Cảm nhận Sống mòn - Nam Cao: Những kiếp người sống như đã chết

Linh Lan 213

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/7/17
Bài viết
84
Gạo
0,0
2f3e8fab81082a3b42c6a244425fb5b9.jpg
Nếu bạn mê đắm những chàng bạch mã hoàng tử trong truyện cổ tích, thì đừng đọc quyển sách này!

Nếu bạn mong đợi những ngôi nhà bạc tỷ, những biệt thự xa hoa, những siêu xe thời thượng, thì đừng đọc quyển sách này!

Nếu bạn mong đợi những khung cảnh lãng mạn, chàng và nàng ngồi dưới ánh nến trong một nhà hàng sang trọng, trao cho nhau những câu nói ngọt ngào say đắm, thì bạn đừng đọc quyển sách này!

Nếu bạn mong đợi những tình tiết cao trào, gay cấn đến nghẹt thở, thì bạn đừng đọc quyển sách này!

Đừng hy vọng, bởi vì “Sống mòn” của Nam Cao chẳng có gì cho bạn mong đợi đâu!

Nam Cao – là cái tên chẳng còn xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt là vào giai đoạn 1930 – 1945, thời kì văn học hiện thực lên ngôi. Từ bé cho đến lớn, từ trẻ cho đến già, ai mà chẳng biết “Chí Phèo”. Nhưng ở đây, tôi không nói về tác phẩm đó, bởi nó đã quá xuất sắc, quá đầy đủ những lời ca ngợi về nó. Nên hôm nay, tôi viết về một đứa con khác, một đứa con bị ghẻ lạnh của Nam Cao: Sống mòn.

Tôi nói thế không phải vì “Sống mòn” không nổi tiếng, chẳng qua cái bóng của “Chí Phèo” quá lớn, nên khi nhắc đến Nam Cao, người ta dường như bỏ quên những tác phẩm khác của ông.

Nam Cao viết xong tiểu thuyết “Sống mòn” ở làng Đại Hoàng, ngày 1/10/1944. Giống như những tác giả cùng thời, nguyên liệu chính làm nên tác phẩm của Nam Cao vẫn là hình ảnh con người lam lũ, khốn khổ, nhỏ nhen, rúc mình bên trong một xã hội cũ đầy rẫy những bất công và độc ác. Cái cốt truyện của “Sống mòn” không phải để ngợi khen, hay cổ vũ con người ta vượt qua nghịch cảnh xã hội, mà để vạch trần, hay nói cách khác là “miêu tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra, không có lối thoát". Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc” như Nguyễn Đình Thi đã nhận xét.

Giọng văn của “Sống mòn” như lời thủ thỉ, chầm chậm, nhẹ nhàng, đôi chữ gây cười, và lắm lúc khiến người ta khóc không ra nước mắt. Tôi đọc “Sống mòn” qua một lần, rồi phải đọc đi đọc lại, để hiểu cho tận cùng sự sống mòn mỏi là gì.

Màu sắc của “Sống mòn” chẳng có gì sáng sủa. Mạch truyện từ đầu đến cuối đều diễn tả cuộc sống quẩn quanh, tù túng của những kẻ trí thức nghèo, họ bị nhấn chìm bởi sự nghiền ngẫm suy tư, tính toán. Không tính toán cũng chẳng được, khi “Nhà đông người quá. Nếu muốn mua thức ăn cho chồng mà vợ Thứ cứ phải mua cho đủ mọi người trong nhà ăn thì y lấy đâu ra tiền để mua như vậy? Huống chi đĩa cá kho là của bố vợ Thứ cho y, ông cho y thì để y ăn, người khác ăn vào, mang tiếng. Thứ đoán vậy, cái ý nghĩ quê mùa của những kẻ nhà quê ấy. Y thấy họ thận trọng quá nhiều đối với một đĩa cá kho. Một đĩa cá kho, giá trị chỉ độ nửa đồng hào, mà to tát đến thế ư?”

Không gian truyện từ đó được giãn ra, nhàn nhạt và ảm đạm. Nhưng “Sống mòn” không đơn thuần như thế, nó còn là chuỗi những sự dồn nén, chịu đựng, khi mà cái nghèo bủa vây những con người chân lấm tay bùn “Thứ thấy vô lý quá. Trong hai vợ chồng, nếu có người cần phải ăn hơn, thì đó là Liên – vợ y. Liên đã phải quần quật suốt ngày, còn phải có đủ sữa để nuôi con. Vả lại, ngoài Liên ra, còn có bà Thứ, già ngoài bảy mươi tuổi rồi mà còn phải nằm nhịn đói kia. Lại còn mẹ y, phải quần quật suốt ngày và còn có con thơ. Lại còn cha y, buổi trưa phải ăn ba lượt cơm mới đầy được một góc dạ dày. Lại còn các em y, chưa đáng phải chịu những cay cực của đời và tạng phủ cần được tẩm bổ nhiều để đủ sức lớn lên, chúng gầy guộc, ngơ ngác, nhút nhát, buồn rầu, có lẽ chỉ vì phải nhịn đói, phải vất vả, bị mắng chửi suốt ngày, ngay từ cái lúc mà đáng lẽ chúng phải được ăn no rồi chạy nhảy nhởn nhơ, mắt trong veo và lòng vô tư lự.”

Cũng vì khổ sở đủ đường như thế, nên con người ta mới chi li tính toán với nhau, mới lừa gạt nhau, mới sống ích kỉ với nhau. Nam Cao nhìn thấy được hết những nhỏ nhen tiểu tiết đó của cả một xã hội, nên ông mới than rằng “Con người ta, vào cái hạng phải nai lưng ra làm thì mới có được miếng ăn, thì chỉ lo sao kiếm nổi mỗi ngày vài bữa cơm no đã chật vật lắm rồi. Nhưng thật ra thì ăn no đã đủ đâu. Nếu sống mà không thấy sống là vui, thì thật không đáng sống.” hay “biết bao nhiêu tài năng không được nảy nở, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt.”

Điều đó không chỉ đúng vào thời đại ông sống mà đúng với thực tế ngày nay. Chỉ vì sinh ra không đúng thời, mà cái tài, cái trí của những kẻ tri thức nghèo đã bị chôn vùi dưới đáy bùn xã hội.

Như vậy, cả không gian truyện đều bị thu nhỏ, rồi lại thu nhỏ nữa. Như thể đang siết chặt, dồn nén người ta đến mức muốn tan ra thành nước. Khi mà mọi hoạt động, mọi suy nghĩ, tâm tư tình cảm đều bị che lấp, bị bòn rút bằng sạch bởi một xã hội đổ nát, đến mức cơm không có mà ăn, chỉ biết để tiền đó mà đóng thuế, phu phen. Những con người thấp cổ bé họng như Thứ, San, Oanh, Đích hay ngay cả thằng Mô – chỉ là một thằng người ở vẫn cố vươn ra, gắng gượng tìm lối thoát, nhưng cuối cùng lại chỉ biết sống cho hết một kiếp người thì thôi. Sự vận hành chậm chạp của không gian và thời gian trong “Sống mòn” làm người ta bức rứt khó chịu, cũng làm người ta giật mình nhận ra rằng: họ sống như thể đã chết.

Đến chừng này tôi mới hiểu được cái ngụ ý sâu xa của cái tên ban đầu Nam Cao đặt cho quyển tiểu thuyết này là “Chết mòn”, rồi ngay sau đó lại đổi thành “Sống mòn” có phải để chỉ cái lối sống mòn rút này không? Dẫu “sống” hay “chết”, tuy mang nghĩa trái ngược nhau, nhưng khi được đặt vào hoàn cảnh của quyển tiểu thuyết, thì chúng có khác gì nhau. Tương tự, sống mà thiểu não, mà tù túng thế này, chẳng phải dần dần cũng đi đến cái chết hay sao?

Ở Chí Phèo, và nhiều truyện ngắn, Nam Cao đã cho thấy biết bao cái chết – cái chết no của bà cái Đĩ. Cái chết trong quằn quại vì ăn bả chó của "Lão Hạc". Cái chết vì xấu hổ và trì độn của Lang Rận và mụ Lợi. Cái chết vật vã giữa tỉnh và say của Chí Phèo và hai cha con nhà Thiên Lôi. Cái chết nhẫn nhục câm lặng của Phúc trong "Điếu văn" và cái chết giấu giếm vợ con của người cha đau ốm trong "Nghèo"… Những cái chết vì bần cùng hoặc khùng điên. Còn trong
"Sống mòn", Nam Cao nói đến cái chết mòn, nó là “cái chết ngay trong lúc sống” – cái chết của những người sống sờ sờ ra đấy mà không biết dùng sự sống của mình vào việc gì.

Và đoạn kết của truyện mà Nam Cao viết chỉ nhằm khắc thật sâu vào lòng người đọc một lần nữa hiện thực đau đớn đó “Hai bên bờ sông lần lượt diễu qua những đồng ruộng và những khóm tre, những làng mạc so ro, những người nhà quê bao nhiêu đời nay đương phải đánh vật với đất. Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm lúa xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi… Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới.”

Cái kết không mở ra được chân trời mới cho những con người ấy, cũng chẳng hướng họ về một ngã rẽ tươi sáng hơn, nó chỉ đơn thuần nhấn mạnh rằng cuộc đời họ thế là xong, vẫn phải sống quằn quại, nhăn nhó, cắn giết lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau cho đến chết.
 
Bên trên