Sóng Lam - Cập nhật - Tiểu Lam Vân

KevinK20

Gà con
Tham gia
2/4/20
Bài viết
58
Gạo
0,0
Tên truyện: Sóng Lam
Tác giả: Tiểu Lam Vân
Tình trạng sáng tác: Cập nhật | Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: Không xác định
Thể loại: Truyện dài, học đường, kỉ niệm
Độ dài: Chưa xác định
Giới hạn độ tuổi đọc: Không | Cảnh báo về nội dung: Không
Giới thiệu
Truyện dài xoay quanh kỉ niệm cuộc sống thuở bé của nhân vật “tôi”, về những người anh em, bạn bè, họ hàng cùng những trò chơi, trò nghịch ngợm,về sự bồng bột, nông nổi của tuổi nhỏ, về mối tình nở ra với “tôi” và hai cô bé, và sự vươn lên giàu nghị lực của một cậu bé liệt. Xuyên suốt câu chuyện là những chi tiết mà bạn đọc có thể nhận thấy mình trong đó. Sau tất cả là những bí mật mà bạn bè đã giấu nhau sau một thời gian mệt nhoài trên cánh đồng công việc đã tiết lộ.
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
 
Chỉnh sửa lần cuối:

KevinK20

Gà con
Tham gia
2/4/20
Bài viết
58
Gạo
0,0

Sóng Lam

- Chương 1 -

Sáng nay, như thường lệ, mẹ gọi hai anh em tôi ngủ dậy sau giấc ngủ mấy tiếng suốt đêm:

- Dậy đi mà ăn sáng kẻo muộn kìa con!

Tôi đoán một phần trong số các bạn đang đọc cuốn sách này ắt là không muốn rời khỏi giường vào buổi sáng. Vậy thì bạn cũng như tôi và thằng Lam em trai tôi, cũng không hề muốn phải tạm từ bỏ giấc ngủ ngon lành ấy. Chúng tôi lười biếng đi vệ sinh cá nhân, thay quần áo, cho sách vở vào cái cặp vải cũ rích đã ngả màu cỏ úa rồi ra ăn sáng. Con Vện ra bãi cát lim dim sưởi nắng, còn con Đốm thì nhảy lên bục cửa sổ rửa mặt. Chúng còn chăm chỉ vượt mặt chúng tôi cơ đấy! Ăn sáng xong, tôi với Lam xỏ dép, rảo bước trên bãi cát tới trường.

Trên đường đi học, Lam tha hồ tận hưởng làn gió mát rượi đưa từ biển vào, chào hỏi những đứa bạn cùng lớp và cảm nhận hơi nóng của tia nắng mặt trời đang chảy trên đầu. Nó chả màng tới việc hôm nay học ra sao. Trong khi đó, tôi lếch thếch bước đi trên cát, chẳng quan tâm những việc mà Lam đang cảm nhận.Tôi chỉ sợ mình lại đem những “người bạn” là “gậy” và “trứng ngỗng” trong bài kiểm tra 15 phút đầu giờ hôm nay về nhà ra mắt bố mẹ. Chắc họ sẽ chẳng vui mừng gì với những “người bạn” này, có khi đá tôi ra khỏi nhà ấy chứ.Nhất là Văn với Toán, mấy bài văn của tôi đọc như kiểu tôi viết tiếng Ả Rập, lủng củng và dở tệ. Toán thì tôi tính sai bét, gần như không đúng câu nào.

Mải nghĩ miên man, ánh mắt tôi đập vào một cánh cổng đang mở - cánh cổng trường. Lũ lũ học sinh đổ vào như nước. Có cảm giác như ai đập vào vai tôi.

- Ê, này!

Ngoảnh đầu lại, hóa ra là Ánh – bạn thân nữ duy nhất của tôi, vì chúng tôi học chung từ lớp Một đến giờ - đang thở hồng hộc. Nó nói, giọng pha chút bực bội:

- Sao cậu bảo sáng nay hai đứa mình cùng vừa đi vừa ngắm bình minh, lại quên à?

- À, ờ, tao quên. Sáng nay tao mệt nên hơi đãng trí.

Tôi vừa nói vừa cười khúc khích vì câu nói dối của mình.

Vào lớp cất cặp xong, tôi chưa kịp chạy ra sân thì lão trống kêu học sinh vào học. Học sinh cả trường chạy hết vào lớp của mình. Những âm thanh ồn ào, huyên náo vừa rồi đã chỉ còn là tiếng chim hót líu lo, tiếng đọc bài, tiếng ông bảo vệ quét lá xào xạc và tiếng guốc giày giáo viên lục tục tỏa về lớp sau giờ họp.

Nhưng hôm nay có sự kiện mới.

Cô Xuân chủ nhiệm lớp tôi vào lớp. Lớp trưởng hô:

- Cả lớp đứng! Nghiêm!

- Chúng em chào cô ạ! – Học sinh đồng thanh chào vang.

Cô gật đầu mỉm cười. Đằng sau lưng cô ló ra một cái đầu.

Tôi thoáng giật mình. Cái đầu đó rời khỏi lưng cô, đem theo cả chân tay thân thể. Cứ tưởng là ma cơ chứ! Nó bẽn lẽn theo cô vào lớp. Cô giáo nói:

- Cả lớp, từ nay chúng ta có thêm một bạn mới. Em hãy tự giới thiệu về bản thân mình đi.

Đứa con gái xinh đẹp đó nói nhẹ:

- Xin chào các bạn. Mình tên Hà, học trường Cây Dừa. Mình là học sinh mới của lớp. Mong được các bạn giúp đỡ.

Cô giáo bảo nó tìm chỗ ngồi. Bàn tôi là bàn duy nhất còn chỗ trống nên cô “điều chuyển” nó vào đây. Ngồi vào chỗ, tôi thấy nó liếc tôi, rồi cúi đầu xuống, đỏ mặt cười mỉm trong vài giây. Tôi hỏi:

- Mày làm gì mà cười như tự kỉ thế?

Hà quay sang, lườm tôi một cái thật đáng yêu rồi nói nhỏ:

- Đúng là thằng hâm!

Đảo mắt sang hướng khác , tôi bắt đầu chăm chú nhìn lên bảng học bài, còn tránh được “gậy” với “trứng ngỗng” nữa. Nhưng kết quả là tôi “vác” năm điểm về nhà. Thôi, xác định ăn cơm cạnh bãi biển thay vì trong nhà với Vện và Đốm thôi.

Một lúc sau, ông bảo vệ đánh trống ,báo hiệu đến giờ ra chơi. Học sinh lại ùa ra sân trường như hồi trước giờ vào lớp. Có đủ hoạt động diễn ra: đứa thì đá bóng, đá cầu, đuổi bắt; đứa thì nhảy dây, chơi chuyền; đứa khác lại nhóp nhép nắm cơm sáng. Hôm trước, tôi đi chân trần trên cát, dẫm phải vỏ ốc rồi bị xước chân nên không đá bóng được, chỉ đi lòng vòng rồi ra cạnh bờ biển, lấy dép kê mông ngồi thả mắt ngoài xa xăm.

Cảnh vật sáng nay cũng không có gì thay đổi so với lúc tôi đang trên đường đến trường. Vẫn cánh hải âu đó chao liệng trên cao; vẫn những đám mây trắng, mây hồng đó trôi lững lờ trên nền trời xanh thẳm như những đóa sen nở trong đầm; vẫn con thuyền buồm đó ngày ngày xuôi ngược, chung thủy với người dân vùng biển; vẫn ông mặt trời đỏ như cái thau đồng đó, mỗi sáng vẫn trèo lên trời khoe ánh sáng chói chang dần về trưa; vẫn con sóng bạc đầu chen đẩy nhau xô vào liếm lên bãi cát. Khung cảnh làm tôi nghĩ mơn man bao điều.

- Ê, làm gì ở đây đó?

Ai đó hỏi tôi làm tôi giật mình. Ngoảnh lại, thì ra là Hà đây mà. Nó ngồi xuống cạnh tôi, bắt chước thả mắt ra tít phía chân trời. Tâm trạng sao cứ xốn xang một điều gì đó khó tả. Hà hỏi:

- Cậu thích ngắm phong cảnh sáng hả?

- Ừ. Chắc vậy.

- Mình chỉ thích buổi chiều thôi.

- Buổi chiều hả?

- Ừ.

Chợt hai đứa nghe thấy tiếng trống trường, tôi và Hà cùng nhau chạy nhanh vào lớp. Buổi học nhàm chán lại tiếp tục diễn ra.

Vài tiếng sau, ông trống hô vang, dấy lên “thời khắc lịch sử huy hoàng”: Tan học. Học sinh túa ra cổng trường đông như nước chảy ra từ vòi nước hỏng khóa. Tôi luôn nán lại sau cùng, vì nhỡ đâu chen lấn vào dòng người tấp nập đó có khi lại đánh nhau như chơi. Trường tôi có lớp 5E toàn học sinh ngổ ngáo, dữ dằn, chỉ vỗ nhẹ vào lưng thôi mà chúng nó đã lao vào đánh cho tơi bời (tôi từng bị thế rồi).

Bình thường, tôi hay đi một mình, nay không hiểu sao Hà lại đi cùng. Lần đầu có người đi cùng, chúng tôi trò chuyện rôm rả, vui vẻ. Nó còn chỉ đường đến nhà nó nữa. Vậy là tôi cũng biết nhà của một đứa bạn lần đầu.

Nhưng lâu dần, tôi cảm thấy hơi phiền phức khi nó cứ lẵng nhẵng theo tôi như cái đuôi suốt ngày. Có lần tôi phát cáu, kêu lên:

- Lần sau đừng đi theo tao nữa, để tao tự do xíu đi!

Nó hơi xịu mặt đi.

Một lần khác, tôi với nó trốn ngủ trưa ra bãi đào cát tìm vỏ sò với mấy đứa bạn, và con Hà. Nay gia đình mấy đứa ngủ say nên không biết chúng tôi đang chơi. Đào xong, tôi đem mấy vỏ sò to và đẹp nhất ra chia đôi, tôi một nửa, Hà một nửa. Nó cầm lên, mắt không nhìn vỏ sò mà nhìn tôi chằm chằm với vẻ dịu dàng, thân mật. Tôi tò mò hỏi:

- Mày làm sao mà nhìn tao chằm chằm vậy? Mép tao dính ruồi hả?

Nó cười mỉm, đáp nhẹ:

- Mình “cảm nắng” cậu rồi.

Tôi vội dìu cô bạn vào bóng cây phi lao, khuyên:

- Đó, cảm nắng thì vào chỗ râm mà đứng kẻo ốm sốt đấy.

- Đúng là đồ hâm! – Nó cười phá lên và cầm ổi chạy về nhà, bỏ mặc tôi đứng vò đầu vứt tai suy nghĩ trước cái nhìn ngạc nhiên của lũ bạn.
 

KevinK20

Gà con
Tham gia
2/4/20
Bài viết
58
Gạo
0,0


Sóng Lam

- Chương 2 -

Nhà tôi nuôi một con chó và một con mèo. Con chó là Vện; còn con mèo tên Đốm, vì lông nó màu vàng điểm trắng rất đẹp, đẹp như bức tranh tuyết rơi ở rừng khộp mùa rụng lá. Tôi yêu chó nhất, vì tôi biết loài bốn chân hay vẫy đuôi này rất trung thành và thông minh, biết bắt trộm nữa (nhưng thực ra nhà tôi chưa bao giờ bị trộm). Lam thì thích mèo, vì Lam suốt ngày ôm mèo đi ngủ, và nó cho rằng mèo dễ thương và bắt chuột giỏi hơn chó. Hai anh em từng đánh nhau vì tranh cãi xem con nào giỏi hơn.
Nhà tôi cũng nghèo rớt như bao gia đình khác trong làng, và cũng có thể như các làng khác, nên thú cưng cũng như người, cũng gầy rộc. Nhưng ít ra thì vẫn đủ ăn, không đến nỗi chết đói.
Chiều nào không đi bơi hay không đá bóng, tôi luôn dắt con Vện và em tôi dắt con Đốm đi dọc bãi biển, cảm nhận những cơn sóng hôn vào đôi bàn chân nhỏ và bật cười khi thấy lũ chó mèo nhảy cẫng lên vì giật mình khi dòng nước xô vào chúng. Hai đứa còn tập bơi cho hai con này nữa. Nhưng kết quả thu lại được sau những buổi tập được đúc kết trong buổi nói chuyện buồn giữa hai đứa sau một tháng “đào tạo”.
- Con Đốm bơi được chưa?
- Chưa. Thế còn con Vện? Nó bơi được chưa?
- Được.
- Chìm không?
- Chìm.
Một năm nọ, làng chúng tôi có rất nhiều chó, mèo hoang lạc đến. Con nào con nấy gầy rộc, đi xin ăn từng nhà. Có nhà cho nó con cá, ít cơm thừa. Thậm chí có người nhẫn tâm đá thùm thụp vào bụng những con vật tội nghiệp kia nữa. Vài hôm, tôi còn thấy một phần trong số chó mèo đáng thương nằm phơi bụng chờ chết.
Bất bình trước hoàn cảnh này, tôi cùng thằng Minh xù, Hải ghẻ và Ánh thống nhất lập “trang trại chó”. Mục tiêu là nhận nuôi tất cả số chó mèo hoang về nhận nuôi. Tôi có rủ Hà đi cùng nhưng nó ngại bẩn với vất vả nên thay vào đó là Ánh. Xin xỏ mãi, bố thằng Hải ghẻ mới cho chúng tôi “thuê” sân sau để làm chỗ cho chó mèo, chứ còn chẳng nhà đứa nào cho. Lúc đó, tôi thấy ông là người đàn ông tốt nhất thế giới.
Từ ngày thành lập trang trại, thỉnh thoảng tôi thấy “thân mẫu” mấy đứa cùng hội bàn tán nhau chuyện hay bị mất đồ ăn. Tôi cứ lo bí mật bị vỡ lở. Nhưng rất may là vẫn chưa đến lúc đó.
Cách huấn luyện chó mèo của chúng tôi khá đơn giản. Như bao kiểu huấn luyện cơ bản đầu, chúng tôi lấy “mồi nhử” là con cá, ít cơm thừa,… rồi ném ra xa cho lũ bốn chân đuổi theo. Nói là cả lũ nhưng thực ra chỉ có khoảng một phần ba trong số chúng chạy theo, nhưng không ngoạm để đem về chỗ chúng tôi, mà… “chén” luôn. Ban đầu thì chịu được, nhưng về sau cũng hơi nản. Tuy vậy, ước mơ được trở thành một nhà huấn luyện tài ba vẫn không chịu nguôi.
Lúc đầu, chúng tôi “đóng góp” con Vện và con Đốm nhà tôi, con cún Miu nhà Minh xù, con mèo Bo nhà Hải ghẻ và con chó Mi nhà Ánh (lúc đấy chúng tôi quên mất là trang trại chỉ nhận nuôi động vật hoang).
Một hôm, thằng Hào tồ đến hỏi:
- Chúng mày nhận nuôi động vật hoang hả?
- Ừ.
- Tao có con cần nhận nuôi.
- Mày… có con rồi hả?
- Ừ.
Tôi giật mình, hơi buồn cười:
- Mày lấy vợ rồi sinh con rồi hả?
- Đâu. Tao đang vào rừng, tự nhiên tìm được con này.
- Con gì, giơ cho tao xem.
Nó xòe hai bàn tay nãy giờ giấu sau lưng, một con chim non gãy cánh đang nằm im, thở từng hơi yếu ớt.
- Mày đem chú chim gãy cánh này đến đây làm gì?
- Nhờ mày nuôi hộ chứ gì nữa!
- Mày cà khịa tao hả? Trại tao chỉ nhận chó mèo chứ làm gì nuôi mấy con này?
- Ở nhà, bố tao không cho nuôi. Ông bảo là nuôi vừa bẩn vừa tốn thức ăn.
Tôi ngắm chú chim tội nghiệp kia, lòng đầy cảm giác tiếc thương.
- Vậy để tao đem chôn nó. Đằng nào cũng sắp chết rồi.
- Thôi, để cho tao con chim này rồi tao tính.
Thằng Hào tồ mừng rỡ, đặt vào tay tôi con chim rồi chạy mất. Trước khi khuất bóng sau những tàng dừa, nó còn dặn:
- Khi nào nó khỏe mạnh trở lại tao sẽ đem nó về!
Tôi cầm trên tay vậy thôi chứ chẳng muốn nuôi cái của nợ này làm gì. Mục tiêu là nhận nuôi lũ bốn chân chứ đâu phải mấy con có cánh này. Tôi chấp nhận lời đề nghị chỉ vì nhìn khuôn mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước của thằng Hào. Ném lao thì phải theo lao chứ biết làm sao nữa. Tôi đem về, rửa chỗ bị thương của con vật bị gãy cánh (tất nhiên là dùng nước ngọt chứ nước biển có muối rửa cho nó, nó xót, đau quá lăn đùng ra chết à?) rồi vù qua nhà ông Nhân, ông ngoại tôi làm nghề thầy thuốc, mượn ít băng gạc với thuốc đỏ về. Ông hỏi:
- Con bị xước ở đâu mà mượn mấy cái này, ra đây cho ông xem.
- Cháu không sao ông ạ. Cháu mượn về cho con chim của cháu.
Nói xong, tôi chợt nhớ ra “độ nguy hiểm” của câu nói, liền dặn thêm:
- Ông đừng nói với bố mẹ cháu, họ lại giết con chim của cháu thì tội nó lắm.
Ông hành xử ngoài suy tính của tôi. Ông vỗ vai tôi:
- Con biết yêu thương động vật như thế, ông lại để cháu bị thế bao giờ.
Tôi sướng rơn, chạy vèo ra gốc dừa, bôi thuốc đỏ rồi băng lại vết thương cho con chim. Nó dần hồi tỉnh, chấp chới cánh muốn bay nhưng không nhấc người lên được. Thật tội nghiệp!
Giấu con vật trong lòng bàn tay, tôi bí mật đi tìm một vật nào đó để coi như là làm chỗ ở cho nó luôn. Loay hoay mãi, tôi tìm thấy một cái hộp gỗ có nắp kéo. Cho vào chắc nó ngạt thở chết như chơi, mà nếu mở suốt cho nó thông khí thì hồn con chim chắc hóa không khí, hoặc chui vào bụng mọi người, nằm trong dạ dày rồi “du hành” đến… cầu xí. Vậy nên, tôi tìm cái dùi của bố, đục một lỗ vừa đủ để con chim thở, và đủ để không ai nhìn thấy nó. Vậy là con chim đã có chỗ ở rồi.
Hằng ngày, sau khi ăn cơm, tôi lại lén nhặt những hạt cơm thừa, hoặc ít thịt cá đem cho chim ăn, cho mau lớn, mau bình phục để đến lúc trả lại nó cho trời xanh, à quên, cho thằng Hào tồ, như thể tôi là một con mèo, chuyên đi ăn trộm thức ăn đem về cho đồng loại bị đói (mặc dù tôi và con vật tội nghiệp kia chắc chẳng phải đồng loại với nhau gì cả đâu).
Lại trở lại chuyện của lũ bốn chân hay ngoe nguẩy đuôi kia. Đến một số lượng nhất định, chúng tôi nhận ra nguồn thức ăn không còn đủ để nuôi thêm nữa nên tạm dừng nhận nuôi thêm tại đây. Vẫn có một số con chúng tôi cho vào trại, nhưng chỉ cho chúng vào chơi hay hỏi thăm bạn bè thôi, chứ đòi ăn thì… biến! Yêu thương động vật lắm nhưng đành chấp nhận, chỉ hy vọng có một mùa đánh bắt thu được nhiều cá tôm hơn thôi, để chúng tôi gia tăng số lượng, có khi lại thành trang trại lớn nhất thế giới ấy chứ.
Thôi, cuộc vui phải có điểm dừng, bớt hoang tưởng đi não tôi ơi! Sau một thời gian, con chim đã lành vết thương, nhưng nỗi yêu thương đã ghì chặt tôi, chưa cho tôi đem cho thằng Hào tồ, để rồi phải nhận cái kết thật chua chát.
Một hôm nọ, sau khi đi đá bóng về, tôi lao vào bàn học xem con chim ra sao. Nhưng tôi kéo nắp hộp, chẳng thấy chim đâu cả. Lo lắng, sợ hãi,hồi hộp, tất cả bao trùm lên tôi như một cái chăn bông dày thật dày để tôi toát mồ hôi hột đi tìm kiếm. Lùng sục khắp nhà, dưới chõng, trong hộc tủ quần áo, trong cặp, từ chỗ dễ tìm tới chỗ không thể nào có, và cả chỗ khó tìm trong nhà, tôi đã bới tung lên. Và kết quả là tôi đã tìm được… trận roi của bố vì tội làm bừa bộn cái nhà. Tôi khóc, nhưng không khóc vì đau, mà khóc vì không tìm được con chim yêu dấu tôi đã bỏ công sức nuôi nấng đã mấy tháng ròng, không lẽ công cốc hết sao?
Bực chính bản thân vì không làm tròn trách nhiệm, tôi bỏ ra bờ cát ngồi thút thít. Sóng biển lao xao như dạo nhạc – một bản nhạc buồn. Gió hiu hiu như muốn lau hết nước mắt tôi, như những con chim bồ câu trong truyện cổ tích, cần mẫn tha từng hạt nước lăn tròn trên mặt bạn, đem gửi vào nắng, vào gió để rồi một lúc sau, sắc hồng lại trở về trên chính khuôn mặt vừa mới đẫm lệ của bạn. Những con ốc chậm chạp mà chăm chỉ kéo từng bước đi lê dài trên bãi cát. Xa xa, những hòn đảo thoắt ẩn thoắt hiện như trong một giấc mơ. Con thuyền buồm đi đi về về, đem những cá, tôm, mực về nuôi sống con người, thỉnh thoảng xen vào đó một vài con tàu vận chuyển lớn, hiện đại. Mặt trời đỏ, đỏ rực, mấy con hải âu bay ngang cái thau đồng khổng lồ kia tạo nên những vết đen như trong các bức tranh vẽ phong cảnh chiều thơ mộng. Từng đợt sóng thay nhau hôn vào bờ cát dài, vào những hòn sỏi, gốc dừa, gốc đước và vào khung cảnh đượm buồn ấy.
Thằng Lam ra ngồi xuống với tôi, hỏi:
- Anh làm sao vậy?
- Làm sao việc của mày hả?
Đôi mắt ngây thơ mở to của nó dán chặt vào tôi như cái chìa khóa buộc tôi phải mở những suy nghĩ vẩn vơ đang đeo bám nãy giờ.
- Tao mất con chim.
- Có phải con chim xanh xanh, đen đen đấy đúng không?
Cách miêu tả của nó làm tôi hơi buồn cười, nhưng nghe cũng đúng, tôi trả lời:
- Đúng vậy, sao mày biết?
- Chiều nay có mấy anh đến lấy đó anh.
- Anh nào?
Tôi hỏi mà trong bụng mừng thầm, vừa mừng vừa hơi tiếc. Chắc thằng Hào tồ đến lấy rồi. Chợt tôi nhận ra trong câu nói của Lam có gì đó bất thường, tôi vội vã:
- Sao cơ, mấy anh luôn á?
- Vâng. Ba anh luôn đó.
- Có phải trong đó có một anh béo béo, lùn lùn đúng không (béo lùn thì cả lớp tôi có mỗi Hào)?
- Dạ, chẳng có ai lùn với béo hết!
- Mày nói sao? Vậy mấy anh ấy trông ra sao? – Tôi hỏi như thám tử đang hỏi một nhân chứng đã quan sát một vụ cướp.
- Mấy anh ấy cũng trạc tuổi anh thôi. Họ đều cởi trần hết. Một anh thì có cái sẹo ngay giữa trán. Có anh thì bụng vẽ một con rồng. Anh còn lại thì tay trái có bốn ngón.
Nghe đến đây, tôi nghe máu nóng dồn lên mặt. Tôi biết lũ này. Thằng có sẹo giữa trán là thằng Tấn khỉ, nó hồi bé nghịch dao, lia đúng chỗ trán. Thằng có vẽ rồng ở bụng là thằng Đại, nó vẽ nguệch ngoạc con rồng mà tôi tưởng… con lươn điện. Đi đến đâu, nó cũng hỏi là con rồng nó vẽ có đẹp không, ai mà bảo không thì nó đập cho. Còn thằng tay trái bốn ngón là Cường, khi nhỏ chơi dại cho ngón trỏ vào máy ép mía, phải bỏ đi mới cứu được. Chúng nó toàn một lũ mù chữ, đến lớp chuyên hút thuốc, khói bay nồng nặc ra lớp. Cô giáo mắng bọn nó thì bắt đầu nào là cay cú, nào là ném sách vở, rồi chửi bới. Mấy đứa chúng nó, Tấn khỉ làm nghề nhặt ve chai, Đại trông xe, còn Cường đi bán báo Nhân dân. Cả làng có mỗi ba thằng đấy hay văng tục, chửi thề, phá phách nhiều nhất. Thỉnh thoảng, tôi nghe một số người bảo, lúc chiều, con gái họ biến mất, đến tối về nhà thì phát hiện tóc tai bù xù, quần áo rách rưới, mặt mũi thì đau khổ, bầm tím, sưng vù. Con gái mà không tha thì nói gì đến con trai! Nhóm thằng Tấn khỉ hay đi đánh hội đồng những đứa gây thù chuốc oán với chúng nó, hoặc có khi ngứa chân ngứa tay thì đánh thôi. Do vậy nên mấy đứa đấy học đúp liền tù tì mấy năm. Tôi học dốt nhưng không đến nỗi quá, vẫn đủ điểm lên lớp. Chúng nó lớn hơn tôi ba tuổi nhưng đến giờ vẫn ngồi chung lớp với tôi.
Tôi tiếp tục hỏi Lam:
- Lúc mấy anh ấy tìm chim, họ có nói gì không?
- Có ạ. Em bảo: “Mấy anh tới đây làm gì?” thì mấy anh bảo: “Chúng tao tới đây làm gì là việc của tao. Hỏi nữa bố cầm dép vả vào mồm mày!”, rồi họ moi khắp bàn anh ra một cái hộp.
- Xong sao nữa?
- Họ mở hộp, lấy ra một con chim nhỏ. Xong thì mấy ảnh chuồn mất.
- Trời ơi, sao mày không ngăn lại?
- Em có giành lại cái hộp, bảo là: “Hộp của anh trai em, ai cho mấy anh lấy?”. Họ không chịu, thế là anh bốn ngón cầm cây roi của bố quật cho em tét chân. Đây nè.
Vừa nói, nó vừa kéo ống quần lên, để lộ một con lươn xanh mờ vắt qua và một vết xước hơi to, vẫn còn hơi rướm máu. Tôi sụt sịt:
- Vết to vậy mà mày không khóc?
- Có mà anh. Lúc anh ấy đánh, em khóc quá trời luôn. Nhưng bây giờ quên cảm giác đấy rồi.
Tôi thương em vô bờ.
Tối đó, tôi ăn qua loa một bát cơm, đứng lên ra khỏi cửa. Bố hỏi:
- Con đi đâu lúc tối sẩm tối sờ thế này con?
- Dạ, con… đi hóng gió.
- Nhớ về sớm nha con!
- Vâng!
Tôi vội vã phi ra khỏi cửa. Lúc này, mặt trời đã tạm về nhà ngủ để “nhường ca trực” cho mặt trăng. Ánh nguyệt xám bạc, lung linh đến lạ kì. Ngọn sóng tối nay đã nhẹ nhàng hơn, bớt đi tiếng ào ào ồn ã như lúc chiều. Xa xa trên bãi cát, tôi thấy một đám khói. Tưởng đám cháy, tôi chạy tới. Khi tới gần, tôi đã kịp tốp lại kịp. Vẫn đám khói và ánh lửa bập bùng đó, mà sao lại không có người đến? Sự việc vô lí đó níu tôi lại và kéo cặp giò tôi vào một bụi cây. Tôi âm thầm quan sát. Hình như có ba đứa trẻ thì phải. Lợi dụng bóng tối, đôi chân tôi khua tiếp về phía trước một cách nhẹ nhàng. Cảm giác ngờ ngợ xâm chiếm trí óc tôi. Nhờ ánh sáng của lửa mà khuôn mặt ba đứa trẻ lần lượt hiện ra. Từng thằng một, tôi không lạ một ai. Thằng Tấn khỉ, thằng Cường và thằng Đại đây rồi. Một lúc sau, tôi thấy thằng Hào tồ lại gần. À, thì ra mày thông đồng với lũ ác ôn đó à? Đầu tôi nhủ thầm. Nhưng không phải vậy. Hào tồ hỏi:
- Chúng bay gọi tao ra đây làm gì?
- Ra ăn.
- Ăn cái đếch gì? Chúng mày định lừa tao như mấy lần trước à?
- Không, lần này chúng tao sẽ không lừa mày nữa. Nay tao mới lấy được vài món ngon lắm!
- Món gì?
- Chim nướng.
- Chim chúng mày lấy ở đâu?
- Lấy ở nhà thằng Thiêm một con, và nhà ông già Bình ba con.
Tôi lạnh lùng bước ra, tiến về phía đống lửa. Thằng Cường lên tiếng:
- Mày đến đây làm gì Thiêm? Ở đây hết phần cho thằng dở như mày rồi.
Hào quát:
- Nhà thằng Thiêm làm gì có nuôi chim!
- Có mà, tao thấy một cái hộp gỗ, mở ra có con chim đen đen, xanh xanh.
- Á à, mày giết con chim của tao!
- Để xem mày dám làm gì tao. Nào, đấm đi!
Thằng Hào tồ sợ sun vòi. Nó run run, vỗ vai tôi, giọng buồn buồn, pha chút căm thù:
- Về thôi.
Tôi không nói gì, lạnh lùng gạt phắt tay Hào tồ ra, xăm xăm lại gần lũ thằng Tấn khỉ.
- Thằng Hào về rồi, mày cũng đếch được ăn đâu. Tao đem về cho chó.
Vì nó mất dạy như thế nên tôi không cho chó nhà nó vào trại, cũng như không thông báo cho nó biết tôi mở trại. Thấy tôi lạnh như băng tuyết, thằng Đại giở giọng khinh bỉ:
- Á à, hôm nay thằng Thiêm “bật” bọn mình rồi chúng mày ơi!
- Bật hay tắt là việc của tao, lũ đầu bò.
Nói xong, tôi dũng cảm đạp đổ giàn lửa của chúng nó, chim nướng dính đầy cát bụi. Ba đứa nó xắn ống tay áo, gằn giọng:
- Hôm nay mày phải vào trại tâm thần rồi thằng kia!
- Tao sẽ dẫn bọn mày đi chung cho vui!
Nói xong vài câu “chào hỏi”, bốn đứa xông vào nhau quyết tử như bướm thiêu thân. Không hiểu sao nay chân tay tôi cứng rắn hơn bình thường, mọi ngày nó ẻo lả như cọng cỏ nhúng nước cơ mà. Vậy thì càng tốt, có lẽ vì hôm nay là một ngày khiến tôi trở nên lạnh lùng, vô tâm hơn bao giờ hết. Ba đứa nó đấm tôi, tôi luồn qua, đạp vào bụng Tấn khỉ một cú trời giáng. Thằng Cường nhanh tay giã cùi trỏ xuống lưng tôi, làm tôi nhói một phát. Nhưng không khí cuộc chiến đang căng thẳng, đầu óc tôi bảo tôi đừng bận tâm làm gì, chỉ tổ vướng bận. Thế là hỗn chiến tiếp tục xảy ra. Tôi đấm vào mặt thằng Đại làm nó chảy máu mũi. Nó hằm hè, lao tới gạt chân tôi, tôi ngã lăn ra. Trong chớp nhoáng, ba đứa đã đè chặt lên tôi, phang tôi liên hồi như mấy bác nông dân ở thôn quê giã gạo. Bỗng thằng Cường nhảy lên định đạp tôi từ trên cao, tôi phi ra khoảng trống, sút mông chúng nó đau điếng. Cường đáp xuống, trúng đầu đồng bọn. Trận chiến tiếp diễn, ngày càng bạo lực hơn.
Bữa đó, nếu không có Ánh và Hải ghẻ ra can, dọa mách cô Xuân chủ nhiệm thì không biết chúng tôi có nằm ngoan dưới gốc dừa ngửi mùi biển hòa với mùi nhang không nữa.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

KevinK20

Gà con
Tham gia
2/4/20
Bài viết
58
Gạo
0,0
Cái này thừa nè.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

KevinK20

Gà con
Tham gia
2/4/20
Bài viết
58
Gạo
0,0
Sáng tác thừa, đợi xíu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên