Thiên Cổ Hận - Cập nhật - Vịt Rang Muối

Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0
Tên truyện: THIÊN CỔ HẬN
Tác giả: Vịt Rang Muối
Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác
Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: 1 chương/ tuần
Thể loại: Ngôn tình lịch sử Việt
Độ dài: Chưa xác định
Giới hạn độ tuổi đọc:Không
Cảnh báo về nội dung: không
Giới thiệu:Hồn mộng du du, giai nhân thoáng kinh hồng, Lý Thiên Hinh nàng một đời mưa dập sóng vùi vì ai mà sống.
Mục lục:
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0
Chương 1: Dạ hàn ô thước kêu sương

Thăng Long ngoại thành, nhìn cái bóng trắng đung đưa, tiếng gió rít gào thê lương, tiếng quạ kêu sương thảm đạm. Nàng hướng mắt xa xa nhìn về nơi phủ Long Hưng, điện Chiêu Lăng. Tiếng thì thào xen lẫn tiếng nức nở nhè nhẹ trong đêm, như hỉ như bi, như si như oán:

- Nhị Lang… Nhị Lang… chàng nhìn được không, chàng có nhìn thấy Trần gia hưng suy? Cơ nghiệp muôn đời âu cũng thuận theo thiên mệnh. Thiên thu vạn đại lại tính là thứ gì… tính là thứ gì… ha ha ha.

Ngón tay thon dài lật mở trang giấy mà quan ghi sử mới đề bút: “Đế u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được”.

Đọc tới đây nàng không tự chủ cong cong lên khóe môi, thầm nghĩ:

- Trần gia chàng cũng có ngày hôm nay, cái gì mà u mê, cái gì mà nhu nhược? Phải chăng khi xưa lão cáo già Trần Thủ Độ cũng để người vinh danh ta như vậy?... viết thật tốt… lời hay ý đẹp, chân thực khúc chiết. Xem ra Quốc Sử viện cũng rất tận tụy chức trách.

- Nhị Lang ơi... không, ta hẳn gọi chàng là Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng đế. Chàng tin vào mệnh trời thiên kiếp không? Chàng Phật pháp ngộ tính cao thâm, sau khi chết được tới cõi Phật gia. Còn ta? chấp niệm sâu chưa bỏ, đời đời là cô hồn dã quỷ du đãng nơi trần ai... ha ha ha.

Lại như cười như khóc, nàng đã lâu không được cười mà dường như đã không còn biết cười kể từ ngày Quốc Sử viện gạch bỏ tên, khi mất đi cũng không được thờ chung tại đền Đô (đền Lý Bát đế) - nơi an táng các đời vua họ Lý - nàng bị xem là tội nhân khi để mất cơ nghiệp nhà Lý.

Nàng thở dài, ánh mắt chuyên chú nhìn về góc cửa điện cách đó không xa. Nàng nhận ra bóng dáng ấy chính là Thiên Huy Công Chúa Trần Thục Mỹ, nguyên Hoàng hậu của Xương Phù Đế - Trần Phế Đế, nàng ấy có xuất thân cao quý của tôn thất nhà Trần, là con gái Thái thượng Trần Nghệ Tông (Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho cháu - con trai thứ của em ruột Trần Duệ Tông là Trần Phế Đế, rồi lên làm Thái thượng hoàng). Thiên Hinh tiến lại gần, lên tiếng hỏi:

- Tại sao em lại ngồi đây khóc, lẽ nào dầu hết thì đèn tắt, người chết thì tình cũng tuyệt sao?

Nàng kia giật mình ngẩng đầu lên, hai mắt đẫm lệ mông lung tìm không ra tiêu cự. Dùng răng nanh cắn chặt môi dưới ép cho giọng nói trở nên lạnh lùng sắc bén:

- Hỗn xược! Chị là ai... được phép nói chuyện với ta như vậy sao?

Nói tới đây, Trần Thục Mỹ bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo pha chút chế giễu mà rằng:

- Rồi chỉ mai đây thôi, em sẽ bị giáng hàng công chúa. Đường đường là Quang Loan hoàng hậu lại ngồi đây khóc, thật đã đánh mất tôn nghiêm. Em có biết trong điện kia là thứ gì không? - tay nàng chỉ về tẩm điện nơi bóng trắng kia vẫn đung đưa.

Trần Thục Mỹ lắc đầu, tiếng khóc không kịp đè nén nơi cổ họng, nhưng hai mắt gắt gao nhìn theo hướng đó.

- Là thứ gì ư? Chàng là chồng của ta đó, là Quan gia họ Trần ta, Trần Giản Hoàng đương kim Hoàng thượng. Chàng không phải là Phế Đế vô năng nơi phương Bắc, chàng chỉ là Giản Hoàng của ta thôi. Thế nhân nói chàng nhu nhược bất tài, nhưng chàng là đức phu quân yêu chiều ta hết mực. Còn ta là vợ nhưng lại nhìn chính cha ruột mình bức tử chồng. Ai đâu hay? nhìn chàng bị thắt cổ cho tới chết mà tim ta đau như tê dại. Chàng không giãy giụa, ta lại biết chàng thống khổ đau đớn. Chàng bị người ta ép chết vì nghẹt thở, nhưng ta chính mình tâm can phế phổi không thể hô hấp. Ai tới nói cho ta biết, ta đây là bị làm sao?

Lý Thiên Hinh mắt nhìn dung nhan của Trần Thục Mỹ nhưng vô định xa xăm như trước mặt nàng là người khác vậy.
 
Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0

Chương 2: Hồn mộng du du.


Đêm không trăng không mây ấy, nàng không biết khi nào thì rời khỏi, chỉ biết nay nàng lại trở về Hành cung Thiên Trường (thời Lý là Hành cung Hải Thanh). Ngồi trên chiếc chõng giữa vườn hoa đặt cạnh gốc cây vô ưu, nàng thoáng thất thần theo đuổi dòng ký ức xa xôi.

Còn nhớ tháng tư năm nào đó mà nàng không còn nhớ rõ - Thái Tông băng. Tiếng thông báo của nội điện Vạn Thọ như tiếng sét giữa trời quang. Lê Phụ Trần trở về nhà, chàng bước vội ra vườn cau, ánh mắt chăm chú nhìn bóng dáng người phụ nữ trước mặt.

- Thiên Hinh, Đức Thái thượng hoàng băng.

Nàng thoáng sững người nhưng lại làm bộ thản nhiên, ngoái đầu lại.

- Thái thượng hoàng băng rồi ư?

Lê Phụ Trần cực kỳ chú ý tới nàng, nên không bỏ qua động thái sững người trong chớp mắt của nàng. Chàng biết trong lòng của nàng lúc này không dễ chịu, bàn tay cứng đờ đưa ra lại nhanh chóng thu lại, lòng bàn tay siết chặt, móng tay cắm chặt vào lòng bàn tay, dùng lực đạo mười phần nhưng chàng không hề thấy đau đớn. Lạ kỳ thay lúc này chàng trở nên hoảng loạn không thôi, nhìn người vợ tào khang dù đã có tuổi nhưng môi vẫn đỏ như son, tóc đen nhánh như bồ quân, má vẫn hồng đào tươi thắm. Tháng năm không dừng lại trên khuôn mặt nàng, nhưng chàng biết, chàng vẫn biết nàng mà lại không phải nàng. Lê Phụ Trần thoáng bước nhanh tới bên cạnh Lý Thiên Hinh.

- Thiên Hinh, ta vẫn luôn ở - chàng ngập ngừng không nói tiếp nữa.

- Uh, chết thật tốt… chết đi thật tốt - giọng Lý Thiên Hinh nhè nhẹ, tay mảnh khảnh ôm lấy vòng eo vững chắc của Lê Phụ Trần - Phụ Trần, sau khi thiếp chết, chàng táng thiếp cạnh gốc cây vô ưu ở vườn hoa của hành cung Hải Thanh nhé.

Lê Phụ Trần không đáp lại lời của nàng, chàng bất an lựa chọn trầm mặc. Lại nghe nàng thúc giục:

-Phụ Trần… Tần Lang… chàng có phải sẽ đồng ý với thiếp?

Lần đầu… đây là lần đầu nàng gọi chàng bằng tên thân thuộc. Bi ai làm sao… nhưng là để thỉnh cầu chàng an táng nàng bên cây vô ưu ngay sau khi nàng chết. Chàng đáp lại mà cổ họng đắng nghét:

- Uh, cạnh gốc cây vô ưu…

Tiếng gió đêm xào xạc, hình bóng đôi trai tài gái sắc ôm chặt lấy nhau dần nhạt nhòa chồng lên hình ảnh những bông hoa vô ưu rơi xuống đất theo gió vào buổi chiều ngày nào đó. Bỗng nghe - cạch - tiếng nhánh cây khô bị bẻ gãy. Nàng hoảng hốt tìm kiếm:

- Là ai, mau bước ra đây.

- Là em… em… em không cố ý - tiếng đáp lại nho nhỏ là Thiên Huy Công chúa Trần Thục Mỹ, nàng mới nghe được gần đây không sai như dự liệu. Quang Loan hoàng hậu bị hàng xuống vị Công chúa phong danh Thái Dương ngay sau khi Giản Hoàng bị phế truất, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đem Thái Dương Công chúa gả cho Thái bảo Trần Nguyên Hãng, mà nội tình trong đó nàng không muốn tìm hiểu.

Em tới đây làm gì?

- Em cũng không biết nữa, em chỉ biết đây là nơi mà Chiêu Thánh hoàng hậu an nghỉ. Em muốn tới thăm nàng lần cuối.

Thiên Hinh nghe tới đây chợt nở nụ cười lạnh.

- Chiêu Thánh Hoàng hậu ư? Hẳn nên gọi nàng ta là Chiêu Thánh Phế hậu mới đúng. Em không thể gọi sai, nếu không sẽ bị sử quan chê trách.

Thái Dương công chúa vẻ mặt phẫn hận.

- Em mới không sợ mấy lão sử quan, chị đừng thấy em còn trẻ không hiểu chuyện. Thực ra, cuộc đời của Chiêu Thánh Hoàng hậu luôn khiến em phải thổn thức. Ngày mai em sẽ rời khỏi kinh đô tới phủ Kiến Thụy rồi, đây là lần đầu tiên em tới hành cung Thiên Trường này.

Trong lòng Thiên Hinh dấy lên nỗi hoài nghi về câu nói của Thái Dương công chúa. Chưa đợi nàng hỏi lại, Thái Dương công chúa ngồi xuống bàn đá bên cạnh, hai mắt hướng về phía nàng lập tức giải thích:

- Ngày em còn nhỏ, có lần nghe Thiếu sư của thái tử giảng bài kể về Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng đế và vị nữ đế truyền kỳ nọ. Sau lại trốn ra cung đi tìm tạp thư ghi chép về Chiêu Thánh hoàng hậu, cũng là Chiêu Thánh nữ đế của tiền triều. Đáng thương thay hồng nhan bạc phận, căm giận thay đế chế cường quyền tranh quyền đoạt lợi. Tuy em là con cháu tông thất nhà Trần nhưng là không tránh khỏi thương tiếc nàng. Dân gian chê trách hoàng tộc phòng the bê bối, rối loạn cương thường em cũng hiểu được - nói xong nàng lại thở dài.

- Chị xem em này, chẳng phải cũng là hồng nhan bạc phận sao? Chồng bị bức tử, nay cha em lại muốn gả em cho Thái bảo Trần Nguyên Hãng. Nực cười làm sao chỉ vì có lời đồn em thông dâm với Phủ quân ty là Trần Nguyên Uyên cũng là em trai của vị Thái bảo kia. Còn nói cái gì là để làm nhục Trần Nguyên Uyên. Em lại thấy mình đáng thương lại tủi khổ vô cùng tận đây. Em còn nhớ ngày ấy chị nói dầu hết đèn tắt, người chết tình tận… em vẫn không quên Giản Hoàng chồng em.

Lý Thiên Hinh lại nghĩ, dù có là tình chàng ý thiếp sớm tối thề nguyện với Trần Giản Hoàng rồi cũng chẳng phải nàng kia đã gả cho Trần Nguyên Hãng? Thế sự xoay vần, đông đi xuân lại đến há sao phải buồn xuân tiếc thu đâu. Nàng lại tự hỏi lòng mình, mọi chuyện đã là trần ai lạc định hà cớ gì nàng vẫn không chịu buông bỏ mà ôm hận mấy trăm năm. Nghĩ tới đây nàng nói:

- Em vẫn nên sửa soạn tâm tình mà đón nhận người chồng mới này, biết đâu rằng đây mới là vùng trời hạnh phúc của em.

Nét buồn thoáng qua vẻ mặt của Thái Dương công chúa, nàng kia khẽ mỉm cười đáp lại.

- Vâng, em biết. Nhân sinh chỉ thoáng như giấc mộng, em phải nhân lúc mộng chưa tỉnh mà tranh lấy một tia hạnh phúc. Em sẽ không như Bảo Văn hầu phu nhân, tới tận lúc nhắm mắt buông tay vẫn không biết đâu mới là bến bờ của mình.

Lúc này đây, cảm giác như có ai đó đâm thủng lá chắn nàng cố dựng bấy lâu nay, loại cảm giác này thật không dễ chịu lại ập đến lần nữa. Nàng hoảng loạn thốt lên:

- Em chớ nói bậy, em lại không phải là chị ấy.

Thái Dương công chúa lại cười, nụ cười này làm Lý Thiên Hinh thấy thực chói mắt.

Người trong cuộc không rõ nhưng ngoài cuộc như em lại thấy tường tận. Em gọi chị ấy là Bảo Văn hầu phu nhân chính là khi chị ấy được hạnh phúc nhất. Người thương chị ấy ngoài tiền triều Tiên đế Lý Huệ Tông thì trên đời này chỉ có một Bảo Văn hầu Lê Tông - Lê Phụ Trần.

Giai nhân thoáng kinh hồng, Lý Thiên Hinh nàng một đời mưa dập sóng vùi vì ai mà sống.
 
Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0
Chương 3: Miền ký ức

Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2.

Cổng chùa Chân Giáo từ từ khép lại sau cánh cửa Đại nội. Một mảnh trời xám xịt đìu hiu, tiếng gió Bấc vun vun quất vào mặt người, tiếng giày loạt soạt giẫm lên lá khô và tiếng chuông chùa bất giác vang lên. Tiếng quạ kêu xa xa phía hàng tre, mảnh trời đỏ rực như màu máu. Người ấy bất giác rùng mình, chà chà tay lên mặt hòng xoa đi sự sợ hãi mơ hồ.

Khi về tới điện Dương Minh, vẫy lui các cung nữ và nói với nhũ mẫu theo sau.

- Nhũ mẫu, trẫm mỏi mệt cần tĩnh dưỡng một lát. Truyền ý chỉ không có lệnh của trẫm nghiêm cấm bất kỳ ai lui tới điện Dương Minh.

Nhũ mẫu thưa dạ rồi quay đi, nhưng ra tới cửa điện bèn tỏ ra lưỡng lự hỏi lại Chiêu Hoàng đế:

- Thưa bệ hạ, vậy Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ và Chính thủ công tử Cảnh thì sao ạ.

Đáp lại lời của nhũ mẫu là sự trầm mặc, nhũ mẫu cũng chưa dám lui ra mà đứng bất động ngoài cửa điện để đợi phân phó của bề trên. Một lát sau truyền ra giọng nói non nớt có phần sắc bén:

- Tất cả không ngoại trừ ai!

- A… thưa…. vâng.

Nhũ mẫu giật mình không cấm phát ra giọng run run. Bà vừa rời khỏi tẩm điện vừa hoài nghi, nữ đế ngày thường tính khí trẻ con sẽ không bao giờ nói những lời mang khí thế uy áp lạnh lùng đến vậy. Lại nói Chỉ huy sứ dễ dàng ngăn lại hay sao, ai cũng biết người này nắm đại quyền trong tay thực lực tối cao nơi triều đình, xem nữ đế cũng chỉ là rối gỗ mà thôi. Còn công tử Cảnh là người thân cận nhất của Chiêu Hoàng đế - người có thể tùy tiện ra vào cung trong những năm này. Bà càng nghĩ càng thấy khó hiểu.

Thấy cánh cửa tẩm điện dần khép lại, Lý Thiên Hinh (nay là Lý Chiêu Hoàng đế) đi tới mép giường chưa kịp tháo giày cứ vậy nằm úp mặt xuống giường. Khuôn mặt non nớt vô biểu tình nhìn như trưởng thành nhanh chóng, hàng lông mi run nhẹ như cánh quạt cố ép xuống giọt nước chưa kịp rơi, đôi môi hồng đào đỏ mọng bị hai chiếc răng nanh cắm bật tia máu nhìn thật chói mắt. Đứa bé không hiểu chuyện năm nào nay đã 7 tuổi, trong sự rối loạn vô hình trung bị bắt ép phải trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi.

Nàng nhớ tới vua cha ánh mắt hiền từ xoa đầu nàng, nhớ về một ngày Mùa Đông năm Kiến Gia thứ 14.

- Con ta nay đã lớn, thứ cho cha bất lực vô năng không thể bảo vệ được con lại nhẫn tâm đẩy con trước đầu sóng ngọn gió. Thế nhân chỉ trích ta yếu đuối bất tài, say đắm hoang dâm không chăm lo đất nước. Là Lý Sảm ta trước có lỗi với trăm họ, sau có lỗi với tông tộc họ Lý, lại càng có lỗi với Thiên Hinh con gái ta. Lý Sảm thất đức không có nam đinh nối dõi tông đường, cơ nghiệp thiên thu vạn đại mà tổ tiên truyền lại nay để con gái út của ta gánh vác, đây rõ ràng gánh nặng đường xa.

Khi ấy, nàng nhìn thấy trong mắt vua cha là sự thanh triệt thấu hiểu sự đời, đâu có vẻ mịt mờ điên khùng thường ngày. Trầm mặc một lát, vua Lý Huệ Tông khi ấy lại tiếp tục thở dài.

- Nay cha truyền ngôi cho con âu cũng là thế thời ép ta phải làm vậy, con gái đừng trách cha được không?

Nàng 7 tuổi ngày ấy mịt mờ chưa hiểu chuyện chỉ biết vua cha đang buồn rầu cần được an ủi, nàng trở tay túm lấy vạt áo vua cha nói nhỏ:

- Thiên Hinh không trách cha… không trách. Vua cha mau mau khỏe lại về với Thiên Hinh - khi ấy, vua Lý Huệ Tông tuy đang tại vị nhưng quyền lực rơi vào trong tay quyền thần Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh. Vua dần mất đi vị thế và tiếng nói, thường tới chùa Bát Pháp tránh né chuyện triều đình.

Hoàng đế bế bổng con gái bé nhỏ trên cánh tay gầy yếu, hai cha con hướng về phía mặt trời sắp lặn, để lại góc trời chiều bàng bạc.

Cùng năm Kiến Gia thứ 14, Lý Huệ Tông - vị hoàng đế thứ tám của vương triều nhà Lý đã truyền ngôi cho Hoàng Thái nữ vốn là công chúa thứ nữ Lý Chiêu Thánh, đổi tôn hiệu Chiêu Hoàng định niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Lý Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng và đi tu ở chùa Bát Pháp, lấy pháp danh là Huệ Quang Đại sư.


Sau khi vua cha truyền ngôi cho nàng tới nay, nàng đã nghe nhũ mẫu thân cận thường xuyên nói cho nàng biết nội tình trong cung. Nàng đã sớm trưởng thành. Nhưng bên ngoài chỉ là vỏ bọc một đứa trẻ ngây thơ. Con cháu gia đình quý tộc nếu không được cha mẹ che chở vô ưu vô lo để lớn lên, thì chỉ có thể tự lớn lên sinh trưởng thật tốt mà thôi. Thân mẫu không thương, thân phụ bệnh tật quấn thân khiến nàng từ nhỏ trở lên độc lập mọi thứ. Nhớ tới vị tăng sư ngồi đối diện với mình chiều nay có thân hình gầy gò tái nhợt, nàng thấy đau lòng mà lực bất tòng tâm. Một giọt, hai giọt nước mắt lăn xuống má, thấm vào gối gấm nhưng vị mặn chát lại thấm vào tim nàng lan ra tứ chi khiến cơ thể không còn sức lực. Áp hay tay lên ngực trái, nàng nghẹn ngào:

- Con gái không bao giờ trách cha, sinh ra trong tông tộc họ Lý vốn nên gánh vác giang sơn tổ tiên gây dựng. Là thời thế thế thời ép chúng ta phải thế. Con gái biết cha phải nếm mật nằm gai nhẫn nhục chịu đựng, nhưng lịch sử không cho chúng ta ngược dòng giữ cơ nghiệp đời đời trường thịnh, dồn chính mình vào bức tường không lối thoát để rồi thành tội nhân thiên cổ.

Miền ký ức trở về năm nàng 6 tuổi, đêm mưa to như trút nước xuống thành Thăng Long. Đứa bé gái đi chân trần chạy theo hành lang cung Thúy Hoa, nhón chân nhỏ bước vào chính điện nơi ở của Thuận Trinh hoàng hậu. Ngó nghiêng không thấy cung nữ và nhũ mẫu của Hoàng hậu đứng ngoài điện hầu hạ, bé thấy có chút kỳ lạ. Định đưa tay mở cửa điện thì nghe tiếng đổ vỡ và tiếng người khác nữa vọng ra từ bên trong, thân hình nhỏ bé hốt hoảng nép mình vào cánh cửa gỗ lim dày cộm, cố nén hơi thở nhẹ nhàng. Ngày thường Thuận Trinh hoàng hậu có tiếng hiền thục đoan trang, ít khi nóng giận mà đập đồ. Bé hơi sợ không dám tiến lên, nhưng tò mò muốn biết ai trong đó làm mẫu hậu tức giận đến như vậy. Hé mắt nhìn vào, nàng chỉ nhìn thấy bóng lưng thẳng tắp đĩnh đạc không có vẻ như người dưới. Nhưng cả cung điện to lớn này không có ai có quyền thế như vua cha, khi đứng trước mẫu hậu mà không phải khom lưng kính cẩn. Nhìn kỹ bóng dáng ấy lại không phải Hoàng đế, vì vua cha có thân hình hơi gầy mảnh, da dẻ có phần tái nhợt mà không phải màu đồng cổ và chắc nịch như người kia. Bé dán tai lên nghe được giọng nói khàn khàn cứng cỏi:

- Đến bước đường này chị còn do dự cái gì nữa? Trời cho họ ta hưởng vinh hoa phú quý, thoát kiếp bề tôi mà được rạng danh tông tộc. Đây không chỉ là chuyện giữa chị và ta, mà còn là cơ đồ thịnh thế thiên thu vạn đại.

- Cho chị suy nghĩ đã… chị nhất định không làm chuyện thương thiên hại lý được - là giọng của Thuận Trinh hoàng hậu.

- Chúng ta không thể đợi lâu được nữa, đây chính là thời cơ tốt nhất. Nếu kéo thêm vài năm, ấu đế cứng cáp lại kẻ kia cố kéo hơi tàn mà trợ lực ấu đế. Xét danh chính ngôn thuận hợp lòng người, lúc đó chúng ta mới ra tay thì thiệt hại càng lớn hơn nữa. Bất quá có thể giết đi một hai ta cũng không do dự.

Chỉ nghe tới đây mà như có nỗi sợ hãi khiến chân tay lạnh lẽo lan xuống dọc sống lưng. Bé chỉ nghe tới giết người liền sinh ra cảm giác run sợ khiếp nhược, không dám nghe tiếp nữa mà lại chạy vụt đi biến mất sau lối rẽ, bóng lưng nhỏ nhắn nhanh chóng nhạt dần trong màn mưa và tiếng sấm.

Nhớ tới đó, nàng như rõ ràng thêm nữa những sự việc hai năm gần đây. Nở nụ cười như chế giễu, nàng tự nhủ:

- Cha... cơ nghiệp mà Đức Thái Tổ gây dựng, cơ nghiệp mà đời đời họ Lý ta bảo vệ tới nay, con gái sẽ không hai tay dâng lên cho lũ quyền thần phản trắc. Nếu muốn cướp lấy thì hãy để chúng tự tới cướp đi, dù có cướp được thì cũng thành tội nhân của trăm họ trong thiên hạ.

Nghĩ tới hai nhỏ ngây ngô tóc để trái đào đang chơi đuổi bóng và lời vua cha căn dặn chiều nay, nàng buồn bã nhắm mắt lại bất giác đã chìm vào giấc ngủ. Trong mơ màng vô thức hai má ướt đẫm nước mắt.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0

Chương 4: Đêm lạnh lẽo như nước.


Cuối năm Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2.

Lý Thiên Hinh từ ngày được sắc phong Hoàng Thái nữ đã được vua Lý Huệ Tông cho mời thầy dạy về lễ nghi tài học, nhưng cũng chỉ được chút da lông mà không tận tâm truyền thụ cho nàng về đạo trị quốc. Cho tới hôm nay nàng mới tự mình thể nghiệm cảm giác của những vương triều mất nước ghi trong sử sách.

Giờ Dần một khắc, nàng đang trằn trọc trên giường thì nghe thấy tiếng gọi cửa. Là giọng của nhũ mẫu thân cận:

- Bệ hạ, người nên tỉnh dậy. Điện tiền chỉ huy sứ dẫn người đến phía trước điện Thiên An. Chính thủ công tử Cảnh cũng dẫn người qua cửa Vĩnh Nghiêm để tiến về tẩm điện.

Nói tới đây, chân tay bà càng luống cuống đi nhanh vào bên giường. Có lẽ trời tối nên Lý Thiên Hinh không nhìn được mặt bà đang đỏ lựng gay gắt

- Bệ hạ, thần chăm sóc người từ nhỏ. Phần tình cảm này tuyệt không kém một người mẹ với con gái ruột thịt. Xin Bệ hạ thứ thần tội bất kính, nhưng núi xanh còn đó lo gì không có củi đốt. Thái Thượng hoàng đã ra mật chỉ cho thần, nếu tới giờ phút cuối mà Bệ hạ đổi ý cho dù liều mạng già này thì thần cũng phải dẫn Bệ hạ theo đường bí mật qua hậu cung tới vườn ngự sẽ có người tiếp ứng đưa Bệ hạ ra khỏi hoàng thành. Thời gian không còn sớm, cẩn mong Bệ hạ theo thần đi thôi - nhũ mẫu đưa tay muốn bế bổng Lý Thiên Hinh lên.

Chiêu Hoàng đế tuổi nhỏ chỉ thấp tới bờ vai nhũ mẫu dễ dàng bị bế lên ngồi trên tay bà. Nhưng Lý Thiên Hinh chỉ bình tĩnh ghé lên vai bà thủ thỉ:

- Không kịp rồi nhũ mẫu, người hãy để ta xuống thôi. Đi tới bước ngày hôm nay chính là vận mệnh mà họ Lý ta phải nhận lấy. Lịch sử yêu cầu biên chép tiếp. Kết quả như nhau thì thà ta chọn cá chết lưới rách nhưng tuyệt đối không làm kẻ bỏ trốn. Ta làm vậy thì những tộc nhân còn lại và cả Thái Thượng hoàng đều chịu khổ hơn, thậm chí bị giết chết. Hơn nữa trong cung còn Thuận Trinh hoàng hậu và Thuận Thiên công chúa, ta vẫn nên thay vua cha chăm sóc họ. Dù rằng ta nghĩ họ không cần đợi ta cũng sẽ có người thay ta tới chăm sóc họ thật tốt - nàng cười tự giễu .

Nhũ mẫu biết những điều nàng nói đều là sự thật, trong lòng nặng trĩu sầu lo. Thuận Trinh Hoàng hậu hết mực yêu thương trưởng nữ Thuận Thiên Công chúa, đối với thứ nữ thì có phần lãnh đạm hơn nhiều lắm. Từ nhỏ Chiêu Thánh công chúa lớn lên trong sự bảo bọc của Thái Thượng hoàng, vâng mệnh đăng cơ khi mới 7 tuổi. Nếu 7 tuổi con nhà thường dân được cha mẹ nâng niu chiều chuộng, còn nàng phải ngày ngày thức khuya dậy sớm học lễ nghĩa đạo quân thần. Nay sắp 9 tuổi liền bị thúc ép phải trưởng thành, thật khiến người xót xa.

Lý Thiên Hinh tuột khỏi tay nhũ mẫu, nàng đi chân trần ra cửa điện rồi ngồi xuống bậc thềm tam cấp, gối đầu lên cánh tay nàng khẽ nhắm mắt lại như cố đếm bước chân của đoàn người đang tiến đến. Còn 10 bước, 5 bước rồi người đó đứng phía trước nàng. Có tiếng xoạt xoạt của vải vóc, nàng không ngẩng đầu lên mà còn rúc sâu hơn nữa vào khuỷu tay. Người kia đưa tay nâng cằm nàng lên ép nàng nhìn thẳng, bàn tay ấy vẫn nhỏ hơn tay của võ tướng nhưng đã có phần cứng cáp nhiều lắm khiến cằm nàng có chút khó chịu. Giọng nói khàn đục của thiếu niên vỡ giọng khó nghe như tiếng ma quỷ đâm vào tai nàng.

- Bệ hạ - hắn ngập ngừng - Thiên… Thiên Hinh sao em lại ngồi đây? mau vào đi thôi kẻo sương đêm lạnh.

Quả nhiên là hắn, Trần Chính thủ - Trần Cảnh cũng là cháu trai của chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Chưa bao giờ nàng chán ghét giọng nói đó tới vậy. Mặc dù thường ngày nàng rất thích nghe hắn nói chuyện với nàng. Nàng lại tiếp tục trầm mặc, chỉ thấy hắn lắc đầu thở dài. Cởi bỏ áo bào của hắn rồi khoác lên vai nàng, ý dỗ dành.

- Qua canh trời mới sáng, em ngủ thêm lát nữa rồi anh sẽ gọi em dậy kịp giờ lên triều.

Nàng ngay lập tức lạnh mặt, gầm nhẹ.

- Trần Cảnh lớn mật, tên húy của Hoàng thượng đương triều ngươi cũng dám hô to gọi nhỏ? Giáo dưỡng của người là ai dạy ra như vậy.

Trần Cảnh cứng đờ người trong giây lát, khuôn mặt non nớt mới 9 tuổi đã có nét anh tuấn khí thế uy nghiêm, mày kiếm khẽ nhếch rồi nở nụ cười bất đắc dĩ.

- Thần cẩn tuân ý chỉ của Chiêu Hoàng đế.

Nói xong, khẽ phất tay áo cho lui quân lính và hầu nữ theo sau. Trần Cảnh đột nhiên bước nhanh tới ôm cả người Lý Thiên Hinh vào lòng rồi sải chân đi vào tẩm điện. Lý Thiên Hinh lúc đầu còn giãy giụa hòng tránh khỏi cái ôm của hắn nhưng bất lực chỉ đành miễn cưỡng thuận theo. Tuy cùng tuổi mà thân hình của nàng nhỏ hơn hắn nhiều lắm, đừng nghĩ hắn đọc đủ thứ binh thư sách lược mà quên hắn cũng là kỳ tài võ nghệ được đám võ sư khen ngợi. Cũng chính vì vậy mà hai chữ Trần Cảnh sớm đi vào lòng của nàng, hai năm sớm chiều bầu bạn.

Trần Cảnh ôm Lý Thiên Hinh tới bên giường rồi đặt nàng nằm xuống, hắn kéo chiếc ghế ngồi lại gần rồi nhìn thẳng mắt nàng, nói:

- Em cũng đoán ra rồi phải không. Họ Lý đã như mặt trời về tây, còn họ Trần như mặt trời ban trưa vậy. Kết cục ngày hôm nay là tất yếu. Em có thể không trách anh sao?

Như dự đoán, hắn thấy nàng quay mặt đi mà không chịu nhìn hắn. Nhưng hắn đã nhìn ra loang loáng vệt nước mắt trên má nàng. Chỉ thấy nàng nghẹn nghẹn đáp lại:

- Ngươi tới đây để tuyên án tử cho ta sao?

Trần Cảnh lập tức phản bác:

- Không - hắn gầm lên - Thiên Hinh… ta sẽ làm mọi thứ bảo toàn em. Không để em chịu khổ một phân một tấc.

Lý Thiên Hinh nghe mà thấy như dao sắc đâm tận yết hầu, nàng khó khăn mở miệng:

- Đừng tự lừa mình dối người. Nếu ta nói ngươi đi chết đi… bảo toàn triều Lý ta, liệu ngươi có làm được? Nếu ta muốn người đi giết Trần Thủ Độ lòng lang dạ sói, ngươi sẽ đi sao?

Đợi cho nàng mệt mỏi tưởng hắn đã đi, mới thấy hắn trả lời:

- Em không hiểu thế sự ắt phải thế. Không có ta thì chú Thủ Độ cũng sẽ tìm được người khác thay thế ta ngồi lên vị trí kia. Ta chết đi sẽ không ai bảo vệ em. Như vậy dù em hận ta thì ta vẫn nhất định phải có được, mới mong hộ em cả đời bình an.

Nàng quay đầu lại, tiếng nói lạnh lùng phản bác :

- Ngươi dối trá, ngụy biện. Chú cháu ngươi đã sớm tính toán cùng người kia nội ứng ngoại hợp lật đổ vương triều, giết vua soán vị. Nói gì mà làm bạn với ta cả đời cũng là lừa gạt.

Trần Cảnh không nghe được vế sau vì hắn bị hoảng loạn bởi câu nói đầu tiên của nàng, cho nên cũng không đáp lại lời chất vấn kia. Hắn sợ hãi nhìn vào mắt nàng, chỉ thấy hai mắt nàng đỏ ửng.

- Người kia… người kia không liên quan tới chuyện này.

Nàng cười khinh miệt, cả hắn và nàng đều biết rõ nàng đang nhắc tới ai. Nhưng hắn vậy mà bao che cho người kia, trốn tránh không trả lời câu hỏi chính của nàng. Hoặc là hắn không phủ định chính là khẳng định đây? Bỗng nhiên nàng bật dậy, nắm lấy tay hắn mà cắn cho tới khi trong khoang miệng nếm được vị thanh rỉ sắt. Lý Thiên Hinh đột nhiên tức giận vì nhìn thấy ánh mắt cam chịu của hắn, thấy mồ hôi rịn ra trên chán nhưng hắn không kêu đau. Nàng kéo lấy vạt áo hắn hướng về phía cửa điện, gào thét như thú bị thương.

- Ngươi cút ra ngoài, ta cả đời này đều không muốn nhìn thấy ngươi. Trần Cảnh!

Hắn biết nàng đang tức giận phẫn nộ, nên theo bước chân nàng kéo ra khỏi tẩm điện. Khi cánh cửa nặng nề đóng rầm trước mũi hắn thì hắn vẫn chưa rời đi hẳn.

- Người của Phùng Thái phó đi suốt đêm về kinh, mang theo ý chỉ của Thái Thượng hoàng chỉ hôn cho Cảnh và em. Thiên Hinh, em hãy tin phần tình cảm hai ta từ trước tới nay là thật lòng anh.

Hắn đứng đó, nhìn bóng nàng theo ánh đèn hắt lên cửa sổ, nàng ngồi thu lại trên giường như con nhím mình đầy gai nhọn. Hắn lại không nghe thấy nàng khóc. Trầm mặc một lát, hắn xoay chân về phía điện Thiên An đợi nàng.
 
Tham gia
3/6/20
Bài viết
16
Gạo
0,0

Chương 5: Thái Thượng hoàng chỉ hôn

Lý Chiêu Hoàng đã đoán ra Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đã cho thay người của ông ta đứng gác tại các cửa cung, ngay cả cửa điện Thiên An này cũng là những khuôn mặt xa lạ. Nàng còn nhớ rõ cậu bé Ngô Cẩn An là hoạn quan nhỏ tuổi thường đứng đợi cửa chờ nàng truyền gọi, hôm nay cũng không thấy cậu bé đó đâu. Mà thay vào đó là tốp tốp binh lính biểu tình nghiêm nghị, khí thế bức người.

Tim nàng đang đập rất nhanh vì run rẩy, nhưng Lý Chiêu Hoàng cố giữ vẻ mặt bình tĩnh lạnh nhạt. Bàn tay nhỏ tiêm gầy nắm chặt giấu trong tay áo rộng thùng thình. Chợt nhớ tới điều gì đó, nàng nhìn sang phía binh lính mặc Minh Quang giáp có tấm hộ tâm hình tròn trước ngực và hình đầu hổ gắn hai bên vai. Thật chê cười làm sao, quân đội trước phải giữ gìn quốc thổ thay họ Lý bảo vệ dân chúng, sau lại bảo vệ hoàng thất tôn nghiêm. Nay chính quân đội ấy lại quay lưng theo quyền thần, bức vua thoái vị lật đổ triều đại.

Không có quan viên nào vào chầu triều, sân Rồng rộng lớn như vậy cũng toàn là quân lính mũ giáp chỉnh tề. Dáng vẻ ngạo nghễ kia rơi vào tầm mắt nàng. Chính là Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Lý Chiêu Hoàng nghĩ rằng Trần Thủ Độ đóng cửa thành và cửa cung nhằm ngăn cấm các quan lại vào triều. Cũng phải thôi, bằng thực lực uy vọng từ lâu đã vượt qua hoàng thất của ông ta và quyền lực coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thì ông ta hoàn toàn làm được điều này.

Không hành lễ quân thần như mọi khi, Trần Thủ Độ quan sát nàng từ đầu tới chân khiến nàng nổi cơn ớn lạnh. Trần Thủ Độ lúc này mới dõng dạc:

- Phụ quốc Thái phó Phù Tá Chu mang theo ý chỉ của Thái Thượng hoàng chỉ hôn cho bệ hạ và Chính thủ họ Trần tên là Trần Cảnh. Vậy có phải bệ hạ nên thông báo cho trăm họ và chúng thần được biết - Trần Thủ Độ vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào nàng để không muốn bỏ sót bất cứ biểu tình nào trên khuôn mặt kia.

Nàng giả bình tĩnh như mọi ngày nhưng trong lòng cuộn sóng dày vò nàng. Lý Chiêu Hoàng đưa mắt về Trần Cảnh đang đứng đằng sau Trần Thủ Độ, Cảnh đang nhìn nàng bằng ánh mắt tràn ngập sự lo lắng. Nàng không coi sự lo lắng ấy là chân thành thật ý.

- Trẫm biết - nàng thản nhiên thừa nhận, mang theo cung nữ hầu cận đi về phía cung Thúy Hoa mà không nhìn tới biểu tình của những người kia.

Việc chỉ hôn giữa nàng và Trần Cảnh, ngày gặp vua cha ở chùa Chân Giáo thì Lý Chiêu Hoàng đã sớm biết. Vua cha hỏi nàng có tình cảm gì với Trần Cảnh không, nếu nàng nói không có là giả. Hai năm này sớm chiều gặp mặt, Trần gia Trần Nhị Lang kia đã sớm gieo vào lòng nàng nụ cười nửa miệng phong lưu tuấn dật để rồi nảy mầm lúc nào không hay. Nàng khi ấy đã trả lời như thế nào nhỉ:

- Con gái còn nhỏ chưa hiểu chuyện tình cảm nam nữ.

Thái Thượng hoàng nhìn nàng đầy từ ái, trong mắt cất chứa sự bao dung vô biên. Khóe mắt ông đã hằn lên dấu vết tháng năm, nhưng tình yêu thương của ông dành cho con gái bé bỏng luôn mạnh mẽ như vậy.

- Cha đây không hỏi liên quan đến việc nước mà đơn thuần chỉ là người cha với con gái mình mà thôi, con không cần áp lực. Ta nhìn đứa bé kia thông minh lanh lợi lại tài trí hơn người, mai sau đây nhất định làm lên việc lớn. Cha chỉ cầu có thể bảo toàn được con và nhân tộc. Cẩu tặc kia lòng tham vô đáy, sớm muộn sẽ tính diệt trừ chúng ta. Họ Lý ta kết cục đã định như vậy thì ta cũng không nên cưỡng cầu, có tâm mà vô lực chi bằng sớm chọn đường lui.

Đúng vậy, đây là đường lui duy nhất tránh đổ máu cũng là điều duy nhất nàng có thể làm được. Chính là bảo vệ tôn nghiêm cuối cùng của hoàng tộc. Hãy để lịch sử phỉ nhổ vào nàng vì việc đó sẽ bị sử quan ghi lại nhu nhược vô năng để quyền thần lộng hành, bị trăm họ khinh khi. Còn hơn hy sinh tộc nhân, gây chiến tranh nổi loạn thì được mất ai sẽ tính được đây. Nhưng nàng nhất định không tự tay dâng lên cho tặc, một bên bị cướp đi và một bên đem dâng ra ngoài thì nàng sẽ chọn để bị cướp đi, chí ít kẻ kia có được cũng bị người sau chê cười muôn đời.

Tới cung Thúy Hoa, đèn đuốc mới được nội thị bỏ xuống. Lý Chiêu Hoàng bần thần đứng bên ngoài mà chưa bước vào, nàng không cho người thông báo với vị trong kia. Đã thật lâu trước đây nàng không có tới, hôm nay nhìn mọi thứ thật xa lạ hay như lòng của nàng vốn đã xa lạ. Vừa vào cửa chính điện liền thấy Thuận Trinh hoàng hậu ngồi trước gương để cung nữ vấn tóc. Hoàng hậu Trần Thị này xưa nay có tiếng nhan sắc nhất đẳng, lại bảo dưỡng cẩn thận nên không thấy dấu vết thời gian biến hóa. Dù có tuổi nhưng cũng là một mỹ phụ nhân cao quý.

Lý Chiêu Hoàng có một lần nghe được cung nữ trong cung Hoàng thái hậu bàn tán về tình cảm của đế hậu đương triều. Nàng vốn biết Hoàng thái hậu không muốn thấy Thuận Trinh hoàng hậu, thậm chí có ý giết hại. Lý Chiêu Hoàng vì việc này mà cũng không thân cận với bà nội, lúc biết được nguyên do khiến nàng trở nên mâu thuẫn. Qua lần nghe trộm kia nàng mới biết, thì ra thanh mai trúc mã của mẫu hậu là Thái phó Phùng Tá Chu từng có đoạn tình cảm đẹp lắm. Còn có Trần Thủ Độ cũng là em họ của bà cũng ái mộ bà vì nhan sắc tài danh. Hoàng thái hậu nhiều lần muốn hại bà nhưng không thành vì được vua Lý Huệ Tông lúc đó hết mực yêu thương bảo hộ.

Nàng mới 9 tuổi lại đủ nhận ra tình cảm đế hậu có bao nhiêu sâu. Lý Huệ Tông yêu thương Trần Thị Dung như trân bảo, cho dù gặp hiểm nguy cũng không nỡ người yêu chịu khổ. Có lần, Huệ Tông biết Hoàng thái hậu muốn bỏ độc Trần Thị bèn ngăn lại. Mỗi bữa ăn Huệ Tông thường chia cho bà một nửa thức ăn của mình để tránh bất trắc và luôn để bà trong tầm mắt. Cho dù khi nhận ra người nắm tay kéo đi nửa đời lại là kẻ kéo mình xuống bùn lầy nhơ nhuốc, Lý Huệ Tông vẫn không oán không hối. Ông chỉ hối hận mình không gặp nàng sớm hơn, không yêu nàng đủ sâu để nàng cũng toàn tâm toàn ý với mình.

Thuận Trinh hoàng hậu yêu thương trưởng nữ Thuận Thiên công chúa Lý Oánh có phần hơn thứ nữ. Bà lại tỏ ra lãnh đạm hơn với Chiêu Thánh công chúa nên ngay từ nhỏ Lý Chiêu Hoàng chỉ thân cận với vua cha và nhũ mẫu của mình. Đối với mẫu thân Trần thị, Lý Chiêu Hoàng cũng không thấy thân thuộc. Thậm chí tồn tại cảm giác xa lạ.

Thấy được nàng, Thuận Trinh hoàng hậu vẫn ngồi bên bàn trang điểm vẫy vẫy tay gọi nàng.

- Còn đứng đó làm gì, bệ hạ dùng cơm hay chưa? Ta sẽ gọi Thuận Thiên tới ăn cùng.

Trong lời nói bất giác lộ thân sơ, nàng nghe vậy lòng thấy chua chua. Lại không muốn ở lại lâu, nàng uyển chuyển từ chối.

- Con còn có chút việc cần làm, con tới đây báo cho mẫu hậu một tiếng. Chắc không cần con nói người cũng biết, Thái thượng hoàng chỉ hôn cho con và cháu trai của Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ.

Nàng không nhìn biểu tình của Thuận Trinh hoàng hậu, mắt hướng xa xa mờ mịt.

- Kết cục như vậy, mẫu hậu người… có vừa lòng không?

Thuận Trinh hoàng hậu vụt đứng lên, sắc mặt tái nhợt không thấy vẻ đạm nhiên thường ngày, tay bà run run chỉ vào Lý Chiêu Hoàng:

- Con… con đây là ý gì?

Lý Chiêu Hoàng vốn muốn không muốn tìm bà tranh luận. Nàng không nói gì thêm nữa, bóng lưng nhỏ yếu đơn độc dời đi dưới con mắt kinh ngạc của Thuận Trinh hoàng hậu. Để lại đằng sau một mảnh tĩnh mịch.

Ra khỏi cung Thúy Hoa, Trần Cảnh đang đứng chợt thấy nàng liền chạy nhanh tới kéo tay nàng. Nàng dùng toàn lực hất thật mạnh cánh tay kia ra, tức giận quát:

- Không quy củ! Trong nội cung ngươi muốn lôi kéo liền lôi kéo sao?

Thấy nàng nhanh chóng rời đi, Trần Cảnh mắt trợn tròn như không tin nàng đang nói hắn. Trước nay cùng nhau vui đùa, hai người nắm tay nhau cũng không sao mà. Trong lòng không khỏi nổi lên mất mát. Thực ra hắn biết, kể từ khi họ Trần có mưu đồ gì kia thì sợi dây hồng của hắn và nàng đã tách nhau từng chút một.
 
Bên trên