Cảm nhận Nếu ngày mai không bao giờ đến - Yasushi Kitagawa

phonglan

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/5/14
Bài viết
78
Gạo
0,0
Đã bao giờ bạn hỏi chính mình “Nếu ngày mai không bao giờ đến” thì hôm nay bạn sẽ sống như thế nào? Riêng tôi luôn muốn sống như không có ngày mai, cố gắng thực hiện nhiều nhất có thể việc mình muốn làm, thích làm, nơi mình muốn đi và sẽ đến. Và nhiều khi, bạn biết đấy, cái cách sống này đã ít nhiều ảnh hưởng đến người bên cạnh - đối tác bị động mà tôi buộc phải tham gia cho việc “sống như không có ngày mai” của mình.

Qua đây, tôi muốn chia sẻ cho các bạn một cách nhìn khác khi đọc cuốn tiểu thuyết “Nếu ngày mai không bao giờ đến” của Yasushi Kitagawa. Thông điệp mà Yasushi Kitagawa muốn gửi đến chúng ta là “Bắt đầu từ ngày mai, hãy sống một cuộc đời khác so với trước đây”. Bởi vì một đời người sẽ có gì xảy ra và xảy ra lúc nào thì không ai biết trước được. Mọi người đều nghĩ ngày mai sẽ tới như một điều hiển nhiên. “Trên đời này chẳng ai có thể đảm bảo ngày mai sẽ đến” - có những người hiểu được những câu chữ này nhưng họ cũng không bao giờ nghĩ rằng có thể chính mình bỗng nhiên không có ngày mai. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng bi quan khi đọc lời giới thiệu “đầy rẫy” những biến cố như thế.

Thực ra, có thể nói tiểu thuyết này có ý nghĩa gần giống như “kim chỉ nam cuộc đời” cho những ai đang còn “xoay sở tìm hướng đi đúng cho tương lai của chính mình”, giống như nhân vật nam chính Yousuke. Chỉ có khác một điều, nam chính Yousuke may mắn vì được gặp “thần hộ mệnh”, Haruka dẫn dắt anhtừ một người không biết mình muốn gì và nên làm gì cùng với hàng đống những bất an khi đứng trước “quyết định cuộc đời” thì nay đã trở thành một họa sỹ nổi danh và một người có sức hấp dẫn. Vậy thì điều gì đã thay đổi hoàn toàn hướng đi cuộc đời của nhân vật nam chính của chúng ta. Đó chính là “khoảnh khắc gặp được một người con gái tên là Haruka mùa hè ấy, quãng đời cho đến lúc đó của tôi đã kết thúc và cuộc đời thật sự có ý nghĩa đã bắt đầu”. “Với tôi, cô ấy là Nữ thần chiến thắng đế tôi có được tất cả những thành công trong cuộc đời”. “Trong hai mươi năm, tôi đã luôn tâm niệm bảy điều mà Haraku dạy và thực hiện chúng:

1. Biết điều mình thực sự muốn

2. Biết cách biến ước mơ thành sự thật

3. Biết bản chất của thành công về tài chính

4. Trở thành người có sức hấp dẫn

5. Không biến cách thức thành mục tiêu

6. Vứt bỏ suy nghĩ “không làm được” trước khi làm

7. Trong cuộc đời nhất định không có việc gì là không làm được.

Đọc qua những dòng này, tôi chắc chắn các bạn sẽ nghĩ đây là một cuốn sách giúp bạn “phát triển bản thân”. Đúng vậy, diễn biến của câu chuyện là những cuộc gặp gỡ giữa Yousuke và Haraku, và nội dung chính của cuộc trò chuyện của họ không gì khác là những phương pháp hay cách thức để biến ước mở thành sự thật. Ngay buổi hẹn đầu tiên, Haruka đã nói nếu muốn được hẹn hò với nàng thì Yousuke phải liệt kê 60 điều mình mong muốn có được trong đời dưới tên gọi “Danh sách cuộc đời thứ 1” - Danh sách NHẬN. Sau đó, nàng cũng yêu cầu Yousuke viết tiếp Danh sách cuộc đời thứ 2 - Danh sách TRAO thì liệt kê những điều mà mình có thể làm vì người khác. Các buổi gặp gỡ tiếp theo là những chủ đề liên quan đến “Sự thật về thành công tài chính - 180 Lời cảm ơn”, “Định kiến - Biến điều không thể thành có thể”, hay làm thế nào để “biến hạn chế thành điểm quyến rũ”. Trong những mẫu chuyện của hai nhân vật chính, tôi rất thích cách lý giải của tác giả về giá trị của đồng tiền, “chúng ta dùng tiền để chi trả thay cho lời cảm ơn”. “Không phải là ta trả tiền để đạt được thứ mình mong muốn. Là ta đang gửi lại lời cảm ơn đến những người đã đóng góp công sức vào sản phẩm đó”. Đọc đến đoạn này, tôi có thể cảm nhận được những giá trị nhân văn của tác giả khi đề cập đến giá trị của đồng tiền. Điều này được thể hiện rất rõ trong văn hóa ăn uống của người Nhật. Sau khi kết thúc bữa ăn dù ở nhà hay nhà hàng, người ta thường nói “Cám ơn vì bữa ăn ngon”, để thể hiện lòng biết ơn với tất cả những ai đã cho mình bát cơm để ăn.

Haraku cũng đã “khai sáng” Yousuke, khuyến khích cậu quên đi cái tôi mặc cảm để mạnh dạn thể hiện bản thân. “Rất nhiều kẻ đã nói rằng con người không phải sinh vật hoàn hảo… Nhiều người lại đem sự so sánh với người khác ra rồi ôm trong lòng những mối muộn phiền. Đem những vết thương nội tâm đó ra để nghĩ rằng cuộc đời mình chẳng có giá trị gì”. “Nhưng mà, nếu thắp đèn khai sáng nội tại, mọi mâu thuẫn và những vết thương đã tạo nên một bản thân trong hiện tại có thể trở thành một phần cá tính mang lại sự quyến rũ chăng?” “Khỏi che giấu nó (những lỗ hổng hay vết lem bẩn) nữa, hãy quyết định sống với nó. Bởi sản phẩm đó, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của ta.” Đó là triết lý sống của papa Haruka nói riêng hay của chính tác giả, và người Nhật nói chung. Bởi vì không có ai là hoàn hảo nhưng nếu ta biết “biến hạn chế thành điểm quyến rũ”, biến cái khiếm khuyết thành cá tính riêng của nó. Chẳng phải đã có lúc bạn đã há hốc mồm khi biết rằng chiếc bát vỡ kia hoặc bình vỡ nọ lại là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới.

Tuy nhiên, nếu tác phẩm chỉ dừng lại với những bài học “dạy đời” của Haruka dành cho Yousuke như thế thì có lẽ đã không trở thành “best-seller” và được xếp hạng của “Hội nghiên cứu phổ biến việc đọc sách, book sommelier”. Điều gì khiến cho độc giả yêu thích cuốn tiểu thuyết như vậy. Phải chăng đó là một mối tình đẹp, nhẹ nhàng và sâu sắc mà Yousuke và Haruka dành cho nhau dù cả hai chưa từng thổ lộ với người kia. Haruka trong cảm nhận của Yousuke “là một cô gái rất xinh đẹp, đẹp đến lạc lõng với cái cửa hàng này”. Nàng luôn xuất hiện trong bộ cánh màu trắng, tượng trưng cho cái đẹp thuần khiết, mong manh và dễ vỡ. Có thể nói, Yousuke gặp phải tiếng sét ái tình với Haruka, yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên và suốt ngày chỉ mong ngóng được gặp nàng. Thích nàng và thích những gì thuộc về nàng, vì thế một Yousuke trước đây chưa từng đọc sách và chẳng may khi động đến truyện tranh nay lại chúi mũi vào cuốn sách mà nàng nhờ cha cậu đặt hàng. Vì tình cảm mạnh mẽ và sâu sắc dành cho Haruka mà Yousuke đã biến ước mơ không tưởng thành hiện thực là trở thành họa sỹ. Nếu không có tình cảm mãnh liệt với Haruka, có lẽ Yousuke không thấm nhuần những lời nàng nói đến vậy và cũng kiên tâm để đi đến cùng của giấc mơ “trở thành họa sỹ”. Tôi không biết có thể gọi tình cảm này là tình yêu hay không vì xuyên suốt câu chuyện, tác giả chưa hề nhắc đến một chữ “yêu” giữa Haruka và Yousuke. Có lẽ với độ tuổi ấy, cả Yousuke và Haraku chưa chin chắn để có thể gọi đó là yêu nhưng tình cảm giữa họ là một thứ gì đó rất tốt đẹp. Việc trở thành họa sỹ và người có sức hấp dẫn cũng như thành công của Yousuke của hai mươi năm sau là minh chứng cho những gì cậu đã làm vì Haruka, vì lời hứa với Haruka. Còn Haruka thì như thế nào, nàng coi Yousuke như là định mệnh của đời mình, luôn giữ bên mình chiếc hộp đựng tiền xu trẻ con mà Yousuke tặng khi còn là một cậu bé chưa biết gì. Và tôi cũng đã thấy sức sống kiên cường, mạnh mẽ của Haruka, vượt lên số phận và sống vui vẻ đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Dù có bi thương và hối tiếc, nhưng sự ra đi của Haruka là thanh thản và nhẹ nhàng vì Haruka đã hoàn thành sứ mệnh, đã giúp Yousuke định hình được giấc mơ và cách thức để biến giấc mơ thành hiện thực.

Còn bạn thì sao, nếu ngày mai không bao giờ đến liệu bạn có sống một cuộc đời khác trước đây không?
 
Bên trên