“Lần nào trông thấy Totto-chan, thầy hiệu trưởng cũng nói:
“Em thật là một cô bé ngoan!”
Mỗi lần như thế, Totto-chan lại cười rất tươi rồi nhảy cẫng lên trả lời thầy:
“Vâng, em là một cô bé ngoan!”
Nếu nhìn vào việc em bé mới đi học vài buổi đã bị đuổi học, tôi không dám chắc là em ấy là một cô bé ngoan.
Nhưng đến khi gấp cuốn sách lại, tôi biết chắc chắn rằng totto-chan là một cô bé ngoan và đến khi gập hết trang sách, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hình ảnh Totto-chan ở những cô bé khác ở ngoài đời thực: Một cô bé kì quặc nhưng không kì dị, luôn tò mò, hay hỏi, nhõng nhẽo nhưng lại trong sáng, hồn nhiên, giàu lòng nhân ái.
Cô bé ấy cũng rất may mắn. Em có một người mẹ tâm lý, luôn hiểu con của mình muốn gì, luôn làm điều tốt nhất cho con theo 1 cách rất thông minh, để con của mình phát triển rất tự nhiên, không áp đặt bất cứ điều gì, chỉ nhự nhàng răn dạy 1 cách rất nhẹ nhàng và cũng hết sức tự nhiên. Em được tiếp cận với một nền giáo dục mang tên “giấc mơ Tomoe”, được học tập, được sống, được tiếp xúc với những con người như thầy hiệu trưởng và các bạn. Ở nơi đó, em có thể những câu truyện hài hước, rời rạc bốn tiếng đồng hồ mà vẫn được thầy hiệu trưởng lắng nghe mà không hề chán nản, em có thể sáng tác truyện đứng trước lớp kể các bạn nghe, em có thể thoải mái nói những suy nghĩ của mình mà không bị áp đặt vào bất cứ khuôn mẫu nào. Bởi vì người thầy Kobayashi – người gác tàu ấy đã giúp các em có thể học tập ở môi trường tốt nhất. Thầy phê phán nền giáo dục lắm chữ viết và ngôn từ sẽ dễ dàng bóp nghẹt đam mê của các em học sinh.
“Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.”
Thầy cũng căn dặn các cô bảo mẫu:
“Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo. Phải cho các em vui chơi thoải mái trong thiên nhiên. Ước mơ của các em còn lớn hơn nhiều kế hoạch của cô giáo.”
Mỗi bài học thầy dạy tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chưa nhiều ý nghĩa sâu sắc, là bài học mà những đứa trẻ Tomoe được dạy, được tiếp thu một cách tự nhiên và đầy hấp dẫn. Chỉ tiếc là “giấc mơ Tomoe” ấy bị đốt cháy bởi ngọn lửa chiến tranh, người thầy Kobayashi cũng ra đi mang theo nỗi trăn trở về nền giáo dục cá biệt nhưng sâu xắc ấy.
Hơn là một cuốn sách, Totto-chan bên cửa sổ là một lời nhắn nhủ đến người lớn "trẻ em cần được thấu hiểu, được tạo một môi trường tốt nhất để phát triển". Một cuốn sách không chỉ dành cho bất kì trẻ em nào mà còn dành cho những ai yêu thương trẻ em bằng cả trái tim mình.
Nhocmuavn - 05.11.2014
Đọc tác phẩm: Totto-chan bên cửa sổ