Bút ký Trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN - Cuộc “trekking” xuyên Việt bằng âm nhạc.

Vô Diện tiên sinh

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/8/14
Bài viết
189
Gạo
108,0
Cố nhạc sĩ Phạm Duy sinh năm 1921 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Ông là một trong những cây đại thụ của nền Tân nhạc Việt Nam, thậm chí có thể coi ông là cây đại thụ lớn nhất.

Từ nhỏ, ông Phạm Duy đã có am hiểu về văn hóa âm nhạc dân tộc, thêm đó ông còn được tiếp thu thêm rất nhiều hiểu biết từ nền giáo dục Pháp. Tất cả cộng hưởng lại, tạo nên một lối sáng tác rất riêng, rất uyên bác về chất liệu âm nhạc, về nội dung ca từ mà chỉ riêng ông mới có. Những ghi chép về tiểu sử chi tiết của cố nhạc sĩ Phạm Duy ở đây tôi xin không nhắc quá nhiều, phần vì ở ghi chú này tôi chỉ muốn khai thác sâu về sáng tác trường ca của ông và cũng vì hiện giờ tư liệu cá nhân chi tiết của ông cũng đã được cập nhật rất đầy đủ trên mạng Internet rồi.

Sở dĩ, tôi nói Phạm Duy là cây đại thụ lớn nhất là vì những sáng tác của ông bao gồm rất đa dạng về mặt thể loại, cũng như số lượng. Từ sáng tác đầu tiên Cô hái mơ (phổ thơ Nguyễn Bính) năm 1942, trong suốt cuộc đời mình, vị nhạc sĩ tài năng này còn sáng tác thêm hơn 2000 ca khúc (bao gồm tất cả các ca khúc tự sáng tác, phổ nhạc và viết lời). Đến nay chỉ có khoảng một phần mười số đó được Nhà nước cấp phép và lưu hành. Các sáng tác của ông trải rộng trên nhiều thể loại, từ nhạc thiếu nhi đến nhạc kháng chiến, từ tâm ca đến đạo ca, từ hoan ca đến tục ca, từ dân ca đến cả trường ca... Ở đây, đối với những ai yêu quý âm nhạc Phạm Duy chắc hẳn cũng đã từ nghe rất nhiều ca khúc bất hủ mà người ta thường gọi vắn tắt là nhạc sang, cũng tức là Tình khúc 54-75 như: Tình ca, Kiếp nào có yêu nhau, Ngày đó chúng mình, Còn gì nữa đâu, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Em hiền như Masour, Đưa em tìm động hoa vàng, Thà như giọt mưa, Cây đàn bỏ quên, Hẹn hò, Gọi tên người yêu, Khi xưa ta bé... (e là kể mãi cũng không hết)

Thôi thì đến phần trọng tâm, trường ca Con đường cái quan vậy!
Trường ca là một loại hình tác phẩm thanh nhạc được cấu thành từ nhiều đoản khúc, ở đó, tất cả chung được liên kết chặt chẽ với nhau. Trường ca có thể bao gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn có thể coi là một liên khúc. Về mặt nội dung, cả trường ca thường bao hàm một chủ đề chung. Trước trường ca của nhạc sĩ Phạm Duy, một số trường ca nổi bật có thể kể đến như là trường ca Sông Lô (Văn Cao), Hòn vọng phu (Lê Thương), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi). Thậm chí, ngoài trường ca Con đường cái quan, chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng sáng tác thêm các trường ca như: Mẹ Việt Nam, Hàn Mặc Tử, Minh họa Kiều. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng không bản trường ca nào có thể vượt qua trường ca Con đường cái quan, bởi đây chính là bản trường ca vĩ đại nhất và xuất sắc nhất cho đến thời điểm hiện tại!

Đối với kiệt tác này, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành ra cả thảy 6 năm để sáng tác. Link nhạc mà tôi đính kèm (https://youtu.be/Cms6anl_XhY) là bản thu năm 1965 của ban Hoa Xuân. Đối với cá nhân tôi, đây là bản thu hay nhất, hoàn hảo nhất của tác phẩm âm nhạc này. Vì sao? Thứ nhất, đây là bản thu đầy đủ đoản khúc. Thứ hai, những ca sĩ tham gia thu âm là những giọng ca bất hủ: Thái Thanh, Duy Khánh, Thái Hằng, Kim Tước... Cuối cùng, chính nhạc sĩ Phạm Duy vừa là người lữ khách, vừa là người dẫn chuyện trên xuyên suốt cuộc hành trình vĩ đại này.

Sau bản thu năm 1965, có thể kể đến hai bản thu nổi bật khác. Một là bản thu năm 1994 của ban hợp xướng Ngàn Khơi trình tấu và được biên soạn âm nhạc bởi ông Lê Văn Khoa và ông Trần Chúc. Hai là phần trình tấu năm 2008 do Paris By Night phát hành. Ở bản trình tấu này, điều tôi đánh giá cao chính là phần dàn dựng, phần âm nhạc được phối khí lại cũng rất đặc sắc, nghe cực kì bắt tai. Tuy nhiên, phần nội dung đã bị cắt đi hơn một nửa, khiến cho tổng thời lượng trường ca từ khoảng 40 phút xuống còn hơn 20 phút. Chính vì thế nó đã không còn hoàn chỉnh nữa.

Trở lại với bản thu mà tôi cho là hoàn hảo nhất – bản thu năm 1965, ngay từ đầu, thính giả có thể nghe được lời dẫn của chính nhạc sĩ Phạm Duy, ông trình bày về hoàn cảnh, lý do sáng tác cũng như phân bố nội dung của cả tác phẩm. Xin được trích dẫn:

“Tôi soạn trường ca Con đường cái quan năm 1954. Lúc đó là lúc hội nghị Geneve chia cắt nước ta ra làm hai mảnh và trường ca này là sự phản đối của tôi trước sự chia cắt đó. Trường ca Con đường cái quan đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ xở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.
Trường ca Con đường cái quan gồm có ba phần :
Phần Thứ Nhất : Từ Miền Bắc, mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ.
Phần Thứ Hai : Qua Miền Trung, với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa.
Phần Thứ Ba : Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt.”
– Phạm Duy.

Trong bản trường ca này, cố nhạc sĩ đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian từng miền Việt Nam, chính là âm ngũ cung kết hợp cùng âm thất cung của phương Tây.

Ở phần thứ nhất Từ miền Bắc, sau tiếng hát vu vơ của cô thôn nữ qua đoản khúc Anh đi trên đường cái quan là lời lữ khách trả lời qua đoản khúc Tôi đi từ ải Nam Quan. Ở đoản khúc này, nhạc sĩ đã dùng lối nhạc hành khúc nhưng không giống như hành điệu, vì nó là sự kết hợp của motif mi la do (E A C) mô phỏng la re fa (A D F) của giai điệu dân ca Bắc bộ. Phần này xuyên suốt được viết nên bằng giai điệu, ca từ dồn dập, mạnh mẽ thể hiện tinh thần của con người đi khai sơn phá thạch.

Về mặt nội dung, phần đầu bao gồm 6 đoản khúc, sau hai đoản khúc vừa đề cập ở trên, 4 đoản khúc kế tiếp lần lượt là: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, Người về miền xuôi, Này người ơi, Tôi đi từ lúc trăng tơ. Mở đầu chính là sự tích Con rồng cháu tiên lừng lẫy, kế đến, nhạc sĩ lần lượt sử dụng các chất liệu lịch sử lẫn sự tích, huyền thoại nhắc lại quá khứ hào hùng, như là đánh giặc phương Bắc ở ải Chi Lăng, nàng Tô Thị ở Đồng Đăng hóa đá chờ chồng. Điều kì lạ là nàng Tô Thị trong đoản khúc của nhạc sĩ thiên tài lại không mong chồng về mà nàng khuyên người chẳng tái hồi, lý do là gì – hãy nghe sẽ rõ! Thêm nữa, ông còn nhắc đến những chân tình nảy nở mỗi nơi mà người lữ khách đi qua: rời miền núi Tây Bắc về miền xuôi, đến sông Thương về Hà Nội – thủ đô miền Bắc và cũng là Thăng Long ngàn năm lịch sử với Tháp Rùa cổ kính giữa lòng hồ Gươm.

Đến phần thứ hai Qua miền Trung, nhạc sĩ dùng motif nhạc re sol la re (D G A D) của điệu hò và khúc ca xứ Huế mà đặc sắc nhất (cả về nội dung) chính là đoản khúc Nước non ngàn dặm ra đi. Đoản khúc này kể câu chuyện công chúa Huyền Trân khi xưa vào nam bằng cả tấm lòng, giờ đây, nàng nhắn nhủ lại với người lữ khách đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người, mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa. Cá nhân tôi rất thích đoản khúc này, lời lẽ ở đó thể hiện sự hy sinh cá nhân vì đại cuộc to lớn:
“Tàn cả tình yêu,
Vì hận còn gieo
Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu
Mới hay tình nhẹ như tơ
Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma.”

Cùng với tinh thần như phần trước, ở phần này cũng có 6 đoản khúc: Ai đi trong gió trong sương, Ai vô xứ Huế thì vô, Ai đi trên đường dặm trường, Nước non ngàn dặm ra đi, Gió đưa cành trúc la đà, Tôi xa quê ruộng nghèo. Tựu trung, tác giả nhắc đến những địa danh từ lâu đã nổi tiếng qua văn học dân gian như truông nhà Hồ, phá Tam Giang, chùa Thiên Mụ, đèo Cù Mông... để kể về cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng con người thì vẫn vững chí bền gan.

Phần thứ ba Vào miền Nam và cũng là phần cuối, cá nhân tôi cho rằng đây là phần đặc sắc nhất cả bản trường ca. Không phải vì tôi xuất thân Nam bộ, mà bởi chất liệu âm nhạc mà ông Phạm Duy dùng quá ư đặc biệt. Với cả thảy 7 đoản khúc: Ai đi đường vắng đường xa, Nhờ gió đưa về, Đi đâu cho thiếp theo cùng, Đèn cao Châu Đốc – Gió độc Gò Công, Cửu Long Giang, Giã ơn cái cối cái chầy và Đường đi đã tới, phần ba mang cả màu sắc da diết của người mẹ ru con trong lời ru, điệu lý, sự thâm tình của cô gái nguyện bước theo chồng trong âm sắc vọng cổ thiết tha và mang cả bầu không khí vui tươi, hoan lạc trong câu hò phấn khởi sau cuộc hành trình toàn vẹn của con người đã cả thắng thiên nhiên, hoàn thành xứ sở.

Ở phần này, Phạm Duy cũng đã phác họa một bức tranh sống động về một Nam bộ còn hoang sơ chỉ bằng ca từ, giai điệu. Người đi khai phá bước vào nơi rừng thiêng nước độc:
“Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ ư tràn đầy
Với lũ muỗi ư đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang...”

Để rồi có thấy được chính mảnh đất dưới chân cũng thật màu mỡ, tuyệt vời làm sao:
“Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang
Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông...”

Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, con đường cái quan (đường thiên lý) được triều đình nhà Nguyễn quan tâm xây đắp chạy dài từ ải Nam Quan đến tận Hà Tiên. Quốc lộ 1A hiện tại với tổng chiều dài là 2360 km có nhiều đoạn chính là chạy theo con đường cái quan trong quá khứ.

(Hình con đường cái quan 1898)

Hơn hai ngàn mét đường bộ cùng hai ngàn năm lịch sử trải dài trong hơn bốn mươi phút của những giai điệu và ca từ bất hủ đủ để cho thấy, người lữ khách Phạm Duy đã kiến tạo nên một cuộc trekking bằng âm nhạc vĩ đại đến mức nào. Cũng như chính cố nhạc sĩ đã từng nói: “Tôi đã chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc... thì còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là đường đi vào quê hương với những trường ca?”

Và cả tình yêu, ước vọng của ông vào một thời điểm điên rồ của lịch sử:
“Người mơ ước tới... Ðường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài...”

Lãng mạn theo nghĩa chiết tự chỉ sự phóng khoáng, tự do và vượt lên trên mọi ràng buộc. Thế nên tinh thần yêu tự do, yêu dân tộc của nhạc sĩ Phạm Duy cũng luôn vô cùng lãng mạn. Còn bạn, nếu muốn nâng cao tinh thần lãng mạn đó của bản thân, xin mời thưởng thức qua trường ca Con đường cái quan và cả nhạc phẩm Tình ca (của ông) nữa.


P/s: Bút kí này dựa trên niềm say mê cá nhân với âm nhạc Phạm Duy, không nhằm tuyên truyền, quảng bá cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào; đương nhiên cũng không phục vụ cho chủ nghĩa Sùng bái cá nhân. *cười*

Ảnh: Đường Cái Quan đoạn qua đèo Cả năm 1898. (Nguồn: Internet)
Ghi chú có tham khảo một số nội dung:
1. https://phamduy.com/vi/am-nhac/truong-ca/con-duong-cai-quan/5168-truong-ca-con-duong-cai-quan
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Duy
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên