Cảm nhận Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!

Thảo Little

-Incredible-
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/14
Bài viết
1.571
Gạo
2.000,0
Vừa gấp lại “Tôi là Ê-ri”, tự dưng, chẳng hiểu sao, trong người cứ như có lửa. Muốn gõ ngay lại những dòng chữ này. Bởi lẽ, chỉ sợ mai, mai thôi, nó sẽ tuột đi mất...

Eri.jpg

(Ảnh: Mượn tạm ảnh của Google :D)

Nói đến gái điếm, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến những cô gái phấn son lòe loẹt, chuyên làm một việc mà người người khinh ghét, nhà nhà chán nản. Nói đến gái điếm, chắc là phần đông sẽ bĩu môi, rẻ rúng.

Tôi cũng là một trong số họ. Cho đến khi đọc “Tôi là Ê-ri”.


Cuộc đời của gái điếm thực ra cũng bình thường. Cái lí do bước vào nghề cũng rất bình thường: Không có tiền mua sữa cho con, thế là làm điếm, thế thôi! Đơn giản không? Ừ! Công nhận, đơn giản kinh khủng.

Rồi cái lí do thứ hai là nghèo. Nghèo từ gia đình. Gia đình với ông bố nghiện cờ bạc, với bốn người con trong đó có một đứa chẳng bình thường, một bà mẹ đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn chẳng thể đủ tiền chi trả cho đứa con. Đứa trẻ lớn lên với sự thiếu thốn tiền bạc, đến nỗi phải vay tiền bạn bè, vay tiền cô giáo để ăn trưa. Thiếu tiền sinh ra mặc cảm. Xấu cũng sinh ra mặc cảm.

Đứa trẻ đã nghèo còn xấu. So với Sỉ p-ray, cô chị họ xinh đẹp, thì đứa trẻ đó quá đỗi xấu xí. Cái nghèo, cái xấu hành hạ con người, khiến người ta không thoát ra được sự mặc cảm. Mặc cảm, tự ti từ trong nhân cách. Đứa trẻ đó lớn lên mà không biết đến “mùi” tiền, không biết đến tiêu tiền, ăn thì bữa đói bữa no. Thử hỏi, đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy thế nào khi lớn lên? Khi mà nhận thức được mình quá thiếu thốn, trong xã hội đầy phân biệt giai cấp ấy?

Thiếu thốn tiền bạc, rồi đến thiếu thốn tình cảm. Anh cả đánh nó, đứa trẻ ấy, bằng những ngón đòn bạo lực, bằng những nắm đấm giáng xuống đến nỗi khuôn mặt đứa trẻ bật máu. Người mẹ không quan tâm bởi còn bận rộn với mẹt bánh. Người cha đi làm ở tít A-rập, người chị không bình thường... Đứa trẻ với sự thiếu thốn tột cùng ấy đem lòng yêu Ót - anh em họ của mình. Cuối cùng, vào một ngày nọ, mới chớm lớn, đứa trẻ trao trinh tiết của mình cho Ót - từ đó mở ra những hậu quả đáng tiếc về sau...

Mới lớn, biết thế nào là tình yêu? Chỉ thấy thích thú, rồi “làm chuyện đó”. Đứa trẻ ấy nói về chuyện đó bằng một giọng tự nhiên lạ, rằng “thế là mất trinh rồi đấy!”. Đọc đến đoạn ấy, tôi sốc! Suy nghĩ của tôi không thoáng đến mức đó, chỉ cảm thấy máu chảy rần rật trong người, suy tư rối loạn, và tự hỏi rằng tại sao lại có thể nói đến chuyện đó bằng một giọng quá thản nhiên? Sau cùng, khi ngẫm nghĩ kĩ, có lẽ, đứa trẻ ấy khi lớn lên và trải đời, đã quá bình thản để nói ra một chuyện mà so với cuộc đời đầy chông gai của nó, chỉ như muối bỏ bể.

Rồi đứa trẻ ấy có thai...

Đứa bé ra đời. Ra đời khi bà mẹ mới xấp xỉ mười tám tuổi. Mười tám tuổi, quá trẻ để làm mẹ, quá trẻ để làm người nâng niu, dìu dắt con. Mười tám tuổi, thời gian đẹp nhất của thanh xuân, đứa trẻ ấy biến thành đàn bà!

Đàn bà, tiếng gọi sao mà chua cay...

Mười tám năm thanh xuân, mười tám năm trong sáng kết thúc trong hai chữ “đàn bà”.

Đàn bà, tức là không phải con gái, tức là đã có con, có cái, đã tự suy nghĩ và độc lập rồi...

**

Có con, thất học, ở nhà ăn bám gia đình.

Ăn bám gia đình thì được gì? Ít nhất cũng phải có một công ăn việc làm, nếu không muốn bị Tông - thằng anh cả - đánh đập suốt ngày. Nhưng mà thất học thì làm gì?

Làm điếm!

Câu trả lời nhẹ nhàng như gió thoảng.

Chính đứa trẻ ấy phải thừa nhận rằng nó có duyên làm điếm. Khi được người khách đầu tiên - người tốt bụng nhất - không “làm gì” nó mà chỉ cho nó tiền rồi dặn về nhà, mùi vị tiền làm đứa trẻ nhức nhối. Và nó thích tiền! Nó sa vào tiền! Nó quyết định làm cái nghề mà nó khinh bỉ gọi là bán thân để có tiền.

Bán thân. Bán thân. Bán thân.

Cuộc đời bán thân bắt đầu từ đó...

**

Từ đây, xin phép được gọi đứa trẻ ấy bằng hai tiếng “cô ấy”. Bởi, đã không còn là một đứa trẻ để tôi được gọi. Cô ấy đã trưởng thành, có con, có nghề nghiệp, cho dù nghề nghiệp của cô ấy bị chính cô ấy khinh rẻ.

Tôi thấy tội nghiệp cho một kiếp người. Tan nát trong vòng xoáy tiền bạc. Tan nát bởi những suy nghĩ, “phải có tiền mua sữa cho con”, “phải có tiền cho cha mẹ”... Có ai thoát khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền được đâu. Nhất là với một cô gái trẻ, thất học, thì vòng xoáy ấy càng mạnh mẽ, trở thành một cơn lốc, cuốn người ta đi lúc nào không biết...

Lần một, lần hai, lần ba...

Dần dần quen với tiền. Dần dần quen với việc bán thân xác để đổi lấy những đồng tiền. Bao người vẫn bĩu môi, khinh những đồng tiền ấy bẩn thỉu, thế nhưng đó là biết bao tủi hờn, biết bao giọt nước mắt của những cô gái trẻ, biết bao nhục nhã cùng cực không biết trút vào đâu.

Cô ấy quen với một người bạn, là Lếp. Cô ấy đã sống với Lếp một khoảng thời gian rất dài, dài đủ để hai người coi nhau như chị em trong nhà. Tôi cảm thấy may mắn cho cô ấy, không phải ai cũng có thể tìm được tri kỉ. Có được Lếp, tôi cảm giác cô ấy đã được “hồi sinh”, sống lại từ cái chết.

Cô ấy và Lếp đồng hành cùng nhau. Ngày tiếp khách, ngày không tiếp khách thì dạo chơi bên bờ biển y như những thiếu nữ tuổi thanh niên. Những ngày đó đẹp biết bao, những ngày đó tươi vui và rực rỡ biết bao...

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mẹ Lếp từ A-rập về, đón Lếp sang A-rập. Lúc ấy, cô ấy cay đắng nghĩ, tại sao mẹ Lếp lại muốn Lếp làm “gái”? Không nói ra đâu, nhưng ai cũng ngầm hiểu. Không làm gái thì làm gì? Tại sao? Tại sao lại có một người mẹ như thế? Cô ấy không hiểu. Cô ấy không hiểu sao mẹ Lếp phải làm vậy! Có người mẹ nào lại muốn con mình làm gái? Từ đây, độc giả ngầm hiểu rằng số phận đã an bài, chẳng thể thoát được nữa. Cô ấy tự nhận thấy như vậy!

Lếp đi, cô ấy cũng chuẩn bị chuyến đi của đời mình.

Sang Hongkong!

**

Cô ấy đi với một ước muốn đơn giản: Muốn một lần được đi máy bay, được ra nước ngoài. Với cô ấy, cái ước muốn “đi máy bay” và “ra nước ngoài” nó lớn lao lắm, lớn đến nỗi cô ấy chấp nhận tất cả để đi!

Người đưa cô ấy đi nói cô ấy sẽ phải tiếp 150 lượt khách để trả nợ, tương đương với một ngày phải tiếp 40, 50 lượt khách. Nhìn con số ấy, tôi hãi hùng. Mỗi khách 15, 20 phút. Một ngày tiếp 40, 50 lượt khách, chẳng phải sẽ kiệt quệ sức lực hay sao?

Tình dục, vốn là sự tiếp xúc đẹp đẽ nhất của hai người. Thế nhưng, với cô ấy, tình dục trở thành sự hành hạ. Hành hạ đến nỗi cô ấy phải bỏ đi, đến sở cảnh sát đầu thú để ĐƯỢC trục xuất về nước. Có ai lại muốn bị dẫn độ lên máy bay? Có ai lại muốn bị trục xuất khi mà vừa trả xong nợ và đang “hái ra tiền”? Có! Cô ấy phải làm vậy.

Hành hạ quá rồi!

Hongkong - chuyến đi định mệnh của cô ấy. Chuyến đi đã khiến cô ấy càng ngày càng sa chân vào vũng bùn “làm điếm”. Cô ấy đã thề không sang Hongkong nữa, nhưng cuối cùng, cô ấy lại đi Nhật Bản.

Nhật Bản - Japan - đất nước mà gái điếm Thái Lan sang nhiều vô số kể. Thế nhưng, để sang được Nhật Bản là cả một hành trình gian nan. Cô ấy và các bạn đồng hành bị bắt ngủ cùng với những nhân viên hải quan - những người đóng hộ chiếu giả, cho cô ấy ra nước ngoài; bị bắt ngủ với những người cùng đường dây... Thật may là cô ấy vẫn đủ tỉnh táo để không chấp nhận, đủ tỉnh táo để không “ngủ” cùng với những người chung đường dây với mình.

Có lẽ đó là chút tự trọng còn sót lại của cô ấy.

Tôi thấy kính phục cô ấy.

Thật! Là kính phục!

Tôi không dùng từ khác, bởi lẽ “kính phục” là điều duy nhất tôi có thể nói. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo và lí trí để làm chuyện đó, để không “ngủ” cùng với bao người cùng “đường dây” với mình. Tôi tán thành cô gái vì chuyện đó!

**

Từ đây, tôi xin phép đổi danh xưng, xin được gọi cô ấy là “Ê-ri”, cái tên mà một Yakuza (xã hội đen) người Nhật - người coi cô ấy như con gái - đặt cho. Cuộc đời Ê-ri từ đây, bước sang một trang mới.

Cô ấy được lên làm má mì, không làm gái bán dâm nữa!

Sau đó, cô ấy gặp được Chin-ya và được anh ấy yêu hết lòng. Yêu đến nỗi sẵn sàng bỏ qua việc cô ấy là gái, sẵn sàng bỏ qua việc Ê-ri bán đồng hồ đắt tiền của anh đi để lấy tiền chơi bạc, sẵn sàng bỏ qua, bỏ qua hết.

Ê-ri lừa dối anh nhiều lần. Chin-ya biết, nhưng anh bỏ qua hết. Có lẽ, vì anh yêu cô.

Rồi vị Yakuza tốt bụng kia bị bắt vào tù.

Rồi Ê-ri và Chin-ya kết hôn.

Rồi Ê-ri phát hiện ra Chin-ya đã yêu một người con gái khác.

Thời gian là vị thuốc tốt nhất để bào mòn tất cả. Có lẽ tình yêu của Chin-ya dành cho Ê-ri không sâu đậm đến mức tha thứ hết những gì cô đã làm. Tình yêu của anh đã cạn, cạn mất rồi!

Quãng thời gian ở Nhật là quãng thời gian đau thương mà sung sướng nhất của Ê-ri. Có lẽ! Thông qua những trang viết đó, tôi thấy được mặt đen của xã hội Nhật Bản với các Yakuza quyền lực, với biết bao sòng bạc bất hợp pháp và gái điếm phải chạy trốn khắp nơi vì chủ nợ. Bỏ qua lớp vỏ hào nhoáng, đằng sau, chỉ còn là những con người đau khổ đến vô cùng...

Tôi xót xa cho họ. Tôi không đủ rộng lượng để chấp nhận sự thật ấy. Tôi không đủ bao dung để chấp nhận tất cả. Tôi chỉ thấy đau lòng, xót thương vô hạn.

Con người đâu phải sắt đá!

Khi thấy cảnh ấy, tôi đau, thực sự rất đau.

Mở ra rồi gấp sách lại không biết bao nhiêu lần. Không đủ can đảm để đọc tiếp. Không đủ can đảm để nhìn lại mặt trái của xã hội. Dù biết mọi thứ vẫn tồn tại, thế nhưng, lòng không sao chấp nhận nổi!

**

Rồi quãng thời gian Ê-ri lang bạt ở Singapore, ở Bahri và nhiều nước khác... Quãng thời gian ra ra vào vào tù. Bị đối xử tàn tệ, với những hình phạt trong tù. Cả sự nhẫn nhịn và đau đớn mà thân xác ấy phải chịu, người đọc, chứng kiến được hết qua những trang sách.

Tôi không muốn nói đến phần II, tức là phần Ê-ri phải vào tù. Đoạn đó, thực sự tôi không muốn đọc. Đọc xong, lại chỉ muốn òa khóc. Đâu đó, những số phận như Ê-ri vẫn phải bươn chải kiếm miếng ăn, rồi vào tù và bị nhiếc móc thậm tệ, bị nhìn bằng ánh mắt khinh bỉ. Có lẽ, định kiến của xã hội quá lớn để có thể chấp nhận và nhìn thông suốt những lí do khiến người ta làm điếm. Xã hội chỉ biết nhìn vào và chỉ trích gái bán hoa, cho rằng họ là những con người đê tiện, không chịu dùng sức kiếm ăn mà chỉ biết dùng thân xác.

Nhưng xã hội có cho họ cơ hội ngóc đầu lên?

Tôi vẫn cứ miên man nghĩ mãi, rằng nếu, nếu thôi, nếu Ê-ri sinh ra trong một gia đình dù không giàu có, nhưng đủ ăn đủ mặc, không có người anh cả nóng tính động tý là đánh, không có ông bố nghiện cờ bạc, thì cuộc đời Ê-ri sẽ ra sao? Cô ấy có trở thành người tốt không, hay sẽ thế nào? Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, cho đến khi viết lên những dòng này vẫn không thể nghĩ ra, không thể bật ra thành lời. Tôi thương họ, thương với cái tình thương của người với người, muốn khóc vì họ, bởi họ quá cô độc, quá đơn côi trong cuộc đời này.

Họ đâu có muốn làm điếm!

Gái điếm, ai cũng có lí do vào nghề cả.

Hầu hết là nghèo.

Nghèo.

Và nghèo!

**

May mắn rằng Ê-ri vẫn có nhiều người tốt giúp đỡ. Đó là Chin-ya - người cho cô tình yêu, mặc dù sau đó phũ phàng rút lại. Đó là Yakuza bố nuôi. Đó là Dave - người Mỹ - đã giúp đỡ cô rất nhiều - mặc dù chẳng ga-lăng như lời cô vẫn kể. Thế nhưng, những người đó đã cho Ê-ri hi vọng sống tiếp, hi vọng được đứng lên và kể lại câu chuyện cuộc đời.

Tôi muốn bạn đọc được “Tôi là Ê-ri”. Xin hãy vứt bỏ hết định kiến mà bạn đang có, hãy đọc nó với sự trân trọng rồi cho tôi biết bạn nghĩ gì.

Với tôi, “Tôi là Ê-ri” đã thay đổi mọi suy nghĩ.

Mọi thành kiến.

Mất rồi!
 

ngocnungocnu

Gà trùm
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
11/9/14
Bài viết
5.251
Gạo
1.500,0
Re: Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!
Đối với gái điếm, em chưa bao giờ khinh thường, chỉ là thấy tiếc cho một kiếp người! :((
Cũng một đời người, chẳng ai muốn làm gái, có chẳng là do số phận nghiệt ngã đưa đẩy.
 

Thảo Little

-Incredible-
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/14
Bài viết
1.571
Gạo
2.000,0
Re: Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!
Đối với gái điếm, em chưa bao giờ khinh thường, chỉ là thấy tiếc cho một kiếp người! :((
Cũng một đời người, chẳng ai muốn làm gái, có chẳng là do số phận nghiệt ngã đưa đẩy.

Đọc xong quyển này tự dưng thấy thương lắm.
Dòng đời xoáy lắm, rơi một cái là xuống vực ngay...
Ê-ri là một trong số đó.
Tự dưng, viết xong mà mắt em nhòe nước mắt ấy.
Xót lắm! :(
P/S: Em sinh năm 99, chắc chị ngocnungocnu hơn tuổi em rồi. ^^
 

ngocnungocnu

Gà trùm
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
11/9/14
Bài viết
5.251
Gạo
1.500,0
Re: Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!
Đọc xong quyển này tự dưng thấy thương lắm.
Dòng đời xoáy lắm, rơi một cái là xuống vực ngay...
Ê-ri là một trong số đó.
Tự dưng, viết xong mà mắt em nhòe nước mắt ấy.
Xót lắm! :(
P/S: Em sinh năm 99, chắc chị ngocnungocnu hơn tuổi em rồi. ^^
Thật á, ừ, chị sinh năm 93. Em sinh năm 99 mà viết hay thế chả bù cho chị. :)
 

Thảo Little

-Incredible-
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/14
Bài viết
1.571
Gạo
2.000,0
Re: Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!

thao1011

Vô cùng dễ thương
Tham gia
9/12/13
Bài viết
4.184
Gạo
708,0
Re: Tôi là Ê-ri - Giọt nước mắt của gái điếm!
Bên trên