BÀI DỰ THI "VIẾT CẢM NHẬN - SỐ 1/2015: TÔI ĐỌC - TÔI THAY ĐỔI"
Hà Nội những ngày cuối năm, khi người lớn hối hả ngược xuôi để hoàn thiện cho xong công việc của mình trước Tết, lũ trẻ háo hức chờ đón năm mới với những bao lì xì thắm đỏ, tôi lại loay hoay với lựa chọn thay đổi công việc của mình. Gần mười năm theo nghề, đến giờ này, tôi có hai lựa chọn, tiếp tục làm người thầy hay chuyển sang một hướng đi mới. Băn khoăn, trăn trở nhiều lắm, tôi chẳng biết hỏi ý kiến ai, chỉ biết một mình tự suy nghĩ và quyết định. Tôi cứ ngồi trong ánh nắng chói lọi của mặt trời mùa đông, nhìn hàng phượng vĩ đang rung rinh lá trên sân trường kia, tôi nhớ về hai cây phong và nghĩ về thầy Đuy-sen, về cô học trò nhỏ An-tư-nai, về những con người đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Người thầy đầu tiên” (Aitmatov, 1962) – tác phẩm đã làm tôi thay đổi.
“Người thầy đầu tiên” là câu chuyện hồi ức cảm động của bà Viện sĩ An-tư-nai Xulaimanovna về người thầy đầu tiên trong cuộc đời, thầy giáo Đuy-sen. Năm 1924, khi đó, An-tư-nai còn là một cô bé mồ côi mười bốn tuổi, cô sống cùng gia đình người chú với một bà thím độc ác suốt ngày mắng chửi cô. Một ngày mùa thu, làng Kurkureu nơi cô sinh sống chào đón một người con cũ trở về, anh thanh niên Đuy-sen về làng với nhiệm vụ mở trường dạy học cho trẻ con.
Tôi cứ mãi ấn tượng với hình ảnh đầu tiên của thầy Đuy-sen trong ánh mắt của An-tư-nai. Người thanh niên ấy có dáng hình xanh xao, khoác trên mình một chiếc áo khoác dạ bộ đội màu đen. Cái áo khoác dạ ấy, cái màu đen ám ảnh ấy, đã theo Đuy-sen suốt mùa thu rực rỡ, mùa đông giá buốt và cả mùa xuân đau khổ nhưng lại mở ra tương lai tươi sáng cho An-tư-nai sau này. Suốt cả tác phẩm của mình, nhà văn Aitmatov đã không hề khắc họa khuôn mặt Đuy-sen, ông chỉ ưu ái dành tặng cho anh đúng một chiếc áo khoác dạ ấy. Có lẽ, chính chi tiết nhỏ bé ấy lại càng làm bóng dáng xanh xao của Đuy-sen trở nên vĩ đại hơn, trong trí nhớ của An-tư-nai và trong cả trái tim bé nhỏ của tôi nữa.
Xuất hiện tại làng Kurkureu, trên người không có nổi một chiếc áo lông, trên tay không có lấy một chiếc rìu, dưới chân đến một con ngựa cũng không có, hiển nhiên là Đuy-sen sẽ gặp phải khó khăn không hề nhỏ, đó là dân làng không dành niềm tin cho anh. Chỉ với một tờ giấy gập tư có đóng dấu của chính quyền Xô Viết về việc học hành của trẻ em, Đuy-sen đã tự mình xây nên ngôi trường đầu tiên cho ngôi làng của mình. Tôi đã không hiểu vì sao Đuy-sen lại có sức mạnh lớn đến như thế, khi anh một mình đi kiếm từng bó củi hay từng bó rạ khô rồi cõng trên lưng, lủi thủi leo lên ngọn đồi để tới chỗ chuồng ngựa bỏ hoang, nơi sẽ được trưng dụng để làm trường học. Có phải vì anh đã được đi ra khỏi những cánh đồng làng, tới những mảnh đất rộng lớn bao la, tới được Mátx-cơ-va, tới được những nơi con chữ giúp người ta lớn lên từng ngày, thoát được đói nghèo và sống hạnh phúc hơn? Có lẽ, những ước mơ của anh đã bay xa thật xa, đã ngày một trưởng thành nên anh mới có đủ tự tin để đem kiến thức của mình, những con chữ cũng không phải lớn lao gì như chính anh đã từng thừa nhận, “Vì thật ra thầy cũng chẳng biết được bao nhiêu chữ nghĩa.”, để trở về dạy cho lũ em thơ.
Thầy giáo Đuy-sen cũng tự mình tìm đến từng nhà trong làng, những ngôi nhà không thẳng hàng đúng lối, cũng chẳng có đường có lối mà đi để vận động các gia đình cho con em đi học. Tôi đã nín thở chờ đợi những bước chân của Đuy-sen đến ngôi nhà cuối làng, nơi An-tư-nai đang sống, tôi đã hy vọng rằng Đuy-sen sẽ không bỏ lỡ An-tư-nai, bởi vì đó là người duy nhất đã bí mật giúp anh xây trường, dù chỉ bằng một bao ki-giắc bé nhỏ. Và tôi cũng đã thấy sợ khi bà thím ác độc của An-tư-nai quyết không cho cô đi học. Nếu không phải người chú vốn ghét bị vợ trèo đầu cưỡi cổ nổi cơn điên tiết lên, thì có lẽ thầy giáo Đuy-sen đã chẳng thể nào có được cô học trò ham học An-tư-nai rồi.
Thế rồi thầy giáo Đuy-sen bắt đầu dẫn dắt những học trò của mình bước vào thế giới đầy say mê và hào hứng với những con chữ, những kiến thức mà bao đời qua họ chưa hề biết đến. An-tư-nai và các bạn đã biết được rằng biển cả còn rộng hơn cả những bình nguyên, trên biển sẽ có những con tàu to như cả một quả núi. Bằng trái tim của mình, thầy Đuy-sen đã truyền lại cho An-tư-nai và các bạn tất cả kiến thức mà thầy có được, thầy dạy cả những thứ mà bản thân tự cho là cần thiết theo trực giác. Không sách giáo khoa, không sách vỡ lòng, không một khái niệm cỏn con về chương trình học và về phương pháp giảng dạy, cứ như thế, thầy Đuy-sen mở từng cánh cửa tri thức cho mỗi học sinh của mình.
An-tư-nai cứ thế dần dần lớn lên, trong những bài học của thầy và trong cả sự chăm sóc ân cần của thầy. Tôi hiểu và biết rằng An-tư-nai yêu thầy giáo Đuy-sen của mình, ban đầu đó chỉ là thứ tình cảm biết ơn vì một nụ cười niềm nở, tiếp đó là hình ảnh mạnh mẽ như một người anh trai luôn bảo vệ cô, và rồi đó là tình yêu khi cô lo lắng đến òa khóc trong đợi chờ khi thầy giáo đi lên huyện mãi không trở về.
An-tư-nai cũng đã thừa nhận tình yêu đó với chính bản thân mình và thổ lộ với thầy Đuy-sen, tất nhiên là nhiều năm về sau, nhưng còn Đuy-sen, người thanh niên xanh xao trong chiếc áo khoác dạ bộ đội màu đen ấy, anh có yêu An-tư-nai, cô thiếu nữ tốt bụng và ham học đó hay không?
Bản thân tôi nghĩ rằng câu trả lời là “Có!” Chàng thanh niên Đuy-sen đã yêu cô thiếu nữ An-tư-nai bằng tất cả trái tim mình, bằng tất cả những gì mình có, và bằng cả cuộc đời của anh. Đọc hết cả tác phẩm, tôi không biết Đuy-sen yêu An-tư-nai tự lúc nào, tôi chỉ biết điều đó khi anh gọi An-tư-nai bằng những cái tên trìu mến mà có lẽ chỉ có mình anh mới hiểu ý nghĩa của chúng mà thôi.
Đuy-sen đã gọi An-tư-nai của những ngày đầu là “Dòng suối trong trẻo của thầy!” lúc hai thầy trò đang miệt mài đắp đá trên dòng sông để lũ trẻ có thể đi học dễ dàng, lúc ấy, cô gái nhỏ thừa nhận rằng đã đổ một bao ki-giắc giúp anh xây trường. Khi An-tư-nai đang sợ hãi trước việc bị bà thím gả đi lấy chồng trên núi, Đuy-sen đã an ủi cô bằng cách mang hai cây phong nhỏ về và cùng cô trồng chúng trên mảnh đất cạnh trường, lúc ấy anh đã gọi cô là “Ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy!” Ngôi sao của anh mang theo ước mơ và khát vọng học tập, anh đã ước ao ngôi sao nhỏ của mình sẽ được hạnh phúc, dẫu chỉ là trong học tập.
Và rồi khi An-tư-nai bị bắt đi, Đuy-sen đã dùng hết sức lực của mình để chiến đấu. Người thanh niên xanh xao ấy đã bị đánh đập tàn nhẫn, anh bị đập gãy tay, bị đập vào đầu và bị đâm gậy nhọn vào người. Cuối cùng, An-tư-nai và Đuy-sen cũng không thể thắng được. Ba ngày sống trong tủi nhục, An-tư-nai đau khổ cuối cùng cũng được thầy Đuy-sen giải cứu với sự giúp đỡ của hai người công an. Ba ngày đớn đau đó của cô, có lẽ Đuy-sen cũng không kém phần khổ sở. Bình thường, Đuy-sen phải mất đến hai ba ngày đi bộ mới có thể vừa đi ra huyện và trở về làng. Lần này, Đuy-sen đã dùng ba ngày đầy máu và nước mắt ấy để đi ra huyện tìm kiếm sự giúp đỡ của công an và chạy đến thung lũng trong núi sâu giải cứu cô học trò nhỏ của mình.
Có thể người khác sẽ cho rằng, hành động của anh chỉ có thể hiểu là trách nhiệm của một người thầy giáo. Nhưng bản thân tôi thì lại có suy nghĩ khác. Tôi vẫn ám ảnh trong đầu hình ảnh Đuy-sen tay quấn băng cầm cương dắt ngựa cho An-tư-nai, anh cứ lặng thinh bước, mái đầu cũng quấn băng cứ cúi gằm lại. Đuy-sen dành cho An-tư-nai không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là tình yêu chớm nở giữa một chàng thanh niên dành cho một cô thiếu nữ đang tuổi trưởng thành. Tôi tin vào điều đó khi Đuy-sen cầm hai bàn tay của An-tư-nai rồi áp lên má mình và thủ thỉ xin cô tha lỗi cho mình vì đã không thể bảo vệ được cô. Tôi cũng tin vào điều đó khi Đuy-sen đưa một miếng xà phòng cho cô để cô có thể ngâm người giữa dòng suối mát lạnh và kỳ sạch hết những ký ức đau khổ mà cô vừa trải qua. “Tắm đi, An-tư-nai, em sẽ thấy dễ chịu hơn, được chứ?”
Và tôi cũng sẽ không thể nào quên được cảnh Đuy-sen từ biệt An-tư-nai trên sân ga để cô đi về thành phố, rời xa làng Kurkureu, rời xa khỏi đau khổ, và cũng là rời xa khỏi vòng tay anh. Tôi vẫn nghĩ rằng, những giây phút ấy, khi Đuy-sen ôm cô vào lòng, vuốt tóc cô, vuốt má cô, rồi “mân mê cả những chiếc khuy trên áo”, đó chính là tình yêu anh dành cho cô. “An-tư-nai ạ, lẽ ra không bao giờ thầy để em xa thầy một bước!”, Đuy-sen đã trìu mến nói với An-tư-nai như vậy, anh vẫn muốn ở bên cô, vẫn muốn được bảo vệ cô, nhưng anh không đủ kiến thức để truyền tải cho cô nên anh đành phải để cô ra đi. Giây phút cuối cùng khi đoàn tàu chuyển bánh, Đuy-sen với đôi mắt nhòa lệ đã gọi cô là “Ngọn lửa nhỏ của thầy!”, ngọn lửa của trái tim anh đã rời xa anh đến một chân trời mới. Tôi đã từng hy vọng rất nhiều, rằng khi ấy, sau khi cất tiếng gọi “An-tư-nai” kéo dài đầy ám ảnh, đoàn tàu sẽ đi chậm lại chỉ một vài giây thôi, đủ để Đuy-sen có thể nói với An-tư-nai một điều vô cùng quan trọng “thốt lên tự đáy lòng, từ những nơi sâu kín nhất của tâm hồn Đuy-sen”.
Nếu không phải là tình yêu, vì sao qua nhiều năm tháng, Đuy-sen vẫn một mình tỉ mỉ chăm sóc hai cây phong ngày một cao to vững chãi với mưa bão? Vì sao khi An-tư-nai viết thư thổ lộ tình yêu của mình với anh, Đuy-sen không hề đáp lại mà còn chấm dứt mọi liên lạc với cô? Liệu đó có phải vì anh không muốn tình yêu của mình cản trở bước đường phát triển của cô hay không? Nếu không phải vì quá yêu cô, tại sao chàng thanh niên năm nào vẫn cứ mãi sống độc thân cho tới tận khi về già như thế? Và nếu không phải vì yêu, tại sao khi bà An-tư-nai trở về làng dự lễ khánh thành trường học, ông lão đưa thư Đuy-sen chỉ giục ngựa về thật nhanh để giao các bức điện của các học sinh cũ cho người dân để đọc trong buổi lễ mà không vào uống một cốc nước chúc mừng, không vào để gặp lại An-tư-nai.
Ôi Đuy-sen tội nghiệp, cuộc đời đã không ưu ái cho anh trước khi anh về già, không cho anh gặp lại dòng suối trong trẻo của anh, ngôi sao nhỏ trong sáng của anh, ngọn lửa nhỏ của anh, tình yêu của anh. Khi An-tư-nai bay cao trên con đường học vấn của mình, khi bà trở thành một bà Viện sĩ Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm bộ môn Triết học ở trường đại học Tổng hợp, Đuy-sen chỉ là một cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô mang trên mình những vết thương chiến tranh và nằm trong bệnh viện ở mảnh đất Ucraina xa xôi. Khi Đuy-sen quyết định trở về làng để được chết ở quê cha đất tổ, năm năm sau đó, ông lão Đuy-sen mới có cơ hội để gặp lại An-tư-nai nhưng ông đã từ chối cơ hội đó. Có lẽ nào vì ông không muốn bà An-tư-nai lâm vào cảnh khó xử khi người ta tán tụng bà như một người có học thức nhất làng mà lại cười cợt anh thanh niên Đuy-sen ngày nào chỉ biết có vài con chữ cũng đòi làm thầy giáo.
Thầy Đuy-sen của tôi, xin cho tôi được gọi thầy như thế, tôi càng thấy trân trọng nhân cách cao đẹp của thầy hơn. Khi thầy cưỡi ngựa đi ngang qua cửa sổ, bên trong là không khí rộn ràng vui vẻ, bên trong là tình yêu của thầy, thầy chắc rằng đã phải đau khổ lắm, thầy đã phải dằn lòng mình thế nào thì mới không đi vào để ôm lấy An-tư-nai và để gọi cô là “Ngọn lửa nhỏ của thầy” như ngày nào? Thầy đã kìm lòng mình thế nào mới không đi vào để hét to lên với mọi người rằng, Đấy, người phụ nữ ấy là học trò của tôi đấy, bà Viện sĩ ấy là cô học trò ngày xưa tôi đã dạy những chữ cái đầu tiên đấy.
Thầy Đuy-sen của tôi đã bằng nhân cách cao đẹp của một người thầy, lặng lẽ bước qua tất cả những lời chê bai, những lời chế giễu, những câu đùa cợt bất kính từ chính những con người đã từng là học trò của thầy trước kia. Tấm lòng của thầy, có lẽ chỉ có ngọn đồi trơ trọi có tên “Trường Đuy-sen” với hai cây phong vẫn hiên ngang sừng sững đứng đó làm chứng nhân. Tấm lòng của thầy, có lẽ chỉ có An-tư-nai mới có thể hiểu được.
Thầy không nói nhiều, chỉ dùng hành động của mình để xây những bậc thang đầu tiên cho học trò mình bước lên đó và hướng về phía mặt trời. Khi họ đã đến đỉnh cao của danh vọng, có thể họ sẽ quên mất thầy hoặc không muốn quay trở lại và không dám đối mặt với thầy, thầy vẫn lặng lẽ đi qua hết thảy mọi việc. Chỉ cần biết rằng, học trò của thầy đã thành công.
Thầy Đuy-sen của tôi với hai bàn tay trắng đã xây dựng nên một ngôi trường, đã vận động được học sinh đến lớp, đã thổi bùng ước mơ cho các em, đã góp phần tạo nên một Viện sĩ Viện Hàn lâm thành công như thế. Còn tôi, tôi không phải một mình chống lại cả làng như vậy, tôi không phải lủi thủi cõng củi lên xây trường, tôi cũng không phải đắp đá xây đường đến trường cho các em. Tôi chỉ phải đấu tranh với chính bản thân mình thôi mà cũng không làm được!
Thầy Đuy-sen của tôi, thầy là người thầy đầu tiên đúng nghĩa của tôi, người thầy đầu tiên trong những trang sách và là người thầy đầu tiên trong cuộc đời. Mỗi lần đọc những dòng chữ của nhà văn Aitmatov viết về thầy, tôi lại thấy xót xa vô cùng, vì sao Aitmatov không thể cho thầy Đuy-sen của tôi nhiều hơn một chút hạnh phúc? Có lẽ nào việc thầy Đuy-sen nhìn thấy An-tư-nai thành công đã là niềm hạnh phúc lớn nhất đời thầy rồi?
Tôi còn phải đọc lại “Người thầy đầu tiên” nhiều lần nữa, và tôi cũng muốn gặp lại thầy Đuy-sen của tôi nhiều hơn, vì mỗi lần đọc lại là tôi lại ngẫm ra được một bài học mới cho mình. Không phải tất cả những gì mình làm cho người khác đều phải nhận được lời cảm ơn hay một sự thừa nhận nào đó, có lẽ sự thành công của những học trò của mình mới là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời này. Giống như thầy Đuy-sen của tôi, ngọn đồi và hai cây phong mãi mãi là chứng nhân cho những gì mà thầy đã cống hiến.
Tôi sẽ lại kiên định bước đi trên con đường mà mình đã lựa chọn nhiều năm nay, có lẽ vẫn có nhiều khó khăn, nhưng không phải khó khăn lớn đến thế nào thầy Đuy-sen cũng đã vượt qua sao? Cứ vậy mà tiến bước theo thầy Đuy-sen thôi, đừng nản chí nữa, cố lên tôi nhé!
Hà Nội những ngày cuối năm, khi người lớn hối hả ngược xuôi để hoàn thiện cho xong công việc của mình trước Tết, lũ trẻ háo hức chờ đón năm mới với những bao lì xì thắm đỏ, tôi lại loay hoay với lựa chọn thay đổi công việc của mình. Gần mười năm theo nghề, đến giờ này, tôi có hai lựa chọn, tiếp tục làm người thầy hay chuyển sang một hướng đi mới. Băn khoăn, trăn trở nhiều lắm, tôi chẳng biết hỏi ý kiến ai, chỉ biết một mình tự suy nghĩ và quyết định. Tôi cứ ngồi trong ánh nắng chói lọi của mặt trời mùa đông, nhìn hàng phượng vĩ đang rung rinh lá trên sân trường kia, tôi nhớ về hai cây phong và nghĩ về thầy Đuy-sen, về cô học trò nhỏ An-tư-nai, về những con người đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Người thầy đầu tiên” (Aitmatov, 1962) – tác phẩm đã làm tôi thay đổi.
“Người thầy đầu tiên” là câu chuyện hồi ức cảm động của bà Viện sĩ An-tư-nai Xulaimanovna về người thầy đầu tiên trong cuộc đời, thầy giáo Đuy-sen. Năm 1924, khi đó, An-tư-nai còn là một cô bé mồ côi mười bốn tuổi, cô sống cùng gia đình người chú với một bà thím độc ác suốt ngày mắng chửi cô. Một ngày mùa thu, làng Kurkureu nơi cô sinh sống chào đón một người con cũ trở về, anh thanh niên Đuy-sen về làng với nhiệm vụ mở trường dạy học cho trẻ con.
Tôi cứ mãi ấn tượng với hình ảnh đầu tiên của thầy Đuy-sen trong ánh mắt của An-tư-nai. Người thanh niên ấy có dáng hình xanh xao, khoác trên mình một chiếc áo khoác dạ bộ đội màu đen. Cái áo khoác dạ ấy, cái màu đen ám ảnh ấy, đã theo Đuy-sen suốt mùa thu rực rỡ, mùa đông giá buốt và cả mùa xuân đau khổ nhưng lại mở ra tương lai tươi sáng cho An-tư-nai sau này. Suốt cả tác phẩm của mình, nhà văn Aitmatov đã không hề khắc họa khuôn mặt Đuy-sen, ông chỉ ưu ái dành tặng cho anh đúng một chiếc áo khoác dạ ấy. Có lẽ, chính chi tiết nhỏ bé ấy lại càng làm bóng dáng xanh xao của Đuy-sen trở nên vĩ đại hơn, trong trí nhớ của An-tư-nai và trong cả trái tim bé nhỏ của tôi nữa.
Xuất hiện tại làng Kurkureu, trên người không có nổi một chiếc áo lông, trên tay không có lấy một chiếc rìu, dưới chân đến một con ngựa cũng không có, hiển nhiên là Đuy-sen sẽ gặp phải khó khăn không hề nhỏ, đó là dân làng không dành niềm tin cho anh. Chỉ với một tờ giấy gập tư có đóng dấu của chính quyền Xô Viết về việc học hành của trẻ em, Đuy-sen đã tự mình xây nên ngôi trường đầu tiên cho ngôi làng của mình. Tôi đã không hiểu vì sao Đuy-sen lại có sức mạnh lớn đến như thế, khi anh một mình đi kiếm từng bó củi hay từng bó rạ khô rồi cõng trên lưng, lủi thủi leo lên ngọn đồi để tới chỗ chuồng ngựa bỏ hoang, nơi sẽ được trưng dụng để làm trường học. Có phải vì anh đã được đi ra khỏi những cánh đồng làng, tới những mảnh đất rộng lớn bao la, tới được Mátx-cơ-va, tới được những nơi con chữ giúp người ta lớn lên từng ngày, thoát được đói nghèo và sống hạnh phúc hơn? Có lẽ, những ước mơ của anh đã bay xa thật xa, đã ngày một trưởng thành nên anh mới có đủ tự tin để đem kiến thức của mình, những con chữ cũng không phải lớn lao gì như chính anh đã từng thừa nhận, “Vì thật ra thầy cũng chẳng biết được bao nhiêu chữ nghĩa.”, để trở về dạy cho lũ em thơ.
Thầy giáo Đuy-sen cũng tự mình tìm đến từng nhà trong làng, những ngôi nhà không thẳng hàng đúng lối, cũng chẳng có đường có lối mà đi để vận động các gia đình cho con em đi học. Tôi đã nín thở chờ đợi những bước chân của Đuy-sen đến ngôi nhà cuối làng, nơi An-tư-nai đang sống, tôi đã hy vọng rằng Đuy-sen sẽ không bỏ lỡ An-tư-nai, bởi vì đó là người duy nhất đã bí mật giúp anh xây trường, dù chỉ bằng một bao ki-giắc bé nhỏ. Và tôi cũng đã thấy sợ khi bà thím ác độc của An-tư-nai quyết không cho cô đi học. Nếu không phải người chú vốn ghét bị vợ trèo đầu cưỡi cổ nổi cơn điên tiết lên, thì có lẽ thầy giáo Đuy-sen đã chẳng thể nào có được cô học trò ham học An-tư-nai rồi.
Thế rồi thầy giáo Đuy-sen bắt đầu dẫn dắt những học trò của mình bước vào thế giới đầy say mê và hào hứng với những con chữ, những kiến thức mà bao đời qua họ chưa hề biết đến. An-tư-nai và các bạn đã biết được rằng biển cả còn rộng hơn cả những bình nguyên, trên biển sẽ có những con tàu to như cả một quả núi. Bằng trái tim của mình, thầy Đuy-sen đã truyền lại cho An-tư-nai và các bạn tất cả kiến thức mà thầy có được, thầy dạy cả những thứ mà bản thân tự cho là cần thiết theo trực giác. Không sách giáo khoa, không sách vỡ lòng, không một khái niệm cỏn con về chương trình học và về phương pháp giảng dạy, cứ như thế, thầy Đuy-sen mở từng cánh cửa tri thức cho mỗi học sinh của mình.
An-tư-nai cứ thế dần dần lớn lên, trong những bài học của thầy và trong cả sự chăm sóc ân cần của thầy. Tôi hiểu và biết rằng An-tư-nai yêu thầy giáo Đuy-sen của mình, ban đầu đó chỉ là thứ tình cảm biết ơn vì một nụ cười niềm nở, tiếp đó là hình ảnh mạnh mẽ như một người anh trai luôn bảo vệ cô, và rồi đó là tình yêu khi cô lo lắng đến òa khóc trong đợi chờ khi thầy giáo đi lên huyện mãi không trở về.
An-tư-nai cũng đã thừa nhận tình yêu đó với chính bản thân mình và thổ lộ với thầy Đuy-sen, tất nhiên là nhiều năm về sau, nhưng còn Đuy-sen, người thanh niên xanh xao trong chiếc áo khoác dạ bộ đội màu đen ấy, anh có yêu An-tư-nai, cô thiếu nữ tốt bụng và ham học đó hay không?
Bản thân tôi nghĩ rằng câu trả lời là “Có!” Chàng thanh niên Đuy-sen đã yêu cô thiếu nữ An-tư-nai bằng tất cả trái tim mình, bằng tất cả những gì mình có, và bằng cả cuộc đời của anh. Đọc hết cả tác phẩm, tôi không biết Đuy-sen yêu An-tư-nai tự lúc nào, tôi chỉ biết điều đó khi anh gọi An-tư-nai bằng những cái tên trìu mến mà có lẽ chỉ có mình anh mới hiểu ý nghĩa của chúng mà thôi.
Đuy-sen đã gọi An-tư-nai của những ngày đầu là “Dòng suối trong trẻo của thầy!” lúc hai thầy trò đang miệt mài đắp đá trên dòng sông để lũ trẻ có thể đi học dễ dàng, lúc ấy, cô gái nhỏ thừa nhận rằng đã đổ một bao ki-giắc giúp anh xây trường. Khi An-tư-nai đang sợ hãi trước việc bị bà thím gả đi lấy chồng trên núi, Đuy-sen đã an ủi cô bằng cách mang hai cây phong nhỏ về và cùng cô trồng chúng trên mảnh đất cạnh trường, lúc ấy anh đã gọi cô là “Ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy!” Ngôi sao của anh mang theo ước mơ và khát vọng học tập, anh đã ước ao ngôi sao nhỏ của mình sẽ được hạnh phúc, dẫu chỉ là trong học tập.
Và rồi khi An-tư-nai bị bắt đi, Đuy-sen đã dùng hết sức lực của mình để chiến đấu. Người thanh niên xanh xao ấy đã bị đánh đập tàn nhẫn, anh bị đập gãy tay, bị đập vào đầu và bị đâm gậy nhọn vào người. Cuối cùng, An-tư-nai và Đuy-sen cũng không thể thắng được. Ba ngày sống trong tủi nhục, An-tư-nai đau khổ cuối cùng cũng được thầy Đuy-sen giải cứu với sự giúp đỡ của hai người công an. Ba ngày đớn đau đó của cô, có lẽ Đuy-sen cũng không kém phần khổ sở. Bình thường, Đuy-sen phải mất đến hai ba ngày đi bộ mới có thể vừa đi ra huyện và trở về làng. Lần này, Đuy-sen đã dùng ba ngày đầy máu và nước mắt ấy để đi ra huyện tìm kiếm sự giúp đỡ của công an và chạy đến thung lũng trong núi sâu giải cứu cô học trò nhỏ của mình.
Có thể người khác sẽ cho rằng, hành động của anh chỉ có thể hiểu là trách nhiệm của một người thầy giáo. Nhưng bản thân tôi thì lại có suy nghĩ khác. Tôi vẫn ám ảnh trong đầu hình ảnh Đuy-sen tay quấn băng cầm cương dắt ngựa cho An-tư-nai, anh cứ lặng thinh bước, mái đầu cũng quấn băng cứ cúi gằm lại. Đuy-sen dành cho An-tư-nai không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là tình yêu chớm nở giữa một chàng thanh niên dành cho một cô thiếu nữ đang tuổi trưởng thành. Tôi tin vào điều đó khi Đuy-sen cầm hai bàn tay của An-tư-nai rồi áp lên má mình và thủ thỉ xin cô tha lỗi cho mình vì đã không thể bảo vệ được cô. Tôi cũng tin vào điều đó khi Đuy-sen đưa một miếng xà phòng cho cô để cô có thể ngâm người giữa dòng suối mát lạnh và kỳ sạch hết những ký ức đau khổ mà cô vừa trải qua. “Tắm đi, An-tư-nai, em sẽ thấy dễ chịu hơn, được chứ?”
Và tôi cũng sẽ không thể nào quên được cảnh Đuy-sen từ biệt An-tư-nai trên sân ga để cô đi về thành phố, rời xa làng Kurkureu, rời xa khỏi đau khổ, và cũng là rời xa khỏi vòng tay anh. Tôi vẫn nghĩ rằng, những giây phút ấy, khi Đuy-sen ôm cô vào lòng, vuốt tóc cô, vuốt má cô, rồi “mân mê cả những chiếc khuy trên áo”, đó chính là tình yêu anh dành cho cô. “An-tư-nai ạ, lẽ ra không bao giờ thầy để em xa thầy một bước!”, Đuy-sen đã trìu mến nói với An-tư-nai như vậy, anh vẫn muốn ở bên cô, vẫn muốn được bảo vệ cô, nhưng anh không đủ kiến thức để truyền tải cho cô nên anh đành phải để cô ra đi. Giây phút cuối cùng khi đoàn tàu chuyển bánh, Đuy-sen với đôi mắt nhòa lệ đã gọi cô là “Ngọn lửa nhỏ của thầy!”, ngọn lửa của trái tim anh đã rời xa anh đến một chân trời mới. Tôi đã từng hy vọng rất nhiều, rằng khi ấy, sau khi cất tiếng gọi “An-tư-nai” kéo dài đầy ám ảnh, đoàn tàu sẽ đi chậm lại chỉ một vài giây thôi, đủ để Đuy-sen có thể nói với An-tư-nai một điều vô cùng quan trọng “thốt lên tự đáy lòng, từ những nơi sâu kín nhất của tâm hồn Đuy-sen”.
Nếu không phải là tình yêu, vì sao qua nhiều năm tháng, Đuy-sen vẫn một mình tỉ mỉ chăm sóc hai cây phong ngày một cao to vững chãi với mưa bão? Vì sao khi An-tư-nai viết thư thổ lộ tình yêu của mình với anh, Đuy-sen không hề đáp lại mà còn chấm dứt mọi liên lạc với cô? Liệu đó có phải vì anh không muốn tình yêu của mình cản trở bước đường phát triển của cô hay không? Nếu không phải vì quá yêu cô, tại sao chàng thanh niên năm nào vẫn cứ mãi sống độc thân cho tới tận khi về già như thế? Và nếu không phải vì yêu, tại sao khi bà An-tư-nai trở về làng dự lễ khánh thành trường học, ông lão đưa thư Đuy-sen chỉ giục ngựa về thật nhanh để giao các bức điện của các học sinh cũ cho người dân để đọc trong buổi lễ mà không vào uống một cốc nước chúc mừng, không vào để gặp lại An-tư-nai.
Ôi Đuy-sen tội nghiệp, cuộc đời đã không ưu ái cho anh trước khi anh về già, không cho anh gặp lại dòng suối trong trẻo của anh, ngôi sao nhỏ trong sáng của anh, ngọn lửa nhỏ của anh, tình yêu của anh. Khi An-tư-nai bay cao trên con đường học vấn của mình, khi bà trở thành một bà Viện sĩ Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm bộ môn Triết học ở trường đại học Tổng hợp, Đuy-sen chỉ là một cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô mang trên mình những vết thương chiến tranh và nằm trong bệnh viện ở mảnh đất Ucraina xa xôi. Khi Đuy-sen quyết định trở về làng để được chết ở quê cha đất tổ, năm năm sau đó, ông lão Đuy-sen mới có cơ hội để gặp lại An-tư-nai nhưng ông đã từ chối cơ hội đó. Có lẽ nào vì ông không muốn bà An-tư-nai lâm vào cảnh khó xử khi người ta tán tụng bà như một người có học thức nhất làng mà lại cười cợt anh thanh niên Đuy-sen ngày nào chỉ biết có vài con chữ cũng đòi làm thầy giáo.
Thầy Đuy-sen của tôi, xin cho tôi được gọi thầy như thế, tôi càng thấy trân trọng nhân cách cao đẹp của thầy hơn. Khi thầy cưỡi ngựa đi ngang qua cửa sổ, bên trong là không khí rộn ràng vui vẻ, bên trong là tình yêu của thầy, thầy chắc rằng đã phải đau khổ lắm, thầy đã phải dằn lòng mình thế nào thì mới không đi vào để ôm lấy An-tư-nai và để gọi cô là “Ngọn lửa nhỏ của thầy” như ngày nào? Thầy đã kìm lòng mình thế nào mới không đi vào để hét to lên với mọi người rằng, Đấy, người phụ nữ ấy là học trò của tôi đấy, bà Viện sĩ ấy là cô học trò ngày xưa tôi đã dạy những chữ cái đầu tiên đấy.
Thầy Đuy-sen của tôi đã bằng nhân cách cao đẹp của một người thầy, lặng lẽ bước qua tất cả những lời chê bai, những lời chế giễu, những câu đùa cợt bất kính từ chính những con người đã từng là học trò của thầy trước kia. Tấm lòng của thầy, có lẽ chỉ có ngọn đồi trơ trọi có tên “Trường Đuy-sen” với hai cây phong vẫn hiên ngang sừng sững đứng đó làm chứng nhân. Tấm lòng của thầy, có lẽ chỉ có An-tư-nai mới có thể hiểu được.
Thầy không nói nhiều, chỉ dùng hành động của mình để xây những bậc thang đầu tiên cho học trò mình bước lên đó và hướng về phía mặt trời. Khi họ đã đến đỉnh cao của danh vọng, có thể họ sẽ quên mất thầy hoặc không muốn quay trở lại và không dám đối mặt với thầy, thầy vẫn lặng lẽ đi qua hết thảy mọi việc. Chỉ cần biết rằng, học trò của thầy đã thành công.
Thầy Đuy-sen của tôi với hai bàn tay trắng đã xây dựng nên một ngôi trường, đã vận động được học sinh đến lớp, đã thổi bùng ước mơ cho các em, đã góp phần tạo nên một Viện sĩ Viện Hàn lâm thành công như thế. Còn tôi, tôi không phải một mình chống lại cả làng như vậy, tôi không phải lủi thủi cõng củi lên xây trường, tôi cũng không phải đắp đá xây đường đến trường cho các em. Tôi chỉ phải đấu tranh với chính bản thân mình thôi mà cũng không làm được!
Thầy Đuy-sen của tôi, thầy là người thầy đầu tiên đúng nghĩa của tôi, người thầy đầu tiên trong những trang sách và là người thầy đầu tiên trong cuộc đời. Mỗi lần đọc những dòng chữ của nhà văn Aitmatov viết về thầy, tôi lại thấy xót xa vô cùng, vì sao Aitmatov không thể cho thầy Đuy-sen của tôi nhiều hơn một chút hạnh phúc? Có lẽ nào việc thầy Đuy-sen nhìn thấy An-tư-nai thành công đã là niềm hạnh phúc lớn nhất đời thầy rồi?
Tôi còn phải đọc lại “Người thầy đầu tiên” nhiều lần nữa, và tôi cũng muốn gặp lại thầy Đuy-sen của tôi nhiều hơn, vì mỗi lần đọc lại là tôi lại ngẫm ra được một bài học mới cho mình. Không phải tất cả những gì mình làm cho người khác đều phải nhận được lời cảm ơn hay một sự thừa nhận nào đó, có lẽ sự thành công của những học trò của mình mới là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời này. Giống như thầy Đuy-sen của tôi, ngọn đồi và hai cây phong mãi mãi là chứng nhân cho những gì mà thầy đã cống hiến.
Tôi sẽ lại kiên định bước đi trên con đường mà mình đã lựa chọn nhiều năm nay, có lẽ vẫn có nhiều khó khăn, nhưng không phải khó khăn lớn đến thế nào thầy Đuy-sen cũng đã vượt qua sao? Cứ vậy mà tiến bước theo thầy Đuy-sen thôi, đừng nản chí nữa, cố lên tôi nhé!