hắn vẫn đang loay hoay với con ngựa không chịu nghe lời, tới khoảng cách đủ để hai người nhìn rõ thấy mặt nhau dưới ánh lửa lập lòe thì dừng lại.

- Thắng bại đã phân. Ông có muốn thương lượng một chút không? – Vương mở lời đề nghị.

- À phí! – Hắn nhổ miếng nước bọt, tiếp. – Đừng hòng giở trò quỷ. Dương gia ta là người của triều đình hưởng bổng lộc của Bệ Hạ, không bao giờ có chuyện ta sẽ thương lượng với bọn Nam Man phản loạn các ngươi. Ngươi có đáng mặt nam nhi thì chúng ta cùng quyết đấu một trận sinh tử, ta muốn xem rốt cuộc lũ Nam Man các ngươi thật có tài cán hay chỉ giỏi bày quỷ kế.

- Hừ – Vương hắt ra một tiếng như cười. – Bệ Hạ của ngươi chắc cũng đang giống ngươi bây giờ, nguy cơ tứ phía, cái chết cận kề. Ngươi thử nói xem, tính mạng bản thân gặp nguy thì còn quan tâm đến ai được chứ, hả. Cứ cho là hôm nay ngươi giết được ta, liệu Bệ Hạ của ngươi có quan tâm không? Ta chẳng qua là muốn lấy lại một khoảnh đất thuộc về tổ tiên ta mà thôi, các ngươi là ngoại bang mà dám ở đây lớn tiếng. Phản loạn đối với các ngươi đang ở Kiến Khang kia chứ không phải bọn ta. – Rồi Vương hô lớn như cho cả toàn quân và trời đất nghe thấy – ĐẤT NÀY LÀ CỦA NGƯỜI VIỆT. CÁC NGƯƠI ĐÃ NGHE RÕ CHƯA?

Nghĩa quân nghe thấy lời đó tinh thần càng lên cao, đồng loạt hò reo hưởng ứng.

- HAHAHA…! Thật buồn cười, đất Giao Châu mấy trăm năm đều thuộc về người Hán, thuộc về thiên tử phương Bắc. Đám Nam Man các ngươi lại dám ăn nói ngông cuồng. Họ Triệu kia, hôm nay ta và ngươi phải đấu một trận thật sảng khoái, ta sống ngươi chết, ta chết ngươi sống. Hãy xứng đáng là một đại trượng phu đi.

- Hảo! Nhưng ta có kiến nghị, ta thấy ngựa của ông có vẻ không thể dùng được nữa rồi, ta cũng không giỏi đánh nhau trên ngựa. Chúng ta xuống ngựa quyết đấu, có được không? – Vương từ tốn đề nghị.

Nói xong, Vương nhảy phịch xuống, treo cây nỏ vào bên yên ngựa, vỗ vỗ nhẹ vào má ngựa như vuốt ve rồi hiên ngang bước tới sẵn sàng giao chiến. Con ngựa này là của hùng trưởng Trần Đắc Vi đem tới, tuy cũng to lớn khỏe mạnh nhưng không được huấn luyện để chiến đấu. Dương Sàn thấy vậy cũng lập tức rời lưng ngựa, không nói một lời nào đã thoắt rút đao phóng thẳng tới tấn công kẻ địch.

Chương 6<< >>Chương 8
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 8: Việt Vương đấu Dương Sàn
Chương 8: Việt Vương đấu Dương Sàn

Tốc độ hắn rất nhanh, Vương nghiêng người xoay mấy vòng né xa rồi mới kịp rút đao, ném chuôi đi rồi mới lao vào hắn. Hắn thấy một đao không trúng, tiếp tục tiến tới vung một đao giống vừa nãy. Vương thấy hắn hai tay hai đao, chiêu nào chiêu nấy đều vừa là chí mạng, vừa là liều mạng nên chỉ đành chọn cách né tránh. Hắn mấy lần dùng hết sức mà không chém được, vừa tức vừa khinh:

- Ngươi có bản lĩnh thì đỡ một đao của gia gia. Chỉ biết tránh không xứng làm hảo hán.

Chủ ý của Vương là muốn thăm dò thực lực của hắn. Hơn hai năm trước, võ công của Vương vốn kém hơn nên chịu thua dưới tay hắn. Trong hai năm này, thực lực của Vương dù đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn phải thận trọng, ta mạnh lên thì địch cũng có thể mạnh lên. Qua thêm vài chiêu, Vương thấy được lực đao của hắn có mạnh hơn trước đây một chút, nhưng không đáng kể. Có thể do hắn đang trong cơn giận dữ nên đã vận hết sức bình sinh chăng?

Sức người là có hạn, trình độ võ thuật cũng vậy. Khi người ta đạt tới cảnh giới nào đó sẽ bị chững lại, tùy thuộc vào nỗ lực, tuổi tác và thiên căn của người đó. Hắn đã khoảng tứ tuần, năng lực có lẽ đã tới độ chín, tiến bộ sẽ rất chậm hoặc là không thể tiến bộ thêm nữa. Còn Vương mới chỉ ngoài hai mươi, đây là độ tuổi con người ta sung sức nhất, có ý chí và quyết tâm nhất, vì thế tiến bộ cũng sẽ rất nhanh. Vương còn nhớ, võ công của cha dù rất cao nhưng suốt gần hai chục năm không hề có tiến bộ thêm, thậm chí còn giảm sút sau ngũ tuần. Nam Đế võ công cao hơn cha một chút, nhưng sau tứ tuần thì ngài ấy gần như không có tiến bộ đáng kể.

Dương Sàn vẫn tiếp tục chủ động vụt tới, sau khi thăm dò xong Vương không tránh nữa mà vung đao lên đỡ. Một tiếng keng của kim loại va vào nhau vang lên đinh tai rồi lập tức tách ra. Hắn nhìn thoáng cây đao đang rung rung của mình, cảm thấy rõ rung chấn truyền tới lòng bàn tay rồi quay sang nhìn Vương. Vương cũng đang trừng mắt nhìn hắn. Hắn nhếch mép cười, nói:

- Hừ, sảng khoái! Thế mới xứng làm đối thủ của Dương gia ta chứ. Xem chiêu!

Vừa dứt lời hắn lại tiếp tục xuất đao, hai địch thủ lao vào quần ẩu, không hề nhân nhượng. Hắn vẫn nhất quyết chiêu nào xuất ra đều là chí mạng. Những đòn hiểm thì thường có sơ hở, biết được sơ hở rồi thì phải thật nhanh, bởi vì cao thủ luôn hiểu rõ điểm yếu của từng chiêu thức mình sử dụng.

Sở trường của hắn là dùng đao, hai tay đều rất linh hoạt, vậy nếu hắn mất vũ khí thì sao? Thân hình hắn to lớn hơn Vương, lại mặc bộ giáp sắt nặng nề, chắc chắn không thể nhanh nhẹn xoay xở bằng Vương chỉ mặc bộ giáp da. Vì hắn mặc giáp sắt bọc gần kín người nên rất khó để chém thương được hắn, có chém được thì đều là những chỗ không hiểm.

Đây rồi, Vương ra chiêu vờ như đâm vào cổ hắn, hắn chuẩn bị dơ đao gạt ra, nhưng thoắt cái Vương đã ngả người nằm trượt xuống xoay đao chém sượt qua đùi hắn. Máu hắn ứa ra.

- Tên nhãi ngươi khá lắm! – Hắn quay phắt lại như là đang hưng phấn.

Vương toan tiếp tục dùng thủ pháp cũ hòng đả thương hắn nhưng mấy lần đều thất bại. Thêm một lần nữa, vẫn là cách ấy thành công cứa thêm một vết vào chân còn lại của hắn nhưng chính Vương cũng trúng một đao sượt qua bả vai, bay mất một mảnh giáp. May mắn là Vương đã nhanh hơn hắn nửa cái chớp mắt, lại nhờ có giáp bảo vệ nên vết thương không đáng ngại.

Phùng Kim đang mải miết đánh chém ở gần đó thấy vậy lập tức chạy tới:

- Đại Vương, tôi tới giúp ngài!

- Không cần, mau tránh ra một bên! – Vương liếc mắt nhìn Phùng Kim đang chạy tới, ra lệnh.

Phùng Kim định nói thêm gì đó nhưng ngay lúc đó một kỵ binh đã phi tới, Phùng Kim nhanh chóng né được, tiện tạy chém một nhát vào chân sau con ngựa khiến nó rống lên hất kẻ trên ngựa ngã lăn xuống đất. Xem trang phục thì hẳn đó là một tì tướng của Dương Sàn, kẻ kia rất nhanh đứng dậy nhảy về phía Phùng Kim, Phùng Kim cũng sẵn sàng tiếp chiến.

Việt Vương sắc mặt cương mãnh trừng trừng đọ mắt với kẻ địch. Đao trên tay đã nhuốm thêm một ít máu, từng mảng máu loang lổ trên lưỡi đao từ từ nhỏ ngấm xuống mặt đất ẩm.

Lần này là Vương chủ động tấn công trước, vẫn là thủ pháp cũ, Vương dương đao định đâm tới cổ hắn, nhưng Vương trở đao sớm hơn những lần trước một nhịp. Theo phản xạ, hắn tưởng rằng Vương sẽ lại nhắm vào chân nên chuẩn bị đỡ ở phía dưới. Nhưng không, Vương vẫn giữ đao ở phía trên rồi chém mạnh vào bắp tay hắn, trong chớp mắt hắn đã nhận ra nhưng không kịp phản đòn nữa, hắn chỉ có thể vụng về chém rách một mảnh áo của kẻ địch. Hắn lúc này mới cảm thấy đau ở các vết thương, hắn không còn hưng phấn nữa mà hoàn toàn chỉ còn tức giận. Cả chân và tay đều bị thương, dù không khiến đao pháp của hắn kém đi đáng kể, nhưng như vậy là đủ rồi, đủ để Vương có được thêm vài phần thắng.

Mưu kế dùng được đã dùng rồi, bây giờ giữa hai người chỉ có thể dựa vào sức mạnh, sức bền và nhanh nhạy. Đánh với kẻ đang nổi điên thật không dễ dàng, hắn tấn công tới tấp như vũ bão, Vương bị trúng phải mấy đao khiến quần áo trước sau rách thêm mấy mảng. Dù vậy hắn cũng không khá hơn, hắn trúng thêm mấy đao và dần rơi vào thế hạ phong. Trong một chốc nhân lúc hắn lúng túng, Vương đạp mạnh vào cổ tay phải khiến đao hắn bay văng ra.

Chỉ còn lại một đao, sức uy hiếp của hắn yếu đi hẳn. Cổ tay phải bị đau nên chỉ dùng được đao tay trái, hắn như một con thú đang trong cơn phẫn nỗ, điên cuồng chém tới, trong chớp mắt lơi lỏng hắn đã kịp đánh bật cây đao của Vương bay ra một đoạn. Vương rất nhanh rút hai đoản đao bên hông đỡ một đường bổ xuống của hắn, đồng thời tung hai chân đạp thẳng vào bụng dưới khiến hắn loạng choạng lùi lại.

Hắn lao tới, Vương né sang bên luồn qua sau tóm lấy choàng bào hắn kéo giật lại, hắn xoay đao một vòng qua sau chém đứt choàng bào thành hai mảnh, hắn cũng vì thế mất thăng bằng chúi về phía trước mấy bước. Vương không để lỡ một tích tắc nào, từ phía sau vung mảnh vải đen trong tay chùm kín đầu hắn, nhanh chóng áp sát dùng đoản đao xẻ một đường ngược từ khuỷu tay phải lên bả vai, đá văng cây đao còn lại của hắn rồi đạp thêm mấy cước vào vết thương trên hai chân. Hắn đau quá vùng thoát ra khỏi tấm vải chùm đầu, vừa toan đưa tay rút đoản đao bên lưng nhưng trống rỗng, đao mất rồi.

- Ông tìm cái này à? – Vương dơ cây đao dài cỡ hơn một bàn tay lên, nói. – Ông thua rồi.

- Khá khen cho nhà ngươi. Hôm nay không phải người chết thì ta chết. – Hắn gằn giọng rồi rút ra hai cây đao khác từ trong giày.

Dứt lời, hắn lao tới, tốc độ chậm hơn hẳn lúc trước, cả tay và chân hắn đều bị thương nên không khó cho Vương đánh rơi vũ khí hắn lần nữa. Có được lợi thế lớn, Vương bay người tung liền mấy cước vào ngực và đầu, hắn loạng choạng rồi ngã phịch xuống ho lụ khụ.

Ngay khi Vương còn chưa kịp ra đòn cuối thì một mũi tên từ đâu bay tới, đụng phải chiếc móng rồng kêu “bing” lên một tiếng. Ngay sau đó là một mũi tên nữa vút tới cắm thẳng vào sườn trái. Vương thấy đau nhói ở bên ngực, tấm áo giáp làm bằng hai lớp da trâu dày mà tên có thể đâm sâu vào thịt thì người bắn ắt phải là một tay thiện xạ.

Ngước thấy đằng xa có toán kỵ binh đang tiến nhanh tới, vài xạ thủ đang giương cung nhưng không bắn. Có lẽ bọn chúng sợ sẽ bắn trúng chủ soái chăng? Dù thế Vương cũng không một mực giết chết hắn ngay. Cứu binh hắn tới rồi, chỉ sợ giết được hắn mà bản thân thành con nhím thì chẳng đáng.

- Đại Vương bị thương rồi, người đâu mau tới đây! – Phùng Kim hô lớn.

Rất nhanh đội nghĩa quân chạy tới, một nửa chắn trước mặt Vương, một nửa lao lên tấn công đám cứu binh của Dương Sàn. Không mất nhiều thời gian, Dương Sàn nhanh chóng được bọn thuộc hạ kịp đưa lên ngựa chạy trốn.

- Đại Vương, ngài không sao chứ? Nhỡ tên có độc… - Phùng Kim lo lắng.

- Không đáng ngại, thương ngoài da thôi. – Vương đáp rồi lấy đao chặt cụt đuôi mũi tên.

Tướng giặc chạy, tàn quân còn lại cũng tan rã theo, ai nấy đều chạy loạn tìm đường thoát thân. Còn nghĩa quân thì hồ hởi hò reo mừng chiến thắng.

Trịnh Hải ở phía xa thúc ngựa đến:

- Đại Vương, hắn chạy rồi có đuổi theo không? Người bị thương rồi!

Vương cười khẩy rồi phẩy tay với gã, ý là không có gì đáng ngại rồi quay sang nói với Phùng Kim:

- Cậu đem vài người đuổi theo đi. Bắt sống được thì tốt, không được thì giết đi, cho hắn được chết toàn thây.

Phùng Kim gật đầu rồi lập tức dẫn đoàn kỵ binh đuổi theo.

Đằng đông bắt đầu hửng, trời sắp sáng.

- Ta về thôi. – Vương nói với Trịnh Hải.

- Về? Người nói về đâu? – Trịnh Hải hỏi lại. Nơi này cách thành Long Biên gần hai trăm dặm đường, đánh nhau cả đêm quan quân đều mệt mỏi nên không thể lên đường ngay được. Còn trong đầm thì còn quay lại làm gì nữa, người và của đều đã chuyển đi hết, hơn nữa trong đó chỉ còn toàn là Lương quân, bọn chúng không chết thì cũng dở sống dở chết.

Vương chỉ tay về hướng doanh trại phía bắc:

- Đừng nói là ngươi đã đốt trụi hết rồi?

Trịnh Hải cười hì hì:

- À! Vẫn còn một nửa, thoải mái cho tất cả chúng ta.

Vương leo lên ngựa, lúc này Người mới nhận ra vết thương chỗ mũi tên quả thật không nhẹ. Đoàn quân chiến thắng dù đã thấm mệt nhưng vẫn rất hào hứng và vui mừng tiến về phía trước.

Chương 7<< >>Chương 9
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Chương 9: Bắt cóc Cảo Nương
Chương 9: Bắt cóc Cảo Nương

Tàn quân Lương còn lại canh giữ doanh trại thấy đoàn quân đi tới liền nháo nhác bỏ chạy. Cổng trại của chúng vẫn còn nguyên. Bước vào trong, một mùi cháy khét lẹt xộc thẳng vào mũi, càng vào trong mùi càng nặng, một nửa doanh trướng phía sau đều đã bị cháy hết, cơn gió nhẹ thoáng qua quét một mảng tro cuộn ào lên. Vài chỗ bị bén lửa cháy nham nhở lộ khung gỗ đen nhẻm.

Vương tất nhiên sẽ ở soái trướng – căn trướng to và đẹp nhất. Lão Dương Sàn này cũng rất biết hưởng thụ, trướng của hắn có hai gian được ngăn bởi tấm bình phong gỗ lớn. Gian ngoài vừa là thư phòng vừa là nơi tiếp khách và bàn chính sự, nhưng có vẻ giống nơi mở tiệc hơn vì vừa bước vào đã ngửi thấy phảng phất mùi rượu. Hai bên là hai dãy bàn, trên các bàn còn bày mấy đĩa hoa quả và mặt bàn hãy còn dính ướt. Phía chính diện hẳn là chỗ ngồi của Dương Sàn, trên bàn của hắn có một bình và một ly rượu, hoa quả và rượu vương vãi khắp nơi. Gian bên trong là phòng ngủ, cái giường tròn lớn giăng đầy những lụa và màn che đỏ đỏ hồng hồng, nệm bông chăn gấm, cạnh giường còn có một tấm bình phong tre trên vắt một chiếc yếm đào, trong phòng thoang thoảng mùi hương dìu dịu. Vương nhìn gian phòng đầy ái ngại, cuối cùng quyết định ra ngồi gian ngoài.

- Lão Hoàn đâu sao chưa thấy tới? – Trịnh Hải hỏi bọn thuộc hạ.

Vừa dứt lời thì có tiếng từ ngoài vọng vào:

- Tôi đây, tôi đây!

Tấm bạt cửa mở ra, một ông già chừng năm mươi tuổi, râu tóc lấm tấm sợi bạc, đeo cái thùng gỗ to tướng ngang hông líu díu, xiên vẹo chạy vào. Lão chính là Lương Hoàn, là thầy thuốc riêng của Vương và các quan.

Lương Hoàn vốn là một thầy lang có tiếng ở Chu Diên, mười năm trước vì một lần chữa trị không thành cho tiểu thiếp của Tiêu Tư – Thứ sử Giao Châu thời đó – nên bị hắn bắt giết cả nhà, lão và con trai may mắn được cha con Việt Vương cứu giúp, lão theo hầu Việt Vương từ đó. Lão không phải người gầy yếu gì nhưng cái thùng thuốc to gấp rưỡi thân mình khiến lão phải loạng khoạng, trong ấy đều là những đồ nghề mà lão cho là rất quan trọng, đấy là chưa kể mấy bao thảo dược nữa còn ở chỗ hai học trò của lão.

Tới nơi lão đứng khựng lại, cố đặt chiếc thùng xuống thật nhẹ nhưng vẫn bị kêu lên một tiếng “bụp” rõ to. Lão vừa thở phì phò, nói:

- Đại Vương, tướng quân, tôi tới rồi.

Trịnh Hải nhíu mày nhìn chằm chằm cái mặt phồng cộp bất thường của lão lang, hỏi:

- Mặt ông lại bị làm sao thế kia?

Vương đang bận cởi áo nghe thế liền ngước sang nhìn, chỉ biết lắc đầu cười cười, nghĩ chắc lão lại táy máy trò dại gì rồi.

- Ong đốt, nhưng không sao, không đau nữa. – Lão vừa nói vừa cười hè hè rồi mở thùng thuốc ra.

- Mắt ông đã lõm cả vào trong rồi, đường còn không thấy thì làm sao khám bệnh. – Rồi Trịnh Hải quay qua nói với tên thuộc hạ. – Ngươi đi mời người khác tới. – Lại quay sang nói với Lương Hoàn. – Thuốc chống ong là do ông chế ra, làm sao lại tự mình bị ong đốt cho được?

- Chả là thế này, tối qua tôi tự nhiên nghĩ ra một phương thuốc giảm đau nhanh do ong đốt, liền muốn thử ngay. Quả nhiên hiệu nghiệm, vết đốt không còn đau nữa, qua nửa ngày là tiêu sưng rồi, các cậu xem. – Nói rồi lão lấy tay xoa xoa, nắn nắn cục u trên mặt như không.

- Đến chịu ông. Ông chọn lúc nào không chọn, nghĩ ra lúc nào không nghĩ ra, lại chọn đúng ngày đúng giờ này. Ông không quan tâm tới cái mạng của ông, lẽ nào không nghĩ tới Đại Vương hay sao? – Trịnh Hải quở trách.

- Hì hì, tôi biết rồi, sẽ không có lần sau. – Giọng lão như đang cười mà khuôn mặt lão chỉ sưng trơ trơ không biểu cảm.

Vừa lúc ấy có người bước vào, giọng thánh thót:

- Nghe nói Đại Vương bị thương, để ta xem thử.

Người tới là một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, hơi gầy, gương mặt không phải tuyệt trần nhưng có nét sắc sảo, tay áo xắn lên đến gần khuỷu, bộ quần áo nâu đều dính bẩn dù chẳng biết là máu hay bùn nhưng vẫn khá tươm tất, gọn ghẽ, trông rất thuận mắt. Bà chính là Võ Thị Lan, một hùng trưởng ở mạn đông bắc. Bà là hùng trưởng đời thứ năm ở vùng quận Ninh Hải, chức hùng trưởng của gia tộc chỉ truyền cho con ruột, không phân biệt gái hay trai. Bà vừa giỏi võ nghệ vừa tinh thông y thuật, võ được truyền từ cha và y thuật học từ mẹ.

Chưa để ai kịp lên tiếng, bà nói luôn:

- Mọi người đều đang ở ngoài chữa cho thương binh, đang bận lắm. Y thuật của tôi cao hơn bọn họ. Cứ để tôi làm.

- Được, vậy làm phiền Võ hùng trưởng. – Trịnh Hải nhanh lẹ đồng ý mà chẳng thèm để ý tới ánh nhìn của Vương đang chiếu thẳng tới hắn.

- Lương tiên sinh, cảm phiền ông cho tôi mượn thùng thuốc của ông một lát. Ta sẽ không làm lộn xộn đâu. – Thị Lan nói.

Lương Hoàn vui vẻ đồng ý ngay. Bà bước tới cạnh Vương, lướt qua một lượt các chỗ có vết máu rồi dừng mắt tại mũi tên bên sườn, lấy tay rung rung mũi tên, Vương bất giác “a” nhẹ lên một tiếng.

- Tên cắm hơi sâu đấy, chạm tới xương, nhưng không phải tên độc nên không có gì đáng ngại. Các vết thương khác chỉ sước ngoài da thôi. Ngài cởi áo ra đi, ta rút tên ra cho ngài.

Vương nghe thế thì hắng giọng nói:

- Nếu chỉ là vết thương ngoài da vậy ta nhờ Trịnh Hải làm là được rồi. Cảm ơn Võ hùng trưởng…

Vương chưa kịp nói hết câu thì đã bị Thị Lan cắt lời:

- Mũi tên là nằm giữa hai cái xương sườn đó, người không biết cách rút có thể làm gãy xương. Lương tiên sinh lại không tiện làm cho lắm. Đại Vương à, tôi gần bốn mươi tuổi rồi, ngài cũng chạc tuổi con trai lớn của tôi thôi, có gì đâu mà phải ngại. Ngài muốn tự cởi hay cần bà cô tôi giúp đây.

Không còn cách nào nữa, Vương đành cởi chiếc áo lót trắng nhuốm từng mảng máu ra. Vết thương trên vai hơi toác ra, ri rỉ máu.

Thị Lan chẳng nói chẳng rằng lập tức rút phăng mũi tên ra, Vương chưa kịp chuẩn bị bất giác “a” lên một tiếng vì đau, máu từ vết thương phụt ra. Thị Lan nhanh tay lấy khăn ướt lau sạch miệng vết thương rồi đổ thuốc cầm máu lên.

- Xong rồi. Việc băng bó giao lại cho mấy người ở đây vậy. Bên ngoài còn nhiều thương binh, tôi đi giúp mọi người một tay. – Thị Lan chắp tay thi lễ định lui ra.

- Võ hùng trưởng hãy nán lại uống chén trà đã, nghỉ ngơi một lát. – Vương lên tiếng rồi vẫy tay hiệu cho người rót trà mời. Trà được lấy sẵn trong nhà bếp của quân Lương.

Thị Lan không tiện từ chối đành ngồi xuống nhận trà.

Qua một lát, các vết thương đều đã được đặp thuốc và băng bó xong, Trịnh Hải và Lương Hoàn đều lui ra ngoài, lúc này Vương mới tiếp chuyện người phụ nữ:

- Võ hùng trưởng, khi nãy nhờ người rút mũi tên cho tôi, xin kính hùng trưởng chén trà này, thay lời tạ ơn. – Vương cầm chén trà lên tỏ ý mời.

- Đại Vương, ngài cung kính như vậy tôi không nhận nổi. Chỉ là việc nên làm, không có gì đáng kể công. Ngài bôn ba bên ngoài chống giặc Lương, cứu nước cứu dân, công lao không đếm xuể. – Thị Lan cũng nâng chén trà, uống một ngụm.

- Hùng trưởng đừng nói vậy. Người đích thân tới giúp nghĩa quân chúng tôi đánh trận này, tôi cảm kích không biết để đâu cho hết, mấy ngày nữa an bài ổn thỏa tôi nhất định sẽ hậu tạ. À, vừa nãy người nói có con trai lớn bằng tuổi tôi, vậy mà tôi không hề biết, thật là vô ý quá. Chẳng hay cậu ấy có tới không?

- Cảm ơn ngài đã hỏi thăm. Chẳng giấu gì ngài, nhờ ơn trời và phước đức tổ tiên tôi có được hai con trai, lớn hăm hai, nhỏ mười lăm. Thằng lớn cơ thể từ bé không được khỏe, suốt ngày cảm vặt nên phải ở nhà luôn. Còn thằng bé, trộm vía được cái khỏe mạnh, nhưng nó còn nhỏ tôi không cho theo. May mắn hai thằng con mỗi đứa thừa kế được một nửa tôi, nên cũng không phải lo gia nghiệp bị thất truyền. – Thị Lan thành thật đáp.

- Nói như vậy thì hẳn con trai lớn kế nghề y còn con trai nhỏ kế nghiệp võ rồi. Chẳng hay hai em ấy có chí thì cứ việc nói với tôi, tôi nhất định có chỗ sắp xếp để hai em thành danh.

- Xin tạ ơn Đại Vương. Chúng tôi hãy còn cả gia tộc lớn trông cậy, không thể rời đất tổ đi đâu được. Nếu như về sau ngài có sự gì cần tới, miễn là không trái luân thường đạo lý, chúng tôi nhất định không chối từ. – Ngừng một nhịp, Thị Lan tiếp. – Ngài chắc đã mệt rồi, trên người lại mang trọng thương, tôi không làm phiền ngài nghỉ ngơi nữa, ngoài kia vẫn còn nhiều việc để tôi đi giúp mọi người một tay.

Vương đồng ý, Thị Lan đi ra vừa lúc gặp Trịnh Hải quay lại, hai người gật đầu chào nhau ở cửa rồi Trịnh Hải đi vào.

- Bẩm Đại Vương, thần đã cho người thu dọn bên ngoài và phái người báo với các cánh đông, tây, nam tới đây tập hợp. Vừa nãy, Kim cho người tới báo báo tin, Dương Sàn đã chạy về phía thành Long Biên rồi. Đại Vương, tôi muốn đi xem hắn định làm gì.

- Không vội. Hắn ta nội thương không nhẹ, trong thời gian ngắn không uy hiếp được chúng ta. Có Phùng Kim theo dõi hắn là được rồi.

- Nhưng người đừng quên bên bên cạnh hắn còn lão quân sư không đơn giản, trước kia chúng ta lao đao cũng có phần của lão ấy.

Vương trầm nghĩ một lát rồi nói:

- Được rồi, vậy anh đi đi, có tin gì thì báo ngay cho ta. Còn nữa, anh cho người truyền lệnh ta tới Trương Hát bảo hắn xuôi nam hộ tống mọi người.

Trịnh Hải gật đầu rồi lập tức lên đường.

Ngày hôm đó, nghĩa quân ở lại trại bắc của quân Lương nghỉ ngơi, chờ các cánh quân tới hội họp và dọn dẹp bãi chiến trường. Trước đấy, Trương Hát phụ trách dẫn binh đánh vào trại tây, Đinh Bính và Trương Hống cầm quân đánh trại đông. Quân cánh đông rất nhanh ngày hôm sau đã tụ họp về đủ, chỉ còn chờ đoàn người từ phía tây và nam.

Sáng sớm ngày thứ ba, giờ Mão, một nhóm năm người hớt hải phi ngựa rầm rập tới, là thuộc hạ của Trương Hát.

- Cấp báo!

- Có chuyện gì? – Trương Hống đang nắm rơm cho vào máng ngựa thấy thế liền cất tiếng.

- Tướng quân, công chúa… công chúa bị bắt cóc rồi… - Người kia gấp gáp, chẳng biết là đang mệt hay đang sợ.

- Nhà ngươi vừa nói gì? – Vương từ trong trướng bước ra, hỏi lại.

Người kia vội chạy tới quỳ trước mặt Vương, nói lại:

- Khởi bẩm Đại Vương, công chúa đêm qua bị quân Lương bắt đi rồi, Trương Tướng quân vẫn đang truy tìm suốt đêm.

Như có tia sét giáng thẳng xuống đầu rồi lan khắp tủy sống, sắc mặt Vương tối sầm lại, hai bàn tay nắm chặt:

- Đáng ghét! Mau chuẩn bị ngựa!

Vương hét lớn rồi hầm hầm quay vào trong mặc giáp, lấy đao, vừa bước ra thì Đinh Bính tới:

- Đại Vương, người đừng kích động, nóng nảy sẽ hỏng việc lớn. Cậu bình tĩnh lại trước đã.

Vương đứng lại chốc lát, hít thở vài hơi thật sâu, cơ mặt giãn ra mới hạ giọng nói:

- Anh Hống, anh chuẩn bị dẫn mấy người nữa đi cùng tôi, còn những việc ở đây giao lại cho Đại tướng quân vậy, ông dẫn quân về Long Biên trước họp với Phùng Kim và Trịnh Hải chờ tôi.

- Được, vậy cậu đi cẩn thận, nhớ đừng hành động lúc nóng giận, hấp tấp chuyện nhỏ sẽ hỏng chuyện lớn. – Đinh Bính dặn dò.

Vương chỉ gật đầu không nói rồi dẫn toán quân lên đường đi về hướng nam.

Chương 8<< >>Chương 10
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên