Chương 1.2: “Em ơi… Cho anh xin số điện thoại!”
Sáng sớm, Hạ đã lỉnh kỉnh sketchbook cùng máy ảnh ra khỏi nhà.
Hà Nội vẫn những cơn gió hanh hao của mùa thu. Đi bộ qua gánh hàng bán bún riêu của một người đàn bà đã chững tuổi, Hạ tạt vào lề đường, ăn một bát ấm bụng. Nụ cười trên môi người đàn bà bán bún khắc khổ đến độ, nó làm cô không dứt ra được.
Hà Nội trong tuổi thơ của Hạ khác với Hà Nội bây giờ, dù ở đâu đó, vẫn những ngôi nhà cổ kính xập xệ. Cô vẫn nhớ mang máng, dù không rõ ràng, nhưng Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm, cùng với thời gian.
Người đàn bà ấy vẫn cười, tay thoăn thoắt múc nước lèo trong chiếc nồi sôi sục. Hạ thấy đâu đó, cả sự trống trải của những năm tháng về trước, dưới một chiều mưa tháng mười, Hạ cùng một người nào đó tấp vào lề đường, ăn vội bát bún riêu.
Đấy, cũng chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi Hạ trầm ngâm như thế.
Mười giờ. Chụp choẹt cả buổi sáng được vài bức ảnh ưng ý, Hạ tạt vào café, lôi sketchbook ra vẽ. Hạ hay vẽ vào những lúc cảm xúc lên cao nhất, để cho những nét vẽ của mình trở nên thật với chính bản thân mình.
Café Hạ Nắng nhìn ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tấp nập, Hạ vừa gõ tay vừa phác lên giấy hàng cây xanh trước mặt. Chủ quán mở một bản piano chậm và buồn, nỗi buồn thôi thúc tay cô đi những nét vẽ mạnh mẽ, mà đôi lúc, nhìn lại, Hạ cũng thoáng giật mình.
Những lúc thế này, Hạ thấy nhớ Quân da diết. Dù đã quá xa để trở lại những ngày tháng ấy, nhưng mỗi lần nghĩ về chàng trai có đôi mắt sâu và lặng lẽ, tim cô lại chẳng kìm được, nhói lên.
Bỗng điện thoại reo làm Hạ giật mình, chẳng nhìn ai gọi, cô vừa vẽ vừa huơ tay trượt trên màn hình điện thoại. Đằng hắng rồi tươi tỉnh áp điện thoại vào má, kéo dài giọng:
- Alôôôô?
Vừa dứt, Hạ đã nghe tiếng Uyên sang sảng:
- Lô lô cái tô chứ lô. Mày đang ở đâu đấy?
- Ơ… Đang Hạ Nắng.
Uyên lần này gào lên, Hạ có thể hình dung ra, nếu giờ cô mà ở cạnh Uyên thả nào cô nàng cũng nghiền nát cô ra làm nước ép.
- Hạạạạạ. Mày muốn chết không?
- Ơ… - Hạ ú ớ, mặt vẫn đần ra chẳng hiểu gì.
- Mày về ngay đây cho tao, nửa tiếng, nhanh!
- Ơ khoan đã… Này! Này…
Hạ tối mặt nhìn điện thoại, Uyên đã dập máy từ bao giờ.
Dù vẫn chưa hiểu cái quái gì đang xảy ra cả, thế nhưng chẳng mất nhiều thời gian để Hạ đấu tranh tư tưởng nên về hay không về. Đến Huy còn phải nghe lời Uyên răm rắp, lí nào cô lại không sợ. Nhất định là phải cuốn gói về rồi.
Thế là, Hạ tiếc rẻ nhét sketchbook vào ba-lô, tức tốc trả tiền café, leo xe buýt về trước khi có một cuộc gọi “tử thần” sẽ bay vù đến điện thoại.
Nhưng khi đã yên vị trên xe buýt, Hạ mới nhận ra một điều cay đắng rằng, cô chẳng biết Uyên đang ở đâu cả.
Mở điện thoại định gọi cho Uyên, Hạ bất ngờ nhìn lịch, vài giây ngắn ngủi đủ để cô nhận ra rằng, hôm nay là ngày mười hai tháng mười, là ngày huy hoàng trong lịch sử, ngày mà một mụ la-sát ra đời.
Nuốt nước bọt “ực” một tiếng , Hạ vội vã xuống xe buýt, ghé tiệm bánh An Yên mua ngay một cái bánh kem bắp bự, tự tay viết lên mặt bánh dòng “Chúc mừng sinh nhật chị dâu! ^^” bằng socola. Xong xuôi, cô lại nhảy lên xe buýt tiếp, chắc chắn giờ này Uyên đang ở Chuông gió, cùng với Huy.
Hạ đến Chuông gió khi đồng hồ trên tay điểm mười một giờ ba mươi. Tiếng chuông gió trước cửa kêu leng keng. Hạ đẩy cửa bước vào. Không khó để cô nhận ra cái đầu nhuộm màu hạt dẻ ngăn ngắn đến vai của Uyên cùng mái tóc bù như tổ quạ của ông anh họ.
- Hù!! – Đặt cái hộp bánh lên bàn, Hạ nhe răng cười toe toét.
Uyên sau vài giây đứng hình vì giật mình bỗng tối sầm mặt mũi, tuôn ra một tràng:
- Cái đồ con lợn. Mày lại quên sinh nhật tao nữa chứ gì. Mỗi năm có một lần mà tao chưa thấy năm nào mày nhớ nổi sinh nhật tao.
Hạ bĩu môi, phụng phịu:
- Ai bảo, năm kia tao nhớ nhé, cấm cãi, tao còn giúp ông Huy chọn quà cho mày nữa đấy.
- Mày thích ăn đòn à? – Uyên dư dứ nắm đấm, hất cằm với Hạ.
Hạ nhăn mặt, rồi lại cười toe, vờ vịt nép sau Huy:
- Trời ơi… Anh thấy không, chị dâu còn chưa về nhà đã bắt nạt em rồi kia kìa, về dậy lại vợ đê.
Huy cười khà khà, cốc đầu Hạ một cái:
- Mày làm anh mất mặt với chị dâu quá thể rồi đấy! Ơ… Mà gì thế? Mày đừng nói với anh là mày lại mua bánh kem đấy nhớ? – Huy nhìn hộp bánh trên bàn rồi bỗng, cả Huy và Uyên không hẹn mà cùng nhìn nhau, thở dài thườn thượt, chỉ thiếu dán hai chữ “ngán” trên mặt.
Trước chữ “lại” cùng với cái thở dài chán chường của Huy, Hạ cười ái ngại. Chả là, nếu tính đến năm nay, Huy và Uyên yêu nhau được bảy năm thì sáu năm sinh nhật Uyên, Hạ đều quất kem bắp tới bến, năm nào cũng như năm nào, đều tăm tắp.
Hạ kéo ghế ngồi xuống cạnh Uyên, lại nhe răng nhăn nhở:
- Thôi, hôm nào tao bù, nhá nhá! – Hạ nói là nói thế thôi, chứ đợi bù của cô á? Có mà đợi đến kiếp Tây đen.
Uyên liếc mắt gầm gừ:
- Mày cứ liệu cái thần hồn đấy!
Thế là sau đó, lại một màn tưng bừng phá bánh kem hệt như những năm trước, Hạ ăn quá nửa, còn nửa non mà hai vợ chồng chưa cưới nhà kia ăn mãi chẳng hết. No căng bụng, Hạ nhảy lên xí một chân đánh đàn của chị chủ quán xinh đẹp, nhe răng cười rồi ngồi xuống đàn khúc “Happy birthday” mà chính xác là cũng sáu năm liên tiếp, cô chỉ đàn duy nhất có một bài.
Uyên phì cười nhìn Hạ hào hứng đánh đàn, nhân lúc ấy, Huy bất ngờ lồng vào tay Uyên một chiếc nhẫn. Mặt anh đỏ bừng, ghé tai Uyên thì thào:
- Uyên này, lấy anh nhé?!
***
Thế là sau đó ba tháng, vào một ngày đẹp nắng của tháng Một. Uyên chính thức lên xe hoa về nhà chồng. Và Hạ, dù khi Uyên và Huy yêu nhau luôn miệng gọi chị dâu thì giờ lại mếu máo không chịu. Cô suốt ngày than ra vãn vào, rằng thì là mà gọi Huy là anh đã là một sự “thiệt thòi lớn lao”, thế mà giờ, cô lại phải gọi bạn thân của mình bằng chị. Cô không chịu, không thể chịu được…
Hôm đám cưới Uyên, Hạ đặc cách được làm cô dâu… phụ.
Mới sáng bảnh mắt, điện thoại đã réo ầm ầm. Hạ đạp bay chăn, lồm cồm bò dậy. Chưa đâu vào đâu đã bị Uyên nhanh chóng lôi đi chuẩn bị, trang điểm rồi làm tóc. Mà Hạ thì đời nào đến giờ, chỉ có mặt gỗ trơ trơ ra suốt, có trang điểm làm tóc làm tai gì đâu. Lúc được ngồi xuống bàn trang điểm trong tình trạng ngáp liên hồi, cô đã tính là mình sẽ oánh một giấc cho đến trưa lòi thì thôi. Nhưng khi có người cứ vặn vẹo đầu mình như rô-bốt, Hạ lại chẳng thể ngủ nổi một khắc nào.
Trong khi Uyên thì luôn miệng chỉnh cái này cái kia, Hạ vẫn mặt ngẫn ra nhìn mình trong gương. Thứ đầu tiên khiến cô muốn hét lên là tóc. Hạ đã lưng tròng nước mắt rằng mái tóc xinh đẹp đã gắn bó với cô mấy năm, thế mà hôm nay, cùng với lời tuyên bố hùng hồn của Uyên rằng: “Chị làm sao thì làm, miễn là đẹp là được.” thì trong lúc cô còn ngáp ngủ, “bà chị” ẻo lả đã cắt xoẹt nó đi, thay bằng mái tóc ngang vai giống Uyên và còn được cấp thêm tí màu đo đỏ. Sau đó là đến mặt với làn da nâu mịn màng khỏe khoắn của Hạ, có gì là xấu đâu? Thế mà “bà chị” ẻo lả cứ cố gắng chét lên mặt cô cả tấn kem, quét đi quét lại, hết hồng rồi đến trắng. Hạ bậm môi, chịu đựng, cố gắng chịu đựng…
- Này! Bé, mở miệng ra mới son được chứ?
Thế là, Hạ khóc thật.
Sau mấy tiếng chật vật bôi phấn trát son lên mặt và thí đi không biết bao nhiêu tóc, tác phẩm nghệ thuật của “chị” ẻo lả và đàn em cũng hoàn thành.
Tóc của Uyên được búi cao lên, trên đầu còn đính vài bông phong lan trắng. Uyên hôm nay, dịu dàng khác hẳn với nét cá tính hằng ngày. Đôi môi đỏ tươi màu mào gà lại mọng như mật ong, nói chung là cô dâu xinh đến nỗi theo Hạ, nếu mà cô là đàn ông con trai, nhất định cô sẽ hốt ngay, không để Uyên lọt vào tay thằng nào sất.
Đấy là chưa kể đến, khi soi gương, Hạ cũng xinh đẹp chẳng kém gì cô dâu. Mái tóc ngắn làm cô đã năng động lại càng năng động hơn. Đôi mắt được viền đen thêm to tròn, đôi môi được tô hồng xinh xinh. Và hơn hết là là da tay với da mặt của cô, so ra một trời – một vực.
Nhưng từng ấy vẫn chưa đủ để nói hết “vất vả” của Hạ trong ngày Uyên cưới, cơn ác mộng kinh hoàng nhất đối với cô là đôi giày cao gót mười hai phân. Hạ thề là khi trèo lên nó, cô chỉ muốn quẳng nó đi ngay tức khắc. Cái cảm giác đi trên giày cao làm cô thấy nó không thật, và trên nữa, đó chính là nguy cơ mà chỉ cần bất cẩn tí tẹo thôi, răng với môi của cô sẽ "hòa trộn" làm một. Cuối cùng, sau cả buổi huấn luyện gắt gao của Uyên, Hạ tạm thời trèo lên được đôi giày mười hai phân ấy.
Đám cưới của Huy và Uyên rất rất bình thường, họ hàng nhà nội, nhà ngoại đông đủ. Cô dâu chú rể thì chẳng giống ai, cười toe toét. Ngán ngẩm nhất là anh chàng rể phụ. Mặt thì cũng điển trai mà cứ trơ trơ ra, lóng nga lóng ngóng. Hạ, nếu không phải cô đang trong vai một nàng phù dâu xinh đẹp và duyên dáng, cô đã quay ra choảng cho anh ta một trận rồi.
Tiệc tàn, Hạ cũng mệt mỏi. Cuối cùng cô cũng thực hiện được ước nguyện lớn lao, quẳng đôi giày cao gót đi. Đi đôi dép lào mà sáng nay, trong lúc mắt nhắm mắt mở Hạ thó được của bố. Nhảy lên chiếc vespa đỏ, cô định phóng về nhà để tắm rửa rồi đi đánh chén ca hai với cô dâu chú rể thì bất chợt, anh chàng phù rể từ đâu chạy ra, anh ta gãi gãi đầu nhìn Hạ rồi lắp bắp:
- Em ơi… Cho anh xin số điện thoại!
Hạ đơ ra mất mấy giây, nhìn anh chàng trước mặt rồi lại nhìn quanh quẩn, cho đến lúc ý thức được người chàng ta xin số là mình, Hạ mới nuốt nước bọt “ực” một cái, lẩm bẩm:
- Anh hỏi em à? Nhưng mà em không dùng điện thoại.
Lần này đến anh chàng kia nhìn Hạ bằng con mắt ốc nhồi, nhưng rồi anh ta cũng chỉ cười ngơ ngẩn rồi gật gật đầu.
Hạ phóng xe đi, chẳng dám ngoái lại, không hiểu sao, với cái nụ cười chết ruồi kia cô lại chẳng mấy thiện cảm.
Thế nên, đáng lẽ ra, Hạ sẽ có một bữa ăn thịnh soạn cho một ngày “làm việc” đầy cực khổ của mình, nhưng cuối cùng, cô vẫn phải ôm cái bụng mốc meo ở nhà với lí do… đau bụng. Nhìn bố mẹ thì đi ăn tiệc nhà hàng, còn mình ở nhà trông nóc, Hạ chỉ muốn khóc. Nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cái mặt trơ trơ của anh phù rể, cô lại nhún vai, tự nhủ một bữa ăn thì chả nhằm nhò gì.
Mở máy tính lên Facebook cập nhật thông tin, Hạ thấy ngay dòng thông báo được ghim lên đầu của hội Diễn họa mà cô tham gia sẽ off vào cuối tháng 2 ở Sài Gòn. Hạ xị mặt. Thế nào mà mọi năm đều off ở Hà Nội, tự dưng năm nay lại vào Sài Gòn nhỉ?
Hạ tham gia hội Art – Diễn họa thủ công hơn 50.000 thành viên của Hưng sau khi Quân thôi liên lạc. Lúc khủng hoảng tinh thần nhất, Hạ đã định nói với Huy và Uyên, nhưng cuối cùng, cô lại chẳng mở lời được.
Một mình ôm mộng vỡ, Hạ chẳng biết làm gì ngoài vẽ vời, thế mà chẳng biết từ bao giờ, những con người có khi còn chưa biết mặt lại để cho cho những ấn tượng tốt đẹp, dù đôi lúc, chỉ nói chuyện, chém gió với nhau bằng những con chữ chứ chẳng hơn.
Hưng ở ngay đầu phố đối diện, mở một lớp vẽ nho nhỏ nhưng kha khá thành viên, và Hạ cũng là một trong số ấy. Phải tham gia hội gần một năm trời, cô mới biết Hưng ở ngay chỗ mình, thế là từ than vãn bằng những con chữ, mỗi lần chán nản hay chẳng có gì làm, cô lại phóng xe sang lớp dạy – kiêm luôn chỗ ở trọ của Hưng, hò hét ầm ĩ. Mỗi lần như thế, anh lại cốc đầu Hạ, bảo cô láu cá quá, toàn bắt nạt người hiền như anh.
Hạ quý Hưng lạ. Lúc đầu, ấn tượng của cô về anh chỉ trong những buổi offline, đó là một chàng trai chất phác với nụ cười thật thà. Với nét vẽ cũng thật như con người anh, Hưng làm Hạ mê tít. Thế mà với nụ cười nông dân ấy, chàng trai mới hai mươi mấy đấy lại là chủ của cả một kho nghệ thuật. Không những thế, khi biết Hưng chẳng học đại học Mĩ thuật như mình mà học Nông lâm, Hạ phát hoảng, anh có cả một điền chè to bự trên Thái Nguyên, rồi chẳng hiểu sao lại xuống Hà Nội, mở cái lớp dạy vẽ bé tí hin như này. Nhìn vào “lịch sử dựng nghiệp” huy hoàng của Hưng trong khi anh chỉ hơn cô hai, ba tuổi rồi nhìn lại mình, cô chỉ im lặng, thở dài, cảm thấy đôi lúc cuộc đời quá đỗi… bất công. Cô chỉ ước ao rằng là mình sẽ có một công việc thích hợp. Thế mà kiếm đỏ con mắt cũng chỉ thấy mông mênh.
Mỗi lần nghe Hạ than thở về việc làm, Hưng lại phì cười bảo cô có cái tiêu chí việc làm quái lạ, người ta bây giờ chỉ muốn an yên thôi. Và mỗi lần như thế, Hạ lại lầm bầm rằng tại sao anh có cái điền chè to bự thế, muốn an yên còn xuống Hà Nội chen chúc làm gì?
Và sau câu hỏi ngây ngốc của cô, Hưng chỉ cười, chẳng nói.
Hạ nằm sõng soài trên giường, cái bụng mốc meo, vừa nghe nhạc vừa mếu máo. Nhạc nghe lên nghe xuống mà nhạc vẫn là nhạc, còn cái bụng rỗng thì vẫn rỗng tuếch. Đến khi dạ dày đánh trống ầm ầm, Hạ không chịu nổi liền nhảy xuống giường, ngó đầu ra, bên ngoài lành lạnh. Khoác tạm cái áo khoác, cô leo lên chiếc vespa, chạy ra đầu ngõ, định bụng kiếm gì đó lót dạ.