Em yêu quả na, loại quả hiền lành mộc mạc, trông bề ngoài có vẻ rất bình dị nhưng ngọt mát, rất ngon lành. Em lại càng yêu quả na hơn khi nhớ lại bao lần đi bên nhau, anh vui kể về quả na quê nhà anh xa ngái, về quả na con con rất hấp dẫn khi còn đang nhắm mắt ngủ trên cành. Quả na đã gắn cả một thời ấu thơ của riêng anh trong ấy. Em nhớ anh kể ngày anh còn bé, suốt ngày đi đổ dế, chọi cỏ gà, đuổi theo lũ chào mào và chim sâu trong các cành lá mãi cho đến một ngày biết rằng có trái chín trong vườn. Chả là khi những mắt na hé mở, chắc chúng mền lòng bởi nắng thu, khoan khoái cựa mình sẽ để mùi hương thoảng bay khắp chốn. Lúc ấy na còn tươi lắm, lũ ong dường như mải mê với dàn mướp nên cũng không để ý quả na đã đến thì. Nhưng chim trong vườn thì cực thính, chúng thường đến sớm nhất, tranh nhau trái na trên cành cao. Vô tình, tiếng ồn ào của chúng làm lũ trẻ - trong đó có anh - phát hiện, reo hò “Bà ơi, na đã chín rồi”.
Trong cái vườn rộng rinh của bà, anh thả sức mà nhìn vào các khóm lá. Có bao nhiêu là na chín mỗi ngày, nhưng anh bảo anh vẫn tiếc nhất những quả na tụt lõ, chín quá, tự buông rơi xuống mặt đất trong tiếng cãi vã inh ỏi của bầy chim. Những trái na nào chim đụng đến đều là những trái ngon. Phải một ngày mưa, vườn na như buồn hơn, những trái na lim dim mở mắt nhìn đất, nhìn trời, nhìn nước rơi ào ào trên tán lá. Nhưng rồi nắng hửng là chúng lại vui tươi ngay. Trong vườn na, lúc ấy, sẽ có thêm vài con sâu kèn thả mình đu trong khóm lá, bầy châu chấu kiêu hãnh ngọ ngoạy không yên còn những chú bọ ngựa con cong đuôi, đỏm dáng như cái điệu bộ của các chàng công tử ngạo ngược bất cần đời.
Anh bảo rễ của cây na không sâu, chỉ cần một cơn bão đi qua là có thể du nghiêng ngon lành cả vườn na đương mùa sai quả. Nhưng có mùa na thì mùa thu sẽ thêm nồng đượm trên đĩa quả nhịp của hải hà. Vào mùa na, đi lên Lạng Sơn, dọc theo hai bên đường sẽ thấy không ít vườn na vào vụ. Na ở Lạng Sơn vừa chịu rét giỏi, vừa ngon ngọt, vừa to tròn.
Trong mắt anh, những mùa na đều sống động, đầy ắp yêu thương như thế.
Anh biết không, ở Miền Nam quê em, người ta gọi “quả na của anh” là trái mãng cầu ta. Nếu anh về đúng mùa na, anh sẽ thấy những chiếc thuyền bồng bềnh trên kênh rạch chở theo cả mùa na đầy ăm ắp. Nhưng trong em, vẫn âm thầm gìn giữ một mùa na xứ Bắc. Ở đó, em có anh, có niềm vui tươi trẻ trong tiếng trống rộn ràng, và lời quan họ qua cầu gió bay. Ở đó, có một mùa na em bên anh thong thả vào chùa, đón trăng và ăn oản trên cái sân gạch Bát Tràng đã bóng lên bởi thời gian qua những cơn mưa…
-CF&S-
_________
Hình minh họa: Internet