Bạch gia trang. Bình An Trấn.
Nhà cửa gần như đã được trang hoàng chu tất. Cả Bạch gia trang đèn hoa nhộn nhịp, hỷ sắc nơi nơi, ai nấy nói cười vui vẻ. Chỉ mai này thiên kim của Bạch gia – Bạch Kim Cúc sẽ xuất giá, nàng sẽ chính thức trở thành dâu hiền vợ thảo của Hồ gia.
Bên ngoài nhộn nhịp là thế, duy chỉ có tư phòng của tân nương thì lại khác, một người con gái đẹp đang ngồi, y phục tân nương càng tôn thêm phần rực rỡ cho dáng dấp yêu kiều đầy mị lực của nàng, nhưng gương mặt nàng thì vô cùng tiều tụy, dường như đã mấy ngày rồi nàng chẳng ăn uống chút gì. Đôi mắt nàng chừng như luôn luôn ngấn lệ, nàng đang khóc, nhưng có ai rõ nàng đang gặp phải nỗi buồn gì?
Cửa phòng bật mở, một người phụ nữ bước vào. Bà chậm rãi đến trước mặt vị tân nương đang âm thầm ngồi khóc, bà nhìn Kim Cúc rồi thở dài, buồn giọng:
- Lại khóc! Thật ra con có hiểu những gì mẹ đã nói hay không? Ngày mai đã là ngày hôn lễ của con rồi, sao cứ khóc mãi thế này? Hai hôm rồi lại chẳng chịu ăn uống chút gì. Mẹ thật lòng không hiểu nổi con, cuộc hôn nhân này tuy là do cha mẹ lựa chọn cho con, chứ không do con tự mình chọn lựa, nhưng mẹ đã nói với con hàng mấy trăm lần rằng: Bất cứ điều gì cũng vậy, trước lạ sau quen, con hà tất quyết tâm phản kháng như thế này. Về với Hồ công tử, con sẽ dần dần cảm thấy hạnh phúc, ngày qua ngày tình yêu sẽ phát sinh...
Kim Cúc nhẹ lắc đầu, nói trong nghẹn ngào và nước mắt:
- Không, sẽ mãi không bao giờ con có được niềm hạnh phúc của tình yêu nếu con về làm dâu Hồ gia nào đó, con không muốn làm vợ Hồ Nam. Con van mẹ hãy hủy hôn sự này đi.
Bạch phu nhân cau mày, gằn giọng:
- Không được. Ngày tháng Hồ gia đã định, ngày mai đã là ngày rước dâu, làm sao có thể nói hủy là hủy đi cho được. Con đừng làm khó cho mẹ hoài như thế có được không?
Kim Cúc khóc ròng:
- Nhưng... nhưng mà...
- Nhưng sao?
- Con...
- Con làm sao?
- Con... con không chấp nhận thành hôn với Hồ Nam đâu... Con...
Bạch phu nhân nghe xong, đanh giọng:
- Ngu xuẩn! Không chấp nhận thành hôn với Hồ Nam giàu sang, danh vọng, lại muốn được ăn đời ở kiếp với tên cùng đinh. Con thương tên Thanh Phong nghèo kiết xác đó đến thế sao?
Kim Cúc giật bắn mình, run run giọng hỏi:
- Mẹ đã biết hết rồi sao?
Bạch phu nhân lạnh lùng:
- Đừng nghĩ rằng lén lút thì ta không biết, không việc gì của con qua mắt được người làm mẹ như ta đâu.
Kim Cúc cúi đầu lí nhí:
- Sống trên đời này con chỉ yêu duy nhất con người đó mà thôi.
Bạch phu nhân nghe con nói, cơn giận dâng lên, bà vung tay định tát con gái, nhưng không biết nghĩ sao bà lại thôi, bà chỉ quát lên:
- Im miệng! Còn nói nữa mẹ sẽ đánh đòn con đó. Nghe lời cha mẹ, về làm vợ Hồ công tử, chỉ có con người đó mới đủ khả năng lo cho con cả đời sung sướng, ấm êm. Lấy cái gã tên Thanh Phong con sẽ khổ, muôn đời khổ. Đừng bướng bỉnh cãi lời cha mẹ, như vậy mới là đứa con ngoan.
Kim Cúc ấp úng:
- Nhưng... nhưng con...
- Con thế nào?
- Con không thể... con đã...
- Đã sao?
Kim Cúc im lặng lúc như để thu can đảm về mình, để chuẩn bị cho một câu nói vô cùng quan trọng. Bạch phu nhân cau mày chờ đợi. Cuối cùng Kim Cúc cũng thốt lên:
- Con đã... mang cốt nhục của người ta rồi...
- Con vừa nói cái gì…
- Trong người con đã có giọt máu của Thanh Phong...
Bạch phu nhân bàng hoàng đến lặng người, bà dẫu có biết mối quan hệ của cả hai, nhưng bà không hề nghĩ mọi chuyện lại trở nên như thế, bà thật sự bất ngờ! Vừa lúc Bạch lão gia từ ngoài bước vào, ông nghe tròn lời thú tội của con, lửa giận bùng lên:
- Súc sinh, ta đánh chết mi...
Vừa nói ông vừa hùng hổ lao vào, dang tay định đánh Kim Cúc thật, Bạch phu nhân thấy thế giật mình nắm tay chồng lại, kêu lên:
- Ông muốn đánh chết con mình thật sao? Dù gì nó cũng là con của chúng ta mà...
Bạch lão gia nóng nảy:
- Nhưng mà nó... tức chết ta rồi, nhục ơi là nhục...
Kim Cúc vẫn cúi đầu, thút thít khóc và nhỏ giọng van cầu:
- Con van xin cha mẹ đừng ép buộc con phải thành hôn với người tên Hồ Nam nào đó. Con không thể lấy hắn đâu...
Bạch lão gia quát lớn:
- Nói bậy, ngày giờ đã định sẵn rồi, ta quyết không thay đổi nữa...
Kim Cúc chợt đứng phắt dậy, giọng nàng bỗng trở nên cương quyết:
- Vậy thì cha mẹ hãy chờ xem, ngày hôn lễ đừng mong có mặt đứa con này...
Nói rồi Kim Cúc toan đi ra cửa, nhưng Bạch lão gia nhanh tay chụp được tay nàng, tiện tay lão tát nàng một tát tay nảy lửa, lão quát lên:
- Đồ con bất hiếu! Cho mi biết, nếu mi dám trốn cái hôn lễ này, thì Thanh Phong sẽ phải chết, hãy suy nghĩ kĩ đi, hiện giờ sinh mạng của hắn đang trong tay ta đó.
Kim Cúc điếng người ngẩn ngơ một lúc mới kêu lên một tiếng thê lương rồi lại bật khóc, nàng đang đau đớn như nát cả tâm hồn, giọng nàng nghẹn lại gần như không thành tiếng:
- Cha ác lắm...
Nàng òa khóc, Bạch phu nhân đến gỡ tay con ra khỏi tay chồng, nơi cổ tay Kim Cúc đã hằn một vết bầm do vừa rồi quá giận ông đã nắm rất mạnh, nhưng Kim Cúc không vì thế mà kêu đau, có lẽ nàng không cảm thấy cánh tay mình đang đau bởi nỗi đau trong tâm hồn nàng lúc này là vô cùng tận, Kim Cúc vẫn khóc. Bạch phu nhân ôn tồn dỗ dành con:
- Đừng bướng bỉnh nữa con gái à. Đừng nông nỗi mà lụy cả đời mình. Bây giờ ván đã đóng thuyền rồi không thay đổi được nữa. Tại sao không nói sớm cho cha mẹ biết, để đến bây giờ…
- Cha mẹ cũng chỉ cho con biết sẽ gã con cho Hồ gia cách nay ba ngày, con định vài ngày nữa sẽ… Mẹ, bây giờ vẫn còn kịp mà, con và Hồ thiếu gia đó vẫn chưa bái đường, con cầu xin cha mẹ… hãy hủy hôn.
Bạch lão gia gầm lên:
- Không thể được. Hôn lễ này là tất cả vinh dự, là uy tín của Bạch gia, dù thế nào đi nữa cũng không thể hủy bỏ. Nếu con vẫn khăng khăng đòi hủy, ta sẽ giết chết Thanh Phong ngay trước mặt con. Người đâu!
Kim Cúc kinh hoảng:
- Con bằng lòng, không hủy nữa…
Bạch phu nhân cười hiền hậu:
- Vậy mới là con gái ngoan đó, con gái yêu của mẹ.
Nhìn cha mẹ vui mừng là thế, lòng Kim Cúc lại đau như có ai xé ai cào, nổi thống khổ không làm sao thốt ra bờ môi được. Nỗi vui lắng xuống, Bạch phu nhân chợt hỏi chồng:
- Nhưng ông này, còn cái thai trong bụng con nhỏ thì tính sao đây?
Bạch lão gia bật cười:
- Hồ gia suốt ngày đánh đấm biết gì là thai với nghén. Còn tân lang thì đêm tân hôn ai cũng say túy lúy ra, lo gì mà không qua mặt họ được, nhưng một phần còn nhờ vào sự khôn khéo của con gái mình nữa đấy.
Kim Cúc nghe mà như không nghe, nàng vẫn lặng im. Bạch phu nhân còn nói thêm nhiều điều nữa, nhưng Kim Cúc cứ khóc mãi có lẽ nàng không hề nghe những gì bà nói, cha nàng rời khỏi phòng lúc nào nàng cũng chẳng hay, linh hồn nàng tiêu diêu tận miền xa. Đến lúc nàng sực tỉnh, chỉ nghe bên tai lời nói của mẫu thân thật dịu dàng:
- Thôi đừng khóc nữa con, cứ coi như định mệnh an bày. Mẹ ngày xưa cũng vậy có nào khác chi con bây giờ, nào có yêu thương gì cha của con đâu, trong lòng mẹ vốn đã có một nhân tình. Chàng đã bị ông ngoại con giết chết, ông ép gã mẹ cho cha con. Rồi quá khứ cũng qua đi, số mệnh cũng an bày. Không tình yêu, mẹ và cha con vẫn sống được với nhau, sinh ra con...
Kim Cúc bỗng lay mạnh tay bà, kêu lên:
- Mẹ, con van mẹ đừng giết chàng, đừng giết chàng...
Bạch phu nhân mỉm cười:
- Được rồi mẹ hứa. Chỉ cần con ngoan ngoãn thành hôn, điều gì mẹ cũng hứa.
Kim Cúc xót xa:
- Thì con đã bằng lòng rồi đó.
- Vậy thì những gì mẹ hứa, mẹ cũng sẽ giữ lời.
Bạch phu nhân nhẹ vuốt tóc con, nở nhẹ nụ cười. Nước mắt Kim Cúc lại rơi dài, nàng âm thầm kêu lên đau xót:
"Phong ca ơi, em đã phụ chàng rồi!"
Bạch phu nhân đưa tay nhẹ lau nước mắt cho con:
- Ngoan, nín nào! Con ăn gì không mẹ nấu cho, mẹ đích thân làm cho con ăn lần này biết đâu là lần cuối. Con thích ăn gì?
Kim Cúc nhỏ giọng:
- Gì cũng được.
- Được rồi, mẹ sẽ nấu cho con món mà lúc trước con rất thích ăn. Ăn xong rồi thì trang điểm lên cho đẹp, ngày mai nhà trai đã đến rồi còn gì.
Bạch phu nhân nói rồi nở nhẹ nụ cười bước ra cửa, Kim Cúc lẳng lặng nhìn theo. Nhìn họ vui mà lòng nàng giờ như tan nát. Tình đầu ly tan ai không cảm thấy đau, đau đớn hơn là thâm tâm vẫn giữ chữ chung tình mà thân phải mang danh người vong phụ. Trái tim nàng cơ hồ vụn vỡ thành từng mảnh nhỏ, xót xa đến nghẹn lời. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, cho vui lòng cha mẹ, để “chàng” được sống. Lệ nàng vẫn rơi, đêm buông lặng lẽ!
***
Tân hôn pháo đỏ rượu nồng.
Lễ rước dâu đường hoàng trang trọng. Nhưng tuyệt nhiên không có mặt tân lang, đó quả là một điều hi hữu trong hôn sự đương thời. Trót phóng lao thì phải theo lao, nhà gái cũng thủ lễ đưa dâu cho tròn hôn sự.
Ai có biết trong nỗi vui hôn lễ ngày hôm ấy, người người đưa dâu môi rực rỡ một nụ cười, lại có một người lặng lẽ âm thầm đưa tiễn tân nương bằng nước mắt. Người ấy trái tim cũng đang tan nát, đó là một chàng trai tuổi độ đôi mươi, dáng dấp cần lao, gương mặt có chút anh tuấn nhưng cũng đã sạm đi vì nắng gió, chàng cứ lặng lẽ theo sau kiệu cưới nhưng không dám đến gần. Kiệu hoa vẫn đi dần về hướng Hồ gia, người thanh niên ấy vẫn đi theo mãi. Mọi người có lẽ không ai biết chàng ta là ai, chỉ trừ người trong kiệu cưới...
Bỗng, người trong kiệu hoa bất ngờ vén rèm kiệu phía sau. Khoảnh khắc bốn mắt chạm nhau, toàn thân chàng trai chấn động mạnh, niềm nghị lực nào ngời lên trong ánh mắt, sức mạnh nào giục đôi chân chàng vụt chạy bay theo chiếc kiệu đang ngày một xa dần. Chàng trai gào lên tha thiết tên nàng, đòi trả "Kim Cúc" lại cho mình. Kim Cúc bật khóc lắc đầu, hét to lên:
- Phong ca ca, đừng mà. Đừng vậy mà, người ta sẽ giết anh...
Chàng là Dương Thanh Phong người mà Kim Cúc yêu thương! Nàng gào rất to nhưng chàng không nghe theo, chàng vẫn lao bổ vào đoàn người đưa dâu, chàng toan cướp tân nương về lại cho mình! Nhưng chàng chưa thể đến gần nàng đã bị cú đấm như trời giáng, lập tức té nhào. Thanh Phong gượng đứng lên lại lao theo kiệu cưới, miệng vẫn gọi tên nàng. Ngay sau đó chàng bị một đám rất đông người vây lấy, đánh không thương tiếc, đến lúc họ buông chàng thì kiệu hoa đã đi xa, nhưng ánh mắt nàng vẫn mãi nhìn về phía sau, ánh mắt đau đớn nhìn chàng.
Thanh Phong lại định vùng lên đuổi theo nhưng hơi sức không còn nữa, chàng đành nằm phủ phục trên mặt đất, nước mắt ứa ra. Cùng với nước mắt là máu, toàn thân chàng rỉ máu làm ướt đẫm chiếc áo chàng đang mặc. Đoàn đưa dâu đi mỗi lúc một xa dần, Thanh Phong chỉ còn biết rên rỉ tên người con gái mà chàng yêu thương trong đau đớn.
Chàng nghiến răng tự nhủ với lòng “ Hôm nay nàng không thuộc về ta, nhưng sẽ có một ngày ta giành nàng lại cho mình, Kim Cúc hãy chờ ta…”. Lòng tự nhủ nhưng ý thức dần tan theo những cơn đau của linh hồn và thể xác, trước lúc mê đi chàng còn trông thấy một người bước đến bên mình, một người y phục toàn đen, vóc người xa lạ. Thanh Phong nằm phục dưới đất nên không nhìn rõ mặt được, dường như người kia có nói gì nhưng Thanh Phong chưa kịp trả lời thì chàng đã lịm đi, không còn biết gì nữa.
Kiệu cưới cuối cùng cũng đến ngưỡng cửa Hồ gia. Tân lang Hồ Nam miễn cưỡng ra tiếp đón gia đình nhà gái. Chàng gượng cười gượng nói đón tiếp các vị thúc thúc bá bá đến dự hôn lễ của mình. Chàng không hề ngờ được, cũng chính giây phút ấy, nơi một góc khuất của con đường có một người con gái đang đứng lặng, ánh mắt buồn thăm thẳm hướng thẳng về phía Hồ gia. Nhìn chàng cười cười nói nói, tay trong tay âu yếm với tân nương họ Bạch, người ấy bật khóc thê lương. Khi bóng Hồ Nam khuất sau làn cửa sơn son có nhiều đèn hoa đang treo rực rỡ, người con gái ấy lập tức bỏ chạy, nàng chạy điên cuồng không định hướng, không cần biết con đường sẽ dẫn về đâu. Nàng là Hạnh Nguyên!
Hồ Nam đưa Kim Cúc vào trong sảnh đường, nghi lễ bái đường cũng bắt đầu. Dù thâm tâm cả hai đều không muốn làm công việc ấy, nó là hành vi phản bội người tình, nhưng đến nước này rồi dù có muốn đổi thay cũng không còn kịp nữa. Cả hai đành máy móc làm theo những gì mà người trưởng tộc xướng lên: “nhất bái thiên địa... nhị bái cao đường...”.
Thể xác họ bái đường là thế, nhưng linh hồn thì đã tiêu diêu tận miền xa, trong tâm tư đôi trai gái trẻ giờ còn một ý niệm duy nhất, bái đường hôm nay mục đích trước tiên là cho cha mẹ vui lòng và sau đó thì… không còn gì nữa cả…
Bái đường xong, Hồ Nam vùi mình trong men rượu cho quên cả đất trời. Nên chàng hoàn toàn không hay biết, trong ngày hôm ấy ở một nơi khác xảy ra một chuyện kinh hoàng.
Hạnh Nguyên sau khi chứng thực Hồ Nam đúng là thiếu chủ Chấn An tiêu cục, hôm nay cũng chính là hôn lễ của chàng. Nàng cảm thấy mình đang chạy, hình ảnh chung quanh cứ mơ hồ, nàng chỉ có cảm giác muốn tránh càng xa càng tốt cảnh tượng đau lòng ấy, không cần biết sẽ chạy đến đâu. Nàng chạy thục mạng đến lúc cảm giác đôi chân mỏi nhừ nàng mới dừng lại, đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy toàn cây cối xanh xám một màu. Hóa ra nãy giờ nàng chạy rất xa, đã đến bìa rừng, leo lên một đoạn đường dốc chính là nơi lần đầu nàng gặp Hồ Nam.
Quá khứ lẫn hiện tại giày xéo tâm tư, Hạnh Nguyên khóc đến tê tâm liệt phế. Cuối cùng, nàng lấy trong người ra xấp vải trắng, đây là tất cả những gì nàng đã chuẩn bị cho chuyến đi xa như mẹ chàng mong đợi. Vắt xấp vải lên cành cây cao, nàng quỳ xuống hướng về làng Thượng lạy ba lạy.
Chiều tà, một vài tiều phu vào rừng kiếm củi về ngang trông thấy vội vàng cắt dây thả nàng xuống, Hạnh Nguyên giờ chỉ còn là thể xác không hồn, thân người nàng rủ ra quằng quại, ai cũng lắc đầu thở dài, chỉ đành vác thi thể nàng về cho mẫu thân nàng. Vừa nhìn thấy thi thể con gái, mẹ nàng kêu lên một tiếng thương tâm rồi ngã vật ra, khí tuyệt thân vong.
Người trong làng ai cũng biết rõ gia cảnh nhà này vốn dĩ mẹ góa con côi, nhìn cảnh ngộ đau lòng này ai cũng xót thương, cũng muốn mua cho họ mỗi người một cỗ áo quan, nhưng Làng Thượng lại là một làng nghèo, người trong làng quanh năm sống bằng nghề đốn củi đốt than không ai khá giả, góp mãi vẫn không làm sao đủ tiền để mua hai cỗ quan tài, lại chẳng thể tìm ra được món gì có giá trị trong căn nhà của mẹ con bọn họ. Sau cùng, ông lão có tuổi nhất trong làng đưa ra một quyết định đóng bè thả trôi sông. Vì làng Thượng nằm ngay cạnh sông Tương.
Bè chưa kịp đóng xong, một người đàn ông trung niên bất ngờ đến ngăn lại. Người đó nói mình là đạo sĩ, nghe theo tiếng khóc của linh hồn người con gái mà đến. Ông ta nói: "Cô gái này dương số chưa hết, lại chết trong tức tửi, mang cả đứa con trong bụng chết chung, oán khí xung thiên, nếu thả trôi sông, oán niệm sẽ kết thành quỷ hồn làm lật thuyền những người qua lại trên sông."
Mọi người nhao nhao bàn tán, định sẽ hỏa thiêu, người đàn ông tiếp tục ngăn lại:
- Không thể được, như ta đã nói, cô gái này chết trong tức tửi, oán khí xung thiên, hỏa thiêu ở đây, làng này từ nay sẽ không được giây phút yên bình.
Ai nấy nghe xong phát hoảng, xôn xao:
- Vậy chúng tôi phải làm sao?
Người đàn ông bình tĩnh đáp:
- Mọi người cứ lập một giàn hoả, đặt hai thi thể này lên đó. Xong rồi mọi người hãy về nhà, ta sẽ ở đây làm phép, khuyên linh hồn cô gái này rời đi không ở lại quấy nhiễu mọi người. Còn nữa khi ta làm phép mọi người không được lén xem, nếu ai dám đến nhìn lén, bị cô ta theo ám lúc đó đừng trách ta sao không nói trước.
Mọi người nghe vậy không muốn tin, cũng phải tin, vì ai cũng không muốn rước họa vào mình, mẹ con Hạnh Nguyên lại không mấy thân thích với họ, nên ai nấy bàn nhau cứ để mặc pháp sư kia muốn làm gì thì làm.
Khi mọi người đã đi hết người đàn ông bế xác Hạnh Nguyên vào nhà, đặt lên giường. Giữa trán ông ta bỗng xuất hiện ấn ký chữ “天” (Thiên) màu đỏ, toàn thân ông bừng lên ánh sáng màu xanh lục. Ông ta cúi người viết vào giữa trán Hạnh Nguyên chữ “Sinh”, chữ đó lưu lại trên trán nàng dạng ánh sáng màu lục. Ánh sáng mỗi lúc một rực rỡ và lấp lánh. Bàn tay người đàn ông đặt cách thân thể Hạnh Nguyên độ một gang tay, ánh sáng từ người ông rơi xuống phủ cả người nàng. Người ấy chầm chậm rải thứ ánh sáng đó lên khắp thân người Hạnh Nguyên. Chỉ lúc sau, Hạnh Nguyên từ từ mở mắt, nàng ngồi dậy, nàng ngơ ngác nhìn người đang đứng trước mặt, trời đã tối, người kia lại được bao phủ trong ánh sáng xanh huyền hoặc, cả người nàng cũng vậy. Hạnh Nguyên kinh ngạc hỏi:
- Ông là Diêm Vương sao? Tôi đã chết rồi phải không?
Người kia khẽ lắc đầu:
- Ta không phải Diêm Vương, ta là Thiên Cầm, người duy nhất trên đời có thuật cải tử hồi sinh. Cô cũng chưa chết, nói đúng hơn ta vừa mang cô từ cõi chết trở về.
- Tại sao lại cứu tôi?
- Dương số của cô nương chưa tận.
- Tại sao không để cho tôi chết đi, tôi đã không còn lối thoát, cuộc sống với tôi bây giờ còn ý nghĩa gì đâu…
- Đứa trẻ trong bụng cô nương vô tội.
- Nhưng tôi không còn con đường nào để lựa chọn.
- Hãy theo làm đệ tử cuối cùng của ta!
- Người nhận tôi?
- Nếu cô nương muốn.
Hạnh Nguyên run giọng:
- Sư phụ…
- Hãy ra ngoài nhìn mặt mẹ con lần cuối, bà ấy vì đau lòng cho con mà mất mạng, nhưng ta không cứu được, dương số bà ấy đã tận.
Hạnh Nguyên giờ chỉ biết nhào đến ôm lấy thi thể mẹ mình, nàng không còn nước mắt để khóc thương. Sư phụ khuyên nàng đừng quá thương tâm, cuối cùng nàng cũng buông tay, tự mình thiêu xác mẹ, lửa tàn trời cũng hừng đông. Hạnh Nguyên thu tro cốt mẹ mình vào hủ, rồi theo sư phụ rời làng. Khi đi, nàng không từ biệt bất kỳ ai, cứ để họ và Hồ gia nghĩ rằng nàng đã chết cũng tốt, mà vốn dĩ nàng đã chết rồi, cuộc sống mới này là sư phụ ban cho.