Đoạn thứ hai
Mùa nắng ấm của cuộc đời tôi không kéo dài được lâu. Vào một buổi sáng thứ hai cuối thu đầu đông, em hẹn tôi ra trước một gốc cây trụi lá nơi đền thờ gần nhà hai đứa.
“Tuần sau, gia đình tớ sẽ chuyển đến Tokyo.”
Em nói, giọng nghẹn ngào. Mặc dù đang đứng đối diện nhau nhưng tôi vẫn không dám nhìn thẳng vào gương mặt em. Đôi mắt chỉ thu lấy được chiếc nơ lớn màu trắng đính trên bờ ngực đương nhấp nhô lên xuống theo từng nhịp thở đều đặn của em. Tôi đúng là một đứa nhu nhược mà.
Thấy tôi không đáp, em liền nói tiếp:
“Từ chỗ này đến Tokyo xa lắm. Chẳng biết khi nào mới có thể gặp nhau?”
“Đừng lo, chúng ta có điện thoại mà. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Có điện thoại thì cũng giống như đang ở cạnh nhau ấy mà.” Tôi cố nói thật nhanh.
Sau một hồi im lặng mơ hồ, em cất giọng dịu dàng:
“Đúng rồi, chỉ cần giữ liên lạc thì sẽ không sao cả.”
Một tuần sau đó, cũng đúng vào buổi sáng thứ hai, khi đang làm bài kiểm tra môn Toán, tôi đã nhìn thấy chiếc máy bay chở em rời xa khỏi thị trấn quê hương bay xuyên qua những đám mây trắng muốt, chỉ để lại đằng sau một vạt khói mong manh.
Từ ngày em chuyển đến Tokyo, chúng tôi càng chăm chỉ trao đổi tin nhắn với nhau hơn, và các tin nhắn cũng trở nên chi tiết hơn. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những việc xảy ra hằng ngày. Chẳng hạn như việc tôi bị Nekoma sensei trách rầy vì không đọc nổi một đoạn văn có khoảng bảy từ Kanji khó hay việc tôi phải giả nữ trong lễ hội văn hóa sắp tới. Tôi cũng gửi cho em những tấm hình tôi chia sẻ bữa trưa của mình với con mèo tam thể ở trường, hình chụp chung với cô chủ tiệm bán hoa và chú chó má núng nính những mỡ, hay thực đơn mới của một tiệm ramen quen thuộc. Và từ em, tôi nhận lấy những bức ảnh và những đoạn tin nhắn dài dằng dặc thể hiện niềm lưu luyến của em đối với thị trấn nhỏ này. Em luôn cố gắng tìm kiếm giữa lòng Tokyo phồn hoa đô hội một con hẻm nhỏ hay một đoạn đường trông từa tựa những nơi hai đứa tôi đã từng đi ngang qua. Có lần, em đã viết cho tôi thế này:
“Hôm qua tớ đã nhìn thấy một góc đường vắng ở khu Ochanomizu có một tiệm bánh nằm kề bên một tiệm bán hoa nhỏ, giống hệt chỗ chúng ta vẫn thường ghé vào trước đây. Lúc ấy, tớ đã nghĩ rằng, chỉ cần rẽ trái, tớ sẽ nhìn thấy cậu đang đứng ở bến xe buýt và mỉm cười vẫy tay với tớ. Thế nhưng, sự thật là cậu đã không ở đó, cũng chẳng có bến xe buýt nào cả. Và tớ chợt nhớ ra rằng, mình đang ở Tokyo. ”
Dù cảm thông với nỗi cô đơn em đang phải nếm trải, nhưng tôi vẫn không thể chối bỏ cảm giác mừng vui khi đọc những dòng tin nhắn đó, bởi nó đồng nghĩa với việc em vẫn đang nhớ về nơi đây, về tôi, và mong chờ ngày tái ngộ.
Niềm vui giản dị ấy cứ tiếp diễn cho đến một ngày, mẹ đột nhiên đề xuất với tôi:
“Mẹ mua điện thoại mới cho con nhé. Còn điện thoại của con thì cứ để cho Aki dùng. Con bé dạo này đi học ôn thi lên cấp ba nên cũng cần dùng đến điện thoại di động.”
“Sao mẹ không mua điện thoại mới cho em nó mà lại kêu con đổi? Con dùng điện thoại này quen rồi.”
“Để nó suốt ngày lên mạng rồi chát chít vớ vẩn ấy à. Thôi, không nói nhiều nữa. Một là con đưa điện thoại cho nó. Hai là cả hai đứa đều nghỉ khỏe, khỏi dùng điện thoại nữa.”
Thế là, tôi đành ngoan ngoãn tuân theo yêu cầu của mẹ. Tôi biết mẹ làm điều này chỉ vì quan tâm đến em gái tôi mà thôi. Nó là một đứa giỏi giang, là thiên tài trong tất thảy mọi chuyện, và cũng là niềm tự hào của gia đình tôi. Trái ngược hẳn với thằng anh trai nó, một đứa chẳng bao giờ đọc được hơn mười lăm chữ Kanji trong một đoạn văn, điểm kiểm tra Toán không bao giờ trên năm mươi, và chẳng hề tham gia bất kỳ một câu lạc bộ ngoại khóa nào cả. Tôi cũng muốn giống như em gái mình, trở thành người làm gia đình mình tự hào và khiến em ngưỡng mộ.
“Anh hai, khi nào anh định dẫn em đi chuyển tài khoản điện thoại thế? ”
Tiếng gọi của đứa em gái kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ. Tôi khẽ giật mình một cái rồi đáp:
“Em bận học thi mà phải không? Để anh đi một mình cũng được. Dù sao anh cũng định bỏ cái tài khoản này.”
“Thật á?” Aki tròn mắt kinh ngạc. “Vậy là sẽ mất hết đống tin nhắn và địa chỉ liên lạc từ trước đến giờ đó?”
“Mặc kệ đi. Anh không quan tâm.”
Tôi trả lời ráo hoảnh rồi bật tivi lên. Trên màn hình, hai diễn viên hài, một cao một thấp, đang cố chọc cười khán giả.
“Còn hình trong điện thoại thì sao?”
“Xóa hết.” Tôi nói, giọng lạnh tanh, hai mắt vẫn dõi theo những hình người nhập nhòe chuyển động không ngừng.
“Vậy thì uổng quá. Bao nhiêu là hình kỷ niệm như thế.”
Aki vừa nhoài người cầm lấy ly sữa ấm mẹ đã chuẩn bị sẵn cho nó bồi bổ đặt trên bàn bếp, vừa cảm thán.
Tôi tảng lờ đi, tỏ vẻ như không nghe thấy lời sau cuối của em gái mình. Trong trái tim tôi, có một chú cá đương vẫy vùng giữa những con sóng dữ. Đúng như em gái tôi nói, chỉ cần bản thân tôi muốn, thì chuyện giữ lại tài khoản cũ hay hình ảnh đã lưu trong máy chẳng phải là chuyện gì khó khăn. Nhưng tôi đã lựa chọn sự từ bỏ một cách vô cùng chóng vánh.
Có lẽ tôi đang thay đổi, dần dần.
Tuy nhiên, sau khi liên lạc với em bằng chiếc điện thoại mới, tôi phát hiện ra rằng tôi không phải là người duy nhất đang đổi thay. Em đã bắt đầu quen với nhịp sống sôi động và hối hả của Tokyo. Em bảo tôi chuyển sang dùng LINE và Twitter thì sẽ thuận tiện hơn cho cả đôi bên. Qua LINE, em gửi cho tôi những dòng tin tường thuật lại những sự kiện xảy ra hằng ngày. Toàn những chuyện vui vẻ như việc em sắp tham gia cuộc thi điền kinh giữa các trường trung học toàn khu Kanto hay việc em tự ứng cử vào tổ thư viện của lớp. Còn trên Twitter, em đăng đầy những tấm ảnh chụp trong các chuyến đi chơi cùng những người bạn mới: tuần trước là Asakusa, tuần này là Disneyland, tuần tiếp đến là một tiệm Starbucks ở Shibuya. Đôi khi, tôi thoáng bàng hoàng khi nhìn thấy em được bao quanh bởi toàn những con người xa lạ. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, những bộ quần áo ấy...cứ như thuộc về một người con gái tôi chưa từng quen biết. Vũng bùn lầy trong tâm hồn tôi ngày càng lan rộng ra.
Bây giờ, tôi mới chính là người bị nhấn chìm trong tột cùng nỗi cô đơn.
Trong khoảng thời gian đó, điều duy nhất an ủi tôi đôi chút chính là việc tôi đã trúng tuyển vào một trường đại học (làng nhàng) trong thị trấn. Tôi đã luôn nghĩ rằng, với cái học lực đó, mình chỉ còn nước đi học trường nghề. May mắn thay, ông trời đã ban ơn cho tôi. Và cũng nhờ thế, cha và mẹ đã đối xử dịu dàng với tôi hơn một chút.
Thế nhưng, tôi lại quên mất rằng cuộc đời của mỗi con người là một chuỗi phúc và họa nối liền nhau. Vào ngày gia đình chuẩn bị tổ chức tiệc mừng tôi thi đậu, Aki, trên đường đi học thêm về, đã bị một gã đi môtô tông phải và chết ngay tại chỗ. Cái chết của đứa con gái yêu quý là một sự đả kích quá to lớn đối với cha mẹ tôi, khiến họ khó mà gượng dậy được. Đến nỗi, một tháng sau khi đám tang em gái tôi kết thúc, họ vẫn không ngừng dày vò nhau. Nhiều khi, tôi những tưởng cả hai người sẽ hóa điên.
Một ngày nọ, vào đỉnh điểm của cuộc cãi vã, mẹ tôi đã hét lên:
“Tại sao lại là Aki chứ? Một đứa hiền lành, giỏi giang như Aki. Nếu là đứa kia thì có phải tốt hơn không?”
Nghe thế, lòng tôi chẳng hề gợn một mảy may đau khổ, hay thất vọng. Chính tôi cũng thường tự hỏi, tại sao người ra đi lại là Aki, chứ không phải tôi. Nếu tôi chết đi, thì có lẽ nỗi đau của cha mẹ tôi sẽ nhanh chóng nguôi ngoai. Nhưng vì đó là Aki nên có thể cả cuộc đời này, cha và mẹ tôi sẽ không bao giờ sống thêm được một ngày hạnh phúc nào nữa.
Tôi đi lên phòng rồi chốt cửa lại. Cầm điện thoại lên, tôi chợt nhớ ra, rằng cả tháng nay chỉ gửi cho em đúng năm tin nhắn và hoàn toàn không đề cập gì đến tấn bi kịch vừa xảy ra. Tình cờ, ngay lúc ấy, điện thoại tôi báo rằng có người nhắn tin. Tôi ngồi vào chỗ bàn học, rồi bắt đầu lướt mắt trên những dòng ký tự đậm màu.
“Cậu hãy bật đài FM lên đi.”
Tôi kéo chiếc đài radio cỡ nhỏ ở phía đầu bàn học đến gần, rồi vặn chiếc nút điều chỉnh để dò tìm đài FM. Sau một tràng những tiếng rè rè đinh tai nhức óc, từ loa phát ra giọng nói thánh thót của cô phát thanh viên phụ trách chương trình âm nhạc theo yêu cầu:
“Bây giờ, chúng tôi xin đọc lá thư của một bạn gái có nickname là “Tokyo_ country _girl” gửi tới chương trình có nội dung như sau:
“Hồi còn sống ở Kyuushu, em có một người nam rất thân thiết. Cả hai đã học chung với nhau suốt từ năm mẫu giáo cho đến tận cấp ba. Chuyện gì cũng thường tâm sự với nhau. Nói chuyện với cậu ấy thực sự rất thú vị. Tuy nhiên, gia đình em phải chuyển tới Tokyo nên bây giờ, chúng em chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại. Dạo gần đây, do em phải chuẩn bị cho cuộc thi điền kinh toàn khu Kanto nên không có nhiều thời gian nhắn tin hỏi thăm tình hình của cậu ấy. Qua bức thư này, em muốn gởi lời xin lỗi và đồng thời cũng muốn chia sẻ cả chiếc huy chương em giành được ở hội thi với cậu ấy nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà em muốn chuyển tới cậu ấy ngày hôm nay là: “Chúc mừng sinh nhật cậu. Mong cậu sẽ luôn gặp được nhiều hạnh phúc và may mắn”. Em xin nhờ chương trình thay em gửi tặng cậu ấy bài hát “Kokuhaku” của Hideaki Tokunaga, ca sĩ yêu thích nhất của cậu ấy. Em xin cảm ơn chương trình rất nhiều. ”
Tôi nằm xoài ra bàn, tai trái lắng nghe tiếng nhạc dạo êm ái, tai còn lại áp xuống mặt bàn, thu lấy tiếng rền rỉ đau đớn của toàn thể nhân loại. Nước mắt tôi bất chợt ứa ra. Tim tôi đau như thể đang bị vặn xoắn lại. Cả nhân loại cũng đang than thở cùng tôi. Trên đài, Hideaki Tokunaga cũng đang khóc thương cho tôi. Chỉ có em, người hẳn đang ngồi trong một quán ăn ấm áp, sáng sủa nào đó ở Tokyo, là mỉm cười thỏa mãn vì nghĩ rằng mình đã tặng cho người bạn thân thiết một món quà vô cùng ý nghĩa.
Tôi ngủ thiếp đi mà không hề nghĩ tới chuyện nhắn tin cảm ơn em.
Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên tôi rơi nước mắt.
Mùa đông năm ấy, tôi bước sang tuổi mười tám chỉ toàn những nỗi bất an.