Xóm Nghèo Giữa Phố Thị - Cập nhật - Thất Tiên Nữ

Thattiennu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
18/4/15
Bài viết
19
Gạo
0,0
- Tên truyện: Xóm Nghèo Giữa Phố Thị
- Tên tác giả: Thất Tiên Nữ
- Tình trạng truyện: Đang viết
- Giới hạn độ tuổi đọc: Không giới hạn
- Cảnh báo về nội dung: Không
- Giới thiệu truyện: Ở bất cứ xã hội nào cũng luôn tồn tại hai khái niệm Giàu và Nghèo. Khi bạn giàu, không có nghĩa là bạn được khinh khi, sỉ nhục người khác. Còn khi bạn nghèo, không có nghĩa là bạn phải cúi đầu, hạ thấp bản thân mình. Đó là ý nghĩa nhân văn mà câu chuyện này muốn mang lại cho người đọc.

Danh sách các chương:
Chương Một
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Thattiennu

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
18/4/15
Bài viết
19
Gạo
0,0
Chương Một

- Mày bị làm sao vậy Bình, tỉnh dậy đi, nghe tao nói không.

Đó là khoảng thời gian tôi lên mười tuổi. Tôi với Bình vốn ở cùng xóm nhỏ, cả hai tuy không bà con thân thiết gì với nhau nhưng có những đặc điểm tương đồng, đều là con trai, đều cùng tuổi nhau, cao bằng nhau và nghèo như nhau. Trong thâm tâm tôi, Bình là một thằng bạn tốt, tính hơi lầm lì, đặc biệt là ham chơi game. Thời ấy, chính xác là khoảng thời gian 2002 - 2003, thằng Bình trong cơ thể bé tí tẹo vì “thiếu ăn thiếu uống” thường xuyên trộm tiền của ba mẹ hắn để trốn ra tiệm nét rồi “thơ thẩn” trong những trò chơi vô bổ, mà khi ấy, hắn say mê như thuốc phiện. Có lúc vì không có tiền nên hắn chỉ dám đứng đằng sau coi bọn nhóc con khác trong xóm chơi, tay chân của hắn lắt lư như thể mình đang nhập vai vào game.

Việc thằng Bình trộm tiền để chơi game thì cả ba lẫn mẹ hắn đều biết, ấy vậy mà mẹ hắn thường xuyên ra sức bênh vực cho con, trong khi ba hắn tỏ ra giận dữ và đưa ra những lời cảnh cáo hết sức nghiêm khắt nhắm vào đứa con ngỗ nghịch này.

- Từ nay tao cấm mày ăn cắp tiền, tao mà phát hiện ra lần nữa thì mày nhừ đòn. - Chú Tý, ba thằng Bình mặt mày nghiêm nghị nói.

- Ông từ từ rồi khuyên nhủ con, thằng bé còn nhỏ, chuyện ham chơi là bình thường, mình sẽ uốn nắn nó dần dần. - Cô Hồng ra sức bảo vệ cho con.

Cứ hỡ khi nghe những lời quát mắng đầy thịnh nộ của ba, thằng Bình chỉ biết khoanh tay, đầu cúi xuống đất như thể hắn là một tội phạm vừa gây án. Hôm ấy, tôi thấy hắn đứng trước cửa nhà suốt gần ba tiếng đồng hồ, người hắn bất động và đôi mắt ngân ngấn lệ. Mẹ hắn đôi lúc từ trong nhà ra an ủi và khuyên con trai vào nhà vì trời đang có dấu hiệu sắp chuyển mưa. Tuyệt nhiên, hắn gạt phắt tay mẹ ra và tiếp tục đứng như trời trồng.

- Mẹ cứ mặc con. - Bình nói với giọng mếu máo.

Bên trong nhà, ba của hắn nói vọng ra:

- Bà cứ kệ nó, coi nó lỳ lợm được bao lâu, mới chút xíu mà tính tự ái cao ngút trời thế này thì tôi cũng đành chịu, bà coi dạy dỗ nó sao thì dạy.

Thoạt sau, chú Tý bước ra khỏi nhà, trên vai là bộ đồ nghề làm hồ với nào là thước, bay, kềm, lưỡi cưa… À, thì ra, chú ấy sắp đi công trình xa ở dưới miền Tây, nghe nói đi hơn một tuần mới về.

- Anh Tý ơi, đến giờ đi rồi đấy, anh em đang đợi. - Bác Kiên, một thợ xây dựng có nhà cuối xóm nói vọng vào.

- Tôi đang ra đây, chuẩn bị đi thôi anh em. - Chú Tý nhanh nhảu trả lời.

Trước khi đi, chú Tý với khuôn mặt “đã bình thường trở lại” bước tới chỗ thằng Bình, rồi ân cần dặn dò:

- Ở nhà ngoan nha con, tao thương mày, muốn tốt cho mày nên đôi lúc có nóng tính một chút, mày phải thông cảm cho ba mày. Thôi vào nhà nghỉ ngơi rồi coi phụ giúp mẹ, tuần sau tao về mua cho gói kẹo.

Nói xong, chú Tý nhẹ nhàng hôn lên trán thằng Bình, trong khi đó tay trái ông xoa đầu thằng con trai ra vẻ thương yêu, trìu mến.

Khuôn mặt của hắn dần dần dịu xuống, miệng lí nhí trả lời:

- Dạ, con biết rồi, ba đi sớm về sớm ạ.

Thế là chú Tý tạm thời xa mẹ con hắn một tuần, điều này dường như đã trở thành điều bình thường đối với gia đình thằng Bình, bởi vì ba nó cứ trung bình một tháng là phải đi công trình xa nhà vài ngày.

Xóm tôi thời ấy có khoảng chín gia đình sinh sống, nhưng chỉ duy nhất có chú Tý và chú Hoàng là họ hàng thân thiết với nhau. Các gia đình khác - trong đó có gia đình tôi, đều là những “người dưng nước lã” từ khắp phương trời đổ về đây sinh sống, rồi dần dần trở thành những người hàng xóm “sớm lửa tối đèn có nhau”.

Nói về chú Hoàng - người được xem là có mối quan hệ ruột thịt với ba thằng Bình, nhưng thật chất cách đối xử của gia đình chú Hoàng đối với gia đình chú Tý phải nói là tệ hơn cái chữ “tệ”.

Khi ấy, gia cảnh nhà chú Hoàng thuộc dạng khá khẩm nhất khu xóm tôi, nếu không muốn nói là giàu nhất cả khu phố nơi tôi ở. Trên dưới trong nhà chú có cả thảy ba chục con người. Chỉ tính riêng gia đình của chú thì chỉ có vỏn vẹn năm người, bao gồm ông bà, vợ chồng chú và thằng Bấc - đứa con có biệt danh “quý tử khu phố” thuở ấy. Số người còn lại là những người làm công ăn lương cho gia đình chú.

Với tôi, chú Hoàng có tài kinh doanh và quan hệ tốt thời bấy giờ. Chú mở một lúc hai cửa hàng khá khang trang, một cái là tiệm sửa xe máy, một cái là lò bánh mì. Thằng Bấc - con trai chú, thì ăn sung mặc sướng, học hành toàn trường tuyển của thành phố những năm 2002 - 2003.

Vì là con một, lại là con nhà giàu nên Bấc tỏ ra rất hống hách, nói chính xác hơn là ngỗ nghịch và có phần… mất dạy. Bấc hơn bọn tôi hai tuổi, tức mười hai tuổi, chúng tôi thường gọi là “Anh Bấc” theo một cách đầy tôn trọng với kẻ làm đàn anh. Nhưng đáp lại, hắn luôn tỏ ra khinh thường tôi và Bình ra mặt, nhất là những lần bọn tôi rủ hắn đi đá banh, bắn bi.

Đối với các cô chú lớn tuổi khác trong xóm, Bấc cũng không tỏ ra lễ phép là mấy, dường như hắn xem những người nghèo khổ như chúng tôi là giới hạ lưu, không cùng “đẳng cấp” với hắn, dẫu rằng hắn chỉ mới mười hai tuổi đầu, cái tuổi chưa đủ lớn để hiểu hết sự đời.

Tuy có chung mối huyết thống, nhưng sự đối lập về gia cảnh cũng như tính cách của Bình và Bấc là quá lớn. Trong khi một thằng xuất thân giàu nhất xóm, một thằng thì đến từ gia đình nghèo nhất xóm. Hiếm khi tôi thấy cả hai chơi chung với nhau, thậm chí chỉ là nói chuyện với nhau. Tôi chỉ biết cứ mỗi khi Tết về, gia đình chú Tý đều qua nhà chú Hoàng hỏi han và chúc tết cho Ông Bà nội của bọn nó. Còn những ngày khác trong năm thì tuyệt nhiên cả hai gia đình không đá động gì với nhau, trừ những chuyện làm ăn.

Nhớ có lần, ba thằng Bình gặp nạn trong lúc làm việc và phải nằm viện điều trị vài ngày, cả xóm chúng tôi kháo nhau đi vào viện thăm chú Tý, người thì mua cho hộp sữa, người thì vài ký táo, ký mận. Ấy vậy mà trong số những con người vào thăm đó, không có gia đình chú Hoàng.

Nhiều lần tôi tự hỏiviệc có anh em ruột thịt như thế này để làm gì và điều gì đã khiến mối quan hệ của họ bị rạn nứt đến mức đáng sợ như thế này?

Trở lại với buổi chiều ngày hôm đó, sau khi tạm biệt Ba, thằng Bình đã “ngoan ngoãn” quay vào trong nhà, bất chợt hắn sà vào lòng mẹ hắn, khóc nức nở như thể vừa bị cô giáo phạt.

- Mẹ! con xin lỗi.

- Thôi, ngoan, thay đồ rồi tắm rửa đi. Học hành đàng hoàng rồi ba mẹ cho tiền mà chơi. Nhà mình nghèo về vật chất nhưng tuyệt đối không thể nghèo về nhân cách. - Cô Hồng xoa đầu Bình an ủi và nói.

- Con chừa rồi. Giờ mẹ chuẩn bị đi làm hả mẹ? - Bình nhỏ nhẹ hỏi.

- Ùa, con ở nhà coi có bài tập gì cô đưa cho thì lấy ra làm. Mẹ có nấu cơm rồi, đói thì tự lấy mà ăn.

Dặn dò cậu con trai xong, cô Hồng cũng tức tốc tắm rửa rồi vội thay bộ quần áo cũ sờn rách, chuẩn bị cho ngày làm việc mới bắt đầu. Đối với cô, nghề bán bánh mì thịt bữa tối tuy lời ít nhưng đủ cho cô có một khoản nho nhỏ chi tiêu trong gia đình. Đôi lúc còn dư ra vài đồng bạc lẻ cho thằng con trai ăn vặt, chơi game.

Như thường lệ cứ đến sáu giờ chiều, cô Hồng đều ghé ngang nhà chú Hoàng - cũng là người anh rể của cô, để lấy bánh mì. Mỗi ngày, cô đặt khoảng ba mươi ổ bánh mì không. Mà thời ấy, bánh mì không có giá khá rẻ, chỉ hai trăm đồng một ổ. Khách hàng của cô Hồng chủ yếu là những người quen trong xóm và các lao động đang làm việc tại nhiều cơ sở sản xuất lân cận.

Cứ tối đến, nhà thằng Bình bỗng trở nên lặng lẽ hơn bao giờ hết. Hiếm khi tôi thấy cả gia đình hắn ngồi quây quần bên mâm cơm. Lúc thì mẹ hắn vắng nhà, lúc thì ba hắn đi công trình xa. Nhưng hôm nay, cả ba mẹ hắn đều đi cả, để lại thằng con trai tội nghiệp trong căn nhà tồi tàn nhất khu xóm. Cái nghèo, cái khó dường như đang bủa vậy nhiều gia đình tại đây. Mà trong đó, gia đình Bình là chịu ảnh hưởng nhiều hơn bất cứ gia đình nào.

Thường mỗi khi ba mẹ vắng nhà, Bình chạy qua nhà tôi, rồi rủ tôi qua nhà hắn chơi. Tôi lại là thằng ham chơi nên ít khi nào từ chối hắn, mặc dù tôi biết bên nhà hắn chả có gì thú vị để mà chơi. Ti-vi không có, radio không có, cái sân để cho bọn tôi chơi cò cò, bắn bi cũng không…

Tối ấy, sau khi phụ giúp gia đình làm một số việc vặt, tôi liền té ù sang nhà thằng Bình. Tại đây, hai bọn tôi bàn kế hoạch đi bắt dế ở một khoảng đất trống cách nhà thằng Bình độ trăm mét.

- Mày đi kiếm cho tao hai vỏ thuốc lá. - Bình nói.

- Tao sợ giờ này không có con dế nào đâu mà bắt.

- Tao biết một chỗ nhiều dế lắm, mày cứ kiếm vỏ thuốc về cho tao.

Với tôi, thằng Bình là một chuyên gia bắt dế điêu luyện. Có lần hắn bắt được đôi chục con chỉ trong một bữa tối, rồi “chia” cho bọn nhóc trong xóm mỗi đứa một con.

Cái khoảng đất trống chúng tôi dự định bắt dế trước kia vốn là một cái hồ nhỏ. Sau chiến tranh, người dân trong khu phố tôi góp tiền với nhau rồi đắp nó lại nhằm tạo một sân chơi nho nhỏ cho bọn trẻ trong vùng. Đây cũng là nơi tôi và thằng Bình hay chơi đá banh, đá dế, tạt lon vào mỗi dịp cuối tuần.

Thời ấy, đường phố chỗ tôi ở còn thưa thớt, xe cộ qua lại không nhiều. Lúc lúc thì có chiếc xe tải chở hàng hóa theo hướng từ Bắc vào Nam chạy qua. Cả một đoạn đường dài từ nhà thằng Bình ra bãi đất trống chỉ có vỏn vẹn vài ba bóng đèn đường. Bọn tôi phải dùng đèn pin, rồi men theo lối cũ mà đi. Tuy nhiên, muốn đến được chỗ ấy, chúng tôi phải leo qua một bức tường cao tầm hai mét. Bên kia bức tường là đoạn đường ray xe lửa được xây dựng từ khá lâu. Đối với chúng tôi, đây không phải là một thử thách quá khó, vì dù sao chúng tôi đã quá quen thuộc với việc leo trèo qua bức tường này hàng tuần.

Mất hơn ba mươi phút thì tôi và Bình đã đến được bãi đất trống. Trước mắt chúng tôi giờ là một bầu trời đen tối, xung quanh là những lùm cỏ dại mọc dày đặt dưới những tán cây to. Tiếng dế, ễnh ương kêu vang trời như xua đuổi bọn tôi ra khỏi vùng đất này.

- Mày kiếm chỗ này xem có con dế nào không, tao ra kia kiếm. - Thằng Bình lăm lia chiếc đèn pin nói.

- Nhưng, tao không biết cách bắt. - Tôi trả lời.

- Trước tiên, mày phải lắng nghe và xác định được hướng con dế đang gáy. Khi đã phát hiện được thì phải bước thật nhẹ nhàng. Nếu dế nghe tiếng bước chân sẽ không gáy nữa, làm ta mất phương hướng. Có khi chúng chui xuống hang, trốn mất tiêu. - Thằng Bình giải thích thêm.

Dứt lời, Bình cầm chiếc đèn pin cháy sáng rồi từ từ mất hút tự bao giờ, để lại tôi lặng lẽ với bóng đêm mờ ảo nơi đây.

Làm theo lời thằng Bình dặn, tôi đứng im và chú ý lắng nghe tiếng dế gáy. Nhưng với tôi, thật khó để phân biệt được loại dế đang gáy là dế gì, dế chó hay dế than. Mất một thời gian dài nhưng tôi vẫn chưa “tóm” được con dế nào. Sực nhớ tới thằng bạn, tôi la lên trong màn đêm u tối, gió lớn như sắp đổ cơn mưa to.

- Bình ơi, mày đâu rồi?

- Tao đây này, có chuyện rồi, lại đây. - Tiếng thằng Bình vọng lại cách đó tầm 20 mét.

Nhìn xa xa, tôi thấy ánh đèn phát ra sau một ụ đất nổi không quá cao. Tôi đoán đó là hắn, thằng bạn chí cốt của tôi. Vừa đi, tôi vừa rọi đèn pin, trong tâm trí tôi như có linh cảm chuyện gì đó không ổn đang xảy ra. Quả thật, đến nơi tôi đã thấy thằng Bình nằm bất động dưới đất, mặt mày hắn tái lại như kiểu trúng gió, bên cạnh là chiếc đèn pin, ánh sáng đang yếu dần.

- Mày bị sao vậy? - Tôi hốt hoảng nói.

- Hình như… hình như tao bị rắn, rắn cắn. Rắn độc. - Thằng Bình giọng yếu ớt nói.

- Trời ơi, mày nằm đó đi, đừng cử động. Tao chạy đi kiếm người lớn.

Đoạn tôi chạy đi gọi người lớn trong xóm ra giúp. Người đầu tiên tôi nghĩ đến đó là Ba tôi bởi vì tôi biết giờ này, nhà thằng Bình đâu còn ai.

- Ba, ba ơi, thằng Bình bị rắn độc cắn, ba chạy lại xem đi ba.

- Dẫn đường cho Ba ra đó nhanh lên, rắn độc cắn mà không chữa trị kịp thời là toi mạng đó. - Ba tôi vừa nói vừa tìm cái áo mặc vào.

Tôi và ba tôi vừa đến nới thì thấy thằng Bình đã bất tỉnh tự lúc nào, chiếc đèn pin bên cạnh nó cũng đã tắt ngỏm.

- Mày bị làm sao vậy Bình, tỉnh dậy đi, nghe tao nói không. - Tôi hốt hoảng la to như phá vỡ đi khoảng không gian yên tĩnh vào ban đêm.

- Để cho ba xem, con chạy qua chỗ tiệm bánh mì kêu cô Hồng ra đây.

Thế là tôi lại một lần nữa quay trở về xóm. Nhanh như cắt, tôi chạy ù ra tiệm bánh mì, nơi cô Hồng, mẹ thằng Bình đang đứng bán.

- Cô… cô… Hồng ơi.

- Sao thế cháu, bình tĩnh lại rồi nói cô nghe coi.

- Bình nó bị rắn cắn ở ngoài kia.

- Cái gì, dẫn cô ra đó nhanh.

Chưa kịp nói dứt lời, tôi và cô Hồng chạy tức tốc ra chỗ thằng Bình gặp nạn. Cả ba chúng tôi cùng nhau hỗ trợ đưa thằng Bình tội nghiệp vào trạm xá địa phương. Đó cũng là buổi tối định mệnh đối với Bình, chỉ cần chậm trễ chút thôi là hắn đã bỏ mạng. Nhưng để giữ được mạng sống, các bác sỹ buộc phải cắt bỏ chiếc chân trái của thằng Bình. Sau đợt đó, tính tình thằng Bình trở nên khó chịu và trầm tính hơn, hắn chỉ thui thủi trong xó nhà, ít tiếp xúc với người ngoài. Nhưng tình bạn giữa tôi và hắn không vì vậy mà mất đi. Gia đình hắn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn trăm bề.
 
Bên trên