“Nồng nàn lên với
Cốc rượu trên tay
Xanh xanh lên với
Trời cao ngàn ngày
Dài nhanh lên với
Tóc xõa ngang mày
Lớn nhanh lên với
Bé bỏng chiều nay”
Tôi có một anh bạn, mỗi lần đọc “Ngồi khóc trên cây” đều nhắn tin bảo nhớ tôi, hỏi ra mới biết, anh nhìn thấy tôi trong câu chuyện ấy, trong hình ảnh cô bé Rùa tóc ngắn, cao gầy và còn nhỏ bé. Những lúc ấy, tôi chỉ cười, bởi tôi lớn rồi, không còn là cô bé mười bốn tuổi hồn nhiên nói với chàng trai mình thương một lời hứa hẹn xót lòng.
“Anh đừng buồn nhé! Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!”
Mà cũng phải, hồi tôi mười bốn tuổi, làm gì có ai thương tôi như chàng trai trong truyện, tôi cũng chẳng thương ai, mà dẫu có, tôi cũng chẳng dám hứa hẹn chân thành như Rùa.
Rùa mười bốn tuổi. Rùa mồ côi cha mẹ. Rùa học lớp năm vì phải nghỉ học vài năm vì cơn bạo bệnh. Rùa không biết đi xe đạp. Rùa tốt bụng và yêu thương động vật đến vô cùng.
Đừng nói đến chàng trai trong truyện, tôi cũng phải lòng Rùa ngay tức khắc. Tôi thương Rùa, thương khi em bị vài ông thợ săn trong làng bắt chẹt vì hay phá bẫy săn thú của họ. Thương khi em hồn nhiên nhắc về cơn bệnh suýt chết và lí do mình phải ngồi học chung với một “đám nhóc” nhỏ tuổi hơn mình. Thương khi em thẫn thờ hỏi “tôi”: “Bao giờ anh về lại?... Anh nhớ về sớm nhé. Không có anh em chẳng biết chơi với ai.” Và thương nhất là khi em bàng hoàng đứng giữa những người thợ săn nghe họ nhắc về cái chết của ba mình. Tình thương cứ lớn dần theo từng trang truyện, lớn dần theo những suy nghĩ của nhân vật “tôi”. Rồi kì lạ thay, tôi cũng hồi hộp chờ Rùa lớn.
“Ở trong xa cách
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây
Ở trong mờ tối
Em ơi sáng đầy”
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây
Ở trong mờ tối
Em ơi sáng đầy”
Trong khi tôi hồi hộp chờ Rùa lớn, sẵn tiện vui mừng cho nhân vật “tôi” vì nhận được lời hứa hẹn của em thì bất ngờ tác giả lại quăng tôi xuống vực, cái hồi hộp đang nhảy nhót trong lồng ngực bỗng chốc bị ai chặt mất đôi chân, nó nằm bẹp xuống, trốn trong một góc tối để gặm nhấm những nỗi buồn.
Rùa là em họ của “tôi”. Và “tôi” sau nhiều ngày “tương tư” trở nên gầy yếu bỗng phát hiện mình bị ung thư máu. Cả hai chuyện bỗng dồn lại một cục, quyện chặt vào nhau tạo thành một nút thắt, nút thắt của bi kịch.
“Tôi” quyết định trở về làng sau ba năm kể từ lần trước trở về thăm. “Tôi” muốn gặp lại những người thân thương, gặp lại Rùa lần cuối trước khi rời xa mãi mãi. Ba năm, nói ngắn lại không hề ngắn, nói dài lại chẳng phải dài, ba năm, đủ để cô bé Rùa tóc ngắn, da ngăm năm xưa trở thành thiếu nữ tóc dài, cười duyên. Em mặc áo dài, em đi xe đạp và vì thế mà người em thương không nhận ra em. Rùa lớn rồi. Rùa vẫn hồn nhiên và chân thật như những ngày xưa.
“Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em. – Em nhớ anh lắm đó.”
Và sự hồn nhiên của em khiến lòng “tôi” thắt lại.
“Tôi” quyết định né tránh Rùa, ít gặp em vì sợ những nhớ thương và đau khổ sẽ khiến tôi không kiềm được lòng mà yêu thương em hơn nữa, rồi sẽ khiến cả em và “tôi” đều đau khổ.
“Đáng lẽ tôi phải tìm cách quên đi những kỷ niệm nhưng nỗi nhớ tràn về khiến tôi không cưỡng được ước muốn ngẩng đầu lên khỏi trang sách nhìn ra sân, cố hình dung gương mặt con Rùa trong bóng tối và khổ sở nhận ra tôi vẫn còn yêu thương nó xiết bao.”
“Tôi” cũng quyết định sẽ không nói thật với Rùa về thân phận của cô bé, để em không phải đã buồn càng thêm buồn. Thế nhưng, chính những quyết định này của “tôi” lại khiến Rùa buồn, nỗi buồn của cô bé lại dằn vặt “tôi”, khiến tôi xót lòng khi trông thấy Rùa ngồi trên “vắt vẻo trên cành me” “mặt nhòe nước mắt” và hỏi một câu đau lòng cả tôi lẫn người đọc: “Tại sao anh không chơi với em nữa?”
Vậy mà, bi kịch của hai nhân vật chính trong truyện chưa hề kết thúc, “tôi” đến nhà Rùa, được chính miệng bà nội của Rùa khẳng định cô bé không phải em họ tôi, họ không hề có chút máu mủ. Còn gì buồn hơn khi biết rằng cô gái mình thương không phải ruột thịt thì cũng là lúc bản thân phải đối mặt với sinh tử.
“Tôi” lại ra đi, lần đi đầy hoài niệm.
Tác giả lại quăng “tôi” đến một nơi khác, cứ như con sóng dập dìu lúc cao lúc thấp, để trái tim lúc run lên sợ hãi, lúc hồi hộp đợi chờ, lúc mừng rỡ vô cùng, lúc lại tuyệt vọng đến đau thương.
“Tôi” không có bệnh. “Tôi” trở về làng mang theo quyết tâm.
“Tôi dặn lòng lần này về tôi sẽ bù đắp cho con Rùa. Tôi tặng sách cho nó đọc, lên xóm trên chơi với nó mỗi ngày và khi nào không có ai tôi sẽ cầm tay nó mà không đợi nó phải nhắc.
…
Rồi tôi nói với nó tôi sẽ không bao giờ xa nó lâu như lần trước. Ờ, không bao giờ có chuyện như thế nữa…”
Vậy mà có kịp đâu, Rùa mất rồi, mất khi băng sông cứu những đứa trẻ lúc cây cầu bắt ngang sông bị lũ đánh sập…
Tâm trạng của “tôi” rơi đến tận cùng của nỗi buồn.
Lòng tôi cũng co thắt, cứ chập chờn lên xuống, thế nhưng lúc tôi nghĩ bi kịch đã đến tận cùng, truyện sẽ lại kết thúc theo một nỗi buồn cứ gieo rắc khắp nơi thì bất ngờ lại xảy ra. Bất ngờ ấy, hãy để mỗi người một cảm nhận khác nhau mà tìm hiểu. Cứ biết rằng, nhân vật nữ “ngồi khóc trên cây” thì nhân vật nam cũng phải một lần như thế. Chỉ là, giọt nước mắt của họ mang theo hai cảm xúc đối lập nhau.
Chỉnh sửa lần cuối: