Truyện viết theo lối hai ngôi kể đan xen: ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Bạn chưa đọc một tác phẩm nào viết theo ngôi kể này không có nghĩa là không có, bạn chưa đọc một tác phẩm nào viết theo ngôi kể này mà "ra hồn" không có nghĩa là không có tác phẩm hay. "Người thứ hai", với mình, là một tác phẩm vận dụng thành công việc đan xen hai ngôi kể này. Khác với (mình chẳng hạn), viết theo cách này là người kể ở ngôi thứ nhất đồng nhất với người kể ở ngôi thứ ba; trong "Người thứ hai", cái cảm giác chòng chành, hoang mang, khi tưởng hai người kể là một, khi tưởng lại không phải. Cảm giác này cũng như chính cảm giác khi đọc truyện.
Đọc "Người thứ hai", mình thấy nhân vật "tôi" khá giống nhân vật K trong "Lâu đài" của Kafka. Nếu K đi tìm "lâu đài" trong vô vọng thì "tôi" đi tìm "một chỗ" trong chuyến tàu vô định. Tôi hay cũng chính là Viễn (nhân vật chính) đi tìm "một chỗ", một chỗ đây không chỉ là chỗ ngồi mà còn chính là chỗ đứng của "tôi" trong xã hội. Cảm giác hoang mang, cô đơn, lạc lõng, tuyệt vọng ngập tràn trong truyện. Viễn - một người có tài năng, có đam mê cống hiến nhưng lại không hề có chỗ đứng, tự ví mình như quân cờ trong tay kẻ khác. Số phận Viễn làm mình nghĩ đến số phận của biết bao "người tài" khác, vẫn miệt mài, mệt mỏi đi tìm "một chỗ" (để rồi càng tìm lại càng chẳng thấy, chỉ thấy thất vọng)
Lối viết trong truyện rất hiện đại. Nhà văn đã đánh mờ ranh giới giữa hiện tại - hư ảo, hiện tại - quá khứ. Dòng ý thức của nhân vật lộn xộn từ giữa quá khứ, chiêm bao. Cách viết này gần như dẫn người đọc bước vào khu rừng không biết lối ra, cảm giác chòng chành, lạc lõng càng được khắc sâu. Bản thân nhân vật hoang mang xao động, người đọc càng không thể biết đâu là thực, đâu là ảo. Để đến cuối cùng, "Người thứ hai" là ai, người đọc vẫn phải day dứt suy nghĩ.
Truyện nội dung nói thật là không mới, ngay từ những năm 40 của thế kỉ XX, Nam Cao đã nói đến tình trạng "sống mòn" của người trí thức. Nhưng cách thể hiện mới mẻ của "Người thứ hai" đã tạo nên cái mới cho truyện. Truyện thật sự rất ám ảnh.
#mọt