Tản văn Tất cả chúng ta đều là "tham nhũng"

Tham gia
14/3/17
Bài viết
25
Gạo
0,0
Nhiều năm gần đây, người ta nói nhiều về chuyện "tham nhũng". Nào là, đó là tệ nạn xã hội, là bệnh dịch, là quốc nạn nguy hại đến đất nước, vân vân và v.v…

Tôi không hiểu nhiều lắm, cũng không mấy quan tâm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: những kẻ "tham nhũng" là những người có chút địa vị và quyền hành gì đó trong xã hội, vơ lấy cái lợi vật chất của xã hội, của tập thể cho cá nhân mình. Hành động đó là xấu và cần phải loại bỏ. Nhưng cái chuyện loại bỏ như thế nào thì không phải phần việc của tôi, và tôi cũng chẳng bao giờ liên quan đến chuyện đó, vì tôi chỉ là một anh cán bộ kỹ thuật thuần túy trong đơn vị.

Ấy thế mà rồi cuối cùng té ra, tôi cũng chính là một kẻ "tham nhũng". Không những thế, tất cả mọi người trong cơ quan tôi đều là những kẻ tham nhũng. Và không biết chừng, ngay cả các bạn nữa, những người đang đọc bài viết này của tôi cũng chính là những người "tham nhũng", chỉ có điều bạn không nhận biết ra mà thôi.

Các bạn ngạc nhiên và không tin ư? Thế thì cứ đọc hết bài viết đi thì sẽ rõ.

Có một lần, cách đây mấy năm gì đó, khi chuyện chống "tham nhũng" đang được người ta hô thành khẩu hiệu, cơ quan tôi cũng tham gia, thành lập hẳn một "Ban chống tham nhũng" hẳn hoi, do đích thân sếp trưởng làm Trưởng ban. Đương nhiên rồi, phải là người có đầy đủ uy quyền cao nhất mới cầm lái được con thuyền đi đến đích chứ.

Nhưng sếp làm như thế nào là việc của sếp. Tôi chỉ là cái anh kỹ thuật, nên chăm chắm lo hoàn thành phần việc được giao của mình, để mà cuối mỗi tháng nhận đủ đồng lương đem về hớn hở giao cho vợ.

Nhưng hóa ra không phải mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy. Và tôi hiểu rằng nhận thức của con người đừng tưởng cứ nghĩ chủ quan là xong. Còn cần phải học, phải nghe nhiều thì mới sáng đầu ra được.

Đó là lần sếp tôi họp toàn cơ quan để lên lớp cho chúng tôi hiểu về lý luận, thế nào là "tham nhũng" và chúng tôi sẽ phải chống như thế nào? Sếp bảo:

"Tham nhũng, không nên hiểu đơn thuần chỉ là sự làm tổn hại đến xã hội về vật chất. Những hành động "tiêu cực" cũng phải được coi là tham nhũng, vì tiêu cực cũng chính là sự làm hại xã hội."

Sếp giải thích loằng ngoằng một chút nữa, rồi tuyên bố tiếp:

"Trong con người ta chỉ có hai trạng thái là tốt và xấu, không thể có trạng thái lơ lửng thứ ba. Vì thế, tốt là tốt hẳn, còn xấu là xấu chứ không phân biệt xấu nhiều hay xấu ít. Ví như anh đã ăn cắp thì dù ăn cắp 1 đồng hay ăn cắp cả tỷ đồng thì cũng thằng ăn cắp, xấu như nhau. Ăn cắp là loại tiêu cực, nên có thể coi đó cũng chính là tham nhũng".

Lũ chúng tôi ngồi thuỗn mặt ra nghe cái mớ lý luận ấy và hân hoan với niềm tin là những kẻ tham nhũng trong cơ quan sẽ bị xử lý, mọi người sẽ được bình yên hưởng không khí trong lành.

"Ban chống tham nhũng" đã hoạt động, tất phải có thành tích, không nhiều thì ít. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" cho nên cơ quan tôi cũng phải có cách làm riêng của mình, chẳng cần phải bắt chước ai. Bạn có nhớ ngày xưa khi đi thi Toán, thày giáo thường dạy rằng, "các em hãy đọc lướt toàn bộ đề bài, xem câu nào dễ thì làm trước để gỡ điểm, câu nào khó làm sau…"?. Cơ quan tôi đã làm theo cái phương pháp khoa học ấy đấy.

Vụ xử lý tham nhũng đầu tiên trong cơ quan là vụ hai tay bảo vệ cùng hai gã lái xe chơi bài tá lả có ăn tiền vào giờ trưa, bị sếp bắt quả tang. Bỏ vị trí canh gác, lại còn đánh bạc, thế là phạm hai tội. Vừa thiếu trách nhiệm, vừa sa vào tệ nạn cờ bạc, thế là tiêu cực. Mà tiêu cực cũng là tham nhũng, chạy đằng trời. Kết quả là 4 tên "tham nhũng" bị trừ nửa tháng lương. Nếu chỉ có thế thì chúng tôi cũng chỉ coi là chuyện tất nhiên, nhưng khi nghe sếp phủ dụ rằng, "đó là còn chưa xét đến cái tội ăn cắp thời gian của nhà nước đấy nhé". Tội "ăn cắp thời gian", nghe có vẻ có điều gì không ổn đây.

Quả nhiên tháng sau, hơn một chục vị hay đi làm muộn bị đưa vào thước ngắm. Đây là tội "ăn cắp thời gian". Sếp lại phân tích, "các cô các cậu nay đi muộn một tí, mai đi muộn một tí, cộng dồn lại thì một tháng ăn cắp của nhà nước biết bao nhiêu thời gian? Mà cái đó qui ra tiền cũng gây thiệt hại cho cơ quan không phải nhỏ. Đó chính là tham nhũng đấy, chứ phải tìm đâu xa". Kết quả là cứ vị nào đi muộn quá 15 phút là bị trừ phắt nửa ngày lương hôm đó.

Con người ta không thể "nắm tay suốt ngày" (các cụ đã dạy thế) và hiển nhiên là tôi cũng không nằm ngoại lệ. Mặc dù đã cố dậy sớm và lúc nào cũng nhăm nhăm nhìn đồng hồ (cứ như là trông đồng hồ để khỏi mất cắp chứ không phải là để xem giờ), tôi vẫn có lúc bị đi làm muộn, có khi là hỏng xe, lúc lại kẹt đường... Thế là chỉ cố gắng giữ được vài tháng, tôi cũng bị rơi vào danh sách "tham nhũng".

Có rất nhiều vị tỏ ra cẩn thận, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" rất đúng thời gian. Nhưng cứ nhăm nhăm cho việc đi làm đúng giờ nên tính chủ động sáng tạo giảm hẳn. Cả năm phật phờ chẳng có một phát minh cải tiến gì, làm việc như cái máy. Cuối năm tổng kết tưởng được biểu dương về thành tích "không đi làm muộn trong năm", thì lại bị sếp dội cho lời phán xanh rờn: "Đã làm việc là phải chủ động, động não suy nghĩ tìm cách làm tốt cho mình và giúp cả cho người khác nữa chứ. Chỉ chăm chăm như kiểu "thiên lôi chỉ đâu đánh đấy" thì vai trò tích cực sáng tạo ở đâu? Lười suy nghĩ cũng là hành động "thủ tiêu sáng tạo", xét cho cùng cũng là tiêu cực. Mà tiêu cực là một dạng của tham nhũng, nên như thế cũng là tham nhũng đấy". Thế là tiu nghỉu cả lũ.

Cuối năm đó, đơn vị tôi cũng tổng kết thành tích, trong năm xử được gần hai chục vị "tham nhũng", chủ yếu là loại đánh tá lả ăn tiền và đi làm muộn nhiều lần. Tất cả các vị đó đều bị trừ tiền lương. Vẫn phải ký nhận đầy đủ ở tài vụ cái khoản tiền bị trừ ấy. Còn số tiền đó đi về đâu, không ai biết và tốt nhất là không nên hỏi. Tôi cũng bị đi làm muộn một số lần, nhưng không phải loại thường xuyên, nên chỉ bị sếp nhắc nhở chứ chưa bị trừ tiền. Hú vía. Thôi thì cứ biết thân phận mình là xong. Kiếm được đồng nào đưa về ngay cho vợ là yên tâm về đồng tiền đó.

Vì hầu như trong cơ quan tôi, chả ai thoát khỏi cái tội "tham nhũng" (không nhiều thì ít), nên tất cả đều hài lòng với cái thành tích "xử" được gần hai chục vụ tham nhũng trong năm như tổng kết của cơ quan.

Kết thúc Hội nghị năm đó, sếp lại tuyên bố:

"Con người ta ai cũng có khuyết điểm, cho nên việc chống tham nhũng tốt nhất là chuyển về cho từng cá nhân. Ai cũng phải tích cực tự "chống lại tham nhũng" trong bản thân mình thì tự nhiên cơ quan sẽ tốt lên, khỏi cần phải Ban, bệ làm gì cho mệt".

Thế là Ban chống tham nhũng tự nhiên giải tán, vì tất cả chúng tôi đều đã tham gia "tự chống bản thân" mình rồi.

Câu chuyện là như thế đấy. Và "một ngày lại như mọi ngày" cứ tiếp tục...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên