Truyện ngắn [Truyện ngắn dã sử] Vạn Xuân

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
upload_2022-6-27_18-23-49.png

Long Biên thành(1), năm Thiên Đức(2) thứ nhất, tháng 6.
Giờ Hợi hai khắc, điện Vạn Phúc(3) phía bắc điện Vạn Thọ(4), nàng đang ngồi trước gương tháo chiếc khuyên tai đặt xống hộp. Tỳ nữ Lan đứng sau nàng đang nhẹ nhàng nâng mái tóc nàng chậm rãi chải, cô khẽ thở dài rồi cất tiếng:
- Hoàng hậu người thật là xinh đẹp, vậy mà Bệ hạ ngày nào cũng về muộn, ngài không cảm thấy tiếc nuối chút nào sao?
Nàng im lặng một lát mới lên tiếng:
- Em đừng nói như vậy, Bệ hạ giờ đã là người đứng đầu muôn dân, trách nhiệm lớn, công việc nhiều. Nước nhà vừa mới đổi chủ, cần có thời gian để yên lòng người.
- Em không hiểu, trước đây khi còn đang dựng nghiệp ngài cũng không về muộn như vậy. Bây giờ chí lớn đã thành, bách tính an cư sao mà ngài còn bận nhiều hơn cả lúc trước. Người và Bệ hạ đã ở cùng nhau đã lâu như vậy rồi vẫn chưa có được một đứa con, ngài không lo tới việc này lẽ nào người cũng không lo sinh một tiểu hoàng tử để kế vị hay sao? – Tỳ nữ Lan lại nói.
Lan theo hầu nàng từ khi mới được gả cho Nam Đế, quan hệ của hai người rất thân thiết, nàng hiểu Lan nói vậy chỉ là đang quan tâm chứ không hề có ý thất lễ hay trách móc.
- Ta tất nhiên là đã nghĩ tới chuyện này chứ. Ta cũng đã tự có dự tính, nếu ta không thể sinh được con cho Bệ hạ, ta sẽ tuyển cho người vài vị phi tử thay ta làm chuyện này vậy. – Ngưng lại một lát, nàng nói thêm – Lần sau đừng nhắc đến việc này nữa, Bệ hạ còn bận nhiều chính sự, các em đừng nhắc đến chuyện này trước mặt người làm người thêm phiền nghĩ.
Qua một lúc mà Bệ hạ vẫn chưa về, nàng lại đem hộp kim chỉ ra may may vá vá. Nàng may vá rất khéo, quần áo của người trước đây đều do nàng tự tay may cho, đến khi lên ngôi xưng Đế thì nàng không làm nữa, đã có những người khác phụ trách việc này, nhưng thỉnh thoảng nàng vẫn may vài thứ linh tinh cho người, lúc thì chiếc đai lưng khi thì đôi tất. Lần này nàng đang may một chiếc túi hương, Bệ hạ bận rộn thường về muộn, túi hương này giúp người an thần dễ ngủ.
- Nương nương, sao người không thêu đôi phượng hoàng, bây giờ Bệ hạ và người thân phận cao quý, uyên ương làm sao xứng với hai người? – Tỳ nữ Lan đứng cạnh đó lại lên tiếng.
- Ta chưa bao giờ thêu phượng hoàng, cũng ít khi nhìn thấy loài đó nên không biết phải thêu làm sao. – Nàng đáp lại.
Nàng xuất thân từ nông gia, việc gia chánh nàng đều thuần thục, những thứ đồ cao quý của bậc hoàng gia nàng trước kia không dám để ý tới, càng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình trở thành mẫu nghi thiên hạ.
Lát sau một tỳ nữ khác bên ngoài rảo bước đi vào, nói:
- Hoàng hậu, điện Vạn Thọ vẫn còn sáng đèn. Cả Thái úy và ngài Thượng thư cũng có ở đó.
- Ta biết rồi. Hoa em đi nấu nước nóng để lát nữa người về ngâm chân. Lan em thay trà mới đi, trà nguội rồi. – Nàng nghe rồi nói với hai cô tỳ nữ, Hoa là tên của tỳ nữ mới tới.
Hơn một canh giờ sau, vua mới chậm rãi bước về tới điện Vạn Phúc. Tới trước cửa phòng, người khoát tay ý bảo bọn nô tài và tỳ nữ phía sau lui đi. Thấy Bệ hạ đã về, nàng liền sai Hoa và Lan mang nước ấm tới cho người rửa mặt ngâm chân. Nàng giúp Vương cởi áo bào ra treo lên giá rồi vừa rót một chén trà vừa nói:
- Có chuyện gì mà khiến chàng ưu phiền như vậy? Sắp có chiến sự nữa sao?
- Phương Bắc lại phái binh tới. – Vua thở dài một tiếng rồi đáp ngắn gọn, mấy việc chinh chiến đối với nàng cũng không lạ gì, trải qua bao nhiêu năm cùng nhau vua không thể giấu nàng điều gì, cũng không muốn giấu.
Vừa nói xong thì hai tỳ nữ đã bưng hai chậu nước tới, một chậu đặt lên kệ là nước rửa mặt, một chậu đặt dưới đất là nước ngâm chân.
- Hai em lui về đi, cứ để ta làm. – Nàng nói với hai tỳ nữ, đợi khi hai người họ rời đi khép cửa lại mới quay sang Vua hỏi thêm – Chàng đã có kế sách chưa?
Nàng theo vua chinh chiến cũng không ít lần, những chuyện như thế này không phải là lần đầu tiên nên cũng không quá lo lắng.
- Vẫn chưa. Nhưng cũng không vội, ta đã cho người đi do thám tin tức, chúng mới tới Giang Tây, từ Giang Tây tới đây ít cũng mất ít nhất hơn một tháng, ta đang tính trước mấy khả năng, chờ khi tin tức về sẽ có chiến lược cụ thể. – Vua đáp lại.
- Chàng là người nhân đức, dân chúng ai cũng biết, ai cũng thuận theo. Có được lòng dân ắt có sức mạnh. – Nàng nghe Vương nói thì hơi yên tâm, nói lời động viên. Nàng nhỏ hơn vua mười tuổi, theo vua hơn 10 năm, nàng cũng không phải nữ tử an phận thủ thường, binh thư đã từng đọc qua mấy cuốn, tất nhiên cũng hiểu đạo lý quân dân đồng lòng.
Mấy ngày sau đó, Vua tập trung binh lực dốc sức rèn luyện chuẩn bị nghênh địch. Sau hơn một tháng, rốt cuộc địch đã tới nhưng không phải bằng đường bộ mà là đường thủy. Năm vạn quân Lương từ Phiên Ngung do Trần Bá Tiên làm Tư mã, theo là các tướng Tiêu Bột và Dương Phiêu tiến vào Giao Châu từ phía đông ở cửa sông Bạch Đằng. Vua cùng các Thái úy là Phạm Tu, Thái phó Triệu Túc, Thượng thư là Tinh Thiều làm quân sư đem ba vạn quân ra nghênh đón, đánh chặn đường tiến công vào kinh thành của địch tại cửa Chu Diên(5). Phạm Tu dẫn đầu tiền quân làm tiên phong, Thái phó Triệu Túc cùng các tướng Trịnh Đô, Tam Cô chỉ huy trung quân, trong cùng là vua cùng Triệu Quang Phục chỉ huy hậu quân.
Lực lượng hai bên chênh lệch lớn, cả về số lượng và chất lượng. Quân Lương năm vạn đều là tinh binh đã được huấn luyện, Tư mã Trần Bá Tiên nổi danh tài trí mưu lược, địa vị trong triều đình phương Bắc cũng không không nhỏ, tướng Tiêu Bột dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Dương Phiêu được phái tới làm Thứ sử Giao Châu, đến để trị một châu nổi loạn ắt không phải người đơn giản. Còn quân Vạn Xuân chỉ có ba vạn, quân trang so với địch tất nhiên không bằng, tuổi lớn trẻ đều có, thời gian huấn luyện chưa lâu, trừ một số ít đã theo vua từ trước thì phần lớn đều là tân binh chưa tới một năm. Quân địch chỉ có một yếu điểm là hành quân xa sẽ ít nhiều mỏi mệt, quân của Tiêu Bột từ Định Châu tới cách xa ngàn dặm, lại không quen thủy thổ. Sau nhiều ngày giao chiến, quân Vạn Xuân cầm cự không được, bại ở Chu Diên, phải lui về tới cửa sông Tô Lịch(6) lại bị thua, Thái úy Phạm Tu cùng mấy ngàn quân tiên phong đều đã hi sinh tại đây. Quân Vạn Xuân giờ chỉ còn lại hơn nửa, lại phải chạy về thành Gia Ninh(7) trấn thủ. Quân Lương đuổi theo vây trước cửa thành.
Lúc này đã là cuối năm, dân chúng hai nước đều có tục mừng năm mới, lại thêm hai bên lúc này đã giao chiến liền mấy tháng, quân sĩ đều mỏi mệt, người chết nhiều, thương binh cũng không ít, vì hai lý do này mà không ai nói với ai đều cùng ngưng chiến. Nhưng Trần Bá Tiên không vội đánh thành Gia Ninh còn có nguyên do khác đó là công thành luôn khó hơn đánh chiến trực diện rất nhiều.
Dù vậy nhưng yên ổn cũng không được bao lâu, một ngày sau Tết Nguyên tiêu, đêm, quân Lương bất ngờ tấn công đánh thành Gia Ninh. Cả hai bên đều đã nghỉ ngơi đủ, thay vì đánh trận nhỏ vừa mất thời gian lại khiến đối phương dốc tâm phòng thủ chi bằng đánh một trận lớn, tốc chiến tốc thắng. Quân Lương rất nhanh tiến gần tới gần cổng thành, cách chỉ còn khoảng một dặm. Triệu Túc lúc này thay thế Phạm Tu dẫn quân tiên phong nghênh chiến. Nhưng thế địch mạnh lại bất ngờ, quân tiên phong không giữ được bao lâu phải lui về thủ thành. Quân Lương được thế lại tiến công càng mạnh. Tường thành cao mấy trượng, chúng từ bên ngoài dùng thang leo, lại vừa dùng khúc thân gỗ to đập phá cửa thành, phía sau còn có đội cung tiễn và hai máy bắn cầu lửa. Quân ta ở trên thành ngăn đội leo tường bị trúng tiễn địch hi sinh không ít. Trung quân do Trịnh Đô và Lý Phục Man chỉ huy cũng kịch liệt ngăn địch vào thành, vua và Triệu Quang Phục ở vòng trong cùng theo dõi, hỗ trợ viện binh. Cửa thành bị phá, quân tiên phong và trung quân chặn chiến, được hồi lâu Triệu Quang Phục thấy phía trước không ổn xin xuất quân chi viện, vua đồng ý.
Quang Phục dẫn quân vừa ra tới thì đúng lúc có một mũi tên xoẹt ngang qua, quay sang nhìn đã thấy mũi tên cắm vào giữa ngực vị chỉ huy quân tiên phong. Cậu bất giác kêu lên một tiếng “Cha!”, mũi tên thứ hai bay tới nhưng Triệu Túc đã kịp tránh được. Kẻ bắn tên chính là Tiêu Bột, hắn trước khi tới Giao Châu còn e sợ đường xa, thế mà mới thắng mấy trận đầu đã huênh hoang đứng giữa cổng thành giương cung. Quang Phục trực lao thẳng tới hắn nhưng mới được một đoạn thì dừng lại. Tiếng binh khí va vào nhau, tiếng hô hào kêu la của binh sĩ, tiếng lửa cháy ngùn ngụt, âm thanh xung quanh đinh tai nhức óc nhưng cậu như nghe có tiếng gọi. Cậu nghe thấy không phải bằng tai mà là nghe được từ tâm, nghe bằng một sợi cảm giác vô hình nào đó, mơ hồ nhưng vô cùng thân thuộc. Cậu quay đầu lại, là cha đang hô lớn gọi cậu quay về. Cậu vừa tới ông cũng trực khuỵu xuống, vết thương từ mũi tên trên ngực cộng thêm ra sức kêu lớn khiến ông mất sức thở mạnh. Quang Phục rất nhanh nhảy xuống ngựa đỡ lấy cha.
- Đi! Mau! Đưa Bệ hạ rời khỏi ngay bây giờ, chúng ta không thể trụ được bao lâu nữa. Trong nửa canh giờ phải rời khỏi đây. Ta sẽ cầm chân chúng rồi rút quân theo sau. – Triệu Túc không để đứa con kịp nói gì đã lên tiếng ra lệnh. Ông đã hơn 60 tuổi, cùng Nam Đế chinh chiến bao năm từ thuở đầu dấy binh, ông biết quân ta không thể cầm cự được bao lâu nữa, nếu còn không rút sẽ đều phải chết.
- Không! Cha bị thương rồi, cha trở về cùng Bệ hạ rời khỏi. Con ở đây thay người. – Quang Phục lập tức phản đối.
- ĐÂY LÀ QUÂN LỆNH! – Triệu Túc nhìn thẳng đứa con thét lớn – MAU ĐI ĐI!
Nói rồi ông đứng thẳng dậy, bẻ gãy mũi tên trên người tiếp tục xông ra chém liền mấy tên địch. Quang Phục biết ý cha đã quyết sẽ không thay đổi, tình thế cấp bách đành leo lên ngựa chạy vào trong thành.
Vua và Hoàng hậu cùng gia quyến các vị trọng thần rời khỏi thành Gia Ninh đi về hướng tây bắc. Đi liên tục gần tới giờ Thìn ngày hôm sau mới dừng nghỉ. Trên đường đi đều để lại ám hiệu cho quân của Triệu Túc rút lui theo sau. Dừng nghỉ qua giờ Ngọ lại tiếp tục lên đường, đoàn người hướng tới vùng đất Tân Xương(8) của người Lão. Người Lão trước đây từng chịu ơn của Vua, sau khi lên ngôi vua đối đãi cũng không ít hậu thuẫn. Sau khi rời khỏi thành Gia Ninh một quãng xa, tốc độ di chuyển cũng chậm lại.
Mãi tới cuối giờ Tuất, một đoàn lính chưa tới 5 ngàn mới rệu rã tiến tới, thương binh nhiều lại thêm mệt mỏi đói khát khiến họ trông vô cùng tàn tạ. Quang Phục dù đã nghĩ tới kết quả xấu nhất nhưng khi nghe lời báo cáo của phó tướng Trịnh Đô, cậu cảm thấy như có tia sét giáng xuống, đầu óc choáng váng – cha cậu đã hi sinh. Hai tên lính khênh cáng tới, bên trên phủ một lớp vải thô trắng, cậu quỳ phục xuống bên cạnh, dỡ tấm vải ra, đưa tay lau lau vết máu đã khô trên mặt người cha. Cậu không nói gì, không khóc, cũng không hề biểu lộ biểu cảm gì, cậu đang rất bình tĩnh và vô cảm.
Nửa năm sau, Nam Đế ở Tân Xương chiêu mộ và tập hợp được không ít lực lượng, tới nay đã có gần hai vạn quân, nhiều trong số đó là người Lão, lính tráng chiếm phần lớn, binh sĩ ngày ngày luyện tập không ngơi nghỉ, người dân giúp rèn đúc vũ khí, vua cũng cho chuẩn bị thuyền lớn nhỏ các loại sẵn sàng tiến đánh bằng đường thủy.
Mấy tháng đầu mới tới đây, Vua bận nhiều nhưng sau dần mọi sự ổn định, người cũng không còn hay về muộn nữa. Hôm nay Vua cùng nàng ăn cơm tối xong, như thường lệ, người ngồi đọc sách, nàng ngồi đối diện may may vá vá, thỉnh thoảng nàng cũng có luyện chữ.
- Nàng đang may gì vậy? – Vua đang đọc sách liếc thoáng qua thấy vật nàng may lạ mắt nên dừng lại hỏi. Bình thường người không quá để ý nàng may cái gì, có lúc là cái áo cái quần, có lúc là khăn tay, túi hương. Nàng thích may vá nên Vua luôn để cho nàng thoải mái.
- Là áo trẻ con. – Nàng nhìn Vua mỉm cười nhẹ nhàng nói.
- Là con của ai mà có diễm phúc được Hoàng hậu may áo cho vậy? – Vua nhìn nàng một lát rồi mới hỏi đùa. Thực ra từ ánh mắt và giọng điệu của nàng người đã biết được bảy tám phần, nhưng không hề biểu lộ ra ngoài. Hai người làm vợ chồng lâu như vậy cũng chưa có con nên cũng không vội mừng, dù sao thỉnh thoảng nàng cũng may mấy đồ linh tinh tặng phu nhân, tiểu thư con các quan.
- Là con của chàng đó. – Nàng vừa nói vừa kéo mũi kim.
Vua nghe vậy liền hơi nhổm người dậy, hớn hở cười:
- Nàng có rồi sao?
- Y sư nói được hai tháng rồi. – Nàng đáp lại cố ý thêm hai chữ y sư để khẳng định.
Vua lúc này mới bỏ sách xuống, đi tới ôm lấy nàng. Dù trong lòng đang rất kích động, vui sướng muốn hét lên thật to nhưng nơi đây không phải điện Vạn Phúc, xung quanh còn nhiều binh lính canh gác và gia đình các quan, nếu kêu lên sẽ làm kinh động tới mọi người mất.
(Còn tiếp)
______________
Chú thích:
(1) Long Biên thành: Đại Việt Sử ký toàn thư chép “Bấy giờ các thủ lệnh hà khắc, người Lâm Ấp cướp biên giới, vua dấy binh đánh đuổi, xưng làm Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.”, trong đó cũng giải thích Long Biên bấy giờ không phải là Hà Nội, cũng chưa rõ vị trí chính xác thành Long Biên. Ngày nay nhiều người công nhận kinh đô của nhà nước Vạn Xuân tại vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội).
(2) Thiên Đức: niên hiệu của nhà nước Vạn Xuân khi Lý Nam Đế lên ngôi, tức năm 544.
(3) Điện Vạn Phúc: nơi ở của Vua và Hoàng hậu, tên do người viết tự đặt.
(4) Điện Vạn Thọ: nơi triều hội của Vua.
(5) Chu Diên: phía dưới sông Lục Đầu, vào khoảng lưu vực sông Thái Bình (Theo ĐVSKTT)
(6) Cửa sông Tô Lịch: bấy giờ sông Tô Lịch còn là một nhánh của sông Hồng mà Hồ Tây chưa có, cửa sông Tô Lịch bấy giờ vào khoảng Hồ Khẩu (gần chợ Bưởi) trên Hồ Tây ngày nay (Theo ĐVSKTT).
(7) Thành Gia Ninh: ở vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ
(8) Tân Xương: huyện Phong Châu, Phú Thọ
______________________
Vài lời của tác giả: Cốt truyện chủ yếu dựa trên những sự kiện lịch sử có thật, nhưng những diễn biến và chi tiết cụ thể được viết dựa trên tưởng trượng và hư cấu của tác giả, truyện không có có giá trị tham khảo về mặt lịch sử.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Re: [Truyện ngắn dã sử] Vạn Xuân
[Truyện ngắn dã sử] Vạn Xuân (phần 2)

Mọi chuẩn bị rất nhanh đã xong, thêm nửa tháng, Vua bắt đầu xuất quân hướng về thành Gia Ninh. Những võ tướng tài lược và thân cận nhất đều đã hi sinh gần hết trong những trận đánh trước, lần này tiến công là đích thân vua trực tiếp chỉ huy. Biết được thực lực quân Lương từ những thất bại lần trước nên ta chủ động đánh chậm mà chắc. Trước đây, quân Lương sau khi chiếm được thành Gia Ninh thì đóng quân phục ngay cửa sông, quân Vạn Xuân không thể chính diện đối chiến. Đoàn quân tiến tới khu vực hồ Điển Triệt đóng ở đây, thuyền lớn nhỏ đậu chật cả hồ, quân Lương toan tiến vào hồ phá trận nhưng không cách nào vào được, mấy lần đều bị đánh lui đành phải phục đóng ở cửa hồ. Lúc này đã qua tháng Chín, cuối thu đầu đông, trời ít mưa, nước trong hồ thấp dần quân Lương càng khó tiến công vào được. Vua nhận thấy quân địch lộ ra yếu điểm, chúng sang đây đã lâu, không có tiếp viện, lại không hợp thủy thổ ở đây, để lâu lòng quân ắt sẽ suy yếu, chỉ cần thủ chắc ở đây đợi khi địch rệu rã hẳn, khi đó tiến công sẽ càng chắc thắng.
Được hơn một tháng, trời bắt đầu chớm đông, bỗng một đêm trời bất ngờ nổi giông to, sấm chớp đùng đùng, mưa lớn trút xuống ầm ầm. Mưa suốt mấy ngày không ngớt, nước sông lên mạnh dâng cao hơn bảy thước tràn cả vào trong hồ. Trần Bá Tiên không bỏ lỡ cơ hội tốt trời ban nhanh chóng nhân đó đem quân theo dòng nước tiến vào.
Nàng đang ngồi trong thuyền xâu chỉ thêu, tỳ nữ Hoa bưng bát thuốc hớt hải chạy vào, giọng khẩn trương:
- Hoàng hậu, quân Lương đánh tới rồi. Bên ngoài đang rất loạn người đừng có ra ngoài. Thuốc an thai người mau uống khi còn nóng.
- Sao mà nhanh như vậy! Tình hình bên ngoài sao rồi? – Nàng đang ngồi liền đứng phắt dậy, tự nhiên trong lòng dâng lên nỗi bất an, chưa bao giờ nàng cảm thấy như vậy. Trước đây, mỗi lần Vua ra trận nàng sẽ theo bên cạnh người, nhưng từ khi trở thành Hoàng hậu, Vua không cho nàng theo nữa, lần này nàng đang có mang nên lại càng không thể bước ra ngoài.
- Em cũng không rõ, chỉ thấy các thuyền đều tiến về phía trước hết rồi, chỉ có vài thuyền ở lại bảo vệ chúng ta mà thôi. Nhưng người đừng quá lo, khí thế quân ta rất mạnh lại có Bệ hạ thống lĩnh, nhất định sẽ chiến thắng. – Hoa đáp lại, cô biết nàng đang lo lắng nên trấn an.
Gần hai canh giờ trôi qua, tiếng gươm giáo cùng tiếng la hét ngày càng rõ hơn, rõ ràng là địch đã tiến sâu vào trong hồ rồi. Mưa vừa ngớt chưa được mấy lúc lại tiếp tục trút nước. Nàng sốt sắng đi qua đi lại suốt gần nửa canh giờ.
- Hoàng hậu người đừng đi tới đi lui nữa, người ngồi xuống nghỉ chút đi. Bệ hạ anh dũng thiện chiến, lại có Triệu Tướng quân bên cạnh nhất định chúng ta sẽ an toàn thôi. – Lan thấy bộ dạng của nàng cũng không khỏi lo lắng, bèn lên tiếng.
Lan vừa nói xong thì thuyền động, hỏi lính canh thì hắn nói là lệnh của Bệ hạ cho thuyền rời đi trước, hỏi phía trước có chuyện gì thì hắn ậm ừ nói không rõ. Nàng thấy có điều không ổn, nếu là trước đây có những người như Phạm Tu, Triệu Túc, Lý Công Tuấn thì nàng có thể miễn cưỡng rời đi, nhưng bây giờ bên cạnh người chỉ còn lại Triệu Quang Phục, Trịnh Đô, Tam Cô, nhất định là sẽ có nhiều nguy hiểm. Nghĩ tới đây nàng liền chạy ngay vào khoang thuyền cởi áo choàng ngoài ra, mặc nhanh bộ võ y thường ngày vào, cầm lấy thanh kiếm rồi chạy ra ngoài lệnh cho một tên lính dẫn nàng tới chỗ Bệ hạ.
Trời còn đang mưa to, tên lính do dự chưa kịp lên tiếng thì chiếc thuyền bên cạnh có tiếng đâm chém cùng tiếng la hét, một tên lính Lương xuất hiện. Thuyền lúc này đang di chuyển, nàng lợi dụng lúc mui hai chiếc thuyền tới gần nhau thì nhảy vọt qua, hướng về phía chiến tuyến. Mấy tên lính thấy vậy liền chạy theo bảo vệ, hai tỳ nữ không đủ sức theo kịp nàng chỉ có thể chạy tới mạn thuyền hô to bảo nàng hãy cẩn thận.
Phía trước thuyền lớn thuyền nhỏ đều rất hỗn loạn, địch ta lẫn lộn lại thêm mưa lớn ảnh hưởng tầm nhìn. Bỗng một tên địch leo từ dưới mạn thuyền lên, nàng không do dự chạy tới vung một kiếm chém chết. Bên dưới còn hai tên nữa, chúng đi bằng ghe tới, nàng không nghĩ nhiều lập tức nhảy xuống giết được hai tên kia rổi ném xác chúng xuống nước. Nàng khoát tay lệnh hai tên lính xuống thuyền, một người chèo thuyền một người yểm hộ cho nàng tiến về phía trước. Thuyền chỉ huy là chiếc thuyền lớn nhất đang được quây xung quanh bởi rất nhiều chiếc thuyền lớn khác, thuyền nào cũng đều có địch, cảnh tượng hỗn chiến vô cùng ác liệt. Cách đó chừng mươi trượng là đội thuyền của địch, bên đó hỗn loạn không kém bên này, tiếng hò reo cùng tiếng trống nổi đùng đùng liên hồi điếc cả tai, một chiếc lâu thuyền rất lớn ở trung tâm, hẳn là thuyền chỉ huy của chúng.
Nàng bơi thuyền nhỏ khó khăn lách qua những khe thuyền lớn tiến vào trong, thuyền chỉ huy rất lớn nên phải dùng thang dây để leo lên. Lúc sắp tiếp cận được thuyền chỉ huy thì có tiếng pháo hiệu ở phía sau, là tín hiệu báo nguy hiểm của hậu quân, chính là vị trí thuyền của nàng khi nãy. Lên tới nơi nhìn thấy Vua vẫn an toàn nàng mới cảm thấy hơi yên lòng. Nàng xuất hiện khiến Vua thoạt đầu là bất ngờ, sau đó liền thở phào nhẹ nhõm, vừa nãy người mới thấy tín hiệu báo nguy hiểm ở phía sau, còn đang nghĩ cách xử trí thì nàng đã bình an tới đây.
- Sao nàng lại ăn mặc thế này? Nhưng nàng không sao là tốt rồi, từ giờ hãy ở bên cạnh ta, không được rời khỏi ta nửa bước biết chưa! – Vua bước nhanh tới phía nàng vừa mừng vừa sốt sắng nói.
Một lát sau tin tức từ hậu quân báo tới phía sau đã an toàn, toàn bộ địch đã bị giết, vua cũng bớt lo lắng phần nào rồi điều thêm một nửa binh lực từ hậu quân tiến lên chi viện. Lúc trước bố trí một lực lượng khá lớn ở phía sau nhằm bảo vệ Hoàng hậu nhưng giờ không cần nữa, hiển nhiên có thể tăng thêm nhân lực tiến công.
Nhưng cũng chỉ cầm chừng thêm gần một canh giờ, tình hình lâm vào thế nguy cấp, Vua lập tức lệnh cho rút quân. Từ khi lên thuyền này nàng luôn theo sát Vua nên mọi sự nàng đều thấy rõ. Khi nãy lúc nàng mới tới thỉnh thoảng có vài tên địch nhảy vào tấn công và đều bị giết sạch, nhưng đã qua gần hai khắc mà chẳng thấy tên nào nữa. Địch rõ là đang dần chiếm ưu thế sao lại không tăng cường tấn công chiếc thuyền này chứ? Các thuyền xung quanh vẫn chiến đấu rất ác liệt.
“Đùng!”. Thuyền bị rung lắc nhẹ, ai nấy đều cảm thấy rõ là đã có thứ gì đó đập vào.
- Báo! Thuyền chúng ta bị tấn công, là bị bắn đá. – Một tên lính chạy tới quỳ trước mặt vua bẩm báo tình hình.
Vua cau mày chưa kịp lên tiếng thì một tiếng “Đùng” nữa vang lên. Đá nhỏ không thể gây ra tiếng và động lớn như vậy, chỉ có khả năng là địch dùng máy bắn đá bắn tới, chúng đang muốn đập nát thuyền của ta.
- Mau truyền lệnh, rút lui! – Vua kêu lớn ra lệnh.
Thuyền đi chưa được bao xa thì tiếp tục rung lắc, nhưng không có tiếng bị đá đập tới, rung chấn là từ phía dưới.
- Báo! Thuyền của ta bị đục, nước đang tràn khoang lái vào rất nhanh. Chúng ta làm sao đây Bệ hạ? – Một tên lính khác chạy tới cấp báo, người này phụ trách chỉ huy đội chèo thuyền.
- Chúng bắn đá rồi đục thuyền rõ ràng muốn đánh chìm thuyền của ta. Chúng ta phải lui về bờ trước khi thuyền bị đắm, bằng không tất cả sẽ đều phải bỏ mạng. – Vua gằn giọng tức giận ra lệnh nhanh chóng rút lui.
Ngay lúc đó Triệu Quang Phục cũng từ ngoài chạy tới:
- Bệ hạ! Thuyền bị đục rất nhiều lỗ lớn, sẽ không kịp về tới bờ. Phải chuyển qua thuyền khác ngay thưa Bệ hạ.
Nghe vậy, vua lập tức sai người đưa những thuyền còn nguyên vẹn tới. Các thuyền bên cạnh thuyền chỉ huy đều đã bị đục thủng, lại toàn là thuyền lớn nên thuyền bên ngoài tới cứu viện không thể tiếp cận thuyền chỉ huy. Hai chiếc thuyền bên cạnh đã nghiêng ngả dữ dội chuẩn bị chìm. Trời vừa ngớt mưa được ít lâu lại tiếp tục trút nước xuống. Thuyền chỉ huy bắt đầu rung lắc nhiều hơn, đạn đá vẫn không ngớt rơi xuống đập tới.
- Mau cho thuyền nhỏ tới đây, mau lên. – Triệu Quang Phục thấy tình thế không thể kéo dài thêm nữa hô lớn ra lệnh.
Pháo hiệu bắn ra, chốc sau đã có mấy thuyền nhỏ lách giữa những thuyền lớn tiến tới. Mỗi chiếc chỉ chở được tối đa bốn người. Vua đã chờ sẵn bên mạn thuyền quay sang cạnh định bảo Hoàng hậu xuống trước, nhưng nàng đã biến mất. Nhìn khắp xung quanh phát hiện nàng đang đánh nhau với hai tên lính Lương ở phía đuôi thuyền. Quang Phục thấy thế rất nhanh chạy tới hạ gục chúng. Thuyền lớn lại thêm trời mưa to át hết tiếng ồn ở phía sau, địch đã lên tới từ lúc nào, sau một hồi quân sĩ của ta lúc này chỉ còn hơn chục người trên thuyền. Vua cũng ra tay giết hết quân địch rồi mới tới nắm tay nàng kéo đi, những chuyện khác bây giờ không còn quan trọng, an nguy của mẹ con nàng là trên hết.
Đi được mấy bước thì từ dưới mạn thuyền lao lên một kẻ to lớn, đầu đội mũ sắt, mặc áo giáp, hai tay nắm một thanh đao lớn trực chém xuống Vua. Vua đi phía trước nàng, chỗ hắn lao lên ngay bên cạnh nên nàng phản ứng nhanh hơn tích tắc, nàng dựt mạnh tay ra rồi đẩy mạnh vua chúi về phía trước. Hắn dùng lực rất mạnh, một đao chém xuống nát cả một khoảng gỗ ngăn giữa nàng và vua. Nàng nhân lúc hắn còn chưa kịp đứng lên thì liền vung kiếm chém, hắn né được không đánh trả mà trực lao về phía vua. Quang Phục ở phía sau kịp lao tới chặn hắn lại. Hành động diễn ra rất nhanh, vua bị đẩy bước về phía trước mấy bước mới kịp quay lại rồi cũng lập tức lao tới. Cảnh tượng đánh chém của ba người nàng không thể tham gia được nên bước lùi về sau, họ đều là cao thủ, võ công của nàng không phải thấp nhưng so với họ thì hoàn toàn không phải đối thủ.
Quang Phục vừa gằn giọng hô lớn vừa chém tới một đao: “Đền mạng đi”. Cậu nhận ra hắn, hắn chính là Tiêu Bột, chính mũi tên độc của hắn đã giết cha cậu. Quang Phục đòn nào chém tới đều là chí mạng, còn mục tiêu của Tiêu Bột rõ ràng là Nam Đế, các đòn đánh chủ yếu đều hướng tới vua. Tiêu Bột và vua ngang sức, Quang Phục kém hơn một chút, hai đánh một không phải là vấn đề. Qua hơn một khắc, Tiêu Bột rốt cuộc cũng rơi vào thế hạ phong, Quang Phục giơ đao định chém chết hắn thì có tiếng kêu lớn:
- DỪNG TAY!!!
Cả ba người quay sang nhìn về phía âm thanh phát ra, nàng đã bị một tên lính Lương bắt giữ kề đao sát trên cổ. Nhìn trang phục thì hắn chắc hẳn là phó tướng của Tiêu Bột. Quang Phục dừng động tác chém mà xoay đao kề tới cổ Tiêu Bột. Phía địch đề nghị trao đổi. Nàng ở đối diện thấy rõ ánh mắt gian xảo của Tiêu Bột nhìn tên phó tướng, nàng nhìn vua khẽ lắc đầu ý nói không được đồng ý. Vua tất nhiên là đồng ý trao đổi. Cả năm người từ từ bước tới, tên phó tướng kề đao vào cổ nàng, bên kia là Quang Phục đang kề đao vào cổ Tiêu Bột, vì để an toàn Quang Phục đề nghị Vua ở lại phía sau nhưng Vua vẫn tiến lên chỉ giữ khoảng cách mấy bước.
Hai bên còn cách nhau hai bước thì dừng lại, Quang Phục và tên phó trướng cùng từ từ bỏ đao xuống, ngay lúc đó thuyền bất chợt lắc mạnh. Trong tích tắc đó cả hai bên đều không bỏ lỡ cơ hội. Tiêu Bột huých người mạnh về phía sau khiến Quang Phục bị bất ngờ lùi về loạng choạng, đập người vào mạn thuyền. Nàng đã biết trước tên phó tướng sẽ giết nàng nên nhanh chóng nghiêng người tránh được một đao đâm tới. Đâm hụt nhưng hắn không tiếp tục tấn công nàng mà xoay đao lao thẳng tới phía Nam Đế, Tiêu Bột không còn đao lớn liền rút đoản đao trong người ra cũng chực lao tới. Tên phó tướng lao tới trước, Vua tung một cước đạp hắn lùi lại, Tiêu Bột tới sau, Vua liền vung đao đỡ đoản đao.
Thuyền liên tục rung lắc lúc này đã hơi nghiêng về một hướng, quả nhiên là sắp chìm rồi. Nàng và Quang Phục phản ứng rất nhanh cùng lao tới, nàng đã mất kiếm đành phải cầm lên cây cờ bị gãy dưới chân làm gậy chặn tên phó tướng, còn Quang Phục cùng Vua đánh Tiêu Bột. Thuyền càng nghiêng dần, hai bên đều khó khăn chống đỡ. Tiêu Bột bất lợi lớn, tên phó tướng thấy vậy không phí thời gian đánh với nàng nữa mà lao tới trợ giúp. Năm người lao vào quần ẩu ác liệt. Tiêu Bột không còn vũ khí sở trường nên yếu thế hơn hẳn, vua chém một đao chéo ngực hắn, Quang Phục cũng vung toàn lực thêm một đao, máu phun tung tóe từ động mạch cổ, đầu hắn rơi xuống.
Tên phó tướng thấy vậy thất kinh phút chốc, liều mạng tiến tới chém loạn xạ, dường như hắn đã chuẩn bị trước rằng sẽ không toàn mạng trở về. Hắn nhằm nàng mà lao tới, hắn biết không thể giết nổi hai tên nam nhân kia nên đánh hướng tới nữ nhân này mà chém. Động tác của hắn rất nhanh, nàng chỉ biết đưa ngang gậy mà đỡ đao, gậy bị chặt đứt thành hai khúc, mỗi đao chém tới nàng lại đỡ, khúc gậy ngày càng ngắn lại, nàng vứt gậy định lách người né tránh. Nhưng không kịp, nàng bị trúng một đao kéo dài từ bả vai tới bụng, máu tuôn trào ra. Hắn vẫn tiếp tục vung đao xuống nhưng lần này đã bị Vua chặn lại, hai đao chạm nhau phát ra một tiếng chói tai, đao của hắn gãy đôi. Vừa lúc ấy Quang Phục cũng lao tới chém hắn một đao chí mạng. Vua buông đao xuống ôm lấy thân xác nàng, nàng chỉ kịp nở một nụ cười nhạt nhòa rồi từ từ khép mắt lại. Vua nước mắt trào ra ngửa mặt lên trời mà khóc lớn, cơn đau thấu tận tim gan.
- Bệ Hạ thuyền sắp chìm rồi, ta mau rời khỏi đây thôi. – Quang Phục thúc giục. Nỗi đau mất người thân cậu hiểu rất rõ bởi chính cậu đã từng mất đi cha, người thân duy nhất. Nhưng trên vai của Bệ hạ và cậu còn phải mang trọng trách lớn hơn, đó là muôn dân bách tính, không thể để sự yếu đuối của bản thân mà kéo theo nhiều người khác rơi vào cảnh lầm than.
Thuyền nhỏ vẫn chờ bên dưới, Vua bế nàng lên mang đi, không thể để nàng nằm lại nơi lạnh lẽo tanh tưởi này được, Quang Phục thấy vậy cũng không nói gì, cầm đao của Vua lên bước theo sau.
Thất bại ở hồ Điển Triệt, nghĩa quân lui về ở trong động Khuất Lão để sửa soạn lực lượng. Nam Đế từ khi từ hồ Điển Triệt trở về sức khỏe yếu đi không ít. Mấy năm qua, người đã hao tâm tổn trí quá nhiều, đánh lui người phương Bắc tàn bạo, dựng nước Vạn Xuân, đẩy lùi quân xâm lấn phía Nam. Sau khi quân Trần Bá Tiên tới thì mấy trận liền đều thất bại nặng nề, các tướng lĩnh kiệt xuất nhất lần lượt hi sinh, dù có là vị thủ lĩnh lạc quan đến mấy cũng sẽ nhụt chí, đến cả người vợ mà mình yêu thương nhất, là người thân duy nhất cũng chết dưới tay kẻ địch, mang theo cả đứa con chưa kịp chào đời. Tinh thần sa sút lại thêm dầm mưa lâu khiến Vua nằm liệt giường gần một tháng. Vua biết mình không còn bao nhiêu sức lực, không đủ sức gánh vác đại sự, người ủy cho Triệu Quang Phục, lúc này đang là Đại Tướng quân giữ việc nước, cho điều quân đi đánh Trần Bá Tiên. Quang Phục tuổi còn trẻ mà có được sự trầm ổn hiếm có, có trí có dũng, người như vậy chắn chắn sẽ làm nên nghiệp lớn.
Nam Đế ở động Khuất Lão được hơn một năm, thân thể dần suy yếu rồi bị nhiễm lam chướng. Vua mất ngày Tân Hợi, tháng Ba, năm Mậu Thìn (548), kết thúc một cuộc đời oanh oanh liệt liệt, để lại danh tiếng đến muôn ngàn đời sau.
(End)
________________________
Vài lời của tác giả: Cốt truyện chủ yếu dựa trên những sự kiện lịch sử có thật, nhưng những diễn biến và chi tiết cụ thể được viết dựa trên tưởng trượng và hư cấu của tác giả, truyện không có có giá trị tham khảo về mặt lịch sử.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.006
Gạo
26,0
Re: [Truyện ngắn dã sử] Vạn Xuân
Quào, thường tui đọc hoài dã sử thời Lý Trần, giờ mới kiếm thấy bộ viết Lý Bí nè ~~~ Ơ cơ mà lúc mà cậu cop sang giao diện Gác ấy, cậu tách dòng ra xíu thì nhìn dễ hơn á bồ. Dù cậu xuống dòng rồi mà nó vẫn dính nhau ấy, nên tớ đọc có chút khó nhìn á.
Truyện cậu viết rất ư ra không khí quân sự nhé. Bình thường tớ đọc ít người chọn khoảng thời gian này mà thường chọn đoạn sẽ vui vui hơn xíu á. Tớ cũng tưởng là truyện HE :)))) Mà xong cuối thì thôi :))))) Bồ cũng dám chọn để viết đó :>>>> Lúc đọc truyện cậu thì tớ nghĩ tới Tam Quốc, không phải ý là truyện Trung tủa đâu, mà kiểu thấy thiên về mảng quân sự, dẫn đòn đánh, không trông rõ nhân vật chính - phụ trong truyện. Viết rất gọn ghẽ súc tích. Đoạn đánh nhau hay á bồ. Tuy thế truyện giống như kể xuôi thôi ấy. Nếu mà truyện có thêm thông điệp cốt cán gửi gắm ngoài các ý nghĩa mang tính truyền thống - lịch sử thì tớ sẽ khoái hơn nữa. Hoặc, nếu mà kiểu truyện như này thì tớ sẽ mong nhìn thấy kiểu "không biết người đó mang trọng trách vua, đứng trước cảnh đó thì nghĩ gì nhỉ, họ sẽ cảm thấy thế nào". Kiểu dị á, thì ở truyện cậu lại cảm giác hành động viết tốt ghê, tuyến tâm lý thì lại chưa đô bằng. Nhất là đoạn cuối hoàng hậu và nhà vua ấy. Không hiểu sao tui thấy hơi khô, nên tiếc xíu xiu ~~~ Tựu chung thì vỗ cái tay ủng hộ, mà không biết có phải này là đoạn ngoại cho truyện dài cậu viết không hỉ :>
 

Y Tịch

Gà con
Tham gia
22/6/22
Bài viết
20
Gạo
427,0
Re: [Truyện ngắn dã sử] Vạn Xuân
Quào, thường tui đọc hoài dã sử thời Lý Trần, giờ mới kiếm thấy bộ viết Lý Bí nè ~~~ Ơ cơ mà lúc mà cậu cop sang giao diện Gác ấy, cậu tách dòng ra xíu thì nhìn dễ hơn á bồ. Dù cậu xuống dòng rồi mà nó vẫn dính nhau ấy, nên tớ đọc có chút khó nhìn á.
Truyện cậu viết rất ư ra không khí quân sự nhé. Bình thường tớ đọc ít người chọn khoảng thời gian này mà thường chọn đoạn sẽ vui vui hơn xíu á. Tớ cũng tưởng là truyện HE :)))) Mà xong cuối thì thôi :))))) Bồ cũng dám chọn để viết đó :>>>> Lúc đọc truyện cậu thì tớ nghĩ tới Tam Quốc, không phải ý là truyện Trung tủa đâu, mà kiểu thấy thiên về mảng quân sự, dẫn đòn đánh, không trông rõ nhân vật chính - phụ trong truyện. Viết rất gọn ghẽ súc tích. Đoạn đánh nhau hay á bồ. Tuy thế truyện giống như kể xuôi thôi ấy. Nếu mà truyện có thêm thông điệp cốt cán gửi gắm ngoài các ý nghĩa mang tính truyền thống - lịch sử thì tớ sẽ khoái hơn nữa. Hoặc, nếu mà kiểu truyện như này thì tớ sẽ mong nhìn thấy kiểu "không biết người đó mang trọng trách vua, đứng trước cảnh đó thì nghĩ gì nhỉ, họ sẽ cảm thấy thế nào". Kiểu dị á, thì ở truyện cậu lại cảm giác hành động viết tốt ghê, tuyến tâm lý thì lại chưa đô bằng. Nhất là đoạn cuối hoàng hậu và nhà vua ấy. Không hiểu sao tui thấy hơi khô, nên tiếc xíu xiu ~~~ Tựu chung thì vỗ cái tay ủng hộ, mà không biết có phải này là đoạn ngoại cho truyện dài cậu viết không hỉ :>
Ui cảm ơn góp ý của bạn nhiều nha, truyện sau mình sẽ cố đưa nhiều cảm xúc vào nè, nhưng mà vẫn đánh nhau nhiều lắm, hehe. Mấy cái lãng mạn đồ mình đúng là hơi kém. Thực ra mình viết ngẫu nhiên thôi nhưng cũng có thể coi "Vạn Xuân" là tiền truyện của "Một trường oanh liệt" á.
 
Bên trên