Tản văn Suy ngẫm của một hoạ sĩ phàm phu

Hoạ sĩ

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/14
Bài viết
105
Gạo
1.264,0
Vẽ sơn mài, mỗi buổi sáng bước chân vào xưởng, cúi mặt xuống tấm vóc, ngẩng đầu lên lần nhất đã tới giờ ăn trưa; qua bữa trưa, lên xưởng, cúi mặt xuống vóc, ngẩng lên lần hai đã là bữa tối. Ngày trôi qua chỉ sau hai cái cúi xuống ngẩng lên như vậy, 8 tiếng bằng 1 phút, 1 tuần ngang 1 ngày, tháng này nhảy qua tháng tới, cứ tưởng hôm qua còn đang đông mà thoáng chốc đã thấy hè. Họa sĩ ở nguyên trong xưởng, chẳng bao giờ thấy cô đơn khi luôn mê say miệt mài trên tấm vóc. Phiền muộn sầu lo tự bung tự mòn trong lúc vẽ. Công việc này với mình là phận sự, cứ vẽ và duy trì niềm tin rằng mọi thứ cần trong cuộc sống sau này khắc tự có sắp xếp. Có khi nào đấy gọi là "tu xưởng"?

Đầu tháng 5, mình được sắp xếp cho một chuyến đi. Mọi vật chất và người đồng hành cần thiết cho hành trình đều như đã tự chuẩn bị sẵn. Mình gói một giỏ đồ 3 bộ quần áo, vài vật dụng cá nhân, 1 hộp màu rồi lên đường.

Hành trình lần này có biển, có núi, từ thành phố lớn tới thị trấn quê đều đủ, mình được ăn ngon chơi vui, gặp gỡ con người.

Cách một ngày vui sẽ có một ngày trầm lặng, một ngày khỏe sẽ có một ngày ốm, có ngày thỏa mãn có ngày hoang hoải. Ngày gặp cố tri mình hạnh phúc, ngày lỡ hẹn thấy buồn; cố giao nồng nhiệt mình vui, cố nhân giữ khoảng cách thấy lòng chững lại; khỏe mạnh nhảy múa thì hưng phấn, bệnh sốt mệt mỏi muốn nằm nhà. Khổ sở chỉ ở trong tâm trí, mình nhận ra ngày buồn đến chỉ bởi muốn nhiều hơn những ngày vui. Khi biết đủ với khoảnh khắc hạnh phúc đã có lại thấy mọi khát khao còn lại đều vô nghĩa.

Là kẻ phàm phu, dù cũng phần nào đó ý hợp với khất thực gia, không tích trữ của cải, ai cho ăn thì ăn, ai cho mặc thì mặc, tiền bạc mình qui đổi ra màu vẽ, nhưng còn là họa sĩ, mình cần xưởng vẽ, màu tốt, cần ăn, cần bạn bè gắn bó, cần nơi gọi là nhà, nhất là cần được yên. Dù không phải lúc nào cũng được yên nhưng những cái còn lại thì may mắn mình có đủ. Nên chẳng cứ phải khổ hạnh, mình chỉ cần noi gương Thầy mình: trong khổ tìm được vui, trong vui biết đủ. Đó là cách sống của một bậc "phàm phu" lại dạy được cho mình nhiều minh triết.

Tu tập là con đường của đức tin, không cứ phải cố định trong hình thái hay tôn giáo nào cụ thể. Thầy mình trước kia từng chia sẻ: tâm linh sau này sẽ tiến tới sự hợp nhất về 1 niềm tin chung xóa bỏ đi ranh giới tôn giáo, một đức tin phi tôn giáo. Minh Tuệ xuất hiện nhận được sự ủng hộ và tán thán từ các bậc chân tu ở nhiều đạo giáo khác nhau là một minh chứng cho điều này.

Tính phân biệt vẫn là điều sinh ra từ ngã mạn. Ngã mạn phân chia tầng lớp con người, cũng mọi tầng lớp con người đều ngã mạn. Đâu chỉ ở kẻ ác xấu, kiêu ngạo, anh hùng cũng có thể ngã mạn, người cưu mang người khác cũng ngã mạn, hào quang khi thấy bản thân là quan trọng, được tán dương, tưởng thưởng, đánh giá cao đều dễ duôi lơ là mà ngã mạn khi muốn thêm cảm giác được thỏa mãn cái tôi. Ngã mạn đi kèm vô minh, không biết đủ thì không thấy bản thân còn gì cần biến cải, đặt mình vào trung tâm nên chỉ thấy những người xung quanh là hạng phàm phu tục tử, xấu tính xấu nết, nghĩ mình phải chịu đựng mà không bao giờ được như ý muốn. Thêm sân si, ứng xử sai, khẩu nghiệp trút thỏa cảm xúc cảm giác để rồi bị xa lánh vẫn thấy mình phải chịu bất công, khổ sở, chẳng biến cải được gì.

Mình không muốn rơi vào cái khổ đó, nhưng phận sự (cũng như sứ vụ) của mình là vẽ tranh nên không thể đi bộ mãi, ngày ăn 1 bữa không đủ sức làm. Thôi thì cứ học Thầy mình, nói lời xác đáng, làm việc đúng đắn, trong khổ tìm vui, trong vui biết đủ. Tiếp tục làm một họa sĩ phàm phu uyển chuyển biến cải ở hiện thực này.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên