Tác giả: Higashino Keigo
Người viết review: Phương Hoàng
Người viết review: Phương Hoàng
---
Ảnh: Phương Hoàng.
Về chuyện cuốn này hay hơn hay Bạch Dạ Hành hay hơn, thì trong tất cả những người tôi biết đã đọc cả hai. Xác suất là 100% thích Bạch dạ hành hơn. Có thể là bởi đó đều là những người tôi thích và để ý, hoặc cũng bởi vì gu đọc của họ tương đối giống tôi, nên tôi cũng bị ảnh hưởng bởi họ một tỷ lệ phần trăm nào đó. Thế nên tôi đã lựa chọn cách đợi mấy tháng sau ngày đọc Bạch dạ hành mới đọc Nghi can X. Chỉ để tránh việc thấy Nghi can X nhạt. Việc này cũng dẫn đến một vài bất cập. Ví dụ như có muốn so sánh hai cuốn sách cùng tác giả cũng khó vì ấn tượng về Bạch dạ hành trong tôi đã phai đi ít nhiều. Ảnh: Phương Hoàng.
Nhưng trái với sự chuẩn bị kỳ công của tôi. Đối với tôi Phía sau nghi can X không hề nhạt. Về phong cách thì không giống Bạch dạ hành cho lắm, nhưng hai cuốn đều hay theo những cách rất khác nhau. Tôi thích thú trước những câu chuyện bên lề của Bạch dạ hành, thấy thoả mãn khi liên hệ hai nhân vật chính của Bạch dạ hành với nhau, dù cho bằng chứng họ có liên quan gần như bằng không. Điều này lại tương đối giống Nghi can X, chứng cứ chứng minh cho sự thật thực sự gần như không có, ý tôi là cho dù có, xác suất để người khác nhận định chúng có liên quan cũng gần như bằng không. Những sự thật không thể tưởng tượng được.
Nói ra cái điều trên tôi mới thấy có điểm chung giữa hai cuốn chung tác giả này. Ngoài điểm đó thì tôi chưa nghĩ ra điểm nào khác. Có lẽ vì lý do này nên hầu hết mọi người đều hoặc thích cuốn này hoặc thích cuốn kia. Tôi thì lại thích cả hai và chẳng thể xác định được cuốn nào hơn cuốn nào. Thế nên tôi mới rate hết cỡ, 5* cho tất cả.
*
Mặc dù suốt cả cuốn sách chỉ nói về toán học với logic, xác suất thống kê và vân vân những vấn đề mà bất cứ một người nào không ưa toán học có thể thấy mệt mỏi. Nghi can X vẫn gây nên một niềm hứng thú bất thường nơi tôi. Tôi tương đối thích học toán, nhưng không giỏi lắm ở bộ môn này. Thế nên ai thích toán thì nhớ note lại mà đi kiếm sách đọc. Cũng học được khối thứ đó. Ví dụ như trò ba điểm bốn màu hay bốn điểm ba màu gì đó của Ishigami, một chú thầy giáo cấp III dạy toán, cũng là một trong hai người có bộ não quái vật trong sách. Người kia là thiên tài vật lý, Yugawa(?) hơi nghi vấn tí vì tôi quên mất tiêu tên chú này rồi, cho dù thích chú nhất trong dàn nhân vật. Hai nhân vật này tư duy vốn đã khác thường, nên mấy đoạn họ đối chất nhau thì cứ tự tin là người đọc cũng phải mất ít chất xám để theo được. Đây là điểm thú vị nhất ở Nghi can X, cho dù cái đoạn bánh xe tôi đã đọc lại bốn lần mà vẫn chưa hiểu hoàn toàn. Plot twist cực tốt, bảo sao mấy người thích trinh thám ưa cuốn này hơn Bạch dạ hành. Logic của cuốn này nổi bật và liên kết các sự kiện một cách tuần tự theo một chuỗi. Nó tự nhiên lại làm tôi nhớ đến hình ảnh một đoạn phân tử ADN. Cho dù có vặn xoắn như thế nào hoặc có thay đổi một vài nucleotit đi nữa, thì bản chất sự việc vẫn không thay đổi.
Thông thường ít nhân vật thì đương nhiên phải lắt léo trong diễn biến. Trái ngược với điều đó ở Nghi can X, Bạch dạ hành có quá nhiều thông tin nên chưa gì người đọc đã bị lạc trong một mớ bòng bong. Chẳng có sự lắt léo nào ở đây cả, vì nguyên một đống người trong truyện đã đủ lắt léo lắm rồi. Và họ, người đọc ấy, sẽ tự phải phân loại xem thông tin nào là đáng quan tâm hoặc không đáng để ý. Logic của Bạch dạ hành khi thì nổi bần bật, khi thì lặn mất tăm như vậy đấy, không phải là nó không có đâu.
*
Cái kết của câu chuyện làm tôi không được thoải mái lắm. Tôi chả ưa gì cái cô Yasuko nên cô ấy thế nào không nằm trong mối bận tâm của tôi. Cái điều tôi muốn biết duy nhất là cô bé Misato sau này ra sao thì câu chuyện lại chẳng cung cấp gì cả. Bác Keigo có vẻ khoái việc đặt ra những câu hỏi không lời đáp nhể. Bạch dạ hành cũng vậy mà cuốn này cũng thế. Cháu không thích việc đó đâu. Cho dù có ra câu hỏi kiểu như vậy thì bác cũng phải cho cháu tí chút gợi ý đi chứ. Tính trừ điểm bác nhưng thôi. Cuốn sau mà còn vậy nữa là cháu nhất định sẽ trừ điểm bác đấy.
[Thực ra tôi cũng muốn kết bài review này deep một chút cơ, nhưng kết sách cụt quá thành ra lúc đọc xong tôi cũng chẳng nghĩ được cái gì. Vả lại đã quá lâu rồi tôi chả viết được cái gì tử tế nên cũng khó. Thôi đành vậy.]
T05/2016
Phương Hoàng.
Phương Hoàng.