Chương 1
Phía Đông, tòa nhà Quốc Hội.
Quanh đó, đầy nghịt những người bạo động. Họ không ngừng la hét, chỉ trỏ và ném vào tòa nhà nghiêm trang những thứ rác rưởi, nhưng điều kì lạ ở đây là không hề thấy hình dáng của bất kì vị cảnh sát nào ngăn lại. Giống như là cả đất nước đều đồng tình về việc này.
Dãy hành lang trống vắng không một bóng người. Đôi lúc lại nghe thấy tiếng vọng lại qua những cánh cửa gỗ và sàn nhà lát đá cẩm thạch sang trọng. Nơi này vẫn thường hay chào đón những vị khách quý từ bốn phương, nhưng chuyện đó đã lui vào dĩ vãng năm năm trở lại đây.
Trong phòng làm việc, vị lãnh đạo đáng kính đang nằm dài trên ghế, lâu lâu lại dùng chân đẩy làm cái ghế xoay mòng mòng. Giấy tờ trên bàn để lung tung, dưới sàn thì không biết bao nhiêu thư là thư, hầu hết đều là phàn nàn, phần còn lại là thư xin từ chức. Ai da, quả là có nhiều người yêu nước: “Vì bất mãn với chế độ đương thời, vả lại không chịu được áp bức, dân chúng khổ sở lầm than, chỉ cần nhìn thôi thì ai nấy đều thấy đau lòng. Là một người viên chức nhà nước lại không can thiệp được, quả là hổ thẹn, vì thế nên từ chức.”
Lá đơn nào cũng vậy, nội dung lẫn lời nói đều tỏ ra khí phách yêu nước yêu dân, liêm chính hệt như những vị quan đáng kính của lịch sử dân tộc, khi đọc thì có thể thấy trước mắt hiện lên dân tình đau thương thế nào. Nhưng, chúng lại khiến Lam Duy nhàm chán vứt đi. Dù sao, có cho phép hay không thì chúng cũng sẽ làm theo ý của mình, vì vậy nên không đọc cũng không thành vấn đề.
Anh nhắm mắt lại, yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài bát nháo, náo động đến đâu cũng chẳng liên quan tới anh, dù cho có nổi loạn hay biểu tình tới cỡ nào cũng đừng mong anh sẽ từ bỏ chức vị này một cách dễ dàng đến thế.
Trộm cắp tràn lan, tội ác ngập đầu, người dân bực tức không ít, chán nản cũng không hiếm, nổi loạn cũng không phải là không có, vậy mà chỉ cần một tiếng búa vang lên là tất cả đều im lặng. Thẩm phán tham nhũng, viên chức nhà nước vô dụng, thứ gì ưu tiên cũng là tiền trên hết. Nơi tòa án, ác nhân cười, thiện nhân khóc. Trong ngục tù, tốt bị giam cầm, còn xấu thì tự do.
Cái đất nước này, ai cần nữa chứ? Vốn nhà nước cạn sạch, thương trường quốc tế chỉ đứng hạng bét, đầu tư nước ngoài tha hồ bóc lột nguồn lao động, nước láng giềng nói lời ngon tiếng ngọt như rót mật vào tai, này thì tiền, này thì ruộng đất, kiểu gì chả nghe theo? Đến cả nguồn tài sản biển ít ỏi cũng không thương tiếc mà bán rẻ đi. Thây kệ, có sao đâu, miễn ta được lợi là tất tần tật đều không sao cả.
Kinh tế phát triển không nổi thì lấy đâu ra dân giàu. Công xưởng đóng cửa hết, nạn thất nghiệp hoành hành, từ tỉnh lẻ đến thành phố, đâu đâu cũng thấy người người chen chúc trong căn hộ ổ chuột. Phụ nữ thì bị bạo hành, khắp người thương tích, tưởng như sắp chết, ấy thế mà chính quyền có thèm đụng tới đâu. Trẻ em ngây thơ đùa giỡn bên đường, chân tay thì như da bọc xương, có ai quan tâm sao?
Đất nước tự hào về lịch sử vĩ đại của mình. “Một đất nước nhỏ chống chọi bao nhiêu quân xâm lược, cuối cùng lại đánh thắng cả một cường quốc, thoát khỏi ách đô hộ cay nghiệt của chúng, từ trên xuống dưới ai nấy đều rất hài lòng”. Trong sách vở, cái nào cũng viết như thế, nhưng có ai biết đại nạn ba năm mà dân chúng phải chịu sau khi giải phóng không? Đại nạn ấy, còn tàn ác hơn mọi thứ mà cường quốc kia đã từng làm cho dân chúng.
Sau khi thống nhất đất nước thì sao? Người lãnh tụ vĩ đại bỏ ra bao công sức để xây dựng lại một chế độ công bằng cho mọi người, hòng có thể làm yên lòng dân, chuộc lại lỗi lầm của mình sau khi giải phóng đất nước đã không lo chu toàn.
Ai ngờ, vừa mới thành công được mười năm đầu thì lại bị tước nhiệm kì, nhường quyền cho một tên rác rưởi nhờ đút hối lộ và có người quen trong bộ máy nhà nước mà được tiến cử. Hắn làm bao nhiêu chuyện ác đức, đã thế lại còn đè lên dân một món nợ mà đáng ra hắn phải tự làm ngàn kiếp để trả cho đủ, và đến khi xuất hiện một tên sát nhân không tình người chém giết tất cả, làm cho bốn phương loạn lên thì cao thượng nhượng lại tất cả cho một gã không tiền đồ quản lý, còn mình thì cao chạy xa bay.
Đất nước này, có sụp đổ thì sao đâu? Dù gì cũng có phải lỗi của anh? Còn vụ án không lời giải nọ, cũng có phải anh chịu trách nhiệm? Tên sát nhân đó, thực ra là đang cứu rỗi đất nước này.
Lam Duy vừa nhắm mắt lại thì có tiếng gõ cửa. Anh mỉm cười, nhẹ nhàng bảo:
“Mời vào.”
Một chàng trai ăn vận lịch thiệp mở cửa bước vào. Y trông còn rất trẻ, khoảng độ ba mươi, có một gương mặt rất chính nghĩa: vầng trán cao, đôi mắt tinh tường quan sát mọi thứ mà không một chút e sợ. Y cao dong dỏng và dù có hơi gầy nhưng trong bộ áo vest xám nâu và cà vạt chỉn chu, trông y rất đáng kính, giọng điệu lại đanh thép. Cả người y như đang tỏa ra một hào quang xung quanh. Quả là một người đáng để có thể tiếp quản một đất nước.
Lam Duy gật đầu, lại nhắm mắt, nhưng môi đã thoáng ý cười. Người kia khẽ đóng cửa lại, đang định bước thì một giọng điệu nhẹ nhàng vang lên:
“Chàng trai, nếu mà cậu làm bẩn dù một mảnh giấy thôi, tôi sẽ giết cậu.”
Lê Hồng khựng lại một chút, dưới gáy bỗng truyền lên một tia lạnh ngắt. Quả nhiên đối với người có quyền lực lâu ngày thì lời nói sẽ thành ra có trọng lượng nốt. Y khẽ thở hắt, cố gắng len lỏi cẩn thận đi vào tận bàn làm việc của Chính Phủ, lúc này y mới nhận ra là dù cho trông có lộn xộn đi chăng, thì vẫn có một trật tự vô hình trong căn phòng này.
Lam Duy nhẹ lắc lư người trên cái ghế xoay:
“Sao vậy, có chuyện cần bàn hả?”
***
“Bên ngoài náo nhiệt thật ha.”
Ủy ban xã Thanh Xuân phía đông - Tri Ngọc mua một lon cà phê từ máy bán nước tự động, nhìn bên ngoài tấm tắc. Có phải đời nào cũng nhìn thấy cảnh dân chúng đứng lên phản đối đâu, cơ hội hiếm có của cô để có thể chiêm ngưỡng cảnh sụp đổ của một chế độ độc tài cũ mang tiếng là công bằng, nhưng thực chất lại là tàn dư của xã hội phong kiến.
Văn Lâm, Ủy ban xã Kháng Chiến phía đông, cũng có phần tấm tắc. Hắn dựa vào tường, nhìn cảnh hỗn loạn bên ngoài. Quả nhiên dân vẫn là dân. Mặc dù nổi loạn đi chăng nữa, kể cả khi tòa nhà Quốc Hội này không có ai bảo vệ, họ vẫn không dám bước vào. Phải chăng họ sợ bị quyền lực trong này đè bẹp?
“Lúc nãy… Lê Hồng vừa nói là sẽ đi gặp tận mặt Chính Phủ hỏi cho ra chuyện, hẳn là giờ này đã xong rồi hả?” – Tri Ngọc lắc lắc lon cà phê trên tay mình, môi có hơi nhoẻn lên một chút, quay sang hỏi Văn Lâm.
Hắn ngước đầu lên trời, nhún vai một cái:
“Nào có biết. Phải hỏi trời thôi. Mà cô cũng đừng lo quá làm gì, bây giờ không ai bên phía của chính quyền nữa. Vả lại, Nguyễn Tân ngoài kia hẳn sẽ không bỏ qua cho ai động vào Lê Hồng đâu.”
Văn Lâm cười khẩy một cái. Mặc dù bộ dáng bây giờ cũng băn khoăn không kém, nhưng mà hai người tin chắc người như Lê Hồng sẽ thông minh giải quyết mọi chuyện nhanh thôi.
***
Lê Hồng bước ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Hắn nhanh bấm một dãy số gọi cho Nguyễn Tân:
“… Nhanh, an định nhân dân, rồi giải tán ngay cho tôi.”
“Này! Cậu làm sao vậy? Hắn đã chấp thuận chưa?”
Đầu dây bên kia vang lên tiếng nói. Lê Hồng nghiến răng, chân bước nhanh hơn qua dãy hành lang:
“Chấp thuận hay không, ngày mai hẵng tính tiếp. Quan trọng vẫn là… tính mạng…”
Một khoảng không im lặng. Nguyễn Tân đang tức muốn chết, lại không nghe thấy tiếng của Lê Hồng nữa thì có hơi hoảng sợ. Lúc nãy hắn nói gì mà tính mạng, nhưng tính mạng ai cơ chứ?
Nguyễn Tân giữ bình tĩnh:
“Lê Hồng! Lê Hồng! Cậu làm sao vậy? Trả lời tôi!”
“Nhanh… Cậu không nghe tôi nói gì hả? Giải tán hết cho tôi!”
Lê Hồng tức giận cúp máy. Tay hắn ghì chặt vai Tri Ngọc, lắc mạnh:
“Cô! Dậy ngay, tôi nói cô dậy ngay!”
Lại quay sang Văn Lâm:
“Đừng có ở đó nữa, tỉnh lại đi! Văn Lâm! Văn Lâm!”
***
Phòng Chính Phủ.
Lam Duy quay cây bút chì trên tay, mắt vẫn nhắm lại hướng ra cửa sổ, gió luồn qua tấm rèm cửa trắng mỏng, phớt nhẹ lên làn da trắng lạnh ngắt không chút sức sống của anh:
“Ha…”
***