Cảm nhận Rừng Na Uy - Hikaku Murakami - NXB Hội Nhà Văn

nhatlienhoan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
9/6/16
Bài viết
334
Gạo
1.500,0
Rừng Na Uy của Hakuki Murakami (RNU) đến với tôi đúng vào thời điểm có thể nói rằng tôi cần nó nhất. Ở đời có nhiều chuyện ngẫu nhiên xảy ra một cách thần kì đến mức kể cả là người chai cứng nhất cũng đôi lần buộc phải tin vào hai chữ định mệnh. Đúng vậy, ở tuổi đôi mươi, tuổi mà xuân tình dạt dào, sức trẻ phơi phới nhưng chơi vơi giữa dòng đời nhiều ngã rẽ, tôi có nhiều vấn đề hơn so với trông thấy. Và chúng thường liên kết và cộng hưởng cùng nhau. Như việc có nhiều khỏe mạnh, dư dả thời gian nhưng lại loay hoay không biết phải làm gì với quỹ vốn đang có. Hay đang hừng hực tuổi xuân nhưng lại vẫn cô đơn và đang rảo bước trên con đường tạo dựng sự nghiệp. Như việc đứng trước máy bán hang tự động, giữa biết bao sự lựa chọn hấp dẫn trước mắt, nhưng trong tay lại không có đủ tiền xu để kiếm được một miếng bánh hoặc chai nước nhâm nhi. RNU đến như đồng xu còn thiếu kia và tự động chèn vào máy đếm tiền để nó nhay nháy màu xanh báo hiệu đã sẵn sàng cho sự lựa chọn của tôi.

Như đã nói, RNU trả lời được rất nhiều băn khoăn của tôi. Một trong số chúng là việc tôi thường xuyên được hỏi cuộc sống dạo gần đây như thế nào, nhưng hoàn toàn không biết phải kể về chúng ra sao. Cuộc sống của tôi là một chuỗi những sự việc lặp đi lặp lại và để mà nói thì đơn giản chỉ hai chữ “nhàm chán”. Bản thân tôi còn thấy như thế thì người đối diện hẳn còn ngao ngán đến mức nào. Do đó mà tôi thường giữ sự nhàm chán đó lại và chỉ chia sẻ một phần rất nhỏ thú vị có được trong đó. Tôi thường tự nhủ làm quái gì có việc để kể về một cuộc sống thường ngày, về những hoạt động hằng ngày và những con người ta gặp hàng ngày kia chứ. Nhưng RNU đã chứng minh tôi sai lầm. RNU là cuốn sách chính xác kể về “cuộc sống tẻ nhạt” của Watanabe. Những câu chuyện gắn liền với rượu bia, thuốc lá, gái gú, những mối quan hệ, chuyện học hành (tất nhiên rồi) và cả những cái chết nữa.

Đọc RNU, tôi tự hỏi làm thế quái nào gã này có thể sống được tới hơn 40 tuổi kia chứ. Thậm chí trong mỗi trang sách, Watanabe nếu không uống rượu thì lại hút thuốc, không hút thuốc thì đi chơi gái. Và với mật độ đó thì chỉ khoảng 5 – 7 năm, cậu ta sẽ ngủm củ tỏi nhanh thôi. Nhưng những chuyện đời thường đó, chúng không hề thô tục hay phản cảm. Tác giả miêu tả những việc ấy nhẹ nhàng như thể bạn cần uống rượu như khi uống nước, hút thuốc như khi hít thở không khí và chơi gái như thể đi tè vậy. Không hề có sự hình tượng hóa hay thi ca hóa ở đây, chỉ có hiện thực, dù trần trụi nhưng lại vô cùng ý nhị. Câu chuyện bắt đầu bằng cái chết (Kizuki) và (có lẽ) kết thúc cũng bằng một cái chết khác (Naoko). Cái chết là thứ duy nhất xuyên suốt câu chuyện, như tác giả viết, “sự chết không là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống.” Và như để cuốn sách mãi sống, tác giả để cái chết hiện hữu luôn trong nó. Như chính cuộc sống của người dân Nhật Bản thập niên 80 luôn bị ám ảnh bởi những cái chết vậy.

U ám là thế, trần trụi là như vậy, nhưng cách tác giả bay nhảy cùng ngôn từ là đẹp. Ông không dùng cả chương để mô tả cái chết. Rằng cách một con người lao ra đường ray xe lửa như thế nào, còn lại gì sau cú va chạm đó, hoặc gió đung đưa thân người ra sao khi đang được treo lủng lẳng giữa rừng. Chỉ khoảng hai ba trang sách để kể về cái chết. Rằng người đó đã chết rồi, họ sẽ mãi 17 tuổi. Đám tang họ âm thầm ra sao và ảnh thờ họ trông như thế nào. Nhưng cái xuyên suốt của cái chết chính là những con người ở lại. Những di chứng ám ảnh, những bức xúc cùng nỗi niềm day dứt, ân hận vẫn sống. Kí ức về người đã khuất có thể đã phai mờ, nhưng hình bóng họ không bao giờ biến mất, như chính Wanatabe thốt lên “ngày xưa, cậu [Kizuki] đã lôi tuột một phần con người mình vào thế giới của người chết, và bây giờ thì Naoko vừa lôi một phần nữa của mình vào đó. Đôi khi mình cảm thấy như mình là người phải trông nom một nhà bảo tàng – một nhà bảo tàng rộng lớn và trống rỗng không bao giờ có ai vào xem, và mình phải trông nom nó để cho chính mình xem mà thôi.”

Đừng hiểu lầm rằng đây là một tác phẩm đầy bóng tối. Sự khác biệt của RNU (đối với bản thân tôi) là nó vẽ ra một bức tranh tối màu, nhưng không hoàn toàn ảm đạm. Trong bức tranh ấy thường xuyên điểm xuyến gam màu tươi sáng. Như cách phát-xít xuất hiện, cách cậu tập thể dục mỗi sáng và cái thói sạch sẽ quá mức giữa một kí túc xá nam là môi trường sinh sôi tuyệt đối của lũ vi khuẩn. Những màn đối đáp bá đạo đầy triết lí của Wanatabe và Nagasawa về cách đọc sách, cách chơi gái hay thậm chí cả việc trong trường toàn những thằng ngu, hay cách sống có phần hoang dã và nồng nhiệt của Midori là cách mà tác giả biến chuyển tâm lí người đọc từ u ám sang bật cười một cách không thể tự nhiên hơn. Chất thiên tài có lẽ chỉ đơn giản như thế. Hơn nữa, khi đã có trong đầu bức tranh ảm đạm như RNU, tôi có thể trân trọng và thưởng thức những bức tranh tươi sáng, ấm áp kia cách trọn vẹn nhất, đủ đầy nhất.

Nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng bản thân đã quá cứng nhắc trong chuyện tình dục. Rằng ở tuổi 14 15 thì hàng khối đứa đã nhào người qua biết bao chiếc giường cùng bao thân xác hoang lạc, trong khi tôi luôn cho rằng hôn môi đã là giới hạn tột cùng trong một mối quan hệ. Ở RNU thì ranh giới đó dường như càng mỏng manh hơn. Ở tuổi 19 mà Wanatabe đã ăn nằm với biết bao nhiêu cô gái dù đa phần trong số đó là tình một đêm. Nhưng rồi tôi nhận ra, đó là cách sống mà cậu ấy chọn, cũng như tôi đã chọn cách sống của mình. Không có đúng sai ở đây mà chỉ ở cách sống, xoay sở, chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của bản thân. Tôi thoải mái khi biết rằng cách sống “tẻ nhạt” của mình hóa ra lại tươi sáng và long lanh đến vậy, nó không còn “nhàm chán” để được chia sẻ nữa. Có rất nhiều khía cạnh để tôi khai thác từ chính sự nhàm chán của nó, để biến đổi nó hoàn toàn tươi mới, tích cực.

Nếu điểm nhấn của truyện chính là cách tác giả đưa câu chuyện của những nhân vật lồng ghép vào nhau một cách tài tình thì điểm trừ là cách ông kết thúc nút giao nhau giữa chúng. Wanatabe là nhân vật chính và cậu kết nối tới tất cả nhân vật, và tất cả trong số đó đều rời bỏ cậu, theo những cách cực đoan, vô nghĩa, dở dang hoặc đầy tiếc nuối. Có lẽ sự ám ảnh của cái chết cũng nhuốm vào câu chữ của tác giả, khiến ông không (thể) nỡ rời bỏ nó được. Cái kết của cuốn sách là sự tìm gặp nhau giữa Wanatabe và Midori khi Wanatabe thừa nhận không thể rời xa Midori nhưng lại chìm ngập trong “quá khứ” đến nỗi không biết mình ở đâu. Liệu mối tình của họ có được vẹn tròn? Tôi mong là như vậy. Vì với tôi, sẽ thật ác nếu để cậu ấy dằn vặt và bế tắc trong bóng tối của quá khứ. Cần một bàn tay nắm lấy cậu ấy và ôm ấp, sưởi ấm cho cậu ấy như mỗi chúng ta đều cần một vòng tay nào đó, ở một thời điểm nào đó, trong cuộc sống đầy nhàm chán của mình.

Nếu được hỏi có đề xuất Rừng Na Uy với mọi người hay không thì tôi xin thưa, không. RNU sẽ là cuốn sách tuyệt vời nếu bạn luôn tâm niệm hướng về ánh sáng, về sự tích cực. Nó cho bạn thấy rõ sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, hay dạy bạn luôn bền bỉ tìm kiếm ánh sáng dù có bị vùi lấp trong bao nhiêu bóng tôi và trong bao lâu đi chăng nữa. Nhưng nếu bạn đang bị bóng tối của sự tiêu cực bủa vây và không biết làm sao để thoát ra hay chỉ đơn giản tìm kiếm một thứ gì đó để giảm bớt sự bế tắc của bản thân thì tuyệt nhiên đừng tiếp xúc với RNU. Bởi nếu bóng tối của bản thân bạn còn không điều khiển được, liệu bạn có thể tiếp nhận thêm bóng tối của RNU để rồi lần mò trong đó tìm kiếm ánh sáng ẩn mình trong tác phẩm? Bởi suy cho cùng, bóng tối (đại diện là cái chết) luôn tồn tại cùng ánh sáng (đại diện là sự sống), và nếu không thoát ra khỏi bóng tối thì cái chết sẽ nuốt chửng bạn trước khi bạn có thể sống.
 
Bên trên