Đã bao giờ bạn nghĩ mình có mặt ở trên đời này, được ăn học, vui chơi, có những người bạn thật tuyệt, có một người yêu thật tốt, nhưng chúng ta được nuôi dạy không phải để sống tự do vui vẻ, mà là để huỷ hoại dần dần thể tạng rồi chết trong đau đớn khi còn rất trẻ như một điều đương nhiên không?
Những đứa trẻ được nuôi dạy trong trường Hailsham chính là một trong số đó.
Kathy, Ruth và Tommy – như bao đứa trẻ khác - đã lớn lên nơi đây bên cạnh những tiết học Nghệ thuật – Khoa học, những buổi sinh hoạt chung cũng như bao trò chơi con trẻ khác như cưỡi ngựa tưởng tượng, làm người bảo vệ vô hình cho một cô giám thị dễ chịu hay sáng tạo ra biết bao đồ chơi, tranh vẽ, tượng đất ngộ nghĩnh. Trong mắt chúng, thế giới xung quanh thật là đẹp, thật là thú vị. Chúng cũng biết yêu, biết ghét, biết suy nghĩ, và hơn tất cả, chúng có một tâm hồn giàu cảm xúc, có những khao khát cháy bỏng về tương lai.
“Chúng ta phải thật khoẻ mạnh! Chúng ta phải giữ gìn thể tạng của mình cẩn thận hơn những người khác rất nhiều”. Đó chính là một bài học quan trọng mà các Giám thị đã từ từ ám thị vào tiềm thức học sinh của mình. Đúng, điều đó là đương nhiên. Ai mà chả biết chúng mình sẽ phải làm gì trong tương lai chứ! Chúng ta có mặt ở trên đời chỉ là để trao cho những người khác một phần cơ thể của mình, cho đến khi cạn kiệt!
Chúng ta sống là để hiến tạng cho nguyên mẫu của mình khi nó đã trưởng thành và khoẻ mạnh. Một cách vô điều kiện, cho đến chết!
***
Câu chuyện mở đầu với lời kể của Kathy - một trong ba nhân vật chính của truyện. Khách quan mà nói, lời kể tự sự thường kém hấp dẫn bởi sự bó hẹp trong tầm mắt một người. Cách hành văn cũng ko có gì quá đặc biệt, thậm chí còn rất ảm đạm, mờ nhạt và vô vị đến mức độ mình đã bỏ đến gần 20 trang đầu vì không đủ hứng thú để dõi theo.
Nhưng kiên nhẫn một chút, tiếp tục đọc sâu, thì nội dung truyện bắt đầu được hé mở. Cảm xúc mỗi lúc một dâng cao. Mãnh liệt. Và cuối cùng là không thể kiểm soát nổi.
Tác giả chọn một không khí ảm đạm và cô đơn lạnh lẽo cho tác phẩm là một quyết định hết sức hợp lý, cũng như qua cách kể đầy bình thản của Kathy. Tất cả đều toát lên vẻ chấp nhận, không đau đớn, không trách móc. Chỉ âm ỉ một nỗi niềm không bao giờ tắt về một hạnh phúc mờ ảo.
Từng mảnh ghép nhỏ bé và không mấy đặc biệt, vậy mà khi hoàn thành bức ghép lớn lại có giá trị sâu sắc đến thế. Đúng như lời tóm tắt truyện, “một tiếng kêu xé lòng về tình yêu và hạnh phúc” của những “con người” mà ngay khi chưa có mặt trên đời đã được sắp xếp trước cái chết. Giống như những giọt nước mắt giấu giếm của các giám thị khi chứng kiến lũ trẻ của mình biết mơ ước, biết khát khao.
Ngỡ ngàng và chua xót!
***
Câu chuyện kể về cuộc sống từ nhỏ tới lớn của bộ ba Kathy, Ruth và Tommy. Kathy điềm tĩnh và dễ chịu. Tommy khờ khạo, dễ nổi nóng nhưng lại rất mực chân thành. Ruth bốc đồng và khao khát muốn khẳng định. Bọn họ là những người bạn thân, rồi sau này là những người tình. Tình cảm họ dành cho nhau, những suy nghĩ, những lời động viên và những hành động họ làm không hề khác biệt với những cặp đôi bình thường khác. Kết cục, Ruth đã chết sau lần hiến thứ hai với sự đau đớn về thể xác và nỗi ân hận sâu thẳm vì đã ngăn cản tình cảm giữa Tommy và Kathy.
Tommy và Kathy, theo nguyện vọng cuối cùng của Ruth, cũng đến với nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như một sự bù đắp gấp gáp cho tình yêu cả đời của họ. Họ yêu nhau, hiểu nhau và thực lòng trân trọng nhau. Nhưng để làm gì chứ, khi họ biết chắc rằng rồi mình sẽ bị chia lìa mãi mãi, không cách gì ngăn cản được. Họ đã thử “xin hoãn” lại "nhiệm vụ" của mình. Ba năm thôi. Không. Hai năm. Một năm cũng được, nhưng vô vọng. Lần hiến thứ tư đã được triệu tập. Và rồi, không thoát khỏi vòng xoáy ấy, Tommy cũng mãi mãi ra đi.
Với công việc là người chăm sóc cho bản sao hiến tạng cho đến khi cũng trở thành người hiến, Kathy đã đối mặt với cái chết của Tommy và Ruth. Cô đã biết trước rằng, với những đứa trẻ được nhân bản vô tính như mình, thì điều đó là không thể thay đổi. Chúng không có cha mẹ, không bao giờ có thể sinh con, và không bao giờ được sống đúng nghĩa như một con người. Nhưng chúng vẫn có những khát vọng về một tương lai ko - bao - giờ - tới. Vẫn có nỗi háo hức muốn tìm một nguyên mẫu mà từ đó mình được tạo ra, như những đứa trẻ bị bỏ rơi khao khát tìm được bố mẹ ruột. Chúng chấp nhận số phận của mình như một lẽ đương nhiên, vì chúng được đào tạo để không chống đối lại điều đó dù chỉ là trong tâm tưởng. Nhưng những ý nghĩ nhen nhóm về một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người yêu – dù chỉ là rất ngắn ngủi vẫn không bao giờ tắt. Một ý nguyện muốn trì hoãn số phận vẫn không bao giờ lụi.
***
Khoa học tạo ra những bản sao vô tính. Chúng là những con người, có trái tim, có khối óc, có tâm hồn, nhưng quyền sống - quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc đã bị tước đoạt một cách hiển nhiên, lạnh lùng và bình thản. Cho dù chúng hoàn toàn đầy đủ tư cách để được làm một con người thật sự, nhưng chúng đã được lập trình để không có quyền làm mẹ, được tồn tại mà thiếu đi quyền sống, và được yêu nhưng thiếu đi quyền được gắn bó cuộc đời bên nhau.
Chỉ vì chúng chỉ là bản sao – và được tạo ra một cách hết sức dễ dàng...
Kết chuyện, Kathy đứng trên một cánh đồng bao la trơ trụi khi giờ đây Hailsham đã bị giải tán. Không còn một chút dấu vết gì của ao vịt, về những phòng học thân thuộc cũng như bóng dáng các cô giám thị nữa. Chỉ còn lại cái “tuổi thơ vui vẻ và nhiều kỷ niệm như bao đứa trẻ khác” mà cô trưởng giám thị Emily đã dành cả cuộc đời để cố gắng giành giật và trao tặng như một nỗ lực duy nhất có thể làm cho các học sinh thân yêu của mình.
Rồi đây có lẽ Kathy cũng sẽ nhận được giấy triệu tập hiến lần đầu tiên. Cô và tất cả những đứa trẻ như cô không bao giờ có tương lai, còn những ước mơ thì đều bị bóp chết một cách nghiệt ngã ngay từ khi chúng chưa kịp hình thành. Nhưng tất cả những gì cô đã trải qua trong quá khứ, Hailsham, Nhà Tranh, Tommy, Ruth… đều là những ký ức mà không ai có thể đánh cắp được. Không bao giờ!
***
“Mãi đừng xa tôi” là một trong số ít tác phẩm mình cảm nhận được giá trị nhân văn một cách rõ ràng và sâu sắc. Không ồn ào, không mãnh liệt, chỉ là các mảnh ký ức rời rạc của Kathy được sắp xếp lại, nhưng thủ pháp mà Kazuo Ishiguro đã sử dụng lại là một phương pháp cô đọng hết sức hiệu quả cho tác phẩm. Gấp cuốn sách lại thì đó đã là một giọt café sánh đặc, thơm, ngon, nhiều cay đắng và không thể nào quên. Cái cảm giác nghèn nghẹn cứ mãi quẩn quanh trong lòng mình, như người ta gọi là hiệu ứng trầm cảm sau khi đọc những cuốn sách không có hậu vậy.
Khoa học phát triển. Con người ta có thể nghĩ ra trăm phương nghìn kế để lôi kéo sự sống. Nhưng có phải tàn nhẫn quá không khi họ quyết định nghịch chuyển vòng xoáy sinh tử của đời mình bằng cách chà đạp lên sự sống của người khác? Bóp nát giấc mơ của người khác. Và ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cầu xin của họ trên đường đi tới vực thẳm số phận?
Hailsham không còn. Nơi những đứa trẻ đã bằng cách này hay cách khác có một tuổi thơ đúng nghĩa và trọn vẹn cũng không còn. Mình tự hỏi, sự biến mất của Hailsham chính là sự kết thúc vĩnh viễn của thứ "phép màu" vô nhân tính đó? Hay sẽ lại có một Hailsham khác mọc lên? Và rồi vòng xoáy bất hạnh đó lại được bắt đầu?
Đó vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ...
Chỉnh sửa lần cuối: