Tháng Tám, trời trong mây lành, là núi cao hay sông sâu đều ngập chìm trong dải nắng vàng ấm áp. Con đường phẳng lặng rải rác những hòn đá dăm bạc ẩm ướt, cây cối mọc hai bên đều um tùm xanh tốt giữa cái nắng chiếu gay gắt từ ánh Mặt Trời. Quang cảnh vùng Tây Uôn bấy giờ thật hữu ý nên thơ, xa xa là cánh đồng lúa đang mùa trổ bông, xa hơn nữa là dãy nhà tranh san sát gần đỉnh đồi Thái Sơn cao chạm trời.
Dưới thửa ruộng bạt ngàn hương lúa chín, người người cặm cụi làm việc trong bộ quần áo lụng thụng chắp vá đã bay màu. Người còng lưng nhổ rêu xanh bên rìa mương, người cúi xuống gặt cắt từng cuộng lúa vàng. Tay họ sưng đến đỏ au, mặt mày nhễ nhại mồ hôi, nắng gắt làm bỏng góc áo, sình mương nhuốm bẩn góc quần. Khổ cực như thế, ấy vậy mà vẫn không ai chịu ngừng nghỉ ngơi.
Trước hình ảnh mang màu sắc mộc mạc, bình dị như thế, cảm xúc trong lòng Ông Đồ Lỗ Sĩ thoáng chốc bừng lên. Bao ý tưởng mới mẻ bỗng dưng dâng trào, là một nhà thơ yêu thích vẻ đẹp bình dị nhân gian, Tây Uôn quả là nơi thích hợp để tìm cảm hứng.
Chuyện làng Tây Uôn có người từ phương xa đến thăm quan cảnh đẹp đã không còn là việc lạ lẫm với người dân sinh sống nơi đây. Tuy họ chẳng nồng nhiệt đón chào hay chủ động bắt chuyện nhưng ít nhất cũng không nói lời gai góc xua đuổi. Vì vậy, khi trông thấy hai người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong làng, họ cũng chỉ tò mò liếc nhìn vài cái rồi lại tiếp tục im lặng ai làm việc người nấy. Chẳng qua, cách ăn bận của hai người họ thật sự dễ khiến một vài người sinh lòng hiếu kì.
Áo gấm quần lụa không phải họ chưa thấy qua, tuy nhiên quần áo đẹp mà người mặc còn đẹp hơn thế thì đây quả là lần đầu tiên mới tận mắt trông rõ.
Không phải đẹp bởi bề ngoài, mà là đẹp từ khí chất tao nhã.
Người đầu tiên có vẻ lớn tuổi hơn người thứ hai, tóc người đã có vài sợi điểm bạc và trên gương mặt chằng chịt biết bao nếp nhăn dài. Song, ánh mắt người lại đặc biệt sáng sủa có thần, sự tri thức ẩn dưới đáy mắt người nọ khiến vài người nhìn vào đều phải dè dặt đến độ lúng túng đỏ mặt. Người thứ hai có lẽ ngoài hai mươi, ăn bận tươm tất ngồi bên dốc sườn đồi hờ hững nhìn xuống cánh đồng bao la. Gương mặt lạnh, đôi mắt lạnh, ngay cả cánh môi người cũng lạnh đến khô khốc tróc da.
Hai người họ đều có khí chất riêng biệt. Một người thì tỏa ra phẩm cách ôn hòa già dặn như đã trải qua bao đời dầm thấm mưa sương, người còn lại tuy tuổi nhìn khá trẻ nhưng sự chững chạc ẩn hiện trên gương mặt anh tuấn vẫn làm người khác nể trọng vài phần.
Họ trên dốc sườn đồi nhìn về phía núi cao rừng xanh, người thì vui vẻ huyên thuyên, người lại im lặng ngồi nghe không hé nửa lời.
"Đấy! Là núi Voi, là ngọn núi cao nhất ở Tây Uôn."
Ông Đồ kìm nén sự mừng rỡ trong giọng nói, chỉ tay về hướng đỉnh núi cao đằng xa với hình thù đầu nhọn hướng lên trời trông như cánh dơi lớn. Ông quay sang nhìn người bạn của mình, tiếp tục nói:
"Núi Voi ở Tây Uôn có một sự tích hay thế này."
Vào những năm xưa kia, khi triều Lý còn hưng thịnh trong lớp áo gấm vàng hoa lệ, chưa bị sự tàn phá của thời gian làm mài mòn gốc rễ chôn mình nơi biển cả. Làng Tây Uôn thời ấy còn có tên gọi khác là làng Lộng Hồ thuộc Diễn Châu Lộ bấy giờ. Trong làng có ông họ Đình tên Trình, hành nghề đốn củi sống cạnh kênh sông Đào, tuổi ông đã ngoài năm mươi thế mà vẫn sống lẻ loi một mình, quanh năm suốt tháng chỉ bầu bạn cùng chim chóc trong ngôi nhà xập xệ dựng bằng lớp cỏ xanh khô.
Năm ấy, lũ giặc ngoại xâm chia thành hai đội quân tiến vào đất bờ thành, một nửa quân giặc xâm chiếm Diễn Châu Lộ, nửa còn lại xông thẳng vào làng Lộng Hồ. Tay chúng cầm gươm đao, tàn bạo giết chết bao mạng người vô tội!
Máu dân ta, nhuốm đỏ lưỡi gươm sắc lạnh...
Dân chúng tán loạn chạy nạn, người già ngã gục bên đường, trẻ ấu nức nở gọi phụ mẫu biệt tăm, người không may chết vì kiệt sức, người may mắn tránh thoát mũi đao quân giặc, trớ trêu thay họ lại phải chịu cảnh chia lìa thân nhân đến cuối đời.
Ông Đồ nói đến hai mắt đã đỏ hoe rớm lệ. Ông bần thần nhìn đỉnh núi Voi đằng xa xa bằng sự kính trọng và nể phục thật tâm.
Trịnh Gia Mậu quay sang nhìn ông với vẻ ngỡ ngàng, trên gương mặt hờ hững bỗng gợn chút xúc động nho nhỏ. Là sự xúc động đang cố kìm nén, cố kìm nén sự đau đớn từ tận đáy lòng.
Chiến tranh kéo đến trong phút chốc thế nhưng đã tước đoạt vô số sinh mạng con người. Dân làng Lộng Hồ phân tán Nam, Tây, Đông, Bắc. Rồi chưa đầy ba ngày, làng Lộng Hồ đã trở thành mảnh đất hoang vu rét lạnh đâu đâu cũng là xác chết chồng chất ngổn ngang bên đường. Mà khi ấy, những ai có cơ hội lánh nạn đều tức tốc rời khỏi làng, duy nhất ông Đình Trình là vẫn kiên quyết ở lại bảo vệ mảnh đất quê hương đến cùng.
Ngày hôm ấy, mưa lớn ào ạt trút xuống, màu xám ảm đạm bao phủ vùng trời Diễn Châu.
Ông Đình Trình cầm cái cuốc cũ xông vào quân giặc hùng dũng lấy một đánh mười, tay ông giơ cuốc quất mạnh, lưỡi cuốc sắc bén hiên ngang cắt đứt cánh tay địch. Ông tự biết thân mình đã có tuổi lớn, dẫu gồng mình chống đỡ nhiều thế nào cũng chẳng thể đấu lại trăm ngàn cung gươm quân thù. Nhưng dù thế, ông vẫn dùng thân mình che chắn từng ngọn cỏ dại mọc nơi quê hương, dùng thân mình bảo vệ từng ngôi nhà nhỏ, từng nhánh lúa vàng, từng hàng cây xanh...
Dẫu trải qua bao đau đớn tra tấn, cũng quyết không quy phục.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cấp bách không thể tả, thì từ xa, mây đen bỗng lũ lượt kéo đến, kéo theo những tiếng sấm rền mạnh mẽ như thanh dao trổ sắc bén bay qua giữa trời, xé toạc màn đêm thăm thẳm. Sét đánh vút xuống hàng bụi mua, lửa nhỏ dần chuyển lớn, nhoáng cái đã rực đỏ một vùng. Địch chúng dè dặt chững bước, Ông Đình Trình nhân cơ hội thoát vòng vây địch chạy thẳng một mạch vào rừng sâu. Hiển nhiên giặc phía sau nào để yên, chúng chia nhau ráo riết đuổi theo quyết truy cho được ông, nhưng chúng nào ngờ ông Đình lại sử dụng ưu thế nắm rõ đường lối rẽ uốn khúc trong rừng dẫn dụ chúng vào tròng bẫy, giam giữ trong lối mê cung đều là cây xanh cao vây quanh.
Ông trèo lên ngọn núi cao nhất làng Lộng Hồ, vọt vào hang sâu, kéo ra hơn trăm bao lớn đựng voi độc. Ông đứng trên đầu đỉnh núi mắt nhìn xuống cánh rừng đang vây hãm lũ giặc tàn ác, gào thét:
Chính chúng! Lũ ghê rợn đã tẩm máu quê hương ông bằng những màn chém giết tàn nhẫn!
Mưa ngơi ngớt phần nào hạt nhẹ, bầu trời dần trong xanh trở lại. Thời khắc ấy, cũng là lúc ông dứt khoát mọi chuyện bằng một đòn thả lũ voi độc từ trên đỉnh núi xuống cánh rừng. Biển voi trôi theo đất cỏ bao phủ khắp nơi, tra tấn quân giặc dần dần bằng thứ chất độc ngấm sâu vào cơ thể, bắt chúng phải nếm trải cảm giác bị hành hạ đến khi chỉ còn một hơi thở cuối cùng!
Sau đó, ông mài đá châm lửa đầu đuốc tre rồi thẳng tay ném xuống, ngọn lửa cháy hừng hực trát lên những hàng lá xanh một màu đỏ vàng rực rỡ, đốt trụi khu rừng, cũng thiêu chết cả trăm tên giặc thời ấy.
Đó là sự tích về vị anh hùng làng Lộng Hồ, ông là niềm tự hào và là vinh quang của mọi dân. Vì vậy ngọn núi này mới có tên là núi Voi, hay còn gọi là núi Voi, đá Đình.
Đã kết thúc câu chuyện mà giọng ông Đồ vẫn chưa hết bùi ngùi xúc động. Ông thở dài, tay vuốt phẳng lại cổ áo xốc xếch của mình rồi nói:
"Tiếc thay kế sách của ông Đình Trình chỉ giết được trăm tên giặc ngoài chứ không cách nào hạ bệ được đoàn quân đông như kiến của chúng. Sau khi bị quân giặc truy lùng ròng rã suốt hai tháng, ông Đình Trình cuối cùng đã giã biệt cõi trần khi đang gắng gượng bơi qua con sông lớn ngoài thành."
"Cụ Đình Trình quả là bậc hào hiệp một cọi, dân chúng Tây Uôn ắt hẳn phải rất tự hào về cụ."
Nói đoạn, cậu Trịnh lại hỏi:
"Có một việc tôi nghĩ mãi cũng không thông, thay vì dùng ngọn đuốc thiêu rụi cánh rừng dưới chân núi Voi để dứt chuyện, cớ chi mà cụ Đình lại phải cực nhọc thả từng bao voi độc xuống đấy rồi mới dùng cách sau là thiêu chết bọn giặc?"
"Hỏi hay lắm cậu Trịnh."
Ông Đồ nhẹ giọng cười trả lời:
"Voi ông Đình Trình nuôi là giống voi độc xanh hiếm có, chất nhầy của chúng được tả giống như là nọc độc của loài rắn, nếu hòa vào lửa sẽ biến chất thành loại khói độc nguy hại."
Giải thích đến đây, ông Đồ bèn im lặng, trên gương mặt hiền hòa đượm vẻ thán phục đầy nể trọng. Cậu Trịnh trầm ngâm nhìn ông, tự hiểu được phần nào trong lòng khi nghe xong.
Cụ Đình Trình muốn dùng cách tàn nhẫn nhất mà cụ có thể thực hiện để trả thù rửa hận thay cho đồng bào của mình. Một hành động vô cùng dũng cảm, đồng thời cũng vô cùng tiêu cực.
Rặng mây trắng dần chuyển màu, sắc thái trong veo như gợn sóng dập dờn trên dòng nước biếc mướt mát. Luống cỏ dại mọc bên ven bờ khẽ lay lắt trước ngọn gió hiu hiu dịu nhẹ, thắp lên một màu cam nhạt nhòa từ góc trời xuyên xuống mặt hồ phẳng lặng. Qua giờ Ngọ⁽¹⁾, cái nắng sáng choang dần lụi khuất sau rặng núi bạc, màu vàng tươi như thước lụa mềm mại phủ kín nền trời, nhoáng cái đã sậm lại hóa thành màu nghệ sẫm đục.
"Làng Tây Uôn nổi tiếng là cảnh sắc hữu tình thơ mộng, người dân bản địa nơi đây tương đối cởi mở với khách từ phương xa ghé đến. Chẳng phải tôi dặm thêm lời khen chi, rượu ủ truyền thống của làng Tây Uôn phải nói là nổi danh gần xa, dẫu rằng không bì được rượu Đào rượu Mật ở quê cậu, song vị ngon đặc trưng riêng của nơi đây cũng không kém là bao."
"Nghe ông bảo thế thật khiến tôi sinh lòng hiếu kì muốn nếm thử một lần."
"Đến lúc đó, cậu Trịnh nhớ nhâm nhi thật kĩ vị ngon đậm đà của rượu ủ Tây Uôn."
Trịnh Gia Mậu là người yêu thích thưởng trà nhâm rượu, đồng thời cũng là người yêu thích tự do không chịu bó buộc. Từng ấy năm, cậu đã quen việc ròng rã đằng đẵng lấy trời làm phong cảnh ngắm nhìn, lấy đất là nơi an nhiên dừng chân. Bao năm du ngoạn khắp miền trời một nước, hiển nhiên không có của lạ nào mà cậu chưa từng trông qua nếm thử, nhưng thật tâm mà kể, những nơi cầm chân cậu được lâu, tính ra, vỏn vẹn không nhiều.
Bất kể là mặt phẩm cách hay kinh nghiệm, ông Đồ đều vạn lần hơn cậu. Nói về thẩm vị trà hay đánh giá độ quý của rượu thì còn ai giỏi hơn ngoài ông Đồ, người luôn được các Thi Sĩ suy tôn là bậc thầy lão làng. Từ xưa đến nay, cậu Trịnh là kiểu người thích theo gót các bậc trưởng bối học hỏi. Nay ông Đồ đã hết lời khen rượu Tây Uôn đến thế thì có thể khẳng định rằng, độ ngon không chỉ dừng mức "tạm được".
Ông Đồ là người lễ độ khiêm tốn, lời nhận định của ông lúc nào cũng đi kèm đôi ba lời nho nhã khách sáo. Cậu đã có hơn ngần ấy năm dài làm bạn cùng ông, bởi lẽ còn lạ chi tính ông nữa.
Vị trí sườn đồi nằm giữa điểm trời nắng gắt chưa tan, ông Đồ vừa đúng lúc ngồi cạnh mép dốc đồi, nắng từ khoảng cách gần xuyên qua kẽ lá chiếu xuống người ông, làm ướt mèm cổ áo và thấm nhèm bên nửa mảnh áo sau lưng. Ông cúi xuống buộc lại dây hài bị lỏng từ khi nào chẳng hay, đến chiếc kế bên phải, ông thoáng ngừng động tác chậm rãi nhìn ra đằng sau.
Nếu nói khung cảnh mặt trước sườn đồi đẹp do những thửa ruộng rộc trải dài hay rừng núi xanh thẫm cùng dòng sông đào nước biếc, thì mặt sau sườn đồi chính là đẹp bởi những tiếng cười giòn giã của trẻ thơ, khói bếp nhà nhà dâng cao, và cả sự rộn rã tràn trề sức sống của dân nơi đây.
Cảnh đẹp thế gian này, đến thế là cùng.
"Nắng trưa trời sắp lủi mất rồi còn đâu, cậu Trịnh có hay không ngửi thấy hương gạo trắng ngào ngạt đang lan tỏa xung quanh?"
Ông Đồ bắt đầu nổi hứng nói lời chữ nghĩa ẩn ý:
"Có mâm cơm đủ rau đủ thịt, có vò rượu nóng hổi mới hâm, thêm một đĩa mồi đậu trắng rang đường. Ta ngồi bên bàn, lặng lẽ ngắm cảnh quê bình dị."
Cậu Trịnh cất giọng khàn khàn:
"Có ngửi thấy, thơm thật đấy."
Cậu ngước nhìn bầu trời, nói thêm rằng:
"Chắc bấy giờ nhà nhà đều đang loay hoay trong xó bếp nhỏ với bữa cơm chiều, tự dưng tôi thèm thuồng đến độ cồn cào xót dạ đó ông Đồ."
Đoạn, cậu vỗ bôm bốp lên bụng, sau mới khoái chí đề nghị:
"Hay hai ta dạo quanh làng tìm quán ăn nào đó rồi ghé vào làm vài chầu nhậu lai rai. Ý ông Đồ thế nào?"
Ông Đồ bật cười, hiển nhiên là gật đầu đồng ý.
Quả là người bạn tri âm thấu tình đạt lý, ta nói nửa lời bâng quơ sáo rỗng, người không cần nghĩ thêm đã hiểu rõ nghĩa ý tường tận.
...
Dưới ánh chiều tà chấp chóa đổ bóng người, họ dạo bước trên đoạn đường im vắng rải đều những hòn đá dăm bạc ngoài rìa làng, lá liễu già đổ vàng, cánh hoa lê đượm trắng, khe khẽ lại nhẹ nhàng lay lay trong cơn gió thoảng rười rượi của buổi chiều bảng lảng bóng sương mờ. Hai bên lề cỏ lác mọc rậm rịt từng bụi dày đặc, trên mặt sông trải dài vô tận là rêu xanh trăm hàng bập bềnh, như cánh buồm trôi nổi theo cơn sóng dâng cao, để rồi chìm nghỉm mất dưới đáy biển khơi lạnh lẽo tăm tối.
Không khí trong lành, đâu đây thoang thoảng hương hoa lê dịu nhẹ.
Đến cuối ngõ đầu làng, có lũ trẻ con xúm xít bu lại thành vòng tròn, cứ xì xầm nói khẽ nói rỉ bên tai. Đứng giữa chúng là một cậu nhóc lùn tè có hơi gầy gò với chiếc áo xám ngoét mới toanh trên người.
Cậu chàng hất đầu với vẻ kênh kiệu, nhịp nhịp chân nói mà như lệnh:
"Tụi mày mau bủa đi tìm nhỏ Mắm về cho tao! Ai bắt được nó, tao thưởng cho đứa đó bát chè đậu đãi⁽²⁾ u⁽³⁾ tao nấu!"
"Mày nói thật chứ Chỏm? Bộ mày không sợ u tét mông mày bởi cái tội chôm chỉa nồi chè trong nhà à?"
Thằng Tổ nghe thằng Khởm nói thế bèn líu ríu kể:
"U mày dữ lắm, hổm tao qua nhà mày tính rủ mày ra đồng chơi, ai dè tao còn chưa nói hết câu thì u mày đã cầm roi lao tới muốn đánh tao. Cũng may tao phản ứng nhanh chạy thoát không thôi đã oan uổng ăn hết mấy cây roi của u mày rồi."
"Mày khỏi lo!" Thằng Chỏm tay vỗ lồng ngực chắc mẩm đáp: "Hôm nay quán nhà tao khách đông dữ lắm, nên u tao nấu tận ba nồi chè trong bếp lận. Tao lén múc ra một ít, u tao tinh mắt đến đâu cũng không cách nào biết được."
Nó nháy mắt với tụi bạn rồi lại chễm thêm lời:
"Tụi mày cũng biết chè u tao nấu ngon thế nào rồi đấy! Đậu xanh mua về hạt nào cũng tròn lẳn tươi đều, ủ với đường phèn rồi ngâm chung với nhụy sen non hảo hạng. Ngó thử khắp cái làng này, mấy ai nấu chè bán mà có tâm như u tao!"
U Chỏm nổi tiếng là người có tay nghề nấu chè gia truyền ngon nhất nhì trong làng, cái quán của thị nom xập xệ, chật ních, ấy vậy mà ngày nào khách cũng nườm nượp ra vào. Mỗi buổi sáng tinh mơ đầy nắng, mùi đậu xanh tỏa ra từ nồi chè đun sôi trong gian bếp nhỏ nhà thị vẫn như hôm nào thổi bừng hương thơm ngào ngạt sang khắp xóm giềng.
Thị giỏi thì có giỏi thật, ngặt nỗi tính nết lại quá hoạnh họe làm kiêu, khiến nhiều người chẳng mấy thích, cơ mà thị cũng có cái tốt để người ta lấy làm điều khen. Ví như là, làm việc ngăn nắp đàng hoàng, buôn bán sạch sẽ lại có tâm với nghề, tài nhất vẫn là miệng lưỡi ngọt lừ như mật dụ ong, làm vui lòng mát dạ không biết bao thực khách từ phương xa.
Ở đời thế đấy, có người ghét thì có người thương.
Thằng Chỏm nom gầy guộc thế thôi chứ sức nó khỏe như con trâu ngố, tay chân nhanh nhẹn còn hơn cả loài khỉ, bởi lẽ mới được lũ trẻ trong xóm tôn lên làm "Đầu lĩnh Bò".
Nay Đầu lĩnh Bò đã đưa ra lời đảm bảo nghe vô cùng "an toàn" thế kia, nhóm đàn em chuyên theo sau đương nhiên cun cút tuân theo lệnh mới ban hành, nào vén tay áo, xắn ống quần, điệu bộ đồng nhất đỗi lạ. Chúng bắt đầu phân tổ chia nhau, thực hiện cái gọi là nhiệm vụ được giao phó nghe sao thật oai, mặt mày đứa nào cũng hăng hái đến đỏ bừng, vài đứa trước khi đi tìm người còn không quên vác khúc gỗ dài lên đôi vai gầy gò rồi nghển đầu ra vẻ.
Đầu tháng Tám, mùa mận cơm mọc đầy cành, hình quả tròn lẳn lại nhỏ nhắn, chưa chín thì có màu xanh xanh, chín rồi thì là màu vàng nhạt đều đều, chúng mọc khắp bụi cây sum sê bên rìa đường quanh làng và được bao bọc an toàn trong những lớp lá to trên cành.
Ban nãy đang lúc đi dạo trong làng, ông Đồ trông thấy vài đứa trẻ rủ nhau chui vào bụi cây gần bên đường, xào xạo, xào xạc, một hồi sau đi ra thì túi áo đứa nào cũng đầy ắp những quả mận xanh. Ông Đồ nổi hứng rủ cậu Trịnh chui vào xem thử, sau mới ngỡ quả không thể trông mặt mà bắt hình dong. Nhìn từ xa, hàng bụi cây có vẻ rậm rịt hoang vu, chi chít bởi lũ sâu bọ mò mồi, nhưng không ngờ rằng, đằng sau sự tĩnh lặng tưởng chừng như tầm thường ấy hóa ra lại là một vùng trời quả dại ẩn hình.
"Cậu Trịnh đã từng ăn qua mận cơm này chưa?"
"Ở Thăng Long, gần huyện nhà tổ tôi có vài cửa hàng hoa quả bán loại mận cơm giống thế này, nhưng là mận cơm chín vàng. Vị ngọt, thịt quả rất giòn."
Ông Đồ ngắt một quả trên cành, dùng tấm khăn lụa màu trắng lau sạch lớp lông tơ bọc quanh vỏ quả xanh rồi đưa cậu Trịnh.
"Mấy người lái buôn đó dĩ nhiên chỉ hái quả chín rộ để bán lại với giá cao, còn những quả xanh thế này họ nào có chịu để ý đến."
"Cũng phải. Mấy cô cậu nhà cao cửa rộng ở Thăng Long đã quen ăn ngọt nếm đường, mấy quả vừa chát vừa chua thế này đời nào họ chịu mua."
Cậu ước lượng cân nặng quả trong lòng bàn tay rồi há miệng cắn nửa bề mặt. Chua giôn giốt, có vị hơi chát, nhưng đổi lại thịt quả rất giòn và mọng nước.
Mận cơm mọc rất nhiều, đa phần đều là những quả xanh chưa đến mùa gặt chín. Ông Đồ hái một ít quả bỏ vào chiếc túi gấm đeo bên hông, vừa hái vừa thở dài:
"Sắp nhỏ trong làng này trông thật kháu khỉnh và hoạt bát, nhìn chúng nó chơi vui thế kia, tôi thấy mình đã già thật rồi."
"Tôi thấy chúng nó chính là lũ quỷ ranh ma! Mới tí tuổi đầu đã tụ tập bè phái ức hiếp người khác."
Ông Đồ bật cười, bỗng thườn thượt nói:
"Tự dưng tôi nhớ đến vài chuyện hồi còn nhỏ, thầy⁽⁴⁾ tôi lúc ấy rất nghiêm khắc, hàng ngày thầy bắt tôi phải đọc sách rèn chữ, đến tối trước khi ngủ người cũng buộc tôi đọc thuộc lòng từng ấy quyển Kinh Sử dày cộm ngàn trang. Thầy không cho phép tôi đi chơi cùng bạn bè, càng không cho phép tôi tiếp xúc với những đứa trẻ nông thôn gần nhà. Tuổi thơ của tôi, quanh năm suốt tháng dường như chỉ có sách vở, thơ từ ca phú là bầu bạn cùng tôi."
"Thế hoàn cảnh của ông cũng gần giống tôi rồi."
Cậu Trịnh cắn tiếp quả mận cơm đang cầm, chuyện ông Đồ kể tự dưng gợi về trong tâm trí cậu những kí ức xưa cũ đã phủ đầy bụi. Thoáng chốc, giọng cậu trở buồn:
"Khác là người bắt ép tôi làm những điều tôi không muốn lại là u tôi. Một quý bà cao sang thích khoác lên mình chiếc áo gấm chói ngời."
Bầu không khí thoắt cái trở nên nặng nề. Ông Đồ hiểu ý lảng sang chuyện khác:
"Kể ra thì những đứa trẻ trong làng này may mắn hơn cả tôi và cậu Trịnh rồi."
"Chúng chính là sống trong phúc mà không biết hưởng." Cậu trừng mắt nói lớn: "Thay vì cùng bạn bè làm những điều giúp ích cho làng thì chúng lại giở ba cái trò ỷ thế hiếp người, đáng ghét nhất là chúng còn tính ủ mưu chôm chỉa đồ trong nhà nữa chứ!"
Nói xong, cậu nghiêng đầu vén lớp cỏ xanh nhìn ra bên ngoài. Lũ nhóc tổ năm tổ bảy thành một hàng dài vừa nãy đã giải tán không còn ở chỗ cũ nữa. Nhớ tới giọng điệu rõ láo của thằng nhóc gầy gò được gọi là Chỏm kia, cậu không nén nỗi tiếng cười khinh thường:
"Một đám con trai hùa nhau ăn hiếp một cô bé. Ắt hẳn thầy u chúng rất tự hào."
Vào lúc cậu và ông Đồ đang ngồi nghỉ dưới bóng râm trò chuyện thì từ xa, một đám nhóc lũ lượt kéo đến, ồn ào không ngớt. Cầm đầu là thằng nhóc gầy gò nhất nhóm, đồng thời là đứa có giọng nói to, khỏe nhất trong chúng.
Dẫu đã ngồi trong góc khuất cách chúng khá xa thế mà tiếng nói kiêu căng của cậu nhóc đó vẫn truyền đến tai hai người, vì vậy họ mới nghe rõ mồn một không sót một chữ.
"Nhưng tôi cảm thấy lạ lắm." Ông Đồ nhíu mày hỏi: "Đi truy tìm một cô bé thì có cần kêu gọi một nhóm hơn mười người vậy không?"
"Có lẽ chúng muốn ra vẻ ta đây."
"Cũng có khả năng này lắm, chẳng qua tôi vẫn cứ thấy là lạ…"
Vừa dứt lời, ông vén lớp lá chắn ngang đằng trước bước ra ngoài, nhìn phong cảnh vắng lặng bên đường ông bỗng nhướng mày tủm tỉm.
"Theo tôi thấy thì việc đi tìm một cô bé không khó đến mức phải rủ rê nhiều người như thế. Huống chi vì muốn bắt một người mà phải mạo hiểm trộm đồ trong nhà thế kia... thì quả thật quá ngốc nghếch rồi."
Cậu Trịnh từ khó hiểu dần chuyển sang kinh ngạc, suy ngẫm kĩ càng, thật sự mới thấy nhiều điểm rất lạ.
Nào có ai tìm người mà lại xắn tay áo, xắn ống quần, vác gỗ lên vai thế kia. Tầm này rõ ràng là đang muốn tìm người tẩn cho một trận nhừ tử mà!
"Lẽ nào..." Mặt cậu tái mét khó mà tin được. "Chúng tính bắt cô bé đó rồi đánh... sao?"
"Việc này... tuy rằng nhìn bọn chúng có vẻ hơi ngang tàng thật, nhưng tuyệt không giống kẻ máu lạnh tàn nhẫn, với lại tuổi của chúng còn quá nhỏ."
"Cứ đi theo chúng là biết ngay thôi mà! Nếu chúng thật sự là lũ man rợ như suy đoán của tôi thì tôi sẽ bắt từng đứa rồi treo ngược lên cây, sau đó mời thầy u của tụi nó đến dạy dỗ chúng đàng hoàng!"
Cậu Trịnh tính khí vốn nóng nảy, từ xưa đến nay ghét nhất là những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, gặp chuyện bất bình cậu tự khắc sẽ liều mình tương trợ. Trong quan niệm của cậu không có lớn hay nhỏ, chỉ có đúng hoặc sai. Cho nên, ông Đồ không ngăn cản cậu ngược lại còn âm thầm ủng hộ.
Bản thân ông cũng vô cùng tò mò sự việc lần này.
Rốt cục là ai mạnh ai yếu? Là kẻ nào bị đánh kẻ nào cần trốn?