"CUỘC ĐỜI THẬT ĐẮT ĐỎ!"
Tôi phải công nhận rằng dù văn chương trong sách chả đẹp đẽ gì, nó cũng đủ để dựng nên một khung cảnh bình yên của thị trấn Somerset (theo bản dịch của tôi, một số bản dịch khác gọi là Aurora) ở bang New Hampshire, và thêm một chút không gian hồi hộp bí ẩn khó tả bao trùm xum quanh. Tôi có thể nhận ra Joel Dicker cũng giống tôi, nhờ sống ở Bar Harbor một thời gian dài, anh rất ưu ái vẻ đẹp mộc mạc của vùng New England. Tôi có cảm giác như mình đang xem một bộ phim chiếu chậm. Tôi nhớ Maine và cuộc sống rề rà mà không nhàm chán chút nào ở đó (mặc dù tôi đã không nhận ra điều này vào thời điểm đó). Có một cái gì đó rất Pháp trong tâm tính của câu chuyện, hay nói cho đúng về mặt địa lý thì là Pháp kiểu Canada. Hơn thế nữa, có một cảm giác rất chân thật trong cách kể chuyện của Joel. Như thể anh đang viết về chính cái thằng thám tử nghiệp dư và tự sướng về cái thằng Marcus-the-Magnificient trong anh. (Đây nữa nhé ông bình luận kia, Magnificient là một từ tạo ra một cảm giác rất Pháp, chứ không phải Mỹ.) Nó là một quyển sách bên trong sách, tác giả bên trong tác giả và nhân vật bên trong nhân vật. Và cũng trong cách kể chuyện rập khuôn ấy, Joel dẫn dắt người đọc đi vòng qua quẹo lại hiện trường vụ án, khi thì chầm chậm, khi thì vèo vèo đến nỗi họ không thể nhận ra mình nên tin vào sự thật nào. Đến chừng trang 383 là tôi đã đoán ra ai là hung thủ dựa vào những lời tường thuật, thế nhưng càng đọc thì Joel càng khiến tôi tin rằng mình đã sai. Nhưng tôi thấy vui vì chính Marcus mới là người đã sai. Và câu chuyện đi hé lộ từ bí ẩn này đến bí ẩn khác, ngay cả ở chương cuối cùng. Và tôi càng thấy mừng hơn là đã không bỏ đọc giữa chừng.
Một số độc giả trên goodreads không thích 31 quy tắc vàng dành cho nhà văn, nhưng tôi thích. Nó cũng sến rện như mấy đoạn đối thoại nhưng vì được đặt ở đầu chương, khi đọc có cảm giác như đây là một tuyên ngôn và là một chủ đề chung của chương truyện để người đọc biết mình sắp đón nhận những thứ gì. Nói đến sến rện, một trong những quy tắc vàng ấy là một số câu từ văn vẻ nhất trong sách:
"Hãy trân trọng tình yêu, Marcus. Hãy coi đó như là cuộc chinh phạt lớn lao nhất của cậu, là tham vọng duy nhất của cậu. Hết quyển sách này còn có quyển sách khác. Hết hào quang này còn có hào quang khác. Hết mớ tiền này còn có mớ tiền khác. Nhưng hết tình yêu, Marcus, hết tình yêu thì chẳng có gì ngoài muối mặn của nước mắt."
Đến ngần này tuổi đời rồi, tôi không còn cảm thấy tình yêu lãng mạn như cái kiểu mấy tiểu thuyết diễm tình hay miêu ta nữa, mấy ông bà nhà văn thường chỉ blahblah mấy lời hoa mỹ rẻ tiền để bán sách mà thôi chứ không phải những cảm xúc mà họ muốn thật sự chia sẻ. Nhưng ở đây tôi thấy Joel nói thật lòng mình. Bên dưới vỏ ngoài của một nhà văn nghiệp dư, Joel cũng là một chàng ngốc vô vọng muốn được yêu. Tôi tự hỏi anh có sợ rằng một ngày nào đó tình yêu của mình cũng giống như Robert và Tamara Quinn. Sự thật thì quyển nhật ký của Tamara còn làm tôi thấy cảm động hơn mốt tình ủy mị của Harry Quebert và Nola. Nghĩ đến cuộc đời của Tamara sau khi vụ án của Harry Quebert kết thúc mà tôi thấy buồn...
Tôi cũng thích cách mà Joel đã lồng những sự kiện hiện tại như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào trong truyện. Anh đã sử dụng thành công quy tắc vàng của mình. Nếu độc giả không thể nhớ về một Harry Quebert ủ ê buồn bã hay một Nola xinh đẹp bí ẩn, thì đương nhiên họ vẫn không thể nào quên vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barrack Obama. Nhưng này ông bình luận người Pháp, đây không phải là quyển sách về nước Mỹ. Đây là quyển sách về cách nhìn của thế giới về nước Mỹ, chứ không hẳn là cách nước Mỹ nghĩ về chính mình. Đó là cái cách mà thế giới chỉ trích đảng cộng hòa qua nhân vật Roy Barnaski và Bejamin Roth. Hoặc có thể Joel chưa từng sống ở Texas hay một số tiểu bang "màu đỏ" của Mỹ đủ lâu để có thể nhận ra đó cũng chính là nước Mỹ. Nhưng một trong những điều tôi đồng tình với Joel, đó là chúng ta đã trở nên quá ngu ngốc khi trải bày cả cuộc đời mình lên mạng facebook, để cho nó hoàn toàn thống trị những mối quan hệ của chúng ta trong những năm vừa qua:
"Tất cả mọi người trên thế giới đều có trách nhiệm, ngay cả khi họ không nhận ra, phải quảng cáo sản phẩm của cậu trong phạm vi toàn cầu. Điều đó không tuyệt vời sao? Hàng triệu người sử dụng facebook chẳng qua chỉ là những kẻ chịu treo tấm bảng quảng cáo trên người mình. Miễn phí. Chỉ có đứa ngu mới không lợi dụng bọn họ."
Nó thật sự làm tôi nghĩ đến chuyện vì sao chúng ta phải kết bạn facebook với nhau để rồi chẳng bao giờ trò chuyện với nhau nữa. Sự thật thì những tình bạn như tình bạn của Marcus và Harry không còn nhiều nên nếu bạn có một tình bạn như thế thì bạn thật may mắn: Một người bạn mà khi đang ở trên đỉnh của cuộc đời bạn chả thèm gọi điện, nhưng ngay khi họ sa ngã suy sụp thì bạn cứu họ ngay, chẳng phải vì bạn thấy nợ nần gì với họ, mà chỉ vì họ, thế thôi.