10 tuổi chịu đòn của Mẹ, khóc
20 tuổi chịu đòn của Mẹ, giận
30 tuổi chịu đòn của Mẹ, nhịn
40 tuổi chịu đòn của Mẹ, cười
50 tuổi chịu đòn của Mẹ, khóc
10 tuổi vì còn trẻ dại, nên khóc
20 tuổi vì không hiểu chuyện, nên giận
30 tuổi vì hiểu chuyện, nên nhịn
40 tuổi vì thấu hiểu, nên cười
50 tuổi vì tạ ơn, nên khóc
Status phía trên của cô bé Ma Kết mà tôi quen chợt làm tôi nhớ rằng tôi chưa từng nếm qua vị của đòn roi. Đằng sau cái chợt nhớ ấy, nhiều cái cứ thế hiện ra.
Tôi nhớ về người phụ nữ sáu mươi tuổi, lưng còng, tay luôn cầm chổi quét nhà kèm giá hốt rác, da mặt bóng mịn như con gái, tất nhiên không khỏi có những nếp nhăn già đi theo năm tháng. Và luôn mắng tôi: "Tao nuôi mày ăn học để mày mắng Mẹ mày vậy đó hả con? Hỗn như cú!" Tôi thật buồn cười lời trách mắng của bà.
Bà là điển hình của người phụ nữ dọn dẹp và dọn dẹp. Bà không chịu nổi một hạt bụi trước mắt. Nhà ngay mặt đường lớn mà bà cứ sáng quét, trưa quét, chiều quét, tối quét. Trưa đứng bóng, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy bà tìm cho ra hạt cát trên sân, thậm chí dưới lòng đường nhựa. Tôi bảo, chả đùa chứ, mấy cô lao công thu gom rác sợ nhất là đến nhà tôi: Nặng. Cái giỏ cần xế toàn cát là cát; còn nữa, những cô lao công quét đường sướng nhất là đến nhà tôi: Sạch. Một cái lá, một bịch rác cũng không có trên đường. Khi nào nhìn trời đầy mây mù, là bà ba chân bốn cẳng bỏ hết mọi việc trong nhà ra trước sân quét. Bà bảo: "Quét cho sạch, không mưa xuống nó bết, quét còn mệt hơn." Tôi không có gì để nói.
Ấy thế mà trong nhà, sạch thì có sạch nhưng lại bừa bộn. Tôi cũng bảo, chả đùa chứ, bà mở cửa hàng thu mua phế liệu cũng ăn nên làm ra lắm. Những hộp bánh đẹp, bà dặn: "Xé cẩn thận để lại cho Má." Bạn có hiểu ý bà không? Ý bà là bảo đừng làm cái hộp nó trầy da tróc vẩy, sứt mẻ chỗ nào để bà đem trưng góc này trong bếp, tủ kia trong nhà đấy. Từ dầu gội, sữa tắm đến nước rửa chén, bà giữ lại không sót một chai nào. Bịch bột giặt, bà cũng không tha, thậm chí còn rửa sạch bảo chị tôi may lại làm tấm trải bàn.
Ai trong nhà cũng càu nhàu bà:
- Nhà gần 400m2 mà không có chỗ ở.
- Nó có ăn uống gì cho cam? - Bà phản bác với khí thế hào hùng.
- ...
Có lần, Ba tôi cần thứ gì trong mớ tài sản kếch xù của bà, bà vội đi lấy ngay, không quên mỉa một câu:
- Đó. Tui mà không giữ mấy cái này, Cha con nhà ông kiếm đâu ra.
- ...
Đôi khi, tôi thấy bà như đứa trẻ, chỉ làm những thứ mình thích. Giận nhưng hỏi sao không thương cho được người sinh ra tôi.
Không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục. Câu này tôi dành cho chị tôi, hơn nhau tám tuổi đủ để chăm bẵm cho tôi mọi việc. Chị đưa tôi đến trường, đón tôi sau những giờ học thêm, lại vui vẻ chở tôi đi sinh nhật bạn. Chị mua cho tôi từng cây bút, cục gôm cho đến cái kẹp tóc. Người cùng tôi đối mặt với khoảng thời gian bỡ ngỡ của cô bé tuổi dậy thì không ai khác là chị.
Cho đến bây giờ, chị vẫn hỏi tôi ăn gì, mua gì không mỗi khi chị ra ngoài. Tôi hai bảy, mãi bé bỏng trong tay chị như ngày nào.
Đoạn đường đời cay đắng nhất của chị, tôi khóc. Tôi chỉ biết ấm ức. Tôi hận mình không phải là gã đàn ông lực lưỡng có thể giúp chị dẹp sạch những cái miệng chua ngoa chỉ biết chửi rủa chị trong ngày cưới. Tôi hận người đàn ông chị yêu, không bảo vệ nổi người phụ nữ đang mang trong mình giọt máu của anh ta. Thời gian qua đi, nỗi đau cũng dịu lại, chỉ còn lại nét cười trên môi chị mỗi khi nhìn thằng con trai cắp sách tới trường. Rồi khi chị sinh đứa con thứ hai cho đến tận khi con bé đầy tháng, xung quanh chị có Cha Mẹ, có anh trai, chị dâu, có em rể và có tôi...nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng con người ấy. Tôi đau lòng: Đối với phụ nữ, không gì cay đắng hơn thế.
Kiên cường và nhẫn nhịn. Chị cứ thế sống cuộc sống của người Mẹ đơn thân. Cho đến bây giờ, chị cũng có chồng như ai và đã hai mặt con. Hạnh phúc đôi khi là biết vượt qua khó khăn của chính mình. Tôi không mong gì cho chị ngoài hai chữ: Bình yên.
"Thôi, coi như là đang làm dâu đi con". Bạn nghĩ ai nói câu này với tôi? Hai tư tuổi, tôi lên xe hoa và có thêm một người Mẹ.
Bà trẻ hơn người mang nặng đẻ đau tôi. Bà mang dáng dấp cực khổ và tất bật của người phụ nữ nửa nông thôn, nửa thành thị. Khi chồng con còn đang ngon giấc, bà dậy đi chợ sớm để còn kịp ra vườn làm. Trưa về, bà tất bật với bếp núc để còn làm bữa cơm cho gia đình. Thay vì ngả lưng nghỉ ngơi, bà tranh thủ làm việc vặt, không quên pha cho chồng ly cà phê vào đầu giờ chiều. Sau bữa cơm tối, bà còn phải tắm rửa cho đứa cháu thay Mẹ nó đau ốm. Một ngày chả thấy bà nghỉ tay lúc nào.
Dâu rể với bà thực sự là khách. Bà chẳng cho động chân động tay. Còn nhớ vào ngày cưới, hình ảnh anh rể bước xuống xe với vẻ thong dong lại đối lập với bà tay bế đứa cháu, tay xách cái giỏ. Thật giận anh và thương bà. Lúc cà nhà ăn sáng, bà cứ đứng ngồi không yên thì ra là vì: "Anh Du ăn bún phải có rau sống con à." Bà nhỏ nhẹ bảo tôi chạy qua hàng bún đối diện mua ít rau.
Với tôi, bà còn cưng chiều hơn thế.
Lần đầu: "Con cứ lên nhà chơi, để Má làm". Tôi tưởng bà coi tôi là khách.
Lần hai: "Con đi chào hỏi Nội Ngoại đi, để Má làm". Tôi nghĩ bà sợ tôi chậm trễ trong việc chào hỏi mọi người.
Lần ba: "Đứng dậy! Đứng dậy! Bầu bì mà làm gì con, để Má làm". Tôi nghĩ bà thương tôi bụng mang dạ chửa.
Lần...: "Không đi coi con Na, còn làm gì, để Má làm". Tôi nghĩ bà sợ tôi mệt vì chăm con nhỏ.
Lần...: "Có khác gì sanh non đâu, không kiêng cữ gì hết, để Má làm". Tôi tự hỏi khi nào thì Má để tôi làm.
Có ai ước được làm con dâu của bà?
♥ Còn nhiều lắm những điều muốn nói. Còn nhiều lắm những câu "Cảm ơn!" và "Xin lỗi!" không cất thành lời. Tình cảm bạn dành cho một người là không thể cân đong đo đếm, càng không thể xếp thứ hạng cho nó. Tôi không nói tôi yêu ai hơn ai, hay yêu ai nhất, kế đến là ai, sau cùng mới là ai. Với tôi, mỗi một người là không-thể-thay-thế.
20 tuổi chịu đòn của Mẹ, giận
30 tuổi chịu đòn của Mẹ, nhịn
40 tuổi chịu đòn của Mẹ, cười
50 tuổi chịu đòn của Mẹ, khóc
10 tuổi vì còn trẻ dại, nên khóc
20 tuổi vì không hiểu chuyện, nên giận
30 tuổi vì hiểu chuyện, nên nhịn
40 tuổi vì thấu hiểu, nên cười
50 tuổi vì tạ ơn, nên khóc
Status phía trên của cô bé Ma Kết mà tôi quen chợt làm tôi nhớ rằng tôi chưa từng nếm qua vị của đòn roi. Đằng sau cái chợt nhớ ấy, nhiều cái cứ thế hiện ra.
Tôi nhớ về người phụ nữ sáu mươi tuổi, lưng còng, tay luôn cầm chổi quét nhà kèm giá hốt rác, da mặt bóng mịn như con gái, tất nhiên không khỏi có những nếp nhăn già đi theo năm tháng. Và luôn mắng tôi: "Tao nuôi mày ăn học để mày mắng Mẹ mày vậy đó hả con? Hỗn như cú!" Tôi thật buồn cười lời trách mắng của bà.
Bà là điển hình của người phụ nữ dọn dẹp và dọn dẹp. Bà không chịu nổi một hạt bụi trước mắt. Nhà ngay mặt đường lớn mà bà cứ sáng quét, trưa quét, chiều quét, tối quét. Trưa đứng bóng, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy bà tìm cho ra hạt cát trên sân, thậm chí dưới lòng đường nhựa. Tôi bảo, chả đùa chứ, mấy cô lao công thu gom rác sợ nhất là đến nhà tôi: Nặng. Cái giỏ cần xế toàn cát là cát; còn nữa, những cô lao công quét đường sướng nhất là đến nhà tôi: Sạch. Một cái lá, một bịch rác cũng không có trên đường. Khi nào nhìn trời đầy mây mù, là bà ba chân bốn cẳng bỏ hết mọi việc trong nhà ra trước sân quét. Bà bảo: "Quét cho sạch, không mưa xuống nó bết, quét còn mệt hơn." Tôi không có gì để nói.
Ấy thế mà trong nhà, sạch thì có sạch nhưng lại bừa bộn. Tôi cũng bảo, chả đùa chứ, bà mở cửa hàng thu mua phế liệu cũng ăn nên làm ra lắm. Những hộp bánh đẹp, bà dặn: "Xé cẩn thận để lại cho Má." Bạn có hiểu ý bà không? Ý bà là bảo đừng làm cái hộp nó trầy da tróc vẩy, sứt mẻ chỗ nào để bà đem trưng góc này trong bếp, tủ kia trong nhà đấy. Từ dầu gội, sữa tắm đến nước rửa chén, bà giữ lại không sót một chai nào. Bịch bột giặt, bà cũng không tha, thậm chí còn rửa sạch bảo chị tôi may lại làm tấm trải bàn.
Ai trong nhà cũng càu nhàu bà:
- Nhà gần 400m2 mà không có chỗ ở.
- Nó có ăn uống gì cho cam? - Bà phản bác với khí thế hào hùng.
- ...
Có lần, Ba tôi cần thứ gì trong mớ tài sản kếch xù của bà, bà vội đi lấy ngay, không quên mỉa một câu:
- Đó. Tui mà không giữ mấy cái này, Cha con nhà ông kiếm đâu ra.
- ...
Đôi khi, tôi thấy bà như đứa trẻ, chỉ làm những thứ mình thích. Giận nhưng hỏi sao không thương cho được người sinh ra tôi.
Không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục. Câu này tôi dành cho chị tôi, hơn nhau tám tuổi đủ để chăm bẵm cho tôi mọi việc. Chị đưa tôi đến trường, đón tôi sau những giờ học thêm, lại vui vẻ chở tôi đi sinh nhật bạn. Chị mua cho tôi từng cây bút, cục gôm cho đến cái kẹp tóc. Người cùng tôi đối mặt với khoảng thời gian bỡ ngỡ của cô bé tuổi dậy thì không ai khác là chị.
Cho đến bây giờ, chị vẫn hỏi tôi ăn gì, mua gì không mỗi khi chị ra ngoài. Tôi hai bảy, mãi bé bỏng trong tay chị như ngày nào.
Đoạn đường đời cay đắng nhất của chị, tôi khóc. Tôi chỉ biết ấm ức. Tôi hận mình không phải là gã đàn ông lực lưỡng có thể giúp chị dẹp sạch những cái miệng chua ngoa chỉ biết chửi rủa chị trong ngày cưới. Tôi hận người đàn ông chị yêu, không bảo vệ nổi người phụ nữ đang mang trong mình giọt máu của anh ta. Thời gian qua đi, nỗi đau cũng dịu lại, chỉ còn lại nét cười trên môi chị mỗi khi nhìn thằng con trai cắp sách tới trường. Rồi khi chị sinh đứa con thứ hai cho đến tận khi con bé đầy tháng, xung quanh chị có Cha Mẹ, có anh trai, chị dâu, có em rể và có tôi...nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng con người ấy. Tôi đau lòng: Đối với phụ nữ, không gì cay đắng hơn thế.
Kiên cường và nhẫn nhịn. Chị cứ thế sống cuộc sống của người Mẹ đơn thân. Cho đến bây giờ, chị cũng có chồng như ai và đã hai mặt con. Hạnh phúc đôi khi là biết vượt qua khó khăn của chính mình. Tôi không mong gì cho chị ngoài hai chữ: Bình yên.
"Thôi, coi như là đang làm dâu đi con". Bạn nghĩ ai nói câu này với tôi? Hai tư tuổi, tôi lên xe hoa và có thêm một người Mẹ.
Bà trẻ hơn người mang nặng đẻ đau tôi. Bà mang dáng dấp cực khổ và tất bật của người phụ nữ nửa nông thôn, nửa thành thị. Khi chồng con còn đang ngon giấc, bà dậy đi chợ sớm để còn kịp ra vườn làm. Trưa về, bà tất bật với bếp núc để còn làm bữa cơm cho gia đình. Thay vì ngả lưng nghỉ ngơi, bà tranh thủ làm việc vặt, không quên pha cho chồng ly cà phê vào đầu giờ chiều. Sau bữa cơm tối, bà còn phải tắm rửa cho đứa cháu thay Mẹ nó đau ốm. Một ngày chả thấy bà nghỉ tay lúc nào.
Dâu rể với bà thực sự là khách. Bà chẳng cho động chân động tay. Còn nhớ vào ngày cưới, hình ảnh anh rể bước xuống xe với vẻ thong dong lại đối lập với bà tay bế đứa cháu, tay xách cái giỏ. Thật giận anh và thương bà. Lúc cà nhà ăn sáng, bà cứ đứng ngồi không yên thì ra là vì: "Anh Du ăn bún phải có rau sống con à." Bà nhỏ nhẹ bảo tôi chạy qua hàng bún đối diện mua ít rau.
Với tôi, bà còn cưng chiều hơn thế.
Lần đầu: "Con cứ lên nhà chơi, để Má làm". Tôi tưởng bà coi tôi là khách.
Lần hai: "Con đi chào hỏi Nội Ngoại đi, để Má làm". Tôi nghĩ bà sợ tôi chậm trễ trong việc chào hỏi mọi người.
Lần ba: "Đứng dậy! Đứng dậy! Bầu bì mà làm gì con, để Má làm". Tôi nghĩ bà thương tôi bụng mang dạ chửa.
Lần...: "Không đi coi con Na, còn làm gì, để Má làm". Tôi nghĩ bà sợ tôi mệt vì chăm con nhỏ.
Lần...: "Có khác gì sanh non đâu, không kiêng cữ gì hết, để Má làm". Tôi tự hỏi khi nào thì Má để tôi làm.
Có ai ước được làm con dâu của bà?
♥ Còn nhiều lắm những điều muốn nói. Còn nhiều lắm những câu "Cảm ơn!" và "Xin lỗi!" không cất thành lời. Tình cảm bạn dành cho một người là không thể cân đong đo đếm, càng không thể xếp thứ hạng cho nó. Tôi không nói tôi yêu ai hơn ai, hay yêu ai nhất, kế đến là ai, sau cùng mới là ai. Với tôi, mỗi một người là không-thể-thay-thế.
* * *