Trưởng lớp Bí thư - Cập nhật - Butchivacucgom

Cục Tẩy

-Tẩy-
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/12/13
Bài viết
2.246
Gạo
120,0
Tên truyện: Trưởng lớp Bí thư
Tên tác giả: butchivacucgom
Trình trạng truyện: đang viết
Vài dòng giới thiệu: đây là một truyện về một lớp học khác bên cạnh Lớp Học Siêu Quậy. Lớp này tồn tại cùng thời gian với ABC8, sẽ có những đoạn liên quan đến ABC8 và là một truyện có thể xem như kết thúc Lớp Học Siêu Quậy.
Lớp Trưởng và Bí Thư, một bên là phong trào của lớp, một bên là phong trào của Đoàn, ai đối đầu với ai, những chiêu trò thời đi học...
Kết nối tới các đoạn:
1.
2.
3.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Cục Tẩy

-Tẩy-
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/12/13
Bài viết
2.246
Gạo
120,0
Tôi nhận được điện thoại của Chí Hiếu mời dự bữa tiệc tân gia nhà mới. Trong bữa tiệc, tôi gặp lại đám bạn thời học cấp ba, cả đám đang ngồi uống nước tán gẫu thì nghe một thằng ngồi bàn bên cạnh ba hoa về chuyện lớp hắn được một thành viên nữ viết thành truyện đã được nhà xuất bản in thành sách phát hành. Sự việc cũng gây tò mò xen lẫn chút khó chịu với tôi, bởi lẽ cái lớp học ấy quá nổi tiếng trong trường thời bấy giờ. Những câu chuyện thời đi học của tôi cùng một đám lố nhố trong lớp cũng không kém phần hài hước vui tươi như những câu chuyện mà bọn lớp C8 đang rôm rả nhắc lại. Sau buổi tối ở nhà Đầu Tôm làm thính giả bất đắc dĩ về những câu chuyện của lớp học siêu quậy, về nhà tôi trằn trọc không ngủ được khi những hình ảnh thời đi học của lớp cứ lần lượt hiện về như những thước phim quay lại từ quá khứ.

Thời gian trôi qua cũng thật nhanh, mới ngày nào tôi còn là một con bé học trò lần đầu bước vào cấp ba với sự bỡ ngỡ của thuở ban đầu, nhưng cũng có thừa sự kiêu hãnh mà giờ đã thành những kỷ niệm của thời học trò.

Ngày 25 tháng 8.

Bầu trời trong xanh, gió hiu hiu, nắng nhuộm hồng một góc chân trời. Đó là buổi bình minh của ngày đầu tiên tôi đi học ở ngôi trường danh tiếng, trường THPT Lý Tự Trọng, với tư cách là một học sinh chính thức của trường.

Đó là năm lớp mười.

Nhảy xuống xe, vừa vẫy tay chào má tôi vừa đi vào cổng trường. Đứng trước cổng trường, nơi mà trong ba năm tới tôi sẽ trải qua những thời của những nhân vật được xếp hạng thứ ba trong số những nhân vật phá phách để rồi trở thành kỷ niệm khó phai. Lý Tự Trọng là ngôi trường danh tiếng mà suốt thời cấp hai tôi hằng ao ước sẽ được trải nghiệm những điều thú vị đã được các bậc tiền bối truyền miệng, nơi mà trong suốt mùa hè tôi thường đạp xe chầm chậm qua để nhìn vào rồi mỉm cười tự nhủ mình phải có chỗ ở đó. Ngôi trường gắn bó với bao thế hệ người dân xứ biển.

Nhắc đến trường Lý Tự Trọng của thành phố Nha Trang là nhắc đến ngôi trường nổi tiếng với bề dày thành tích học tập, phòng học khang trang hiện đại pha nét cổ kính xưa. Trường nổi tiếng về truyền thống “cha truyền con nối” và những hình ảnh đặc trưng riêng biệt.

Trường Lý Tự Trọng có một lịch sử truyền thống đầy tự hào. Trước đây, khi mới thành lập trường mang tên của vị công thần Võ Tánh và chỉ dành cho nam sinh. Trên cánh cổng chính của trường hướng ra đường Lý Tự Trọng vẫn còn giữ lại sau nhiều lần sửa chữa là dòng chữ “PHHSVT”. Trường được mang tên người thanh niên tiêu biểu bất khuất Lý Tự Trọng từ năm 1976, đây cũng là tên con đường mà cổng chính của trường hướng ra.

Tọa lạc trên con đường Lý Tự Trọng, cổng chính của ngôi trường hướng thẳng ra biển, cổng phụ giáo viên mở ra phía đường Đinh Tiên Hoàng, cổng phụ còn lại dành cho học sinh hướng ra đường Hoàng Hoa Thám, cạnh đó là khu tập thể dành cho giáo viên nhà trường. Bước qua cổng chính là một khoảng sân nhỏ có hàng cây keo lá tràm trồng dọc theo tường rào về phía hai cổng phụ. Trước dãy phòng học là những bồn hoa đủ màu sắc, qua khỏi dãy nhà hai tầng là một khoảng sân rộng là khu dành cho các giờ học thể dục, các hoạt động thể thao học sinh như: sân bóng rổ, sân bóng chuyền. Bên phải là hai cây xà cừ cổ thụ thân đầy u sần phải hai người ôm mới giáp vòng, tiếp đến là công viên nhỏ với cây cảnh, hòn non bộ và ghế đá. Sau đó là dãy phòng giáo viên, văn phòng hiệu trưởng. Bên trái là dãy nhà ba tầng mới xây gồm: phòng vi tính, phòng thí nghiệm… Đối diện với dãy nhà hai tầng là nhà đa năng được bao quanh bởi lối đi nhỏ và sân bóng đá được trồng cỏ xanh phủ khắp mặt sân.

Để được có tên trong danh sách học sinh của trường, học sinh phải trải qua kì thi tuyển sinh theo các nguyện vọng lựa chọn học lớp thuộc ban khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Ngôi trường Lý Tự Trọng có truyền thống trải qua các thế hệ kiểu đời con tiếp bước đời cha. Trước đây, ba tôi cũng là học sinh của trường nam sinh Võ Tánh. Các cô, chú thím tôi cũng đều là cựu học sinh của trường nên trong các buổi sum họp gia đình thường lấy những câu chuyện thời xưa đi học gợi nhớ về các thầy, cô giáo. Mọi người cùng hồi tưởng lại thời học sinh mặc áo dài, phải đeo bảng tên, rồi còn cả chuyện trèo rào trốn học…

Giờ đây khi có được hỏi “học sinh trường nào?”

- Trường Lý Tự Trọng! - Tôi trả lời mà nghe thấy sướng rơn.

Cảm giác phấn khích lẫn tự tin khiến tim tôi đập bình bịch, lồng ngực nghẹn lại như ngừng thở. Một số học sinh vẻ ngơ ngác như lần đầu tiên mới thấy một kỳ quan lạ, vừa suýt xoa ngưỡng mộ vừa dáo dác đi tìm phòng học. Theo sơ đồ phân lớp, lớp A9 nơi tôi học là phòng số 9 nằm trong khu nhà hai tầng bao gồm hai mươi bốn phòng học và phòng thư viện ở trên lầu, tầng trệt có phòng giám thị và văn phòng đoàn phía bên trái ngay dưới phòng thư viện.

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh rồi hít một hơi thật sâu, ổn định tâm trạng và nhịp tim của mình, bước vào sân trường thẳng tiến đến cầu thang. Lên hết cầu thang là hành lang được lát gạch với hai màu nâu và trắng, chạy dọc theo hành lang là cửa các phòng học bằng gỗ được đánh bóng bằng vec-ni màu nâu. Tôi bước chầm chậm và nhìn vào các phòng cho đến khi tới trước phòng có tấm biển nền xanh với con số chín màu trắng nằm bên trên khung cửa. Tôi dừng bước nhìn vào trong phòng. Trong phòng từng nhóm ba bốn đứa đang túm tụm lại nói cười với nhau, một số gương mặt thân quen cũng đang hiện diện. Thấy tôi bước vào, cả đám ngưng ồn ào và đồng loạt nhìn ra cửa.

- Mày cũng học lớp này hả? - Nhỏ Thu há hốc miệng, cười tít mắt. Thu nhích vào trong nhường chỗ cho tôi ngồi.

- Ờ, đứa nào trong lớp nhìn cũng quen mặt ha. - Tôi vừa ngồi xuống vừa đảo mắt một vòng điểm mặt các “bằng hữu đồng môn”.

Hoài Thu là nhỏ học chung tiếng Anh với tôi ở một lớp học thêm, còn một số đứa không là bạn bè thời cấp hai thì cũng là bạn trong lớp học thêm, có đứa là bạn học chung từ thời tiểu học… Tất cả đang nhốn nháo túm tụm bàn tán vì cùng học chung lớp. Tôi nghe bọn con trai đang hí hửng rủ nhau đi chơi game Playstation. Phía sau lưng tôi, đám con gái cũng rôm rả bàn tán về đủ thứ chuyện của bọn con gái, lại còn rủ nhau đi nhảy Audition.

Tôi quay sang Hoài Thu, nhỏ bạn tôi đang chồm người lên bàn trên, nói chuyện hăng say với nhỏ Mỹ Hạnh và Thùy Trâm. Hai nhỏ này tôi cũng chẳng xa lạ gì, đều học lớp 9/12 trường cấp hai Thái Nguyên, nơi tôi cũng vừa “xuất thân”.

Nhắc về ngôi trường Thái Nguyên của tôi một chút.

Trường Trung học cơ Sở Thái Nguyên được thành lập từ năm 1961 với tên Nữ Trung Học Nha Trang. Năm 1973 trường được đổi tên thành Nữ Trung Học Huyền Trân. Sau ngày Nha Trang giải phóng năm học 1975 trường được mang tên trường Phổ Thông cấp II Lộc Thọ. Từ năm 1976 – 1978 Trường mang tên trường Phổ Thông cấp 1, 2 Lộc Thọ số 1. Hưởng ứng phong trào ''Vì Miền Nam ruột thịt'', ngày 19/10/1962, thành phố Thái Nguyên kết nghĩa với thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà và có một trường mang tên THCS Nha Trang tại Thái Nguyên. Năm học 1978-1979 theo quyết định của UBND thành Phố Nha Trang trường được mang tên PTCS Thái Nguyên. [Theo http://c2tnguyen-nt.khanhhoa.edu.vn]

Thình lình tôi bị một vòng tay ôm chầm lấy khiến tôi giật mình, trợn tròn mắt và quay lại. Khuôn mặt trắng như trứng gà luộc được bóc vỏ đang cười khoe hết cả mười cái răng, tôi cũng nhe răng cười tươi với nó, la lớn:

- Á! Mày cũng học lớp này hả?

- A… A… A! - Hai đứa tôi ôm nhau la lớn khiến cả lớp ai cũng quay lại nhìn.

Số tôi cũng may mắn, thì ra nhỏ Ngọc Mai này là bạn thân từ năm cấp hai năm nay cũng lại tiếp tục gắn bó suốt đời học trò với tôi. Thật ra thì danh sách lớp đã có dán trước cả tháng ở bản thông tin trường nhưng tới ngày nhận lớp danh sách đó có sự thay đổi do một số học sinh xin chuyển lớp, chuyển trường.

Đang lúc chúng tôi còn nói cười ồn ào thì thấp thoáng ngoài cửa lớp bóng thầy giáo bước vào, cả lớp im lặng rồi đồng loạt đứng dậy. Do là ngày đầu tiên trở thành học sinh trung học nhưng ít nhiều vẫn còn mang theo hơi hướng của học sinh cấp hai nên một số đứa trong lớp quen miệng vội vàng hô lớn:

- Chúng em kính chào thầy ạ !

Vì chỉ một số đứa lên tiếng nên tiếng chào nghe rất gượng gạo.

- Phụt! Hự! Hự! - Tiếng của đứa nào đó cố nén cười bật ra.

- Hi hi! Ha ha!

Tiếng cười của một số đứa vang lên, tôi cùng nhỏ Ngọc Mai cũng ráng nín cười, môi mím lại. Thầy giáo nở nụ cười gật đầu chào rồi ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống.

Thầy bước về bàn giáo viên, đặt cuốn sổ trên tay lên bàn, chiếc cặp táp màu đen bên tay phải xuống ghế. Sau đó thầy đưa ánh mắt nhìn khắp cả lớp, rồi cất tiếng:

- Chào các em, tôi tên Lê Quang Thủy là giáo viên chủ nhiệm đồng thời giảng dạy môn toán. Bây giờ tôi sẽ điểm danh để chúng ta làm quen với nhau, em nào có mặt thì giơ tay.

Những cái tên lần lượt được thầy hô lên, tôi lại đưa mắt nhìn và ghi khuôn mặt đó vào bộ nhớ.

- Phạm Minh Hoàng.

Tôi giật mình như bị sét giáng trúng đầu khi nghe cái tên được thầy Thủy đọc lên khiến tôi phải mở to mắt ra, chớp mắt một cái, há miệng hít một hơi thật sâu khiến ngực nhô cao. Hiển nhiên tôi đang hồi hộp, không những thế tôi còn rất ngạc nhiên, không hiểu sao lại có cái tên này trong lớp, chả phải Phạm Minh Hoàng có tên trong danh sách tân học sinh lớp mười chuyên sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn hay sao? Tôi quay đầu lại, lia mắt tìm kiếm con người mà tôi vừa nghĩ tới, như biết được suy nghĩ của tôi, hắn ta ngồi ngay góc lớp, dãy bàn bên kia, vừa giờ tay lên điểm danh với thầy chủ nhiệm vừa nháy mắt với tôi, miệng nở nụ cười đầy vẻ khoái trá.

- Ê mày, kia không phải là bạn hàng xóm nối khố của mày hả? - Nhỏ Ngọc Mai đập tay tôi một cái đau điếng, hình như nhỏ cũng khá hưng phấn.

- Ờ, tao cũng không biết sao hắn ta ở đây? - Tôi thở hắt ra.

- Chà chà! Mới có mấy tháng hè không gặp mà thằng bạn nối khố của mày ngày càng đẹp trai ngời ngời hẳn ra. - Ngọc Mai nheo nheo mắt nhận xét, giọng đầy vẻ hâm mộ.
 

Cục Tẩy

-Tẩy-
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/12/13
Bài viết
2.246
Gạo
120,0
Tôi không nói gì. Minh Hoàng không những đẹp trai mà còn học giỏi và lại là con nhà khá giả. Nhà Minh Hoàng có tiệm kinh doanh vàng ở chợ Đầm do má của Minh Hoàng làm chủ, còn ba của Minh Hoàng thì trông coi mấy đìa tôm ở Cam Ranh nên mỗi lần xả đìa là xóm tôi lại được bữa chiêu đãi tôm. Anh trai của Minh Hoàng thì đẹp trai, cao to lại đang là sinh viên năm cuối khoa quản trị kinh doanh của một trường Đại học lớn trong Sài Gòn. Gia thế như thế, tiểu sử như thế nên tôi chả lấy gì làm lạ trước vẻ mặt hâm mộ và thần tượng Minh Hoàng được thể hiện rõ trong giọng của nhỏ bạn.

Điều tôi lấy làm lạ là mấy tuần trước đây cái tên Phạm Minh Hoàng nằm trong danh sách lớp chuyên sinh bên trường chuyên Lê Quý Đôn nhưng không hiểu sao bây giờ hắn ta lại ngự ở trường này mà lại còn chung lớp với tôi. Ngày Minh Hoàng đậu vào trường chuyên “Lũ Quỹ Đói”, má hắn còn qua khoe với má tôi làm má tôi suốt ngày khen hắn càng khiến cho nỗi đau rớt chuyên văn của tôi chỉ vì thiếu nửa điểm thêm ấm ức. Suốt mấy tháng hè tôi không gặp Minh Hoàng. Tôi tưởng tượng khuôn mặt hắn sẽ vênh lên tự đắc là học sinh trường chuyên khi gặp tôi thì tôi lại thấy bản mặt hắn ở đây cùng lớp với tôi. Vì vấn đề đau đầu này nên tôi mong sao hết giờ để tôi sang hỏi Chí Hiếu bên A8 mới được.

- Nguyễn Ngọc Kim.

Tôi còn đang miên man với suy nghĩ của mình thì đã bị nhỏ Hoài Thu bên tay trái huých vào hông.

- Thầy kêu tên mày kìa!

Tôi lập tức hoàn hồn, ngẩng đầu lên nhìn thầy rồi vội vàng giơ tay, miệng la lớn:

- Da, có em!

Thầy chủ nhiệm nhìn tôi, gật đầu một cái. Cái nhìn của thầy Thủy cho tôi cảm giác nhẹ nhõm khiến tôi thở phào ra. Tôi quay lại nhìn Minh Hoàng rồi giơ nắm đấm lên dứ dứ ra vẻ đe dọa uy hiếp hắn. Hắn nhếch môi cười.

Xong phần điểm danh, thầy chủ nhiệm chuyển sang phần bầu cử các chức vụ trong lớp.

Vị trí người đứng đầu, lớp trưởng, không có cánh tay nào giơ lên ứng cử cũng như đề cử. Thời gian trôi qua lặng lẽ trong bầu không khí nặng nề. Một phút, hai phút, rồi năm phút lần lượt trôi qua nhưng tuyệt nhiên vẫn không có ai ứng cử cũng như đề cử ai nên thầy Thủy quyết định sẽ để bầu chức lớp trưởng sau. Chuyển sang vị trí lớp phó học tập kiêm thư ký quản lý và ghi chép sổ đầu bài quan trọng mà ngày xưa thời cấp hai chúng tôi chỉ nhìn thấy giáo viên ghi chép vào đó, ngày nay cấp ba chính chúng tôi mà đại diện là thư ký được phép cầm bút ghi vào đó.

- Chữ bạn nữ nào đẹp? - Thầy chủ nhiệm đảo mắt nhìn cả lớp.

Tôi đưa mắt lên bàn trên, chỗ nhỏ Thùy Trâm, nhỏ này viết chữ đều đặn, tròn trịa rất đẹp. Thời học chung toán cấp hai, tôi đã mấy lần thấy chữ viết của Thùy Trâm khi nhỏ lên bảng giải bài. Tôi quay sang nhỏ Ngọc Mai, nháy mắt chỉ tay về hướng nhỏ Thùy Trâm. Ngọc Mai hiểu ý tôi vì nhỏ cũng chẳng xa lạ gì nét chữ của Thùy Trâm cả. Thấy hai đứa tôi nhìn nhau, Hoài Thu quay sang nhìn tôi, rồi khều nhỏ Thùy Trâm quay xuống.

- Hả? - Thùy Trâm lên tiếng, giọng nhỏ xíu.

- Mày làm nha, tao đề cử. - Hoài Thu cười cười, tôi với Ngọc Mai gật đầu phụ họa.

- Thôi đi, tao… - Thùy Trâm chưa kịp nói xong, đã bị Hoài Thu chặn lại.

- Thưa thầy, em để cử Thùy Trâm làm lớp phó. - Hoài Thu la lên.

Thầy Thủy nhìn về phía tụi tôi hỏi:

- Em nào là Thùy Trâm?

- Dạ, em! - Thùy Trâm rụt rè đứng lên.

- Em làm lớp phó nhé! - Thầy Thủy nhướng mày, cái gọng kính đã trễ tới cánh mũi.

Nhỏ Thùy Trâm chưa kịp trả lời, tụi tôi đã vỗ tay ầm ầm. Vậy là vị trí lớp phó kiêm thư ký đã có chủ.

Tới lượt chức thủ qũy lớp thì cánh tay nhỏ Mỹ Hạnh đã giơ cao xung phong làm người giữ “két sắt” của lớp.

Rồi thầy Thủy nhìn vào cuốn sổ tay màu đen ghi ghi chép chép sau đó đẩy gọng kính đang trễ xuống sống mũi, bằng giọng chậm rãi một chút, thầy nói:

- Bạn Ngọc Kim có thành tích hoạt động đoàn đội ở cấp hai, năm nay em làm bí thư chi đoàn lớp nhé Ngọc Kim?

- Dạ! - Tôi ngẩn người đứng lên lí nhí.

Sau khi thầy chủ nhiệm chia tổ xếp chỗ ngồi, dặn dò vài điều về nội quy, phổ biến thời khóa biểu, cũng như về lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 9. Cả lớp đồng loạt nhìn về cùng một phía khi một cánh tay giơ lên sau câu hỏi còn ai thắc mắc gì của thầy. Người đưa cánh tay thật cao đó không ai khác chính là bạn hàng xóm của tôi, Phạm Minh Hoàng. Thầy Thủy chưa kịp hỏi thì Minh Hoàng đứng lên dõng dạc tuyên bố :

- Thưa thầy, em sẽ làm lớp trưởng.

Thầy Thủy nhìn Minh Hoàng mỉm cười rồi hỏi cả lớp xem có ai phản đối gì không, đáp lại là tiếng vỗ tay của cả lớp tỏ ý hoan nghênh.

Thế là tôi làm bí thư lớp, còn hắn lại làm lớp trưởng.

Lúc ra về, tôi vội bước nhanh ra đón đầu Chí Hiếu ngay cửa lớp A8. Như biết trước ý định của tôi, Hiếu thản nhiên khoác vai tôi đi xuống cầu thang.

- Bà muốn biết gì?

- Hoàng học lớp tui? Còn trường chuyên thì sao?

- Đúng rồi, nó học lớp bà thì sao học trường chuyên được? - Chí Hiếu nhìn tôi giễu cợt khi tôi hỏi một câu rất thiếu muối Iốt.

- Nhưng nếu dị phải vào học lớp chọn với ông chứ sao lại học lớp tui? - Tôi tiếp tục thắc mắc.

- Cái đó bà hỏi Hoàng, sao tui biết được. - Chí Hiếu cụng vào đầu tôi một cái đau ê ẩm.

- Ủa? Chớ ông cũng đậu chuyên toán bên Lê Quý Đôn dị mà ông dô đây học lớp chọn đó thôi. - Tôi vẫn cố thắc mắc, tay xoa xoa chỗ đầu bị va chạm.

- Tui thi chuyên toán cho vui, chớ tui thích học trường này hơn, đeo thẻ bảng tên giấy trước ngực nhìn oai hơn tụi “Lũ Quỹ Đói” nhiều. - Chí Hiếu nháy mắt với tôi.

Nghe Chí Hiếu nói vậy, tôi nín thinh nhưng trong lòng vẫn thắc mắc không hiểu khiến đầu óc không còn tỉnh táo, vẻ mặt ngơ ngơ mà nói theo người xưa là như “bò đội nón”.

Tôi đâu biết rằng trước đó không lâu, vào một buổi tối đẹp trời, trong khi tôi còn đang xem bản tin thời sự, ăn cơm tối với gia đình thì Minh Hoàng đã mò sang nhà Chí Hiếu thông báo cái tin tức nóng hổi ấy.

- Tao quyết định bỏ học chuyên sinh rồi. - Minh Hoàng ngồi trên xích đu, chân khẽ đẩy làm xích đu khẽ đu đưa.

- Ủa, sao dị? Dáng mày học chuyên sinh rất hợp mà - Chí Hiếu vừa nói vừa phá lên cười.

- Mày với Kim học Lý Tự Trọng hết chẳng lẽ mình tao học Lê Quý Đôn. - Hoàng đưa hai tay ra sau gáy, ngửa mặt lên trời.

- Tao thấy, nếu mà nhỏ Kim đậu chuyên văn chắc mày không bỏ chuyên sinh.

Minh Hoàng không nói, khóe môi khẽ nhếch lên.

- Mày thích nó thì nói đại cho rồi, còn bày đặt giấu làm gì?

Minh Hoàng vẫn không nói gì.

- Lên cấp ba học chung trường là một rừng con trai, mấy nhỏ con gái mặc áo dài eo ót ba vòng ra dáng nữ tính. Nếu có thằng nào nó cầm cưa chắc nhỏ Kim cũng sẽ đổ, mất ráng chịu. - Chí Hiếu nhìn thằng bạn cười rất chi là đểu.

- Bởi thế nên tao bỏ học chuyên sinh. Mày cũng biết Ngọc Kim muốn trải qua thời học trò cấp ba phải thật ấn tượng. - Minh Hoàng trầm ngâm nói.

- Ừ. - Chí Hiếu gật gù.

- Chính vì thế nên Minh Hoàng này làm sao mà thiếu được, tao phải là nhân vật chính trong những “tập phim ghi lại những cảnh hay ho nhất ”. - Minh Hoàng nở nụ cười ranh mãnh, ánh mắt long lanh vẻ tự tin.

- Mày đã chuyển trường chưa? Lớp nào?

- Chung lớp với Ngọc Kim. - Minh Hoàng thản nhiên trả lời.

- Hai đứa mày đều “quái” giống nhau. Thiệt là hổng biết đâu mà ngờ! Tao tưởng “gà nòi” như mày thì ba mẹ mày bắt phải học trường chuyên không thì cũng là lớp chọn chớ? - Chí Hiếu nhíu mày suy nghĩ.

- Phải theo kèm cặp, không thể lơ tơ mơ được, xểnh mắt ra mất thì sao? - Minh Hoàng nhắm mắt, môi vẫn cười.
 

Cục Tẩy

-Tẩy-
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/12/13
Bài viết
2.246
Gạo
120,0
Chí Hiếu không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu cười rồi giơ tay lên kiểu như đầu hàng với cách nói chuyện lý lắc của thằng bạn. Để xem hai đứa bạn từ thời “uổng chờ” tắm mưa sẽ làm gì trò quỷ gì trong “những tập phim về thời học trò cấp ba” sắp tới? Thật là rất chờ mong những điều thú vị!

Rồi ngày 5 tháng 9 mong đợi cũng đến.

Ngày khai giảng năm học, ánh nắng mặt trời chói chang phủ khắp các con đường trong thành phố, vị mặn của biển được gió đưa đi trong không khí khiến bọn học sinh hít đầy lồng ngực.

Tháng chín, ngày trời trong xanh, tụi học sinh khối mười lòng vui như tết đến, hồi hộp tiến vào cổng ngôi trường mang tên Lý Tự Trọng.

Hôm nay tôi chính thức là nữ sinh cấp ba trong bộ áo dài trắng, tự tin bước ra đường sau nhiều lần xoay qua, xoay lại chỉ để ngắm nghía con nhỏ mặc áo dài trong gương. Khi còn bé tôi nhìn các chị nữ sinh mặc áo dài đẹp ơi là đẹp. Lúc đó tôi đã tưởng tượng mình sẽ là nữ sinh mặc áo dài trắng, ôm cặp da màu đen trước ngực, đội chiếc nón xinh xinh, giày màu trắng tha thướt đi trên sân trường. Còn lúc này đây tôi thấy trong gương là một con bé có thân hình từ trên xuống như hột mít, nó cứ suôn đuột chẳng thấy eo đâu. Để vượt qua bất lợi về ngoại hình không mấy tự tin, tôi suy nghĩ: mình phải học, phải lo học thôi, học thật giỏi để làm ba má vui.

Tôi rời khỏi nhà với gương mặt rạng rỡ, nụ cười hãnh diện khi trước ngực tôi là bảng tên bằng giấy có một không hai, chỉ cần nhìn bảng tên bằng giấy là người dân Nha Trang đều biết đó là học sinh trường Lý Tự Trọng. Lúc này, tôi đang trở nên rất chi là nữ tính, cử chỉ rất chi là nhẹ nhàng vì tôi đang mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi của tuổi học trò. Nó hoàn toàn mới lạ với tôi, con nhỏ mười sáu tuổi nhưng còn thiếu mấy ngày. Cái đầu tôi luôn ngẩng cao không phải vì kiêu mà vì được cái cổ áo dài cứng may dựng đứng nâng đỡ, từ vai áo xuống tay áo được may vừa ôm lấy bờ vai tròn trịa, tà áo dài khiến tôi cảm thấy hơi vướng víu. Lúc này, tôi bước chầm chậm ra dáng thướt tha với chiếc quần được may ống rộng và dài phủ gót chân chạm đất khiến mỗi bước đi tôi phải e dè vì sợ sẽ “chộp ếch vồ nhái” nếu dẫm lên. Chi tiết làm tôi lo ngại là hàng nút áo, cảm giác như chỉ cần lơ đễnh là nó sẽ bật tung ra thì ôi thôi rồi. Nghĩ đến đó bất giác tôi cảm thấy nóng bừng hai bên tai. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao người ta lại dùng từ “e ấp trong tà áo dài”.

Sân trường hôm nay đông đúc hơn ngày thường vì nơi đây quy tụ toàn bộ các “văn thần, võ tướng” của cả trường nên tôi hoa mắt lên nhưng vẫn chưa tìm thấy vị trí của lớp tôi. Hồi cấp hai, những ngày lễ như thế này mỗi lớp sẽ có một tấm bảng sắt sơn màu xanh ghi tên lớp để phía trước nhưng ở đây tôi không thấy có cái gì tương tự như vậy. Tôi đi một vòng từ khu nhà hai tầng tới nhà đa năng, mắt dáo dác nhìn vào rừng áo trắng mà vẫn chưa phát hiện ra địa điểm tọa lạc của lớp mình. Tôi quyết định bước lên phía trước để nhìn từ trên xuống may ra sẽ dễ thấy hơn. Có lẽ lúc này tôi hơi nổi trội vì phía trên này chỉ có mình tôi mặc áo dài trắng đi long nhong trong khi các thầy cô đang bắt đầu ngồi xuống ghế hai bên sân khấu chuẩn bị làm lễ. Thật là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, cũng bởi do tôi ăn ở hiền lành được “quý nhân ra tay phù trợ”. Người vẫy tay cứu tôi khỏi tình thế trước bao nhiêu ánh mắt của “văn thần võ tướng” đang bủa vây khi tôi lơ ngơ đi lại phía trước sân khấu chính là Minh Hoàng, người mà sau này được tôi đưa vào sách đỏ. Vội vã bước về phía đó trong khi nhỏ Mai đang vẫy tay rối rít, tôi nhanh chóng đứng vào hàng. Khối lớp 10 là những học sinh mới nên được ưu tiên bố trí ở vị trí trung tâm và được chia làm hai bởi lối đi dành cho các đại biểu từ phía ngoài vào tới phía trước khán đài.

Điểm khác biệt của trường cấp ba so với hồi cấp hai là khi chào cờ chúng tôi sẽ được ngồi ghế nhựa nhỏ thay vì ngồi bệt dưới đất. Hồi cấp hai, mỗi lần ngồi bệt tụi tôi toàn phải lót giấy thế nên sau mỗi giờ chào cờ, sân trường xuất hiện một vài “cánh bướm trắng” bay bay đó là những tờ giấy trắng chưa kịp thu dọn bị gió thổi bay trong không trung.

Buổi lễ khai giảng bắt đầu, chúng tôi đứng nghiêm cất tiếng hát theo bản nhạc quốc ca trong bầu không khí trang nghiêm, khiến tôi nghe tim mình đập thình thịch trong lồng ngực, hân hoan xen lẫn tự hào.

Sau lời giới thiệu của thầy tổng phụ trách là đoàn diễu hành tiến vào, đi đầu là tám nữ sinh trong màu áo dài trắng xinh xắn với chùm bóng bay màu xanh, đỏ, vàng... trên tay. Kế tiếp là cái trống trường trên chiếc xe nhỏ được hai nam sinh đẩy vào gần sân khấu, thầy hiệu trưởng bước lại bên trống và giống lên:

- Tùng... Tùng.... Tùng....

Hồi trống đón chào một năm học mới.

Bầu trời tràn ngập màu sắc xanh đỏ vàng của bong bóng bay được thả lên. Chúng tôi hướng mắt theo những chùm bóng bay ấy chỉ chỏ, nói cười. Gương mặt hớn hở bước vào năm học mới với niềm vui có thêm bạn mới và khát vọng bay xa, bay cao như những chùm bóng bay đủ màu sắc đang bồng bềnh trên bầu trời trong xanh của thành phố biển.

Lễ khai giảng kết thúc. Tôi cùng hai nhỏ Ngọc Mai và Thùy Trâm vừa tám vừa đi ra cổng. Ngọc Mai và Thùy Trâm đã đi bộ về vì nhà của nhỏ Ngọc Mai gần trường. Đứng trước cổng trường, Tôi nhìn vào quán photocopy phía đối diện thấy đồng hồ chỉ chín giờ rưỡi. Còn chín mươi phút nữa má mới đến, tôi đưa mắt nhìn các bạn học sinh đang dắt xe đạp ra khỏi cổng trường mà lòng bồn chồn xen lẫn hi vọng. Từ sau ngày đi nhận lớp đến giờ tôi vẫn chưa nói chuyện với Minh Hoàng. Giờ đứng đây chờ đợi mong gặp chỉ để có người đưa về nhà nên vừa thấy Hoàng và Hiếu cùng nhau dắt xe ra cổng tôi mừng như bắt được vàng. Vội bước lại chặn xe Chí Hiếu để giở dọng đàn chị:

- Hiếu! Chở tui về nhà.

Chí Hiếu nhìn tôi, rồi lại nhìn sang Minh Hoàng, nhếch khóe môi cười nói:

- Bà ngồi xe thằng Hoàng đi, bánh xe tui mềm rồi.

Tôi đưa mắt nhìn sang Minh Hoàng, hắn chẳng nói câu nào, lặng lẽ ngồi lên xe. Tướng hắn cao cao, ốm ốm cộng thêm khuôn mặt lạnh băng khiến tôi ngần ngừ.

- Bà có định về không? - Minh Hoàng quay đầu lại nhìn tôi.

- Thì về! - Tôi trề môi trèo lên xe.

Chí Hiếu nhìn tôi với Minh Hoàng cười hì hì, rồi cũng lên xe đạp đi. Hai chiếc xe đạp martin @ màu đen của Chí Hiếu và màu bạc của Minh Hoàng lướt đi trong gió. Tôi ngồi sau lưng Hoàng một cách vững chãi nhất có thể để đề phòng lỡ miệng nói gì không vừa ý sẽ không té nhào khi Hoàng dừng xe đột ngột. Hai tay tôi giữ tà áo dài được vén lên cẩn thận để tránh bị cuốn vào bánh xe không thì đi tong cái áo dài do má may cho tôi. Đang dừng lại chờ đèn xanh đỏ ở ngã tư, tôi vòng tay lên che đầu cho đỡ nắng thì thình lình bị chụp mạnh cái gì đó lên đầu. Tôi hoàn hồn lại thì thấy một cái mũ lưỡi trai màu xám đã được ngự trên đầu. Tôi đưa tay giữ lấy cái mũ đồng thời nhướng mắt nhìn Hoàng thì thấy khóe môi hắn ta đang nhếch lên nói với tôi:

- Đội đi, không lại đen da xấu òm ai thèm nhìn!

Tôi trợn mắt nhìn hắn, mặt mũi tôi nóng bừng. Tôi trừng mắt nhìn thì hắn chỉ khẽ nheo mắt vẻ giễu cợt.

Đèn đã chuyển xanh, hai chiếc xe đạp chạy song song với nhau, tôi quay sang bắt chuyện với Chí Hiếu vờ như không chú ý đến Hoàng.

- Ngọc Nhi cũng học chung lớp với Hiếu hả?

- Ờ! - Chí Hiếu gật đầu trả lời tôi.

- Nhỏ đó theo ông từ hồi học thêm toán nhà cô Thủy năm lớp tám tới giờ, dị ông tính sao?

Chí Hiếu chẳng trả lời tôi mà cứ quay sang hết nhìn tôi lại nhìn Minh Hoàng mỉm cười. Tôi nhíu mày quan sát thái độ của Chí Hiếu mà không hiểu trong cái bộ não chuyên trị các môn thuộc khối tự nhiên của thằng bạn thân đang nghĩ gì mà lại mỉm cười đầy đen tối, nụ cười rất nham nhở.

Tôi lắc đầu thở dài, chắc trời nắng quá khiến hai thằng này cùng bị ấm đầu.

Lúc lên cầu Bóng, tôi chợt nhớ lại quang cảnh sáng nay ở lớp A8 bên cạnh. Cả lớp Chí Hiếu thì không đúng nhưng đa phần học sinh lớp A8 buổi sáng nay được bố mẹ đưa đến trường ngày khai giảng trên những chiếc xe bốn bánh sang trọng hoặc những loại xe hai bánh đắt tiền. Như thế thì cũng đủ biết rằng những học sinh đó là những cậu ấm, cô chiêu con nhà trâm anh thế phiệt mà những chiếc xe thể hiện sự giàu có. Tôi thầm nghĩ đã là học sinh lớp chọn, gia đình lại giàu có thì học sinh A8 năm nay sẽ trở thành những “cây đinh” thu hút sự chú ý của toàn trường.

- Kít… ít… - Đang mải nghĩ thì bỗng nghe tiếng thắng xe rít lên đột ngột, tôi dúi mặt vào lưng Hoàng.

- Cảm ơn ông!- Tôi lí nhí rồi đi vào nhà.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong tôi lên phòng mình. Đứng trước bàn học nhìn chồng sách vở mới tinh, tôi khẽ mỉm cười. Đưa tay sờ từng cuốn sách mới tinh còn thơm mùi giấy, nhìn những cuốn sách Đại Số, Hình Học, Bài Tập Đại Số, Hóa Học, Vật Lý… vuốt những cuốn vở bìa được bao bọc cẩn thận bằng giấy bao màu tím có điểm những bông hoa do chính tay tôi tỉ mỉ thực hiện. Tôi đã bỏ nhiều công sức ngồi bao bọc từng cuốn từ công đoạn lồng vào bao ny-lông cho đến bấm kim. Tôi nhắm mắt lại, trong đầu tôi tưởng tượng trong buổi học ngày mai sẽ đặt bút viết lên trang đầu tiên. Ôi! Tôi đã lớn thật rồi. Tôi mở hộp bút hình con chó màu xanh rồi xếp vào đó nào là viết mực màu đỏ này, viết mực màu xanh này, bút chì này, cục gôm này, thước nhựa này, hộp ngòi chì này, cây bút xóa này. Tôi mở thời khóa biểu xem lịch học ngày mai rồi soạn sách vở. Sau khi đã chuẩn bị sách vở đầy đủ cho buổi học ngày mai thì cái cặp kiểu có quai đeo đã căng phồng.
 
Bên trên