Nhân gian kỳ ảo - Cập nhật - Tiên Anh Đào

TienAnhDao

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
9/5/16
Bài viết
26
Gạo
600,0
Nhân gian kỳ ảo
Tác giả: Tiên Anh Đào
Tình trạng sáng tác: đang sáng tác
Tình trạng đăng: 1 chương/tuần
Lịch đăng: cuối tuần
Thể loại: Huyền huyễn
Giới hạn độ tuổi đọc: 12+
Cảnh báo về nội dung: có miêu tả nhẹ nhàng cảnh ân ái nam nữ

Giới thiệu:
Ghi chép những câu chuyện kỳ lạ trong nhân gian.

Mục lục:
Truyện 1 --- Nàng Hỏa Quân
Truyện 2 --- Tiểu Thủy ngư
Truyện 3 --- Quỷ gầy
Truyện 4 --- Đài Khiếu Hiêu
Truyện 5 --- ...​
 
Chỉnh sửa lần cuối:

TienAnhDao

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
9/5/16
Bài viết
26
Gạo
600,0
NÀNG HỎA QUÂN
Làng Sen có cậu học trò tên Mỹ, sống với người cha già, nhà cửa khá giả, hay cưỡi xe bò đi học. Lại là người biết giữ lễ, nữ lưu trong làng tranh nhau ra mắt mà Mỹ vẫn chưa ưng ai. Cha già chê là người kiêu ngạo, Mỹ cười nói: “Vợ chồng là duyên số, cần gì phải vội cho mệt?”. Cha già nói: “Không tự đi mà chọn, trông chờ vào duyên số thì biết đến bao giờ?”. Mỹ nói: “Vô duyên dẫu có ngay gần mà như xa vạn dặm, hữu duyên thì có xa vạn dặm cũng tự đến được với nhau”. Cha già biết không khuyên được bèn thôi.

Một hôm Mỹ học xong, cưỡi xe bò về nhà, bên lề đường có cô gái mặc áo đỏ đứng cạnh bãi cỏ lau vẫy gọi xin đi nhờ. Mỹ lại gần xem thì là một cô nương đẹp như tiên nữ, dáng vẻ thùy mị, Mỹ bèn xuống đi bộ dắt bò mời cô gái ngồi lên xe. Đi được một lúc, cô gái thấy Mỹ có dáng nhọc mệt bèn nói:

- Xin công tử lên đây ngồi cùng đi, nếu đi nhờ làm phiền công tử đến vậy thì tiểu nữ xin xuống đi bộ, không dám nhờ xe công tử nữa.

Mỹ không biết làm thế nào đành lên xe ngồi cùng cô gái, trong lúc ngồi cạnh chỉ mải mê rong bò, mắt không nhìn ngang liếc dọc. Cô gái thở dài nói:

- Thiếp tên là Hỏa Quân, vốn là người hầu của Diệm đế, cha chàng thời còn trẻ có nhạo báng quỷ thần, Diệm đế sai thiếp tối nay đến đốt nhà chàng, nhưng thấy chàng hành xử rất có lễ nên không nỡ hại đến chàng, nhà có của quý gì thì nên tẩu tán cho mau. Từ nay về sau cố sống tạo phúc thì mới được hưởng lâu dài.

Nói xong thì biến mất, Mỹ cả sợ, về nhà đem hết đồ đạc gửi sang nhà khác, quả nhiên đêm ấy nhà Mỹ cháy sáng rực cả một góc trời, hơn hai canh giờ mới hết. Mỹ không buồn cũng chẳng phiền, lại thầm cảm ơn nàng Hỏa Quân đã cảnh báo trước. Nhớ đến lời nàng dặn, Mỹ đem gia tài ra chia hết cho người nghèo, chỉ giữ lại cái xe bò đi học với chút tiền cất tạm căn nhà để ở. Người làng thấy Mỹ mất hết tài sản đâm ra khinh rẻ, đám mai mối khi trước bu như ruồi nay cũng không thấy đến nữa. Mỹ không lấy làm buồn bực, vẫn cưỡi xe bò đến trường buổi sáng, chiều làm ruộng phụ cha già.

Lại đến một lần Mỹ đi trên đường chợt thấy có cô gái áo xanh vẫy xe. Mỹ chưa kịp hỏi gì thì cô gái đã nhảy lên ngồi tót ngay bên cạnh, nói là xin được nhờ một đoạn, Mỹ cho rằng từ chối không tiện bèn đánh xe đi tiếp, cô gái trong lúc đi đường thì thái độ lả lơi, mấy lần đưa tay sờ vào người Mỹ. Mỹ nổi giận đuổi cô gái xuống xe nói:

- Nam nữ thụ thụ bất thân, ta không phải phường vô lễ để cô nương muốn làm gì thì làm. Xe ta không đủ để chở cô nương, mời cô nương tìm xe khác.

Rồi giục bò đi mau, cô gái tức giận lấy tay chỉ thẳng vào Mỹ mà nói:

- Tên tiểu tử dám khinh bỉ ta. Thù này ta quyết báo cho nhà ngươi sống cũng không nổi mà chết cũng chẳng xong.

Cô gái nói rồi lẩn vào trong đám bụi rậm. Đến tối hôm ấy, Mỹ đang ngủ thì mơ thấy Hỏa Quân hiện ra báo mộng: “Chàng hôm nay sỉ nhục con yêu nữ, nó tức giận quyết giết chàng bằng được, cách về phía đông ba trăm dặm có ngọn núi Kiết Bàn là nơi tiên từng ở, thiếp đã giăng một lớp kết giới, chàng đến đó lánh nạn may ra mới cứu được số mệnh chàng”.

Mỹ giật mình tỉnh dậy, nửa tin nửa ngờ, cuối cùng vẫn ở lại, không chịu đi. Cách vài hôm bỗng thấy người choáng váng, lăn ra ốm mà không thuốc nào chữa khỏi được. Người cha già phiền não đi hỏi khắp nơi người chữa bệnh cho Mỹ. Đến một buổi sáng có thiếu nữ mặc áo đỏ xin vào, nói là có cách. Cha già dẫn vào tận buồng nằm, Mỹ nhận ra ngay là Hỏa Quân, nàng thấy Mỹ nằm trên giường tiều tụy hốc hác, cười nói:

- Sao lần đầu thì tin lời thiếp mà lần sau thì không?

Mỹ cũng cười đáp lại:

- Lần đầu nghe lời từ chính miệng cô nương, lần sau gặp trong mộng, còn bây giờ thì tin lắm rồi.

Hỏa Quân xem qua tình trạng rồi nói:

- Bệnh này là do yêu nữ trù ếm, nay đến núi Kiết Bàn để ngăn cái sự trù ấy thì mới thuốc thang khỏi được.

Mỹ bèn gọi cha già vực lên cái xe bò, Hỏa Quân đánh xe đi thẳng về phía đông. Quá ba ngày đã đến chân núi, càng vào sâu bên trong Mỹ càng thấy dễ chịu, cảnh vật tươi đẹp, đúng là nơi tiên từng trú ngụ. Trên núi có một ngôi nhà, thành tre cột lá, trông rất tao nhã. Hỏa Quân đưa Mỹ vào đấy, ngày đêm tận tình chăm sóc, chẳng mấy chốc mà bệnh tình đã đỡ đi nhiều. Mỹ ở với Hỏa Quân lâu ngày nên nảy sinh tình cảm, thấy người khỏe dần thì đâm ra lo sợ, không biết lành bệnh rồi còn được gặp Hỏa Quân nữa không. Lần chần kéo dài thêm thời gian, cứ nói trong người còn mệt không đi lại được để Hỏa Quân ở lại. Hỏa Quân biết ý, nhân đêm trăng thanh vào nói với Mỹ:

- Bệnh tình công tử còn lâu ngày mà thiếp có việc phải làm, không thể tiếp tục hầu hạ, thiếp đã nhờ người bạn đến chăm sóc công tử thay thiếp. Công tử ráng tu dưỡng cho lành bệnh.

Mỹ hoảng sợ, quên luôn trò giả bệnh liền đứng lên nắm lấy vạt áo Hỏa Quân mà nói:

- Đã quen với việc nàng ở bên cạnh, không muốn đổi ai khác nữa.

Hỏa Quân đưa tay che miệng cười nói:

- Sao chàng bảo vẫn còn bệnh trong người không đứng lên được?

Mỹ ngớ mặt ra hồi lâu mới nói:

- Trong lòng ngưỡng mộ nên mới mặt dày, tìm đường dối trá để được dây dưa tháng ngày.

Hỏa Quân nghe Mỹ thổ lộ bỗng thấy xấu hổ đi ra ngoài vườn hoa, Mỹ đi theo kéo tay lại nói:

- Ta liều mình vô lễ lần này để nàng biết tâm ý của ta, từ lúc gặp nhau bên đường vẫn thương nhớ khôn nguôi. Dù nàng có là tiên trên trời hay quỷ dưới đất thì ta vẫn kiên định, muốn cùng nàng nên duyên.

Hỏa Quân xúc động, dựa ép vào người Mỹ nói:

- Thiếp đã từng thề không bao giờ nảy sinh tình cảm với người trần thế mà nay trời lại xui khiến gặp chàng. Giờ đã thất lễ với nhau thì chúng ta cứ thử xem sao.

Mỹ mừng ôm lấy Hỏa Quân vào lòng, tấm thân mảnh mai mềm mại khiến lòng Mỹ xao xuyến nhưng lại nghĩ đến việc phải về xin cha già mang lễ sang rước mới phải đạo nên không dám làm quá, chỉ dám ôm ấp thỏ thẻ lời hẹn thề.

Từ đó Hỏa Quân cùng Mỹ sống rất vui vẻ, tuy chưa động phòng mà đã như đôi vợ chồng son. Buổi sáng cùng nhau ngao du ngắm sơn thủy, buổi chiều đánh cờ vẽ tranh, tối đến uống rượu bình thơ, cứ thế ngày qua ngày.

Đến một hôm cả hai đang ngồi uống rượu thì Mỹ nhỏ nước mắt khóc. Hỏa Quân hờn dỗi nói:

- Thiếp ngày đêm hầu hạ chàng, nay cớ sao lại phiền não rơi lệ? Phải chăng đã chơi đùa chán chê muốn tìm hoa khác?

Mỹ vội nói:

- Không phải thế! Chỉ là lâu ngày chưa gặp cha già, không biết tình trạng giờ thế nào, bất chợt nhớ đến nên sầu muộn.

Hỏa Quân cũng động lòng nói:

- Không phải thiếp không muốn cho chàng về thăm cha nhưng ngoài kia con quái vẫn còn, nó thấy chàng tất sẽ hại chàng, lúc đó không cách nào cứu được.

Mỹ sợ nói:

- Vậy thì biết làm thế nào? Cha đã già mà sớm tối không có người chăm sóc chẳng hóa ra ta là người bất hiếu sao?

Hỏa Quân thở dài, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Nay thiếp mở kết giới, cho con yêu nữ nó tìm được tất nó đến, thiếp sẽ đánh nhau với nó, nhận của nó một cắn. Chàng nhân lúc đó dùng kiếm chém đứt đầu nó.

Mỹ vội nói:

- Nó cắn trúng tất nàng bị thương, kế này không tốt nên nghĩ cách khác.

Hỏa Quân cười nói:

- Vết cắn của loài yêu không làm hại được thiếp, xin chàng đừng lo.

Mỹ nghe thế yên tâm theo lời, đêm hôm ấy Hỏa Quân mở kết giới, quả nhiên lát sau thấy có con chồn lông xanh to như tòa nhà bay đến, gặp Hỏa Quân liền nói:

- Ngươi giấu tên tiểu tử đó ở đâu?

Hỏa Quân nói:

- Muốn giết được chàng thì phải bước qua xác của ta.

Con chồn xông vào đánh nhau với Hỏa Quân. Hai bên thi triển phép thuật đến hơn canh giờ, Hỏa Quân lúc bấy giờ mỏi mệt mới bay đến chỗ Mỹ núp, cố ý để sơ hở cho chồn cắn một phát vào vai. Chỗ bị cắn hiện ra mấy cái rễ giữ chặt răng chồn lại, Mỹ cầm kiếm xông ra, chồn bị kẹt răng, không chạy được liền bị chém một nhát bay đầu.

Mỹ vội đỡ Hỏa Quân dậy thấy người nàng xám ngoét, chỗ bị cắn máu ứa ra liên tục. Mỹ hoảng sợ ôm lấy nàng khóc, Hỏa Quân vuốt lên đầu Mỹ cười nói:

- Thiếp vốn là tiên, chàng là người phàm không thể kết duyên với nhau. Nhân cơ hội này nên nói dối để chàng dứt tình. Từ giờ xin cùng chàng ly biệt, thiếp ở dưới suối vàng sẽ phù hộ cho chàng.

Nói xong thì nhắm mắt chết. Mỹ đau khổ vô cùng, để xác nàng lên cái xe bò. Đánh xe đưa đến miếu Diệm đế cầu khấn:

- Kẻ học trò tên Mỹ quỳ lạy đức đại đế, lỡ phạm tội vô lễ làm chết mất người của ngài. Mong ngài có thiêng xin cứu lấy nàng, tiện dân nguyện lấy cái chết để đền tội.

Mỹ sụp lạy ba lạy, bức tượng Diệm đế phát sáng lên rồi cử động được, nhìn xuống nói:

- Con tiện tì to gan dám trốn đi dan díu với tên người phàm, đáng lẽ ta để cho chết nhưng xét thấy vẫn chưa làm gì quá đáng hại đến lễ nghĩa. Ta làm ơn cho nhà ngươi cứu nó sống lại nhưng từ nay về sau ngươi không được gặp lại nó nữa.

Mỹ quỳ tâu xin vâng, bức tượng giơ tay phát ra một đạo lục quang chiếu vào Hỏa Quân. Mỹ ngồi bên cạnh cũng được chiếu vào một ít, một lát sau vết thương trên vai lành miệng, Hỏa Quân từ từ mở mắt tỉnh lại thấy Mỹ liền nói:

- Sao chàng lại ở đây? Thiếp đang tỉnh hay đang mơ?

Diệm đế nghe thấy thế mắng:

- Con nô tì chết tiệt lần trước đã làm lộ thiên cơ của ta, giờ còn bỏ đi theo tên tiểu tử này. Tội không thể tha, ta phạt ngươi ba mươi ngày giam trong lò bát quái.

Mỹ hoảng hốt nói:

- Hai tội của nàng đều là lỗi của học trò, xin đại đế trừng phạt học trò đừng liên lụy đến nàng.

Diêm đế mắng:

- Ngươi vẫn còn dám ở lại? Không cút mau ta sẽ đánh chết nhà ngươi.

Hỏa Quân túm lấy tay Mỹ mà nói:

- Xin chàng hãy đi đi, chàng làm cho thiếp thế là đủ rồi. Xin đừng phí mạng sống đáng quý của mình.

Mỹ khóc nói:

- Tấm thân thừa này năm lần bảy lượt đều do nàng cứu. Từ giờ không được gặp mặt nhau nữa thì còn sống làm gì? Ta lấy cái chết đền đáp công ơn cho nàng khỏi bị phạt.

Hỏa Quân giật rách cái vạt áo đưa cho Mỹ nói:

- Cầm lấy miếng vải này như thấy được người, nếu còn duyên tất có ngày gặp lại.

Mỹ không cầm được lòng ôm lấy Hỏa Quân, cả hai cùng khóc, Hỏa Quân dần tan biến như bong bóng trong mưa, phút chốc đã không thấy đâu nữa. Mỹ khóc vật vã một hồi rồi rời khỏi đền, cưỡi xe bò đi về nhà. Cha già đã lâu ngày chưa thấy con về, giờ gặp được vui mừng khôn xiết, hai cha con lại sống với nhau, Mỹ hầu hạ cha già hiếu kính, được hơn bảy năm thì cha già chết. Mỹ chôn cất tử tế rồi mang theo cái vạt áo đỏ, cưỡi xe bò đến phía núi Kiết Bàn. Lên đến nơi vẫn thấy ngôi nhà như cũ, cảnh vật còn tươi tốt hơn lần trước nhưng bóng dáng đôi tình nhân đã không còn nữa. Mỹ buồn bã rơi lệ, tối hôm ấy tắm rửa sạch sẽ, ôm lấy cái mảnh vạt áo mà ngủ lại trong nhà lá, bỗng thấy Hỏa Quân hiện về khóc nói:

- Chàng không muốn gặp lại hay sao mà lại tính chuyện quyên sinh?

Mỹ giật mình hỏi:

- Sao nàng biết?

Hỏa Quân nói:

- Nhìn hành động của chàng mười phần đã đoán được chín.

Mỹ cũng ứa nước mắt mà nói:

- Nàng bỏ ta làm trong lòng đau đớn tột cùng, chỉ vì còn cha già nên chưa dám chết. Nay cha đã mất, đời không còn gì lưu luyến, đúng là định lên đây ôn lại kỷ niệm rồi ngày mai xuống hầu Minh Vương.

Hỏa Quân nói:

- Thiếp bị giam trong lò bát quái, chịu lửa ba mươi ngày mới được ra, nay đã chịu được bảy ngày, còn hai mươi mốt ngày nữa, chàng cố chờ đến ngày đó. Thiếp sẽ có cách giúp chúng ta đoàn tụ.

Mỹ nói:

- Bảy ngày của nàng bằng bảy năm của ta, hai mươi mốt ngày sau tức là hai mươi mốt năm sau ư? Lúc đó ta đã già sao còn xứng với nàng nữa?

Hỏa Quân mỉm cười nói:

- Thiếp với chàng vốn không được đến với nhau, cách biệt tiên người còn chẳng sợ huống hồ gì tuổi tác.

Mỹ ngộ ra nhưng sợ Hỏa Quân lừa mình để ngăn chàng tự tử bèn nói:

- Thật sự ta và nàng còn được gặp nhau ư?

Hỏa Quân nói:

- Đến nước này còn nghi ngờ nhau sao?

Mỹ nói:

- Vậy ta sẽ sống để đợi nàng, mong nàng đừng quên lời hẹn ước hôm nay.

Mỹ đứng dậy muốn nắm tay Hỏa Quân nhưng càng đến gần thì nàng càng đi ra xa, Mỹ đau lòng chợt tỉnh giấc, nước mắt giàn giụa. Sáng hôm sau lên xe về nhà. Từ đó sống yên lặng, ít ra ngoài giao du. Thấy học sinh đến trường khó nhọc, nghĩ đến mình khi trước bèn dùng cái xe bò chở cả bọn đến trường, không lấy của chúng đồng nào. Nhiều người nói làm chuyện bao đồng nhưng Mỹ vẫn không để ý, cứ làm công việc của mình.

Thời gian trôi như tên bay, thấm thoát đã hơn hai mươi năm. Mỹ cũng đã gần sáu mươi tuổi, nhớ lại lời Hỏa Quân năm xưa bỗng thấy trong lòng hồi hộp, đếm từng ngày, không biết có được gặp lại Hỏa Quân không.

Đến ngày xuân, hoa nở rợp trời, lá bay khắp nơi, Mỹ chở bọn học sinh đến trường xong thì cưỡi xe đi thong dong dạo chơi, chợt thấy bên lề đường có cô thiếu nữ mặc áo vàng đang vẫy xe. Mỹ dừng lại ngắm nhìn một lúc thì nhảy xuống ôm chầm lấy cô gái mà nói:

- Nàng thật khéo trêu đùa, đã đến gặp ta sao lại không hiện rõ nguyên hình?

Thiếu nữ áo vàng chống cự cố đẩy Mỹ ra nói:

- Ông già lẩm cẩm này! Ta có quen biết gì với ông mà vô lễ đến vậy?

Mỹ chỉ cười, lấy trong lòng cái vạt áo đứt khi trước, cầm tay thiếu nữ áo vàng lên thì thấy đúng là thiếu mất một mảnh:

- Cái áo ta nhìn là ra ngay, nàng lừa ta sao được?

Thiếu nữ lúc này mới mỉm cười, cầm lấy cái vạt áo lắp lại, vừa in như cũ, rồi xoay một vòng biến hình. Hóa ra chính là Hỏa Quân, nàng cười nói:

- Bao lâu không gặp, chàng không giữ lễ nữa à?

Mỹ cứ ôm lấy Hỏa Quân không chịu buông nói:

- Ta già rồi nên giờ lẫn, với lại ta với nàng vốn thuộc chuyện không có trên trời đất thì cũng không tính đến lễ làm gì.

Hỏa Quân cười mà Mỹ cũng cười, hai người ngồi lên xe âu yếm thân mật cùng đi về. Hỏa Quân với Mỹ kết duyên vợ chồng, ở với nhau rất là tâm đắc. Mỹ ở gần Hỏa Quân lại không thấy già đi mà ngày càng trẻ ra. Sau mấy tháng mà nét mặt nhìn như chàng thư sinh hai mươi mấy tuổi. Hai người cũng không còn ăn cơm, chỉ uống nước qua ngày. Hỏa Quân nói:

- Lần trước Diệm đế chiếu ánh sáng tiên vào người thiếp, chiếu lây sang cả phu quân. Giờ phu quân trong mình đã có chút khí tiên, tu trong trăm năm sẽ thành. Thiếp xin hết lòng giúp phu quân.

Mỹ nhận lời, cùng với Hỏa Quân cưỡi xe bò bỏ vào sâu trong rừng trên núi Kiết Bàn, đôi khi mới ra ngoài hứng nước hái hoa. Đến một hôm có hai vệt sáng bay lên trời, chói lòa cả tứ phía. Từ đó không còn thấy hai người nữa, người dân cho là đã thành tiên đi mất rồi.

Tiên Anh Đào
 
Chỉnh sửa lần cuối:

TienAnhDao

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
9/5/16
Bài viết
26
Gạo
600,0
TIỂU THỦY NGƯ

Ngoài bể có đôi vợ chồng nhà cá, mỗi năm đẻ cả trăm ngàn trứng mà toàn trứng không phôi, không nở được con cá con nào. Cá vợ buồn rầu thành bệnh, ốm mãi không khỏi, cá chồng bèn đi hỏi tứ phương tìm cách chữa. Có người mách đến tìm ông Mực pháp sư, cá chồng nghe lời bơi đến gặp hỏi cách. Mực pháp sư bảo:

- Vợ ngươi vì trứng đẻ ra hỏng cả nên mắc bệnh trong đầu. Ngươi có gì quý giá trên cơ thể để lại thì ta chữa cho.

Cá chồng bèn tự róc một bên vảy đem dâng. Mực pháp sư nhận lấy rồi lôi ra một loạt các loại củ quả rau đậu để trước mặt bàn, tiếp đến rắc một ít thuốc vàng hòa vào nước đổ lên. Mực nói chọn lấy một thứ bất kỳ rồi mang về đưa cho vợ ăn là khỏi bệnh. Cá chồng sợ vợ còn ốm không ăn được nhiều bèn chọn ba cái hạt đậu bắp đưa về cho vợ. Vợ ăn xong trong người sảng khoái, bụng lại thấy nhồn nhột, lát sau đẻ ra được chỉ một quả trứng. Hai vợ chồng mừng lắm, ấp trong mấy ngày nở ra con cá to bằng đúng ba cái hạt đậu bắp chụm lại. Hai vợ chống nuôi mấy năm mà không thấy lớn hơn được chút nào, bèn đặt tên cho nó là Cá Nhỏ, ở ngoài nhiều loài dị nghị cho là khác thường nhưng hai vợ chồng vẫn yêu thương Cá Nhỏ, chiều chuộng chăm sóc nó hết mực.

Cá Nhỏ có tính ham chơi, đến một hôm lỡ bơi đi xa quá, lúc quay đuôi định về thì trời đã xẩm tối. Cá Nhỏ tìm chỗ dưới tảng đá ngủ tạm, định chờ đến sáng về nhà sẽ xin lỗi cha mẹ. Hôm sau lúc bình minh lên, Cá Nhỏ bơi về thì thấy vùng biển vắng lặng, không thấy bóng dáng của một con cá, con tôm nào. Cá Nhỏ hoảng sợ đi tìm cha mẹ nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Tưởng mọi người bỏ đi nơi khác quên mất mình, Cá Nhỏ chực òa khóc. Bỗng thấy dưới lớp cát có cái gì đó ngọ nguậy kêu cứu, Cá Nhỏ bơi xuống thì là có chú Cua kẹt càng vào mấy cây rong biển. Cá vội vào gỡ, một lát sau Cua thoát ra ngoài, hoảng hốt nói:

- Cá nhỏ à, đừng bơi về nữa, không cẩn thận là chết đấy.

Cá Nhỏ hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

Cua nói:

- Nửa đêm hôm qua có con quái vật mình đen, mặt với chân đeo thép, to bằng con cá voi đến khu này thải ra một luồng khí độc, ai hít phải luồng khí ấy đều lăn ra bất tỉnh. Con quái ấy thu hết vào mồm thành ra bao nhiêu cá, mực, tôm,... đều bị nó ăn thịt cả. Ta may mắn trốn dưới cát nên con quái ấy không nhìn ra, đến lúc lên thì bị cuốn vào mấy cọng rong, ngươi đã cứu ta thì ta bảo ngươi cùng đi về phương tây, chỗ ấy xa lắm chắc con quái không tìm ra được.

Cá Nhỏ buồn rầu nói:

- Không phải ta không sợ nhưng còn phải tìm cha mẹ rồi mới dám đi cùng ngươi.

Cua nói:

- Đừng tìm vô ích, chính ta trông thấy hai ông bà trúng độc bị con quái ăn thịt rồi. E giờ đến cái xương cũng chẳng còn.

Cá Nhỏ nghe xong khóc ngất đi, hồi lâu mới tỉnh. Cua lại rủ đi đến phương tây.

Cá Nhỏ gạt nước mắt nói:

- Công cha róc vảy, ơn mẹ nuôi nấng còn chưa đền đáp được mà giờ gặp phải kiếp nạn này. Ta quyết ở lại tìm cách tiêu diệt con quái vật ấy mới thỏa lòng.

Cua nói:

- Ở lại tất chết thì ở lại làm gì.

Cá Nhỏ nói:

- Ta đã quyết rồi!

Cua thở dài nói:

- Đó là chí của ngươi, ta không thể ngăn được. Nhưng biển cả mênh mông biết tìm con quái đó ở đâu? Tìm được rồi thì biết lấy gì mà giết nó? Ta biết có ông Mực pháp sư ở biển phía Đông biết nhiều phép thuật có thể giúp được ngươi, trước cha ngươi cũng từng tìm ông ấy. Ta từ nay đi trốn, không gặp lại ngươi nữa.

Cá Nhỏ cảm tạ rồi chia tay Cua bơi về phía Đông. Qua hai ngày đến được một cái hang động, treo hai bên thành toàn những vật trên trời dưới biển như bờm sư tử, đuôi hổ, lông công, mắt cá mập... Đến một bộ vảy, Cá Nhỏ nhận ra ngay là vảy cha mình róc khi trước, biết đã đến nhà pháp sư Mực liền bơi vào trong diện kiến. Mực hỏi đến làm gì, Cá Nhỏ khóc lóc kể hết sự tình, Mực thương hại nói:

- Con quái ấy là thứ yêu nghiệt của đất trời, ăn thịt các loài khác mà lại đi ra thép nên loài người rất ưng, thường giấu nuôi trộm. Ngươi chỉ bé bằng ba hạt bắp thì làm gì được? Thôi, cố mà bơi đi cho thật xa, sống nốt quãng đời còn lại thì cha mẹ ngươi dưới suối vàng cũng mãn nguyện.

Cá Nhỏ dập đầu nói:

- Không phải tôi không biết lượng sức nhưng thù giết cha giết mẹ không thể không báo. Mong ngài Mực bỏ chút công sức giúp đỡ thì không dám quên ơn.

Mực nói:

- Muốn ta giúp thì để lại đây một phần thân thể của ngươi mới được

Cá Nhỏ hỏi:

- Ngài định lấy phần nào?

Mực nói:

- Ta thấy đuôi ngươi uyển chuyển, đưa cho ta phần đuôi

Cá Nhỏ hoảng sợ nói:

- Không có đuôi thì tôi không bơi được, biết đi đâu tìm quái vật? Xin ngài chọn phần khác.

Mực nhìn một lúc rồi nói:

- Vậy cho ta một bên vây trái của ngươi.

Cá Nhỏ đồng ý, cố chịu đau chặt vây trái đưa cho Mực. Mực thu lấy rồi cầm lọ nước nhỏ màu đỏ đưa cho Cá Nhỏ uống, Mực nói:

- Thứ thuốc này giúp ngươi biến thành con người trong một tháng, sau thời gian đó lập tức trở lại như cũ. Nhưng chỉ có tác dụng trên bờ. Ngươi tìm cách lên bờ thì sẽ thành người, lấy cái lợi thế ấy mà truy rõ tung tích con quái, còn việc giết nó thế nào thì ngươi phải tự tìm lấy. Ta không giúp được.

Cá Nhỏ cúi chào rồi đi, do mất một bên vây nên bơi rất khó khăn, mãi mà vẫn chưa đến được bờ. Bỗng thấy có cái lưới quăng xuống, Cá Nhỏ tránh không kịp bị mắc vào trong lưới.

Lưới ấy nguyên của một anh ngư dân tên là Vãng, gia đình có nghề chài lâu đời, hồi nhỏ lúc cha còn sống cũng được cho ăn học tử tế, sau cha mất vì gặp bão ngoài biển, gia đình chỉ còn có mẹ già nên Vãng bỏ học đi bắt cá, hai mẹ con cứ thế sống dựa vào chỗ cá Vãng kiếm được. Mấy hôm nay không hiểu cá biến đi đâu hết, Vãng không bắt được con nào. Trời sắp tối, Vãng đặt lưới lần cuối kéo lên không thấy gì, đang chán nản thì nhìn thấy trong lưới có con Cá Nhỏ. Vãng bỏ nó vào thùng nước mang về, định giết thịt nấu cháo cho mẹ ăn. Đang mài dao thì cái thùng nước lóe sáng, một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, mảnh mai bước ra. Vãng thấy cô gái trần truồng lại thiếu đi mất một bên tay trái, tưởng yêu quái toan xông vào chém thì thiếu nữ quỳ mọp xuống đất khóc nói:

- Thiếp quả là con cá công tử bắt được nhưng không phải yêu nghiệt gì, cha mẹ bị quái vật giết nên mới tìm lên bờ điều tra nguyên nhân. Mong công tử rủ lòng thương mà tha cho, thiếp nguyện mang ơn công tử suốt đời.

Vãng thấy điệu bộ chân thật, bèn lấy quần áo của mẹ cho mặc, rồi hỏi nguyên do sự tình. Thiếu nữ kể hết lại một lượt, vừa kể vừa khóc. Vãng mới tin là thực đưa vào ra mắt mẹ. Lão mẫu nghe chuyện rồi hỏi:

- Con gái đừng buồn, ta với con trai sẽ tìm lại công đạo cho con. Con gái tên gọi là gì?

Cá Nhỏ nói:

- Bình sinh cha mẹ vẫn gọi là Cá Nhỏ, không có tên gì khác.

Lão mẫu nói:

- Cá Nhỏ không phải tên người, ta thấy con nhỏ nhắn lại đến từ biển, từ giờ ta gọi con là Tiểu Thủy.

Cá Nhỏ vâng lời nói:

- Xin được nghe lời lão mẫu.

Lão mẫu gọi Vãng đến gần nói:

- Lâu nay thấy cá biến đi hết ta đã nghi là do yêu nghiệt, nay thêm lời của Tiểu Thủy thì lại càng đúng lắm. Ngoài khơi cách bốn dặm về phía đông có vệt nước đen. Con mang thuyền đưa Tiểu Thủy ra đó có khi lại tìm được manh mối gì chăng?

Vãng theo lời, đưa Tiểu Thủy ra biển, đi được một lúc thấy biển chỗ đó đen ngòm, toát ra mùi hôi thối nồng nặc. Xung quanh vẫn còn nổi xác mấy con cá chết trắng bụng. Tiểu Thủy nhìn thấu được bên trong đó có dòng chảy, bảo Vãng chèo ngược lại đi đến một cái nhà lớn ở bên cạnh bờ biển. Tiểu Thủy hỏi:

- Vết nước đó xuất phát từ đây. Công tử có biết chỗ này là đâu không?

Vãng nhìn xem thì ra là lò rèn của Sa lão, chuyên rèn sắt thép bán đi chỗ khác. Lão tuyển nhiều nhân công trong làng chài, đối xử với họ chẳng ra gì nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn ở lại. Vãng nói:

- Đó là một cái lò rèn, có vài ống xả thải ra biển, có phải vì thế mà cá vùng biển này chết không?

Tiểu Thủy nói:

- Không phải thế, đấy chỉ là phần công khai cho người khác xem, nước thải ra không đủ độc, hẳn là bên trong có che giấu nội tình.

Tiểu Thủy lại nhìn kỹ thì thấy dưới dòng nước có một cái lồng. Con quái mình mẩy đen thui nằm nghỉ trong đó, xung quang vương vãi xương các loài cá. Tiểu Thủy ứa nước mắt than: "Cha mẹ chắc cũng nằm trong này". Đang ngẫm nghĩ cách đối phó thì thấy thuyền ở trong lò rèn đi ra. Vãng biết bị phát hiện vội chèo thuyền đưa Tiểu Thủy về. Hai người vào nói chuyện với lão mẫu, lão mẫu nói:

- Thế thì hai con phải đi báo quan tìm cách mà tiêu diệt con quái ấy.

Vãng đưa Tiểu Thủy đến nha môn, quan nghe lúc đầu không tin, sau Vãng ra sức thuyết phục lại thêm Tiểu Thủy khóc lóc van xin, quan bèn cùng vài lính lệ đến khảo sát. Lão Sa chủ nghe quan quân đến thì sợ lắm, chuẩn bị mấy cân vàng đút cho quan huyện. Quan đến thấy cái lồng nói:

- Sao nhà dựng cái này mà không khai báo?

Lão Sa khẽ đưa vào tay quan huyện hai cân vàng rồi nói:

- Chỉ là cái lồng nuôi tôm, không gây hại gì.

Quan nhìn xuống thấy con quái vật đen thù lù lại hỏi:

- Tôm gì hình dáng lạ thế kia?

Lão Sa đút tiếp vào tay quan năm cân nữa nói:

- Cho ăn nhiều nên thành ra hơi to.

Quan nói:

- Cá quanh đây chết nhiều, có người bảo ngươi làm, ta đang định dẫn ngươi về nha môn đối chất với hắn.

Lão Sa dốc hết vàng ra đưa quan rồi nói:

- Cá chết là chuyện của cá, không liên quan đến tiểu nhân.

Quan cười nói:

- Quả là như thế! Nhưng từ giờ ngươi nên cẩn thận. Đừng để người khác nói ra nói vào.

Quan kiểm tra xong thì bỏ về, tuyên cá chết không có liên quan đến lò rèn. Tiểu Thủy không chịu, xin được tự thân đến, quan huyện không cho, Tiểu Thủy cố nài, quan nổi giận sai mang ra đánh hai mươi trượng. Vãng phát hoảng xin nhận tội thay, bị đánh nát cả da mông, người dân thương tình khiêng về tận nhà. Tiểu Thủy hỏi Vãng:

- Sao công tử lại chịu thiệt thân thể vì thiếp ?

Vãng cười nói:

- Thấy nàng ủy mị lại tàn tật, ta không nỡ để nàng bị đòn.

Tiểu Thủy cảm động, đưa vào trong nhà chăm sóc. Lão mẫu thấy con bị đánh, thở dài mà nói:

- Quan huyện u mê bênh cái ác, chắc phải lên kinh thành một chuyến tâu lên hoàng thượng mới được.

Vãng khen phải, rồi không chờ vết thương lành liền khăn gói ra đi. Lão chủ họ Sa biết được, đang đêm đến nhà Vãng đưa cho mười cân vàng nói:

- Ngươi là kẻ nghèo hèn, không biết trời cao đất dày, ta vì cái lợi cho dân chài mới làm thế. Nay đưa ngươi ít vàng cho lão mẫu ngươi dưỡng già, ngươi nên biết điều ở lại làng chài, bỏ cái con cá yêu đó đi thì mới được vẹn toàn.

Vãng nổi giận:

- Ta dẫu nghèo nhưng vẫn có cái ý riêng của ta, Tiểu Thủy cô đơn không ai nương tựa mới nhờ đến ta. Ta không phụ nàng được.

Lão thợ rèn cũng nổi giận mà nói:

- Vậy ngươi quyết chọn con cá đó mà quên đi cửa hàng sắt thép đang nuôi sống cái làng chài này?

Vãng nói :

- Sắt thép bán ra chỉ được một chốc, tôm cá mất đi là cái hại muôn đời. Lúc đói có lấy sắt thép ra mà ăn được không? Ta nhất định vì tôm cá tố cáo tội ác của ngươi.

Lão Sa biết không nói được, ra về lấy thêm tiền sai ngươi bí mật đút lót tả hữu của vua, gây cản trở không cho Vãng với Tiểu Thủy gặp vua. Tên quan huyện cũng sai người đi theo, dặn nhằm lúc tối trời sơ hở thì giết đi. May sao trong đám sát thủ có người vốn là dân chài cùng làng, ghét hành động của quan huyện cấu kết với tên thợ rèn nên để lộ ra cho Vãng biết. Vãng bèn đi đường vòng, lại đi cẩn thận, dân ở đấy cũng cho nhiều người đi cùng bảo vệ nên sát thủ không làm gì được.

Hai người lên kinh thành hơn mười ngày mà không được vào gặp vua, hễ cứ đến gần cung cấm là y như rằng có một toán lính ngăn lại, không cho đi nữa. Được hôm tết Thanh Minh, vua đi lễ chùa Trấn Quốc. Tiểu Thủy với Vãng biết được, đến quỳ trước cổng chùa từ sáng sớm, lúc vua tới thấy vậy bèn gọi lên hỏi chuyện. Hai ngươi kể từ đầu tới cuối, vua bán tín bán nghi, hai bên quan được ăn đút nói với vua:

- Hai kẻ loạn ngôn nói điều xằng bậy, có đời nào cá hóa ra người? Xin bệ hạ đừng tin.

Tiểu Thủy nói:

- Tiểu nữ được thành người trong một tháng, tính ra còn bảy ngày. Bảy ngày sau nếu tiểu nữ lại biến thành con cá thì câu chuyện của tiểu nữ là thực, mong bệ hạ anh minh lấy lại công bằng cho tiểu nữ.

Vua đồng ý, đưa cả hai người về cung. Tiểu Thủy sợ người khác vu cáo làm trò ma thuật nên cứ quỳ trước điện cho vua chứng kiến tận mắt, lại không ăn uống gì. Vua lúc đầu khuyên nhủ nhưng rồi sau cũng để mặc, chỉ có mình Vãng ở bên ngày đêm túc trực, chỗ Tiểu Thủy mất cánh tay trái đôi khi lại sưng lên, rỉ cả ra máu. Vãng đều lấy nước thuốc lau rửa, rất là ân cần. Tiểu Thủy thấy thế khóc:

- Công tử quá quan tâm tiểu nữ, những lời hôm nọ nói với tên thợ rèn thiếp đều nghe được, ơn này biết bao giờ mới báo được?

Vãng nói:

- Chỉ mong nàng thỏa chí, ta nào cần báo đáp? Sớm tối được hầu hạ dung nhan là ta mãn nguyện rồi.

Vãng cầm lấy tay Tiểu Thủy, ánh nhìn âu yếm, Tiểu Thủy cũng đáp lại:

- Mấy ngày nữa tiểu nữ hóa lại thành con cá, không biết sống chết thế nào. Nếu còn sống mà công tử không chê khác loài thì nguyện hết lòng vì công tử phục vụ, còn chẳng may chết đi xin được hẹn kiếp sau.

Vãng hốt hoảng nói:

- Nàng đừng nói gở như vậy, ta đã chuẩn bị sẵn ít nước, nàng hóa thành cá cho hoàng thượng xem rồi lại thả vào nước ngay, không để nàng phải bị tổn hại.

Tiểu Thủy cảm tạ. Đến ngày thứ bảy, vua ra xem vẫn chưa thấy có chuyển biến gì, cho đúng là dối lừa, sai quân sĩ đuổi đi. Vãng cố sức giữ Tiểu Thủy lại, quân lính bắt trói cả Vãng. Đúng lúc đó người Tiểu Thủy co giật, rùng mình biến mất. Quân lính tìm trong đống quần áo còn rớt lại thấy đúng có con cá nhỏ bằng ba cái hạt đậu bắp. Vua cả sợ, tin là thực, liền sai quan hành pháp dẫn theo binh lính về huyện nha điều tra. Vãng vội mang Cá Nhỏ cho vào lọ nước, nhưng tay chân bị trói không làm ngay được, lúc thả vào rồi thì thấy bất động chẳng có biểu hiện gì, sờ thấy lạnh ngắt không còn sự sống, biết là chết rồi, Vãng khóc mãi không thôi. Vua lấy lời úy dụ:

- Đây là cái lỗi của ta, ngươi trung kiên một lòng ta sẽ phong quan tước cho ngươi.

Vãng từ chối, chỉ xin được về quê mang xác Cá Nhỏ đem chôn để thờ phụng. Vua đồng ý, thưởng vàng lụa rồi cho về.

Quan hành pháp đến huyện truy xét, phát hiện quả đúng tên quan huyện với lão thợ rèn họ Sa thông đồng với nhau, bèn bắt cả hai giam vào trong địa lao. Khám xét nhà lão thợ rèn thấy có cái lồng nhưng không thấy con quái đâu hết, tìm hiểu thì được biết lão thả ra vào đêm hôm trước cho đi phun độc bắt cá, giờ chưa trở về. Quan hành pháp mời ba mươi vị đạo sĩ, chuẩn bị bùa yểm để trấn áp. Con quái vừa về đến liền ra tay, binh lính cùng mấy tên đạo sĩ đánh nhau với con quái hơn hai ngày mà không thấy nó hề hần gì, lấy làm quái lạ. Mẹ Vãng đi qua nói với quan:

- Nó là thứ quái vật mà lại sợ tên thợ rèn, hẳn hắn có biết điểm yếu của nó. Xin ngài cứ hỏi tên thợ rèn sẽ rõ.

Quan liền lôi tên thợ rèn ra tra tấn, hắn chịu đau không nổi bèn khai trong phòng ngủ có chứa quả tim của con quái. Lính đến khám xét, thấy bức tường có chỗ lõm sâu một đoạn, mở ra xem có quả tim còn đang đập. Mấy vị đạo sĩ bèn dán bùa lên rồi lấy kiếm đâm. Con quái hú lên mấy tiếng rồi chết, thân thể tan ra thành làn nước đen nổi lềnh bềnh trên biển. Quan hành pháp tiêu diệt con quái xong dẫn hai tên tù về cho vua trị tội. Vua sai mang ra cửa Đông chém đầu, những kẻ ăn đút trong triều đình kẻ bị phạt tù kẻ bị cắt chức. Ai nghe được cũng hả dạ.

Vãng về đến làng, lấy vàng lụa vua ban chia hết cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi nạn cá chết, bản thân thì tự tay tạc lấy chiếc hộp, để xác Cá Nhỏ vào coi như cái áo quan, đem chôn ở vườn sau nhà. Lám tấm bia ghi: “Ái thê Tiểu Thủy chi mộ”, Vãng suốt ngày tưởng nhớ thành ra buồn bã không vui. Lão mẫu cố khuyên giải mà cũng không ăn thua. Vãng thấy nhà hết gạo, bèn dong thuyền ra khơi đánh cá như trước mà mấy lần quăng lưới vẫn không bắt được cá, lặn xuống biển thì thấy vùng biển trống không, hỏi mấy ngư dân khác thì họ đều nói tuy con quái bị tiêu diệt nhưng chưa thấy cá về, không hiểu lý do nên chẳng biết phải làm gì. Biết không đánh bắt được, Vãng đành chèo thuyền về.

Hôm ấy, Vãng ngủ trong phòng, nửa đêm thấy có hai người bước vào, một người đầu trâu, một người mặt ngựa, họ cung kính chào Vãng rồi nói:

- Minh Vương có lời mời, xin công tử đi theo chúng tôi.

Vãng hoảng sợ nói:

- Xin hai vị quan sai về nói với Minh Vương Vãng này còn mẹ già, xin thư thả cho mấy năm chờ mẹ già trăm tuổi rồi sẽ xuống hầu.

Đầu trâu mặt ngựa cười nói:

- Công tử không phải sợ, Minh Vương mở phiên xử thiếu mất nhân chứng nên sai chúng tôi đến mời công tử, không bắt công tử phải chết.

Vãng theo lời, đứng dậy sửa soạn mũ áo rồi đi theo. Một lúc sau đến điện U Minh, Vãng thấy dưới điện có bốn người đang quỳ, một ông to béo, râu mọc xung quanh miệng nhìn như mấy cái râu mực. Một tên là lão chủ lò rèn họ Sa, kế đến tên quan huyện rồi cuối cùng chính là Tiểu Thủy. Vãng vui mừng chạy đến hỏi chuyện nhưng chỉ thấy Tiểu Thủy cúi gằm, không nói một câu nào. Vãng nắm lấy tay còn lại của Tiểu Thủy nói:

- Mới xa cách chưa lâu mà sao đã nỡ quên nhau.

Nghĩ buồn ứa nước mắt khóc rơi lã chã xuống tay Tiểu Thủy. Tiểu Thủy vội ngoảnh mặt lên nói:

- Công tử đừng trách! Thiếp là kẻ có tội chờ Minh Vương xử, không tiện nói chuyện, công tử buông tay thiếp ra, khi nào xong việc sẽ hầu chuyện công tử.

Vãng không nghe, cứ nắm lấy bàn tay, Tiểu Thủy rút ra không được. Một lúc sau có tiếng kèn, trống vang lên, quan thư lại đứng dậy nói:

- Nhân chứng đã đến! Mời đại vương ra chủ trì phiên xử.

Minh Vương bước ra, cao lớn dị thường lại đen như than, nhìn qua một lượt rồi ngồi xuống bàn ấn. Minh Vương nhìn vào ông to béo hỏi:

- Kẻ đang quỳ kia là ai?

Quan thư lại nói:

- Bẩm đại vương, hắn nguyên là một tên pháp sư, luyện phép tiên không đúng cách hóa thành con mực. Bực tức nên dùng phép thuật thu thập lấy bộ phận cơ thể các loài, tội nghiệp nặng nề mong đại vương phán xét.

Minh vương nói:

- Ngươi tuy có sở thích quái dị, gây hại cho người khác nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì giúp họ. Nay ta tuyên ngươi phải trả lại các bộ phận cho họ, trả được thì ta lại cho về biển làm mực, kiếp sau đầu thai con nhà học đạo. U mê không chịu trả thì ta phạt đọa đày mười kiếp không được siêu thoát.

Ông béo vội lạy tạ ba lần nói:

- Con xin trả! Con xin trả ạ!

Nói rồi ông lầm nhẩm mấy câu thần chú, bỗng chốc bên tay trái của Tiểu Thủy nổi đỏ lên rồi mọc lại ra cánh tay như cũ. Bọn lính liền đến áp giải ông béo ra khỏi điện. Kế đến Minh Vương hỏi:

- Còn kẻ kia là ai?

Quan thư lại nói:

- Hắn là tên thợ rèn họ Sa, vốn người từ phương bắc đến, kết giao với yêu ma đem về được con quái vật ăn thịt cá ỉa ra thép. Hắn lấy thép đó bán lấy tiền tiêu xài, ngư dân hết cá không đánh bắt được làm cho có người chết vì đói. Con quái đó tính đến trước khi bị tiêu diệt đã giết hàng vạn động vật dưới biển. Tội nghiệp nặng không để đâu cho hết mong đại vương xem xét.

Minh Vương tức giận nói:

- Ngươi cũng là người, ngư dân cũng là người, sao ngươi chỉ nghĩ bản thân mà không nghĩ đến người khác. Tội ngươi không thể tha được, phạt đày xuống chín tầng địa ngục.

Hai tên lính liền gô lấy lão thợ rèn ra khỏi điện, tiếng khóc lóc van xin vang mãi không dứt. Lúc này tên quan huyện mặt cắt không còn giọt máu lạy lục xin tha. Minh Vương hỏi:

- Tên này thì thế nào?

Quan thư lại trả lời :

- Hắn vốn là quan trên dương thế, ăn hối lộ của tên thợ rèn bao che cho hắn, lừa bịp dân lành. Đến lúc bị phát giác còn toan ám hại kẻ khác. Tội chồng thêm tội, mong đại vương phán xét.

Minh Vương đập tay xuống mặt bàn nói:

- Ngươi nguyên là quan phụ mẫu của dân, dân chúng bám lấy ngươi mà sống, ngươi cũng bám lấy dân mà sống thế mà khinh bạc họ, lấy vải thưa che mắt họ, tội ngươi phải bị đày xuống mười tám tầng địa ngục làm gương cho kẻ khác.

Bọn lính tóm lấy nách quan huyện lôi tuột ra khỏi điện. Giờ chỉ còn mình Tiểu Thủy đang quỳ, với Vãng ngồi nắm tay bên cạnh. Minh Vương hỏi:

- Còn hai người này thì có chuyện gì?

Quan thư lại nói:

- Thiếu nữ đang quỳ kia nguyên là cá tiên ngoài biển, đáng lẽ hưởng thọ năm trăm năm nhưng vì có hiếu với cha mẹ, tự chặt một bên vây lên bờ tìm quái vật trả thù. Vị công tử kia cũng là người lương thiện, với thiếu nữ này có chút duyên, gặp phải kiếp nạn nên âm dương cách biệt. Mời đại vương định đoạt.

Minh vương nói:

- Cả hai đều là người có nghĩa, không có tội gì cả.

Lại sai tra trong sổ sinh tử thì thấy Vãng thọ được hai mươi bảy tuổi. Minh vương nói:

- Ngươi phận mỏng, đãng lẽ chỉ thọ được vài năm nữa. Ta thương ngươi thật thà, kiên định lại có công trừ được yêu nghiệt, nay sửa số hai thành số chín, cho ngươi thọ đến chín mươi bảy tuổi tận hưởng cuộc đời.

Vãng cúi đầu lạy tạ rồi nói:

- Hạ dân không dám sống lâu, chỉ mong đại vương cho Tiểu Thủy sống lại vui vầy cuộc sống thường ngày là được rồi ạ.

Minh Vương nhìn sang cô gái hỏi :

- Cô có đồng ý nhận lời công tử này không?

Tiểu Thủy nói:

- Thiếp đã có hẹn ước với công tử, thù cha mẹ đã báo xong, nay chỉ còn nghĩa tình với công tử là chưa báo được.

Minh vương cười nói:

- Thế thì ta tác thành cho hai người.

Nói xong nhổ ra một viên đan dược màu trắng, sai người đưa cho Vãng nói:

- Ngươi về lấy nước biển hòa với viên thuốc này rồi đem ngâm xác con cá một ngày một đêm sẽ sống lại hóa thành người như trước.

Vãng lạy tạ nhận thuốc nhân tiện hỏi thêm:

- Bẩm đại vương! Quê thần đã diệt trừ được yêu nghiệt mà mãi vẫn chưa thấy cá về là cớ làm sao?

Minh vương nói:

- Đó là do khí uế của nó vẫn còn đọng lại dưới biển làm cho cá không sống được. Ngươi về dùng nước thuốc xong thì đem đổ ra biển, tẩy được khí uế đó thì tất cá lại về.

Minh Vương thấy không còn việc gì nữa thì tuyên kết thúc phiên xử, đứng dậy đi vào trong. Bọn đầu trâu mặt ngựa đỡ hai người dậy rồi mời ra phía ngoài. Tiểu Thủy thấy Vãng vẫn cầm tay mình, xấu hổ nói:

- Thiếp chỉ là cái hồn ma, không đi theo công tử ngay được, công tử đi trước làm theo lời Minh Vương dặn, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.

Vãng cười nói:

- Ta chưa biết phép của Minh Vương là được hay hỏng, nay nàng ở ngay đây mà để lỡ mất thì chẳng phải là ngu lắm sao?

Vãng cứ thế dắt Tiểu Thủy đi, ra đến cửa điện chân vướng vào cái bậc, ngã lăn quay xuống đất, tay Tiểu Thủy tuột mất, hóa ra là một giấc mộng. Vãng tỉnh dậy thấy một bên tay vẫn còn nắm chặt, một bên thì cầm viên thuốc màu trắng. Biết vừa rồi là chuyện thực, liền ra khơi lấy độ hai thùng nước biển, đổ vào một cái bồn rồi hòa viên đan dược vào. Kế ra mộ Cá Nhỏ, đào lên thì thấy vẫn còn tươi nguyên như lúc còn sống, lại đủ cả vây trái vây phải. Vãng ngâm Cá Nhỏ vào bồn nước ấy một ngày một đêm thì quả nhiên Cá Nhỏ sống lại, biến thành Tiểu Thủy bước ra khỏi bồn. Vãng thấy thế mừng lắm, nhảy vào ôm mãi không buông. Tiểu Thủy ngượng đỏ mặt nói:

- Công tử rõ buồn cười, cữ nghĩ là người cũng biết giữ phép mà hóa ra cũng chỉ là phường vô lại, công tử cứ ôm mãi thế không sợ phạm vào lễ sao? Công tử thả ra để thiếp vào chào lão mẫu trước đã.

Vãng cười nói:

- Ta sợ nàng lại như dưới điện U Minh, nắm không chắc thành ra lỡ mất, bỏ ta mà đi thì thật phí hoài công sức. Nàng cho ta ôm thêm một chút nữa cho đỡ nỗi nhớ mong những ngày tháng ly biệt. Chúng ta đã thân nhau lắm rồi, còn chi mà phải ngại?

Tiểu Thủy nói:

- Không có người mai mối, gặp nhau còn chưa quá ba tháng, sao lại nói là đã thành thân?

Vãng nói:

- Nàng là cá, ta là dân chài, bao đời nay hai bên vẫn sống nương tựa lẫn nhau, không gọi là thân thì gọi là gì?

Tiểu Thủy không nói gì nữa, nhẹ nhàng mỉm cười, Vãng thấy lần đầu thiếu nữ nở nụ cười thì vui lắm, hôn vào má, quấn quýt cho đến tận hôm sau mới đưa vào gặp mẹ. Tiểu Thủy lạy chào rồi nói:

- Con được công tử cưu mang bao lâu nay, cái ơn ấy to lắm nên đã xin được hầu hạ, nâng khăn sửa túi, cùng công tử báo hiếu lão mẫu.

Mẹ Vãng thấy Tiểu Thủy sống lại, mừng lắm đỡ dậy nói:

- Thật là phúc cho nhà ta quá! Từ nay thân ta có người nhờ cậy rồi.

Mấy hôm sau Vãng và Tiểu Thủy kết duyên, rất là vui vẻ. Vãng nhớ lời Minh vương lấy cái nước ngâm thuốc rải ra biển, bao nhiêu độc tố của con quái đều tan biến hết, cá tôm thấy nước sạch lại ùa nhau kéo về. Bà con ngư dân đưa thuyền ra đánh bắt được mùa to. Tiểu Thủy sau khi lấy Vãng thì bày nhiều chuyện buôn bán, khuyên Vãng trở lại chuyên tâm học hành, Vãng nghe lời về sau thi đỗ Hiếu liêm, nhưng không ra làm quan, về quê mở trường dạy học cho con cái nhà chài, được mọi người kính trọng. Tiểu Thủy hầu hạ mẹ chồng hiếu kính, sinh được cho Vãng hai trai một gái đều ngoan ngoãn, lễ phép cả. Vãng đúng như trong giấc mộng, sống đến chín bảy tuổi mới chết. Tiểu Thủy để tang ba năm rồi một hôm nhảy xuống biển hóa thành con Cá Nhỏ bơi đi mất. Dân chài thấy thế cho là chuyện kì lạ, lại nhớ ơn cứu biển khi trước, góp tiền lập miếu thờ quanh năm nhang khói, gọi là miếu Tiểu Thủy Ngư. Ở Hà Tĩnh đến giờ vẫn còn di tích của cái miếu ấy.
Tiên Anh Đào
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên