Bút ký Quê xưa

jonigrace

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
3/3/16
Bài viết
48
Gạo
0,0
“Tất cả người lớn đều từng là trẻ con … nhưng ít ai trong số họ nhớ được điều này.” Antoine de Saint-Exupéry

Khi tôi được bốn tuổi, cha mẹ tôi chuyển nhà từ thị trấn về quê. Thời đó người làm ruộng thì không phải lo thiếu ăn. Còn ở thị trấn, ngoài những hộ kinh doanh lớn thì ai ai cũng phải bôn ba ngược xuôi để tìm kế sinh nhai, làm thuê, làm mướn để tồn tại qua ngày.

Mười năm sau, gia đình tôi bán ruộng để quay về thị trấn vì thời thế đã thay đổi. Hơn nữa, việc sống ở thị trấn sẽ tiện lợi hơn cho anh em tôi đi học. Từ đó, thỉnh thoảng vào dịp Tết tôi mới quay về quê xưa để thăm các dì tôi vẫn còn sinh sống ở đó. Thời gian trôi qua, số lần về thăm cũng dần ít lại. Những người quen xưa có người còn, kẻ mất, kể cả họ hàng thân thuộc và bạn bè xưa.

Hôm nay, lần đầu tiên tôi cùng em trai về quê dự bữa tiệc theo lời mời của một người anh con dì. Vì có việc nên khi chúng tôi đến nhà anh thì đã muộn và chỉ còn một bàn cuối cùng.

Một anh chàng bàn kế bên nhìn thấy tôi thì lật đật chạy qua chào:

- Có nhớ tôi là ai không?

- Tèo con cậu Sáu, đúng không? – Tôi trả lời.

- Đúng rồi, lúc này Nam làm gì?

Vậy là anh chàng nhầm tôi với em trai. Thằng Tèo bằng tuổi tôi, nhưng học kém tôi ba lớp, và nó là bạn học của thằng em tôi. Nhà tôi đã ở xa "xóm", phải đi bộ hơn một cây số đường bờ ruộng mới tới chỗ gửi xe đạp thì nhà nó còn xa hơn. Mỗi ngày mấy anh em nó phải đi bộ chừng chục cây số qua nhiều cánh đồng, nhiều con sông, nhiều mương rạch mới đến "đất liền". Vậy mà theo tôi nhớ thì ngày nào thằng Tèo cùng em gái của nó cũng đội trên đầu một cái mẹt, khi thì bánh in, khi thì bánh da lợn, hoặc bánh phục linh để mang đi bán cho người trong "xóm".

- Nam bên đây nè, còn đây là Vũ!

- À, mình nhầm tí!

Rồi anh chàng dời ghế qua bên kia để nói chuyện với em tôi, hỏi han rồi bắt đầu huyên thuyên đủ thứ.

- Hôm nào ghé quán cà-phê của mình đi, lúc này mình ở trên đường và mở quán.

- Quán bán có được không? - Thằng Nam, em trai tôi hỏi.

- Thời buổi này thì phải làm đủ thứ mới sống được, không như ngày xưa. - Tèo tỏ ra triết lý - Người ta nói một nghề cho chín, nhưng bây giờ mình phải làm đến chín nghề mới tồn tại được.

- Ngoài bán quán ra thì bạn làm gì nữa - Nam hỏi tiếp.

- In thiệp cưới, thiệp mời. Nhưng cũng không ăn thua. Mình làm hết các dịch vụ in ấn, photo. Rồi mua vịt về quay tại nhà rồi bán luôn, nhưng vẫn ít ai mua. Học đại học ra mà bây giờ thế đó.

Tèo trầm ngâm, uống một hớp bia rồi nói tiếp:

- Thật ra bây giờ học đại học cũng chẳng làm được gì đâu. Các công ty cần người biết ngoại ngữ. Dầu bạn chỉ có bằng cấp hai hoặc chưa có bằng gì cả, nhưng bạn biết nói tiếng Hàn, hoặc tiếng Nhật thì sẽ được tuyển dụng với lương rất cao. Còn học đại học chỉ biết tiếng Anh, mà chưa chắc tiếng Anh đã thông thạo. Nhưng cho dù bạn biết tiếng Anh thì cũng hiếm có công ty nào tuyển lắm.

Đang lúc đó thì ông anh gọi một người nữa qua ngồi để tiếp chúng tôi.

- Mày phải gọi mấy người này là chú, à không, cậu chứ! – Anh tôi nói với người mới qua.

Nhìn người cháu chưa gặp bao giờ, có vẻ cũng cứng tuổi, tôi thắc mắc:

- Là cháu của ai?

- Dạ, con là cháu rể, chồng của Minh, chị thằng Tí đó.

- À, hèn gì, cũng hơn hai mươi năm rồi chưa gặp con Minh. Lúc đó nghe nói nó đi làm giúp việc đâu đó.

- Tên là gì nhỉ? – Tôi hỏi tiếp.

- Dạ, con cũng tên Tí.

Ở quê tên thật rất dễ đoán. 33% đàn ông con trai sẽ có tên Tèo, 33% có tên Tí, và 33% còn lại sẽ có những cái tên bắt đầu từ hai chữ Cu: Cu Đen, Cu Chín, Cu Đèo, Cu Ròm, Cu Em... Và chỉ 1% còn lại có những cái tên kỳ cục như anh em tôi mà thôi.

- Nghe nói cậu Vũ cũng ở Bến Sắn à? Ở khu nào vậy? - Tí hỏi tôi.

- Chỗ quán cà-phê Cây Me đi xuống.

- Con cũng ở chỗ đó, ngay cua quẹo gần quán tạp hóa. Ở đó ai cũng biết con mà! Nhà cậu ở trên hay dưới cái võ?

- Đối diện phòng tập thể hình nè.

- Dạ, để bữa nào con qua chơi. Vợ chồng con đều làm công ty, có đứa con gái nay lên lớp sáu thôi nên cũng rảnh.

Một người khách đến muộn ngồi vào ghế bên phải tôi. Anh ta nhìn anh em tôi và hỏi:

- Nhớ anh không?

Đây là anh bạn học già đầu nhất lớp ba của tôi - cái tên ba năm một lớp, ba lớp chín năm khi nào, làm sao tôi quên được.

- Tèo con bác Tư phải không! –Tôi đáp. Vì có nhiều người tên Tèo nên để phân biệt người ta thường gọi tên cha kèm theo.

- Đúng rồi! Giờ ông làm gì?

- Giáo viên. Tôi đáp.

- Trông có vẻ trí thức nhỉ! - Tèo bình luận.

- Anh Tèo giờ vẫn làm bảo vệ phải không - Em tôi hỏi.

- Không, giờ anh làm bốc vác cho công ty. - Tèo tỏ ra trầm ngâm, nhưng kịp gượng dậy.

Tôi vỗ vào vai anh, khung xương nhìn có vẻ rắn chắc của một lực điền cường tráng ngày nào.

- Vẫn còn khỏe quá nhỉ! - Tôi nhận xét.

Tèo cười nhạt. Gương mặt hốc hác và xương xẩu vây lấy đôi mắt dường như bắt đầu có những tia nước long lanh:

- Ngày xưa thì khỏe, nhưng giờ không còn được như vậy nữa rồi. Thôi cố làm được chừng nào hay chừng đó …

Anh họ tôi lại dẫn vào bàn một ông nhìn khoảng chừng hơn năm mươi tuổi, để râu xồm xoàm, mặt nhỏ thó, nhăn nheo, đôi mắt ti hí, da đen, hai tay đầy những mốc. Ông khệnh khạng bước vào và kéo ghế ngồi xuống.

- Vũ nhớ ai đây không? - Anh tôi hỏi.

Tôi nhìn gương mặt chẳng có chút nào quen thuộc, khẽ lắc đầu.

- Thằng Cu Đất con dì ba nè!

Tôi bàng hoàng nhìn kỹ lại "ông già" Cu Đất. Ông ngoại nó là em của bà ngoại tôi. Cu Đất cùng tuổi tôi, và lúc nhỏ, nó khỏe mạnh và nghịch ngợm. Nhà nó và nhà tôi đối diện nhau qua một con sông. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có dịp đi đò sang bên kia để chơi với nhau.

- Chú Ba lúc này vẫn làm ruộng chứ? - Tôi hỏi.

- Gọi là Đất - chú Đất đi cho nó sang. - "Ông" Cu Đất móm mém cười. - Giờ đất có giá mà.

- Lúc này còn nuôi vịt không? Tôi hỏi tiếp.

- Không làm ruộng, không nuôi vịt thì biết làm gì đây anh? Nhưng giờ vịt mất giá, không có lời như xưa.

- Dì ba, dượng ba thế nào rồi?

- Ông già đang ở bệnh viện 175. Tui ghé đây một chút rồi phải lên lo cho ổng. Giờ có mình tui thôi. - Cu Đất mất đi vẻ hóm hỉnh ban đầu. - Đã gần ba chục năm rồi còn gì, từ ngày anh đi khỏi quê, chả trách không nhìn ra nhau ...

- Không, mới hai mươi lăm năm thôi mà! - Tôi đính chính.

- Ừ, dù gì thì mình cũng có chung nhau một phần nào dòng máu. Thỉnh thoảng có rảnh hãy liên lạc với nhau.- Nói rồi Cu Đất đứng lên chào mọi người, đi liêu xiêu về phía cổng.

Tôi cũng đứng lên và bước ra nhìn cánh đồng. Từ ngày khu công nghiệp mọc lên thì cánh đồng quê tôi được quy hoạch làm khu xả nước thảy của các nhà máy. Cả phân nửa cánh đồng giờ không trồng lúa được, và người ta chỉ thả sen để lấy đài sen đem bán cho khách du lịch, nhưng cũng chẳng thu được bao nhiêu.

Bước ra nhìn dòng sông trước đây chúng tôi từng bơi lội tung tăng, mò tôm mò cá giờ đục ngầu những rác rưởi. Giờ thì chẳng tôm cá nào sống ở đây cả, trong khi ngày trước chỉ cần cắm vài cần câu ở bờ ruộng hoặc bờ sông thì cá, lươn ăn không hết còn phải đem vô “xóm” để bán. Còn tôm thì chỉ cần ngăn một con rạch nhỏ lại thì chúng sẽ vào sinh sống rồi lớn lên đến ngày thu hoạch, chẳng cần cho ăn, cũng chẳng tốn tiền mua tôm giống.

Quay về nhà anh Tèo, – ông anh họ tôi cũng tên Tèo – tôi phát hiện ra một điều vẫn y nguyên như ngày xưa: đó là những cây dừa sai trĩu quả. Đó là điểm còn lại duy nhất của ký ức tuổi thơ tôi.

Chào anh ra về, anh tôi chạy theo gọi với lại:

- Chú cho anh xin số điện thoại, hôm bữa hư máy làm mất số rồi.

Tôi cũng không chắc mình có lưu lại số anh hay không, vì cũng đã lâu rồi không liên lạc, hay không chừng chưa bao giờ liên lạc cũng nên. Vì thế tôi bảo anh:

- Anh đưa máy của anh đây, em bấm số cho.

Tôi bấm số của mình và nhấn nút gọi, có tiếng trả lời từ tổng đài: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.”

Ngay cả mạng điện thoại cũng từ chối tôi, ngay trên quê cũ của mình.
 
Bên trên