Dã Sử Quán trọ Phù Vân - Đang cập nhật - Phương Uyên

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
429,0
Bia.png


QUÁN TRỌ PHÙ VÂN
Tác giả: Phương Uyên
Thể loại: Cảm hứng lịch sử, cổ trang, tình cảm. Mỗi chương là một câu chuyện hoàn toàn tách biệt về một nhân vật đã từng lừng lẫy. Phần lớn diễn biến truyện là sáng tạo của tác giả, xin đừng đánh đồng chính sử.

-----

Người ta kể lại, trên đỉnh Bạch Vân Sơn có một quán trọ kỳ lạ, giúp khách qua đường thực hiện mọi điều mình muốn. Cũng có người bảy lần lên núi tìm kiếm vẫn không tài nào biết quán trọ ấy ở đâu.

Trăm năm, ngàn năm, bao nhiêu kẻ mang theo sự luyến tiếc dở dang mong được một lần thỏa ý, mấy ai biết được mình là khách “hữu duyên”?

Chỉ biết, tại nơi bốn mùa mây phủ nọ, thi thoảng vọng lại tiếng sáo du dương và tiếng ca thánh thót. Lời rằng:

“Đời người như áng phù vân
Ai không ở trọ hồng trần, rồi đi?”

-----

 
Chỉnh sửa lần cuối:

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
429,0
CHƯƠNG 1: CÁCH TRỜI BA THƯỚC

Ngày tàn, nắng tắt.

Ông già râu bạc nhìn lên đỉnh non cao, mây trắng giăng giăng gợi một cảm giác quen thuộc mơ hồ. Hãy còn xa mới đến! Ông đưa tay xốc lại gùi hành lý trên lưng, bất chợt có cơn gió mạnh thổi bay chiếc mũ về phía xa, rơi xuống trước một mũi giày nhỏ. Ông già cúi xuống nhặt, không ngờ cô bé nọ đã nhanh tay hơn, cô cung kính cúi đầu gửi lại ông bằng cả hai tay, trong trẻo cất tiếng thưa:

- Chào mừng khách quan đã đến với quán trọ Phù Vân!

Ông già ngỡ ngàng, chưa đáp được lời nào, ông đã thấy chân mình đang bước theo cô gái trẻ băng băng lên sườn dốc rồi dừng lại ở giữa khung cảnh thần tiên. Một dãy nhà gỗ nằm giữa một vùng non xanh nước biếc, bầu trời sát gần mặt đất, tưởng như với tay là có thể chạm mây. Cô gái ban nãy vẫn giữ nụ cười ngọt như rót mật:

- Phòng của ngài ở phía Đông, nếu có việc cần xin thổi cây sáo ngọc để trên thư án, tôi sẽ đến ngay. – Nàng toan quay đi, song vẫn còn điều chưa nói hết. – Nếu giữa đêm có bóng trắng đến tìm, ngài đừng sợ, đó chỉ là những linh hồn vô hại đến tìm người tâm sự thôi, không phải ma đâu!

Cô gái đã đi mất hút, ông già vẫn mơ màng không hiểu. Từ làng chài ven biển, ông lên đường du sơn ngoạn thủy đã hơn một tháng, chưa một lần nghe nói đến quán trọ này. Tuy nhiên, ông vẫn tò mò bước đến gian phòng đã được chuẩn bị cho mình, cơm canh nóng sốt đã sẵn sàng. Ông sờ lại túi hành lý bên người, dẫu gì chắc ông cũng chi trả được, hôm nay ông đi nhiều cũng thấm mệt rồi. Nghĩ thế, ông khoan khoái ăn một bữa thật no rồi đánh một giấc ngon lành. Trong cơn mơ, ông nghe rõ tiếng gió lùa qua mành trúc, khua chiếc chuông gió bằng gỗ treo trên mái hiên tạo ra những tiếng lách cách lầm rầm như ai đang trò chuyện.

Khi tỉnh dậy đã là sáng hôm sau, ông nhìn ra sân, những giọt nắng sớm hân hoan nhảy nhót trên bóng lá. Ông với tay lấy cây sáo nhỏ trên bàn, thổi một khúc, bên ngoài lập tức vọng đến tiếng gõ cửa. Không phải cô gái hôm qua, người đến là một chàng trai trẻ mặc y phục trắng, mái tóc đen dài và đôi mắt sáng trong yên ả như mặt hồ thu. Chàng điềm nhiên bước đến ngồi trước mặt ông, đặt xuống một bộ ấm chè.

- Ngài ngủ có ngon không? – Giọng chàng trầm ấm.

- Cậu là chủ nơi này? – Ông hỏi.

Chàng trai khẽ gật đầu, nâng tay áo, rót chè mời. Hương nhài thoang thoảng tỏa theo làn khói khiến ông già thư thái lạ lùng. Hai bên im lặng thưởng chè, nghe chim hót ríu rít ngoài sân, đoạn chàng trai lên tiếng:

- Ngài đến được quán trọ này ắt là người có duyên, xin cứ an tâm nghỉ lại! – Khóe môi chàng khẽ cong lên, đuôi mắt nheo nheo. – Hôm nay trời đẹp, sao ngài không ra hồ câu cá, chẳng phải đó là thú vui của ngài sao?

Ông già ngạc nhiên vì chàng trai biết rõ sở thích của mình, nhưng loáng một cái người đã đi đâu mất. Ông bước ra sân, thả bộ xuống hành lang dài dẫn ra đình hồ. Không ngờ có người tới sớm hơn cả ông, người đó tuổi trạc chàng trai ban nãy nhưng thân hình rắn rỏi, đôi mắt sáng lấp lánh dưới hàng chân mày rậm. Chàng nhìn ông, khẽ gật đầu rồi lại chuyên tâm câu cá. Ông cũng rút một chiếc cần dựng ở góc đình, ngồi xuống một bên. Hôm nay có vẻ không phải ngày tốt để đi câu, nước trong veo khiến lũ cá sợ mồi nên mãi mà cần câu của hai bên đều không động.

Tiếng bước chân khẽ khàng sau lưng làm cả hai đồng thời quay lại. Cô gái nhỏ đặt xuống bàn một khay đầy thức ăn và rượu, rót vào hai cốc rồi lại lễ phép cúi chào. Từ đầu đến cuối, cô không hề nói một câu.

Hai người đàn ông cao lớn nhìn theo cô gái rồi lại nhìn nhau. Chần chừ một đỗi, cả hai ngồi xuống bên mâm thức ăn thịnh soạn. Người trẻ tuổi nâng ly ngang miệng:

- Mời ngài!

Ông già uống cạn ly rượu, một cơn gió mát lành thổi vào mái đình đưa theo hương sen dìu dịu. Ông hỏi ôn tồn:

- Cậu đến quán trọ này mấy lần rồi?

Chàng trai nhìn ông, hơi mở to mắt, đoạn phì cười:

- Hóa ra ông cũng là một vị khách bất đắc dĩ như tôi. – Chàng nhìn lên những đám mây bềnh bồng là là trên mặt nước. – Nghe nói đây là nơi dành cho những người có nỗi khổ tâm không tháo gỡ được.

- Cậu còn trẻ như vậy, có thể có nỗi khổ gì? – Ông già thắc mắc.

Chàng trai nhìn ông, lại rót một cốc đầy rượu rồi uống cạn. Chàng nhìn ra phía hồ nước, lẩm bẩm như tự nói với chính mình:

- Thời xưa, mỹ nhân dùng kế để lung lạc địch quân thì được người người ca ngợi hy sinh vì đất nước. Đổi lại, nếu người đó là nam nhi lại bị đời đời phỉ nhổ. Ông nói xem, đàn ông không có nước mắt sao?

Ông già chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng đưa tay rót rượu cho chàng mà không nói một lời nào. Chàng nhìn những giọt rượu sóng sánh, khẽ thở dài:

- Tôi biết, tôi dùng kế để ít tiêu hao binh lực nhất mà vẫn chiếm được thành trì tuy có công với đất nước tôi nhưng có tội với người xem tôi là chồng, tin tưởng tôi hết mực.

Ông già hiểu được cảm giác trong lòng cậu. Tuy không rõ tại sao, nhưng ông nhớ mình cũng từng đắn đo giữa việc nhà và việc nước.

- Nếu được làm lại lần nữa, cậu sẽ chọn thế nào? – Ông chân thành hỏi.

Chàng suy nghĩ hồi lâu, tay nắm chặt thành đấm, trả lời đầy kiên quyết:

- Tôi chưa từng hối hận.

Ông không bất ngờ, vì chính ông cũng sẽ làm như vậy. Có cơn đau nhoi nhói lên trong dạ, ông già hít một hơi thật sâu để tự trấn tĩnh rồi nói với chàng trai:

- Trong lòng cậu sớm đã phân nặng – nhẹ rồi. Đàn ông muốn làm việc lớn thì phải tàn nhẫn, mềm lòng chỉ tổ chuốc lấy đau thương.

Tiếng sáo vi vu được gió xa đưa lại. Hai người trong đình nhìn về phía dãy nhà chính, thấy thấp thoáng một bóng áo trắng trang nhã. Cuộc rượu kéo dài trong im lặng đến tận giữa trưa. Trong váng vất hơi men, ông nhớ mình cũng từng có một thời vẫy vùng, một thời ngang dọc, một thời chém giết. Trớ trêu thay, ông không tài nào nhớ được gương mặt đối thủ, hoặc ông là ai, hoặc ông đã chiến đấu ở chiến trường nào. Ông lên núi này chỉ để ngao du hay đang đi tìm kẻ cựu thù?

Khi ông già tỉnh rượu, trời đã về chiều. Mùi cháo thơm nức mũi giục ông mở mắt, một bóng dáng mảnh mai thoăn thoắt đi đi lại lại. Ông khẽ hỏi:

- Cháu gái tên gì?

Cô gái đang múc cháo ra bát dừng tay nhìn sang phía ông. Ông già thoáng kinh ngạc, đây không phải là cô bé ông đã gặp trước kia. Cô gái này lớn hơn vài tuổi, mặt đẹp như hoa, da trắng như bạch ngọc. Ông ngỏ ý mời cô cùng dùng bữa, cô lắc đầu nguầy nguậy. Cô ngồi cạnh bên, chống cằm nhìn ông xơi cháo, gương mặt hiện rõ sự thích thú.

- Cháu làm ở đây lâu chưa? – Ông hỏi.

- Không ạ, cháu là khách trọ. – Nàng nheo mắt cười thật hồn nhiên. – Cô bé kia nghịch dại bị bỏng tay nên nhờ cháu nấu và mang đến cho ông.

Nụ cười này dường như ông đã gặp ở đâu rồi.

- Cháu cũng có nỗi khổ tâm không giải được sao?

Câu hỏi của ông khiến nụ cười trên mặt cô vụt tắt. Cô giương đôi mắt to tròn nhìn ông đăm đắm, lúc lâu sau, cô lại nở nụ cười buồn.

- Cháu còn bé như vậy, buồn chuyện gia đình hay chuyện tình duyên? – Ông cố trêu.

- Cháu lớn rồi, có chồng rồi đấy! – Đôi môi hồng cong lên như cánh hoa đào khiến ông già thấy vui lây.

Rồi nụ cười kia bỗng méo xệch.

- Ông ơi, yêu và tin chồng là có tội phải không ông?

- Ai bảo cháu thế? – Ông sửng sốt.

- Cha cháu ạ. – Mắt nàng hoe hoe đỏ.

- Cha mẹ nào chẳng dạy con gái phải thờ chồng? – Ông già nhíu mày.

- Nhưng cha cháu là vua, chồng cháu là hoàng tử nước láng giềng… - Giọng nàng càng lúc càng nức nở. – Cháu tin chồng nên tiết lộ bí mật quân cơ làm mất nước, bị cha cháu xem là giặc…

Ông bối rối khi thấy cô gái nhỏ khóc òa, vội bước đến đưa tay lau nước mắt cho cô. Ông chợt nhớ mình từng có một đứa con gái nhỏ, nó cũng hay sà vào lòng ông nũng nịu thế này.

Ông vỗ nhẹ lưng cô an ủi:

- Ngoan nào, ngoan nào…

Cô gái vẫn nấc lên từng tiếng:

- Cháu không phải là giặc, cháu không phản bội đất nước đâu!

- Ta biết! Ta biết chứ! – Ông sốt ruột như thể nàng đang trách móc mình.

Cô gái khóc mệt, thiêm thiếp trong tay ông. Ông già suy nghĩ thật lâu rồi từ tốn nói:

- Đành rằng cháu quá ngây thơ, nhưng cha cháu là vua một nước, đâu thể cả tin như cháu được. Gả cháu cho con của kẻ thù cũng là quyết định của ông ta, muốn lợi dụng cuộc hôn nhân chính trị này... Ta nghĩ ông ấy chỉ vì nóng giận một lúc, không thể chấp nhận được việc mình đã làm sai, thành thử, ông mới trút lên người cháu.

Nước mắt cô gái rơi ướt đẫm đôi tay đầy vết chai của ông già:

- Thật thế hả ông?

- Thật! Có cha mẹ nào chẳng thương con? – Ông già đưa một tay xoa đầu, tay kia vẫn lau nước mắt cho cô. – Đợi ông ấy bình tĩnh lại sẽ biết mình quá lời thôi.

Cô gái cố nén từng tiếng nấc, khẽ mỉm cười, đôi mắt nhìn ông tràn ngập yêu thương:

- Ông biết tên cháu mà, ông nhỉ?

Ông già tưởng như có ai cầm búa giáng mạnh lên ngực, bên tai vang rền tiếng sấm.

Gương mặt xinh đẹp trên tay ông, rồi chiếc cổ thon, rồi bờ vai gầy, vòng eo mảnh bỗng hóa thành khối ngọc trắng. Ông già sửng sốt không kịp giữ, khối ngọc rơi xuống đất, đầu lìa khỏi cổ. Trước mắt ông bỗng tràn ngập một màu đỏ tươi, mùi máu tanh nồng xộc lên mũi, từng chuyện xưa lũ lượt kéo nhau về. Ông chợt nhớ ra vì sao mình lại đến đây.

Yêu hận của ông thảy đều ở nơi này cả!

Cánh cửa phòng xịch mở, cô bé ban sáng bước vào, nhẹ nhàng đặt một thanh kiếm lên bàn:

- Đây là thanh kiếm quán trọ chúng tôi chuẩn bị cho ngài. Chỉ cần chém một nhát, kẻ thù của ngài sẽ mất máu cho đến chết.

Cô bé đã đi rồi, ông già vẫn chôn chân tại chỗ. Không biết bao lâu sau đó, ông nhấc từng bước nặng như chì đến chỗ đầu bức tượng kia, run run ôm vào lòng dùng tay áo lau sạch bụi, cẩn thận từng chút một. Lúc con còn nhỏ, ta cũng tự tay tắm cho con biết bao lần, ông nghĩ. Dựng thân tượng lên, ông đặt chiếc đầu lên cổ nhưng không cách nào cố định được, ông già cứ loay hoay, không biết mặt mình đã ướt đẫm từ lâu.

Đứa con gái đó, ông đã từng nâng niu như báu vật, đã từng thề sẽ đâm kiếm ngập tim kẻ nào khiến nàng rơi lệ. Đứa con gái đó, ông đã hân hoan nhìn nàng xinh đẹp lộng lẫy trong ngày cưới, sánh đôi với hoàng tử nước láng giềng. Đứa con gái đó, đứa con gái đó…

Lần đầu tiên nó cất tiếng gọi “Cha”, ông mừng hơn ai dâng tặng giang sơn gấm vóc.

Lần cuối cùng nó gọi “Cha”, ông len lén kiêu hãnh vì mình đã đặt quốc gia trên cả tình thân.

Hôm ấy, lông ngỗng bay mù trời, máu nàng rơi đỏ như hồng mai nở trong tuyết trắng.

Có ai… có ai cứu dùm con ông? Con gái ông, niềm vui của ông, máu thịt của ông…

Ông già lắc mạnh đầu, cố ngăn dòng ký ức! Ông lục tung căn phòng tìm thuốc và băng gạc, cứ rời tay là đầu tượng rơi xuống đất. Ông bắt đầu hoảng loạn, miệng muốn gào lên cầu cứu nhưng âm thanh cứ nghẹn trong cổ họng, rồi mắt ông chạm đến thanh kiếm đặt trên bàn.


***


- Ông chủ vào trước đi!

Chàng trai áo trắng khẽ nhíu mày nhìn cô gái nhỏ. Sợ phật ý chủ, nàng vội vã thanh minh:

- Cô công chúa kia lúc chết bị vua cha chém đầu mà…

Chàng thư sinh cười nhẹ, đẩy cửa vào, cô bé rón rén theo sau. Ở giữa phòng, ông già vẫn ôm chặt bức tượng bằng ngọc trắng, cổ tay ông đặt đúng vị trí xưa kia bị nhát gươm của ông chém xuống. Mặt ông trắng bệch không còn sự sống, mắt khép hờ, những nếp nhăn giãn ra thanh thản, trên sàn, thanh kiếm nằm lăn lóc cạnh bên.

Chàng trai chạm lên cổ bức tượng, không một vết xước. Ánh trăng chênh chếch rọi qua khe cửa, hắt trên gương mặt cô gái, khối ngọc sáng lấp lánh như đọng những giọt sương.

Cô bé đứng cạnh níu chặt tay áo chủ, chàng đưa tay vuốt nhẹ mi mắt ông già, đoạn quay sang cô nói khẽ:

- Sáng mai có thể xóa tên họ trong sổ khách được rồi.

Ngoài cửa phòng, một bóng người như chết lặng.


***


Rất lâu về sau, ở kinh thành nước Triệu, chàng vương tử một thời lừng lẫy trút hơi tàn trên giường bệnh. Khi xưa có người nguyền rủa chàng là kẻ vong ơn bội nghĩa, cũng có người đồn thổi chàng vì hối tiếc mà tự tận, nhưng chàng vẫn sống. Kiếp này, chàng đã làm tròn trách nhiệm một người con, một người dân, chàng chỉ có lỗi với một người.

Nhìn ra khoảng trời bao la đỏ ánh tịch dương, chàng nghĩ đến câu chuyện lạ kỳ năm đó. Nhiều lần chàng đã cho người quay lại nước Nam, lên tận đỉnh núi mây phủ ấy tìm nhưng chẳng được dấu vết gì.

Nghe nói quán trọ Phù Vân chỉ người hữu duyên nhìn thấy.
 

nhp_uyen

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/11/14
Bài viết
420
Gạo
429,0
CHƯƠNG 2: CÙNG TRÔNG LẠI MÀ CÙNG CHẲNG THẤY[1]

Tịch dương như lửa. Cả khu rừng nhuộm một màu đỏ quạch. Những cánh chim xao xác bay về tổ cho kịp tối, rộn một góc trời chiều.

Thiếu phụ đứng ngẩn ngơ bên sườn núi hồi lâu, dõi theo bóng ác tà, tưởng như mình đã trông thấy cảnh tượng này cả nghìn lần. Những tàn cây cao vút, đỉnh nhọn tựa mũi kiếm khắc vào chân trời, rạch vào lòng nàng một cảm xúc tiếc thương như đã đánh mất một điều gì trân quý. Nhưng điều ấy là gì, phải tìm lại ở đâu, nàng không cách nào nhớ được. Chỉ biết có một cảm giác lạ kỳ thôi thúc nàng phải lên núi, phải chứng kiến cảnh hoàng hôn dữ dội này.

- Đêm xuống đã lâu, mời phu nhân vào nhà kẻo sương rơi lạnh.

Thiếu phụ ngoảnh lại. Một cô gái nhỏ thướt tha y phục trắng, mái tóc đen dài, lễ phép chắp tay, cúi đầu:

- Chào mừng khách quan đã đến quán trọ Phù Vân!

Nhanh như cắt, cô gái nhỏ khoác lên vai nàng một chiếc áo choàng lớn, dìu tay nàng lên núi. Hai người lướt như bay, mây lần lần sà xuống thấp. Chẳng mấy chốc, thiếu phụ đã thấy mình đứng giữa một dãy trường lang. Dãy nhà gỗ có treo đèn lồng quả trám sáng rực gợi cảm giác ấm áp, dễ chịu lạ thường. Thoáng chốc, thiếu phụ quên hết những thắc mắc và ngạc nhiên, chỉ muốn ăn một bữa cơm nóng sốt rồi ngủ một giấc thật sâu.

- Phòng của phu nhân ở bên này ạ, xin mời! – Thiếu nữ áo trắng đưa tay về dãy phòng phía đông, đoạn lại dìu nàng hướng đến một gian phòng nhỏ.

Ngang qua khoảng sân rộng rợp bóng trúc xanh, giữa có một hồ sen lớn, thiếu phụ trông thấy hương án được bày trang trọng, có một bình hoa trắng hương thơm dìu dịu, có cả khay chè khói lan vấn vít. Nàng bỗng ngỏ ý:

- Ta có thể thắp một nén hương không?

- Xin theo ý phu nhân. – Cô gái nhỏ đáp, đoạn nhanh chân đến hương án thắp đèn.

Trăng đã lên cao, dát bạc cả một vùng non xanh nước biếc. Hương trầm bảng lảng tỏa lên không.

Thiếu phụ tựa cửa trông trăng. Gió lùa qua mành trúc, chiếc chuông gió bằng gỗ treo trên mái hiên khua động như đang thầm thì bầu bạn với nàng. Ban nãy, cô gái kia đã mang đến cho nàng một bát cháo nóng, dùng xong lại có chè ủ trong búp sen. Đã lâu rồi nàng không thấy thảnh thơi, thong dong đến thế. Mắt trông thấy cây sáo nhỏ bằng ngọc trắng đặt trên thư án, nàng bỗng thấy hứng thú, đặt lên môi thổi một khúc dân ca đã quên lời.

Khúc ca vừa dứt, góc trường lang đã văng vẳng một giọng nam:

“Sứ quân từ nam lại,
Năm ngựa đứng chần chừ.
Sứ quân gọi người hỏi,
“Kia con gái nhà ai?”
“Họ Tần có người đẹp,
Tên gọi là La Phu.”
“La Phu nay bao tuổi?”
“Hai mươi, còn chưa đủ,
Mười lăm, lại hơi dư.”
Sứ quân hỏi La Phu:
“Muốn chở nàng được chăng?”
La Phu trước xe đáp…”[2]

Thư sinh áo trắng nheo nheo đôi mắt sáng, thong thả bước đến chào nàng, đoạn ngồi xuống bên cạnh nhìn ra sân như chờ đợi. Cô gái nhỏ ban nãy thoăn thoắt bước đến, giọng nói trong veo có phần nũng nịu:

“Sứ quân sao quên ư!
Sứ quân đã có vợ,
La Phu có trượng phu.”

Cô bé nguýt chàng trai rồi vẻ mặt liền trở lại dịu dàng, đặt một khay bánh trước mặt thiếu phụ. Thiếu phụ cầm một chiếc lên xem, hóa ra là bánh phu thê, nàng bỗng thấy vui vui, mơ hồ rung động, âu yếm nhìn hai con người trẻ tuổi trước mặt. Cô gái nhỏ lại ra vẻ tự hào, vỗ ngực hát tiếp:

“Phía đông hơn ngàn ngựa,
Có chồng thiếp dẫn đầu…”

Thiếu phụ vô thức cắt lời nàng:

“Sao nhận ra chồng thiếp?
Bạch mã cùng ly câu.
Tơ xanh buộc đuôi ngựa,
Vàng quấn ở trên đầu…”

Nước mắt bỗng tuôn ướt đẫm dung nhan đã nhuốm màu sương gió. Thiếu phụ bỗng thấy trong lòng rỗng tuếch, tang hoang như vừa có cơn bão đi qua. Nàng ngửa mặt trông trăng để ngăn nước mắt tiếp tục rơi. Hai người ở quán trọ vẫn yên lặng nhìn nàng, trên gương mặt cô gái nhỏ thoáng nét đau lòng. Cơn xúc động qua đi, thiếu phụ cũng nhìn họ, hồi lâu, nàng nở nụ cười buồn:

- Dường như trước đây ta cũng từng có một mái nhà ấm cúng thế này, một chỗ dựa vững chắc thế này. – Nói đoạn, nàng lại nhìn trăng, thấp giọng như tự nói với mình. – Lại dường như, cuộc sống ấy vốn chỉ tồn tại trong mơ…

- Phu nhân đến được nơi này hẳn là người hữu duyên, xin cứ yên tâm nghỉ lại đây. – Chàng thư sinh từ tốn nói. – Những việc không nhớ ra ắt là đáng quên, phu nhân chớ nặng lòng!

- Hai người gọi ta là phu nhân, vậy… - Thiếu phụ bỗng dưng thấy tò mò.

- Thưa, nếu khách quan phật ý, xin dạy cho phải gọi thế nào, quán trọ chúng tôi nhất định sẽ tuân theo. – Cô gái nhỏ lễ phép chắp tay, cúi đầu, mau mắn đáp.

Ra là vậy, chỉ là nàng hy vọng từ họ mà biết được gì đó về quá khứ của mình. Thiếu phụ cười nhạt, phẩy tay áo:

- Muộn rồi, nghỉ ngơi thôi! Hôm nay may là gặp được các người!

Hai con người trẻ tuổi chào nàng rồi nhanh chóng rời đi. Thiếu phụ mệt mỏi ngả lưng xuống chiếc giường mềm mại thoảng mùi đàn hương lành lạnh. Cơn mộng kéo đến rất nhanh, nàng dường nghe thấy bên ngoài vẳng đến một giọng nói rất thân thương, à ơi chòng ghẹo:

“Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai ai có nhớ mình hay chăng?”[3]

***

Thiếu phụ ngủ rất say, khi nàng tỉnh dậy, chiếc gối cạnh bên có vết lõm mờ, chiếu chăn còn vương hơi ấm.

Bữa sáng đã được ai đó chu đáo đặt trên bàn. Nàng thong thả dùng rồi bước ra ngoài dạo một vòng. Ngang qua hồ sen, nàng trông thấy cô gái nhỏ đang ngồi thưởng chè cùng một chàng thiếu niên lạ mặt. Thiếu phụ biết rõ nghe lỏm chuyện người khác là việc sai trái, song nàng mơ hồ cảm thấy những điều hai người kia nói với nhau ít nhiều liên quan đến thứ nàng đang tìm kiếm. Nàng khẽ khàng nép mình vào một góc, chăm chú lắng nghe.

- Cậu chỉ là nhóc con vắt mũi chưa sạch, oan ức gì mà đến được nơi này?

Thiếu phụ suýt nữa bật cười. Trông đôi mắt lấp lánh vẻ tinh nghịch và cái trán cao ương bướng, nàng biết cô gái nhỏ kia chẳng phải thục nữ dịu dàng, chẳng qua vì phục vụ ở quán trọ này mới phải tỏ vẻ đoan trang mực thước đó thôi.

- Thầy mẹ tôi vốn là người Giao Chỉ, nhưng vì cuộc sống lưu lạc, tôi bị sung vào quân của thái thú người Hán, nhiều lần phải chính tay đàn áp dân mình. – Cậu trai kia lí nhí đáp, đầu cúi thấp. – Tôi những mong có thể làm quan to, chừng ấy sẽ tìm cách để người dân bớt khổ…

- Thời cuộc thay đổi, rất nhiều người không thể sống theo ý mình. Cậu mang ý tốt nhưng ý tốt ấy cần có thời gian. Miễn là, cậu đừng làm việc gì quá độc ác thì có gì phải ray rứt thế đâu? – Thiếu nữ tỏ vẻ người lớn, đưa tay xoa xoa đầu cậu.

- Tôi vẫn tự an ủi mình như thế, nhưng đến một ngày, tôi bị bắt phải chính tay châm lửa thiêu một vị tướng quân Giao Chỉ. – Ngập ngừng một đỗi, cậu bé tiếp. – Tướng quân là hậu duệ của một vị Lạc tướng, vì căm phẫn sự tàn bạo của thái thú mà liên kết với quân đội ở các nơi nổi dậy. Khi ngài gặp nạn, vợ ngài ấy đã cùng em gái tiếp tục lãnh đạo dân chúng đấu tranh, tuy chẳng cầm cự được bao lâu. Phu nhân ấy là đàn bà chân yếu tay mềm mà vì nghĩa lớn, hô một tiếng có trăm vạn người theo. Còn tôi… còn tôi… lại tiếp tay cho giặc mang chồng bà ra uy hiếp…

Cậu trai gục đầu khóc nấc, cô gái nhỏ ôm lấy vai cậu ta vỗ về. Thiếu phụ càng nghe càng thấy trời đất quay cuồng, vị tướng quân ấy… Đầu nàng bỗng đau như búa bổ. Nàng ôm trán toan rời đi thì giọng nói trong trẻo của cô gái nhỏ lại vang lên:

- Cậu đừng buồn nữa. Tôi nghe nói thằng thái thú ấy cũng sắp qua đây. – Nụ cười thánh thiện mọi khi của cô bé bỗng tràn đầy sát khí. – Dưới hương án giữa sân có một thanh bảo kiếm, chỉ cần chém một nhát, kẻ thù của cậu sẽ mất máu cho đến chết.

- Nơi này không có binh lính, không có quan quyền, giết người cũng chẳng ai buồn truy xét... – Cậu bé run rẩy tiếp lời.

Thiếu phụ thờ thẫn hồi lâu, lê bước trở về phòng. Ngang qua khoảng sân lóng lánh ánh nắng xuyên qua tàn trúc, mắt nàng dán chặt vào hương án vẫn nghi ngút khói.

***

Thiếu phụ giam mình trong phòng suốt một ngày dài. Ngực nàng âm ỉ nhói đau. Không hiểu sao khi nghe câu chuyện của cậu bé kia, nàng loáng thoáng nhớ ra, so với sự ray rứt của cậu ấy, nàng dường như còn phạm một lỗi tày trời hơn. Chính vì thế, nàng mới loanh quanh mãi mà không đến được nơi cần phải đến.

Ánh ráng chiều chênh chếch hắt bên song. Bên ngoài lại vang lên tiếng chim gọi nhau về tổ. Trước cửa phòng nàng có ai lên tiếng gọi:

- Phu nhân, mời dùng cơm tối.

Là giọng nói của cậu trai bên hồ sen sáng nay. Thiếu phụ ngạc nhiên:

- Cậu là khách, sao lại đến đưa cơm?

- Thưa, cô bé kia không cẩn thận cắt vào tay, chủ quán đang bận giúp nàng ấy băng bó rồi ạ. Trưa nay phu nhân không dùng bữa nên họ nhờ tôi mang đến cho nóng sốt.

- Cảm ơn cậu. – Thiếu phụ đáp, đoạn mở cửa. – Hay cậu mang ra đình hồ rồi ăn cùng ta…

Cửa vừa mở, cậu trai nọ trông thấy nàng thì mặt cắt không còn hột máu, tay chân luống cuống suýt nữa đã đánh rơi cả khay cơm. Nàng vội đỡ lấy cậu:

- Cậu không sao chứ?

- Thưa… Thưa… không sao ạ! – Cậu bé hít sâu mấy lần để giữ bình tĩnh, mang khay cơm đặt lên bàn, đoạn vội vã ngồi xuống ghế. – Mời phu nhân dùng bữa.

Bữa cơm chiều nay có lươn om chuối và đậu phụ. Mùi riềng thơm lựng khiến bụng nàng sôi réo, nàng liền xới cơm ra bát, tỏ ra vui vẻ mời thiếu niên kia một bát. Cậu bé lễ phép đón lấy bát cơm, đôi đũa ngập ngừng chạm đến đĩa thức ăn, ngần ngại một đỗi, cậu gắp một miếng đậu phụ to, cắm cúi ăn. Thiếu phụ trông thấy thế, bật cười:

- Cậu ngại mấy con vật trơn láng không có chân phỏng?

- Thưa, đâu có ạ! – Cậu bẽn lẽn cúi đầu.

- Đừng sợ ta cười cậu là nam nhi mà sợ một con vật nhỏ! Ta từng biết một vị tướng quân lưng dài vai rộng, không sợ sống không sợ chết, thế mà cũng ngần ngại không dám thử món này.

Nàng nói một hồi dài, dứt lời lại tự thấy lạ lẫm. Trước mắt nàng hiện lên một gương mặt dạn dày sương gió đang ngượng ngùng vì bị vợ trêu. Phía bên kia bàn, cậu bé kia đã hoảng sợ đến mức đánh vỡ bát cơm. Cậu sụp xuống lạy liên hồi:

- Nữ vương tha tội! Con không biết bà đã nhớ ra chuyện cũ! Nữ vương tha tội!

Hai tiếng “nữ vương” vang lên bên tai thiếu phụ như tiếng sấm.

Nàng ôm lấy tai mình, nhưng những tiếng tung hô vẫn vang lên rõ mồn một, vọng khắp bốn bề. Có một thời gian rất dài, nàng thấy sợ mỗi khi nghe thấy danh hiệu ấy. Nhưng vì sao? Bao giờ? Nàng là nữ vương của xứ sở nào?

Cố nhớ lại gương mặt thấp thoáng trong trí nhớ ban nãy, nàng chỉ thấy chàng mỉm cười tràn ngập yêu thương. Nàng chỉ thấy chàng oai phong trên lưng ngựa, lưu luyến ngoảnh lại nhìn nàng. Lúc ấy, nàng đã nói…

Nàng đã nói gì với chàng, sao lúc này chẳng thể nhớ ra?

Ngoài sân vọng đến tiếng trống sang canh, càng lúc càng to, càng rõ, càng dồn dập. Tim nàng cũng nảy lên từng hồi theo nhịp trống.

Từng việc, từng việc đã xảy ra trong quá khứ như thác lũ kéo về.

Hôm ấy, hoàng hôn đỏ như màu máu. Thái thú trói tướng quân trên thành, bên dưới chất đầy củi khô, ép nàng hạ lệnh lui binh.

Hôm ấy, nàng không còn là người vợ bé nhỏ nép trong lòng tướng quân mà là nữ tướng uy nghi trên lưng voi, nắm trong tay sinh mệnh của nghìn quân, là đức tin của cả một dân tộc sắp suy tàn.

Hôm ấy, nàng lạnh lùng hạ lệnh dựng hương án trước cổng thành, tế sống người bao năm đầu ấp tay gối. Vành khăn xô quấn lên mái tóc chàng từng âu yếm vuốt ve, cài lên những đóa hoa thơm ngát.

Hôm ấy, tiếng trống mừng hôn lễ trước đó chẳng bao lâu trở thành trống trận, đánh thẳng vào lòng những người có mặt, thù nhà bỗng hóa thành nợ nước. Đoàn quân xông lên như thác lũ, cuốn sạch bọn xâm lăng.

Giữa lúc chiến trận sục sôi, lòng yêu nước và chí anh hùng dễ dàng giúp nàng vượt qua nỗi đau phải tự tay hạ lệnh giết chồng. Nếu chàng ở vào vị trí của nàng, chàng nhất định sẽ làm như thế. Tuy hai người không thể sống bên nhau, nhưng họ có thể cùng nhau dùng máu mình vẽ nên một giấc mơ.

Trong giấc mơ ấy, người người đều được cơm no áo ấm, không còn cảnh vợ khóc chồng, con khóc cha. Trong giấc mơ ấy, không ai phải sống hôm nay mà nơm nớp lo sợ ngày mai nữa.

Giấc mơ ấy trọn vẹn được ba năm.

Ba năm, với người dân bấy lâu sống trong tàn ngược là ngắn chẳng tày gang. Ba năm, với một người vùi mình vào chinh chiến để quên đi nỗi đau như nàng, dài đằng đẵng. Mỗi đêm, mỗi ngày, nàng đều tự trách mình không cứu được chồng, tự trách mình không tròn phận vợ. Sĩ tốt thấy mệnh lệnh tiến quân hôm ấy là sự hy sinh và một ý chí cứu quốc vĩ đại, đáng để họ tin tưởng phó thác tính mệnh cho nàng. Còn nàng chỉ thấy, để bước lên ngôi vị nữ vương cao quý hôm nay, nàng đã giẫm lên xác của chồng nàng, mỗi bước đi đều khiến chàng bật máu, đau đớn khôn lường.

Tiếng trống bên ngoài vẫn vang lên đều đặn, thiếu phụ nghe như từng nhát dao cắm phập vào tim. Nàng che tai, ôm ngực, đau đớn thét lên.

- Nữ vương… - Cậu trai kia vẫn run rẩy gọi. – Tôi biết tội mình khó thứ tha. Dẫu khi ấy tướng quân đã thác, tôi vẫn phải liều mạng bảo vệ, đưa về cho nữ vương thờ phụng mới phải đạo làm tôi!

Đôi mắt đương mờ mịt của thiếu phụ bỗng mở to. Nàng vội ngồi xuống, xốc áo cậu bé hỏi dồn:

- Cậu nói khi ấy tướng quân đã thác? Nghĩa là sao? Nghĩa là sao ?

- Bẩm… - Cậu bé khóc òa. – Tướng quân sớm đã bị thái thú sát hại, hắn chỉ mang ngài ra để ép nữ vương rút quân thôi! Là tôi, là tôi đã hèn mọn tiếp tay cho hắn…

Những lời của cậu bé như dòng nước chậm chạp thấm ướt cánh đồng đang khô quắt. Thiếu phụ thẫn thờ, ngồi sụp xuống ghế. Nước mắt vẫn không ngừng tuôn, hơi thở ngày một nặng nề, nàng đưa tay ôm lấy ngực.

Rất lâu sau, nàng chầm chậm buông từng tiếng cười dài.


***


Khi chàng thư sinh áo trắng và cô gái nhỏ luôn đi bên chàng trở lại căn phòng nọ, trăng đã lên cao.

Trong phòng im lặng như tờ.

- Mở cửa. – Chàng thư sinh lạnh lùng ra lệnh.

Cửa phòng chậm chạp mở ra. Cậu bé mắt vẫn còn sưng húp ra đón hai người.

- Ông chủ, nhiệm vụ lần này quả thật nguy hiểm quá. Lỡ như bà ấy nổi điên lên giết tôi thật thì sao? – Cậu buồn bã làu bàu.

- Ta sẽ lo hậu sự chu toàn, cậu không cần lo lắng. – Ông chủ của cậu đáp bâng quơ, tiến đến chỗ thiếu phụ đang nằm như say ngủ. – Bà ấy có nói gì nữa không?

- Thưa, phu nhân chỉ cười buồn, nói: “Thật may!”

Thật may, nếu khi ấy nàng vì tình riêng mà mắc lừa thái thú, khiến những người theo nàng phải lâm nguy, hẳn nỗi ân hận còn lớn lao hơn.

Thật may, khi ấy chàng không phải trông thấy nàng bị giằng co giữa tình và nghĩa, không phải chịu đựng nỗi dày vò cả tinh thần và thể xác.

Thật may, nàng đã không phụ lòng chàng, đã thay chàng viết tiếp giấc mơ còn dang dở.

Thật may, bây giờ dù là cõi niết bàn hay chốn a tì, nàng cũng có thể thanh thản theo chàng.

Thiếu nữ áo trắng lặng lẽ bước đến gỡ thanh kiếm trong tay vị phu nhân nọ. Vết thương trên cổ tay thiếu phụ đã được cẩn thận lau sạch máu và băng bó lại, y phục sạch sẽ không một nếp nhăn. Ông chủ của nàng trịnh trọng vái chào, đoạn khẽ vuốt lên mi mắt người đã từng là nữ vương cao quý.

Một bóng dáng đã lặng lẽ có mặt trong phòng tự lúc nào. Cả ba người của quán trọ lúc này mới cúi đầu thưa:

- Thi tướng quân!

Một nửa gương mặt của người đàn ông ấy đã bị lửa thiêu. Nửa còn lại, vẫn có thể thấy được đôi mắt sáng quắc và quai hàm cương nghị. Người ấy cũng khẽ gật đầu:

- Cảm tạ các vị đã đồng ý giúp ta.

Nói đoạn, ngài bước đến bên giường, sẽ sàng đỡ lấy thi thể hãy còn hơi ấm, thận trọng như sẽ làm nàng thức giấc. Ngài ôm thiếu phụ vào lòng, bước ra cửa. Ngang qua cô gái nhỏ, ngài nhanh tay cầm lấy thanh kiếm. Cô bé liền theo sau:

- Tướng quân, người định sẽ thế nào?

Bóng dáng cao lớn dừng lại, tướng quân không quay đầu, giọng nói ấm áp yêu thương:

- Ta phải nhanh lên kẻo nàng ấy đợi.

Nói rồi, khóe môi ngài cong lên rất dịu dàng. Ngài chợt nhớ đến bóng dáng mảnh mai nhưng kiêu hãnh gióng trống dưới tường thành hôm ấy, quật cường hệt như ngày nàng gạt nước mắt tiễn ngài đi. Tướng quân bỗng cao hứng cất giọng ngâm nga như một cô gái trẻ:

“Và khuyên người chẳng tái hồi
Cho nghìn năm được sống đời vọng phu.”[4]

Rồi tiếng cười sang sảng vang vọng khắp khoảng sân rộng lớn, lồng lộng cả tầng không. Tướng quân bước ra khỏi quán trọ, không một lần nhìn lại. Sau lưng ngài, dãy nhà lớn lại lẫn vào mây.

Nghe nói, quán trọ Phù Vân chỉ tiếp những người có duyên, mang nặng nỗi khổ tâm không cách nào giải được.


[1]Trích Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), bản dịch của Đoàn Thị Điểm:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.”

[2]Bản dịch bài Mạch thượng tang (Hái dâu trên ruộng), thơ khuyết danh của Trung Hoa. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn có đoạn nói về bài ca này:

“Thanh thanh mạch thượng tang

Mạch thượng tang,mạch thượng tang

Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường”

(“Chỉ thấy ngàn dâu xanh xanh bên bờ.

Ôi! ngàn dâu! Ngàn dâu xanh.

Ý thiếp lòng chàng ai dài, ai ngắn?”)

[3]Ca dao.

[4]Câu hát lấy cảm hứng từ ca dao trong bài Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.
 

suongthuytinh

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
23/6/14
Bài viết
423
Gạo
930,0
Bị lọt hố của bạn rồi, nhưng mà nhìn tốc độ ra chương mới của bạn mình đang hơi hoang mang :-?.
 
Bên trên