MẮT BIẾC ƠI, ĐÃ XA RỒI CÒN ĐÂU...
Tôi thích những ngày cúp điện nhiều như thích những ngày mưa. Đó là khoảng thời gian tôi được quây quần bên người thân, hoàn toàn nghỉ ngơi, không vướng bận những chạy vạy cơm áo gạo tiền. Và nếu ở một mình, đó là lúc tôi được làm bạn với sách, hoàn toàn liền mạch, không ngắt quãng giữa những lần gập sách giở trang.
Cảm ơn Ngày xưa có một chuyện tình đến vào một ngày như thế!
o0o
Từ năm Trẻ xuất bản loạt sách khổ nhỏ, giấy màu, tôi chưa đọc tác phẩm mới nào của bác Ánh. Điều gì khiến tôi bỏ lỡ những Thương nhớ Trà Long, Bảy bước tới mùa hè, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...? Tôi không biết.
Vậy điều gì khiến tôi tái ngộ bác Ánh ở cuốn sách này?
Vì Mắt biếc.
Mua đi mày. Đọc đi mày. Ngay đi. Mắt biếc ở trong đó. Thiếu nữ năm xưa thôi thúc tôi mua khi quyển sách còn ở trạng thái Đặt trước trên Tiki rồi lôi kéo tôi đọc ngay sau khi vừa mở gói bưu phẩm.
Mới đây thôi, tôi như thoáng gặp lại Mắt biếc trong Phố vẫn gió của cô Lê Minh Hà. Dĩ nhiên là thoáng, bởi đất của Khôi và Ngân quá ít ỏi giữa muôn vàn những hoài niệm nhỏ vụn về Hà Nội thời đổi mới; bởi chỉ với tôi đó mới là mối tình, còn với tác giả, nhiều độc giả và cả chính người trong cuộc, đó có lẽ là cảm xúc không tên.
Chỉ bấy nhiêu thoáng đó thôi đã làm tôi xao xuyến rồi huống chi là với cả một Mắt-biếc-có-hậu thế này.
Tôi rung động.
Con tim tôi thổn thức khi bắt gặp hình bóng Ngạn ở Vinh. Tôi đã quên rồi dáng vẻ Ngạn trông thế nào nhưng còn nhớ lắm tình cảm tinh khôi và đong đầy của anh dành cho Hà Lan. Liệu có quá khi tôi nói bác Ánh là đang làm sống lại hình ảnh của Ngạn trong Vinh, bởi nào có gì mới ở cách xây dựng nhân vật? Thế là sau rốt, tôi cũng bình yên những nhịp đập.
*
Nếu Mắt biếc còn mãi vương vấn nơi tôi lòng ngờ vực, thậm chí hoang mang về tình cảm Hà Lan dành cho Ngạn thì Chuyện tình đã đá bay dấu chấm hỏi kèm cả dấu chấm than về tình cảm của Miền đối với Vinh. Không phải cái kết làm được điều này mà chính nhờ sự khác biệt ở ngôi kể của nhân vật.
Cùng là ngôi thứ nhất nhưng Mắt biếc bị bó hẹp trong trong góc nhìn và suy nghĩ của duy một Ngạn, còn Chuyện tình được nới rộng ra đến Miền, đến Phúc, thậm chí đến cả nhân vật nhỏ tuổi nhất - người viết lại câu chuyện này. Bên cạnh nhược điểm (tôi tạm gọi là) phóng tác Mắt biếc với một cái kết khác thì việc bác Ánh ban cho từng nhân vật quyền tự do lột tả nội tâm là ưu điểm thứ nhất của quyển sách.
Bằng cách này, bác tác giả đã cứu một Chuyện tình ngày nay không mới so với Mắt biếc, cũng đồng thời cứu một Mắt biếc năm xưa với đầy những ray rứt và bồi hồi.
Bằng cách này, bác tạo sự khác biệt giữa Mắt biếc và Chuyện tình. Trước giờ nhắc đến Mắt biết tôi đồng thời hiểu đó là câu chuyện cuộc đời Ngạn. Sau này nếu nhắc về Chuyện tình tôi sẽ không đặt Vinh, hay Miền, hay Phúc cạnh tên sách nữa vì đây là chuyện đời của hơn một người.
*
Thật thì tôi thích Mắt biếc ghê gớm nhưng đã quên hẳn tên của gã làm Hà Lan ễnh bụng. Hắn mờ nhạt và xấu xa từ đầu chí cuối. (Phải nhạo thêm rằng cách Hà Lan mê muội hắn cũng thật xứng.) Thế mà cùng với ân huệ được ban cho Miền, Phúc lại được mặc sức bày tỏ cảm xúc, hơn thế nữa, được giãi bày nào là oan trái phí hoài của cha con anh (thật thì tôi thấy chi tiết này có phần khiên cưỡng, kiểu như bác Ánh gặp khó khăn với lý do trốn chạy của ông Bảy Chước - ba Phúc), nào là khúc mắc lỗi lầm với Vinh, nào là ham muốn một gia đình trọn vẹn theo lý lẽ của riêng Phúc, dẫu biết nỗi đau ở lại dành phần ai.
Những biến cố trong cuộc đời Phúc cứ ngấp nghé giữa thiện và ác, lương tri và tội lỗi. Nhiều hơn Mắt biếc, ưu điểm thứ hai, đây là giá trị nhân văn mà Chuyện tình mang lại.
Ừ thì Vinh chính là Ngạn, không khác một tí ti gì về nhân cách lẫn tình cảm trao đi. Ừ thì Miền đã lặp lại bi kịch của Hà Lan không chệch một đường ray nào. Nhưng Phúc lại là một phiên bản khác với cái gã tôi đã quên tên. Anh là cây bút xóa chậm chạp và lắc lư sửa chữa từng chút một những sai lầm của gã kia, là nhân vật khiến Chuyện tình có được điểm khác hiếm hoi về nội dung so với Mắt biếc. Phúc tuyệt nhiên không phải là lời xin lỗi mà là món quà bác Ánh tạo ra dành tặng cho Ngạn năm xưa và Vinh ngày nay. Bởi không có anh, Miền chẳng bao giờ biết được trái tim mình hướng về đâu. Bởi không có anh, tôi chỉ là đọc lại Mắt biếc.
o0o
Đã quá nhiều tình cảm từ Mắt biếc được tôi nối tiếp sang quyển sách này. Nếu chưa từng có Mắt biếc, Chuyện tình chắc chắn hay một cách trọn vẹn từ mở đầu đến kết thúc, từ nội dung đến văn phong, từ gói gọn trong cảm xúc yêu đương đến mở rộng ra cả một giá trị nhân văn đằng sau nó.
Nhưng rồi, là tôi yêu sự không hoàn mỹ, là tôi yêu những trái tim thổn thức và bứt rứt, là dẫu cho Mắt biếc tù túng đến thế được phóng thích bởi Ngày xưa có một chuyện tình rộng rãi và thoáng đãng, thì người tôi yêu cũng chỉ có Mắt biếc mà thôi.
Xin níu kéo thêm một chút nữa, rằng nếu bác Ánh đào sâu hơn cuộc đời cậu Huân thì rất có thể Chuyện tình sẽ đánh bật được vị trí của Mắt biếc trong tôi. Tựa như khao khát được dán mắt vào những câu văn kể về Ngân và Khôi trong Phố vẫn gió, tôi cũng hồi hộp và tò mò về những cuộc tình của cậu Huân, hay đúng hơn là mong chờ cậu vẽ ra cho được hình ảnh người con gái khiến cậu tưởng như sống vất vưởng nhờ nhiều mối tình dở dang vắt vai nhưng thật ra lại luôn đằm mình trong một mối tình bất duy mỹ.
Tác phẩm: Ngày xưa có một chuyện tình
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Kích thước: 13 x 20 cm
Số trang: 334
Đơn vị xuất bản: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 09/2016
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Kích thước: 13 x 20 cm
Số trang: 334
Đơn vị xuất bản: NXB Trẻ
Năm xuất bản: 09/2016
Chỉnh sửa lần cuối: