Tại thành An Vụ có dòng sông lớn tên gọi là sông Thủy Nam, được gọi như thế bởi hướng nước sông chảy dọc theo hướng Nam, nên người ta mới đặt ra cái tên này.
Hôm này là ngày hoa sen nở trên sông, từ sáng sớm đã có nhiều người tới để thuê thuyền.
Ông chủ cho thuê thuyền họ Lý, tên là Đổng Thục. Xung quanh gần sông Thủy Nam này chỉ có duy nhất mình ông là mở quán cho người ta thuê thuyền. Bởi thế nên ai muốn trèo thuyền dạo trên sông thì đều tới chỗ của ông Lý.
Hôm nay khách tới quán đông hơn ngày thường, một mình ông tiếp chẳng xuể, nên gọi thêm đứa cháu trai ra để phụ giúp. Hai chú cháu bận rộn suốt cả một buổi sáng, tới gần trưa khách đến dần ít đi, giờ chỉ còn đôi ba người.
Nắng gắt lên cao, khách tới thuê chả còn ai. Ông chủ Lý đang tính đóng cửa quán lại thì có người đi tới.
Người kia là một người đàn ông trung niên, mặt mày hiền hậu chất phác, quần áo mặc trên người sạch sẽ gọn gàng.
Người kia lễ độ chắp tay hỏi ông Lý:
"Cho hỏi còn thuyền để thuê không?"
Ông Lý trả lời còn, nhưng ông khuyên đừng trèo thuyền vào giờ này.
"Trời đang nắng lắm, ngài trèo thuyền kẻo lại cảm nắng, hay mai rồi hãy thuê."
Người kia lắc đầu, cười nói: "Tôi trèo thuyền chẳng phải ngắm hoa sen gì, cũng không phải ngắm bình minh hay hoàng hôn, mà tôi muốn đi ngắm ánh nắng vàng đã lên cao."
Ông Lý nghe xong thì nghiền ngẫm nghĩ:
Người này nói chuyện thật văn thơ, vừa nghe đã biết là người có học vấn cao.
Ông Lý không hỏi thêm gì nữa, nói ra giá tiền khi thuê thuyền:
"Quán của tôi có ba loại thuyền cho thuê, giá tiền khi thuê cũng khác nhau. Loại thứ nhất là con thuyền nhỏ, chỉ đủ cho một người ngồi, giá là mười đồng. Loại thứ hai là thuyền có buồng trong, đủ cho ba người ngồi, giá là hai mươi đồng. Loại thứ ba là thuyền cỡ lớn, buồng trong rộng hơn nhiều, có thể cho mười mấy người ngồi, giá cả cũng đắt hơn, là một trăm đồng."
Người kia suy nghĩ một lúc rồi chọn: "Tôi thuê thuyền có mười đồng."
Ông Lý kêu cháu trai đem ra giấy trắng và bút lông cùng với hủ mực. Ông giải thích:
"Ngài ghi tên của mình vào đây, đợi khi ngài tới trả thuyền thì người làm của tôi sẽ kiểm tra lại tên của ngài để tránh nhầm lẫn với những vị khách khác."
Vị kia hóa ra tên là Bác Trịnh Lang, quê quán không phải ở thành An Vụ, mà là người của vùng Nam Sơn nhỏ.
Bữa nay đi trèo thuyền ra sông Thủy Nam là vì muốn vẽ lại cảnh tượng nắng chiếu rộ xuống mặt nước của dòng sông. Là một người yêu thích tranh thơ, ông Bác đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội lần này.
Đang ngồi trên thuyền ngắm phong cảnh, vừa uống rượu vừa ngâm thơ. Ông Bác đợi nắng gắt hơn nữa, thì sẽ vẽ tranh.
Chợt lúc này con thuyền lớn đang đi về phía này, ông Bác đứng lên nhìn kĩ, mới biết đó là thuyền của một người giàu có, vừa nhìn là biết thuyền riêng, chứ quán cho thuê thuyền đâu có tốn kém trang trí thuyền xa hoa tỉ như thế.
Có tiếng gọi từ xa, người gọi ông là một cậu trai trẻ đang đứng trên con thuyền lớn kia.
Cậu ta nói: "Ông chủ của tôi là Trần viên ngoại, vừa rồi thấy người quen là ngài đây, nên muốn mời ngài lên thuyền để uống trà trò chuyện."
Ông Bác chợt nhớ ra, Trần viên ngoại chính là người vào hai ba năm trước đã từng thuê ông đến nhà dạy cho con trai lão đây mà!
Ông phân vân: "Thế thuyền nhỏ tôi đang ngồi phải làm sao đây? Lỡ trôi đi mất sao tôi trả lại cho ông chủ thuê thuyền được?"
Cậu trai trẻ kia mỉm cười: "Ngài chớ lo, ngài cứ lên thuyền trước, còn thuyền của ngài thì tôi sẽ cột dây vào thuyền lớn, rồi ngồi canh giữ giúp ngài."
"Thế thì phiền cậu vậy."
Cậu trai trẻ kia thả ra một cái thang dài bắt ngang qua thuyền nhỏ, ông Bác cầm lấy cuộn tranh, đứng dậy đi lên con thuyền lớn.
Trên thuyền có vài người đang làm việc, ông quan sát thử. Thấy có vài cô nha hoàn mặc đồ sặc sỡ muôn màu, tóc tai cài trâm bạc vàng lấp lánh, cô nào cũng đều xinh đẹp yểu điệu.
Cô áo hồng ngồi gần lan can thuyền đang thêu thùa, có cô ngồi gần buồng thì mặc áo tím, cô ấy đan hoa đan túi, còn có cô mặc áo vàng đang ngồi trên nệm bông, đối diện có cái bàn vuông, phía trên đặt ấm trà và dĩa trái cây bị gọt phân nửa.
Cô áo hồng thấy ông Bác lên thuyền, bèn đi tới chào hỏi:
"Lâu quá không gặp thầy, dạo gần đây thầy Bác có khỏe không?"
"Cảm ơn cô đã hỏi thăm, mà không biết tên của cô là gì?"
Ông Bác ngạc nhiên, nghĩ trước đây khi còn dạy học ở nhà của Trần viên ngoại, ông có quen với cô gái này sao?
Cô áo hồng vén cọng tóc trước trán, dịu dàng nhắc nhắc lại chuyện cũ:
"Chắc thầy Bác quên tôi mất rồi, khi thầy còn dạy học cho cậu Hải, mỗi ngày có cô nha hoàn bưng trà lên, người đó chính là tôi."
"À." Ông Bác nhớ ra ngay: "Thảo nào tôi cứ thấy quen mặt, thì ra là cô Lan Hồng."
Lan Hồng che miệng tủm tỉm cười: "Tôi còn nghĩ phải nhắc nhiều lần thầy mới nhớ đến tôi, nếu thế thì tôi buồn lắm đấy."
Mấy cô nha hoàn đang đứng gần đều nghe thấy, cô nào cũng cười khúc khích.
"Cô Hồng Lan cứ đùa với tôi." Ông Bác ngượng ngập nói sang chuyện khác: "Trần viên ngoại không biết ở đâu? Tôi muốn qua chào hỏi ngài ấy."
"Lão gia đang ở trong buồng, để tôi dẫn ngài vào."
Cô Lan Hồng đặt khung thêu lên bàn, cầm khăn tay của mình lên, rồi cất giọng nói:
"Mấy cô làm việc đàng hoàng cho tôi, người nào mà lười biếng coi chừng tôi méc với bà quản gia!"
Mấy cô nha hoàn vâng dạ, nhưng không e sợ hay lo lắng, mà còn nhìn nhau cười tủm tỉm.
Buồng trong của con thuyền lớn rất rộng, lối vào che đi bằng tấm màn màu đỏ. Ông Bác đi theo cô Lan Hồng vào trong, vừa bước vào là ông ngửi thấy ngay mùi khói, nhìn lại quá ra có cô nha hoàn đang hâm nóng rượu, ông lại nhìn Trần viên ngoại đang ngồi ngấm rượu, mắt lão ấy say sưa nhìn qua cửa sổ, không biết đang ngắm gì ngoài kia mà trông có vẻ thất thần quá.
Cô Lan Hồng lên tiếng: “Em dẫn thầy Bác tới rồi, lão gia sao còn ngẩn ngơ ở đó? Kẻo khách lại đi mất bây giờ.”
Trần viên ngoại ngoái đầu lại nhìn, thấy thầy Bác tới thì vui vẻ nở nụ cười nhiệt tình:
“Tôi già rồi chẳng còn minh mẫn như xưa, có người đi vào mà chẳng hay biết, đã để thầy chê cười rồi.”
Nói rồi lão khiển trách cô nha hoàn đang hâm nóng rượu:
“Thấy khách tới sao không báo với ta? Thường ngày Lan Hồng chiều cô quá rồi nên cô sinh hư phải không?”
Cô nhà hoàn kia giật mình, rồi cười lấy lòng:
“Con đâu dám, tại con thấy lão gia đang ngắm cảnh sông bên ngoài, đâu có dám làm phiền, sợ lão gia tức giận mắng con thì con khổ rồi. Huống hồ con nhìn thấy chị Lan Hồng cũng bước vào, thì đã biết đâu tới phiên con lên tiếng.”
Trần viên ngoại không giận nữa, mắng vài câu cho vui:
“Cái miệng thật khéo, càng ngày càng giống với cô Lan Hồng rồi. Bản lĩnh làm việc chẳng khá nổi, vậy mà miệng lưỡi trơn chu lại học được bảy tám phần.”
Cô Lan Hồng bước tới, hờn giận nói:
“Em nghe thấy hết rồi nhé! Thì ra lão gia cứ thích nói xấu em, uổng công em còn vì lão gia nấu một nồi cháo tổ yến, thật là uổng phí tấm lòng này của em.”
Trần viên ngoại hài lòng vuốt chòm râu đen của lão, rồi lão nói:
“Thôi, hai cô cho tôi cùng với khách nói chuyện một lát, chuyện nồi cháo thì nói sau.”
Lan Hồng yểu điệu đi tới kéo cô nha hoàn đứng dậy, trêu chọc nhéo má của cô nha hoàn:
”Chúng ta mau đi thôi, để lão gia trò chuyện với khách, đừng có ở đây mà cản trở người ta, kẻo lại bị mắng mỏ đó.”
Ông Bác thấy hai cô kia đi rồi, lúc này mới ngồi xuống dối diện với Trần viên ngoại:
“Ngài có khỏe hay không?”
“Thầy cũng nhìn thấy rồi đấy, sức khỏe của tôi rất tốt, dạo gần đây còn đang tính đi du ngoạn ở nơi xa đây, có điều là vẫn chưa có thời gian rãnh rỗi.”
Hai người đã lâu không gặp, nên khi gặp lại nhau có nhiều chuyện nói hoài không hết. Rượu trong ly đã nguội, đá ướp lạnh cũng bị tan thành nước trong dĩa, cơm canh nguội ngắt chẳng còn mùi thơm, thế mà cả hai đều không để ý đến, cứ bàn luận đủ thứ chuyện.
“À mà cậu Hải thi cử ra sao rồi?” Ông Bác nhớ đến học trò cũ của mình bèn hỏi thăm.
“Không tệ, tháng trước mới đậu chức cử nhân, đợi thêm hai năm nửa thì mới đi thi đậu tú tài. Mà cũng nhờ có thầy dạy nên nó mới có thành tựu như hiện tại, cả nhà tôi biết ơn thầy nhiều lắm.”
“Ngài đừng có khách sáo, đây là công việc của tôi mà, làm thầy thì phải có trách nhiệm truyền lại kiến thức mình biết cho học trò, nếu trò nên người thì mình cũng được nở mày nở mặt. Giờ đi ra ngoài khoe rằng tôi có người học trò đậu làm cử nhân, nói ra cũng thật mát dạ mát lòng.”
"Thằng con này của tôi còn non nớt lắm, chưa trưởng thành hoàn toàn. Tôi còn đang lo sợ nó học hư thói xấu của mấy thằng công tử bột chỉ biết ăn chơi bên ngoài, nên canh giữ nó nghiêm lắm, đi đâu là phải có người canh chừng bên cạnh nó thì tôi mới yên tâm."
Ông Bác gật đầu. Trần viên ngoại quản con tuy hơi hà khắc, nhưng làm cha làm mẹ có ai mà không nghiêm khắc với con cái?
"Hồi mùng tám tháng bảy tôi có sai người đến nhà thầy để biếu tặng ít quà, nhưng mấy tên nô tài nói thầy đi vắng nhà, hỏi thăm hàng xóm bên cạnh nhà thầy thì họ nói thầy đã đi vắng từ sớm. Lúc đó nhà tôi đang tổ chức tiệc, tính rũ thầy qua nhà chơi mà thầy lại đi mất rồi."
Ông Bác thở dài một hơi:
"Tôi chẳng giấu gì ngài, ngày đó là đám giỗ của người cha đã mất của tôi."
Trần viên ngoại giật mình, vội nói: "Thế mà thầy lại không nói ra, nếu tôi biết thì đã kêu thằng Hải về quê cùng với thầy rồi."
Ông Bác sửng sốt, ông lắc đầu ngay:
"Sao tôi dám làm phiền cậu Hải."
"Gì mà cậu Hà cậu Hải gì ở đây. Nó là học trò của thầy, đám giỗ của cha thầy nó tất nhiên phải đi cùng để đốt nhang cúng bái, như thế mới gọi là đạo làm trò hiếu. Năm sau đến ngày giỗ của cha thầy, tôi sẽ kêu thằng Hải đi với thầy, đến lúc đó thầy đừng có mà nói mấy câu khách sáo kiểu như vừa rồi nữa."
Trần viên ngoại hỏi chuyện khác:
"Mà công việc dạy học của thầy thế nào rồi?"
"Từ sau khi dạy học xong cho cậu Hải thì tôi vẫn chưa tìm được nhà nào cần tuyển thầy đến dạy."
Trần viên ngoại thấy mặt mày ông Bác trông có vẻ phiền muộn, nghĩ làm cái nghề thầy dạy học này thì được nhiều người tôn trọng, nhưng mà công việc chẳng phải dễ kiếm.
"Tiếc rằng tôi chỉ có một thằng con trai, nếu tôi có thêm mấy thằng con trai nữa thì nhất định sẽ thuê thầy tới để dạy học."
Trần viên ngoại nghĩ một lúc liền thử hỏi ông Bác:
"Tôi có một cô em họ hàng bên nhà mẹ, cô em họ này của tôi có đứa con trai út đã mười tuổi, đang tính kiếm thầy tới nhà để dạy học. Không biết thầy thấy thế nào? Nếu thầy đồng ý thì tôi sẽ nói lại với vợ chồng em họ của tôi."
Ông Bác vui quá đỗi, cảm kích nói cảm ơn liên tiếp:
"Tôi cầu mà chẳng được, đâu dám có ý kiến gì, mọi chuyện nhờ ngài hết vậy."