Quán trọ ngoại thành tấp nập người…
Thuyết thư nâng chén sứ men xanh, trầm giọng kể lại câu chuyện giang hồ xưa:
“Ba năm trước, Tà Nguyệt Cung, Đoạn Trần Lâu, Vô Vi Môn và Nam Cương Vu Giáo là tứ đại phái trong giang hồ. Tương truyền rằng Tà Nguyệt Cung và Vô Vi Môn đối chọi nhiều năm, bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng. Đoạn Trần Lâu không lo chuyện thị phi giang hồ, một lòng tu tiên. Nam Cương Vu giáo thần thần bí bí, nhập quỷ xuất thần, chẳng bao lâu chỉ còn là truyền thuyết.”
Có người tiếp lời:
“Chắc các vị cũng còn nhớ Lâm Ngôn, Thẩm Tịch của Vô Vi Môn, đôi tỷ muội Lạc Tang, Lạc Quân Hoa của Đoạn Trần Lâu, Tằng Ninh của Tà Nguyệt Cung, còn có Mạn Đô Chi của Vu giáo. Tiếc thay một lứa anh hùng.”
Bát sứ bị nện một cái, phát ra âm thanh choang choang:
“Tằng Ninh mà xứng là anh hùng cái khỉ gì?”
“Phải đấy, Tà Nguyệt Cung chính là tà ma ngoại đạo không hơn.”
“Tiếc rằng ta sinh sau đẻ muộn, nếu không cũng nguyện sống còn với Tà Nguyệt Cung một phen.”
Mấy tay hán tử đều nhao nhao xen vào. Nhắc đến Tằng Ninh cứ như đụng phải u nhọt trên người, chỉ hận không thể nhổ cho hết tiền căn hậu họa.
Trên đầu cầu thang xuất hiện một người mặc áo bào trắng tuyết, mặt nạ vàng che nửa khuôn mặt. Người nọ trên môi còn vương ý cười, cất giọng từ xa – tiếng nói văng vẳng như tiếng đàn:
“Dám hỏi mấy huynh đài đây anh hùng luận thế nào?” Bạch bào nam tử nhấc tay để lộ chiết phiến đỏ thắm.
Mấy hán tử sửng sốt, đến cùng cũng không hiểu vị nam tử này không biết hay cố tình nói thế. Nhanh mồm nhanh miệng chen vào, thuyết thư cất giọng cười hì hì hòa giải:
“Tằng Ninh dĩ nhiên là nhân tài nhất đẳng trong võ lâm, nhưng vị huynh đệ này biết hay không? Ba năm trước, giang hồ nổi lên một trận sóng gió, nghe nói vì để chiếm đoạt Tỏa Hồn kỳ, hắn không màng ánh mắt người đời huyết tẩy núi Vô Vi, đến Lâm Ngôn và phu nhân cũng không may mắn mất mạng. Lạc Tang vì tiếc thương em gái đem quần hùng đi vấn tội Tằng Ninh. Người như Tằng Ninh tài cao mà nhân phẩm thấp, há có thể xem là anh hùng?”
“Đúng đấy!”
“Thứ nhân phẩm khuyết tật!”
Bạch bào nam tử vẫn giữ nguyên nét cười, ung dung thở dài:
“Hay cho hai chữ “vấn tội”. Giết thì nói là giết.”
Lúc này, cửa quán trọ xuất hiện một nam hài ước chừng mới chỉ sáu, bảy tuổi, quần áo hơi rách rưới, nhưng vẫn nhận ra là chất liệu tốt khó tìm, xem ra là người lưu lạc vì nạn đói phía Tây năm nay. Chủ quán vừa nhìn đã nhăn nhó khinh khỉnh:
“Con nhà ai thế không biết? Không có tiền đừng có vào đây, nhà này không bố thí.”
Nam hài không giận:
“Một bát mỳ thịt bò, làm phiền.”
Lão bản nguýt một cái thật dài rồi bỏ vào nhà bếp. Bạch bào nam tử nhìn thoáng qua đứa bé, bên tai vẫn là tiếng thuyết thư thao thao bất tuyệt:
“Vị huynh đệ này có điều chưa biết. Một tháng trước, võ lâm được tin Tằng Ninh xuất hiện trở lại, Tà Nguyệt Cung nay ngóc đầu dậy, chả biết chừng lại là một hồi tinh phong huyết vũ.”
“Ngữ như Tằng Ninh đáng ra phải róc thịt lột xương sao còn để sống trên đời làm gì?”
Bên cạnh có người thực căm phẫn, chăm chăm gán tội lên đầu Đoạn Trần Lâu, nói rằng Lạc Tang chưa dứt tình cũ, để tư tình xen vào việc công. Mọi người gật gù, câu chuyện bắt đầu trở nên bát quái, nào là thuật đoạt xá sống lại rồi thì chuyện tình năm xưa của Lạc Tang và Tằng Ninh.
Nam hài nhồm nhoàm ăn mỳ thịt bò, dỏng tai lên nghe, lại thấy lão bản xăm xăm chạy ra, vừa bợ đỡ rót trà vừa bình luận:
“Dẫu sao cũng là chuyện giang hồ đánh qua đánh lại chẳng tốt lành gì, người làm ăn chúng tôi chỉ mong yên ổn qua ngày, trường sinh gì đó thực không dám cầu. Có phải không tiên sinh?”
Bạch bào nam tử nghe người ta gọi mình là “tiên sinh”, ngậm cười một tiếng. Nụ cười nam tử xinh đẹp, lại ẩn chứa mị hoặc động lòng người khiến thuyết thư không khỏi trầm trồ:
“Đúng là ngọc thụ lâm phong, huynh đệ bỏ mặt nạ ra chẳng phải càng khiến người ta kinh diễm sao?”
Bạch bào nam tử qua loa nhấp một ngụm trà:
“Là nam tử cần gì khiến người ta kinh diễm. Huống hồ, trên mặt tại hạ có vết sẹo rất gớm ghiếc.”
“Có sẹo mới xứng là đại trượng phu!” Hán tử gật gù.
Mụ đàn bà đứng ưỡn bụng cả buổi trước cửa quán cả buổi sáng the thé chửi một tiếng. Vốn chả ai để ý đến mụ, mụ lớn tuổi, dáng vẻ lại chẳng nhu mì, thân thiện gì cho cam, ai ai cũng nhìn thấy mà ghét. Thằng bé ban nãy mồm đầy dầu mỡ bị mụ xách một bên tai. Hóa ra nam hài ăn xong định chuồn, trên người nó vốn dĩ chẳng còn đồng bạc nào nhưng vì đói quá nên làm liều. Đứa nhỏ nhìn cơ cực quá, ai cũng cho rằng mụ đàn bà nên coi truyện lớn hóa nhỏ mà tha cho nó, coi như tích đức. Nhưng mụ nào chịu, không có tiền còn muốn ăn ngon thì chỉ có ăn đòn:
“Thằng oắt con, không có tiền còn dám vào ăn? Nhà bà đây nào phải ăn chay mà sống? Có tin ta đánh chết thằng nhãi ngươi không?”
Vừa nói, mụ đàn bà vừa vươn cánh tay to uỳnh toan vả xuống. Nam hài giữ chặt tay mụ đến nỗi cần cổ gân xanh nổi lên từng mảng, tưởng chừng chỉ cần cắn một miếng là máu tươi phụt ra. Thằng nhóc thế mà khỏe, cẳng tay mụ đàn bà lại chẳng nhúc nhích nổi nửa phân. Lão bản thấy thế phát giận:
“Tao đã bảo thằng nhãi này chẳng có gì tốt lành.”
Lão bản xắn tay áo hùng hổ bước đến; cùng lúc đó, tiểu nhị cũng cầm gậy xồng xộc xông ra. Nam hài xoay người chạy. Khi này, trên lầu lại xuất hiện một tráng hán vài hùm lưng gấu, râu ria xồm xoàm:
“Á à, oắt con kia trông quen mắt quá nhỉ, chả phải thằng nhãi vừa chống đối ông đây ở Nhạn thành hôm qua sao? Trùng hợp đến vậy!”
Bốn mặt giáp địch, thằng bé không mở miệng van xin nửa lời. Nam nhân há lại vì miếng ăn mà cầu xin, trộm cướp thì nghe còn được… Nghĩ thế nam hài càng ngang bướng tợn, mắt nó trừng trừng chiếu vào tráng hán, rặt một vẻ căm thù.
Bạch bào nhìn đứa bé chăm chú tựa như thích thú lắm, y thích cái vẻ ngang ngược, ngỗ nghịch của thiếu niên. Đứa bé không phụ lòng kì vọng của nam tử, tên tiểu nhị quất nó một roi, nó liền chồm lên húc đầu vào ngực hắn. Tiểu nhị là một kẻ mảnh mai chỉ quen chạy việc vặt, bị húc một cái bằng hết sức bình sinh liền ngã xuống đất kêu oai oái. Thằng nhóc có cái vẻ ngoài ôm yếu ấy thế mà khỏe lạ, nó đoạt lấy cây gậy trong tay tiểu nhị chạy ra xa. Ba người kia nào tha nó dễ dàng vậy được. Mụ đàn bà sồn sồn tạt nó hết gáo nước này đến gáo nước khác. Thời tiết tháng mười hai khắc nghiệt không thể tả, thằng bé bị lạnh run lên, nhưng ánh mắt càng toát ra mười phần dữ tợn và căm hờn. Lão bản vươn tay túm tóc thằng bé. Nam hài gầm một tiếng như con thú hoang bị thương, thế là một gậy từ trên trời giáng xuống đập vào vai chủ quán. Chẳng biết xương có gẫy cái nào không, nhưng lão kêu lên một tiếng rõ thống khổ. Lão ôm vai ngồi phịch xuống đất, mặt cũng tím ngắt đi.
Hào hứng muốn dạy dỗ thằng nhóc “không nên thân” nhất phải là tên tráng hán kia. Bởi là người học võ, ra tay vừa nhìn là biết có khác biệt. Chưởng này mà hạ xuống e rằng gãy chân gãy tay là chuyện thường tình, huống hồ còn là xuống tay với một đứa bé, ai cũng nhìn ra gã quá phận nhưng chẳng muốn nhúng tay vào. Vài người bất bình nãy giờ quát một tiếng:
“Dừng tay!”
Nhưng chưởng đã xuất thì khó thu. Mặt bỗng tái xanh, thằng bé cảm thấy một luồng chưởng phong hung hãn ập tới như bài sơn đảo hải; nó dùng hết sức từ thuở vỡ lòng cầm cây gậy muốn liều tráng hán một phen nhưng có người còn nhanh tay hơn tất thảy. Bạch bào nam tử vừa nhẹ giọng cười một tiếng “Vị huynh đệ này…” vừa nhẹ nhàng lấy quạt đẩy cánh tay tráng hán lệch sang bên trái, vừa vặn người này thuận đà ngã nhào lên mụ đàn bà đang cầm dao thái thịt chạy lại. Cả hai kêu thé lên, tráng hán xoa cái lưng tê dại, dù sao cũng đã qua cái tuổi trai tráng khỏe mạnh rồi. Cả quán trọ thán phục hô vang, nam tử vừa ở chỗ này luận đàm thời thế vậy mà thoắt cái, người đã ở cách ba, bốn bàn trà, rành rành là một thân khinh công khó gặp. Thuyết thư trầm trồ:
“Ôi, vị huynh đệ này ra tay ung dung, chỉ một đụng chạm mà khiến nam nhân cao lớn thế kia ngã nhào!” Y vỗ tay loạn xạ tựa như phấn khích lắm.
Nam hài ngước mắt nhìn lên, chẳng rõ trong mắt hắn là biểu tình gì, đơn giản chỉ là sự ngang ngược tuổi mới lớn. Càng bất kham lại càng khiến bạch bào nam tử yêu thích. Y vỗ vai đứa bé, đưa nó ra khỏi quán trọ, cố tình còn trả tiền ăn cho nó. Trong quán trọ, hiện trường quá hỗn loạn nhưng hai người chẳng ai có tâm tư để ý. Ngoài trời gió nổi từng cơn làm quần áo ẩm ướt dán vào da thịt càng thêm lạnh lẽo. Nam tử nhìn trời cao sông dài phía trước, ân cần hỏi:
“Bây giờ muốn đi đâu?”
“Tà Nguyệt Cung.” Thân thể đứa bé run lên chả biết vì lạnh hay vì điều gì khác.
“Ồ? Tại sao không phải nơi khác?”
Thằng bé bặm môi bướng bỉnh: “Tại sao phải là nơi khác?”
Bạch bào nam tử nheo mắt nhìn nó ra chiều hiểu biết: “Ngươi nói xem.”
Thằng bé không phục nhưng vẫn thỏa hiệp, dẫu sao người này cũng cứu mình một mạng. Mạng này tuy bèo bọt nhưng có vẫn tốt hơn không. Nó gật đầu: “Ta muốn học võ công, trong tứ đại phái, Tà Nguyệt Cung là gần đậy nhất.”
Nam tử dịu dàng vuốt tóc nó, cười đến tà mị:
“Ngươi tên gì?”
Nó cúi người nhìn tà áo đỏ đã rách hơn nữa còn bị ướt đẫm, nói như thì thầm: “Xích”
Nam tử ý cười càng đậm: “Chỉ có một chữ sao?”
Nhìn thẳng vào mắt y, màu mắt y có chút tim tím khó phát hiện, càng nhìn càng đắm chìm, nó cười thật thà: “Đúng vậy.”
“Trùng hợp thật, tên ta cũng chỉ có một chữ.”
“Là gì?”
“Quân.”
Ngoài đồng, hoa cải nở thành một dải dài nối tiếp đến tận thiên nhai.
"Đương lúc hoa nở gặp được “quân"."