Thuyền về sông Nam - Cập nhật - an.enpaix

Mục lục
20230917_081655_0000.png


Tên truyện: Thuyền về sông Nam

Sáng tác: an.enpaix

Thể loại: Truyện dài, tình cảm, huyền ảo

Độ dài: Dự kiến 100 chương

Tình trạng: Chưa hoàn thành

Bìa: Canva

Bối cảnh giả tưởng. Lời thoại hướng kịch. Mọi trùng hợp về địa danh có thật đều là tình cờ.

Bản chỉnh sửa mới nhất sẽ được cập nhật trên blog cá nhân người viết.

Lời dẫn:
Hồn người về lại đất mẹ, quê cha.
Hồn người về lại cảnh xưa, ngắm trông.

“Em mường tưởng chuyện sau này, khi hai ta về lại làng, một ngôi nhà nhỏ cạnh sông, một mảnh đất nuôi trồng, trước sân có cây mận trắng, bên hàng rào có giàn mướp xanh, đàn ngỗng con chạy loanh quanh. Em thổi cơm, ngài ủ rượu; em têm trầu, ngài ngâm trà; xuân qua hạ đến, bên cạnh có người bầu bạn.”

Chà, mình đã trở lại Gác với một cái tên mới, và có vẻ sẽ siêng năng hơn xưa. (≧▽≦)
Đây là bản chỉnh sửa thứ ba của Huyền Thanh. Nội dung cũ, nhân vật cũ, nhưng bên cạnh đó mình đã chỉnh sửa một số chỗ, khá là nhiều. Hừm... như thay đổi ngôi kể, rút gọn nội dung, xóa bớt tình tiết thừa, hạn chế mô tả dài... Nói chung là cũng đập đi xây lại không ít huhu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

an.enpaix

Gà con
Gạo
8
Quyển 01: Chương 01
Quyển 01: Sương bạc nhuộm cánh trời.

Chương 01.

Nhìn lại cả chặng đường dài, tôi bàng hoàng nhận ra, chuyện này rồi chuyện kia, mãi vẫn chưa đến đâu.

Nam Thanh chui rúc vào chăn, xòe bàn tay nhỏ ra nhẩm đếm, tính đi tính lại không biết bao nhiêu lần. Sáng sớm trời rét đậm, chẳng ai lại muốn xuống giường chịu khổ cả. Nàng nghiêng người, tay mò gần gầm giường, lôi ra một tấm chăn màu đen, cái này không lớn như cái trên giường, nhưng đắp tạm lên chân thì cũng đủ sưởi ấm.

Bên ngoài bỗng có tiếng động, hình như là tiếng bước chân dồn dập của ai đó. Nam Thanh lồm cồm ngồi dậy, kéo rèm, thò đầu ra cửa sổ nhìn thử.

Sa Vũ khiêng thùng nước lớn đi ngang qua nàng, người anh ướt đẫm, chỉ mặc độc chiếc quần dài màu nâu, hai bên ống quần đều rách một lỗ lớn.

Sa Bình đi theo sau anh trai, tay trái cầm chổi, tay phải xách cái bao nhỏ, miệng ngậm cọng cỏ khô.

Cậu dừng lại trước cửa sổ phòng Nam Thanh, mũi chân gõ nhẹ tường: “Cậu cứ ở trong đó mãi thì bọn tôi chết đói mất.”

“Trời lạnh nên tôi lười lắm.” Nam Thanh vươn vai ngáp một cái. “Nằm ngủ một lúc nữa thôi, không làm ai chết đói đâu.”

Sa Bình cười dài: “Ngày nào mà trời không lạnh.”

Cậu liên tục hối thúc, Nam Thanh không chịu nổi mấy lời than vãn, đành bước xuống giường, mặc thêm áo rồi đi ra ngoài.

Gió lớn lướt qua sườn mặt, như lưỡi dao cắt da cắt thịt.

Căn bếp nhỏ lạnh lẽo, cửa nẻo đóng chặt, tối tăm không một chút ánh sáng lọt vào. Nàng đốt ít củi, ánh lửa bập bùng xua đi cái lạnh rợn người. Nàng nhìn quanh, mới qua một đêm mà đã như bãi rừng, phải dọn dẹp lại chỗ này, sau đó mới đi nấu cơm.

Lão già vọt vào bếp như cái bóng, nhảy thẳng lên sập đứng, bàn chân trần lấm lem bùn.

“Con quỷ cái trời đánh! Cuối cùng mày cũng dậy!” Lão ngửa mặt cười lớn. “Ngủ như heo. Mau nấu cơm cho tao, đói đến rã rời tay chân luôn rồi.”

Nam Thanh chống cằm nhìn lão: “Ông thương tình, đợi tôi dọn dẹp đàng hoàng.”

Lão già cọ lòng bàn chân dính bùn lên tường, cổ họng gầm gừ: “Lằng nhằng! Bọn ruồi muỗi hôi hám!”

Chén đĩa dơ chất chồng như ngọn núi nhỏ, cơm thừa canh cặn đổ đầy trên đất, hoa quả dập nát cũng vương vãi mỗi chỗ mỗi ít. Thở dài một tiếng, nàng nhìn lại, lão đã nằm xuống sập, mắt nhắm nghiền.

Nửa đêm nửa hôm chạy vào đây quậy phá, trừ lão ra thì còn ai?

“Nấu cho tao ăn thì phải nấu cho thật ngon, làm dở là tao cắt cổ.” Lão hỏi dẫu hai mắt vẫn khép. “Mà, mày tính nấu cái gì cho tao?”

“Cháo ạ.”

“Sao bữa nào mày cũng nấu cháo thế? Bộ nhà nghèo lắm hay gì?”

Nam Thanh gật đầu: “Tôi nghèo, ông nghèo, ở đây ai cũng nghèo.”

“Bậy bạ. Tao đã nghèo bao giờ…” Lão lẩm bẩm, rồi lại trở mình im lặng.

Chén đĩa đã rửa sạch và lau khô, được xếp gọn gàng trên kệ gỗ, nàng ngồi xuống bên thùng nước, rửa tiếp mấy đôi đũa còn lại.

Lúc ba anh em kia chạy đến, căn bếp nhỏ đã được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp đâu vào đấy. Nồi cháo cũng vừa chín tới, mùi thơm phức. Nam Thanh bưng đĩa khoai sọ hấp ra bàn, đây là món phụ ăn kèm với cháo trắng.

Nàng gọi lão dậy, cầm lược chải đầu giúp lão. Mái tóc dài đến đầu gối, sợi tóc trắng vừa cứng vừa khô, khi chải thẳng xuống không thể không dùng sức. Phần mái trên trán cũng mọc rất dài, che khuất cả đôi mắt. Nhiều lần nàng khuyên nhủ, cắt ngắn chỗ này thì mới dễ nhìn đường, nhưng lão nhất quyết không chịu.

Sa Vũ múc đầy cháo vào chén, vừa ngửa đầu đã húp sạch. Người to con nên sức ăn của anh rất lớn, dù thêm mười chén nữa cũng không thấm tháp vào đâu. Hai người kia không chịu thua, ra sức giành giật mấy củ khoai trong đĩa.

Sa Vũ dùng tay áo lau miệng, ưỡn bụng cười to: “Ăn nhiều như tao thì mới có sức khỏe tốt. Đó là phước, là lành.”

Sa Minh nhỏ tuổi nhất trong ba người, thấp bé nhất và cũng nhát gan nhất. Vật vã một trận, cậu chỉ dành được nửa củ khoai sọ.

Vuốt lại đuôi tóc vừa được chải gọn, lão già tỏ vẻ hài lòng. Tiếp đó, lão lao nhanh đến chỗ Sa Vũ, nước bọt phun ra như mưa, dùng sức kéo người đi.

“Thẳng quỷ mập, mày ăn no rồi thì phải đi chơi với tao!” Bước qua cửa, lão già quay đầu quát mắng. “Này, mày nhớ mang đồ ăn ngon cho tao đó! Không được ăn vụng đồ của tao đâu lũ ruồi nhặng bẩn thỉu!”

Sa Vũ bị lão lôi ra ngoài, bị bắt chơi đủ loại trò kì lạ, anh muốn vùng vẫy cũng chẳng dám.

Trong bếp, Nam Thanh ngồi xếp bằng trên sập, cầm chén cháo còn ấm húp xì xụp. Ba người kia vẫn biết ý, chừa lại cho nàng hai củ khoai sọ trên bàn. Sau khi ăn no thì họ rời đi, bảo là muốn vào chợ một chuyến mua lương thực.

Nam Thanh cũng chuẩn bị ra ngoài, nhưng trước đó nàng phải nấu nước, hâm nóng cháo, hấp thêm vài củ khoai ngon đem lên nhà trên.

Đặt mâm đồ ăn trước cửa, lắc nhẹ chiếc chuông nhỏ treo trên cành cây, qua một lúc tự khắc sẽ có người đi ra bưng vào trong.

Nàng không được phép bước vào nhà trên, nơi ở của lão già, không được hỏi, không được tò mò. Vì vốn dĩ, khách đến trọ ở đây đều như thế, muốn bình yên thì phải cam chịu mọi thứ trong im lặng.



Ngọc Lĩnh là một ngôi làng nhỏ của huyện Đồng Mai, thuộc thành Nam Quan.

Nam Thanh không phải người trong làng, nàng đến đây chỉ vừa mới ba tháng, chủ yếu là để tìm người. Bởi năm xưa, người bạn đó từng nói với nàng, rằng anh ấy lớn lên ở làng Ngọc Lĩnh, gốc rễ sâu bao đời, thân nhân và bạn bè đều ở nơi này.

Nhưng lúc nàng tìm đến, người bỗng bặt tăm, không ai biết anh ấy đã đi đâu, và đi từ bao giờ. Dân làng vẫn hay nói nhỏ với nhau, nhà cửa đã đổ nát, ruột thịt chia lìa, trời cao không thương xót, khốn khổ đến thế sao mà sống nổi? Rời đi là phải.

Dù vẫn chưa có tin tức về người bạn cũ nàng cũng không định quay về vào lúc này. Linh cảm như thể đang mách bảo, rồi sẽ tìm được, nhanh thôi. Có lẽ vào một ngày nào đó không xa, anh ấy sẽ về lại làng.

Hôm nay, Nam Thanh có hẹn, một cuộc gặp gỡ bình thường như bao ngày. Lọt thỏm giữa cánh rừng trúc cao ngất, quán nước nhỏ vẫn ế ẩm vắng bóng khách. Nàng mua một đĩa đậu phộng rang đường, phải tự mình vòng vào bếp lấy. Chủ quán ngồi trên đất chăm chú gọt tượng gỗ, đồ đạc nằm ngổn ngang dưới chân, vụn gỗ rơi ra dính đầy người ông.

Nàng chỉ vào đĩa quýt trên bàn: “Để tôi bóc vỏ giúp ông nhé.”

“Rồi cậu một miếng, tôi một miếng. Già này thừa biết, cậu chẳng tốt gì mà.” Chủ quán ngẩng đầu, đôi mắt hẹp hơi nheo lại.

Nàng ngượng ngùng gãi mũi: “Tôi thích ăn quýt lắm. Ông thương tình, cho tôi xin vài miếng.”

Chủ quán mỉm cười, vậy mà lại gật đầu: “Người đã xin, lí nào tôi không cho?”

Mặt mày rạng rỡ hẳn, Nam Thanh lấy ngay một trái quýt trên đĩa, nhẹ nhàng bóc hết lớp vỏ ngoài.

Nàng cắn một miếng quýt, nhìn xuống tượng gỗ trong tay ông. Một vị tướng oai hùng ngồi trên lưng ngựa, những mũi tên sắc bén xuyên qua lồng ngực, máu chảy dài ướt đẫm áo giáp.

“Lúc nào tôi đến quán cũng thấy ông chăm chỉ gọt tượng. Mà ông gọt còn khéo tay, điêu khắc lại đẹp. Nhưng ông không bán, cất kĩ trong nhà, bao người tiếc lắm cho xem.”

“Chẳng nỡ nên không bán, cứ để yên ở đấy, khi thấy buồn thì lấy ra xem.”

Ông đáp, giọng dịu dàng. Bàn tay gầy gò vuốt ve mặt sau tượng gỗ, chạm nhẹ vào gương mặt đầy máu tươi của vị tướng đã tử trận.

Ngoài kia, sắc trời còn ảm đạm nặng nề, ánh nắng chẳng đủ sức lọt qua màn mây xám dày đặc. Hai người nói đến mấy việc lặt vặt bình thường, nhưng kéo dài không lâu, được một lúc chủ quán lại cặm cụi gọt tượng, không để ý đến nàng nữa.

Nam Thanh ngồi trong quán cả một buổi chiều, lót dạ với mấy trái quýt, đậu phộng và trà nóng. Lúc ra về, chủ quán còn tặng nàng một túi sen tươi đã tách hết phần nhụy đắng trong hạt.

Đến đầu đường, nàng gặp người quen.

Hai người chạy thục mạng về phía này, sau lưng quải nặng giỏ tre, hai tay cầm bọc lớn bọc nhỏ. Phía sau có một toán người truy đuổi họ, đàn ông đàn bà, từ trẻ cho đến già.

Người mặc áo xanh, dáng người cao cao, mặt dài, tóc xoăn đến vai, mắt sâu, lông mày ngắn, da vàng ngăm ngăm, là Sa Bình. Người theo sau cũng mặc áo xanh, nhưng dáng người khá thấp, mặt vuông, tóc buộc tròn, mắt nhỏ, lông mày thưa thưa, nước da xanh nhợt nhạt, là Sa Minh.

Nam Thanh giơ cao hai tay, ra hiệu cho họ thấy. Nhận ra nàng, hai anh em gần như vắt chân lên cổ mà chạy. Ba người nhanh chóng trốn vào bụi cỏ gần đó, đợi dân làng đã đi xa mới dám gỡ lá chuối trên đầu xuống.

Sa Bình nhét cái bọc nhỏ vào lòng Nam Thanh, lưng dựa vào gốc cây, cậu ngửa đầu thở dốc: “Cậu Thanh mới đi chơi ở đâu về thế?”

“Tôi đến quán nước Cây Tre, trò chuyện với chủ quán, ăn đậu phộng rang, ăn quýt ngọt, uống trà nóng.” Nàng trả lời, mắt cong cong, nói mà như khoe.

Quán nước không có bảng hiệu, tên Cây Tre là nàng tự nghĩ và đặt cho quán. Ba anh em Sa Vũ từng đến đó vài lần, họ thích nhất là món đậu phộng rang muối và trà lá ổi ở quán. Ông chủ đặc biệt hiếu khách, dù là ai cũng được ông nhiệt tình khoản đãi.

Sa Minh vứt cái giỏ sang một bên, mấy củ khoai sọ bên trong rơi ra ngoài. Gương mặt mang vẻ cau có, cậu gắt giọng: “Cậu Thanh thì sướng nhất rồi, ngày nào cũng đi chơi, chẳng cần làm gì nặng nhọc.”

Nam Thanh mở túi hạt sen, vừa ăn vừa nghiêng mặt nhìn Sa Minh. Cậu im bặt. Đôi mắt mở to, không thể rời cái túi đựng đầy sen tươi trong tay nàng.

Ý cười hiện nơi đầu mày, Sa Bình xáp lại gần, thò tay vào bốc một nắm hạt sen. Một lúc sau, Sa Minh quay người lượm lại mấy củ khoai trên đất bỏ vào giỏ, mặt mày rạng rỡ như được mùa. Nam Thanh nhoẻn miệng cười, thoải mái chia sẻ đồ ngon với hai người.

Đêm xuống, trời trong đổ sương dày, vầng trăng nọ lại ngả già. Đường dài tĩnh mịch hiu hiu, từng gốc xanh xanh nối đều hai bên. Từ xa nhìn lại, bóng người mờ mờ.

“Phiên chợ hôm nay nhìn các cụ sung sức lắm. Người khiêng ghế khiêng bàn, người xách cả dao bầu, rìu to.” Dọc đường, Sa Bình vui vẻ kể lại.

Còn Sa Minh thì cười không nổi, cậu phát khiếp khi nhớ đến cảnh tượng trầy trật khắp người: “Lúc trước, họ chọi đá, phang gạch vào đầu, nếu dữ dằn hơn nữa thì cầm gậy đuổi đánh. Còn bây giờ, họ chơi dao, chơi rìu, cứ thấy bọn tôi là chọi, là ném. Mẹ ơi, sợ muốn chết!”

“Trời ạ. Nghe ghê thế!” Nam Thanh lục lọi trong chiếc túi vải giắt bên hông, có bao nhiêu bánh kẹo để dành đều nhét vào tay Sa Minh. “Thương mấy anh quá! Về đến quán rồi tôi nấu chè cho nhé.”

Sa Bình tủm tỉm hỏi: “Cậu Thanh định nấu chè gì?”

“Chè khoai sọ.” Nàng chỉ vào mấy củ khoai to trong giỏ. “Chị Xuân dạy tôi nấu đó, chắc chắn là rất ngon.”

Về đến quán trọ, Nam Thanh giúp hai người kiểm kê cẩn thận. Sau một hồi tính toán, phân loại rõ ràng từng thứ, nàng đem lương thực dự trữ cất vào bếp. Như đã hứa, tối nay nàng sẽ đãi mọi người món chè khoai.

Bên ngoài gió lớn đã dừng. Tiếng dế kêu văng vẳng giữa đêm vắng.

Nam Thanh kiếm một ít rơm khô nhóm lửa, thắp thêm đèn dầu trên bàn, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cần dùng. Nàng rửa sạch khoai sọ, cạo vỏ, cắt từng khúc vừa nhau, nấu chung với nước đường, củ gừng, đậu xanh đã ngâm kĩ.

Nồi chè nóng hôi hổi, làn khói nhẹ lượn lờ quanh sân, hương thơm thoang thoảng lại vương vất rất lâu, chưa thử mà đã ngọt đến lịm lòng.

Nàng múc ra chén nhỏ, rắc vào một ít vừng, sau đó đặt lên cái mâm cũ bưng ra sân.

Sa Bình trải chiếu ra đất, đem theo cả gối nằm và chăn bông. Nam Thanh bảo Sa Minh vào bếp bưng nồi chè ra sân, còn nàng đi tìm lão già và Sa Vũ.

Hai người họ đang ở sau vườn, lão già ngồi trên ghế dựa, ánh mắt hăm he dòm chằm chằm Sa Vũ. Lão bắt anh ngồi dưới đất róc sạch vỏ cây, phải làm xong thì mới được về phòng.

Những cái cây cần róc vỏ lão tìm về chất cao như núi. Sa Vũ làm từ sáng đến tối, mồ hôi ướt đẫm người, mệt đến mức tay chân rã rời. Rồi thình lình, Nam Thanh bỗng xuất hiện từ phía sau, gọi hai người đi ăn chè.

Sa Vũ vui đến nỗi thiếu điều nhảy cẫng.

Và khi gặp Xuân, đôi chân run rẩy của anh chẳng còn sức đứng vững.

Xuân là người làm ở quán trọ, là một ả hầu theo lão già đã nhiều năm. Thị vẫn hay nói như thế với mọi người. Song, lại chẳng ai tin vào điều đó.

Có thể vì thị quá đẹp.

Một vẻ đẹp trần tục quá đỗi hư ảo.

“Chị Xuân qua đây ngồi này!” Nam Thanh vỗ vào chỗ trống bên cạnh. Sa Vũ muốn chen đến nhưng bị nàng đẩy ra phía ngoài.

Xuân cười khẽ, nghiêng người bước qua đó. Tóc búi cao, da trắng, đuôi mày cong cong, mắt sáng như ngọc bảo; vẫn là lụa trắng, gót hài mỏng, yếm đào váy đỏ.

Thị ngồi cạnh nàng, người nồng mùi son phấn.

“Ngửi thấy mùi chè trong bếp, tôi đoán ngay là cậu Thanh làm.” Tiếng cười vang trong trẻo. Thị quay người, như thể vô ý để lộ ra đôi chân thon dài bên dưới làn váy.

Sa Bình, Sa Minh đều đỏ mặt, ngại ngùng không dám nhìn thẳng vào thị. Chỉ có Sa Vũ là khác. Gương mặt anh ngẩn ngơ, không thể rời mắt bàn chân trắng nõn của Xuân. Miệng há hốc, nước dãi như sắp chảy dài.

Nam Thanh giúp Xuân kéo váy xuống, lấy chăn đắp lên chân thị.

“Tôi học nấu chè mới được vài ngày, dù không ngon cũng xin đừng nặng lời. Tôi nghe lại buồn.” Nàng múc đầy chén, rắc ít vừng, sau đó đưa Xuân.

Hôm nay cũng như những đêm cũ, màn trời thăm thẳm không sao, sương dày đặc, trăng bạc cắt nửa vầng.

Nam Thanh ngẩng đầu nhìn trăng, nói: “Trăng ở đây không đẹp như trăng ngoài kia.”

Xuân dịu dàng hỏi: “Trăng ngoài kia đẹp ra sao mà cậu Thanh lại bảo trăng ở đây không bằng?”

“Ngoài kia, trăng ngọc trăng ngà, đẹp và sáng lắm. Còn ở đây, trăng già rồi.” Nàng đáp, mắt đượm buồn.

Trăng nhỏ như mảnh bạc, ánh sáng yếu ớt không thể xuyên qua mây mù lạnh lẽo, mờ ảo, lẩn khuất mãi giữa rừng trời mênh mông.

“Người già nên trăng cũng già.” Xuân nhỏ giọng bảo như thế với nàng.

Nam Thanh lấy làm điều tò mò: “Nhưng tôi đâu có già, họ cũng đâu có già, cớ gì mà trăng lại già hả chị?”

“Chữ già tôi nói đến, là hồn người đã già cỗi, là đôi mắt mờ mịt đã già nua, là cõi trần thế tục đã hóa già theo năm tháng.”

Nam Thanh nghe đến rối bời đầu óc.

Chữ này chồng chữ kia, nghĩa này chồng nghĩa nọ, người nói là một chuyện, người hiểu lại là một chuyện.

Bấy giờ, chén chè trong tay Xuân đã nguội lạnh. Thị múc đầy một muỗng khoai, nếm thử: “Vị ngọt của chè hơi đậm cậu Thanh nhé. Đáng lẽ lúc nấu nên để lửa nhỏ. Nước đường nấu đặc lại một chút sẽ ngon hơn.”

Đầu gật như gà mổ thóc, Nam Thanh khẽ “dạ” một tiếng, lòng ghi nhớ thật kĩ những lời này.

Sa Bình tấm tắc khen: “Chè ngon lắm, chẳng cần thêm bớt thứ khác.”

Sa Vũ lại múc thêm một chén đầy: “Có ăn là đủ, quan trọng gì việc ngon dở.”

Lão già kéo chiếc ghế dựa từ ngoài vườn ra đến sân trước, loay hoay rất lâu mới chịu ngồi yên. Lão dẩu môi, hậm hực với chén chè khoai sọ vừa nhận được. Chê ít quá, miếng khoai cắt quá to, đậu nát nhừ, nước đường lỏng lẻo. Nói chung là dở tệ.

Không có ai để ý đến lão. Đến lời lão nói cũng tự nhiên bỏ ngoài tai.

Chén này đến chén khác, bụng nhét đầy, căng tròn, Sa Vũ nằm dài trên chiếu chóp chép miệng, Sa Bình và Sa Minh ghé vào tai nói đủ loại chuyện.

Lão già đã ngủ gật trên ghế. Xuân ngâm nga vài câu hát chèo đò.

Khác với họ, Nam Thanh ngồi im lặng trong một góc, nàng bưng chén chè nguội uống từng ngụm, lại nhìn trời, nhìn trăng.

Đợi qua đêm nay, sáng mai lại là ngày mới.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

an.enpaix

Gà con
Gạo
8
Quyển 01: Chương 02
Quyển 01: Sương bạc nhuộm cánh trời.

Chương 02.

Người bạn mà Nam Thanh đang tìm ở làng Ngọc Lĩnh tên là Khang Hiền. Năm ấy gặp gỡ, nàng mới mười tuổi. Quãng thời gian một năm tuy không dài, nhưng cũng đủ để hiểu hơn về một người. Những đêm trăng tròn mây ngàn gió mát, họ ngồi cạnh nhau chuyện trò, từ xa lạ thành thân quen, rồi từ hợp ý trở thành bạn bè.

Khi còn ở quê nhà, Hiền là người bạn tâm giao duy nhất của nàng.

Ngày anh ấy rời đi đã nói thế này: “Tôi về thành Nam Quan, về lại làng Ngọc Lĩnh ở Đồng Mai, nhà cửa còn đó, không dám bặt tăm mãi. Nếu mai này cậu có đến Nam Quan, xin ghé đến quê nhà của tôi. Duyên phận vẫn ở chỗ cũ. Gặp lại nhau thì không còn chuyện giấu giếm, người hỏi gì tôi cũng đáp.”

Sau ngày chia tay hôm ấy, Nam Thanh vẫn luôn ghi tạc những lời này trong lòng. Rồi vài năm sau đó, thầy cho phép nàng rời nhà đi xa, tự do ngắm nhìn chân trời rộng lớn bên ngoài. Mang theo hành trang ít ỏi, nàng quyết định đến thành Nam Quan, tìm lại người bạn cũ. Hiền nhất định đang ở đó. Nàng có rất nhiều câu hỏi đợi được anh ấy giải đáp.

Tình cờ trên đường đi, Nam Thanh đã gặp ba anh em Sa Vũ, Sa Bình và Sa Minh. Họ cũng giống nàng, hướng đến làng Ngọc Lĩnh ở huyện Đồng Mai. Trong cảnh đơn độc khó khăn, không dễ gì mới gặp người có duyên. Sau một hồi bàn bạc, cân nhắc thật cẩn thận. Vậy là, trên cuộc hành trình dài, bốn người cùng đồng hành, san sẻ với nhau lương khô và lộ phí.

Đến làng Ngọc Lĩnh, chuyện tìm người của nàng mãi vẫn không có tiến triển mới. Công việc quan trọng của ba anh em Sa Vũ cũng phải tạm dừng một thời gian. Và vấn đề nan giải nhất hiện tại, họ phải tìm cách đối mặt với sự bài xích quyết liệt từ dân làng. Mới nghĩ đến, bốn người lại rầu rĩ thở dài, không một ai rõ, vì sao lại có cớ sự thế này.

Người dân ở đây không thích những kẻ lạ bên ngoài vào làng. Họ khinh miệt xua đuổi, dã man đuổi đánh. Từ già cho đến trẻ, từ đàn ông cho đến đàn bà. Một tháng trời chịu khổ đủ điều, không có chỗ an toàn dừng chân, người ai cũng áo quần luộm thuộm, da thịt vàng vọt xanh xao.

Để chống chọi cơn đói hành hạ, họ vào rừng tìm suối đào khoai. Cung đường quanh co nhiều hướng rẽ, sâu bên trong chỉ toàn cây cối rậm rạp, sương mù lạnh lẽo bủa vây. Bốn người chẳng may đi lạc, rơi vào cảnh rừng sâu núi hiểm, rồi lại may rủi thế nào lại để họ trông thấy một ngôi nhà lớn nằm trên ngọn đồi đá.

Bảng hiệu cũ kĩ phủ đầy rêu, mái nhà gỗ nghiêng nghiêng, vách tường loang lổ vết sơn cũ, đâu đâu cũng nặng nề mùi ẩm mốc hôi thối. Cái quán trọ xập xệ, đổ nát, nghèo nàn, nằm sâu bên trong cánh rừng già hẻo lánh hoang vu. Nhìn lại chẳng có nổi một bóng khách vậy mà vẫn chong đèn thâu đêm, mở rộng cổng đón tiếp những con người hữu duyên từ phương xa.

Ông chủ là một lão già quái gở. Cô hầu của lão là một người đàn bà xinh đẹp cũng kì lạ không kém. Họ cho người ngoài làng thuê trọ, không lấy tiền mà chỉ lấy sức. Tức là, bắt buộc phải phụ trách các vấn đề từ lớn đến nhỏ trong quán, từ việc dọn dẹp nhà cửa hay đến việc chuẩn bị cơm nước hằng ngày.

Sau đêm đó, nơi này trở thành chỗ nương nhờ của bốn người. Ban ngày, họ lang thang bên ngoài, tối đến lại về đây nghỉ ngơi. Có cháo trắng rau dại, có giường ấm than sưởi, thật sự là đủ đầy. Từ đây không còn phải chịu cảnh ngủ bờ ngủ bụi bên đường, không một mảnh chiếu rách đắp thân.

Sa Vũ, Sa Bình, Sa Minh đảm nhận việc mua lương thực, gánh nước và bổ củi. Nam Thanh ở nhà nhận việc dọn dẹp, nấu nướng và may vá.

Xuân rất ít khi rời nhà trên, thị ở lì trong phòng cả ngày và thi thoảng lại đi đâu đó bặt tăm mấy hôm liền. Lão già có tật xấu nghiện rượu đã nhiều năm, thường nghĩ ra những trò đùa quá quắt trêu chọc người khác. Lão ta suồng sã thành tính, lúc tỉnh lúc dại, cứ thế mơ màng sống qua ngày.

Vật vã lâu như vậy rồi cũng từ lạ thành quen. Giờ đây, Nam Thanh không còn ngạc nhiên hay bàng hoàng trước những hành động khó hiểu của mọi người trong làng. Nàng mơ hồ nghĩ rằng, mọi sự thuận theo tự nhiên, thời gian chính là biện pháp thích nghi tốt nhất.

Sáng nay vẫn là cháo trắng ăn cùng khoai sọ. Phải chờ đến tối mới nấu thêm đợt cơm khác. Nhìn lại nhà cửa vắng hoe, còn mỗi nàng ngồi trong bếp với trái bắp còn gặm dở trong tay. Ấy lại thấy buồn buồn. Đến buổi trưa, làm xong công việc quét dọn, Nam Thanh đội nón bện rơm, giắt bên hông túi nhỏ, tung tăng chạy ra ngoài.

Làng này bé như cái ao cá, quanh đi quẩn lại chỉ có vài chỗ. Những nơi có thể dạo chơi vô cùng ít ỏi, gom góp lại đều đếm được trên đầu ngón tay. Trong số đó, Nam Thanh thích nhất vẫn là quán nước Cây Tre. Không có hôm nào là nàng không ghé đến. Ban ngày bán trà lá ổi, đậu phộng rang muối đường. Tối đến thì bán mận ngọt mận chua, gừng non ướp đường. Quán mở cửa vào giờ Mão, đóng cửa vào canh Hai, luôn niềm nở đón chào khách.

Trước lúc đến quán nước, Nam Thanh ghé qua nhà của Hiền ngó thử một vòng. Xung quanh rất im ắng, không có dấu vết cho thấy chủ nhà đã trở về. Nàng lại rẽ vào hẻm nhỏ bên cạnh, đến xem nhà của thầy đồ Khương – thầy của Hiền. Tình cảnh cũng giống như bên kia, cổng khóa chặt, sau ngoài đều vắng tanh.

Hiền, anh chị của Hiền, và cả thầy của Hiền không có trong làng. Nhà cửa vẫn ở đây, nhưng còn người thì đi đâu rồi. Nàng đợi mãi, đợi mãi… cũng chưa thấy ai quay về.

Dù vậy, mỗi ngày Nam Thanh vẫn kiên trì chạy đến đây xem một lần. Hôm nay không có ai, nhưng biết đâu ngày mai lại có người về thì sao?



Ấm trà còn sôi sùng sục, thoảng nhẹ mùi hoa bưởi, bên cạnh là đĩa lá ổi phơi khô, mấy cái chén gốm nhỏ màu trắng, đựng lá cóc, me xanh, muối giằm ớt.

Chủ quán lại gọt tượng mới, một bé trai tay cầm cây sáo ngồi trên lưng ngựa, phía sau là bầu trời, đồng cỏ rộng lớn. Mọi khi đều như vậy, nhiều vụn gỗ rơi đầy trên đất, một lớp dày chồng lên một lớp dày khác, mọi thứ bừa bộn đến rối tung rối mù.

Ngậm trong miệng miếng me chua, Nam Thanh chống tay lên cằm mơ màng nhìn ra ngoài sân. Chủ quán nhặt ở đâu về một quả trứng ngỗng to bằng cổ tay, không ăn mà để lại nuôi. Rồi bắt đầu mỗi ngày, ông dành nhiều thì giờ chăm bẵm cẩn thận, còn làm hẳn một cái ổ rơm ngoài sân nhà đợi trứng nở.

Đến ngày vỏ trứng nứt đôi, ngỗng con bình an chui ra ngoài, chủ quan vui đến nỗi hai mắt đỏ hoe. Sau này mới thấy, thằng ngỗng nghịch như quỷ. Cánh còn lông tơ và người cũng bé xíu, vậy mà cứ thích chạy lăn tăn khắp nơi, thường hay trốn chui trốn nhủi ở đâu đó.

“Kể cậu nghe, đêm qua có khách quý đến quán. Khi người bước vào đây, tôi ngỡ đâu là tiên cõi trời.” Chủ quán dùng khăn ướt lau mặt sau bức tượng, hai mắt sáng ngời vẻ thích thú. “Người mặc gấm, đi giày nhung, dung mạo đẹp như tranh, cốt cách của kẻ quyền quý. Người đến đây một mình, bạc vàng rủng rỉnh túi, song lại mang vẻ phong trần gió sương của lữ khách lang bạt.”

Nam Thanh hỏi: “Người cõi trời không vương khói bụi trần tục, người ông nói mình mang gió sương phong trần, giống là giống là thế nào?”

Chủ quán bật cười: “Có lẽ vì dung mạo của người chăng.”

“Cứ đẹp là được ví như tiên trên trời. Lạ nhỉ?” Nàng nói nhỏ, đoạn lại nghiêng mặt nhìn ông, trề môi ra bảo. “Ông từng nói với tôi, khách đến quán đều là khách quý.”

“Tất nhiên là quý như nhau, nhưng tiền nhiều thì ai lại chê bao giờ? Người đó cho tôi một thỏi vàng, mấy nén bạc để thuê lại căn buồng nhỏ trong quán vài hôm. Người không yêu cầu những thứ cao sang, không bắt buộc kẻ già hầu hạ. Tôi thiếu điều đội ơn.”

“Vậy là ông lời to rồi, có vàng có bạc dành dụm, năm sau xây lại nhà cửa lớn hơn, nhất định quán sẽ đông khách cho xem.”

“Tôi cũng tính thế!”

Ông rung đùi cười to, sực nhớ ra một việc, vội nói: “Mà vị khách đó cũng giống như cậu, đến làng này để tìm người.”

Nam Thanh ngước mắt kinh ngạc, sau đó buồn bã thở dài: “Mong là tìm được. Đừng như tôi. Trầy trật cũng ghê lắm mà có tìm thấy ai đâu.”

Chiều hôm ấy, Nam Thanh gặp được vị khách quý trong lời kể của chủ quán.

Người đứng dưới gốc cây mận, hai tay chắp sau lưng, ngẩng mặt xem nàng. Gió thổi se se, lất phất tà áo trắng. Đằng sau là núi non tre xanh ngan ngát, còn người ở đây là thần tiên hạ phàm.

Nam Thanh vội cúi nhìn, vóc người cao cao, tóc đen như lụa mềm, mắt sáng trong trong nét tình. Lòng chẳng hiểu sao bồi hồi. Sóng nhỏ nổi lên dập dềnh rồi lại dập dềnh. Mơ hồ nàng chỉ biết rằng, một lần thoáng qua lại nhớ cả đời.

Đương lúc nàng suy tư, bỗng một tiếng “bịch” vang lên rõ lớn. Mận trên cây đột ngột rớt xuống đập trúng đầu người nọ. Nam Thanh giật mình, suýt nữa đã trượt chân té nhào. Đối phương không nói một lời nào, chỉ bước lên lượm lại trái mận rơi trên đất, bỏ vào giỏ tre dưới gốc cây. Rồi người vẫn chắp tay sau lưng, ngẩng đầu tiếp tục nhìn nàng. Ánh mắt ấy thẳng thắn vẻ nghiền ngẫm, và như thể còn vì tò mò.

Người chẳng giận dữ trách móc, chỉ đứng ở đó, im lặng xem nàng thôi.

Trên tay còn cầm trái mận vừa mới hái, nàng quay đầu, ném thẳng xuống dưới. Lần này là cố ý thật. Người đó nhanh chóng chụp lấy, vẻ mặt ngạc nhiên nhìn lên. Nam Thanh nhoẻn miệng cười, chớp mắt bảo: “Tặng ngài này!”

Không chần chừ, người há miệng cắn một miếng to, sau đó chẳng nói chẳng rằng quay lưng rời đi.

Nam Thanh dõi mắt nhìn theo rất lâu, đến khi bóng người dần mất hút sau hàng tre mới từ trên cây trèo xuống. Chân trần giẫm lên đá vụn, ôm vào lòng cái giỏ tre đựng đầy mận, nàng lật đật về lại quán nước.

Chủ quán có mảnh vườn nhỏ trồng mận cách nhà khoảng một đoạn đường. Những hôm rảnh rỗi, nàng hay chạy qua đó giúp ông ấy hái mận. Khác với giống cây thông thường bên ngoài, trong vườn cây nào cây nấy cũng sum sê cao to, rễ già, lá khô và cành thì trĩu quả.

Trắng đỏ, ngọt chua, đều có đủ.

Nàng ngồi xổm trước cửa, nhỏ giọng hỏi chủ quán: “Ấy là khách quý ông đã kể với tôi đấy sao?”

Ông cười hiền: “Vừa thấy là cậu phải đoán được ngay.”

“Ấy” là cái người đang ngồi trong quán uống trà. Là người mà nàng đã gặp ngoài vườn khi nãy.

Chủ quán bê giỏ đi vào quán, một lát sau lại trở ra, mặt mũi bỗng nhăn nhó.

“Giúp tôi têm trầu mời khách. Tôi mang ơn cậu suốt đời.” Ông nhét vội con dao nhỏ vào tay Nam Thanh, khẩn thiết nhờ vả.

Nam Thanh ngó cau trong rổ, ngó người ngồi trong quán, toe toét đồng ý mà chẳng cần nghĩ ngợi. Chiều hôm ấy lại là một ngày bận rộn với nàng, mãi đến khi hoàng hôn đã buông màn.

Khách quý nhàn nhã thưởng trà bên cửa sổ, đánh giá đĩa trầu têm trên bàn rất lâu, rất lâu.

“Chỗ này têm chưa đẹp này.”

“Chỗ này nữa, và cả chỗ đằng kia.”

Nam Thanh dứt khoát kéo ghế ngồi xuống, sửa lại những miếng trầu têm chưa được khéo. Đem theo cả dao bổ, kéo cắt, lá trầu tươi và hũ đựng vôi. Nếu sửa xong vẫn thấy không ưng, nàng gỡ hết từng phần rồi làm lại từ đầu.

Khách quý tỏ vẻ hài lòng, không còn soi mói, không còn bắt bẻ.

Sống lưng đau ê ẩm, mười ngón tay như rão hết xương, Nam Thanh xếp trầu vào đĩa, thầm thở ra một hơi nhẹ nhõm.

“Chắc hẳn cậu không phải người làng này đâu nhỉ?” Người bưng chén trà lên thổi nhẹ, đột ngột hỏi một câu.

“Làm sao ngài biết được vậy?” Sau cái gật đầu khẳng định, nàng ngập ngừng hỏi lại.

“Dễ đoán thôi, nếu là người làng này thì bây giờ cậu đâu có ngồi ở đây.”

“Chủ quán cũng là người ở làng này, nhưng ông ấy không giống mấy người kia. Mỗi ngày ông vẫn ngồi đây, trò chuyện với những ai đến quán làm khách.”

Người gõ ngón tay xuống mặt bàn: “Ta lại thấy ông ta không giống người ở làng này.”

Nam Thanh vui đến cong mày: “Phải đó, ông ấy khác mấy người ở làng này lắm. Người tốt bụng như thế không dễ tìm đâu.”

Cứ cảm thấy sai sai. Vị khách nọ nhíu mày. Im lặng không đáp lại.

“Ngài không ăn ạ?” Nàng xoay tròn đĩa trầu trên bàn, dè dặt cất tiếng hỏi.

Người quay đầu nhìn chỗ khác, giọng điệu có phần lười nhác: “Khách đến nhà chơi, dù lạ hay quen thì việc lấy trầu ra mời cũng là thường tình.”

Nam Thanh nghệt mặt, song vẫn đẩy đĩa trầu về phía vị khách nọ, gãi đầu hỏi lại: “Tôi đã têm đầy một đĩa, ngài không ăn ạ?”

Trong một chốc ngắn ngủi, khuôn mặt vị khách nọ hiện lên đôi chút lúng túng gượng gạo, rồi lắc đầu, quả quyết nói một chữ không.

Mãi đến sau này nàng mới biết, người này không biết ăn trầu, cơ mà lại thích xem người ta têm trầu.

Bằng dáng vẻ khoan thai nhàn hạ, người lựa từ trong chén vài hạt đậu phộng không cháy nhiều phần vỏ ngoài, bỏ tọt vào mồm.

Nam Thanh nhìn đến không rời mắt.

“Ta họ Quan, tên Dương Huyền.” Sau một hồi im lặng, người chủ động nhắc đến tên họ của mình, không còn vẻ gai góc khó chịu.

“Tôi tên Nam Thanh, không có họ.” Gương mặt nàng rạng rỡ, thật lòng khen ngợi. “Tên của ngài đẹp quá trời!”

Người hơi ngạc nhiên, rồi ý cười loang rộng, đôi mắt đẹp sáng như trăng: “Tên phụ mẫu đặt cho, lí nào lại không đẹp.”

Nam Thanh bưng chén trà nóng bằng hai tay, nhẹ nhàng bảo: “Tên của tôi là do thầy đặt, nhiều người cũng khen đẹp lắm.”

Nàng nghĩ thầm, mặt nặng mày nhẹ, lúc cười lúc không, lạ ghê!

Tối đó, như thường lệ, chủ quán đưa cho Nam Thanh một cân mận đựng trong rổ và hai túi đậu phộng to. Đây là tiền công mỗi lần nàng phụ giúp ông ấy quét dọn nhà cửa, rửa chén đũa trong bếp, hoặc chăm tưới nước cho cây cỏ ngoài vườn.

“Khách quý của ông khó hầu hạ muốn chết! Người hay bắt bẻ đủ điều, có một việc mà bắt tôi làm đi làm lại mãi.” Nam Thanh múa may hai tay kể lể.

Chủ quán ảo não thở dài: “Nghe cậu nói mà già này cũng sợ. Tay chân tôi vụng về, không biết làm sao cắt cau têm trầu, chỉ còn mỗi cách đi nhờ vả người ta giúp cho.”

“Tôi không giận. Xương cốt tôi cứng cáp, người dẻo dai, ngồi lâu hơn nữa cũng chẳng bị sao đâu!” Một lời nói dối thiện chí. Nam Thanh ngồi thẳng lưng, vỗ vài lần lên cánh tay gầy gò của mình. “Còn nhận được tiền công, có cho vàng cho bạc tôi cũng không dám chê.”

Nghe xong lời này của nàng, chủ quán mỉm cười yên lòng. Ông ấy vòng vào bếp, lúc trở ra trên tay đã nhiều hơn hai cái túi giấy, bên trong đựng gói bánh nếp và củ gừng non. Đưa cho nàng, nhẹ nhàng bảo, đây là quà được cho thêm, không phải tiền công hôm nay. Nam Thanh rạng rỡ mặt mày, chỉ thiếu điều nhảy cẫng lên reo hò ầm ĩ.

Nàng liếc nhìn xung quanh, cất giọng khe khẽ: “Tôi nói ông nghe này, vị khách đó không phải tiên trên trời đâu.”

Chủ quán lộ vẻ ngạc nhiên, vội hỏi: “Làm sao cậu biết được?”

“Tôi đã thấy, mắt người còn nhuốm đậm màu trần tục.” Kẻ thành tiên, thành Phật, ắt phải buông bỏ thế sự của trần gian. Khi còn nhỏ, thầy vẫn hay bảo như thế với nàng.

Nàng lầm bầm vài câu, đầu hơi cúi, cầm một miếng quýt bỏ vào miệng: “Nhưng người đẹp thật. Đó giờ tôi chưa gặp ai đẹp đến vậy.”

Trước lúc chuẩn bị ra về, Nam Thanh lấy một trái mận từ trong rổ nhét vào tay chủ quán.

Nàng giải thích: “Hồi chiều ở ngoài vườn, tôi đã biếu khách quý của ông một trái rồi. Lúc đó tự ý vẫn chưa xin phép, nên giờ tôi trả lại.”

“Chà. Cậu cứ khéo lo. Dù có cho người ta cả ngàn trái đi nữa thì tôi cũng không giận đâu.” Ông nhận lấy, chợt cười khẽ một tiếng. “Mai lại đến đây chơi với tôi nhé.”

Khi về đến quán trọ, Nam Thanh hứng khởi kể lại chuyện hôm nay.

Sa Vũ đang ngồi trên sập ăn vội tô cơm đầy. Vì Nam Thanh về trễ hơn mọi ngày nên ba anh em họ phải lót dạ bằng cơm nguội và rau dại luộc còn thừa lúc sáng.

Sa Minh bóc vỏ bánh nếp, ăn đến miệng dính đầy bột. Lúc nàng bước vào bếp, tay xách tay mang lỉnh kỉnh đồ, thấy vậy chẳng ai dám giận nữa. Sa Bình mở từng cái túi ra xem, mắt sáng lên, miệng cứ tấm tắc khen.

“Bọn công tử có tiền là thế đó, suốt ngày chỉ biết chưng diện, khoe mẽ, cậu Thanh đừng dại dột làm thân. Mắt họ mọc tận đỉnh trời, thích tính toán lòng dạ hẹp hòi, loại người như vậy chẳng đối tốt với ai.” Sa Vũ vỗ mạnh tay xuống đùi, hậm hực dặn dò nàng rất lâu.

Nam Thanh gật lia gật lịa, không thể không đồng ý, dù rằng cũng chỉ qua loa.

Bên kia, Sa Bình đã rửa sạch củ gừng, đem cất trong cái vại đất nhỏ trong bếp. Sa Minh thì chạy ra vườn, kiếm thêm củi khô đun nước nóng.

Nam Thanh nhìn ra ngoài cửa sổ.

Trong sân, lão già ngủ thiếp trên ghế dài. Lão ta đang đợi nàng nấu cháo.

Sắc trời đã tối mù, tiếng gió cắt mạnh vào tai. Xuân khoác thêm áo ngoài, tay cầm cây đèn dầu bằng ngọc. Hình như thi thoảng vẫn diễn ra cảnh tượng này. Những ngày dày sương lạnh, thị lại lặng lẽ đến nơi nào đó.

Là nơi nào nhỉ?
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Hexagon

-trong sáng-
Gạo
5.048
bài của bạn khi copy vào đây đanh bị dính định dạng cũ nên chữ hơi nhỏ, khó đọc. Trước khi đăng bạn dùng chức năng xóa định dạng ở khung soạn thảo cho chữ to hơn bạn nhé.
 

an.enpaix

Gà con
Gạo
8
@Chanh30 Tui đăng lại bài mới rồi này, bài hôm qua lỡ xóa mất tiêu. ( ≧Д≦)
Nói chứ người canh giờ hay ghê, chưa kịp báo là đã biết danh tính cô gái bí ẩn rồi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà cận
Gạo
10
@Chanh30 Tui đăng lại bài mới rồi này, bài hôm qua lỡ xóa mất tiêu. ( ≧Д≦)
Nói chứ người canh giờ hay ghê, chưa kịp báo là đã biết danh tính cô gái bí ẩn rồi.
hihihi :>>> tui mà lị :>>>
 

an.enpaix

Gà con
Gạo
8
Này là đang lướt bên wordpress rồi phát hiện ra nè, tại bên đó có mình bạn đọc blog của tui thôi á. Vào thống kê có lượt xem mới là nghi lắm.

:tho3:
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà cận
Gạo
10
Này là đang lướt bên wordpress rồi phát hiện ra nè, tại bên đó có mình bạn đọc blog của tui thôi á. Vào thống kê có lượt xem mới là nghi lắm.

:tho3:
chà :> lộ dữ vầy saoooooooo ~~~ An tuê yo ~~~~
 

an.enpaix

Gà con
Gạo
8
Quyển 01: Chương 03
Quyển 01: Sương bạc nhuộm cánh trời.

Chương 03.

“Cậu Thanh thật khéo tay, làm gì cũng giỏi, từ chuyện bếp núc đến may vá ở nhà.” Xuân cười duyên. “Không như tôi, vụng về đã thành tật, đến một cây kim nhỏ cũng cầm không chắc.”

“Tôi chỉ biết làm mấy việc này. Thầy tôi bảo đây là một cái nghề.” Nam Thanh đặt cuộn chỉ đen vào rổ. Chiếc áo mới của Sa Vũ đã gần hoàn thành. Vải may áo là nàng hỏi xin từ chỗ Xuân.

Thị vui vẻ đưa nàng một xấp dày, nói rằng vải cũ còn thừa, dù nhìn vẫn mới tinh.

“Là nghề của đàn bà. Đàn ông thấy là than phiền. Cậu Thanh cần gì phải học?” Khói mỏng lượn lờ bên ấm trà, Xuân nhấc xuống bếp, rót nước vào cái chén nhỏ. “Nhưng cậu lại làm rất giỏi, không thua kém đám đàn bà ở làng này, tôi thấy mà ngượng thay. Và nhiều khi tôi cứ ngỡ… là gái nhà ai lạc đường đến đây.”

“Tôi là đàn ông cơ!” Nam Thanh vỗ vào lồng ngực, giọng chắc mẩm. Chỗ đó phẳng phiu, bé xíu như hạt nho, không thể nào bị nhận ra.

Thị cười trừ: “Thì đàn ông cũng vậy, đàn bà cũng vậy, đều là con người bằng xương bằng thịt và thích ăn ngon mặc đẹp.”

Hiếm khi thị không giam mình trong phòng mà chịu ra ngoài tản bộ vài vòng cho khuây khỏa người. Cầm trên tay chén trà nóng hổi và cây quạt tròn màu xanh, thị ngồi xuống băng ghế đá trong sân, lặng yên ngắm nhìn buổi sớm tinh mơ. Dù trời hôm nay vẫn ảm đạm như mọi khi, không có nắng vàng ấm áp, màn mây xanh biếc mênh mông, hoặc chỉ đơn giản là không khí trong lành của ngày mới.

Thứ mà Xuân có thể thấy lúc này là tầng tầng lớp lớp sương mù chồng lên nhau, một màu xám bồng bềnh nặng trĩu, mông lung bao trùm mọi thứ. Thị nghe tiếng gió thổi rì rào, rì rào, như sóng biển vỗ miên man vào bờ, lại như lưỡi dao nhọn cắt lên da thịt, đau điếng người.

Nam Thanh gấp gọn áo rồi đem cất vào tủ, định bụng đến mai sẽ làm tiếp, may vài đường nữa ở phần cổ áo ngoài là xong rồi. Nàng cầm theo cái rổ đựng rau dền ra sân nhà. Xuân ngồi trên ghế ung dung phe phẩy quạt. Nàng ngồi dưới đất cặm cụi lặt rau. Thi thoảng lại ngẩng nhìn thị, hàn huyên mấy câu.

Sa Vũ bưng chậu nước ấm đến rửa chân cho Xuân. Anh hái ít hoa tươi ngoài vườn, từng cánh hoa đỏ sẫm khẽ rơi xuống, lênh đênh trên mặt nước trong vắt. Hẳn là cố ý, màu đỏ ấy hợp với màu váy của thị.

Để rổ rau sang một bên, Nam Thanh nhìn chằm chằm vào bàn tay Sa Vũ. Nó ra chiều âu yếm, nhẹ nhàng vuốt ve đôi chân trắng nõn của Xuân, lên dần rồi lên dần, mới một chốc đã chạm vào phần đùi trên.

Đập mạnh vào bàn tay đang ngọ nguậy ấy, Nam Thanh nhăn mặt không vui: “Rửa cho đàng hoàng đi nào!”

Thu tay về với vẻ luyến tiếc, Sa Vũ ủ rũ ngồi bệt trên đất.

“Trông vậy mà cậu Thanh khó tính thật!” Xuân cười khúc khích, giơ quạt tròn che nửa gương mặt.

“Tôi đâu có khó tính. Tại anh ấy cả thôi.” Nàng lại gần, cúi người nhìn. “Mà chân chị đẹp quá trời. Trắng như ngọc thật.”

“Đẹp gì mà đẹp, già lắm rồi, chỉ toàn xương.” Thị làu bàu với vẻ khó chịu. Lời ấy nghe có vẻ lạ, nhưng không có ai hỏi nguyên do, sợ làm thị giận.

Đưa ngón tay chạm vào gò má của Nam Thanh, Xuân chớp nhẹ mắt, giọng nói dịu dàng: “Chân cậu Thanh mới đẹp.”

Sa Vũ quay đầu nhìn hai người, không nhịn được xen ngang: “Chân của con trai thì đẹp chỗ nào?”

“Đẹp mà. Đẹp như đôi chân người thiếu nữ.” Tiếng cười trong trẻo hồn nhiên. Thị thản nhiên khẳng định. Chẳng cần tìm lí do.

“Không đẹp chút nào.” Đầu nguây nguẩy lắc như cái trống, Nam Thanh nhất quyết phủ nhận.

Nàng ngơ ngác nhìn xuống bàn chân mình. Lúc ở nhà, chị gái cũng thường khen nàng như vậy, hóm hỉnh bảo rằng chân của bé Thanh vừa trắng vừa mềm, trông đẹp và sờ thích lắm. Nhưng Nam Thanh lại không thấy đẹp. Nhìn mãi cũng không thấy đẹp.

Đôi mắt Xuân trong như dòng suối xanh, tĩnh lặng phản chiếu cả bóng trời sương trắng. Đuôi mày khẽ cong lên, môi vẫn điểm nhẹ ý cười dịu dàng, thị không gặng hỏi nguyên do vì đâu, không nói đến chuyện của người, chuyện của mình.

Nam Thanh mang rổ vào bếp, làm món rau dền luộc.

Sa Vũ đã chạy ra vườn giặt đồ cho Xuân. Mấy cái áo cũ nằm trong thùng nước đầy, ngâm chung với nhiều cánh hoa thơm, anh giặt rất kĩ, vắt rồi đem phơi. Khi áo đã khô bèn dùng đá nóng ủ qua than, cẩn thận ủi đều hai bên mặt vải. Ở nơi này trời luôn vào đông, thị mặc áo ấm sẽ không thấy lạnh nữa. Xuân vẫn hay nói như thế.

Đến buổi trưa, Nam Thanh cầm nón bện bằng rơm, túi nhỏ giắt lủng lẳng bên hông, chuẩn bị ra ngoài.

Lão già đang nhảy lò cò trong sân, thấy dáng vẻ nàng chạy tung tăng liền lườm nguýt chê bai: “Mày lại đi đâu đó mất tăm nguyên ngày, bỏ nhà rồi bỏ cả tao! Gớm lắm, đồ quỷ hư đốn!”

Nam Thanh nhét vào tay lão một củ khoai sọ mới luộc. Lão già cúi đầu gặm lấy gặm để, không còn lớn giọng trách móc.

Tiếng cót két kêu lên từ đằng sau cửa bếp, Xuân bước ra từ trong, bàn tay vẫy nhẹ chiếc quạt tròn: “Ở đây cậu Thanh là người bận rộn nhất, đi rồi lại về, về rồi lại đi.”

Nam Thanh ngoảnh mặt lại nhìn thị: “Thầy nói số tôi có phước lớn, bạn bè vô số kể, làm sao ngồi yên mãi một chỗ.”



“Tượng gỗ ông điêu khắc đều rất đẹp, từng đường mài gọt tinh tế, hoa văn sống động như thật. Nếu ông đồng ý đem bán, người muốn mua nhất định không ít.” Dương Huyền ngồi xếp bằng trên đất, bàn tay khẽ phe phẩy chiếc quạt xếp màu trắng. Chủ quán cho chàng xem những bức tranh tượng ông ấy tự tay làm.

Nam Thanh lắc đầu: “Ông bảo đó là báu vật trong nhà, không thể bán ạ.”

Dương Huyền bỗng cười nhạt: “Người có tài hoa thường ra vẻ thanh cao, xem tiền tài như cỏ rác.”

Chủ quán cất tượng vào hộp, chỉ tay vào chậu nước đặt cạnh cửa: “Sáng nay tôi ra sông bắt cá, may rủi thế nào lại trúng được hai con cá lóc to. Nhìn tươi và chắc thịt lắm. Ngặt một nỗi không biết nấu món gì mới ngon.”

Dương Huyền không trả lời mà chỉ mải mê xem tượng gỗ trong hộp, trên gương mặt ấy là vẻ đăm chiêu. Thấy vậy, Nam Thanh tự đề nghị: “Một con thì đem hầm canh, một con thì làm món kho, nếu là ông nấu hẳn phải ngon lắm cho xem!”

Chủ quán vui vẻ gật đầu, trước lúc quay lưng bưng chậu nước vào bếp đã dặn họ cứ ở đây ngồi chơi, đợi một lát nữa là cơm chín.

Nam Thanh cầm đĩa quýt trên bàn đặt xuống đất, cầm trái nhỏ nhất bóc vỏ, tách ra từng múi. Quýt hôm nay không ngọt như mọi khi, vị chua còn rất đậm.

Ngắm nghía cũng đã đủ, Dương Huyền đóng lại nắp hộp, đưa mắt sang bên cạnh: “Lại ngồi lì ở đó, sao cậu không têm trầu cho ta?”

“Ngày nào cũng bảo tôi bổ đầy một rổ cau nhưng có thấy ngài động đến miếng trầu nào trong đĩa đâu?” Nàng nhăn mặt cắn một miếng quýt, nhỏ giọng làu bàu. “Ngài chỉ toàn để đấy, nhìn gì mà nhìn mãi…”

“Kẻ đến nhà là khách, đối đãi luôn khiêm nhường. Người không khát, cậu vẫn phải bưng trà ngon ra mời, người không đói, cậu vẫn phải chuẩn bị cơm nước tiếp đãi.” Dương Huyền cong môi nhìn vào mắt nàng, chầm chậm gõ cán quạt vào lòng bàn tay. “Huống hồ còn là khách quý, tất nhiên phải được cẩn thận chiều lòng.”

Nghe xong những lời này, Nam Thanh liền thẳng thừng trề môi. Người ta đến nhà làm khách thì khiêm nhường lễ độ, nhưng ngài có được như vậy đâu? Mắt trên cao săm soi đủ điều, miệng cười hiền mà sai sử chẳng nể nang.

Hết huyên thiên, quanh quẩn một buổi, nàng vẫn chịu cảnh ngồi còng lưng dưới đất bổ cau rồi têm trầu mời khách. Còn phải làm thật đẹp, thật khéo, cứ sai là lại sửa. Yêu cầu đưa ra rất cao dẫu người ta cũng chẳng thèm đả động đến những miếng trầu tươi nàng đã cất công làm.

Họ đợi hẳn một lúc, thong thả uống xong nửa ấm trà nguội, cơm canh ở quán mới bắt đầu dọn ra mâm.

Chủ quán sắp bàn ghế ra sân, chuẩn bị sẵn chén đũa và cả vò rượu ngon cất kĩ trong bếp. Hai mặn một chay, vậy là vừa đủ cho bữa cơm đơn giản thường ngày.

Cơm mềm độn khoai lang, ấy là món Nam Thanh thích nhất. Chủ quán biết ý, cười tươi xới đầy chén cơm nóng với nửa củ khoai vàng ươm cho nàng.

“Canh chua, cá kho tiêu, rau muống luộc, và một món này nữa.” Ông niềm nở đặt cái bát to lên bàn. “Này là nước rau muống vắt chanh. Vị lạ mà ngon. Uống mát lắm.”

Lần đầu Nam Thanh biết đến món này nên không khỏi cảm thấy tò mò. Dương Huyền lại rất quen thuộc, bởi lẽ khi còn ở quê nhà chàng đã thưởng qua không ít lần, theo cảm nhận ban đầu của bản thân thì hương vị cũng bình thường, nhưng dài lâu lại thấy rất hợp miệng.

“Và đây, món ngon nhất hôm nay. Lúc nấu, tôi phải canh lửa kĩ lắm mới ra được mấy lớp cháy vừa to vừa giòn.” Sau khi sắp xếp mọi thứ gọn gàng, chủ quán cho hai người xem phần cơm cháy nóng hôi hổi trong nồi, ông còn chu đáo chuẩn bị một chén mỡ hành ăn kèm.

Trước tiên, Nam Thanh uống thử một chén nước rau luộc, thơm mùi rau muống, vị chua nhẹ rất lạ miệng, nhưng mà ngon. Nàng húp cạn nước, chép miệng múc thêm chén mới, thưởng thức đến say sưa. Trong lúc đó, hai người kia đã cầm đũa vào món chính.

Bát canh chua đầy ắp các thứ, cá lóc cắt từng khoanh, nấu cùng đậu phụ non, dứa mật, bạc hà và me tươi; đĩa cá thì nước kho sền sệt, có tiêu đen, ớt đỏ, hành lá với gừng sợi; phần cơm cháy giòn rụm, bề mặt quết dày lớp mỡ hành, chấm cùng nước cá kho vừa mặn vừa cay, hoặc là xé nhỏ bỏ vào chén, chan nước canh nóng hổi. Nhìn ít ỏi đơn giản nhưng khi ăn lại phải xới thêm mấy lần cơm mới vừa bụng.

Hương rượu ủ lâu năm tỏa nồng nàn, chủ quán bảo đây là rượu ngâm hồng quân, chôn dưới đất đã mười năm liền, màu đỏ thẫm sóng sánh như mật, cánh hoa đào khô phủ bề mặt, vị chua chua ngọt ngọt xen lẫn vị chát nhẹ. Vừa là rượu ngon có thể nhâm nhi vừa là thuốc bổ trị bệnh không tốn một đồng. Với người ở làng này, đó là của quý sánh ngang vàng bạc. Ông rót đầy ra chén, môi rạng cười cung kính mời khách.

Dương Huyền ngửa đầu uống cạn, tấm tắc khen là rượu ngon. Chàng lại trở tay, thản nhiên đem chén rượu bên cạnh đổ vào chén của mình.

Nam Thanh lập tức trừng mắt: “Kìa, đó là chén của tôi mà?” Đến một giọt rượu nàng cũng chưa kịp uống.

“Cậu còn bé, biết gì mấy chuyện thưởng rượu. Người nhỏ tuổi nhỏ, rượu vào chỉ hại thân.” Dương Huyền nghiêm mặt dạy bảo, có điều khóe mắt lại loáng thoáng ý cười.

“Tôi lớn rồi.” Nam Thanh buồn bã trả lời. Phải lớn rồi thầy mới để nàng rời nhà đi xa. Phải lớn rồi mới được tự do phiêu bạt bốn bể trời rộng. Vì vậy, nàng đâu còn nhỏ nữa.

Tay cầm chén rượu ung dung nhấm nháp, Dương Huyền chẳng có ngỏ ý đáp lại.

Người gầy gò thấp bé, nhìn đâu cũng giống cành cây khô, giẫm một phát là gãy đôi, bảo lớn là lớn thế nào?

Chủ quán bật cười ha hả: “Chà, ai lớn ai nhỏ, ở đây có mình tôi là già thôi!”

Hai người trò chuyện rôm rả, đàn ông thường nói về chuyện của cánh mày râu, luận việc nhà, việc nước. Nam Thanh nghe không hiểu nên đành ngồi im lặng một bên, chống cằm xem họ hăng hái cạn chén. Rượu vào thì lời ra, chuyện anh chuyện tôi, nói mãi cũng không hết. Ấy thế mà, nhìn lại một hồi vẫn là người say người tỉnh.

Dương Huyền vui vẻ nhắc đến phong cảnh đẹp ở quê nhà. Chủ quán lại sầu não, nói thuế năm nay cao hơn những năm trước gấp ba lần, nhà nhà đều lâm vào cảnh trầy trật, khốn khổ.

Dưới chân bỗng có cảm giác ngưa ngứa, Nam Thanh cúi đầu nhìn, ngỗng con lon ton chạy đến tự bao giờ, cái miệng bé xíu đang ra sức mổ xuống bàn chân nàng. Nàng nhẹ nhàng bế nó đặt lên đùi, thích thú vuốt ve bộ lông tơ mềm mại và dịu dàng đút nó ăn.

Cũng vào lúc này, chủ quán loạng choạng đứng dậy khỏi bàn, chẳng nói chẳng rằng với ai đi vào trong nhà. Hơi rượu nồng nặc người, mặt mũi ửng màu đỏ tươi, có vẻ ông đã say lắm rồi.

Dương Huyền bỗng quay mặt lại, buông ra tiếng thở dài rất chậm rồi nói nhỏ bên tai nàng: “Người già nên trí nhớ cũng kém. Ta nhớ rất rõ, thuế năm nay thấp hơn năm trước, những hai lần.”

Nam Thanh sửng sốt mở to mắt, sau đó ngập ngừng hỏi: “Ngài không say ạ?”

“Nhiêu đó rượu thì nhằm nhò gì! Muốn say chí ít cũng phải uống tiếp hai đến ba vò nữa.” Chàng nhếch nhẹ khóe môi, giọng điệu nghe ra thật khoe khoang, nhưng quả thật ánh mắt lại thanh tĩnh đến lạ thường.

Bất ngờ thật! Không nghĩ tới người là tay luyện rượu sành sỏi. Nam Thanh khẽ tắc lưỡi vài tiếng, không khỏi cảm thán ít lời trong lòng. Đến khi nhìn đống chén đũa bừa bộn trên bàn, mặt nàng lập tức nhăn nhúm như lỡ nuốt phải thuốc đắng.

Thấy chàng còn sức dốc thêm vài chén, trong đầu liền nảy ra ý hay: “Vậy ngài phụ tôi dọn dẹp nhé. Nhiều quá trời, một mình làm lâu lắm.”

Dương Huyền chợt đổi sắc mặt, buông chén, vội vàng đứng dậy: “Không hiểu sao ta lại thấy nóng ran trong người, chắc là uống nhiều nên say rồi…”

Nhanh như cắt, Nam Thanh cuống quýt túm lấy tay áo của chàng, nói thế nào cũng nhất quyết không buông.

Giờ thì nàng nghi lắm, có khi nào chủ quán không muốn phụ nàng dọn dẹp chỗ này nên mới tranh thủ trốn đi trước hay không?

Mắt thấy chồng chồng chén đũa như ngọn núi, rồi rượu rồi cơm vương vãi đầy ra bàn, Dương Huyền không khỏi ê ẩm da đầu, cười khổ một tiếng: “Nhưng ta làm gì biết rửa chén.”

Suy ra cũng chẳng sai nhỉ? Nam Thanh nghĩ thầm, người đúng là chàng công tử lớn lên trong nhung lụa, đến cái chén dơ cũng chưa rửa bao giờ.

“Thì… ngài có thể phụ giúp tôi cái khác mà!” Nàng chỉ vào chỗ này rồi chỉ đến chỗ kia, nói dông nói dài một hồi mới thôi.

Đấy nhìn xem! Mấy việc cần làm cũng đâu có ít!

Ngỗng con nghiêng đầu dụi vào lòng bàn tay nàng, cất lên tiếng kêu khe khẽ, hai cái chân nhỏ hiếu động bắt đầu chạy loạn. Lúc này, suy nghĩ của nàng đã trôi dạt đâu đó xa xôi.

Hèn gì các bà, các cô vẫn hay càm ràm với nhau rằng, đàn ông uống rượu là chuyện xấu nhất trên đời.

Giờ đây mới thấm thía câu nói này. Ghét quá trời!



Lúc về đến quán trọ, sắc trời cũng sắp chuyển chiều. Nam Thanh lật đật chạy vào bếp, lấy ra vài trái chanh cất trong hũ đựng tỏi khô. Mấy bó rau muống để dành vẫn còn khá nhiều. Nàng định luộc rau rồi lấy nước chắt ra làm canh.

Bởi bản tính tò mò, thấy thứ gì lạ nàng lại muốn tìm tòi thật kĩ, thấy món gì lạ cứ phải tập tành nấu thử với người ta. Tật xấu vốn khó bỏ, nhiều năm như vậy cũng thành thói quen tự nhắm mắt cho qua.

Loay hoay mãi trong căn bếp nhỏ, đến chập tối mới gần xong chuyện cơm nước.

Ánh đèn dầu chập chờn. Tối nay là một bữa đạm bạc đủ đầy.

Sa Vũ đặt chén nước luộc rau xuống mâm, khoan thai vỗ lên cái bụng căng tròn: “Món này lạ nhỉ? Tôi chưa thấy bao giờ, nhưng mà ngon lắm.”

“Chuyện thường ngày mà, cứ mỗi lần cậu Thanh đi đâu về là lại có món ngon của lạ.” Như thể lấy lòng, Sa Bình ngợi khen người nấu không ngớt lời. Cậu bưng chén húp từng ngụm canh, thật lòng nhận xét. “Trời nóng gắt thì món này có ích lắm đấy. Dân dã có cái hay của dân dã. Cơ mà, vị chua hơi nặng… tôi uống không quen.”

Sa Bình rót một chén nếm thử, cũng tấm tắc khen ngon. Tuy nhiên, cậu thích nhất vẫn là đĩa rau muống xào mỡ heo Nam Thanh đã nấu. Thật tâm mà nói, những món thêm dầu mỡ đậm đà trông luôn hấp dẫn và ngon miệng hơn nhiều.

“Chủ quán mách tôi làm đó!”

“Nay cậu Thanh không nhận tiền công hay sao? Chẳng có mận hay đậu phộng cho bọn tôi.”

“Ông ấy say lắm rồi, không còn biết trời trăng ra sao, thôi thì để mai mới lấy.”

Mỗi tối, Sa Minh hay trông ngóng nàng về để được thấy túi lớn túi nhỏ đựng đồ ngon. Nhưng hôm nay hai tay nàng lại trống trơ, đến một trái mận cũng không có, lòng cậu vừa buồn bực vừa chán chường.

Nam Thanh đang hâm lại cháo trắng, lát nữa phải bưng lên nhà trên cho lão già và Xuân. Hai người họ ăn chay, kị mặn, thành ra những bữa cơm hằng ngày luôn chú trọng sự thanh đạm, không ít hơn một món và cũng không thể nhiều hơn hai món.

Xới đầy chén cơm nóng, Sa Bình thuận miệng hỏi nàng về việc tìm người ở làng, đã có tiến triển gì mới chưa?

Nam Thanh buồn bã cúi đầu. Im lặng chính là câu trả lời của nàng.

Sa Vũ đưa tay lau khóe miệng dính mỡ, thấy vậy liền hiểu ra ngay. Thở dài, lòng anh ngán ngẩm khi nghĩ đến: “Người làng này lắm chỗ kì lạ, nói năng mơ hồ nên chẳng biết đằng nào mà lần, một miệng lại có trăm lời. Người thì nói cậu Hiền gì đó đã rời làng nhiều năm, đến nay tung tích vẫn không rõ. Người lại nói cậu ta rời đi mới vài tháng, vì chuyện lục đục trong nhà mà nghĩ quẩn, có thể đã vong mạng rồi. Cũng có người nói cậu ta lúc đi lúc về, sống lang bạt bên ngoài như một tên ăn mày điên điên dại dại.”

Sa Minh tròn mắt sợ hãi, còn Sa Bình điềm tĩnh gắp thêm vài đũa rau: “Thì vốn dĩ, từ cái ngày anh em mình đặt chân đến đây có lúc nào mà người ở làng này không kì lạ đâu? Những gì họ làm, hoặc những gì họ nói, bình thường mới là lạ đó.”

Nói đoạn, cậu liếc sang Nam Thanh, trên mặt thoáng vẻ suy tư: “Nhưng biết đâu lần này… trong số ấy, một lời là thật.”

“Tôi cũng nghĩ vậy. Biết đâu có một lời là thật.” Nam Thanh ngước mắt mơ màng nhìn làn khói trắng, cất tiếng thều thào yếu ớt. Bầu không khí thật nặng trĩu. Dường như nàng không phải phỏng đoán mà thật sự khẳng định.

Và có lẽ, đó là điều linh cảm đang mách bảo.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên