Ngôi làng Mau Mau của các pháp sư thú nằm cheo leo trên vách đá khổng lồ của núi Hoàng Vân Sơn. Núi ấy thuộc Thân Rồng, một hệ thống chín núi lớn nhỏ nằm liền kề nhau được hình thành từ thuở xa xưa. Truyền thuyết kể lại rằng, khi trời đất vừa được khai mở tạo dựng, địa hình tươi đẹp nguyên thủy còn bằng phẳng, có một con rồng xanh không biết từ đâu xuất hiện, rảo quanh mọi nơi để tìm thức ăn là sinh khí sự sống. Nó khè lửa thiêu rụi cỏ cây, làm khô cạn sông suối. Mỗi khi nhìn thấy có sinh vật gì bị nướng cháy dưới ngọn lửa đói ăn của mình, nó sà xuống hít lấy đám khói xám đen một hồi rồi mới ăn thịt. Con rồng hủy diệt sự sống khai sinh, tàn sát vô số các loài chân chạy và cả chim muông. Nhưng cuối cùng, ngày tàn của nó cũng đến. Một bầy sói đã kịp thoát luồng lửa tử thần, chạy đến bên con sông vĩnh hằng Mạch Chảy, rú lên những tiếng thảm thiết. Con rồng đuổi theo, vừa lúc tiếng sói biến thành những dải lụa dài, vắt lên mặt trăng tròn trong đêm. Bầy sói gắng sức kéo, nhưng dải lụa chỉ có thể bào mòn mặt trăng, chứ không thể khiến vầng sáng huyền diệu ấy rụng xuống được. Tuy vậy, những mảnh vỡ một phần của mặt trăng cũng đủ trở thành cơn ác mộng đối với con rồng xanh. Nó thấy nhiều khối đá khổng lồ giáng xuống mà tưởng chừng cả bầu trời đang sụp đổ. Thân thể nó bị đập tan thành chín mảnh, đổ ập xuống mặt đất. Từ đó, chín ngọn núi Thân Rồng dần dần hình thành, trổ sinh hàng vạn lớp lớp cỏ cây, thảo mộc xanh tươi trù phú.
Vài trăm năm sau, tìm đến sinh sống trên núi là chó sói, hổ, mèo rừng và gấu. Ban đầu, bốn loài ấy sống ở bốn lãnh thổ khác nhau trên cùng một núi Hoàng Vân Sơn. Dần dần, chúng đã hợp nhau lại, sinh sôi nảy nở và hình thành một làng gồm bốn họ, gọi tên là làng Mau Mau. Làng ấy không giống như bất cứ nơi nào ở xứ sở Thân Rồng. Các thành viên sống trong làng được thiên nhiên ưu đãi ban phát thức ăn dồi dào quanh năm. Chúng không phải đi săn các loài thú nhỏ hơn để duy trì sự sống, mà chỉ cần tìm đến bên các gốc cây cổ thụ, nhặt nhạnh hoa quả và tận hưởng những hương vị thơm lừng chẳng khác gì thịt nướng trên than hồng của các loại sản vật ấy.
Rồi chúng tìm cách dựng nhà làm nơi cư trú. Nhưng khốn nỗi, mỗi khi những ngôi nhà sắp được hoàn thành, thì mặt đất lại rung chuyển một cách kỳ lạ. Không một ngôi nhà nào đứng vững trên mặt đất quá nửa ngày. Chúng tìm cách đào hang, nhưng đào đến đâu thì sụt lở đến đấy, mặc dù đất đá trên núi Hoàng Vân Sơn không phải loại cát sỏi vụn vỡ như những vùng khác. Những kẻ sống trong làng Mau Mau đành phải dùng cành lá những loài cây to để làm nơi che mưa che nắng, hoặc trú dưới những gờ đá dựng bên suối mỗi khi thời tiết chuyển biến thất thường.
Thuở ấy, trên bầu trời bỗng xuất hiện bóng dáng của những loài biết bay. Sải cánh chúng lớn gấp ba lần chiều dài của một tên hổ trong làng Mau Mau. Đôi mắt chúng cũng lớn, quắc sáng tinh tường, có thể nhìn xa hàng dặm. Còn móng vuốt nơi từng ngón chân thì nhọn hoắt tựa như những cái liềm. Đó là đại bàng và chim cắt, những tên thủ lĩnh của giới chim. Chúng lượn quanh núi Hoàng Vân Sơn, đưa mắt soi kỹ từng bờ cây hốc đá.
“Một tên gấu kìa! Anh em! Lao xuống giết nó!”
Cái chết sắp ập đến với chú gấu con nhỏ bé đang chơi trốn tìm với chúng bạn. Chỉ cần một cú quắp và mổ vào đỉnh đầu thôi, đại bàng sẽ có thể kết liễu cuộc đời ngắn ngủi của con mồi. Khoảnh khắc ấy sẽ đến rất nhanh, vì đôi cánh đại bàng đang nép sát vào thân giúp chúng lao xuống với tốc độ hãi hùng.
Vù vù!
Chú gấu con bất giác nhìn thấy những bóng đen lớn dần trên mặt đất.
Chát! Rầm! Huỵch huỵch!
Chú gấu nhắm chặt mắt lại theo phản xạ. Trong cơn khiếp sợ, chú đột nhiên thấy thân mình bị đẩy văng đi một quãng, khiến vai và đầu gối đau ê ẩm vì xây xát. Nhưng mặt đất có nhiều cỏ nên chú không bị thương nặng.
“Gấu con! Cháu hãy chạy đi! Chạy về phía đám cây rừng!”
Đó là một ông bác hổ vằn, đang đứng cách đó vài trăm bước. Bọn chim cắt và đại bàng vồ hụt chú gấu, liền bay ngược lên trên, rồi lượn trở lại vị trí của bác hổ. Hổ gầm gừ và giương vuốt phản công bằng những đòn thế mạnh mẽ, nhưng chỉ có thể chống chọi với từng tên một trong vài phút đầu. Sau nhiều pha tối tăm mặt mũi trước vô số móng nhọn đại bàng, biết mình đang yếu đi và không thể trụ lâu hơn, bác hổ buộc phải rút chạy. Nhưng cơn quẫn bách vì vội vã đã làm cho bác nhầm hướng. Đến lúc bác nhận ra mình bị dồn về đâu thì đã quá muộn: một vực sâu vách núi đá. Bọn đại bàng không thể không tận dụng lợi thế hiểm ác ấy.
“Khà khà khà! Cho lão tan xác dưới đáy vực đi anh em! Rồi ta sẽ chén thịt hổ dưới ấy!”
Bọn chúng đẩy bác hổ rơi khỏi vách núi.
Từ trong lùm cây, chú gấu con khóc nấc lên vì đau đớn khi thấy ân nhân của mình đã vong mạng. Nước mắt chú tuôn trào mãi không thôi. Các bạn chú đã bỏ chạy hết cả. Giờ đây chỉ còn một mình chú đơn độc ở lại. Nhưng không lẽ cứ trốn mãi trong lùm cây này? Không được. Đôi chân chú gấu bồn chồn không yên. Rồi sẽ chết đói mất, vì khu vườn quả thịt ở cách xa nơi đây. Còn nếu rời khỏi chỗ trú ẩn này, hẳn bọn đại bàng và chim cắt, sau khi rỉa xác của bác hổ, sẽ quay lại truy lùng và giết chú.
Chú quyết định bước ra ngoài. Nhưng trước khi chạy thật nhanh về hang của mình, chú mon men đến bên bờ vực, lặng lẽ quỳ xuống vái tạ ân nhân đã cứu mạng mình.
Bỗng nhiên, có tiếng gì như tiếng vỗ cánh phát ra từ phía vực. Âm thanh ấy lọt đến tai chú gấu con khiến chú bất giác hoảng hồn. Ôi thôi! Bọn đại bàng! Sao chúng bay trở lên sớm vậy? Phải chạy đường nào đây? Mọi thứ cứ rối loạn hết cả, vì trong tâm trí chú gấu, giờ đây chỉ có nỗi sợ cực độ bao trùm.
Chưa kịp suy tính điều gì, chú gấu đã thấy bầy ác điểu bay vọt lên trước mặt mình. Và kỳ lạ hơn, chú ngỡ ngàng như không tin nổi vào mắt mình: đuổi theo đường bay của bọn chim là một thân hình to lớn, lông vàng, vằn đen. Bác hổ! Ôi, bác hổ vẫn còn sống! Lạ lùng làm sao, bác còn có thể bay lượn trên không trung!
Bác hổ bay lượn, đuổi đánh bọn chim tơi bời bằng một thứ sức mạnh kỳ lạ. Thân mình bác như được không khí nâng đỡ, hết sức linh hoạt và hoàn toàn làm chủ không trung. Miệng bác gầm lên, đôi mắt rực sáng tựa như đang hấp thu một loại năng lực vô hình rồi chuyển hóa vào đôi bàn tay. Sức mạnh ấy được bác tung ra bằng những cú tát vào không khí. Liền đó, theo hướng bàn tay vung, đất đá từ phía xa bay vọt tới, tấn công bọn chim như những cơn mưa đá dữ dội. Đại bàng và cắt muốn phản công, nhưng tình thế quá đỗi bất lợi cho chúng. Chúng cảm tưởng mọi thứ mọi vật trên trời dưới đất đều đang chống lại chúng. Sau một hồi không thể làm gì khác, chúng đành rút quân, bay tức tốc về phía ngọn núi xa nhất: núi Diều, nơi trú ngụ của giới chim.
Chỉ còn lại bác hổ và chú gấu con vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
Từ ấy, xứ sở Thân Rồng biết đến pháp thuật của làng Mau Mau. Pháp thuật ấy, nhờ bác hổ phát hiện, là một loại năng lực huyền bí và độc đáo, chỉ có nơi những kẻ sống trong làng. Bác hổ đã truyền lại bí kíp vận dụng tinh hoa năng lực pháp thuật cho cả chú gấu và tất cả dân làng để mọi người biết tự vệ phòng thân, vì bọn chim sẽ còn có thể quay lại. Dần dần, ai ai trong làng cũng có thể sử dụng pháp thuật và tùy theo tố chất bẩm sinh của mình mà mỗi người có được một loại sức mạnh khác nhau. Trải qua nhiều đời, mỗi họ trong làng đã hình thành nên thế mạnh pháp thuật của mình: họ Hổ có thể khinh công và điều khiển sức mạnh cỏ cây đất đá; họ Sói thiên về tàng hình và làm chủ ánh sáng, bóng đêm; người trong họ Gấu có tài biến hóa thân thể thành muôn hình vạn trạng; và họ Mèo Rừng nổi tiếng với những chiêu thức bào chế pháp dược ngày một siêu đẳng và phong phú.
Với những năng lực ấy, ngoài việc phòng thân chống lại kẻ địch bên ngoài, dân làng Mau Mau còn hợp sức dựng nên các công trình vĩ đại: những ngôi nhà, đình làng, đền miếu bên bờ vực cheo leo! Những công trình ấy thật lạ lùng. Chúng không cần móng, không cần mặt đất nâng đỡ. Chúng nằm lơ lửng trên không trung, tọa lạc cố định sát vách núi, chia thành bốn tầng dành cho bốn họ. Chúng không còn phải phụ thuộc vào mặt đất - thứ đất vẫn luôn hà khắc với những gì xây dựng trên nó – nên không còn sợ sập lở tan tành như trước. Làng Mau Mau dần dần cư ngụ ổn định nơi vùng núi Hoàng Vân Sơn.