Cảm nhận [Viết cảm nhận - Số 1/2015] Em ở đâu: Bài học về tình yêu nghĩa rộng

Mưa Mùa Hạ

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
6/8/14
Bài viết
2.926
Gạo
4.000,0
BÀI DỰ THI "VIẾT CẢM NHẬN - SỐ 1/2015: TÔI ĐỌC - TÔI THAY ĐỔI"
Link đọc trên thư viện Gác Sách: http://gacsach.com/gioi-thieu-sach/25138/em-o-dau.html

IMG_1636.JPG

(Ảnh: Mưa Mùa Hạ)


Tôi biết đến Marc Levy – một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp với rất nhiều tác phẩm được đông đảo bạn đọc trên thế giới yêu thích như Nếu em không phải một giấc mơ, Gặp lại, Kiếp sau, Bảy ngày cho mãi mãi, Người trộm bóng… Mỗi một câu chuyện dưới ngòi bút của ông đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, nhưng nếu chọn một cuốn sách khiến tôi nhớ mãi, rơi nước mắt và có nhiều thay đổi trong cách suy nghĩ về tình yêu, cuộc sống thì đó là cuốn sách có tựa đề Em ở đâu.

Năm 2008, khi tôi vẫn còn là một cô sinh viên năm cuối với bao nhiêu lý tưởng, hoài bão và mơ mộng vào những câu chuyện tình yêu có kết thúc thật đẹp giống như truyện cổ tích… tôi đã được đọc Em ở đâu vào một buổi chiều cuối thu ảm đạm. Tôi nhớ rất rõ ngày hôm ấy, khi tôi đọc những dòng chữ đầu tiên của cuốn sách, nó thật khác biệt, nó rất ấn tượng… một cuốn tiểu thuyết tình yêu bắt đầu bằng việc miêu tả một cơn bão…

Bên ngoài khung cửa sổ nơi tôi ngồi, một cơn bão thực sự cuối cùng trong năm đang đến bằng cơn mưa to tầm tã như trút nước. Tôi bị cuốn vào cuốn sách đầy mê hoặc của Marc Levy, ngấu nghiến từng chữ với những cung bậc cảm xúc của Philip, Susan và Mary… giống như vạn vật đang bị cơn mưa ngoài kia nhấn chìm trong biển nước.

Phần một là câu chuyện tình yêu của Philip và Susan, tựa như câu chuyện tình của “thanh mai trúc mã”, họ là hàng xóm lớn lên cùng nhau, yêu thương nhau và gắn kết với nhau bằng hai tâm hồn trong sáng. Chỉ có điều, sau vụ tai nạn xe hơi cướp đi mạng sống của bố mẹ, Susan luôn mang trong mình một lý tưởng “muốn làm điều gì đó khác, và chăm sóc cho người khác là một lý do thực sự để cảm thấy em đang sống” nên cô lựa chọn làm việc tình nguyện ở Honduras khi mới hai mươi mốt tuổi.

Quyết định của Susan làm tôi tò mò với những gì sẽ diễn ra tiếp theo trong truyện. Khi một người phụ nữ sẵn sàng xa người đàn ông mình yêu thương để đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, giúp đỡ những người không hề quen biết, từ bỏ cuộc sống phồn hoa nơi đô thị bậc nhất trên thế giới khiến tôi khâm phục bội phần.

Sân bay là nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của Philip và Susan. Những lá thư là phương tiện để hai người kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình, từng dòng chữ là cách thức duy nhất để họ thể hiện tình yêu, sự nhớ nhung, nỗi khao khát dành cho nhau khi khoảng cách giữa họ là vài nghìn cây số.

Tôi vừa đọc những lá thư mà Philip và Susan trao đổi với nhau vừa tự hỏi, tại sao cô yêu anh như vậy, cô lại không lựa chọn sống bên anh ở New York mà phải lựa chọn ở Honduras chiến đấu cùng những cơn bão, cùng bọn trẻ mồ côi, cùng bệnh tật và cái chết… Tại sao cô lại không cho bản thân và anh một cơ hội để sống cuộc sống bình thường của hai kẻ yêu nhau? Và cho đến khi tôi đọc đến cuộc đối thoại của Susan và Juan – đồng nghiệp của cô, cậu đã thay tôi hỏi câu hỏi ấy:

“- Tại sao cô lại không ở bên anh ấy?

- Bởi vì tôi đã chọn ở đây."

"- Tại sao những người Mỹ như cô lại phức tạp đến thế?

- Bởi vì chúng tôi đã đánh mất những lý lẽ đơn giản, cũng chính vì thế mà tôi cảm thấy thích sống ở đất nước cậu. Yêu thôi không chưa đủ, còn phải hợp nhau nữa.

- Điều đó có nghĩa là gì?

- Phải yêu cuộc sống mà ta sẽ sống cùng với người kia, chia sẻ những ước muốn, những mong đợi, cùng có chung những mục đích, chung những đam mê.”

Cảm xúc của tôi như bị vỡ òa, thì ra đó chính là lý do mà Susan và Philip ngoài những lời lẽ yêu thương dành cho nhau, họ còn có những tranh luận không bao giờ có điểm chung tồn tại.

“Em sẽ đợi đến bao nhiêu tuổi nữa mới nghĩ đến chúng ta, đến cuộc sống của em, cuộc sống thực sự của một người phụ nữ?”

“Điều mà anh đang cố gắng nói cho em hiểu, đó là em đang hi sinh cuộc đời mình cho rất nhiều người, nhưng em vẫn chỉ có một mình, chẳng có ai trong đời em, để chăm sóc cho em, bảo vệ em, hay ít ra cũng để làm tình với em mỗi đêm.”

“… Em không thể sống vì một người đàn ông duy nhất, mỗi ngày em đang nuôi ba trăm người như vậy, em không thể có con, em đang cố gắng để cho một trăm năm mươi đứa trẻ sống sót…”

Và cứ thế, họ dần dần xa nhau. Thật đau lòng khi Susan khuyên Philip nên tìm một người phụ nữ khác để sống như một người đàn ông bình thường và Susan thì hẹn hò với một người khác ở nơi cô làm việc, không phải là Philip… Khoảng cách về địa lý, về lý tưởng cuối cùng cũng đã chia cắt thanh công hai người họ.

Mary xuất hiện trong cuộc đời của Philip, không quá ồn ào, nhiệt tình, rực lửa… Cái cách cô bước vào cuộc đời anh quá đỗi bình dị và chân thành đã khiến anh cảm động. Họ có chung sở thích, chung đam mê, chung một cuộc sống bình thường nên cuối cùng họ cũng đã đi đến quyết định kết hôn. Khi Philip báo tin này cho Susan, trái tim tôi như thắt lại, tôi cầu mong Susan hãy nói một điều gì đó, hành động gì đó để giữ anh lại, nhưng cô đã không làm vậy.

Câu nói cuối cùng của Susan: “…Hãy đi mà cưới cô ấy đi, thậm chí cho cô ấy một đứa con nếu anh thấy thích…” thật sự khiến tôi nhói lòng. Rõ ràng cô ghen tị, cô cảm thấy mất mát nhưng cô vẫn lựa chọn lên máy bay, tặng anh một nụ hôn cuối đầy thách thức rồi đẩy anh ra dữ dội và bước đi. Tôi biết, họ đã mất nhau từ đấy.

Dưới ngòi bút song song, Marc Levy đã vẽ lên khung cảnh đám cưới của Philip và Mary cùng với hành trình của Susan hiện lên rất chận thực và khắc khoải. Khi Susan đang do dự, đắn đo có đến dự lễ cưới của Philip hay không thì Philip lại đang hạnh phúc, chuẩn bị những gì cần có cho ngày trọng đại trong đời. Susan giữ đúng lời hứa, cô có mặt trong hôn lễ của Philip, nhưng cô lại không để anh biết mình xuất hiện ở đó. Tôi chính thức rơi nước mắt và khóc khi những bước chân giật lùi của Susan từ từ lui xuống bên hông khán đài ra khỏi nhà thờ, đúng lúc lời cha xứ vang vọng: “Ai biết cuộc hôn nhân này có ngăn trở gì, xin lên tiếng ngay bây giờ, nếu không sẽ phải im lặng vĩnh viễn…”

Tôi nhận ra rằng, không phải cứ hai người yêu nhau, nhất định sẽ đến được với nhau và có cuộc sống hạnh phúc. Philip và Susan là vậy, họ đã đánh mất nhau, mất liên lạc để rồi Philip đã có một cuộc sống hạnh phúc bên Mary, bên hai con trai Thomas và Tom.

Nếu phần một là câu chuyện tình yêu khắc khoải của Philip và Susan, thì phần hai lại là một câu chuyện cảm động về hôn nhân, về tình thân, tình cha con, mẹ con và tình người, tình đồng loại bao trùm cho đến kết thúc.

Hôn nhân của Philip và Mary tưởng chừng như rạn vỡ khi Lisa – con gái của Susan xuất hiện vì Susan đã qua đời trong một trận bão. Cô bé được gửi đến cho Philip kèm theo bức thư của Susan nhờ anh nhận trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng Lisa trưởng thành. Gặp vào hoàn cảnh trớ trêu này, người khó xử nhất là Mary, không có người vợ nào trong hoàn cảnh này sẽ bình tĩnh được và Mary cũng không ngoại lệ khi cô phải gào lên: “Em đã chán ngấy cái cô Susan của anh rồi.”

Những tưởng Mary sẽ không thể nào tiếp nhận được Lisa - hình bóng của Susan trong ngôi nhà. Những tưởng Mary sẽ ghen tuông, sẽ dằn vặt Philip và khó lòng mở rộng trái tim với Lisa nhưng câu chuyện lại đi theo hướng ngược lại. Khi ấy còn trẻ, lại chưa có gia đình nên tôi chưa thể thấu hiểu được tâm trạng cũng như dằn vặt nội tâm của Mary nên đơn thuần chỉ thấy cảm phục sự rộng lượng, vị tha, lòng trắc ẩn và nhân hậu của Mary khi cố gắng gần gũi, quan tâm, chăm sóc Lisa như người mẹ. Nhưng tôi vẫn đủ hiểu, khi bạn thật lòng yêu thương một ai đó thì những gì người đó quan tâm, bạn cũng sẵn sàng mở rộng trái tim mình để tiếp nhận.

“Điều mâu thuẫn, đó là cô sẽ không bao giờ trở thành mẹ của cháu, nhưng cháu sẽ mãi mãi là con gái của cô…”

Tình yêu của Mary dành cho Philip là vậy.

“Và khi người ta hiểu ra rằng, tình cảm với người kia sẽ chiếm một vị trí không hề ngờ tới trong cuộc đời mình, những nỗi sợ đầu tiên ập tới: sợ người kia sẽ bỏ đi vào buổi sáng khi thức dậy, rằng người ấy sẽ không gọi lại, sợ phải đơn giản tự thú nhận với mình rằng bắt đầu yêu là đã trở nên phụ thuộc, ngay cả đối với những kẻ cứng đầu nhất…”

Với Philip, khi anh đưa Lisa đến gặp lại Susan khi biết tin cô chưa chết và muốn gặp anh, cho đến khi anh nói với cô rằng, anh đã đếm từng bước chân đi lùi của cô ra khỏi nhà thờ… một lần nữa tôi rơi nước mắt cho tình yêu của hai người. Đến cuối cùng, khi chia tay Susan và đưa Lisa trở về, Philip nói với Mary rằng: “… anh yêu em”, điều đó làm tôi không thất vọng về anh.

“Với tất cả sức mạnh mà em đã cho anh, với những cuộc chiến của em, với những nụ cười của em, với tất cả những nghi ngờ mà em đã vượt qua, với tất cả những nỗi hoài nghi của anh mà em đã xóa sạch bằng sự tin tưởng của em, với sự sẻ chia của em, sự nhẫn nại của em, và với tất cả những ngày tháng mà chúng ta đã cùng sống bên nhau, ngày qua ngày, em đã tạo ra cho anh món quà đẹp nhất trên đời: bao nhiêu người đàn ông có được cái may mắn mắn tuyệt vời khi có thể yêu và được yêu đến như thế?”

Em ở đâu với tôi, hoàn toàn không chỉ đơn thuần là câu chuyện về tình yêu nam nữ. Ở đó, tôi tìm thấy rất nhiều bài học và những quan điểm nhân sinh đáng quý trong cuộc đời.

Đó là một Susan nhiệt huyết và đầy hoài bão, là người có thể hy sinh cuộc đời bình thường của mình để cống hiến cho xã hội, cho những mảnh đời nghèo khó. Là một cô gái trẻ đã lựa chọn rời xa người mình yêu để người đó được hạnh phúc, phải lựa chọn rời xa đứa con gái bé bỏng của mình để con được sống một cuộc sống như đứa trẻ bình thường khác.

Đó là một Philip với tình yêu chân thành với Susan và sau đó là Mary, là một người bạn, người yêu, người cha rất đáng kính trọng đối với tất cả mọi người. Sau biết bao trăn trở với quá khứ, cuối cùng anh đã nhận ra tình yêu thực sự dành cho gia đình, cho người vợ sống bên cạnh mình và cho những điều giản dị nhất cuộc sống.

Đó là một Mary rất đời thường, một người hy sinh công việc vì tình yêu, gia đình, và con cái. Một người vợ, người mẹ nhân hậu, rộng lượng và bản lĩnh đã giữ lại được một gia đình êm ấm. Có thể Mary sinh ra không phải là người có sứ mệnh tạo ra những điều cao cả, ôm ấp những hoài bão lý tưởng to lớn như Susan nhưng bù lại, cô đã sống hết mình với những người thân yêu xung quanh cô. Đó cũng là điều có thể tạo nên sự khác biệt.

Không thể nói là tôi thích Susan hơn hay Mary hơn… Nếu không có những người như Susan, thế giới này sẽ không có những tình nguyện viên hy sinh rất nhiều thứ riêng tư để đến những nơi xa xôi, cứu giúp những mảnh đời khốn khổ. Nếu không có những người như Mary, sẽ không có những người vợ, người mẹ tảo tần, âm thầm hy sinh những ước mơ, hoài bão để chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Với Philip, tôi vốn không băn khoăn với sự lựa chọn của anh. Cũng không đặt câu hỏi tại sao anh để Susan đi Honduras, tại sao anh không đi cùng người anh yêu, tại sao anh lại kết hôn cùng người con gái khác mà không cố gắng giữ Susan ở lại, hay chờ đợi cô thay đổi quyết định? Mỗi người có một lựa chọn cuộc sống riêng cho bản thân mình, quan trọng là sẽ sống thật ý nghĩa với lựa chọn đó và sau này sẽ không hối hận.

Đã hơn sáu năm trôi qua, câu chuyện về Philip, Susan và Mary vẫn luôn tồn tại trong tâm trí tôi với rất nhiều cảm xúc, tựa như một bức tranh đẹp về tình yêu. Bây giờ khi đã có gia đình và con cái, tôi càng thấu hiểu hơn tính nhân văn mà Marc Levy muốn gửi gắm đến độc giả.

Cảm ơn Marc Levy, cảm ơn Em ở đâu, cảm ơn Philip, Susan, Mary và tất cả những điều tuyệt vời mà các bạn mang đến cho tôi khi được đọc cuốn sách này.

--- Vũ Yến Vũ ---
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chim Cụt

đang cố gắng dài ra
Gà về hưu
Tham gia
4/12/13
Bài viết
14.361
Gạo
1.000,0
Re: [Viết cảm nhận - Số 1/2015] Em ở đâu: Bài học về tình yêu nghĩa rộng
Đọc bài cảm nhận của Mưa Hạ, Chim hình dung sơ bộ được nội dung của Em ở đâu? cũng như nhìn thấy được khá sâu sắc những giá trị nhân văn trong tình yêu và hôn nhân mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Hơn nữa, những cảm xúc cá nhân được lồng ghép vào những đoạn phân tích và cảm nhận đã giúp người đọc cảm thụ được rất tốt cái hay của truyện.

Sẽ thật tuyệt nếu Mưa Hạ đi sâu hơn nữa về những thay đổi trong cách suy nghĩ về tình yêu, cuộc sống mà bạn đã nhắc ở đầu bài. Chim đã chờ mong điều đó nhưng không thấy. Bạn có một mở bài trực tiếp và đúng hướng chủ đề của cuộc thi. Thế nhưng, phần thân bài lại dường như quên mất hai chữ thay đổi. Mọi cái từ thân bài đến kết đều theo một chiều duy nhất, là suy nghĩ của bạn sau khi đọc Em ở đâu? của Marc Levy. Và vì chỉ có một chiều nên Chim không thấy được sự thay đổi mà có lẽ do chìm đắm vào cảm nhận, Mưa Hạ đã quên?

Dù sao đi nữa thì đây là một bài cảm nhận hay nhưng chưa hay trong cuộc thi này.

Chim Cụt - thành viên ban giám khảo cuộc thi "Tôi đọc - Tôi thay đổi"
 
Tham gia
8/2/15
Bài viết
22
Gạo
0,0
Re: [Viết cảm nhận - Số 1/2015] Em ở đâu: Bài học về tình yêu nghĩa rộng
Cùng ý kiến với Chim, bài này không có các lỗi sơ đẳng như các bài khác, nói một cách nôm na là khá hoàn hảo, nhưng thật sự chưa cuốn hút.
Giám khảo số 1 - Thành viên ban giám khảo cuộc thi "Tôi đọc - Tôi thay đổi"
 
Tham gia
9/2/15
Bài viết
21
Gạo
0,0
Re: [Viết cảm nhận - Số 1/2015] Em ở đâu: Bài học về tình yêu nghĩa rộng
Em bị cuốn vào dòng cảm xúc của chị từ đầu tới cuối bài cảm nhận. Văn rất mượt mà và giàu cảm xúc.
Em nhìn thấy ở đâu đó những nhân vật hiện lên rất thực với những tính cách rất rõ ràng, những giá trị nhân văn mà tác giả muốn gửi gắm.
Thấy hơi tiếc một chút khi sự thay đổi của cá nhân chị không miêu tả nhiều hơn nữa. :P

Giám khảo số 4 - Thành viên ban giám khảo cuộc thi "Tôi đọc - Tôi thay đổi".
 
Tham gia
8/2/15
Bài viết
22
Gạo
0,0
Re: [Viết cảm nhận - Số 1/2015] Em ở đâu: Bài học về tình yêu nghĩa rộng
Bài viết khá. Câu chuyện thực sự có ý nghĩa nhân văn.
Giám khảo số 2 - Thành viên ban giám khảo cuộc thi "Tôi đọc - Tôi thay đổi"
 
Bên trên