Cảm nhận Nếu như được làm lại... Điều ước để quay về quá khứ

Linhoang

Gà ngẫn
Nhóm Tác giả
Nhóm Chuyển ngữ
Tham gia
3/1/14
Bài viết
1.566
Gạo
2.508,0
Nếu như được làm lại… Giá như ai cũng có thể thực hiện được điều ước này dù chỉ một lần trong đời!

“Nếu như được làm lại” tình cờ đến với tôi trong một chiều lang thang giữa hiệu sách. Một quyển sách màu vàng cam với những nét màu pha lẫn nằm lạc lõng trong giá truyện đủ sắc màu dành cho thiếu nhi. Một bóng người quay ngược chiều gió như muốn nhìn lại quá khứ, như đang ẩn giấu trong mình muôn ngàn điều nuối tiếc. Một quyển sách của Marc Levy, nhà văn mà tôi yêu thích.

20150405_152949.jpg


“Nếu như được làm lại” (Marc Levy, Nhà xuất bản Hội nhà văn) kể về việc một nhà báo nổi tiếng của tòa soạn The New York Times, Andrew Stilman, bị ám sát. Không dấu vết thủ phạm, không nhân chứng. Điều đặc biệt duy nhất và cũng là điểm nhấn của tác phẩm là Andrew được quay ngược kim đồng hồ, quay trở lại cuộc sống hai tháng trước khi anh bị giết. Andrew có một lần để thực hiện điều ước “Nếu như được làm lại” của mình.

Tình tiết tác giả mở ra ban đầu khiến tôi tò mò. Kẻ sát nhân là ai? Ai lại có hận thù với tay nhà báo này đến vậy? Có những chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ trước khi Andrew xuất hiện trong những trang sách này?

Marc Levy đã lần lượt trả lời tất cả các câu hỏi mà tôi đã đặt ra, từ mối quan hệ tình cảm đầy phức tạp với người yêu cũ kiêm cô vợ bị chối bỏ ngay trong ngày cưới đến anh chàng đồng nghiệp nghiện ma túy luôn đố kỵ; từ ông thanh tra về hưu không quản ngại xa xôi đến thằng bạn thân sẵn sàng bỏ cả công ăn việc làm của mình để đi theo dõi kẻ tình nghi cho bạn; từ bà chủ tòa soạn báo nổi tiếng đến mối tình một đêm; từ kẻ sát nhân giấu mình trong lốt thương gia đến cô hầu bàn đã đưa Andrew đi khắp chốn. Marc Levy đã dụng công xây dựng một hệ thống chằng chịt các nhân vật phụ xoay quanh cột trụ trung tâm là Andrew Stilman khiến Andrew và cả người đọc chẳng thể nào đoán được kẻ sát nhân là ai.

Từ một nhân vật chính, Marc Levy đưa người đọc bước ra khỏi cánh cửa tòa soạn The New York Times và tiến vào thế giới các mối quan hệ tình cảm và công việc đầy phức tạp của Andrew. Thành thật mà nói, tôi không dành nhiều tình cảm cho nhân vật Andrew, nếu không muốn nói là có ác cảm với nhân vật này. Một người đàn ông từng vui sướng vô cùng khi gặp lại người yêu cũ sau hai mươi năm nhưng chỉ vài tháng sau khi cầu hôn đã lại đắm đuối vào tình yêu sét đánh với một cô gái lạ mặt ngay trong ngày chia tay đời độc thân của mình. Tôi thấy ghét người đàn ông chỉ vì năm phút ngắn ngủi gặp gỡ trong quán bar mà quên đi lời hứa chung thủy và lời thề trên tính mạng của chính mình. “Tớ nghĩ là mình vừa gặp người phụ nữ của đời mình. Tớ chưa từng có cảm giác như vậy bao giờ”. Vâng, năm phút đủ để chứng mình tình yêu mà anh giành giật lại từ tay người khác đã không còn giá trị nào nữa. Tôi thấy Andrew thật hèn khi không dám nói thẳng với Valérie trước lễ cưới. Tại sao đã giấu sự thật qua đám cưới, Andrew lại còn chân thành và tha thiết nói với người vợ vừa làm lễ trong nhà thờ với mình về thứ tình yêu sét đánh đó, để rồi Valérie phải đau khổ đến tuyệt vọng trong ngày vui đáng lẽ là tuyệt vời nhất của cuộc đời cô.

Tôi ghét một người đàn ông phản bội và hèn nhát như thế.

Có lẽ đó là lý do vì sao tôi không đọc hết “Nếu như được làm lại” của Marc Levy ngay trong một lần đọc. Sự thật là tôi đã dùng cả một năm để đọc quyển truyện này. Mỗi tháng đọc một ít, mười hai tháng tròn tôi mới kết thúc cuộc hành trình này của Andrew.

Xét về tính cách con người, tôi ghét Andrew, không phải chỉ vì thứ tình yêu sét đánh trong vòng năm phút đó giáng xuống đầu anh mà còn bởi vì Andrew đã lại phản bội vợ thêm một lần nữa. Ngay trong chuyến hành trình quay ngược thời gian, ngay trong cơ hội có thể là duy nhất của cuộc đời mình để đổi thay tất cả, Andrew lại tiếp tục đi ngược lời hứa của mình với Valérie.

Vậy nên, nếu bạn đang tưởng tượng đến một tay nhà báo điển trai, xông xáo, tài giỏi và thủy chung trong quyển sách này thì bạn sẽ thất vọng, ít ra là 50% đấy. Bạn hãy đặt hình tượng đó sang bên, một chỗ cạnh nơi bạn đang ngồi, xin hãy tin tôi, tình yêu không phải là điều nổi bật trong “Nếu như được làm lại”.

Điều duy nhất khiến tôi dõi theo cuốn truyện này là việc những phóng sự điều tra của phóng viên Andew Stilman lần lượt được hé lộ trong quá trình anh đi tìm kẻ đã giết hại mình. Đầu tiên là vụ mua bán trẻ em xuyên quốc gia với những đứa trẻ Trung Quốc bị cướp khỏi tay bố mẹ và đem bán cho những cặp vợ chồng nước ngoài. Vụ thứ hai, cũng là vụ khiến tôi phải tìm tòi thông tin trên Internet, về những sự kiện gây chấn động Argentina trong giai đoạn 1976 – 1983, dưới chế độ độc tài.

Với vụ điều tra đầu tiên, Andrew Stilman trở thành hình tượng một nhà báo đầy tâm huyết với nghề nghiệp và một con người có trách nhiệm với những mảnh đời bất hạnh. Có thể có nhiều người cảm thấy Andrew vạch trần sự thật mà không nghĩ đến nỗi đau mà những đứa trẻ và bố mẹ nuôi của chúng phải trải qua. Có thể mọi người nghĩ rằng sự thật sẽ khiến lũ trẻ tổn thương và đau đớn. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, nỗi đau của những bà mẹ bị mất con là không gì sánh được, họ đã khổ sở thế nào, đau đớn ra sao, chỉ có những ai đã trải qua mới có thể hiểu được. Sự thật vẫn luôn là sự thật, cho dù anh có mặc cho nó hàng ngàn lớp áo và giấu nó cẩn thận dưới đáy sâu của quá khứ thì một ngày nào đó, chúng vẫn sẽ vùng vẫy vươn mình đứng dậy. Sự thật không chỉ đưa tội lỗi ra ánh sáng mà còn giúp ngăn chặn tội lỗi đó tiếp tục lan rộng. Ngay đến một người bố nuôi trong vụ án này, một trong những kẻ tình nghi, cũng phải thừa nhận: “Câu chữ của anh vô cùng xót xa, anh Stilman à, khi anh miêu tả những người mẹ bị người ta lấy mất cả cuộc sống khi cướp đi sinh linh quý giá nhất trên đời, đứa con của họ.”

Vụ án thứ hai là cuộc điều tra về những kẻ độc tài đang lẩn trốn khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Marc Levy viết cuốn truyện này vào năm 2012, cũng là năm Argentina đưa ra xét xử 67 bị cáo với tội danh diệt chủng nhân loại. Dưới chế độ độc tài quân sự, 30.000 người đã mất tích, trong số 5000 người đối lập bị bắt giữ tại ESMA (Trại tập trung Trường cơ khí vũ trang), cuối cùng chỉ còn lại 100 người sống sót, những người còn lại có lẽ đều đã bị ném sống xuống dòng sông Rio de La Plata. Bạn đọc sẽ có cơ hội được thấy những trang giấy lần lượt mở ra từng mảng lịch sử tăm tối và đau thương của Argentina.

Tôi có thể thấy được nỗi đau của những người con mất cả cha lẫn mẹ như María Luz, “Phát hiện ra rằng trong hai mươi năm qua, cuộc sống của tôi chỉ là một sự dối trá vô chừng, rằng tôi hoàn toàn không hay biết gì về nguồn gốc của mình và rằng tôi đã yêu quý một ông bố vốn là người phải chịu một phần trách nhiệm về số phận của bố mẹ đẻ tôi và cũng là người chịu trách nhiệm một phần về thân phận của tôi, điều này thật quá sức tưởng tượng”.

Tôi cũng có thể thấy sự mong chờ mỏi mòn và đau khổ tuyệt vọng của những người mẹ mất con như Louisa và Hội các bà mẹ trên Quảng trường Tháng Năm. “… Khi đứa trẻ là ánh sáng của đời cậu biến mất không để lại chút dấu vết nào, khi cậu biết được rằng không bao giờ còn có thể nghe thấy giọng nói của nó nữa, cuộc sống của cậu chỉ còn là địa ngục.”

Những tình tiết trong vụ điều tra này cứ dần kéo người đọc khỏi vấn đề trọng tâm của quyến sách, từ một vụ án giết người không manh mối đến một vụ thảm sát vô nhân đạo cách đó rất nhiều năm. Người đọc sẽ dần dần quên đi mục đích ban đầu của quyển sách và sẽ đắm chìm trong những suy luận, những manh mối để tìm ra những kẻ đã mắc tội diệt chủng, và rồi đến cuối cùng, khi tấm màn bí ẩn được vén ra, khi sự thật được tiết lộ, người đọc sẽ cảm thấy ngỡ ngàng vô cùng với danh tính của kẻ đã sát hại Andrew.

Tôi đã nghi ngờ gần như tất cả những nhân vật từng xuất hiện trong truyện. Tôi nghi ngờ người thợ may bộ đồ cưới cho Andrew; nghi ngờ người đồng nghiệp - chủ nhân của những lá thư đe dọa nặc danh; nghi ngờ người mẹ nuôi trong vụ án con nuôi; nghi ngờ cô hầu bàn Marisa, người đã theo anh điều tra khắp chốn; nghi ngờ chú và dì của Marisa, bà Louisa - một thành viên trong Hội các bà mẹ trên Quảng trường Tháng Năm, ông Alberto - người đã lên kế hoạch tóm cổ tên tội phạm đang lẩn mình. Nhưng không biết tại sao ngay từ đầu quyển sách, tôi đã không nghi ngờ Valérie, ngay cả khi bạn thân nhất của Andrew và viên thanh tra về hưu đều nghi ngờ cô. Có lẽ tôi tin vào tình yêu của cô dành cho Andew, cho dù cô đã từng nói sẽ giết Andrew nếu anh phản bội mình. Vì đôi khi khi người ta đã quá tuyệt vọng và đớn đau, khi người ta đã chết tâm, người ta sẽ chẳng còn thiết làm gì nữa, kể cả trả thù.

“Nếu như được làm lại” là tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu sự chuyển mình trong phong cách của Marc Levy, từ phong cách lãng mạn thường có sang thể loại trinh thám mới mẻ. Có lẽ vì đây là lần đầu tác giả bước vào lĩnh vực này nên “Nếu như được làm lại” mang lại cho người đọc một cảm giác thiêu thiếu, chưa đủ đầy, chưa đủ thuyết phục. Hệ thống nhân vật phức tạp, phần giữa nặng nề với quá nhiều thông tin dồn dập, phần cuối lại kết thúc nhanh chóng một cách lạ kỳ. Tôi có cảm giác cái kết bị hẫng quá, câu trả lời cho câu hỏi từ đầu cuốn sách dường như chưa thỏa đáng. Vụ thảm sát năm nào bị lật lại, những kẻ sát nhân tay sai dưới chế độ độc tài bị vạch mặt nhưng chân dung kẻ đã giết hại Andrew lại chưa giải thích hết được mọi câu hỏi cho người đọc. Cuối cùng câu chuyện về Andrew Stilman đã kết thúc chưa? Việc Andrew được quay ngược thời gian để thay đổi mọi thứ là có thật hay chỉ là trong tiềm thức của anh? Bài báo công bố sự thật đã thật sự được phát hành hay chưa?

Có lẽ mỗi người đọc sẽ có một câu trả lời cho riêng mình, bạn cũng nên thử tìm đọc quyển sách này xem, để thấy có những điều thật sự đã xảy ra trong cuộc sống mà chúng ta không hề biết tới, hoặc không hề quan tâm. Nếu không đọc “Nếu như được làm lại”, tôi sẽ chẳng bao giờ tự đi tìm thông tin về một giai đoạn đen tối trong lịch sử đất nước Argentina, tôi cũng không nghĩ rằng lòng sông Rio de La Plata kia vùi sâu biết bao nhiêu thi thể của những con người chiến đấu cho đất nước này. Nếu không đọc quyển sách này, tôi cũng sẽ không tự hỏi mình: “Nếu như được làm lại, mình sẽ làm những việc gì đây?”, để rồi sau đó lại tự ước ao: “Giá như mình có cơ hội để thực hiện điều ước này!”
 
Bên trên