Chia sẻ sách hay Những lối về ấu thơ - Miên man nỗi nhớ về những ngày đã cũ

Gà BT
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
8/12/13
Bài viết
1.413
Gạo
1.039,0
Nhà tôi tọa lạc tại một quận vùng ven của thành phố sôi động và nhộn nhịp nhất nước.

So với những tỉnh thành khác, đây là một thành phố trẻ với tuổi đời chỉ mới hơn 300 năm. Thành phố này không có nét cổ kính ngàn năm văn vật như thủ đô Hà Nội, cũng chẳng phải vùng đất có địa thế “rồng chầu hổ phục”, lựng tựa núi, mặt hướng biển thích hợp để xây dựng cung điện, thành quách, đền đài như cố đô Huế, cố đô Hoa Lư. Thế nhưng, thành phố này một thời từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” với những con phố buôn bán sầm uất, chất đầy các loại hàng hóa xa xỉ có xuất xứ từ Pháp quốc xa xôi, với những tòa kiến trúc hiện đại và đẹp nhất khu vực Đông Dương và đặc biệt là có một Sở thú (Thảo Cầm Viên) rộng lớn, đa dạng nhất Đông Nam Á với nhiều loài động vật quý hiếm.

Trải qua bao thăng trầm theo những biến cố lịch sử của dân tộc, ngày nay, thành phố này vẫn là một trong những thành phố lớn nhất và sôi động nhất khu vực phía nam cũng như trong cả nước. Thành phố có được một vinh hạnh vô cùng lớn lao và hết sức tự hào khi được mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một trong những danh nhân văn hóa thế giới: chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, trong tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, “Sài Gòn” vẫn là tên gọi thân thương đã ăn sâu vào tiềm thức của họ khi nhắc đến vùng đất phương nam này.

Là một người con được sinh ra và lớn lên tại thành phố mang tên Bác, những ngày ấu thơ của tôi cũng gắn liền với một quận vùng ven ở đất Sài Gòn.

Tuổi thơ tôi là những tháng ngày tung tăng trong khu vườn ngâu rộng lớn mà mỗi khi ra hoa, khắp nơi đều thoang thoảng mùi hương dìu dịu của loài hoa được dùng để ướp vào trà khô tạo nên hương vị thơm lừng hết sức đặc biệt mà ngày đó người ta thường bày bán ở ngã bảy (tức giao lộ Lý Thái Tổ, Nguyễn Tri Phương và 3 tháng 2 bây giờ).

Tuổi thơ tôi là ngày mùng hai tết, ba gò lưng đạp chiếc xích lô chở má tôi và bốn đứa con nhỏ từ nhà ra tận trung tâm thành phố rồi vào Sở Thú để anh em tôi được tận mắt nhìn thấy “con voi có cái vòi đi trước”, xem “con công hay múa” hay xem con cọp dữ tợn ra làm sao. Rồi ba lại gò lưng, mồ hôi nhễ nhại nhưng miệng luôn nở nụ cười hạnh phúc chở má con tôi đi dọc con đường Tôn Đức Thắng rợp bóng cây, ngang qua nhà máy đóng tàu Ba Son nơi ba đã từng làm việc. Cứ thế chạy dọc theo Bến Bạch Đằng, qua cầu Khánh Hội sang Bến Nhà Rồng rồi quay trở lại đường hoa Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành trước khi về lại khu xóm nghèo lẫn trong vườn ngâu xanh rì.

Tuổi thơ tôi là những ngày ôm chiếc cặp cũ lấm lem màu mực tím, đi bộ trên con đường đất ngoằn ngoèo để đến trường dù trời mưa hay trời nắng.

Và còn nhiều, nhiều điều nữa mà mỗi khi nhớ lại đều khiến tôi cảm thấy yêu thương tuổi thơ của mình vô cùng.

Thế đấy, ai cũng có một tuổi thơ. Và tuổi thơ của mỗi người thường gắn liền với một vùng đất, một mái nhà cùng với những người thân yêu và những người bạn trong cùng khu xóm nhỏ.

Có một điều rất lạ là khi tôi còn nhỏ, tôi luôn ước ao mình lớn thật nhanh để có thể tự do làm điều mình muốn mà không bị ai cản trở hay ngăn cấm. Nhưng khi tôi thật sự trở thành người lớn, thật sự được tự do làm điều mình muốn thì tôi lại ước gì mình nhỏ lại như những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư không vương chút toan tính của cuộc đời mà hàng ngày tôi vẫn thường nhìn thấy nơi ngôi trường tiểu học đối diện nhà tôi ở bên kia con đường. Bởi lẽ “Có những ký ức quá đẹp, đẹp đến nỗi một lúc nào đó trong đời, khi nhớ lại ta bỗng băn khoăn không biết có phải nó đã từng thực sự xảy ra hay chỉ là một giấc mơ, một tưởng tượng, một khát khao đã vô tình ăn sâu vào tiềm thức?” – Trích “Kìa thôn quê, dưới trăng vàng” – Những lối về ấu thơ.

Và tôi đã đọc “Những lối về ấu thơ” của hai tác giả Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy cũng vì cái lẽ ấy.

“Những lối về ấu thơ” là cuốn sách khổ nhỏ và khá mỏng, bao gồm nhiều bài viết ngắn là những câu chuyện khác nhau về tuổi thơ của chính tác giả. Trong tác phẩm này có không ít câu chuyện được trình bày chưa hết ba trang giấy nhưng lại chứa chan bao cảm xúc về những tháng ngày êm đềm bên người thân, bên cha mẹ, bên anh chị tại một khu xóm ở Sài Gòn hoa lệ hay tại một ngôi làng ven biển nào đó ở dải đất miền trung thân thương.

Khi đọc tác phẩm này, tôi đã phải cố gắng đọc thật chậm và ngẫm thật lâu bởi tôi sợ rằng nếu tôi đọc nhanh quá có thể tôi sẽ bỏ qua những câu, những từ, những chữ tràn đầy yêu thương và trân trọng mà tác giả đã trìu mến dành cho quãng đời ấu thơ của mình.

Họ, một người lớn lên ở thôn quê, một người sinh ra nơi phố thị. Họ có những ký ức khác nhau nhưng cùng chung một nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi về những ngày đã cũ.

Tôi, dù hiện tại chưa ở độ tuổi của họ để mà hoài niệm, để mà nhớ nhung chuyện ngày xưa nhưng cũng đã bắt đầu bước vào độ tuổi hay nhớ lại chuyện ngày xưa.

“Những lối về ấu thơ” dù không mang tôi về với ấu thơ của chính tôi nhưng đọc những câu chuyện về thuở ấu thơ của họ, tôi như được thấy lại đâu đó hình ảnh của mình dù rằng khoảng cách tuổi tác giữa tác giả và tôi có lẽ là cả một thế hệ hoặc hơn. Và tôi tin là với những người đọc khác cũng vậy. Bởi lẽ, dù khác nhau như thế nào thì tuổi thơ của chúng ta vẫn có những nét chung tương đồng.

“Hồi nhỏ ăn cái gì cũng ngon.

Câu nói thường nghe của nhiều người nhận rằng đã nếm đủ cao lương mỹ vị năm châu bốn bể. Câu nói đó chân thành, không phải làm dáng. Nhưng khi có dịp thấy lại những món ăn hồi nhỏ bày ra trước mắt, chắc hầu hết sẽ lắc đầu.” – Trích “Quà vặt”.

Quá đúng.

Tôi chắc là hồi nhỏ ai cũng có những món ăn khoái khẩu của riêng mình và tùy vào từng giai đoạn thời gian mà những món ăn đó có thể sẽ khác nhau. Đối với những đứa trẻ thời nay, khi hỏi chúng thích những món ăn nào thì thực đơn có thể là gà rán, là phô mai que, là bánh tráng trộn, là bánh snack, là trà sữa trân châu, là trà chanh …

Riêng tôi, hồi còn nhỏ thích nhất là món bánh “lỗ tai heo” giòn rụm, ngọt ngọt lại có hương thơm của mè, là món bắp rang có vị hơi mặn đựng trong mấy cái túi làm bằng giấy báo cũ hay giấy tập cũ, là mấy cái cùi (lõi) thơm bôi đầy muối ớt, ăn vào giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn lại cay xè vị ớt.

Hồi nhỏ, ăn mấy món đó sao mà ngon đến lạ. Lớn lên, tôi thỉnh thoảng cũng mua bịch bánh “lỗ tai heo” về nhà nhâm nhi mỗi khi đọc sách nhưng lại không còn cảm thấy ngon như hồi nhỏ nữa.

Sao lạ vậy kìa?

Bởi “… Những món ăn yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn”.

Và vì thế “… đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ của chúng ta, những món quà vặt.” - Trích “Quà vặt”

“Quà vặt” là một dẫn chứng mà tôi muốn nói ra đây để chứng minh điều tôi đã nói ở trên. Dù khác nhau như thế nào thì tuổi thơ của chúng ta vẫn có những nét chung tương đồng.

Ngoài quà vặt, khi “lang thang” trong những lối về ấu thơ của tác giả, tôi còn bắt gặp vô số những điểm khác nữa rất giống với tuổi thơ của mình.

Tôi là một người con của vùng đất Sài Gòn được sinh ra sau khi đất nước đã thống nhất. Tôi đã nhìn thấy sự đổi thay và phát triển của thành phố qua những tòa cao ốc đang mọc lên từng ngày. Tòa nhà được xây sau lại cao hơn tòa nhà được xây trước đó vài mươi tầng. Đường phố ngày càng đẹp hơn. Những tuyến đường trải nhựa được mở nhiều hơn về tận những huyện xa xôi như Củ Chi, Cần Giờ. Sài Gòn ngày nay có đường hầm Thủ Thiêm chạy dưới lòng sông lớn nối liền hai quận trung tâm, có tòa nhà Bitexco được thiết kế như một búp sen vươn cao lên bầu trời, có đại lô Đông Tây nối liền hai vùng kinh tế trọng điểm … Sài Gòn thật sự là một thành phố hiện đại.

Nhưng có lẽ vài mươi năm nữa, những tòa nhà cao tầng, hầm vượt sông, đại lộ Đông Tây rộng rãi, thông thoáng sẽ trở nên hết sức bình thường dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Và cũng có lẽ tất cả sẽ trở thành hoài niệm của tôi về Sài Gòn mỗi khi tôi nhớ về nó cũng giống như tác giả mỗi khi nhớ về Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Say mê bước trên những lối về ấu thơ của tác giả, tôi như được thấy lại một Sài Gòn xưa hết sức sinh động và thân thương trong từng mảng ký ức.

Sài Gòn trong hoài niệm của tác giả là những chiếc đĩa Limoges được còm măng từ bên Pháp, là bến xe taxi mui bầu màu xanh, là hiệu sách Khai Trí của ông Khai Trí hiền hòa và đôn hậu, là rạp chiếu phim Rex, là vào quán Brodard ăn bánh patechaud, là khu chợ Lớn bày đầy câu đối đỏ và đầu lân mỗi khi xuân về, là những bài hát theo giai điệu disco thịnh hành thời đó và cả hình bóng của những giai nhân một thời.

“Khác với nét đài các của các thiếu nữ Hà Nội hay vẻ thùy mị thướt tha của con gái Huế, những thiếu nữ Sài Gòn luôn gây ấn tượng bởi sự trẻ trung và tự tin.

… Tuy vậy, đừng đánh giá sai lầm về họ nếu chỉ nhìn bề ngoài. Những thiếu nữ Sài Gòn xưa có thể ngồi ăn hàng ngoài đường rất hồn nhiên nhưng cử chỉ không hề suồng sã. Họ cũng có thể ăn mặc thoáng mát với quần short, áo không tay hay jupe ngắn nhưng không có nghĩa là chơi bời buông thả. Họ có thể không ngại chạy thử một loại xe mới, đánh tennis, bơi thuyền, thậm chí tham gia một trận đá bóng nhưng không hề tỏ mình là “có cá tính”. Họ dễ bắt chuyện nhưng không dễ làm thân, rất cởi mở vui vẻ khi làm quen nhưng không dễ “cưa đổ” như nhiều chàng tưởng bở.” – Trích “Những giai nhân một thuở”.

Nói thật là bản thân tôi vô cùng thích thú khi đọc những nhận xét của một chàng trai Sài Gòn về các thiếu nữ Sài Gòn xưa. Dù thời gian chảy trôi, cảnh cũ người xưa ai còn ai mất nhưng những đặc điểm trong tính cách chung của các cô gái Sài Gòn vẫn vậy. Là một cô gái Sài Gòn, tôi có thể khẳng định điều này.

Sài Gòn là một vùng đất quần cư từ thuở hồng hoang mới xây làng lập ấp cho đến tận ngày nay. Nhiều người đã đến Sài Gòn và xem nó như quê hương thứ hai nhưng cũng có người đến rất nhanh rồi ra đi cũng vội bởi ngoài vẻ hào nhoáng bên ngoài, Sài Gòn còn mang trong nó nhiều vấn đề mà bất kỳ một thành phố đang phát triển nào cũng gặp phải như tệ nạn, mất cân đối, khoảng cách giàu nghèo, sự lạnh nhạt, lòng đố kỵ, cạnh tranh khốc liệt …

Chính những điều này đã khiến một số người cảm thấy Sài Gòn thật đáng sợ. Nhưng với tôi, một người Sài Gòn sống trong một khu lao động nghèo mà phần lớn là dân nhập cư từ các tỉnh miền trung và miền bắc thì tôi lại nhận thấy số lượng người “sợ hãi” Sài Gòn không đáng là bao so với số người dành tình cảm mến yêu dành cho vùng đất chỉ có hai mùa mưa nắng này. Bởi Sài Gòn luôn hiền hòa, dung dị như tác giả đã chia sẻ trong “Những lối về ấu thơ”.

“… Tôi cám ơn Sài Gòn vì đã không cho tôi gặp “ngọn xanh ngọn đỏ” ngay từ buổi ban đầu, không làm một “người nhà quê” như tôi bị khớp trước vẻ hào nhoáng của buổi đêm đầy đèn hay những con đường chen chúc xe cộ. Bao nhiêu năm qua, buổi sáng chạm mặt thành phố phồn hoa này vẫn vẹn nguyên trong tôi như cũ. Đôi khi, nhờ ký ức đó mà tôi thấy chốn này không hề xa lạ, dù nhiều khi nó cũng khiến tôi mệt mỏi. Bởi tôi biết rõ Sài Gòn vẫn (từng) có một khuôn mặt khác, chất phác, bình yên, gần gũi và trong trẻo.” – Trích “Tết của sớm mai”.

Sài gòn nay.jpg

Sài Gòn về đêm (Tòa nhà tài chính Bitexco)

Chậm rãi dạo bước trong những hoài niệm của tác giả về những ngày đã qua, ngoài một Sài Gòn phồn hoa, thanh lịch, một vùng quê nghèo ven biển đầy cát và nắng vàng, tôi còn bắt gặp rất nhiều những mảng ký ức tuổi thơ của họ gắn liền với những người ông, người bà, người cha, người mẹ, người anh, người chị hay thậm chí là cô giúp việc nhà hàng xóm, là anh bạn thích sơn mào gà rồi lớn lên hy sinh nơi chiến trường Tây Nam, là ông “cu Khanh” không chút ruột thịt nhưng năm nào cũng là người đầu tiên vào nhà xông đất ngày đầu năm mới … Và tôi biết, chính những con người bằng xương bằng thịt ấy đã khiến tuổi thơ của họ và cả của tôi nữa càng thêm sinh động và không thể quên.

Trong một lần vô cùng hiếm hoi, một cô bạn cùng xóm định cư ở nước ngoài về thăm quê hương nhân dịp tết nguyên đán, tôi và những người bạn thuở ấu thơ của mình đã có một buổi cà phê chiều, cùng nhau hàn huyên chuyện hồi nhỏ. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện rôm rả của chúng tôi bỗng chùng xuống vì tiếng thở dài hối tiếc về điều gì đó mà ngày xưa mình đã bỏ lỡ cũng giống như tác giả đã chia sẻ.

“Tôi đã ngồi xem bà làm món nem ấy suốt những cái tết thời thơ ấu, nhưng đáng buồn là không chịu quan sát kỹ. Các dì và mẹ tôi cũng vậy, bởi cứ nghĩ rằng công thức chung là đơn giản. Chính vì vậy mà không chịu hỏi kỹ các công đoạn thái thịt, trộn, gói, tỉ lệ thịt, bì, thính chính xác ra sao. Vì vậy mà khi bà mất, món nem cũng thất truyền. Mẹ tôi nhớ mang máng cách làm, tết năm nọ quyết tâm gói thử nhưng chỉ một lần rồi thôi vì ai cũng nhận ra là khác xa món nem bà làm ngày xưa. Ngồi bên mâm cơm ngày cuối năm, cả nhà ngậm ngùi nhớ ông, nhớ bà, nhớ món nem bì ngon tuyệt mà ứa nước mắt. Biết bao điều vì tưởng đơn giản mà chúng ta vô tình bỏ qua để rồi một ngày nào đó nó vuột mất, chẳng thể níu lại.” – Trích “Mộng đinh lăng”.

Đọc những dòng này khiến tôi nhớ ông ngoại của tôi quá đỗi.

Hồi đó, ông ngoại tôi chuyên trồng ngâu để lấy hoa bán cho các cơ sở chế biến trà. Vào mùa ngâu trổ bông, tôi và mấy đứa em họ cũng mang theo thúng, lấp xấp chạy theo má và mấy dì vào vườn hái hoa ngâu về cho ông ngoại phơi khô.

Hoa ngâu là loài hoa có hạt nhỏ li ti, nở từng chùm và có màu vàng tươi. Hoa ngâu trong vườn nhà ông ngoại có hai loại là ngâu tàu và ngâu dây.

Hoa ngâu tàu.jpg

Hoa ngâu

Hoa ngâu tàu hạt to, hương thơm dịu và dễ hái còn hoa ngâu dây hạt nhỏ, hương thơm đậm hơn, dai hơn nên khó hái.

Sau khi hái hoa về, phải chà nhẹ để tách riêng phần hoa và phần cuống. Sau đó, sàn nhiều lần để chắc chắc là không còn lẫn những sợi cuốn nhỏ rồi trải hoa ra những cái nia lớn làm bằng tre, phơi mấy nắng cho đến khi màu vàng tươi biến thành màu nâu như mật ong, hoa khô và thơm là đạt tiêu chuẩn có thể đem đi bán.

Công việc chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng không dễ làm chút nào vì nếu không có bí quyết và không để ý kỹ, khi phơi có thể phơi quá nóng hoặc quá nhiều khiến hoa giảm mùi thơm và có màu không đẹp, bán không được giá cao.

Cả đám con cháu không ai thèm quan tâm ông ngoại sàn hoa như thế nào, trải hoa ra nia phơi ra sao, phơi mấy nắng thì hoa mới thơm … để rồi khi ông ngoại mất, trong gia đình chẳng còn ai có thể làm ra những thúng hoa ngâu thơm lừng mà các cơ sở trà thường tranh nhau mua như thời ông ngoại còn sống.

Vườn hoa ngâu sau đó cũng bị chặt dần nhường chỗ cho những ngôi nhà mọc lên san sát. Và đến một ngày, trong khu vườn ngâu rộng lớn của ông ngoại chẳng còn một gốc cây ngâu nào, chẳng còn những chùm hoa ngâu màu vàng tươi tỏa hương thơm dìu dịu như trong ký ức tuổi thơ tôi nữa mà thay vào đó là những dãy nhà ống bằng bê tông cốt thép vô hồn và lạnh lẽo.

Tác giả hồi tiếc vì ngày xưa không học cách làm món nem bì của bà ngoại thì tôi cũng thấy buồn vì hồi đó không hỏi ông ngoại cách phơi hoa ngâu. Nhưng tác giả vẫn hơn tôi vì ít ra tác giả còn có hai cây đinh lăng bên hông nhà để mà nhớ, để mà hoài niệm về người bà thân thương của mình. Còn tôi, cho đến tận bây giờ, khi tôi đã đi khắp các quận, huyện ngoại thành của Sài Gòn cũng chẳng thể tìm thấy một cây hoa ngâu nào để mà thương, mà nhớ về ông ngoại của tôi. Bởi lẽ thời nay, chẳng ai còn trồng ngâu để lấy hoa ướp trà nữa vì hương liệu đã bán đầy chợ và có thể dễ dàng mua được như mua bó rau, con cá.

Thỉnh thoảng có dịp đi ngang khu chợ Lớn, nơi được xem là Chinatown của Sài Gòn, thoáng nghe một giọng hát cao vút, eo éo đặc thù của nghệ thuật Kinh kịch phát ra từ chiếc máy hát đĩa của một cụ già người Hoa hoài cổ nào đó hay ngửi được mùi nồng nồng, mặn mặn của trái cà na muối theo kiểu Triều Châu là tôi lại nhớ đến ông ngoại tôi – một người đàn ông đến từ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai.

Không có cây ngâu và hoa ngâu để nhớ ông ngoại, tôi đành tìm những ký ức khác để mà nhớ về ông vậy.

Hồi nhỏ, bạn thích nhất là dịp nào trong năm? Ngày sinh nhật, nghỉ hè, Tết Trung thu, lễ Noel, Tết dương lịch hay Tết nguyên đán?

Dù tôi chưa từng thực hiện một cuộc thăm dò nào về vấn đề này nhưng cá nhân tôi thì cho rằng chắc chắn sẽ có hơn 90% người được hỏi sẽ trả lời là Tết nguyên đán.

Không biết những người khác thì sao nhưng với tôi và các anh chị em tôi, hồi nhỏ đều thích nhất là ngày Tết nguyên đán vì chỉ có vào dịp ấy chúng tôi mới được sắm quần áo đẹp, được lì xì, được đi chơi, được chụp hình, được ăn những món ngon mà ngày thường sẽ chẳng bao giờ được ăn. Chính vì vậy mà trong ký ức của những người lớn về thuở ấu thơ của mình không bao giờ thiếu vắng những ngày tết với bánh chưng, bánh tét, mức gừng, dưa hấu, hoa đào, hoa mai.

“Một sáng tháng Chạp, khi vừa mở bừng mắt dậy, tôi bỗng nghe phảng phất trong không gian một mùi nồng nồng quen thuộc lắm. A, mùi củ kiệu. Không cần chạy xuống bếp, cũng biết mẹ đã mua liền mấy thúng củ kiệu về chuẩn bị ngâm chua. Cái mùi củ kiệu ấy còn vương bám mọi ngóc ngách trong nhà đến vài ngày sau. Qua các công đoạn ngâm, phơi, cắt … cho đến khi đã yên vị hẳn trong lọ, những củ kiệu trở nên trắng tinh, thơm ngon và hấp dẫn. Bắt đầu từ đó, tôi biết Tết đã cận kề.” – Trích “Trong lâu đài ký ức”.

“Những lối về ấu thơ” có khá nhiều bài viết về ngày xuân, ngày Tết.

Đó là ngày Tết của một người sống xa quê hương, là nỗi nhớ về những mùi hương đặc trưng không biết gọi tên là gì, chỉ biết nó luôn gợi lên nỗi nhớ tha thiết về cái Tết quê nhà.

Đó là ngày Tết của một người về thăm trường cũ sau hơn ba mươi năm, là những chậu mai vàng không phải đẹp nhất nhưng lại chứa bao hoài niệm về một thời đã qua trong “Trường cũ mai vàng”.

Đó là ngày Tết đầu tiên của một cô dâu mới nơi nhà chồng với nỗi nhớ về ngày tết bên cha mẹ và các em trong “Tết bên chồng”.

Đó là ngày “Tết của người già”, là những đêm giao thừa, bày biện bàn thờ ông thiên trước sân chờ đón thời khác chuyển giao năm cũ, năm mới.

Và đó là ngày Tết tại một vùng biển nghèo nào đó ở dải đất miền trung thân thương.

“Có người từng hỏi tôi Tết ở biển có gì? Tôi nói Tết ở biển chẳng có gì vui cả. Trời mùa xuân nhiều gió, lành lạnh. Nắng mùa xuân vàng dìu dịu rất đẹp. Và biển thì rất xanh. Nhưng biển không có hoa lá rực rỡ đua sắc khoe hương như phố núi. Cũng không có sự nhộn nhịp chen chân như phố thị …

Trong ký ức của tôi, Tết ở biển rất nghèo.

Tết ở biển chỉ có bong bóng bay. May mà còn có bong bóng bay.” - Trích“Những quả bóng bay về phía biển”.

Có một điều tôi không ưng lắm đối với quyển “Những lối về ấu thơ” là những bài viết về ngày Tết và những ngày giáp Tết. Tôi không ưng là vì số lượng bài viết về chủ đề này được đưa vào sách quá nhiều khiến đôi khi tôi thấy trùng lặp về cảm xúc mặc dù mỗi bài viết có một nội dung khác nhau.

Như lời đề tặng ở đầu quyển sách “Để nhớ những ngày tháng êm đềm …”

“Những lối về ấu thơ” như một cỗ máy thời gian đưa tôi về với những ngày thơ ấu của mình. Dạo bước trên những lối về ấu thơ ấy, lòng tôi chợt xốn xang bao cảm xúc về những ngày đã qua nhưng chưa bao giờ cũ. Chính những hoài niệm êm đềm đó đã giúp tôi thêm yêu gia đình mình và xoa dịu những mệt mỏi sau những lúc nhọc nhằn vì công việc thường ngày.

Nhiều người nói, không phải ai cũng có một tuổi thơ êm đềm bên người thân và gia đình. Thậm chí, tuổi thơ đối với họ là những tháng ngày dữ dội.

Nhưng mà với tôi, tuổi thơ dù êm đềm hay dữ dội, dù tràn ngập tiếng cười hay đong đầy những giọt nước mắt buồn tủi, dù ấm áp hay cô đơn thì tuổi thơ vẫn là quãng thời gian ta nên nhung nhớ vào bất cứ lúc nào có thể. Bởi lẽ, đó chính là bước xuất phát đầu tiên của cuộc đời ta, mà cái gì là đầu tiên thì bao giờ cũng có va vấp, có vui, có buồn.

Đối với những người có một tuổi thơ dữ dội, tôi tin rằng, trong một lúc nào đó dù là ngắn ngủi hoặc thậm chí chỉ một khoảnh khắc, họ chắc chắn cũng có những ký ức êm đềm về tình thân, tình người và sự yêu thương.

Ấu thơ ơi, mình nhớ “cậu” biết bao?

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên