Chương 1: Chuyện cũ
Cơn mưa rào mùa hạ từ trưa đã tạnh hẳn, chỉ còn những giọt nước trong veo đọng lại trên mái hiên đang tí tách rơi. Bầu trời quang đãng, khí trời thanh sạch, hòa cùng hương đất ải nồng ẩm và ngai ngái sau mưa. Trên giàn nhẫn đông(1) xanh mướt, vài cánh bướm trắng thơ thẩn dạo chơi. Tôi ngồi trước thềm nhà, một tay ôm quyển kinh thư(2), một tay chống cằm, mắt nhìn lên vòm trời trong vắt. Chợt bên cạnh vang lên tiếng nói:
- Ta còn tưởng em chăm chỉ, hóa ra chỉ cầm sách để diễu võ dương oai.
Chẳng cần quay lại, tôi cũng biết là anh Đặng Khải. Tôi vẫn nhìn lên trời:
- Hiếm khi thấy anh có nhã hứng.
Đặng Khải hất vạt áo về phía sau, ngồi xuống cạnh tôi, mỉm cười:
- Cũng hiếm khi thấy em bị người khác trêu mà không cự lại. - Rồi tiếp lời. - Vừa hết hương(3), ông bảo ta gọi em vào ăn cơm. Ông đi mời thầy Phan, chắc cũng sắp về rồi.
Thấy tôi vẫn chưa đứng dậy, anh hỏi tôi:
- Sao thế? Đang nhớ chuyện cũ hả?
Một thoáng yên lặng...
- Vâng. - Tôi bỗng đáp. - Em đang nhớ chuyện cũ đây. Em... lên núi được bao lâu rồi?
- Sáu năm rồi.
Chuyện cũ... Đã sáu năm trôi qua...
Bảo rằng nhanh thì mới qua mấy mùa đào nở sen tàn, mà bảo rằng lâu thì đã bao lần trăng đầy trăng vơi.
(1) Tên gọi khác của cây kim ngân.
(2) Thuộc Ngũ kinh - một bộ sách trong nho giáo.
(3) Hương thắp trên bàn thờ, hết hương là khi hương cháy hết phần trầm màu nâu, có thể hạ đồ cúng xuống.
~ ~ ~
Tôi vốn sống trong một ngôi làng nhỏ ở trấn Nghệ An. Tôi không có cha mẹ, chỉ biết người nuôi tôi từ bé là một bà cụ. Bà tuy già nhưng vẫn còn minh mẫn, tôi làm gì cũng không qua nổi mắt bà. Tiếng thế nhưng bà rất chiều tôi, có gì ngon cũng phần tôi, tối đến ôm tôi trong lòng mà kể chuyện. Chuyện của bà nhiều lắm, kể suốt bao ngày mà chẳng hết. Tôi thích nghe chuyện, nên cũng thích mùa đông vì mùa đông trời chóng tối, buổi tối cũng dài hơn. Có lần đang nghe dở thì gà gáy canh hai, bà bắt tôi đi ngủ. Ăn vạ chẳng xong, tôi hậm hực nghĩ bụng sáng hôm sau phải lấy một sợi rơm đi tìm con gà láo toét dám làm tôi bực mà buộc mỏ nó lại cho bõ tức. Nhưng chưa đến chuồng thì gà đã cào đất túi bụi, vỗ cánh phành phạch mà ở làng có tận năm con gà nên tôi đành lủi thủi ra về.
Tôi không biết tên mình, nghe mọi người gọi mình là Gạo nên cứ ngỡ đó là tên tôi. Bọn trẻ trong làng trêu tôi là "ăn lúa ăn gạo", tôi tủi thân chạy về mách bà, bà xoa đầu tôi mà bảo:
- Tự mi nghĩ cách thì mới chóng khôn.
Thế là hôm sau, tôi mang một nắm rơm và vài hạt gạo ra giữa làng, chống tay vào hông mà thách:
- Đứa nào bảo "ăn lúa ăn gạo"? Ăn trước mặt ta xem? Ăn được ta cho trêu tiếp?
Thằng Tí - đứa trêu tôi dữ nhất - bị bọn trẻ đẩy lên trước. Nó bứt tai, chỉ vào mấy cọng rơm, thắc mắc:
- Đây là rơm nớ, không phải lúa.
- Hứ! - Tôi hếch mũi. - Rơm là thân lúa phơi khô.
- Tau cứ trêu mi, răng tau phải ăn?
- Mi kêu "ăn lúa ăn gạo" thì mi phải ăn được chứ?
- Ăn thì ăn, tau chả sợ.
Thằng Tí không nhặt rơm, nó với sang mấy hạt gạo thì tôi giằng lại:
- "Ăn lúa" trước!
Nó đành cầm rơm đưa vào miệng nhưng vừa nhai được một mẩu thì tôi đã hét lên:
- Lêu lêu Tí ăn rơm, Tí là bò, bò nhai rơm.
Bọn trẻ thấy vậy phá lên cười, hùa vào trêu thằng Tí, làm nó điên tiết xông ra chỗ tôi. Nhưng tôi cao hơn nó nửa cái đầu nên nó chỉ lườm tôi rồi vùng vằng bỏ đi. Tôi còn nghe loáng thoáng một câu: "Ngu như bò".
Nghĩ lại vẻ mặt của nó, tôi vẫn tự cười ngây ngốc một mình, lại nghĩ không biết mình có làm quá không. Mà cũng tốt, ít nhất từ đó chẳng ai dám trêu tôi. Nghe chuyện, bà dẫn tôi sang nhà nó, bắt hai đứa xin lỗi nhau rồi làm lành. Đầu tiên còn giận, nhưng chẳng mấy chốc đã quên, tôi lại rủ nó đi leo cây, lội sông, trốn tìm...
Năm tôi lên năm, một hôm thằng Tí bỗng bảo tôi:
- Gạo ơi, sau này mi lấy tau nhá.
Tôi ngẩn ra, chưa biết trả lời thế nào thì nó lại bảo:
- Tau không trêu mi nữa đâu, ai trêu mi tau sẽ...
- Tau không thích tên Tí, xấu mù, mà... - Tôi định nói tôi không thích lấy đứa "ngu như bò" nhưng tiếng ấy do tôi mà ra nên lại thôi.
- Tau xin mệ (mẹ) đổi tên, nhá!
- Tau không thích đứa lùn hơn tau.
- Lớn khác cao lên ớ!
- Tau không thích chỏm tóc của mi.
- Thì cạo đi.
Cứ thế tôi với nó chí chóe cả buổi, mãi chẳng xong chuyện lấy hay không lấy. Vậy mà khi ấy, tôi không biết rằng, đó là những tháng ngày vui vẻ cuối cùng của chúng tôi bởi cùng năm, nhà thằng Tí rời làng. Trước khi đi, nó cho tôi mấy củ khoai, dặn tôi chờ nó khiến tôi một phen nước mắt ngắn nước mắt dài. Từ đó, chẳng còn ai cùng tôi leo cây, trốn tìm, cùng tôi lang thang cả buổi nhặt hoa xoan rụng, chỉ còn tôi tha thẩn giữa trưa, ngồi trên cành cây mà nhìn về một hướng xa xăm nào đó, thầm nghĩ: "Giá mà lúc trước mình nhận lời lấy nó".
~ ~ ~
Ngày ấy, tôi thường thấy trai tráng trong làng chặt tre, vót thành những chiếc chông nhọn hoắt dài chừng một thước, lại thấy mấy ông lão ra đầu làng ghè đá mài dao, mài cả thanh đao quý của bác Sửu. Tôi hỏi bà thì mới biết, người làng đang chuẩn bị chống giặc. Nghe ai đi buôn ở xa về kể, có tên Trương Phụ là tướng giặc Minh, nổi tiếng bạo ngược, rán thịt người lấy mỡ, đốt nướng làm trò chơi. Người các trấn các lộ, hễ ở lại thì bị giặc giết hoặc xung vào phủ làm nô tỳ, nay đã bốn phương tan tác. Ban đầu, tôi còn ham chơi, nghe bà mắng vẫn cãi rằng tôi gầy thế chẳng bõ cho chúng bắt. Nhưng khi nghe thằng Tí huyền thuyên một hồi rồi thấy cả nhà nó phải rời đi, lại vài đêm nghe tiếng vó ngựa, tiếng chém giết rợn người từ xa vọng lại, tôi mới tin sái cổ có cái tên Trương Phụ độc ác, chừa hẳn thói lêu lổng. Bọn trẻ con đã sớm khiếp vía, chẳng đứa nào dám bước ra khỏi cửa, sợ sẽ bị Trương Phụ bắt mất.
Tối đó, tôi ngồi trong lòng bà, khẽ hỏi:
- Bà ơi, răng mình không đi trốn giặc? Trốn đi như... nhà thằng Tí?
Bà xoa đầu tôi:
- Mình bỏ đi, giặc ngồi không mà chiếm được làng, chúng sẽ nghĩ dân ta sợ mà không dám đánh, phải ở lại mới giữ được làng, đánh lại chúng.
- Nhưng mà, nhưng mà... vua đánh còn thua cơ mà? Cháu nghe ông Lựu kể vua Hồ(4) bị chúng bắt đi, vua Trùng Quang(5) còn không lại được chúng, răng mình không...
- Con bé này, bấy nay có thấy chi làm mi nhát thế mô? Giặc đến thì đánh, sợ chi? Mà lúc ấy mi phải nghĩ cách mà chạy đi nghe chửa? Đánh giặc là chuyện người lớn, mi ở lại vướng tay chúng tau, phải chạy đi, chạy vô trong rừng mà nấp, biết không?
...
Trời khuya âm u, tĩnh mịch đến đáng sợ, thoáng nghe tiếng động là tôi đã thấy mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng, chỉ lo giặc tới lúc nào không hay. Dẫu bà cụ đã nằm bên dỗ dành, tôi vẫn không sao chợp mắt nổi.
(4) Tức Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương.
(5) Tức Trần Quý Khoáng, vị vua lãnh đạo khởi nghĩa chống Minh năm 1409- 1413.
...
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần...
- Bớ làng nước ơi, giặc Minh đến!
- Giặc hả, giặc mô?
- Đánh thôi, anh em ơi, đán...h... h... h...
Tôi choàng tỉnh, thấy bà xách một tay nải đã gói ghém sẵn, kéo tôi ra khỏi cửa:
- Mi mau chạy đi, chạy vào rừng nghe chưa?
- Con muốn đánh giặc cơ, bà cho con đánh giặc.
- Giặc đã có chúng tau lo, mi phải chạy đi thì sau này lớn mới đánh chúng được.
- Nhưng...
Ai đó bỗng thét lên. Từ xa, tôi thấy một tên ngồi trên lưng ngựa, một tay giơ thanh kiếm đẫm máu, tay kia cầm đao của bác Sửu, cười man rợn. Một thanh tre nhọn phóng tới nhưng trúng áo giáp nên hắn chẳng hề hấn gì, càng cười điên cuồng hơn.
- Đánh, đánh... - Dân làng lao về phía chúng.
Tiếng đao kiếm vang lên loảng xoảng, tiếng những người mẹ gọi con, tiếng khóc, tiếng hô hào hỗn độn, bà kéo tay tôi chạy về phía rừng. Đằng xa, bụi đất theo vó ngựa bay mù mịt, những nhà tranh mái rạ bị đốt, từng mảng khói đen cuồn cuộn bốc lên.
...
Chạy...
Chạy thục mạng.
Chạy cho tới khi không còn nhìn, không còn nghe được gì.
Chỉ còn màn đêm, chỉ còn màu lá hòa ánh trăng, chỉ còn tiếng hú của sói rừng vọng lại, chỉ còn bà cháu tôi nấp trong một bụi cây.
Kiệt sức...
Đó là đêm tháng tư kinh hoàng năm Giáp Ngọ (1414).